Lòng khoan dung và xã hội khoan dung – 4 kỳ

  • Kỳ 1: Vua Trần Thái Tông và thời đại khoan dung
  • Kỳ 2 : Một cách hiểu về ‘tam giáo đồng nguyên’
  • Kỳ 3: Tự do thoát thân từ đâu?
  • Kỳ 4: Tự do, con đường chậm chạp
Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 2 : Một cách hiểu về 'tam giáo đồng nguyên' - ảnh 1
Tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định cao 27 mét, nằm ở độ cao 1.400 mét so với mặt nước biển, ở đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) – Ảnh: Nguyễn Tú

***

Lòng khoan dung và xã hội khoan dung

12:50 PM – 03/12/2014

 

(TNO) ‘Khoan dung là hài hòa trong khác biệt. Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị’ – tuyên bố của UNESCO về Năm quốc tế khoan dung 1995.

Kỳ 1: Vua Trần Thái Tông và thời đại khoan dung

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên –  Mông lần thứ nhất (1258), trước sức tấn công như vũ bão của địch, vua quan nhà Trần đã bình tĩnh đưa dân chúng rời bỏ kinh thành Thăng Long nhằm bảo tồn lực lượng để tổ chức phản công. Vua Trần Thái Tông tự mình làm tướng đi đốc chiến.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), nhà vua “đi trước xông pha tên đạn”, nếu không nhờ tướng Lê Phụ Trần liều thân đem ván thuyền che chắn thì chắc đã bỏ mạng nơi chiến trường.

Trước thế giặc như chẻ tre, vua cưỡi thuyền nhỏ đến thuyền của Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế, nhưng ông Thái úy đã không còn chút nhuệ khí chiến đấu nào nên lấy tay chấm nước viết vào mạn thuyền hai chữ “nhập Tống”. Vua ngao ngán dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ thì được một câu trả lời vang danh sử sách: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Đó là ngày 29.1. Chỉ 12 ngày sau, vua Trần Thái Tông cùng Thái tử Hoảng (sau này là vua Trần Thánh Tông) chỉ huy cuộc phản công làm nên chiến thắng Đông Bộ Đầu lịch sử.

Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - ảnh 1

Đền Trần ở Thái Bình – nơi thờ cúng các vị vua Trần – Ảnh: Hoàng Long

Ngay sau khi giặc rút lui, sử sách có ghi một chi tiết đáng chú ý: Cùng lúc thưởng “nóng” cho Hà Bổng, đồng thời tha “nóng” cho Hoàng Cự Đà.

Hà Bổng là chủ trang trại ở Quy Hóa (vùng giáp giới giữa tỉnh Phú Thọ và tỉnh Yên Bái ngày nay) tuy không được triều đình giao nhiệm vụ, nhưng khi quân Nguyên thua chạy về đây ông đã tự động chiêu tập dân binh đánh úp, được vua phong tước hầu.

Còn Hoàng Cự Đà, vốn là một tiểu hiệu trong cung vua, chỉ vì một miếng ăn mà phản phúc.

Do trước đây, một lần vua có ban cho tả hữu ăn món xoài, hồi đó là loại quả quý từ phương nam mang về, người phân phát đã sơ ý không chia cho Đà, khiến cho anh ta ôm hận. Lúc quân Nguyên tới Đông Bộ Đầu, anh ta đã dùng thuyền bỏ trốn, gặp Thái tử đem quân ngược dòng Hoàng giang, anh ta lại lách đi. Đáp lại lời quan quân hỏi “Quân Nguyên ở đâu?”, anh ta nói: “Không biết. Hãy hỏi những kẻ ăn xoài”.

Khi xét tội, Thái tử đề nghị khép Cự Đà vào tội cực hình để răn đe những kẻ bất trung, nhưng Trần Thái Tông bảo Cự Đà tội tuy đáng chém nhưng đó là lỗi của ông trong việc chia xoài, nên tha chết, cho đánh giặc để chuộc tội.

Ghi lại câu chuyện trên, ĐVSKTT có lẽ có hàm ý nói lên lòng khoan dung của vua Trần Thái Tông, nhưng không bình luận. Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì “phê”: “Đây cũng chỉ là hiếu danh mà thôi, không được chính đáng bằng ý kiến của Thái tử”.

Trần Thái Tông có “hiếu danh” hay không thì có thể tìm câu trả lời trong lịch sử. Vốn không muốn làm vua, ông coi ngai vàng chỉ là “chiếc giày rách”, từng nửa đêm trốn lên Yên Tử, không phải để “làm cao”, mà ông thực sự chỉ muốn làm một người bình thường sống yên ổn nơi rừng núi. Nhưng người ta ép ông phải về, ép ông phải “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình” (lời thiền sư Viên Chứng), nên ông phải miễn cưỡng về làm vua trở lại, nhưng chỉ làm vua đến năm 40 tuổi thì thoái vị, mở ra một tấm gương không tham quyền cố vị. Con cháu ông, tất cả các vị vua nhà Trần không một ai ở ngôi vua quá tuổi 41.

Nhưng lòng khoan dung của vua Trần Thái Tông không chỉ thể hiện ở chỗ “tha chứ không giết” như trường hợp của Hoàng Cự Đà. Lòng khoan dung của ông rộng lớn hơn nhiều, bàng bạc trong toàn bộ công cuộc trị quốc cũng như xử lý những việc liên quan đến con người – những điều mà các sử gia sau này, do bị câu thúc bởi các giáo điều cứng nhắc, đã không thể nào thấu hiểu.

Làm thế nào để một đất nước nhỏ bé về diện tích và dân số như nước ta lại có thể 3 lần đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh nhất hành tinh lúc đó là quân Nguyên – Mông? Chỉ có thể giải thích là do ý chí, do quyết tâm, do mưu lược, do cả nước đồng lòng. Nhưng cái gì đã tạo nên những thứ đó?

Ngày nay chúng ta không đủ sử liệu để hiểu một cách tường tận các chính sách kinh tế nhằm tăng cường quốc lực của nhà Trần như thế nào, nhưng qua những ghi chép lác đác chúng ta cũng biết được phần nào về chính sách ruộng đất, việc giảm nhẹ thuế má, về “ngụ binh ư nông”, về khai thông sông ngòi kênh rạch làm thủy lợi và phát triển hệ thống đê điều chống lũ…

Một số các chính sách làm nhẹ sức cho dân đó đã bị các sử gia hiểu một cách sai lệch. Chẳng hạn, vào năm 1248, sử sách có ghi nhà Trần bắt đầu cho đắp đê quai vạc và thực hiện chính sách đền bù “theo giá trả lại tiền” đối với những diện tích đất của dân bị dùng cho đắp đê, nhưng cũng trong năm đó, ĐVSKTT ghi: “Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa, còn lấp các khe, mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết, đó là làm theo lời Thủ Độ”.

Đây thực chất là việc khai thông sông ngòi, làm đê chắn biển, phát triển giao thông đường bộ cũng như đường thủy và tạo một hệ thống thủy lợi rộng khắp phục vụ cho việc mở rộng sản xuất nông nghiệp của người dân, là công trình vĩ đại nhằm “khoan thư sức dân”, đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước, lại bị các sử gia quy kết là “trấn yểm” và chê là “không có học vấn”.

Có lẽ thời nhà Trần là thời kỳ Việt Nam có đời sống thông thoáng nhất. Xã hội đủ rộng để dung chứa mọi sự khác biệt, tinh thần “tam giáo đồng nguyên” (chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau) là biểu hiện rõ nhất của xu hướng này. Ở đây, chúng ta còn thấy xuất hiện sự tôn trọng tự do cá nhân và giải phóng các vấn đề riêng tư.

Việc Trần Thái Tông buộc phải lấy chị dâu của mình là công chúa Thuận Thiên với lý do “quốc gia đại sự” ngày nay có thể còn nhiều tranh cãi, nhưng việc thái hậu Trần Thị Dung tái giá với Trần Thủ Độ, việc Lý Chiêu Hoàng được “gả” cho tướng Lê Phụ Trần bị các sử gia lớn tiếng chỉ trích là “đầu têu dâm loạn”, thực chất là tôn trọng khát vọng làm vợ làm mẹ chính đáng của người phụ nữ.

Chuyện Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Vương) yêu công chúa Thiên Thành, nhưng Thiên Thành bị đem gả cho Trung Thành Vương, Quốc Tuấn không chịu, nên “đương đêm lẻn vào tư thông với công chúa”, Trần Thái Tông không những không trị tội mà còn gả luôn Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn.

Sự kiện này cho thấy Trần Thái Tông đã tôn trọng tự do luyến ái giữa hai người, nhưng Ngô Sĩ Liên cho là “hôn nhân bất chính”, còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì bình luận: “Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này, nên không được là người hoàn toàn. Có lẽ thói chung chạ của nhà Trần đã ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên, không có gì là quái lạ”. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

***

Lòng khoan dung và xã hội khoan dung – Kỳ 2 : Một cách hiểu về ‘tam giáo đồng nguyên’

03:10 PM – 05/12/2014

 

(TNO) Chúng ta biết thời Lý – Trần, nhất là thời Trần, tinh thần “tam giáo đồng nguyên” là biểu hiện đặc sắc của nền văn hóa Đại Việt. Đó là sự hội tụ, “chung sống hòa bình” giữa nền văn hóa bản địa của dân tộc với Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.
Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 2 : Một cách hiểu về 'tam giáo đồng nguyên' - ảnh 1

Tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định cao 27 mét, nằm ở độ cao 1.400 mét so với mặt nước biển, ở đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) – Ảnh: Nguyễn Tú

Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích cội nguồn của hiện tượng văn hóa này. “Tam giáo đồng nguyên” không chỉ có riêng ở Việt Nam, nó còn diễn ra nhiều nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên…, nhưng ở Việt Nam có nhiều nét độc đáo. Việt Nam có cách hiểu khác và cách vận dụng khác về tam giáo.

Vua Trần Thái Tông viết trong Khóa hư lục: “Vị minh nhân vọng phân Tam giáo/Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm” (Người chưa hiểu chia bừa thành tam giáo/Kẻ hiểu rồi cùng ngộ một chữ tâm – bản dịch của Lê Mạnh Thát). Chính đời sống phóng khoáng của người Việt đã tạo ra tinh thần “không phân biệt” đó, và tinh thần này dung chấp không chỉ sự khác biệt của tam giáo mà còn dung chấp mọi sự khác biệt về tư tưởng.

Đối với Đạo giáo, cách sống hòa hợp với thiên nhiên của người Việt có lẽ gần với phong cách của Trang Tử hơn, còn chủ trương “vô vi” của Lão – Trang thì phù hợp với ý nguyện của các bậc minh quân, điển hình như Trần Thái Tông là ông vua, theo nhận xét của sử gia Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án, “mến chuộng cảnh núi rừng, coi sinh tử như nhau, tuy ý gần trống vắng, nhưng chí lại nhằm chỗ rộng xa, cho nên bỏ ngôi báu như cởi chiếc giày rách”. Nhưng người Việt cũng chấp nhận luôn những biến thể của Đạo giáo là các yếu tố thần tiên, thể hiện trong các câu chuyện ghi trong Lĩnh Nam chích quái và các truyền thuyết dân gian.

Đối với Nho giáo, các triều đại Lý – Trần đã tiếp thu những yếu tố hợp lý của học thuyết Khổng – Mạnh, chủ yếu để phục vụ cho việc thiết lập và củng cố thiết chế chính trị của triều đình, nhưng không phổ cập trong dân chúng.

Đối với Phật giáo, từ nhà Đinh, nhà Tiền Lê, các vị thiền sư đã tham gia tích cực vào công cuộc giữ nước và kiến quốc. Đến thời Lý, sư Vạn Hạnh là người hỗ trợ đắc lực cho Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Từ đây Phật giáo giữ vị trí quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị và xã hội. Nhà Lý “vua sáng tôi hiền”, có công lao to lớn đối với đất nước, công lao đó có sự đóng góp của các nhà sư, nhưng nhà Lý vẫn không coi Phật giáo là “quốc đạo”. Nho giáo, Đạo giáo vẫn có vị trí nhất định trong đời sống chính trị.

Dù không coi là “quốc đạo”, song việc đề cao thái quá tầng lớp tăng lữ xuất gia, kéo theo đó là việc bỏ quá nhiều tiền của công sức xây dựng chùa chiền, khiến cho dân chúng thời Lý “quá nửa làm sư sãi”.

Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: “Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư ? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc chăng ?”.

Dựa vào sự trọng thị của Nhà nước, giới sư sãi ngày càng càng thoái hóa biến chất, đến nỗi vào thời Lý Cao Tông, nhà vua đã phải “xuống chiếu sa thải các tăng đồ, theo lời tâu của Đàm Dĩ Mông”, theo ĐVSKTT. Đàm Dĩ Mông tâu như thế nào không thấy ĐVSKTT ghi lại, nhưng lời tâu này còn ghi rõ trong Đại Việt sử lược (ĐVSL):

Nay tăng đồ và phu dịch số lượng chẳng kém gì nhau. Bọn tăng đồ tự kết làm bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường, tịnh xá thì công khai ăn thịt uống rượu. Hoặc nơi thiền phòng, tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau. Ban ngày thì ẩn núp, ban đêm thì làm như chồn như chuột. Những hành vi làm bại hoại mỹ tục, làm thương tổn danh giáo dần dần trở thành thói quen, như thế mà không cấm thì lâu ngày sẽ càng thêm lên hơn nữa”.

Cũng theo ĐVSL, vua Cao Tông đã nghe theo lời tâu ấy, chỉ để vài chục người “còn biết đến danh giá” ở lại làm tăng, còn bao nhiêu bắt phải hoàn tục hết. Thực tế lịch sử này cho thấy khi Nhà nước xử sự thiên lệch đối với một tôn giáo xã hội trở nên hỗn loạn như thế nào. Không phải ngẫu nhiên mà vào cuối thế kỳ 18, Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp nước Mỹ đã cấm Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cản tự do tín ngưỡng.

So với thời Lý, Phật giáo thời Trần có khác biệt. Đó là việc “thế tục hóa” Phật giáo, thể hiện ở tư tưởng “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông. Phật giáo thời Trần không câu nệ tăng hay tục, xuất gia hay tại gia, xử thế hay xuất thế. Có thể nói Phật giáo thời Trần hội tụ với tư tưởng Lão – Trang và cuộc sống hồn nhiên của người dân,  không còn là “giáo” nữa mà trở về với cuộc sống bình thường của con người, “đói thì ăn, mệt thì ngủ”.

Người Việt chúng ta gọi Trần Nhân Tông là Phật Hoàng. Đây là trường hợp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Phật giáo thế giới. Trên thế giới cũng không có bất cứ ông Phật hay người xuất gia nào lại đi mở mang bờ cõi cho đất nước như Trần Nhân Tông. ĐVSKTT chép:

(Tháng 6 năm 1306) gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân. Nguyên trước Thượng Hoàng (Trần Nhân Tông) vân du đến Chiêm Thành đã trót hứa rồi. Văn nhân trong triều ngoài nội phần lớn mượn việc vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô, làm lời thơ quốc ngữ mà chê cười“. Cũng theo ĐVSKTT: “(1307) đổi 2 châu Ô, Lý làm Thuận Châu và Hóa Châu, sai hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến ổn định dân chúng. Trước đó chúa Chiêm Thành là Chế Mân đem đất ấy làm vật dẫn cưới“. Châu Ô, châu Lý ngày nay là dải đất từ nam sông Hiếu đến bắc sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam, dài khoảng 200 cây số.

Cuộc hôn nhân lịch sử này không chỉ làm cho đất nước dài thêm 200 cây số mà còn tạo một vị trí chiến lược, làm tiền đề cho người Việt chúng ta tiến về phương Nam. Nếu không có cuộc hôn nhân này thì nước Việt Nam ta bây giờ hình thù như thế nào, rất khó nói.

Thế mà Ngô Sĩ Liên, đại diện cho đám trí thức nho sĩ sau này, đã lớn tiếng chỉ trích: “Xưa Hán Cao Hoàng vì Hung Nô nhiều lần làm khổ biên giới, đem con gái nhà dân làm công chúa để gả cho thiền vu. Kết hôn với người không phải giống, tiên nho đã từng chê, song có ý muốn việc binh đao được chấm dứt và dân được yên. Điều đó còn có thể nói được… Còn Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa gì ? Nếu nói nhân đi chơi, trót hứa, sợ thất tín, thì sao không đổi mệnh được ư ? Vua giữ ngôi trời, còn Thượng Hoàng thì đã xuất gia, vua đổi mệnh có khó gì, mà lại đem gả cho người ta không phải giống, cho đúng lời hứa trước, rồi lại dùng mưu gian đánh cướp lại về sau, thế thì tín ở đâu ?“.

Nhà cầm quyền Trung Quốc từng coi dân ta là mọi rợ, đám nho sĩ trí thức của ta lại học đòi khinh miệt các dân tộc nhỏ hơn. Còn Trần Nhân Tông thì khác, ông và con gái ông đã hành động vì quốc gia dân tộc và không phân biệt chủng tộc. Đây là cuộc hôn nhân chính trị nhưng là một cuộc hôn nhân chân thật. Nhưng khi người ta định thiêu sống công chúa Huyền Trân thì phải cứu chứ, sao gọi là dùng “mưu gian đánh cướp lại” ?

Cũng cần biết, theo giới luật của Phật giáo, người xuất gia không được phép làm môi giới hôn nhân. Trần Nhân Tông lúc đó đã là người xuất gia, nhưng ông đã không câu nệ vào tiểu tiết đó. Dân ta coi Trần Nhân Tông đắc đạo thành Phật, nhưng công đức lớn nhất của ông không phải là hành thiền bằng việc tụng kinh gõ mõ trên núi cao Yên Tử, mà ông đã hành thiền bằng 2 lần chỉ huy đánh thắng giặc Nguyên-Mông và bằng việc mở rộng bờ cõi một cách hòa bình cho đất nước. Nếu như ông cứ khư khư theo những giáo điều của Nho giáo với tư cách là một vị vua, và nếu như ông khư khư giữ giới luật của đạo Phật với tư cách là một Phật tử, thì chắc chắn chúng ta đã không có một nước Việt vẹn toàn và rộng mở như ngày nay. (còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

***

Lòng khoan dung và xã hội khoan dung – Kỳ 3: Tự do thoát thân từ đâu?

01:40 PM – 07/12/2014

 

(TNO) Tình trạng luật pháp buộc con cháu phải tố cáo ông bà cha mẹ, buộc vợ chồng phải tố cáo lẫn nhau một thời có nguy cơ đánh bật lòng khoan dung ra khỏi cái gốc rễ sâu bền nhất trong xã hội. Tình trạng này diễn ra cho đến trước năm 2000, khi Bộ luật Hình sự năm 1985 vẫn còn hiệu lực.

Vào năm 1999, là phóng viên theo dõi Quốc hội thảo luận và thông qua Bộ luật Hình sự, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cảm động của ông Nguyễn Đình Lộc, lúc đó là Bộ trưởng Tư pháp, đã thay mặt Ban soạn thảo tha thiết kêu gọi Quốc hội khôi phục lại tinh thần nhân văn của Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông, bằng cách giảm thiểu các tội có án tử hình, giảm trách nhiệm hình sự đối với trẻ em và đặc biệt là khôi phục lại tinh thần “người thân không tố cáo nhau không có tội”.

Điều bất ngờ thú vị trong các cuộc tranh cãi, là đa số các đại biểu “cầm gươm cầm súng”, tức các đại biểu là các tướng lĩnh, đều ủng hộ giảm nhẹ hình phạt, còn không ít các đại biểu “cầm bút”, tức các đại biểu là văn nhân nghệ sĩ, đều kêu gọi tăng nặng hình phạt. Cuối cùng thì Quốc hội đã thông qua một Bộ luật Hình sự nhân văn nhất mà các đại biểu có thể thông qua vào lúc đó (có hiệu lực từ năm 2000), dù vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục sửa đổi để khắc phục tình trạng hình sự hóa đang diễn ra một cách tùy tiện.

Bộ luật Hình sự năm 2000 là một bước ngoặt trên con đường tiến tới một xã hội khoan dung về mặt luật pháp. Ngoài việc giảm số tội có án tử hình, giảm trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên, khoản 2 điều 12 Bộ luật này còn miễn trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ luật này còn hàm chứa nhiều yếu tố tôn trọng quyền tự do kinh doanh và các quyền tự do khác của công dân tương thích với công cuộc đổi mới.

Hơn 500 năm trước, Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) vào thời vua Lê Thánh Tông không chỉ “miễn trách nhiệm hình sự” đối với việc người thân không tố cáo nhau, mà còn cấm con cháu tố cáo ông bà cha mẹ, dẫu là tố cáo việc có thật cũng bị xử tội, trừ trường hợp đại nghịch, mưu phản hay một số trường hợp giết người thân một cách độc ác (như mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ) mới cho phép tố cáo. Con cháu có nghĩa vụ phải “che giấu tội” cho ông bà cha mẹ là nét độc đáo của hình luật thời Lê.

Cha ông ta rất coi trọng gia đình, sự tồn vong của gia đình gắn với sự tồn vong của đất nước. Bởi vậy, tố cáo ông bà cha mẹ phạm vào tội bất hiếu, bất hiếu được liệt vào “thập ác”.

Không phải đến thời Lê hình luật mới có những điều khoan dung như vậy mà lịch sử còn ghi nhận truyền thống đó có muộn nhất từ thời nhà Trần, vì theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Minh Tông sau khi lên ngôi không lâu, vào năm 1315 đã “xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau”.

Nhìn chung, luật pháp Việt Nam thời “phong kiến” tiến bộ hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ thông qua lăng kính của sách giáo khoa và của các nhà nghiên cứu đương đại. Ngay cả từ “phong kiến” cũng được gán ghép một cách khiên cưỡng, vì nước Việt ta từ thời nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn là quốc gia độc lập và thống nhất theo chế độ quân chủ tập quyền, hoàn toàn không có bóng dáng các lãnh chúa cát cứ, ngay cả thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh cũng không thể gọi là “phong kiến”.

Luật pháp của các triều đại này đương nhiên không phải là luật pháp của nhà nước dân chủ, nhưng không thể nói là không bảo vệ tự do của người dân. Nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta có thể thấy trong các bộ luật từ Hồng Đức đến Gia Long cũng như trong các chiếu chỉ của triều đình, ngoài sự khoan dung nói trên, còn có nhiều những quy định rõ ràng về quyền tư hữu ruộng đất và tài sản, các khế ước dân sự cùng nhiều quy định khác về quyền tự do của con người.

Đúng như Tochqueville, nhà chính trị học vĩ đại người Pháp đã viết trong tác phẩm “Nền dân trị Mỹ”, tự do không phải là sản phẩm riêng của chế độ dân chủ, tự do vẫn tồn tại trong các chế độ khác.

Khoan dung chính là tôn trọng tự do. Một xã hội khoan dung là một xã hội tự do. Chúng ta không cần phải du nhập tự do từ nơi khác đến. Không có một “học thuyết” nào về khoan dung hay tự do cả, đối với dân tộc ta nó là truyền thống tự nhiên lâu đời. Vận mệnh của quốc gia gắn liền với truyền thống đó.

Hơn 1.000 năm qua Việt Nam ta 2 lần mất nước, lần thứ nhất mất vào tay giặc Minh, lần thứ hai mất vào tay giặc Pháp. Lần thứ nhất do xã hội cuối nhà Trần bị câu thúc bởi các tín điều Tống Nho cứng nhắc khiến cho dân tộc mất hết sức đề kháng, cuộc cải cách ngắn ngủi của Hồ Quý Ly không đủ sức khôi phục lại. Lần thứ hai, các vua cuối nhà Nguyễn cũng theo vết xe đổ đó. Trao đổi với chúng tôi về những lời chê mắng hết sức nặng nề đối với các vua đầu nhà Trần trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, giáo sư Lê Mạnh Thát nói: “Nhà Nguyễn viết sử như vậy mà không mất nước mới là chuyện lạ”.

Ngày nay, công cuộc đổi mới bắt đầu từ việc công nhận quyền sở hữu tài sản và tạo điều kiện tự do cho người dân làm ăn, tự do kinh doanh tất yếu kéo theo tự do chính trị và các quyền tự do khác với khuôn khổ luật pháp ngày càng hợp lý, đang đưa đất nước tiến một bước dài tới cường thịnh, đưa xã hội tiến một bước dài tới khoan dung, dù dùng từ ngữ như thế nào thì mục tiêu vẫn như vậy. Tất nhiên chúng ta đang gặp nhiều chông gai thách thức, nhưng con đường đó là không thể đảo ngược …(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

***

Lòng khoan dung và xã hội khoan dung – Kỳ 4: Tự do, con đường chậm chạp

03:45 PM – 09/12/2014
(TNO) Bao nhiêu thế kỷ qua nhân loại mày mò tìm kiếm một kiểu Nhà nước khả dĩ bảo đảm cho tự do của mình.
Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 4: Tự do, con đường chậm chạp - ảnh 1

So với thời sống dưới cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nước Việt Nam chúng ta ngày nay đã tiến một bước dài tới một xã hội tự do và khoan dung – Ảnh: N.T

Nhìn xa vào lịch sử Trung Quốc, ta thấy một Hán Văn đế. Hán Văn đế, vị vua mà Phật hoàng Trần Nhân Tông từng ca ngợi “trần gian kiệm ước Hán Văn đế”, là vị vua khoan hòa bậc nhất Trung Quốc và là ông vua hiếm hoi xa lạ với tư tưởng “bành trướng Đại Hán”.

Hán Văn đế cai trị Trung Hoa cùng thời với Triệu Đà cai trị nước Nam Việt. Dù chúng ta có coi Nam Việt là nước ta như được ghi trong sử sách hay không phải là nước ta như lập luận của thiền sư Lê Mạnh Thát, thì Hán Văn đế vẫn không hề dòm ngó động chạm gì đến nước ta.

Thời của ông, và của con ông là Hán Cảnh đế, Trung Hoa hòa bình với bốn phía. Trong nước, thuế má giảm mạnh từ 1/15 xuống còn 1/30 sản lượng, những lúc thiên tai Nhà nước miễn thuế hoàn toàn cả năm cho dân, có vùng miễn tới 3 năm; lao dịch thì người dân 3 năm mới đi một lần thay vì đi hằng năm như trước.

Dù thuế má nhẹ nhưng lương thực do dân nộp không đủ kho để chứa, còn tiền thì dùng không hết đến nỗi các dây xâu tiền bị mục nát cả. Hán Văn đế bác bỏ những lời tâu giữ nguyên hình phạt nặng nhằm răn đe dân chúng, ông bãi bỏ nhục hình, hình phạt chỉ được đánh bằng roi, Hán Cảnh đế còn quy định chỉ được đánh vào mông, không cho đánh vào chỗ khác.

Tiền của trong quốc khố thừa thải, nhưng chi tiêu của triều đình hết sức thanh kiệm, không xây thêm cung điện, trong cung không dùng đồ bằng vàng, bộ máy quan lại giảm đến mức tối thiểu, quân đội thời bình cho về nhà làm ăn sinh sống, chỉ giữ lại một đội quân thường trực cần thiết để phòng thủ. Bởi vậy mà khắp nơi yên vui, dân “ăn no vỗ bụng đi chơi”.

Đó là thời “Văn Cảnh chi trị”, biểu hiện của triết lý “vô vi nhi trị” mà sử sách từng ca tụng. Vua Trần Anh Tông cũng có một bài thơ về Hán Văn đế, ca ngợi ông “hình thố tô khoan diệc chí nhân” (nhẹ hình phạt, giảm thuế má, là bậc chí nhân).

Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 4: Tự do, con đường chậm chạp - ảnh 2
Có lẽ tác hại lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do chính là sự kiên quyết của một số người ủng hộ nó
Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 4: Tự do, con đường chậm chạp - ảnh 3
Friedrich Hayek

Tư tưởng “vô vi nhi trị” ở nước ta được biết từ thời Tiền Lê, thể hiện trong lời của bài thơ “Quốc tộ” mà thiền sư Pháp Thuận đáp lại những ưu tư của Lê Hoàn về vận nước : “vô vi cư điện các/xứ xứ tức đao binh” (vô vi trên điện các/xứ xứ hết đao binh).

Tư tưởng đó từng ngự trị ở những giai đoạn hưng thịnh của đất nước. “Vô vi” không có nghĩa là không làm gì hết, “vô vi” là chỉ làm những việc cần làm và không làm những việc không cần làm, nó tương tự như lời chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, “tất cả những gì có lợi cho dân cho nước đều là những việc nên làm, tất cả những gì có hại cho dân cho nước đều là những việc nên tránh”.

Cha ông ta từ lâu đã thấy cái họa của một chính quyền nhiều quan chức và sưu cao thuế nặng. Trần Anh Tông là ông vua nhân từ, khiêm cung hòa nhã, nhưng ban chức tước “hơi nhiều”. Thượng hoàng Trần Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem, rồi phê: “Một nước bé bằng bàn tay sao lại phong quan tước nhiều đến thế?”.

Vào thời Lê – Trịnh, Ngô Thì Nhậm từng tâu với chúa Trịnh: “Thần được nghe quan nhiều thì lại nhiều, lưới thưa thì dân giàu, cho nên Thiên Chu Quan nói ‘Quan không cần đủ’… Thiết nghĩ đường lối nới rộng cho dân, trước hết là bỏ những viên chức tạp nhạp, ngồi không và bớt những công việc phiền nhiễu đi”.

“Lưới thưa thì dân giàu”, tức là ít quan chức, tức là một nhà nước tinh gọn chừng nào thì dân được no ấm tự do chừng ấy. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó. Nhà nước “mạnh” thì dân “yếu” và ngược lại. Chúng ta đang tiến tới mục tiêu “dân giàu nước mạnh”, cần nhớ là “nước mạnh”, chứ không phải “nhà nước mạnh”. Một nhà nước mạnh đem quyền lực của mình bao phủ khắp xã hội không bao giờ là một nhà nước khoan dung.

Ở phương Tây, từ thế kỷ 17, các triết gia tự do, đặc biệt là John Locke đã chỉ ra “quyền tự nhiên” của con người là quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản. Đó là các quyền do tạo hóa ban cho, không ai ban phát và không ai được xâm phạm.

Tư tưởng đó dần dần được “thể chế hóa” và lần đầu tiên được hàm chứa trong Hiến pháp Mỹ. Đọc bản Hiến pháp này ta chỉ thấy các điều khoản nhằm giới hạn quyền lực của nhà nước chứ hoàn toàn không thấy ghi công dân có quyền gì.

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ ý thức rất rõ về các quyền tự nhiên của người dân, nên trong một số điều khoản của Hiến pháp, do liên quan đến việc chế định quyền lực của nhà nước, có liệt kê ra một số quyền của công dân, nhưng Hiến pháp đã cẩn trọng kèm theo một Tu chính án, đó là Tu chính án số 9 trong 10 Tu chính án thuộc Tuyên ngôn nhân quyền của Hiến pháp Mỹ: “Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân”.

Ở kỳ trước chúng tôi có đề cập đến tự do và khoan dung vẫn có thể tồn tại trong chế độ không phải là chế độ dân chủ, như trong giai đoạn thịnh vượng của nước ta thời Trần. Hiện nay, nhiều người nhầm tưởng hễ có dân chủ là có tự do và khoan dung. Hitler trở thành người cầm quyền tối cao nước Đức chính là bằng con đường dân chủ, nhưng ai bảo nước Đức thời Quốc xã là nước Đức tự do? Friedrich Hayek có lý khi viết: “Chủ nghĩa quốc xã không phải là con đẻ của các giai cấp có đặc quyền đặc lợi, gắn với truyền thống Phổ, mà là con đẻ của đám đông” (*).

Tất nhiên Hitler là “kẻ xấu”. Nhưng việc bầu cho những “người tốt” vào bộ máy quản lý của nhà nước dân chủ có bảo đảm cho nhà nước này trở thành nhà nước tự do không?

Chưa chắc!

Tochqueville từng cảnh báo về nguy cơ chuyên chế của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít. Còn John Stuart Mill, một triết gia người Anh thế kỷ 19 thì cho rằng, khi chính phủ phình to ra thì ngày càng có nhiều người bị cuốn hút hoặc bị phụ thuộc vào chính phủ và khi các cơ quan của chính phủ càng có nhiều chức năng và nhân viên thì “mối đe dọa đối với tự do càng lớn”.

Nếu xu hướng đó không được ngăn chặn thì nền tự do của một đất nước “chỉ còn ở tên gọi mà thôi”. Theo ông, giả sử bất cứ công việc nào của xã hội cũng đều nằm trong tay chính phủ, và giả sử các cơ quan của chính phủ đều thu nhận toàn bộ những người tài giỏi, thì bộ phận còn lại của dân chúng “chỉ còn tham vọng nhất là được chấp nhận vào hàng ngũ chức sắc trong bộ máy quan liêu, được chấp nhận rồi thì mong được thăng tiến trong bộ máy đó” (**).

Thế thì giải pháp nào cho tự do? Tự do chỉ có thể bảo đảm bằng cơ chế giới hạn quyền lực và ngăn chặn sự phình to ra của nhà nước.

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã tiên liệu sự phình to của nhà nước dân chủ nên đã hết sức cẩn trọng, trước hết là không để cho nhà nước chạm đến “quyền tự nhiên” của công dân và thiết lập sự giới hạn quyền lực của nhà nước, đồng thời đưa ra những quy định khiến cho những điều khoản trong Hiến pháp cực kỳ khó sửa đổi.

Tuy nhiên, lớp hậu bối của nước Mỹ vẫn viện nhiều lý do và thông qua nhiều kênh để phình to bộ máy nhà nước. Dù bản Hiến pháp Mỹ hàm chứa khả năng tự điều chỉnh những lệch lạc của chính quyền, nhưng điều này cũng cho thấy nền tự do thường xuyên bị “ức hiếp”.

Con đường dẫn đến một xã hội khoan dung và tự do là con đường chậm chạp, không thể nào “tiến nhanh, tiến mạnh” được. Những thành tựu của nó không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy và những thành tựu đó không bao giờ làm cho người ta hài lòng.

So với thời sống dưới cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nước Việt Nam chúng ta ngày nay đã tiến một bước dài tới một xã hội tự do và khoan dung, nhưng các “nhà dân chủ” vẫn luôn miệng gọi là “Nhà nước toàn trị”.

Lẽ ra phải ủng hộ những chính sách của Nhà nước nhằm cởi trói cho doanh nghiệp, cho người dân được tự do làm ăn và khai thông thị trường, cải cách làm tinh gọn bộ máy và giảm thiểu các thủ tục hành chính, chỉ nên chỉ trích những gì trì trệ kìm hãm, thì các “nhà dân chủ” nước ta, ở trong nước cũng như ngoài nước, lại chống tất cả, ngay cả Việt Nam gia nhập WTO để xác lập cơ chế thị trường, họ cũng chống nốt.

Hayek từng nói, người theo chủ nghĩa tự do đối với xã hội cũng giống như người làm vườn đối với cây cối, muốn tạo điều kiện cho sự phát triển tốt nhất của nó, anh ta phải biết càng nhiều càng tốt về cơ cấu và hoạt động của nó. Ông cũng lưu ý, “có lẽ tác hại lớn nhất đối với chủ nghĩa tự do chính là sự kiên quyết của một số người ủng hộ nó, những người bảo vệ đến cùng một vài nguyên tắc có tính kinh nghiệm” (*).

Không có những nguyên tắc bất di bất dịch cho một xã hội tự do, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có cách riêng của mình trên con đường hoàn thiện những định chế của xã hội tự do và sự hoàn thiện này diễn ra hết sức chậm chạp, cho nên theo Hayek, đa số những người truyền bá học thuyết tự do đều đưa ra những  nguyên tắc cứng nhắc, chỉ cần bác bỏ một luận điểm cụ thể nào đó thì cả lâu đài sẽ sụp đổ.

Hoàng Hải Vân

(*) F.A.Hayek, Đường về nô lệ, NXB Tri thức.
(**) Dẫn theo David Held, Các mô hình quản lý Nhà nước hiện đại, NXB Tri Thức.

 

1 bình luận về “Lòng khoan dung và xã hội khoan dung – 4 kỳ

  1. “Tình trạng luật pháp buộc con cháu phải tố cáo ông bà cha mẹ, buộc vợ chồng phải tố cáo lẫn nhau một thời có nguy cơ đánh bật lòng khoan dung ra khỏi cái gốc rễ sâu bền nhất trong xã hội. Tình trạng này diễn ra cho đến trước năm 2000, khi Bộ luật Hình sự năm 1985 vẫn còn hiệu lực.”

    “Cuối cùng thì Quốc hội đã thông qua một Bộ luật Hình sự nhân văn nhất mà các đại biểu có thể thông qua vào lúc đó (có hiệu lực từ năm 2000), dù vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục sửa đổi để khắc phục tình trạng hình sự hóa đang diễn ra một cách tùy tiện.

    Bộ luật Hình sự năm 2000 là một bước ngoặt trên con đường tiến tới một xã hội khoan dung về mặt luật pháp. Ngoài việc giảm số tội có án tử hình, giảm trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên, khoản 2 điều 12 Bộ luật này còn miễn trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.”

    Mong xã hội càng ngày càng khoan dung. “‘Khoan dung vừa là một bổn phận đạo đức, vừa là một đòi hỏi pháp lý và chính trị’ (tuyên bố của UNESCO về Năm quốc tế khoan dung 1995)”.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: