Phụ nữ di cư trong nước – Hành trình gian nan tìm kiếm cơ hội

AAV – Nghiên cứu tổng quát của Tổ chức AAV về những thực tế khắc nghiệt mà các lao động nữ di cư phải đối mặt ở Việt Nam.

 [Trích]

… Tóm Tắt

Di cư trong nước đã trở thành một vấn đề phát triển, có ý nghĩa kinh tế-xã hội quan trọng đối với cả nông thôn và thành thị trong những năm gần đây ở việt Nam. Nghiên cứu này tập trung vào phân tích các lý do thúc đẩy và thu hút lao động nữ di cư, và tính dễ bị tổn thương của họ và khả năng tiếp cận các quyền cơ bản tại nơi đến. Kết quả nghiên cứu chính được xây dựng dựa trên một cuộc khảo sát quy mô nhỏ với phụ nữ lao động di cư và một số cơ quan chính quyền/đoàn thể tại TP uông bí (Quảng Ninh), quận Dương Kinh (Hải Phòng), và quận Gò vấp (TP HCM). Nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận giới và cách tiếp cận dựa trên quyền là phương pháp tiếp cận để phân tích. Nghiên cứu đưa ra một số kết quả chính sau đây.

 

Lao động nữ di cư: họ là ai?

Lao động nữ di cư ở việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ lao động di cư có độ tuổi từ 15 đến 29; và 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15-19. mặc dù vậy, hơn một nửa phụ nữ lao động di cư đã có gia đình, chủ yếu là tại nơi xuất cư. Chính vì vậy, có đến 62% phụ nữ lao động di cư đã có con cái và khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến.

Đáng chú ý là phụ nữ lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn nghiệp vụ gì; chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông.

Với đặc thù lao động phổ thông, lao động nữ di cư chủ yếu làm các công việc chân tay, không yêu cầu tay nghề cao hay chuyên môn nghiệp vụ gì đáng kể. một số lao động nữ di cư có được đào tạo tay nghề ngắn hạn tại nơi làm việc nhưng cũng là những hình thức đào tạo rất đơn giản.

 

Lao động nữ di cư: lực đẩy và lực hút

Quyết định di cư là kết quả của một quá trình ra quyết định với tương tác của các yếu tố lực đẩy và thu hút.

Khó khăn tại thị trường lao động nông thôn là yếu tố lực đẩy cơ bản. việc làm trong nông nghiệp dù tiếp tục là công việc chính lực lượng lao động nông thôn nhưng tầm quan trọng tương đối đã giảm dần. Thay vào đó, xu hướng tìm việc làm phi nông nghiệp, có thu nhập cao hơn ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ gặp khó khăn trong tìm việc làm ở nông thôn, một số rất lớn không có công việc tạo ra thu nhập trong giai đoạn ‘nông nhàn’, gây áp lực lên xu hướng di cư ra các đô thị để tìm việc làm.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn do thu nhập từ hoạt động nông nghiệp thấp, do có người đau ốm, thu nhập của hộ gia đình không đáp ứng được yêu cầu chi tiêu là những yếu tố ở cấp hộ gia đình thúc đẩy quyết định di cư. Ngoài ra, hoạt động sinh kế nông nghiệp khó khăn do biến đổi khí hậu, và điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn kém phát triển cũng là những yếu tố đóng vai trò là lực đẩy nhiều phụ nữ từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm.

Trong khi nhiều vùng nông thôn ‘dư thừa’ lao động thì nguồn lao động phổ thông này lại rất cần ở các khu vực đô thị: có 88% phụ nữ di cư cho rằng dễ tìm việc làm tại nơi đến là yếu tố thu hút họ di cư; 80% cho rằng thu nhập tại nơi đến cao hơn so với nơi xuất cư. Kết quả khảo sát thu nhập phổ biến của lao động nữ nhập cư là khoảng 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. đây là mức thu nhập cao hơn đáng kể so với thu nhập ở vùng nông thôn.

Vốn xã hội là một lực hút quan trọng với lao động nữ di cư. Chỉ có chưa đến ¼ lao động nữ di cư không có họ hàng, bạn bè, hay người quen tại điểm đến. Ở khía cạnh này, quan hệ họ hàng, quan hệ gia đình có ý nghĩa rất quan trọng. Hơn ½ phụ nữ di cư có họ hàng và cha mẹ tại điểm đến.

Ngoài những yếu tố lực đẩy và lực hút, một số lao động nữ di cư còn cân nhắc đến một số yếu tố khác. Mong muốn được thay đổi môi trường sống, mong muốn được phát triển các mối quan hệ xã hội (và thậm chí là tìm kiếm bạn đời) cũng là những yếu tố mà phụ nữ di cư cân nhắc. mong muốn được học hỏi và tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân cũng là một động lực để phụ nữ quyết định di cư.

 

Tính dễ bị tổn thương của lao động nữ di cư

Phụ nữ di cư mang theo họ những kỳ vọng cải thiện thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng hành trình tìm kiếm cơ hội, như phát hiện trong báo cáo này, là một hành trình gian nan. Phụ nữ lao động di cư là đối tượng dễ bị tổn thương tại nơi đến. Lý do của tính dễ bị tổn thương là do các quyền của họ không được đảm bảo.

Hợp đồng lao động mới được đảm bảo cho dưới 2/3 lao động nữ, số còn lại hoặc không có hợp đồng, hoặc là hợp đồng ngắn hạn. Trong khi đó, công việc của phụ nữ lao động di cư có cường độ cao, và thường thiếu ổn định. Thời gian làm việc trung bình là 9,6 tiếng/ngày, và hầu như không có ngày nghỉ. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập. Tình trạng chậm trả lương, giữ lại lương, phạt tiền lương khá phổ biến. đáng lo ngại là gần ½ số phụ nữ lao động di cư bị mắng chửi tại nơi làm việc, gần 38% bị buộc làm thêm ngoài giờ.

Gần 60% phụ nữ lao động di cư có BHXH và ½ trong số họ có BHYT. Số còn lại không tham gia bảo hiểm theo quy định vì nhiều lý do: cả do người sử dụng lao động không chấp hành đầy đủ quy định và do người lao động không nhận thức đầy đủ về quyền lợi nên không tham gia bảo hiểm (nhất là với lao động thời vụ). Tiếp cận với dịch vụ giáo dục và y tế cho con cái của phụ nữ lao động di cư gặp nhiều khó khăn do chi phí cao (trong đó có nguyên nhân quan trọng là không có hộ khẩu thường trú).

Gần 80% phụ nữ lao động di cư thuê nhà ở trọ trong nhà tạm, nhà cấp 4 có điều kiện sinh hoạt, vệ sinh tồi tàn. Gần 2/3 số phụ nữ lao động di cư ở trọ nhưng hoàn toàn không có hợp đồng thuê trọ mà chỉ có thỏa thuận miệng. Các chi phí cho sử dụng nước, sử dụng điện đều cao hơn so với mức thông thường. Chất lượng nước sinh hoạt là vấn đề đáng lo ngại.

việc chuyển đến một nơi ở mới tạo ra những thách thức cho những người phụ nữ nhập cư trong việc hòa nhập vào môi trường xã hội và cộng đồng xa lạ đối với họ. Nhưng mức độ hòa nhập của phụ nữ với cộng đồng tại nơi cư trú là rất hạn chế. Phụ nữ lao động di cư hầu như không tham gia vào sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt hội phụ nữ, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn.

 

Chính sách đối với lao động nữ di cư: thực trạng

Trừ một khung pháp lý chặt chẽ bảo vệ các quyền của người lao động di cư (tương tự như quyền của bất kỳ công dân nào khác), Việt Nam chưa có bất kỳ chính sách đáng kể gì mang tính đặc thù đối với đối tượng di cư trong nước. Vai trò của di cư trong nước như thế nào trong phát triển kinh tế-xã hội còn là một vấn đề đang tiếp tục được xem xét. Đến thời điểm hiện nay, các văn kiện có ý nghĩa chiến lược của quốc gia hoặc là đề cập đến di cư nông thôn-thành thị như một hiện tượng cần kiểm soát, hoặc là không nêu rõ quan điểm về vấn đề di cư.

Hệ thống chính sách do các bộ/ngành liên quan cũng ít có những trọng tâm cụ thể vào vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị. Điều đó cũng một phần xuất phát từ thực tế là đối tượng di cư trong nước gần như không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của một bộ/ngành cụ thể nào. Chỉ có một số ít địa phương – là các thành phố thu hút lượng di cư lớn có một số chính sách để hỗ trợ (và quản lý) lao động nhập cư.

Luật Cư trú 2007 đã có một số bước đổi mới về chế độ hộ khẩu nhưng hộ khẩu vẫn là một loại giấy tờ cần thiết khi thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận dịch vụ công, thụ hưởng các chương trình/chính sách hỗ trợ và rất nhiều thủ tục khác. Điều này đặt ra khó khăn lớn với phụ nữ di cư vì họ thường không có hộ khẩu thường trú và vì vậy gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ công.

 

Chính sách đối với lao động nữ di cư: một số đề xuất

Mặc dù di cư kéo theo những hệ quả xã hội nhất định nhưng di cư rõ ràng là một vấn đề phát triển trong điều kiện hiện nay ở việt Nam. Vì vậy, di cư trong nước cần phải được công nhận là một vấn đề phát triển (chứ không phải là một hiện tượng cần kiểm soát). Vấn đề này cần được ghi nhận trong các văn kiện chiến lược quốc gia.

Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị vẫn hay được coi là ‘phi chính thức’, làm việc trong khu vực ‘phi chính thức’ và không chịu sự quản lý trực tiếp của một cơ quan chức năng cụ thể nào. Ở góc độ này, quản lý nhà nước về lao động di cư cần phải là một chức năng chính thức của một bộ/ngành (phù hợp nhất hiện nay là bộ LđTb&XH)

Chính quyền các cấp cần quán triệt quan điểm lao động di cư là một luồng lao động bổ sung cho địa phương; di cư là một vấn đề phát triển chứ không phải là một ‘vấn đề xã hội’ hay thậm chí là ‘vấn đề dẫn đến tệ nạn’. đây là một điều kiện cơ bản để các cấp chính quyền địa phương có thể đưa ra những quyết định chính sách theo hướng ‘vì người lao động di cư’.

Sự tồn tại của hạn chế do quy định về hộ khẩu gây ra cho người di cư là kết quả của cách thức quản lý hành chính với một hiện tượng kinh tế. việc hạn chế di cư bằng các biện pháp hành chính sẽ không giảm được di cư mà chỉ làm tăng tính dễ bị tổn thương của đối tượng đặc biệt này. Vì vậy, cần có sự cải cách triệt để hơn trong hệ thống đăng ký hộ khẩu để chế độ hộ khẩu chỉ là một công cụ quản lý hành chính về biến động dân số, hỗ trợ cho tính toán và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Vai trò của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng vì họ là cấp có quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến lao động nhập cư. Hỗ trợ đào tạo tay nghề, hỗ trợ và tư vấn về thông tin việc làm, hỗ trợ trong chính sách về chỗ ở là những vấn đề chính quyền địa phương có thể cân nhắc thực hiện để hỗ trợ cho lao động nhập cư. Đồng thời, vai trò của các đoàn thể cũng rất quan trọng để đảm bảo tăng tính hòa nhập cộng đồng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động nhập cư.
 

[/Hết trích]

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s