AA – Friday, October 9, 2015 – 10:56 – by Khai Tran AnPhoto: Vinh Dao
Hằng ngày, 6 giờ sáng, gia đình anh Trang bắt đầu chuẩn bị cho bữa trưa.
Đó là lúc họ bắt đầu chuẩn bị món gà chiên muối ớt – một món ăn được ưa chuộng tại quán cơm của gia đình tại một góc phố ở Quận 3, TP.Hồ Chí Minh suốt 30 năm nay.
Hằng ngày, gia đình anh chế biến hơn 15 món ăn khác nhau (ngoài cơm trắng, canh rau muống và trà đá) trong căn buồng bếp nhỏ trên căn hộ 3 phòng khiêm tốn của gia đình. Đến khoảng 11 giờ trưa, họ cùng nhau chuyển các món ăn cùng các đồ dùng cần thiết xuống tầng trệt bằng một hệ thống ròng rọc tự chế. Quán cơm của gia đình được dựng lên cách đó chưa đầy 100 mét dưới tán cây trên một góc vỉa hè kế bên cột biến áp. Trong suốt hai tiếng buổi trưa, có đến hơn 150 thực khách thuộc mọi tầng lớp đến ăn tại quán, từ dân công sở ăn mặc lịch sự đến các bác xe ôm đi dép lê. Giá mỗi suất là 30,000 đồng (1,4 USD).
Gia đình anh Trang chỉ là 1 trong số vô vàn các quán rong ven đường ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của nhà nước, 11% lực lượng lao động tại TP.HCM hiện đang bán hàng vỉa hè, chiếm 51% tổng số lao động trong các ngành không chính thức và phi nông nghiệp.
Mặc dù rất phổ biến song hoạt động bán hàng rong ở Việt Nam lại không được kiểm soát một cách chặt chẽ. Việc đăng ký với chính quyền chỉ bị bắt buộc khi thu nhập vượt quá một ngưỡng nhất định. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế của LHQ (ILO) năm 2014 về khu vực kinh tế phi chính thống của Việt Nam cho biết 78% số người bán hàng rong hiện nay không có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Cho dù không có giấy phép, mô hình hàng quán vỉa hè ở Việt Nam đã trở thành một nét văn hóa, thậm chí còn được yêu thích, sao chép và phổ biến tại nhiều thành phố lớn ở phương tây. Tại TP.HCM còn có các dịch vụ du lịch chuyên giúp du khách phương Tây tìm những quán vỉa hè ngon nhất, rất nhiều video trên YouTube và các blog tiếng Anh chỉ dẫn đến những quán hàng rong nổi tiếng nhưng khó tìm.
Tuy nhiên, trong sự hào nhoáng của chốn đô thị tại TP.HCM, người ta dễ quên đi một thực tế rằng sự thịnh hành của nghề kinh doanh nổi tiếng nhưng đầy tính tình thế này được tạo ra bởi thực tế thiếu việc làm và mất việc làm trong các ngành kinh tế chính thống.
Theo bà Lisa Barthelmes, một nghiên cứu sinh đang nghiên cứu về khu vực kinh tế phi chính thống của Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Nhân chủng học Max Planck của Đức, chính sách cải cách kinh tế “ Đổi Mới” của Việt Nam vào giữa thập niên 80 đã định hướng xây dựng một đất nước hiện đại, và do vậy, nghề bán hàng rong ở các đô thị được coi là “đi ngược lại với xu thế hiện đại hóa”. Tuy nhiên 30 năm sau đó, bất kỳ ai đi bộ trên đường phố Sài Gòn đều có thể thấy rằng nghề kinh doanh này không hề bị lụi tàn. Bà Barthelemes đã chỉ ra lí do của sự lớn mạnh của nghề này trong bối cảnh đổi mới của nền kinh tế:
“Sau Đổi Mới, nhu cầu tiền mặt của người dân ở các vùng nông thôn của Việt Nam đột ngột tăng cao Nhà nước không còn bao cấp cho giáo dục và y tếnữa, họ không thể sống bằng nghề nông được nữa.” Bà nói thêm: “Cùng lúc đó, nhập cư và cư trú chưa được kiểm soát chặt chẽ nênchính phủ lúc đó phải đối mặt với làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn vào thành thị, vốn là điều thường thấy đối với một nền kinh tế vừa được mở cửa.”
Thách thức mà những người kiếm sống từ hình thức kinh doanh phi chính thống này phải đối mặt rất khác nhau. Những người hiểu về mô hình kinh doanh đường phố của TP Hồ Chí Minh cho rằng có thể chia ra làm 3 cấp độ. Cấp độ thấp nhất là các gánh hàng rong cơ động, chỉ bán duy nhất một món hàng và người bán di chuyển khắp thành phố với gánh hàng trên vai. Những người này thường là dân di cư từ nông thôn lên và có thu nhập rất thấp.
Cấp độ thứ 2 cũng không có cửa hàng cố định, nhưng họ thường bán ở một vị trí nhất định ngày qua ngày và bán nhiều loại mặt hàng. Cấp độ cao nhất là những người có cửa hàng cố định, thường là của cư dân sống lâu năm trong thành phố. Họ thuê hoặc sở hữu một quán thô sơ và thường sống luôn trong đó.
Đối với gia đình anh Trang, việc buôn bán đã giúp họ có mức thu nhâp cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Sau khi trừ đi các chi phí, họ thu về hơn 2 triệu đồng ($100) mỗi ngày, tính ra thu nhập trung bình năm của họ cao hơn rất nhiều mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam, vốn chỉ dừng ở mức dưới 40 triệu đồng ($2,000) một năm. Không cần phải vay mượn, với mức thu nhập này , gia đình anh có đủ khả năng trả lương cho nhân viên và mở thêm cửa hàng mới trong tương lai gần. Chị Thảo (31 tuổi), bắt đầu phụ giúp công việc buôn bán của gia đình mình từ năm lên 8, rất tự hào về công việc của gia đình.
“Chúng tôi rất vui khi mọi người biết đến cửa hàng nhà mình,” Cô nói. “Tôi học quản trị kinh doanh và đã cân nhắc việc làm trong ngành khách sạn, nhưng tôi lại chọn công việc này vì được làm cùng gia đình và được giao lưu với mọi người. Tôi không thích các công việc ngồi trong văn phòng.”
Cô Lê, 39 tuổi, là một người bán hàng rong nằm trong nhóm cấp độ thấp nhất. Món bún giò nổi tiếng của cô được chế biến từ giò lụa, tiết, rau muống, mắm tôm, ốc và đâu phụ, với mỗi suất có giá 16.500 đồng (75 cent). Gánh hàng tạm của cô có vẻ thu hút được rất nhiều thực khách. Trong khung giờ cao điểm vào một buổi tối thứ 5 của tháng 4, khách đến ăn thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, từ những doanh nhân trong bộ vest bóng bẩy đến cô nhân viên Pizza Hut tạt qua sau ca làm, vừa kịp ăn bát cuối cùng. Tất cả khách hàng ngồi ăn trên những chiếc ghế nhựa bé xíu phía sau bến xe buýt.
Theo một cách nào đó, công việc của cô Lê mang tính chất rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao. Nhờ vào việc cung cấp một món ăn độc đáo giữa một khu vực đông đúc và gần một dự án xây dựng lớn, cô có thể bán được tới 200 bát một ngày, thu về khoản lợi nhuận gần 1,6 triệu đồng, tương đương với khoảng $75.
Tuy nhiên, cô cho biết, việc chuẩn bị và vận chuyển cả gánh thức ăn thật không dễ dàng gì với người phụ nữ này. Hơn nữa, cô luôn phải đề phòng công an phường truy đuổi, cũng vì vậy mà cô không cho chúng tôi biết tên họ đầy đủ khi phỏng vấn. Việc đụng độ công an sẽ làm cô bị thiệt hại rất lớn.
“Tôi không thể bán đủ để hoàn vốn nếu gặp công an, vì chạy đi mất thời gian lắm.”
Trái ngược với cô Lê, anh Huỳnh Hoa và gia đình sở hữu một cửa tiệm kiêm nhà ở trên phố Cô Giang, một khu phố ăn uống sầm uất trong lòng Quận 1. Thu nhập của anh từ bán bánh tráng cuốn thấp hơn rất nhiều so với gánh bún của cô Lê, lãi mỗi ngày ít hơn 550,000 đồng ($25). Anh Hoa giải thích rằng cửa tiệm của anh không dễ thấy như những gánh hàng rong (như của cô Lê). Do đó cửa hàng của anh phải cung cấp miễn phí thêm khăn giấy và Coca để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, nhờ có cửa hàng cố định, anh có thể bán hàng trong cả 7 ngày trong tuần, gặp ít rủi ro và không phải mất chi phí vận chuyển hoặc thất thu do chạy công an. Người dân địa phương cũng nhận định rằng những người có cửa hàng cố định như anh Hoa thường có địa vị kinh tế xã hội cao hơn những người bán rong như cô Lê, mặc dù thực tế là cô kiếm được nhiều tiền hơn.
Chính phủ Việt Nam cũng nhận ra rằng, ngành kinh doanh phi chính thống này chính là nhân tố giữ cho tỷ lệ thất nghiệp của TP.HCM ở mức thấp, chỉ khoảng 3,29%. Báo cáo về nguồn lao động năm 2014 của Chính phủ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của cả nước vẫn giữ ổn định trong “bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm” như hiện nay phản ánh một sự thật khá phũ phàng: “người dân buộc phải tìm kiếm việc làm, để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình, dù là phân khúc việc làm phi chính thống thường có mức thu nhập thấp và bấp bênh”. Trong khi đó, dựa trên các cuộc phỏng vấn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) cho biết “Bộ nhận thức được về hiện trạng này, nhưng việc giải quyết nó chưa phải là ưu tiên trong thời điểm hiện tại”.
Cho dù mức thu nhập, rủi ro và địa vị xã hội đối với mỗi loại hình khác nhau khá nhiều trong ngành kinh doanh này, cách tốt nhất để biết họ có hài lòng với công việc của mình không là hỏi liệu họ có muốn để cho con cái theo nghề cha mẹ không.
Cô Lê vốn mù chữ, cô cũng nói rằng chưa bao giờ xem xét tìm công việc khác vì cô biết mình không có khả năng tìm được một công việc trong phân khúc việc làm chính thống. Nhưng khi được hỏi về tương lai của cậu con trai, vốn thường đến giúp mẹ bán hàng sau khi tan học, lần đầu tiên tôi thấy cô quả quyết.
“Con tôi sẽ không có tương lai nếu nó cũng đi bán rong giống tôi.”
***
Saigon street food: ‘There’s no future for my son selling food this way’
Vietnamese street food is modernising with western tourists using YouTube and local blogs to find the best dishes, but 78% of vendors still work illegally