- Teo tóp rừng Tây Nguyên – Bài 1: Phá rừng như… trẩy hội
- Teo tóp rừng Tây Nguyên – Bài 2: Mất rừng, mất luôn cán bộ
- Teo tóp rừng Tây Nguyên – Bài 3: Dễ lấn chiếm, khó thu hồi
Rừng của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân giao cho huyện Đăk Song quản lý đã biến thành vườn tiêu, nhà ở. Ảnh: T.K
***
Teo tóp rừng Tây Nguyên – bài 1: Phá rừng như… trẩy hội


(Dân Việt) Diện tích rừng ở Tây Nguyên đang teo tóp với tốc độ chóng mặt do sự bất lực, thậm chí là “buông tay” của nhiều đơn vị quản lý rừng. Nhiều điểm nóng tranh chấp phát sinh, việc thu hồi đất rừng theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng vô cùng nan giải.
Rừng bị phá, bị lấn chiếm nhưng có không ít lãnh đạo công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng im lặng, khi thanh tra vào cuộc mới phát hiện rừng chỉ còn trên… giấy.
“Nhảy dù” xuống đất rừng
Người dân dựng lều “cố thủ” tại tiểu khu 1500 do Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Ảnh: T.K
Hàng trăm nghìn ha rừng bị chặt phá
Kết quả rà soát của Ban chỉ đạo Tây Nguyên mới đây cho thấy, trong những năm qua, diện tích rừng bị tàn phá do UBND cấp huyện, xã quản lý là 209.000ha, các ban quản lý rừng 112.00ha, công ty lâm nghiệp nhà nước 87.000ha, hộ gia đình 25.000ha, tổ chức kinh tế 23.000ha, lực lượng vũ trang 21.000ha… Trong đó, UBND các cấp và ban quản lý rừng phòng hộ là các chủ rừng để mất rừng nhiều nhất. |
Làm việc với phóng viên NTNN mới đây, ông Phạm Hòa Dũng – Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, Đăk Nông – cho biết: “Có hơn 30 người đang cố thủ trong rừng sâu thuộc tiểu khu 1500 và tiểu khu 1504, xã Quảng Trực để dựng lán trại, đốt dọn trồng tỉa trên đất mới phá rừng”. Theo ông Dũng, vụ phá rừng này khởi phát từ ngày 30.11.2016, với khoảng 50 – 70 người từ xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) ồ ạt kéo sang. Dù đơn vị quản lý rừng và các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phát hiện sớm, nhưng do họ quá đông nên không thể đẩy đuổi. Từ 1,2ha bị phá ban đầu, đến nay diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm đã tăng lên hơn 16,3ha.
Ngày 29.6 vừa qua, huyện Tuy Đức và huyện Bù Gia Mập đã có buổi làm việc, cùng thống nhất nếu các đối tượng tiếp tục vi phạm thì chỉ đạo lực lượng công an, kiểm lâm điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật chứ không vận động suông như thời gian qua. Nhưng cho đến nay, hàng chục đối tượng vẫn tiếp tục phá rừng, không thể kiểm soát được.
Tương tự, HTX Hợp Tiến (xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’long) cũng không biết làm gì với 125 hộ dân “nhảy dù” vào diện tích rừng mà HTX được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê. Ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc HTX – bức xúc nói: “Lúc đầu chỉ có 3 hộ vào săn bắt, hái lượm chứ không dám phá rừng, tôi báo cáo nhưng chính quyền không xử lý. Bây giờ đã tăng lên 125 hộ, họ ngang nhiên chặt trụi 218ha rừng tự nhiên để lập làng và lấy đất canh tác”. Theo ông Đức, nhiều đối tượng ở làng này đã tấn công lực lượng bảo vệ rừng.
“Năm ngoái, 5 nhân viên bảo vệ rừng của HTX cùng 1 cán bộ kiểm lâm địa bàn đã bị 30 người dùng súng tự chế, dao kiếm tấn công bị thương. Họ còn đập phá xe U Oát tuần tra, phá trạm bảo vệ rừng, cướp súng của kiểm lâm huyện” – ông Đức nhớ lại. Tất nhiên đó là những vụ phá rừng lẻ tẻ, chứ với 125 hộ thì không lực lượng nào giải tỏa được, đành để họ như đốm lửa giữa rừng già mùa khô, sẵn sàng bùng lên thiêu trụi cả nghìn ha rừng.
Không chỉ Công ty Lâm nghiệp nhà nước, HTX mà diện tích rừng do quân đội quản lý ở Tây Nguyên cũng bị lấn chiếm. Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 28.4, tại tiểu khu 1670 thuộc địa bàn xã Quảng Sơn (huyện Đăk G’long), do Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn thuộc Quân khu V quản lý. Trước sự có mặt của lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, 17 đối tượng vẫn ngang nhiên đưa xe ôtô bán tải, 2 máy khoan, dao, mã tấu vào chiếm đất rừng tại vị trí cách Trạm Bảo vệ rừng chỉ 70m. Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn phải cung cấp các giấy tờ, tài liệu về nguồn gốc đất rừng theo yêu cầu của các đối tượng, nhưng vẫn không thuyết phục được. Cuộc giằng co kéo dài đến tối mịt, “thắng lợi” thuộc về nhóm người chiếm đất với việc trồng xong 577 cây gòn.
“Chúng tôi không loại trừ có sự đứng sau sắp xếp của các băng nhóm “xã hội đen” chuyên bảo kê, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, phá rừng… chứ không phải người dân thiếu đất” – thượng tá Nguyễn Văn Thuyên – Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế quốc phòng Quảng Sơn nói.
Công an vào cuộc
Một vụ chiếm dụng đất rừng tập thể tại huyện Krông Năng, Đăk Lăk. Ảnh: ĐTK
Trong khi tình trạng phá rừng diễn ra như… bão, nhiều chủ rừng lại thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu “buông tay”, thậm chí là báo cáo gian dối về số liệu mất rừng. Qua thanh tra, UBND tỉnh Đăk Nông phát hiện từ năm 2008 đến nay, Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa (huyện Đăk Song) đã để hơn 2.600ha rừng bị chặt phá làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp mà không có biện pháp ngăn chặn. Kiểm tra ngẫu nhiên 13 điểm, thì tất cả các khu vực đó đều đã “trắng rừng”.
Theo UBND tỉnh Đăk Nông, tình trạng phá rừng diễn ra nhiều năm, với diện tích lớn nhưng lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa báo cáo không trung thực (chỉ báo mất 67ha). Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang điều tra, làm rõ các sai phạm của Giám đốc Phạm Đình Dũng (đã bị kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển về làm chuyên viên Sở NNPTNT) và những cán bộ thuộc quyền.
Cũng trong thời gian từ năm 2008 đến nay, nhiều công ty lâm nghiệp nhà nước khác ở Đăk Nông để mất gần như hoàn toàn diện tích rừng được giao quản lý. Trong đó Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân chỉ còn 146/7.000ha được giao, Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân còn 711/4.600ha, Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín 2.000/9.000ha… Nguyên nhân mất rừng được xác định do lãnh đạo công ty buông lỏng quản lý, không có biện pháp ngăn chặn, giấu giếm việc mất rừng nên các ngành chức năng không nắm bắt được tình hình.
Tại Gia Lai, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được UBND tỉnh giao hơn 9.000ha rừng và đất lâm nghiệp vào năm 2011, đến đầu năm 2017 chỉ còn 6.677ha, tức 30% diện tích đã mất quyền sử dụng hoàn toàn. Để che giấu trách nhiệm, khi làm mới và chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lãnh đạo ban cố ý đã bỏ ra ngoài hơn 1.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Dấu hiệu thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái của ông Nguyễn Đức – Trưởng ban và những cán bộ liên quan cũng đang được Công an tỉnh điều tra, làm rõ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.
Ông Lê Quang Dần – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Nông cho biết: “Dù đã nhiều lần đổi mới, song các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Nông vẫn khó đảm đương nhiệm vụ bảo vệ rừng. Gọi là công ty nhưng hầu hết các đều không có hoạt động sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn lưu động, chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Sau khi dừng khai thác gỗ, các công ty chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm kinh phí bảo vệ rừng, tiền dịch vụ rừng không phải đơn vị nào cũng có”. Khó khăn bủa vây, áp lực bảo vệ rừng ngày càng lớn khiến nhiều đơn vị chủ rừng có tâm lý buông xuôi, dẫn đến “xóa sổ” toàn lâm phần được giao.
***


Huyện “né” nhận rừng
Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả 6 công ty lâm nghiệp bị giải thể do mất rừng quá nhiều trên địa bàn Tây Nguyên đều thuộc tỉnh Đăk Nông. Thực hiện phương án, UBND tỉnh Đăk Nông vừa ra quyết định giải tán các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân, Thuận Tân, Quảng Đức, Đức Lập, Quảng Tín và Gia Nghĩa. Hàng chục nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp còn lại sẽ được bàn giao cho UBND các huyện quản lý, bao gồm cả đất lâm nghiệp đã bị người dân bao chiếm. Tỉnh giao thì phải nhận, nhưng hầu hết các huyện đều “sợ” quản lý rừng, nên đang tìm cách “đẩy” cho đơn vị khác.
Rừng của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân giao cho huyện Đăk Song quản lý đã biến thành vườn tiêu, nhà ở. Ảnh: T.K
Tại tỉnh Đăk Nông, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 34 cán bộ, công chức, viên chức của ngành bị kỷ luật cách chức, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc, trong đó 10 trường hợp bị đề nghị khởi tố hình sự. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. |
Làm việc với phóng viên Báo NTNN, ông Lê Hoàng Vinh – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Song – cho biết, huyện vừa nhận bàn giao khoảng 10.000ha rừng và đất lâm nghiệp từ 2 công ty lâm nghiệp giải thể, diện tích nhiều vậy nhưng thực tế phần lớn đã bị người dân bao chiếm hết. Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân chỉ còn 389ha, Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân 55,7ha, lại nằm rải rác trên nhiều xã nên rất khó quản lý. Theo ông Vinh, huyện không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, không có kinh phí nên đang đề xuất tỉnh giao lại cho các đơn vị khác.
“Chúng tôi kiến nghị giao rừng của Công ty Lâm nghiệp Thuận Tân cho Công ty lâm nghiệp Đăk N’Tao, còn rừng của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân thì ghép vào Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa nhưng chưa được cấp trên chấp thuận”- ông Vinh nói. Trước đó UBND tỉnh Đăk Nông thu hồi 935ha rừng của Công ty Lâm nghiệp Đức Hòa giao cho huyện Đăk Song quản lý, huyện giao cho các xã và nhanh chóng bị “xóa sổ” hoàn toàn. Tại huyện Tuy Đức-Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Huân cho biết, sau khi Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín bị giải thể, tỉnh giao cho huyện 2.000ha rừng thuộc 2 xã Đăk Ngo và Quảng Trực. UBND huyện đang tìm kiếm đối tác, đề nghị tỉnh chuyển giao toàn bộ diện tích này, có thể là Binh đoàn 16 hoặc Ban Chỉ huy quân sự huyện, tức phải là lực lượng vũ trang mới giữ được.
Rừng có chủ mà cũng như không
Đất rừng của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân bị lấn chiếm gần hết. Ảnh: Đ.T.K
Tại huyện Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk), từ năm 2008 đến nay đã có hơn 15.000ha rừng bị chặt phá, lấn chiếm khiến độ che phủ rừng suy giảm từ 65% xuống còn 49,7%, trong đó diện tích rừng do UBND các cấp quản lý bị mất hơn 3.200ha. Lãnh đạo xã Cư M’lan, một trong những xã mất rừng, cho biết: “Ban lâm nghiệp xã toàn các thành viên kiêm nhiệm, trừ kiểm lâm địa bàn, nhưng một kiểm lâm địa bàn thì không làm gì được. Mỗi khi có sự vụ xã phải huy động địa chính, công an, dân quân… mới ngăn chặn được, mà tiền đổ xăng cho anh em còn không có nên rất khó giữ rừng”.
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên hiện nay có trên 282.896ha rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp được giao cho các UBND các xã, Ban quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp nhà nước… đang bị lấn chiếm, tranh chấp. Trong đó, tranh chấp trong diện tích đất đã giao quyền sử dụng đất là 197.365ha, diện tích còn lại tranh chấp thuộc diện chưa giao quyền sử dụng đất. Các tranh chấp cũng tập trung chủ yếu rừng do UBND xã, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp nhà nước quản lý…
UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên được giao quản lý diện tích rừng lớn (716.320ha, trong đó 386.482ha đất có rừng, diện tích còn lại là đất không có rừng) nhưng không được giao kinh phí, cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến diện tích rừng này trên thực ế không có chủ quản lý bảo vệ rừng cụ thể.
Hàng chục cán bộ bị kỷ luật, khởi tố
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh Đăk Nông đã xảy ra 335 vụ phá rừng, gây thiệt hại hơn 210ha rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó huyện Đăk Song xảy ra 119 vụ làm thiệt hại 40ha rừng. Đặc biệt tại 24/44 dự án phát triển nông – lâm nghiệp do tỉnh cho thuê đất, tình trạng tranh chấp đất giữa người dân với doanh nghiệp hết sức căng thẳng, dẫn đến khiếu kiện đông người. Sở NNPTNT cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay đã có 34 cán bộ, công chức, viên chức của ngành bị kỷ luật cách chức, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc, trong đó 10 trường hợp bị đề nghị khởi tố hình sự. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã bắt tạm giam các ông Lê Xuân Bảo – nguyên Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức, ông Thái Thanh Tâm – nguyên tổ trưởng bảo vệ rừng, ông Phạm Quốc Đính – nguyên Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa – về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ thanh tra, Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức được giao hơn 14.000ha rừng nhưng để mất hơn 5.100ha, còn Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa được giao 24.000ha và để mất 8.700ha. Ngoài ra, Sở NNPTNT cũng đã chuyển đổi vị trí công tác 64 trường hợp, phần lớn là lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp… |
***


Dễ tạo “điểm nóng”
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện có hơn 282.000ha đất lâm nghiệp đang bị lấn chiếm, tranh chấp tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, trong đó 70% đã giao quyền sử dụng cho các đơn vị quản lý. Thực hiện Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh đã triển khai kế hoạch thu hồi để trồng lại rừng, nhưng kết quả không đáng kể.
Đất rừng bị lấn chiếm tại xã Quàng Sơn, huyện Đăk G’long, Đăk Nông. Ảnh: T.K
Sau một năm thực hiện “đóng cửa rừng” theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã phát hiện 561 vụ vi phạm, với hơn 3.160 m3 gỗ các loại, diện tích rừng thiệt hại hơn 13ha. Cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý hành chính 531 vụ, khởi tố hình sự 19 vụ. |
Tại tỉnh Đăk Lăk có 60.000ha phải thu hồi, đến nay các huyện mới chỉ triển khai cầm chừng. Như huyện Krông Bông mới thu hồi được 1,8/17.000ha bị lấn chiếm, huyện M’Đrăk 30/1.247 ha, huyện Ea Súp 300/15.000ha…
Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch UBND huyện Ea Súp – cho biết, các đối tượng lấn chiếm kích động, tụ tập đông người để chống đối, cản trở nên rất khó thu hồi. Giữa năm 2016, khi lực lượng liên ngành của huyện xử lý hộ dân lấn chiếm 1,7ha tiểu khu 286 do xã UBND Cư M’lan quản lý thì anh Huỳnh Ngọc Vinh – cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện – bị đối tượng chém bị thương.
Còn ông Lê Văn Ba – Hạt trưởng Kiểm lâm huyện M’Đrăk – cho biết, chỉ riêng Xí nghiệp giấy Tân Mai được UBND tỉnh cho thuê đất trồng rừng đã bị người dân lấn chiếm hết 800ha. Nhưng việc thu hồi lại đụng đến đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vốn còn nhiều khó khăn, nếu làm ồ ạt dễ tạo ra những điểm nóng. Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk – thừa nhận, hầu hết các địa phương trong tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, lập phương án, một số thống kê còn chưa chính xác về hiện trạng, đối tượng lấn chiếm.
Thu hồi đã khó, nhưng khi trồng rừng lại bị người dân tái chiếm như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’Gar, Đăk Lăk) trồng được được 65ha thì bị phá 34ha, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh (Ea Súp, Đăk Lăk) trồng được 106ha bị nhổ bỏ hoàn toàn…
Giao khoán lại cho người dân
UBND các tỉnh Tây Nguyên đã lập kế hoạch sắp xếp cho số hộ này, song tiến độ rất chậm do kinh phí bố trí chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu các dự án.
Mặt khác việc thu hồi diện tích rừng phá, lấn chiếm bằng phương pháp cưỡng chế, giải tỏa đang gặp nhiều khó khăn do diện tích quá lớn, người dân đã canh tác lâu năm, hễ đụng vào là bị chống đối quyết liệt, tổ chức khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đề xuất bóc tách những diện tích người dân đã canh tác lâu năm ra khỏi các lâm phần, giao địa phương quản lý để ưu tiên bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hoặc có cơ chế cho các công ty lâm nghiệp giao khoán, cho thuê để người dân yên tâm đầu tư trồng rừng nhưng không cấp “sổ đỏ” nhằm tránh tiền lệ xấu. Cách làm này cũng đang được một số chủ rừng thực hiện, như Công ty Lâm nghiệp Đăk Glei (Kon Tum), Công ty Lâm nghiệp Buôn Wing (Đăk Lăk).
Đặc biệt UBND tỉnh Gia Lai đang áp dụng cho kế hoạch thu hồi 30.000ha đất rừng bị lấn chiếm giai đoạn 2017 – 2019. Phương án này sẽ tạm thời ổn định đất đai, tránh tình trạng mua bán, hợp thức hóa thành đất nông nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, đơn vị quản lý đất rừng chỉ vận động được người dân trồng rừng ở những vùng núi cao, đất đai cằn cỗi. Còn những vùng đất bazan màu mỡ, thích hợp với các loại cây nông nghiệp có giá trị cao, như cà phê, cao su, hồ tiêu… thì người dân kiên quyết không hợp tác. Đó là chưa kể hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp bị dân lấn chiếm và sử dụng, các công ty lâm nghiệp đã giải thể, địa phương nhận bàn giao chưa có phương án xử lý.