Tây Nguyên giao rừng tràn lan – 4 bài

***

Tây Nguyên giao rừng tràn lan
Bài 1: Rừng cộng đồng bị… “cộng đồng” phá!

SGGP 
Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao nhiều diện tích rừng tự nhiên cho cộng đồng, cá nhân, nhóm hộ… để bảo vệ, quản lý và phát triển rừng. Nhưng mô hình giao rừng này đã nhanh chóng thất bại vì chủ nhân được giao rừng lại phá rừng hoặc bỏ mặc rừng bị phá.

Rừng Tây Nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng, không những cho nội vùng mà còn chi phối rất lớn đến nguồn nước, môi trường sinh thái và phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chính sách giao đất, giao rừng cho người dân và doanh nghiệp để bảo vệ rừng. Lợi dụng các chính sách này, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã ngang nhiên chặt phá, chuyển đổi rừng tràn lan để lấy đất sản xuất nông nghiệp.
Rừng cộng đồng bị… “cộng đồng” phá! ảnh 1

Phá rừng lấy đất

Một thực tế đáng buồn, việc phá rừng tại Tây Nguyên không chỉ diễn ra với người không được giao khoán rừng, mà chính những gia đình, nhóm hộ và cộng đồng nhận khoán rừng cũng tự ý phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất.

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã giao khoán gần 36.056ha rừng, đất rừng cho 5.026 gia đình, cộng đồng quản lý và bảo vệ, trong đó diện tích có rừng là 26.984ha. Diện tích rừng, đất rừng này chủ yếu giao khoán cho đồng bào các dân tộc ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar, Cư M’gar và Krông Ana. Nhưng qua kiểm tra, hiện có hơn 10.610ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép ở nhiều khu vực.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, chính những gia đình, nhóm hộ nhận khoán rừng cũng tự ý phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất. Huyện Ea Súp đã giao 4.000ha rừng cho các nhóm hộ của 4 xã Cư M’lan, Ea Bung, Ea Lê và Ia T’mốt nhưng qua kiểm tra đã có trên 2.000ha rừng bị các nhóm hộ nhận khoán rừng phá trắng.

Nghiêm trọng nhất là xã Ea Bung, có 13 nhóm hộ được giao khoán rừng với tổng diện tích 1.735ha, qua kiểm tra đã có 1.264ha rừng bị chặt phá trắng chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Huyện Buôn Đôn giao khoán 1.000ha rừng cho 50 hộ gia đình tại xã Ea Huar và Krông Na quản lý, nhưng hiện nay hầu hết diện tích rừng này đã bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép chuyển đất sang sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2001 đến 2016, tỉnh Đắk Nông đã giao hơn 10.700ha rừng, đất rừng cho cộng đồng dân cư địa phương, nhóm hộ gia đình quản lý và bảo vệ. Qua kiểm tra mới đây, tỉnh phát hiện có hơn 5.781/8.321ha diện tích rừng tự nhiên được giao (chiếm hơn 69,4%) bị chặt phá, lấn chiếm. Tại những khu rừng tự nhiên đã giao, bị mất hơn 3.873/5.722ha diện tích rừng được giao. Trong đó, diện tích rừng bị mất nhiều nhất tập trung tại các huyện Krông Nô (mất hơn 955/1.525ha được giao), Tuy Đức (hơn 845/1.429ha), Đắk Glong (hơn 2.057/2.470ha)… Còn tại các khu rừng tự nhiên tạm giao, diện tích rừng bị mất hơn 1.908/2.598ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, diện tích rừng, đất rừng được giao cho nhóm hộ và cộng đồng chủ yếu là rừng nghèo kiệt, trữ lượng thấp, manh mún, địa hình phức tạp nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn.

Cộng đồng đòi trả rừng

Đến nay, tỉnh Gia Lai đã giao rừng, đất rừng cho 13 cộng đồng dân cư và nhóm hộ gia đình với diện tích hơn 3.900ha. Tuy nhiên, việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng tại tỉnh này còn nhiều bất cập. Ông Siu Ting, Phó Chủ tịch UBND xã Chư A Thai huyện Phú Thiện, cho biết, trên địa bàn xã có 2 cộng đồng Kinh Pênh và Plei Pông được giao rừng, trong đó cộng đồng Kinh Pênh được giao 100ha rừng, cộng đồng Plei Pông được giao 304ha rừng.

Kết quả kiểm kê năm 2014, Plei Pông còn 246,6ha và Kinh Pêng còn 98ha. Đánh giá về hiệu quả giao đất, giao rừng cho cộng đồng, ông Siu Ting nói, rừng được giao là rừng nghèo kiệt, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, trong khi gỗ và lâm sản ngoài gỗ thì không có, quyền lợi không bao nhiêu. Nhiều lúc người dân cũng không mặn mà trong việc quản lý. Vì thế, sau kiểm kê năm 2014, dân làng cũng có đề nghị trả lại, không giữ rừng nữa.

Rừng cộng đồng bị… “cộng đồng” phá! ảnh 2Rừng cộng đồng ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) bị người dân chặt phá để trồng cây công nghiệp. Ảnh: CÔNG HOAN

Còn theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, có 7 cộng đồng trong tỉnh đang quản lý 2.080ha rừng, đất rừng cộng đồng. Cơ chế hưởng lợi từ rừng của cộng đồng đã có tác dụng khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân sống bằng nghề rừng. Đồng bào các dân tộc gắn với đất, với rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép; góp phần bảo tồn, phát triển hệ sinh thái động thực vật rừng… Các cộng đồng được giao đất, giao rừng đã trồng được 120ha rừng, chủ yếu là cây keo.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng chưa cao, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cộng đồng còn hạn chế; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra ở một số rừng cộng đồng. Tại huyện Lạc Dương hơn 605ha rừng và đất rừng được giao cho cộng đồng thôn 1 và thôn 4, xã Đạ Sar, tuy nhiên cộng đồng đã không làm tốt nhiệm vụ, để người dân lấn chiếm hơn 80ha đất, rừng trồng cà phê.

Lợi ích ít, hiệu quả thấp

UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiệu quả mang lại từ mô hình quản lý rừng cộng đồng tại địa phương không cao, người dân chưa thật sự tâm huyết trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng để rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái pháp luật trong khu vực giao rừng cộng đồng; một số hộ dân trong tổ cộng đồng được giao rừng chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, còn trực tiếp phá rừng làm nương rẫy.

Giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm 3,1%

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn còn chậm, chủ yếu là giao cho các tổ chức quản lý. Tổng diện tích rừng, đất rừng các tỉnh Tây Nguyên đã giao là gần 2,9 triệu ha, chiếm hơn 87,8% tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp.

Trong đó, giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 1,2 triệu ha (chiếm 40%), giao cho các tổ chức là 1,24 triệu ha (chiếm 37,3%) và giao cho các UBND xã gần 368.000ha (chiếm 20,7%).

Riêng việc giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 75.770ha (chiếm 3,1%) và giao cho cộng đồng đồng bào dân tộc 29.926ha (chiếm 0,9% trong tổng diện tích rừng, đất rừng trên địa bàn).

Từ việc không đủ năng lực trực tiếp quản lý diện tích đất và rừng được giao, cộng đồng thôn 1 và thôn 4, xã Đạ Sar đã xin trả lại khu vực, diện tích (Nhà nước giao cho Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý) và chuyển sang nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, giao rừng cho cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao là do rừng giao khoán cho các gia đình, nhóm hộ là rừng nghèo, đã khai thác cạn kiệt, không còn trữ lượng gỗ; địa hình phức tạp, đồi núi và việc hưởng lợi từ rừng bước đầu hầu như không có. Trong khi đó, lợi ích kinh tế mang lại cho người nhận rừng chỉ có 2% giá trị gỗ khi đến chu kỳ khai thác (nhưng phải đợi ít nhất 10 – 20 năm sau), nên người nhận rừng không thiết tha trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhận khoán.

Còn các hộ nhận khoán rừng chủ yếu là hộ nghèo, không đủ năng lực để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Các địa phương thiếu sự quan tâm trong việc thành lập các tổ, đội để hỗ trợ người dân trong công tác quản lý diện tích rừng được giao.

CÔNG HOAN – HỮU PHÚC – ĐOÀN KIÊN

***

Bài 2: Chuyển rừng giàu thành… rừng nghèo!

SGGP 
Chỉ trong một thời gian ngắn, các tỉnh Tây Nguyên đã vội vàng chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để trồng cao su, trồng rừng, xây dựng thủy điện… Nhiều cánh rừng giàu có, xanh tốt bỗng nhiên bị xếp loại rừng “nghèo” để các doanh nghiệp (DN) dễ bề chuyển đổi lấy đất thực hiện dự án. Trong khi đó, có những DN lại để người đi chặt phá rừng trái phép.

Rừng khộp ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị doanh nghiệp chặt phá để trồng cao su. Ảnh: CÔNG HOAN

Rừng khộp ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị doanh nghiệp chặt phá để trồng cao su. Ảnh: CÔNG HOAN

Đua nhau chặt phá rừng giàu

Sau khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên vào năm 2009, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…) trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 215.720ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã cho phép 90 DN trong và ngoài tỉnh vào khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su và một số loại cây nông lâm nghiệp khác. Nhưng từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm, trong đó có gần 3.000ha rừng thuộc sự quản lý của các dự án chuyển đổi rừng.

Do việc khảo sát không kỹ, nhiều cánh rừng giàu ở Đắk Lắk bỗng chốc biến thành rừng “nghèo” khi giao cho các DN. Đi khắp các dự án ở huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng… đâu đâu chúng tôi cũng gặp cảnh này. Vào năm 2010, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát  được giao 977ha đất lâm nghiệp ở tiểu khu 134, 138 thuộc xã Ea Jlơi, huyện Ea Súp để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su. Trong đó, hơn 193,5ha rừng nghèo được cải tạo để trồng cao su. Mặc dù được xếp vào loại rừng nghèo, nhưng trên thực tế, mật độ cây rừng ở đây rất dày, cây rừng có đường kính từ 15 – 60cm, cùng nhiều loại gỗ quý hiếm.

Theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai đến năm 2015, diện tích đất rừng chuyển đổi sang trồng cao su là trên 66.000ha, trong đó có hơn 51.000ha rừng tự nhiên nghèo. Qua đó, tỉnh đã cấp phép cho 44 dự án trồng cao su cho 17 DN. Nhưng trong quá trình triển khai dự án, nhiều DN tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được UBND tỉnh cho phép. Trong khi đó, UBND tỉnh Gia Lai đã giao gần 5.000ha đất ngoài quy hoạch cho 29/52 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su trong năm 2010 – 2011. Ngoài ra, tỉnh này còn buông lỏng quản lý rừng và lâm sản tận thu khi chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Việc chỉ định bán không qua đấu giá gần 500.000m3 gỗ trong năm 2010 – 2012 là trái quy định về bán đấu giá tài sản và gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Có một thực tế đáng buồn, nhiều cánh rừng khộp không thích hợp cho việc chuyển đổi trồng cao su nhưng tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai vẫn cho DN khảo sát trồng cao su. Tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), hai dự án trồng cao su của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn và Công ty CP Đầu tư Tân Tiến được giao trên những cánh rừng khộp nhiều sỏi đá, khó trồng cao su. Sau 3 năm được giao đất, Công ty Hoàng Nguyễn mới trồng được 80ha cao su hơn 1 tuổi nhưng cây xấu và phải trồng đi trồng lại vài ba lần.

Nhận rừng xanh, trả đất trống

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã giao 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn cho các DN với tổng diện tích rừng hơn 31.600ha, trong đó có hơn 14.300ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ. Chỉ sau vài năm được bàn giao, đã có gần 4.800ha rừng tự nhiên bị tàn phá, gần 8.300ha rừng và đất rừng bị lấn chiếm, xâm canh. Tuy Đức là huyện được tỉnh giao nhiều dự án nhất (18 dự án), với diện tích rộng nhất (hơn 9.100ha) và diện tích rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ nhiều nhất (hơn 5.500ha). Nhưng đây cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200ha) và diện tích bị xâm canh lớn nhất (gần 3.000ha). Trong số này, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao là Công ty CP Kiến Trúc Mới (643,1/924,7ha), Công ty TNHH Long Sơn (501,7/507,7ha) và DNTN Phạm Quốc (233,6/234,3ha). Mới đây, tỉnh Đắk Nông phải ra quyết định buộc 5 DN để mất 255ha rừng phải đền bù thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng, gồm: Công ty Công Long, Công ty GreenFarm Đắk Nông, DNTN Phạm Quốc, Công ty CP Nông Lâm nghiệp Khải Vy và Công ty Hoàng Ba.

Tại tỉnh Gia Lai, có 9 dự án thuê đất để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi nhưng phần lớn đều không hiệu quả, để xảy ra tình trạng đất dự án bị dân bao chiếm. Vào năm 2006, Công ty CP Xuất nhập khẩu Lê Khanh được giao hơn 2.093ha đất rừng để triển khai dự án tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Nhưng từ năm 2006 đến 2010, công ty nhiều lần bị thu hồi với diện tích tổng cộng hơn 1.680ha. Số diện tích còn lại hơn 412ha thì công ty trồng keo lai ở một số diện tích. Có mặt tại dự án của công ty này ở thôn 6, xã Ia Le, chúng tôi chứng kiến nhiều vạt keo lai trồng manh mún bị chết khô, cỏ mọc um tùm. Nhiều chỗ cây ngã đổ nằm phơi mình. Đi sâu vào trong đất dự án, không thấy keo lai đâu mà chỉ thấy cây mì, bắp, chuối do dân trồng mọc xanh um.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, 5 dự án cho thuê đất trồng rừng khác của Công ty TNHH Nam Cường, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh, Công ty TNHH TM Đệ nhất Việt Hà, Công ty TNHH Thịnh Hưng Nguyên và Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến cũng không có hiệu quả. Đối với 5 dự án này, nhiều diện tích rừng khi trồng lên thì bị chết, cháy. Đất dự án nhưng bị xâm chiếm để sản xuất nông nghiệp. Điển hình như dự án trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh. Dự án này được giao 697ha, trong đó diện tích hoàn công là 449ha (trồng keo lai và bạch đàn), còn lại là 247ha phần lớn đã bị dân lấn chiếm. Qua kiểm tra hơn 449ha rừng trồng, có 422ha đã bị cháy và chết.

“Lâm tặc có giấy phép” 

Hiện tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho 329 DN thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích là 57.151ha. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, nhìn chung các dự án thuê đất, thuê rừng đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ, không tổ chức hoặc bố trí lực lượng không đủ mạnh để quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế, tỉnh buộc phải thu hồi 180 dự án với tổng diện tích 26.210ha.

Sở KH-ĐT Lâm Đồng cũng vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty CP Nam Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh và Công ty TNHH An Nguyễn (đều thuộc huyện Bảo Lâm) vì không thực hiện dự án và để mất rừng với số lượng lớn. Từ khi thuê đất rừng đến nay, Công ty An Nguyễn gần như không triển khai dự án, mà chỉ thực hiện khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích được cải tạo trồng rừng. Ghi nhận tại khu vực đất rừng thuộc dự án của công ty này, những cánh rừng một thời xanh tươi đã bị đốn hạ, phá trắng để trồng cà phê, trồng chè, không còn dấu tích của rừng. Có những quả đồi bị lấn chiếm, cạo trọc, chờ trồng các loại cây. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, riêng số rừng bị lấn chiếm trái phép đã có 94,7ha trồng cà phê. Thậm chí, bảo vệ công ty này là ông Vũ Văn Thanh  đã trực tiếp và tiếp tay lâm tặc phá rừng bằng hình thức ken cây bỏ hóa chất, đào hố trồng cà phê với diện tích 2,61ha, trữ lượng lâm sản thiệt hại hơn 118m³.

Tại dự án của Công ty TNHH Nam Nam (tổng diện tích 120,38ha, nằm tại tiểu khu 442, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm), những cánh rừng hàng chục năm tuổi đã bị mất 18,81ha với trữ lượng gỗ thiệt hại 1.372m3. Phần diện tích bị lấn chiếm lớn đã được thay thế bằng các loại cây công nghiệp dài ngày rất khó có khả năng giải tỏa. Ngay sau đó, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu công ty này bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng đơn vị này không chấp hành. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện công ty này ngang nhiên dùng máy múc, múc hố và trồng trái phép hơn 4ha trong diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, trên địa bàn huyện hiện có 54 tổ chức, DN được giao và thuê đất rừng với tổng số 15.988ha. Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra các vụ lấn chiếm gây thất thoát rừng ở các dự án do DN quản lý. Nhưng hiện vẫn chưa có chế tài xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, người đứng đầu DN để mất rừng. Khi xảy ra tình trạng mất rừng, tỉnh chỉ yêu cầu bồi hoàn lại số lượng rừng bị mất nên phần lớn các DN chây ỳ không thực hiện.

CÔNG HOAN – HỮU PHÚC – ĐOÀN KIÊN

***

Bài 3: Cán bộ đua nhau chiếm đất rừng

SGGP 

Hàng chục ngàn hécta đất rừng được các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên giao khoán cho người dân, liên kết trồng rừng với doanh nghiệp, biến đất rừng thành đất rẫy trồng hồ tiêu, cà phê, khoai lang, cao su…Thậm chí, có nhiều cán bộ công ty lâm nghiệp còn phá rừng để lấy đất sản xuất.

Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (Đắk Nông) bị chặt phá. Ảnh: CÔNG HOAN

Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (Đắk Nông) bị chặt phá. Ảnh: CÔNG HOAN

Giao rừng cho cán bộ

Theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-1-2005 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được ưu tiên nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng và được hưởng lợi từ rừng. Lợi dụng chính sách này, một số tỉnh Tây Nguyên đã giao đất rừng cho cán bộ.

Nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh không thuộc diện được giao rừng nhưng vẫn được tỉnh Đắk Nông giao hàng chục hécta rừng và đất rừng để canh tác, sử dụng, chuyển đổi… và sau đó những cán bộ này đã bán lại cho người dân thu lợi cá nhân.

 Cán bộ đua nhau chiếm đất rừng ảnh 1Rừng cộng đồng buôn K’rai, xã Ea Hiao, huyện Ea Hleo (tỉnh Đắk Lắk) bị chặt phá trơ trụi để lấy đất làm rẫy .    Ảnh: CÔNG HOAN

Trên đoạn đường rừng khoảng 9km từ trạm bảo vệ rừng đầu tiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín (trực thuộc Công ty TNHH Gia Nghĩa), chúng tôi bắt gặp nhiều cây gỗ mới bị cưa xẻ ngổn ngang hai bên đường tại tiểu khu 1691.

Đi sâu vào lâm phần quản lý của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín, nhiều hộ dân trồng đủ loại cây trồng trên đất nhận khoán trồng rừng theo Nghị định 135. Chị Phạm Thị Hường (ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) đến lập nghiệp tại xã Quảng Thành vào năm 2015, dù không có hộ khẩu tại đây, nhưng gia đình chị Hường vẫn được xí nghiệp này cấp cho hơn 1ha đất rừng với giá nhận khoán 2 triệu đồng để trồng rừng theo Chương trình 135.

Chị Hường cho biết đã mua hơn 400 cây muồng về trồng trên diện tích nhận khoán, nhưng kiểm tra rẫy nhà chị Hường, trên đó không chỉ có cây muồng mà còn có cây tiêu, cà phê… Một số vạt rừng cạnh rẫy nhà chị Hường cũng vừa mới được gia chủ chặt phá để trồng thêm nhiều loại cây khác.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc giao khoán trồng rừng theo Nghị định 135 ở Công ty TNHH Gia Nghĩa chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa ưu tiên giải quyết đất cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong 147 hộ được giao khoán đất rừng, chỉ có 2 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và có 27 hộ được giao đất không cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, huyện nơi có đất của bên giao khoán.

Đơn nhận giao khoán phần lớn không có xác nhận của chính quyền địa phương, không có cơ sở để xác định đối tượng giao khoán nhưng vẫn được nhận đất giao khoán. Qua xác minh 90 hộ nhận khoán, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 21 hộ không có hộ khẩu thường trú như đã khai trong hồ sơ nhận khoán, nhưng vẫn được giao khoán hơn 83ha đất rừng.

Không riêng gì Công ty Gia Nghĩa, nhiều công ty lâm nghiệp khác trên địa bàn, như công ty Thuận Tân, Đức Hòa, Quảng Tín, Trường Xuân… cũng giao đất trồng rừng theo Nghị định 135 một cách tràn lan. Vào năm 2007, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song (nay đổi tên là Công ty TNHH MTV Thuận Tân) ký 2 hợp đồng kinh tế trái quy định, giao 16,7ha đất rừng tại xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) cho ông Trần Văn Dương, cán bộ Công an huyện Đắk Song, trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng.

Sau khi bàn giao đất, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song còn ưu ái cung cấp toàn bộ giống, cây trồng như xoan, keo, muồng… để ông Dương trồng trên đất rừng. Ngoài ra, ông Dương còn lấn chiếm sang vị trí khác được giao khoán để trồng cây công nghiệp.

Từ đó xảy ra tranh chấp đất đai, thậm chí xô xát gây thương tích giữa ông Dương, người làm cho ông Dương với các hộ dân khác và làm mất an ninh trật tự địa phương. Đến cuối năm 2011, UBND huyện Đắk Song thu hồi 6ha đất của ông Dương để thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do và cũng ưu ái bồi thường cho ông Dương trái quy định số tiền 740 triệu đồng.

Tại huyện Đắk Song, Công ty TNHH Lâm nghiệp Trường Xuân (giải thể vào năm 2016) đã vô tư giao cho ông Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Nông) quản lý, bảo vệ hơn 13ha rừng thông, dù ông này không hề thiếu đất. Vào năm 2014, huyện Đắk Song còn làm tờ trình xin nhận về địa phương diện tích rừng thông trên để cấp sổ cho gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn.

Khi các cơ quan chức năng tỉnh vào cuộc kiểm tra, đã dừng kịp thời việc cấp sổ cho gia đình ông Sơn khi phát hiện việc làm này sai trái. Tại huyện Đắk Glong, gia đình ông Sơn cũng được giao hơn 50ha đất rừng ở xã Quảng Khê (thuộc lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp Quảng Khê trước đây) để canh tác, chăn nuôi. Còn gia đình ông Hoàng Duy Chuyển (nguyên Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông) cũng được giao hơn 100ha rừng tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong để canh tác. Hiện diện tích này đã được gia đình ông Chuyển sang nhượng, chuyển đổi trái phép cho nhiều người dân trong vùng.

Bỏ mặc rừng bị phá

Trong số 56 công ty lâm nghiệp Tây Nguyên đang quản lý gần 1 triệu ha rừng và đất rừng, hơn quá nửa số công ty rơi vào tình trạng khó khăn, hoạt động không hiệu quả, nợ lương, nợ bảo hiểm… Trong khi đó, tình trạng mất rừng hàng loạt xảy ra ở hầu hết ở các công ty lâm nghiệp. Từ năm 2008 – 2014, ở Đắk Lắk có hơn 26.400ha rừng bị phá và lấn chiếm, trong đó các công ty lâm nghiệp chiếm hơn 11.100ha.

Tại Đắk Nông, diện tích rừng bị mất và xâm chiếm từ năm 2004 đến nay là hơn 27.600ha. Trong đó, chỉ tính riêng Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) đã để mất hơn 4.500ha. Còn Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (ở xã Quảng Tín, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) được giao quản lý 9.800ha rừng và đất rừng.

Sau nhiều ngày thực địa tại các khu rừng ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk), chúng tôi chứng kiến những cánh rừng do các công ty lâm nghiệp nơi đây quản lý đang ngày đêm bị chặt phá tràn lan. Vào 2 tiểu khu 262, 264 (ở xã Cư M’lan, huyện Ea Súp, thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan), chúng tôi bắt gặp rất nhiều máy cày độ chế ngang nhiên chở gỗ lậu chạy theo hướng từ rừng sâu ra trung tâm xã. Những xe máy chở gỗ cũng ngang nhiên chạy trên tuyến đường liên xã Ja Lơi.

Tại tuyến đường đất đỏ liên xã Ea Rốk, Cư K’bang và Ea Lê có cả đoàn xe chở gỗ sao còn ứa nhựa (vừa bị lâm “tặc” đốn hạ từ rừng của Công ty Lâm nghiệp Rừng Xanh – phóng viên) chạy vào trung tâm xã Cư K’bang, trước khi “qua mặt” trạm kiểm lâm địa bàn (đóng tại xã Ea Lê) để tuồn vào các xưởng gỗ.

Tại địa bàn thôn 13, xã Cư Yang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), những cánh rừng thuộc quản lý của Công ty TNHH Lâm nghiệp Ea Kar cũng bị xẻ thịt, trong vô số những bìa gỗ, mùn cưa còn sót lại, nhiều bìa gỗ vẫn còn rướm nhựa và mùn cưa mới, chứng tỏ lâm “tặc” vừa “xẻ thịt” cách đây không lâu. Bên cạnh đó, có những gốc cây với đường kính từ 30-80cm bị đốn hạ chưa kịp xẻ và vận chuyển khỏi rừng.

Tại Gia Lai, hàng loạt ban quản lý được giao đất, giao rừng nhưng cũng để mất tràn lan. Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê (đóng tại thị xã An Khê) được giao quản lý hơn 1.460ha rừng và đất lâm nghiệp. Qua kiểm tra mới đây, diện tích rừng và đất rừng của đơn vị này bị lấn chiếm hơn 1.200ha, trong đó có hơn 211ha rừng tự nhiên.

Phần diện tích bị dân xâm chiếm nằm rải rác, hiện đã được dân trồng keo. Cũng tại thị xã An Khê, ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Hội cũng để mất gần 883ha đất lâm nghiệp, trong đó có 166,7ha rừng tự nhiên. Cũng vì để  rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị xâm chiếm, Sở NN-PTNT Gia Lai đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trương Duy Sinh, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Ya Hội và kỷ luật khiển trách ông Đỗ Hữu Long, Phó trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê.

Biến đất rừng thành… đất nhà!

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, hiện Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã để lấn chiếm, mất quyền sử dụng với diện tích hơn 2.400ha và thiệt hại 278ha rừng trồng. Trong đó, nhiều cán bộ của ban này lấn chiếm, sử dụng hàng chục hécta đất rừng để làm trang trại, xây nhà kiên cố. Riêng Trưởng ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ Nguyễn Đức đã lấn chiếm 22ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 16,7ha đã được cấp sổ đỏ. Ngoài ông Đức, ông Tưởng Tín, nguyên Trưởng ban, cũng lấn chiếm hơn 10ha đất rừng. Còn bà Mai Thị Ngọc Thỏa, nguyên viên chức ban, đã chiếm hơn 30ha. Sau khi có sổ đỏ, bà Thỏa đã chuyển nhượng số đất trên cho ông Đặng Xuân (Phó ban), ông Đặng Văn Cườm (kế toán ban) và một số người khác. Tất cả số đất bị chiếm dụng đều nằm trên tiểu khu 389, thuộc xã Diên Phú, TP Pleiku.

CÔNG HOAN – HỮU PHÚC

***

Bài 4: Phải giao rừng cho ai?

SGGP 

Càng giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp (DN), cộng đồng… quản lý và bảo vệ thì Tây Nguyên càng mất thêm rừng.

Rõ ràng, việc giao rừng tràn lan của các tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua đã để lại nhiều hệ lụy khôn lường về kinh tế, xã hội và môi trường. Phải giao rừng cho ai quản lý là câu hỏi khó cho việc bảo vệ màu xanh núi rừng Tây Nguyên hiện nay.

Còn nhiều bất cập

Trong 10 năm qua, Tây Nguyên đã chuyển đổi hơn 80.000ha đất rừng các loại để xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều doanh nghiệp dù không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng đã lợi dụng chính sách phát triển thủy điện trước đó, xin dự án làm thủy điện, mục đích là khai thác khoáng sản, lâm sản. Một số dự án vận hành thành công không chịu trồng bù rừng thay thế hoặc chây ỳ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Hàng trăm ngàn hécta rừng giàu cũng được các tỉnh trong khu vực giao cho DN vô tư chặt phá để chuyển đổi trồng cao su, trồng rừng, chăn nuôi, sản xuất… Trong lúc đó, từ năm 2011 – 2015, các tỉnh Tây Nguyên chỉ trồng được 48.543ha rừng, chiếm 4,4% tổng diện tích rừng được trồng của cả nước trong giai đoạn này. Tổng diện tích phải trồng rừng thay thế của các tỉnh Tây Nguyên là 21.879ha, nhưng tính đến 30-5-2016, các tỉnh mới trồng được 4.860ha (đạt 22% tổng diện tích phải trồng rừng thay thế).

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện diện tích đất lâm nghiệp vùng Tây Nguyên do 9 nhóm chủ quản lý, trong đó chủ yếu chủ rừng là tổ chức quản lý (3.228.557ha, chiếm 96,3%), cộng đồng dân cư quản lý 25.135ha (chiếm 0,75%); hộ gia đình, cá nhân quản lý 99.944ha (chiếm 2,98%). Tuy vậy, các chủ rừng chưa thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tình trạng lấn chiếm đất rừng còn diễn biến phức tạp, diện tích rừng và đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp hiện đang bị tranh chấp khoảng 282.896ha, trong đó diện tích tranh chấp tại các ban quản lý rừng phòng hộ là khoảng 56.456ha (chiếm 20%), tranh chấp tại các DN nhà nước là 51.750ha (chiếm 18,3%), tranh chấp tại rừng do UBND xã quản lý là 164.900ha (chiếm 58,3%) và các đối tượng chủ rừng khác chiếm 3,4% tổng diện tích có tranh chấp.

Bài 4: Phải giao rừng cho ai? ảnh 1Rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín (Đắk Nông) bị chặt phá

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mô hình các đơn vị quản lý bảo vệ rừng và kinh doanh nghề rừng ở Tây Nguyên chưa ổn định. Các chủ rừng chịu trách nhiệm rất lớn nhưng các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng lại rất hạn chế. Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút, kích thích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, người dân sống gần rừng không có lợi ích từ việc giữ rừng, trong khi nhu cầu mở rộng đất sản xuất để phát triển kinh tế, nhu cầu về gỗ, củi và các sản phẩm từ rừng phục vụ cho đời sống ngày càng lớn nên người dân đã xâm hại rừng. Còn UBND cấp xã được giao quản lý diện tích rừng rất lớn nhưng không được giao kinh phí và cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn tới diện tích này trên thực tế không có chủ quản lý, bảo vệ rừng cụ thể.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng cho rằng: Các địa phương ở Tây Nguyên chưa làm tốt công tác thẩm tra, sàng lọc các chủ đầu tư. Các dự án tập trung chủ yếu chuyển đổi rừng tự nhiên, chưa quan tâm đúng mức đến sử dụng đất trống, đồi trọc. Phần lớn các dự án tổ chức lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, yếu nên để xảy ra tình trạng xâm hại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất. Việc định giá rừng làm căn cứ cho việc quản lý rừng (giao, cho thuê, liên doanh liên kết, bồi thường giá trị thiệt hại khi xảy ra mất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thế chấp, vay vốn…) còn hạn chế. Hiện cả Tây Nguyên mới có tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định phê duyệt giá rừng.

Thí điểm giao rừng bền vững

Trong những năm qua, Tây Nguyên cũng đã thí điểm nhiều mô hình quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, mô hình quản lý rừng bền vững được đánh giá sẽ đem lại hiệu quả cao cho việc giữ rừng ở Tây Nguyên. Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, khu vực Tây Nguyên hiện có 7 mô hình quản lý rừng bền vững, trong đó các dự án quốc tế hỗ trợ 3 mô hình, còn lại là các địa phương chủ động triển khai. Tổng diện tích được giao thí điểm khoảng 119.185ha, trong đó diện tích có rừng 106.225ha, đất trống 9.572ha và đất khác 2.837ha. Tỉnh Gia Lai có 2 mô hình (Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai, Công ty Lâm nghiệp Hà Nừng), tỉnh Đắk Lắk có 2 mô hình (Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, Công ty Lâm nghiệp M’Đrăk), tỉnh Đắk Nông có 2 mô hình (Công ty Đại Thành, Công ty Lâm nghiệp Đắk N’Tao) và tỉnh Kon Tum có 1 mô hình (Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô). Trong đó, nổi bật là mô hình quản lý rừng bền vững của Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế cho 16.100ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất cho giai đoạn 2011 – 2016.

Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, các mô hình quản lý rừng bền vững đã hạn chế cơ bản tình trạng xung đột giữa người dân và DN, rừng được quản lý tốt hơn, tình trạng khai thác và xâm lấn đất rừng trái phép giảm. Các chủ rừng chủ động được một số hoạt động đảm bảo nguồn thu từ khai thác rừng để cân đối cho bảo vệ và phát triển rừng. Hiệu quả kinh doanh, thu nhập của người dân từng bước tăng cao (bình quân 20%/năm), một số cơ sở hạ tầng như trường học, nhà văn hóa… được xây dựng. Qua đó, tạo việc làm, thu hút được lao động tại chỗ là đồng bào dân tộc. Nhưng kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn biến phức tạp, diện tích và chất lượng rừng toàn khu vực vẫn tiếp tục bị suy giảm.

Bài 4: Phải giao rừng cho ai? ảnh 2Rừng cộng đồng ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) bị phá để trồng cây công nghiệp

Giao cho khu bảo tồn hay cộng đồng?

Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su, làm thủy điện và thực hiện các dự án sản xuất nông lâm khác thực hiện quá nhanh, diện tích rừng rất lớn nhưng chưa có một đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của từng dự án chuyển đổi sau 5 năm hoặc 10 năm. Khi thấy không phù hợp, các đơn vị xin chuyển đổi tiếp hay bán một phần đất trong dự án cũng có lợi nhuận. Nhiều địa phương chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà triển khai chuyển đổi ồ ạt. Hậu quả là đất nước, xã hội, người dân đành chịu mất rừng. Trong khi quá trình trồng rừng thay thế chỉ thực hiện “nhỏ giọt” thì tình trạng mất rừng chưa có điểm dừng.

Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao rừng cho DN, người dân và cộng đồng nhưng không thể bảo vệ nổi rừng. Thậm chí, chủ rừng còn đi phá rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc phá rừng để lấy đất sản xuất. Vậy phải giao rừng Tây Nguyên cho ai quản lý là câu hỏi nhức nhối nhất trong việc bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên. Theo nhiều chuyên gia và nhà khoa học về lâm nghiệp, Chính phủ cần phải đưa những diện tích rừng còn lại đã giao cho các công ty lâm nghiệp và cộng đồng vào các khu bảo tồn để quản lý, bảo vệ. PGS-TS Bảo Huy (Phó khoa Nông lâm – Đại học Tây Nguyên) cho rằng: Chúng ta không nên cho thuê rừng, giao rừng tràn lan như hiện nay vì các chủ rừng được giao rừng đều bỏ mặc rừng bị phá. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là dịch vụ công ích, không đưa lại nhiều lợi nhuận cho cá nhân hay doanh nghiệp nên họ không mặn mà với việc giữ rừng. Vì thế, Nhà nước phải khoanh vùng những diện tích còn rừng, đưa vào các khu bảo tồn và bỏ tiền ra để bảo vệ rừng.

Theo PGS-TS Bảo Huy, với quy mô rừng 500 – 1.000ha có thể giao cho một cộng đồng khoảng 100 hộ để cùng bảo vệ, kinh doanh quay vòng khép kín. Để tránh lạm dụng, người giữ rừng chỉ hưởng lợi từ rừng theo hạn mức nhất định của kỹ thuật quản lý rừng bền vững, dưới sự giám sát của nhân viên lâm nghiệp và cộng đồng địa phương. Thực chất thu nhập từ rừng chỉ đóng góp từ 10% – 25% cho thu nhập hộ. Tuy nhiên, cộng vào đó, đồng bào còn được thu hái thực phẩm, cây thuốc, lấy củi và vui với môi trường sống xanh tươi, là giá trị tinh thần không thể đong đếm. Nơi nào chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, động viên đồng bào, thì nơi đó mô hình càng phát huy tác dụng. Những cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng thành công cho tới nay đều có nguồn tài trợ từ các dự án của Nhà nước hoặc quốc tế, từ khâu xây dựng cho đến quá trình giám sát.

“Thực tế cho thấy không ai thật sự yêu rừng, quyết tâm bảo vệ rừng hơn cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa. Hữu hiệu hơn nữa, đó là khi rừng được gắn liền với văn hóa truyền thống linh thiêng của họ. Được cấp sổ đỏ giao rừng lâu dài, được hưởng lợi từ lâm sản và dịch vụ môi trường theo cơ chế rõ ràng chặt chẽ, đồng bào thường bảo vệ rừng rất tốt. Minh chứng là khu rừng do đồng bào M’Nông ở bon Bu Nor (Đắk Nông) quản lý, suốt từ năm 1999 đến nay vẫn gần như nguyên vẹn, trong khi rừng của các công ty lâm nghiệp xung quanh hầu như đã mất hết”, PGS-TS Bảo Huy khẳng định.

Tin, ảnh: CÔNG HOAN

Advertisement

1 bình luận về “Tây Nguyên giao rừng tràn lan – 4 bài

  1. Các công ty lâm nghiệp nhà nước, làm việc thì không được, mà giải thể cũng không xong.

    Xét ví dụ về công ty Gia Nghĩa:

    – Về quá trình làm việc: Trích đoạn trong bài:

    “Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc giao khoán trồng rừng theo Nghị định 135 ở Công ty TNHH Gia Nghĩa chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa ưu tiên giải quyết đất cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong 147 hộ được giao khoán đất rừng, chỉ có 2 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và có 27 hộ được giao đất không cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, huyện nơi có đất của bên giao khoán.

    Đơn nhận giao khoán phần lớn không có xác nhận của chính quyền địa phương, không có cơ sở để xác định đối tượng giao khoán nhưng vẫn được nhận đất giao khoán. Qua xác minh 90 hộ nhận khoán, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 21 hộ không có hộ khẩu thường trú như đã khai trong hồ sơ nhận khoán, nhưng vẫn được giao khoán hơn 83ha đất rừng.”

    – Về giải thể: Chưa giải thể được vì vướng nợ nần. “Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa có khoản nợ đến gần 30 năm vẫn chưa được tất toán.” (trích bài dưới đây)

    ***

    http://m.baodaknong.org.vn/kinh-te/giai-the-cac-cong-ty-lam-nghiep-van-phai-nho-vao-bau-sua-cua-nha-nuoc-55238.html

    Giải thể các công ty lâm nghiệp: Vẫn phải nhờ vào “bầu sữa” của nhà nước

    Cập nhật: 02/08/2017 | 09:52 G8T+7

    Cần khoảng 70 đến 80 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước là con số mà Hội đồng giải thể (HĐGT) tỉnh Đắk Nông đề xuất nhằm bù đắp các khoản âm, xử lý những vướng mắc liên quan đến tài chính hiện nay trên lộ trình giải thể 6 công ty lâm nghiệp để chuyển sang các mô hình hoạt động khác. Như vậy, đến khi “khai tử” mô hình cũ, chuyển sang mô hình mới, các doanh nghiệp này vẫn chưa thể thoát khỏi “bầu sữa” của ngân sách nhà nước.

    Theo kế hoạch, đến hết tháng 7/2017, việc giải thể 6 công ty lâm nghiệp sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau một năm thực hiện việc giải thể các công ty lâm nghiệp, HĐGT mới hoàn thành được 1 trong 3 phương án thành phần. Trước tình hình này, UBND tỉnh đồng ý gia hạn thêm 6 tháng để các bên liên quan hoàn thành những phần việc còn lại.


    Tài sản có giá trị nhất của các công ty lâm nghiệp hiện nay là đất xây dựng trụ sở

    Ngổn ngang những việc cần làm

    Ngoài phương án về lao động hiện cơ bản hoàn thành, đến nay, còn 2 phương án là tài chính và rừng, đất rừng chưa hoàn thành. Đây là những phương án khó, nhiều đầu việc nhưng lại đang có nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

    Cụ thể, đối với việc xử lý đất đai, căn cứ vào quyết định giao đất của UBND tỉnh, các công ty thuộc diện giải thể phải hoàn thành quy trình, hồ sơ để giao đất về cho địa phương tiếp nhận, quản lý. Theo đó, HĐGT, các công ty đang phối hợp với Trung tâm giám sát nông lâm nghiệp xác minh hiện trạng rừng, đất rừng thông qua việc giải đoán ảnh bản đồ, trên cơ sở đó để triển khai việc bàn giao. Tuy nhiên, đến thời điểm nay, công tác bàn giao cũng mới triển khai được ở một vài đơn vị nhưng vẫn trong tình trạng dang dở.

    Khó khăn lớn nhất trong quá trình bàn giao rừng và đất rừng hiện nay vẫn là sự biến động về diện tích, thực trạng thực tế với hồ sơ khảo sát. Chính vì vậy, quá trình bàn giao, nhiều địa phương không giám ký nhận bàn giao. Để tháo gỡ vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn yêu cầu các huyện phải tiếp nhận theo thực tế hiện trạng hiện nay. Còn vì sao biến động, mất rừng, mất trong thời gian nào sẽ được làm rõ trách nhiệm. Để tránh mất rừng sau khi nhận giao rừng, UBND tỉnh yêu cầu các huyện phải xây dựng kế hoạch sử dụng, quản lý chi tiết sau khi nhận bàn giao.

    Đối với việc xử lý phương án tài sản, tài chính lại còn nan giải hơn. Trong quá trình xử lý phương án tài chính, một số công nợ theo báo cáo tài chính của 6 công ty hiện rất lớn, khó bảo đảm thu hồi công nợ và cân đối thu chi. Các công ty thuộc diện giải thể có số lượng các hợp đồng kinh tế nhiều, trong đó, một số hợp đồng không bảo đảm về mặt pháp lý về trình tự hồ sơ, thủ tục nên gây khó khăn trong xử lý.

    Về đối chiếu công nợ, việc thu hồi nợ của các công ty này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những khoản nợ dây dưa từ rất lâu chưa được giải quyết. Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa có khoản nợ đến gần 30 năm vẫn chưa được tất toán. Riêng 3 công ty gồm: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Đức, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa đến nay chưa thu hồi được đồng công nợ nào. Các công ty còn lại mặc dù có thu hồi được công nợ nhưng cũng rất khiêm tốn.

    Điều đáng nói, trong số công nợ của các công ty hiện nay, nhóm nợ khó thu chiếm số lượng rất lớn. Hiện nay, HĐGT đang tham mưu cho UBND tỉnh và lên danh sách đề nghị xóa nợ theo quy định với những khoản nợ không đòi được do chủ nợ đã chết hoặc bỏ đi khỏi địa phương không liên hệ được.

    Như vậy, mặc dù thời gian còn lại không nhiều, kể cả thời gian gia hạn, song khối lượng công việc còn lại để hoàn chỉnh thủ tục giải thể các công ty lâm nghiệp này đang còn rất “ngổn ngang”.

    Đang chờ “hà hơi, tiếp sức”

    Ngoài mặt thủ tục, quy trình, khó khăn lớn nhất hiện nay trên lộ trình giải thể các công ty lâm nghiệp vẫn là bài toán về tài chính. Trên cơ sở thẩm định giá sơ bộ ban đầu đối với nhà cửa, vật dụng, tài sản trên đất của các công ty đều không có giá trị hoặc giá trị còn lại rất thấp nên sau thanh lý, việc thu hồi vốn của công ty này không được là bao. Từ đây, việc cân đối nguồn để xử lý các vấn đề phát sinh là không thể thực hiện nếu không có sự “hà hơi, tiếp sức” từ nguồn ngân sách nhà nước.

    Theo tính toán của HĐGT, sau khi xử lý tài sản, tài chính của các công ty, trừ công ty TNHH MTV Gia Nghĩa, 5 công ty còn lại đều bị âm, chi lớn hơn thu. Chỉ riêng thực hiện phương án lao động, tổng số lao động dôi dư của 6 công ty lâm nghiệp là 167 người. Việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động sau khi các công ty giải thể theo quy định sẽ được thanh toán trên cơ sở lấy từ nguồn thanh lý, bán đấu giá các tài sản của công ty.

    Tuy nhiên, thời gian giải thể kéo dài, việc xử lý tài chính của các công ty gặp nhiều vướng mắc cũng như tình trạng âm nguồn chi nên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh tạm ứng 6,5 tỷ đồng kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền cho người lao động. Đến nay, tất cả các lao động dôi dư của các công ty lâm nghiệp đã nhận được kinh phí hỗ trợ, còn việc bố trí việc làm sẽ được thực hiện sau khi các công ty giải thể.

    Theo ông Phạm Đình Trọng, Phó trưởng Phòng Doanh nghiệp Kinh tế tập thể, Tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Ủy viên Thường trực HĐGT thì để giải quyết khoản âm của các công ty lâm nghiệp hiện nay trong quá trình giải thể, không còn cách nào khác là tỉnh phải sử dụng tiền ngân sách để bù vào khoản hụt sau cân đối.

    Để công tác giải thể thực hiện đúng kế hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng kế hoạch chi tiết để phối hợp với HĐGT, các bên liên quan về phương án tài chính, phương án rừng và đất rừng. Các đơn vị tham mưu, thực hiện phải thường xuyên báo cáo tiến độ, khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý theo tinh thần “vướng ở đâu phải xử lý ngay ở đấy”, không để tình trạng dây dưa, kéo dài, phát sinh thêm những bất cập khác như thời gian qua.

    Bài, ảnh: Đức Hùng

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s