Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”?” – 5 kỳ

***

Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”?”

THÙY GIANG (VIETNAM+) Bản in

Những cửa hàng thuốc tư nhân san sát nhau trên tuyến phố Quán Sứ (Hà Nội). (Ảnh: TTVN/Vietnam+)

Tổng kết công tác khám chữa bệnh của Bộ Y tế trong năm 2015 cho thấy, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật, chẩn đoán, xét nghiệm… đều tăng so với năm 2014, đạt bình quân 2,34 lượt khám/người/năm.

Như vậy, trong năm qua, mỗi người dân đạt bình quân có hơn 2 lần tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Và mỗi năm, lượng thuốc được tiêu thụ trong khám chữa bệnh không hề nhỏ.

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường thuốc biệt dược hiện nay vẫn còn nhiều “kẽ hở” khiến giá thuốc “nhảy múa,” thậm chí còn những tồn tại bất hợp lý mà những người bệnh đang hàng ngày phải âm thầm, “cắn răng” chịu đựng.

Đơn cử như, chỉ một lọ thuốc giá dưới 100 nghìn đồng mà giá bán giữa các hiệu thuốc đã có sự chênh lệch tới gần 10 nghìn đồng, thậm chí có những loại thuốc điều trị ung thư đã có sự chênh lệch giá giữa đơn vị được phân phối và giá bán tại đại lý chênh nhau tới gần 4 triệu đồng.

Những con số đó cho thấy, dường như người bệnh đang bị “móc túi” một cách khá… êm ái trong khi họ đang ngày đêm phải chiến đấu với bệnh tật.

Bài 1: Biệt dược giá cao chót vót, chênh nhau cả chỉ vàng

Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số trẻ với tốc độ tăng trưởng GDP xếp hạng trên trung bình, có dân số đông thứ ba trong khu vực ASEAN, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Một nửa dân số trong độ tuổi dưới 30 và sẽ bước vào giai đoạn già hóa trong 15 năm tới. Do vậy, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trở thành mảnh đất lý tưởng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu như công tác quản lý giá thuốc không tốt, sẽ gây ra thảm họa do chi phí y tế cao, người bệnh phải chi hàng triệu, thậm chí vài chục triệu đồng cho một đợt điều trị.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với gần 1.000 hoạt chất. Mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau.

Giá Văn Miếu khác giá Ngọc Khánh

Từ ngã tư Hai Bà Trưng đến gần ngã tư Hàng Bông hay trên phố Phương Mai đoạn cổng sau Bệnh viện Bạch Mai hoặc trên đường Giải Phóng (Hà Nội) đều là những tuyến phố đều ken đặc các hiệu thuốc.

Thuốc Aerius được một cửa hàng niêm yết bán với giá 95.000 đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong vai một người mua thuốc, phóng viên dạo qua nhiều cửa hàng thuốc khác nhau tại nhiều quận của Hà Nội. Cùng là loại thuốc Aerius, tuy nhiên ở mỗi một cửa hàng lại có một mức giá. Aerius được chỉ định để giảm nhanh các triệu chứng liên quan đến viêm mũi dị ứng, như hắt hơi, sổ mũi và ngứa mũi, sung huyết/nghẹt mũi, cũng như ngứa, chảy nước mắt và đỏ mắt, ngứa họng và ho…

Lọ thuốc Aerius được bán tại một hiệu thuốc lớn trên phố Hoàng Hoa Thám với mức giá 95.000 đồng. Cũng loại thuốc này khi hỏi mua tại hiệu thuốc M.T tại khu vực Nghĩa Đô (Cầu Giấy) lại có giá 83.000 đồng. Và khi phóng viên hỏi mua lọ thuốc này tại một cửa hàng thuốc trên đường Giải Phóng, giá bán lại đề 88.000 đồng.

Trong khi đó, trong bảng giá kê khai lại giá tại Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Công ty Cổ phần dược liệu Trung ương 2 kê khai bán thuốc Aerius với mức giá là 78.901 đồng.

Một dẫn chứng khác, trong tổng hợp danh mục thuốc nhập khẩu kê khai giá thuốc tại Cục Quản Lý Dược (Bộ Y tế) tính đến ngày 4/2/2016, cùng loại thuốc Avastin với tên hoạt chất là Bevacizumab lọ 100mg/4ml, có số đăng ký: VN1-131-09 của nhà sản xuất F.Hoffmann-La Roche Ltd, tuy nhiên doanh nghiệp Vimedimex 2 lại kê khai hai loại giá lần lượt là: 7.762.545 đồng và 7.173.810 đồng (Hình ảnh bên dưới, mục tên thuốc số 109 và 110).

Doanh nghiệp Vimedimex 2 kê khai hai loại giá khác nhau trong khi cùng một loại thuốc ở mục 109 và 110. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Như vậy, cùng một loại thuốc trên mà doanh nghiệp Vimedimex 2 công khai kê giá với hai mức khác nhau và chênh nhau tới gần 600.000 đồng?.

Một ví dụ khác, cùng loại thuốc Simulect có tên hoạt chất Basiliximab, hàm lượng 20mg, cùng có số đăng ký VN-9658-05, của hãng Novartis AG tiếp tục được doanh nghiệp Vimedimex 2 kê khai với 2 mức giá khác nhau là 28.268.710 đồng và 29.682.123 đồng, chênh nhau tới hơn 1,4 triệu đồng cùng một lọ thuốc.

Đó là mức giá kê khai tại Bộ Y tế, còn trên thực tế khi loại thuốc trên đến tay người bệnh giá bán lẻ sẽ ở mức nào?.

Nói về vấn đề giá thuốc hiện nay, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội chia sẻ từ trải nghiệm thực tế của ông: “Bản thân tôi đi mua thuốc ở Hà Nội, tôi mới thấy có hai đặc thù của loại hàng hóa này. Thứ nhất là không mặc cả, thứ hai là ngay trong Hà Nội thì giá ở Văn Miếu khác và giá ở Ngọc Khánh khác, rõ ràng ở đây có chuyện chênh lệch giá. Nếu chúng ta không có bàn tay quản lý nhà nước ở lĩnh vực này thì chỉ có người đi mua thuốc là chịu thiệt thôi.”

Theo ông Hùng, nhất là tình trạng nhập nhằng về giá, cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi một giá khác nhau. Trong nhiều phiên thảo luận về Luật Dược sửa đổi, nhiều đại biểu đề nghị việc sửa đổi Luật Dược lần này cần có các quy định để bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý giá thuốc, góp phần bảo vệ quyền lợi của người bệnh.

Biệt dược đắt hơn vàng

Chị Mai Thanh Hương ở Cẩm Khê, Phú Thọ cho hay, nhà chị có bố chị bị ung thư. Do ông đã 75 tuổi, nên các bác sỹ bệnh viện tuyến trung ương chọn giải pháp an toàn để điều trị cho ông bằng cách có thể lựa chọn điều trị bằng thuốc nhắm đích. Đó là thuốc điều trị ung thư thế hệ mới nhất của châu Âu để giảm bớt các tác dụng phụ trên cơ thể người già.

Một liệu trình của bố chị Hương dùng thuốc ba lần, mỗi lần dùng thuốc này với chi phí hơn 30 triệu đồng. Bố chị đã dùng ba lần, tốn gần 100 triệu đồng mà bệnh vẫn không giảm, các tế bào ung thư vẫn chưa được khống chế. Do đây là thuốc phát minh thế hệ mới nhất nên giá thành đắt và bảo hiểm y tế không chi trả. Gia đình cũng lựa chọn việc dùng thuốc này mong muốn để thuyên giảm bệnh cho ông. Tuy nhiên, kết quả điều trị không được như mong muốn.

Cuối cùng, sau đó bố chị Hương được các bác sỹ chuyển sang chỉ định dùng thuốc trong diện bảo hiểm y tế chi trả thì lại đáp ứng miễn dịch tốt, khống chế được các tế bào ung thư, trong khi đó chi phí thuốc lại rẻ hơn rất nhiều và được bảo hiểm y tế chi trả.

Hiện nay, trong “rổ” thị trường thuốc, những loại thuốc biệt dược có giá từ vài triệu đến vài chục triệu không còn hiếm mà khá phổ biến. Đơn cử như tại hiệu thuốc của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thuốc Dipherilin dạng ống của Pháp có giá 7.854.000 đồng, thuốc Elonva lọ 150mg của Hà Lan có giá là 23.198.777 nghìn đồng, thuốc Vidatox Plus 1 lọ có giá là 9.345.000 đồng.

Theo doanh nghiệp báo giá tại Bộ Y tế, thuốc Avastin với tên hoạt chất là Bevacizumab lọ 400mg/16ml của hãng Roche được dùng trong điều trị ung thư có giá là 30.266.250 đồng. Hay như thuốc bột pha tiêm Herceptin lọ 440mg được chỉ định trong điều trị ung thư vú di căn của hãng Roche có giá là 45.596.775 đồng, thuốc Metalyse dạng ống 50mg 10ml của hãng Boehringer Ingelheim có giá là 25.748.100 đồng.

Tuy nhiên, cùng loại thuốc Herceptin lọ 440mg khi đến với đại lý phân phối, chẳng hạn như nhà thuốc T.L, ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh lại được rao bán công khai trên website với mức giá tròn trịa là 49.000.000 đồng. Như vậy, giá thuốc này khi thông báo giá ở Bộ Y tế và khi đại lý phân phối thuốc bán đến tay người bệnh đã có sự chênh lệch tới gần 4 triệu đồng một lọ thuốc.

Thuốc Herceptin lọ 440mg được một doanh nghiệp rao bán công khai trên website với mức giá tròn trịa là 49.000.000 đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không được mặc cả

Thuốc là một mặt hàng rất đặc trưng, bởi người mua dường như không được mặc cả, trả giá như các mặt hàng khác. Người dược sỹ đưa ra giá sao thì thanh toán vậy. Bởi vậy, người dân luôn trong tư thế thụ động. Thuốc giá cao, họ nói sao đành chấp nhận vậy.

Việc sử dụng thuốc biệt dược gốc đắt tiền với những bệnh nhân có điều kiện thì họ sẵn sàng chi trả, tuy nhiên, với những bệnh nhân nghèo thì dường như đây là một “cực hình” với họ.

Tại quầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thu Thảo và chồng ôm con mới hơn 1 tuổi xuống khám và điều trị vì viêm phổi. Trước khi được ra viện bác sỹ đã kê thuốc cho bé. Hai vợ chồng chị hồ hởi được xuất viện và ra hiệu thuốc mua thuốc về cho bé uống tiếp tục, tuy nhiên khi được nhân viên quầy thuốc yêu cầu thanh toán tiền thuốc với hơn 2 triệu đồng vợ chồng chị cứ lưỡng lự, đành cáo lui chưa thực hiện đơn thuốc đó vì không đủ tiền mua thuốc cho con sau thời gian bé nằm viện.

Không riêng gì chị Thảo mà có rất nhiều bệnh nhân khi cầm tờ hóa đơn mua thuốc với số tiền lớn tới mức họ không thể mua được hoặc chỉ dám mua ½ hay 1/3 lượng thuốc kê trong đơn đó. Như vậy, người bệnh sẽ không dùng thuốc đủ liều và việc điều trị sẽ không hiệu quả cao.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến tháng 12/2015, có tổng số 21.044 thuốc có số đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, thuốc sản xuất trong nước là 11.566 số đăng ký, thuốc nước ngoài là 9.478 số đăng ký. Đáng lưu ý, thuốc có nhiều số đăng ký nhất là kháng sinh, hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm, vitamin, thuốc bổ.

Đặc biệt, những loại thuốc biệt dược với số lượng thuốc chiếm tỷ lệ không nhiều nhưng giá trị sử dụng của nó lại chiếm lượng lớn tiền thuốc chi trả hàng năm. Những loại thuốc biệt dược có giá khá đắt đỏ, từ 500.000 đồng một viên đến 30-40 triệu/1 ống thuốc đặc trị.

Ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay, đến tháng 10/2015, giá trị thị trường dược phẩm của Việt Nam là 3 tỷ 436 triệu USD, trong nước mua nguyên liệu về sản xuất gần 50%, trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu gần 2 tỷ.

Và thực tế loại thuốc biệt dược đang được sử dụng và kiểm soát ra sao? Những con số vừa được ngành y tế công bố quả thật đáng để những người làm chính sách lưu tâm./.

***
Biệt dược “tung hoành” trong bảng giá ở các bệnh viện Trung ương

THÙY GIANG (VIETNAM+)Bản in

Người dân đứng xếp hàng mua thuốc tại quầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietam+)

Giá thuốc ở Việt Nam được dư luận quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của mỗi gia đình có nhu cầu, nhất là đại bộ phận người dân có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, thống kê gần đây nhất được Bộ Y tế công bố khiến nhiều người không khỏi giật mình khi kết quả trúng thầu của 68 bệnh viện, Sở Y tế cho thấy cơ cấu sử dụng thuốc tại các bệnh viện có đến 65% là biệt dược gốc và biệt dược nhóm 1 (nhóm của các nước G7).

[Biệt dược giá cao chót vót, chênh nhau cả chỉ vàng]

Khám bệnh 400 nghìn, mua thuốc gần 5 triệu

Hà Nội những ngày đầu Xuân lất phất mưa phùn. Nhưng dù mưa dầm dề hay nắng chang chang thì những người bệnh vẫn buộc phải vượt qua tất cả để để đi khám bệnh, chăm lo sức khỏe cho chính mình.

Gần 16 giờ, trong cái khí hậu âm ẩm, mưa phùn của tiết trời đặc trưng của Hà Nội, cầm một bịch thuốc trên tay với tờ hóa đơn được gấp làm tư ngay ngắn, ông Nguyễn Ngọc Thức, 50 tuổi ở Yên Lạc Vĩnh Phúc vẫn không khỏi bàng hoàng khi thanh toán xong tiền thuốc với hóa đơn gần 5 triệu đồng.

Vân vê tờ hóa đơn thuốc và ôm theo một bịch thuốc trên tay, ông Thức cho hay, mấy ngày trước ông cứ râm ran đau bụng, qua bệnh viện huyện bác sỹ khám và cho thuốc uống nhưng gần 1 tuần ông vẫn không đỡ. Sau đó, ông tới Bệnh viện Bạch Mai khám dịch vụ tại phòng khám giáo sư. Tại đây, ông được các bác sỹ chẩn đoán là bị rối loạn tiêu hóa và kê đơn thuốc về uống. Bác sỹ kê cho ông 5 loại thuốc.

Sau khi ra quầy mua thuốc ông Thức… té ngửa khi được nhân viên bán hàng thông báo đơn thuốc của ông có 5 loại thuốc hết gần 4,8 triệu đồng.

Bệnh nhân khám bệnh hết 500 nghìn đồng nhưng hóa đơn tiền thuốc gần 5 triệu đồng. (Ảnh: PVVietnam+)

Cầm hóa đơn thuốc trên tay mà cứ tần ngần mãi, ông Thức chia sẻ: “Có bệnh thì vái tứ phương, tôi đi khám tất tần tật ở đây cả siêu âm và khám hết có hơn 400 nghìn, vậy mà tiền thuốc lên tới gần 5 triệu. Mình không có chuyên môn, không biết nên dùng thuốc nào và nên bỏ thuốc gì nên phải “cắn răng” cố mua thuốc về uống dẫu sao khỏi được bệnh vì đã mất công đi xa, xuống tận thủ đô khám.”

Những hóa đơn thuốc “khủng” của những người bệnh lên tới vài triệu hiện nay không còn là chuyện xa lạ ở những bệnh viện tuyến trung ương.

Tại Bệnh viện K, ông Đào Văn Điểm ở Hà Nam cầm bịch thuốc trong tay cũng ngẩn người khi tiền ông đi khám hết hơn 500.000 đồng trong khi tiền thuốc mà ông vừa chi trả mất ngót nghét hai tháng lương.

Ông Điểm cho hay, ông cứ cảm thấy đau tức ở phần ngực và từ 6 giờ sáng đã tới Bệnh viện K (cơ sở Quán Sứ) để khám. Hơn 12 giờ, cầm tờ hóa đơn thuốc điều trị u ở vú với số tiền gần 2,5 triệu đồng, ông chép miệng: “Dù xót tiền nhưng nếu khỏi bệnh thì còn tốt.” Ông Điểm bảo, chỉ sợ đổ bao tiền nhưng đau vẫn hoàn đau, lại khám xét nhiều nơi và nhiều đơn thuốc nữa thì có lẽ túi tiền cũng rỗng theo dần.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Sinh ở Phương Mai, Hà Nội móc ví ra trả tiền thuốc tại quầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai với số tiền hóa đơn thuốc là 8,6 triệu đồng khiến nhiều người xung quanh không khỏi giật mình và xót xa.

Một hóa đơn tiền thuốc “khủng” lên tới gần 9 triệu đồng. (Ảnh: PV/Vietnam)

Chị S. cho hay, chị bị bệnh lupus ban đỏ đã 8 năm nay và hầu như tháng nào chị cũng phải đi vào bệnh viện để lấy thuốc về uống. Đợt này do thay đổi thời tiết, bệnh của chị nặng lên, vì vậy bác sỹ đã kê đơn thuốc cho chị “nhỉnh” hơn. Chị S. cho hay, dù tiền thuốc có cao, nhưng miễn sao chị khỏe mạnh, bệnh không nặng lên thì chị không có phải ngại cả.

Bệnh viện Trung ương: 60% thuốc dùng là biệt dược

Đề cập đến vấn đề cơ cấu sử dụng thuốc tại các bệnh viện, ông Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, về cơ cấu sử dụng thuốc tại các bệnh viện, hiện nay có 6 nhóm biệt dược gồm: biệt dược gốc, biệt dược nhóm 1 là của các nước G7, nhóm 2 là tiêu chuẩn của các nước châu Âu đầu tư ra nước ngoài, nhóm 3 là của Việt Nam, nhóm 4 là thuốc tương đương sinh học, nhóm 5 là thuốc đến từ các thị trường khác như Ấn Độ, Đông Âu, Nga, Singapore…

Trong cơ cấu sử dụng thuốc chung của cả nước, nhóm trong nước trúng thầu đạt khoảng 29%, các nhóm thuốc biệt dược gốc hiện nay chiếm 40%, tỷ lệ thuốc biệt dược nhóm 1 chiếm 25%.

Như vậy, tại bệnh viện có 65% thuốc được sử dụng là những loại biệt dược gốc và biệt dược nhóm 1 – loại thuốc mà các bác sỹ cho rằng chất lượng rất tốt dùng nhiều.

Tuy nhiên, ông Cường đánh giá, đây cũng là một sức ép rất lớn đối với hệ thống điều trị bởi các loại thuốc này có giá cao, mà mục đích của ngành y tế là cung ứng thuốc cho điều trị và làm sao chứng minh được thay thế 65% thuốc điều trị này cần có giải trình cho phù hợp.

Giá biệt dược “nhảy múa”

Về phía điều trị, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, hiện nay việc dùng các thuốc biệt dược gốc trong điều trị các bệnh truyền nhiễm khá phổ biến là do tình trạng kháng thuốc gia tăng, nhiều loại thuốc kháng vi sinh vật cũ đã bị giảm hoặc mất tác dụng điều trị với rất nhiều mầm bệnh, đòi hỏi phải sử dụng các thuốc mới. Nhiều thuốc biệt dược gốc là những thuốc mới, còn trong thời hạn bản quyền nên chưa có sản phẩm generic.

Theo bác sỹ Cấp, nhiều bệnh nhân có tình trạng bệnh nặng, nguy kịch đòi hỏi phải sử dụng các thuốc có độ tin cậy cao. Các thuốc biệt dược gốc là những thuốc đã được chứng minh hiệu quả điều trị rõ ràng nên thường là lựa chọn trong trường hợp này. Bên cạnh đó, xu hướng thu nhập của nhân dân trong nhiều năm qua khá lên, do đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm chính hãng của bệnh nhân cũng gia tăng lên.

Quản lý còn nhiều “kẽ hở”?

Theo thống kê của Bộ Y tế, hệ thống phân phối dược phát triển hết sức phong phú, với hơn 2.000 doanh nghiệp bán buôn và đến tháng 12/2015, cả nước có 42.196 điểm bán lẻ thuốc trong toàn quốc đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân, kể cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Đáng lưu ý, trên toàn quốc có 1.300 bệnh viện, như vậy, mỗi bệnh viện nếu chỉ có một hay hai hiệu thuốc thì số quầy thuốc tư nhân đang tồn tại là con số quá lớn.

Ngoài các điểm bán thuốc của nhà nước, còn các điểm bán thuốc tư nhân mọc lên gấp hàng nghìn lần các điểm bán thuốc công. Không thể không đặt câu hỏi: Ai đảm bảo chất lượng cho các cơ sở tư nhân kia?

Biệt dược được sử dụng ngày càng gia tăng và đang chiếm ưu thế tại các bệnh viện lớn, trong khi giá thành của nó luôn ở mức “ngất ngưởng”. Liệu có những hành động trục lợi từ mặt hàng này?

Hiện tượng những người bệnh cầm đơn tới quầy thuốc của bệnh viện mua thuốc mà không có, họ phải ra ngoài mua thêm khá nhiều loại thuốc. Theo ghi nhận của phong viên VietnamPlus, hiện tượng này khá phổ biến, rất nhiều người bệnh khi mua thuốc tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện phụ sản Trung Ương tại Hà Nội… và họ phải ra ngoài để mua các loại thuốc còn thiếu.

Những hiệu thuốc tư nhân được mọc len san sát trên nhiều tuyến phố. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giá biệt dược “nhảy múa” nhưng vẫn chưa hết, câu chuyện về mua thuốc tại các hiệu thuốc tư bên ngoài với chất lượng kém đã được chứng minh rõ ràng trong vụ việc vừa qua, lực lượng chức năng liên ngành của thành phố Hà Nội đã bắt một vụ buôn bán thuốc chữa bệnh lậu, thuốc quá đát “khủng” vào ngày 9/1 khiến nhiều người bệnh sững sờ.

Những ai là khách hàng từng mua thuốc tại các cửa hàng nói trên đều phải hoảng hốt, run sợ vì họ đã uống phải những viên thuốc độc chứ không phải là thuốc đặc trị.

Lực lượng chức năng qua kiểm tra 3 cửa hàng tân dược (tại số 11A An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ; số 20 Nguyễn Biểu, phường Quán Thánh và 129 Phúc Xá, đều thuộc quận Ba Đình, Hà Nội) phát hiện hơn 500.000 đơn vị thuốc tân dược các loại (thuốc kháng sinh, thần kinh, thuốc cai nghiện…) hết hạn sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc được chủ hệ thống tẩy, xóa hoặc sửa lại hạn sử dụng để bán cho bệnh nhân.

Cả ba nhà thuốc nói trên đều có cùng một chủ. Điều đặc biệt là bà chủ của số của các cửa hàng bán thuốc hết hạn nói trên có hơn 30 cơ sở bán thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm vì hệ thống cửa hàng thuốc của bà chủ này bán nhiều thuốc tân dược, biệt dược để chữa bệnh nan y.

Vậy còn những người bệnh đã sử dụng thuốc giả trước đó vài năm nay thì sao? Ai bồi thường, ai đảm bảo sức khỏe cho họ khi dung nhiều sản phẩm đã lâu năm khi việc làm giả chất lượng, việc hô biến thuốc chữa bệnh hết đát được quản lý dường như lỏng lẻo.

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật dược (sửa đổi), Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ rõ, hiện nay tình trạng thuốc bán qua nhiều đầu mối và việc kê đơn thuốc để hưởng hoa hồng làm giá thuốc tăng, phổ biến ở nhiều nơi. Do đó, cần xây dựng tiêu chí để Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động về giá trong dự thảo Luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân./.

***
Biệt dược giá cao: Thiếu giám sát, doanh nghiệp “tha hồ” định giá?

THÙY GIANG (VIETNAM+)Bản in

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, thuốc do Quỹ Bảo hiểm Y tế chi trả (chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc) hiện đã được giám sát thường xuyên bởi cơ quan bảo hiểm xã hội, trong khi thuốc do dân tự mua, bệnh viện mua để phục vụ khám chữa bệnh không do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả là thuốc biệt dược, thuốc độc quyền thường giá rất cao do chưa có cơ chế giám sát sự minh bạch về giá, chủ yếu do doanh nghiệp tự kê khai và định giá.

Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Luật Dược sửa đổi cần phải có cơ chế kiểm soát giá các mặt hàng thuốc này hữu hiệu hơn cũng như đảm bảo cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (khi thuốc trong thời kỳ bảo hộ bản quyền) và quyền lợi của người bệnh để tránh gây ra “thảm họa do chi phí y tế cao.”
[Biệt dược “tung hoành” trong bảng giá ở các bệnh viện Trung ương]

Như chúng ta đã thấy, giá thuốc có sự khác nhau ở nhiều nơi và nhiều loại biệt dược với giá “trên trời,” liệu có được điều trị đúng người, đúng bệnh hay vẫn còn những kẽ hở để người bệnh bị “móc túi”?

Dự thảo Luật Dược sửa đổi đang được trình Quốc hội để thông qua trong thời gian tới lại một lần nữa “xới” lên câu chuyện về giá thuốc, trong đó có nhiều thay đổi được kỳ vọng sẽ kiểm soát tốt hơn giá biệt dược và điều này đi vào thực tế liệu có trở thành hiện thực hay vẫn chỉ là kiểm soát ở khâu chính sách, chiến lược?

Luật dược sửa đổi: Minh bạch quản lý giá thuốc

Thực tế cho thấy, dù đã qua 10 năm thi hành Luật dược, nhưng thị trường thuốc trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp dược nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% tổng số thuốc sử dụng trong nước là thuốc ngoại.

Đáng lưu ý, theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, năm 2014, bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD tiền thuốc và 50% số tiền này dùng để mua thuốc ngoại nhập (chủ yếu giá cao). Và thực tế trên thị trường dược phẩm hiện nay vẫn tồn tại tình trạng giá thuốc nơi cao, nơi thấp.

Theo Tờ trình về Dự án Luật dược sửa đổi của Chính phủ, sau 10 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật dược không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi. Luật chưa quy định chính sách tạo động lực cho việc phát triển công nghiệp dược như bảo đảm đầu ra cho thuốc sản xuất trong nước, phát triển dược liệu, sản xuất vắcxin, sinh phẩm…

Bất cập đó dẫn đến tình trạng Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân. Bên cạnh đó, một loạt bất cập trong quản lý nhà nước về giá thuốc cũng được các đại biểu quốc hội chỉ rõ, nhất là tình trạng không minh bạch về giá.

Hiện nay, các doanh nghiệp dược trong nước nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai Luật dược 2005 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế, cần phải được nghiên cứu sửa đổi.

[Quản lý giá biệt dược: Làm gì để thị trường thuốc không “nhảy múa”?]

Người đứng đầu ngành y tế dẫn chứng như: Về quản lý giá thuốc, Luật Dược chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành trong quản lý giá thuốc nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm tính minh bạch, trong khi quản lý giá thuốc cần phối hợp đa ngành.

Theo đại diện Bộ Y tế, xuất phát từ các lý do trên, việc xây dựng, ban hành Luật dược sửa đổi là hết sức cần thiết. Việc xây dựng Dự án Luật Dược sửa đổi nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho hoạt động này, bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá hợp lý.

Giá thuốc: Vẫn chỉ là hy vọng!

Về Luật Dược sửa đổi, theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Ủy ban thấy rằng dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. Nhà nước chỉ can thiệp nhằm bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi giá thuốc có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế – xã hội, đồng thời phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc.

Nhìn chung, quy định về quản lý giá thuốc của dự thảo Luật đã phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu. Theo đó, cơ chế quản lý giá thuốc đã rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian còn bản quyền, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.

Trong Luật Dược sửa đổi, việc đấu thầu thuốc sẽ có một số nội dung chính sửa đổi là ưu tiên cho thuốc gốc, thuốc nội; đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia và có một số thuốc tập trung ở cấp tỉnh thậm chí có những đơn thuốc phân quyền để đấu thầu tập trung ở địa phương.

Về cơ quan quản lý giá, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý giá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu và Luật Giá.

Ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng chỉ rõ, trong Luật Dược sửa đổi, thay vì theo luật phải kê khai niêm yết giá mà mặt bằng giá ngang với các nước có cùng trình độ y tế, kinh tế tương đương – điều này không khả thi – thì ngành y tế phải tuân theo hai hình thức là theo thị trường và quản lý giá một cách công khai, minh bạch với thuốc do ngân sách cấp.

Như vậy, với Luật Dược sửa đổi được kỳ vọng sẽ khắc phục được cơ bản việc chênh lệch giá quá lớn giữa các địa phương, sẽ không có tình trạng kê khai giá một cách cao quá mức. Hình thức này sẽ công khai, minh bạch, tập hợp được để bảo đảm cung ứng đủ chất lượng và giá cả chấp nhận được và cũng phù hợp với các quy định hiện nay của các nước về quy trình quản lý giá và đấu thầu thuốc.

Đàm phán giá thuốc: Triển khai sẽ vất vả

Theo Bộ Y tế, để hạn chế tình trạng thuốc biệt dược gốc độc quyền tăng giá, dự thảo Luật đã quy định việc mua sắm các thuốc biệt dược gốc phải thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu. Theo đó, đối với các thuốc biệt dược gốc, thuốc có ít nhà cung ứng trên thị trường sẽ được áp dụng hình thức đàm phán giá cấp quốc gia.

Đây là phương thức mới được bổ sung tại Luật Đấu thầu 2013, phương thức này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm quản lý giá của các thuốc biệt dược, thuốc có ít nhà cung cấp trên thị trường. Theo đó, việc đàm phán giá được áp dụng đối với thuốc chỉ có từ một đến hai nhà sản xuất; biệt dược, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác.

Những loại thuốc có giá tới vài chục triệu đồng trong bảng giá thuốc tại một bệnh viện trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đàm phán giá sẽ được thực hiện ở cấp quốc gia do Hội đồng đàm phán giá quốc gia thực hiện. Việc áp dụng cơ chế đàm phán giá sẽ đảm bảo sự thống nhất về giá của các thuốc biệt dược, đồng thời qua quá trình đàm phán sẽ đảm bảo mức giá hợp lý trên cơ sở so sánh, đánh giá với các nước trên thế giới và các chi phí liên quan.

Ngoài ra, dự thảo Luật dược đã bổ sung thêm các giải pháp nhằm tăng sự cạnh tranh để giảm giá thuốc biệt dược: cho phép nộp hồ sơ đăng ký sớm trước khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền tại khoản 5 Điều 7; ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thuốc đầu tư sản xuất các thuốc biệt dược gốc mới hết hạn bằng sáng chế.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, thuốc biệt dược là thuốc bản quyền của nhà sản xuất vì vậy phải tuân theo giá của nhà sản xuất và nhà nước có chính sách đàm phán giá. Chẳng hạn như có một loại thuốc vào Việt Nam chỉ qua 1,2 nhà phân phối thì nhà nước sẽ đàm phán giá với nhà cung cấp đó. Khi họ bán ở thị trường Việt Nam cần phải bán ở mức giá hợp lý thì người dân sẽ ủng hộ và có nhiều người mua, mức giá cao thì sẽ có ít người mua.

Vị Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn chứng, một số thuốc chữa ung thư, viêm gan rất đắt tiền mà chỉ có 1-2 nhà cung cấp, Việt Nam không cho họ nhập thì không có thuốc nào thay thế và thiệt thòi vẫn là người dân. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của ngành y tế là phải tổ chức đàm phán với người cung cấp về việc họ bán vào thị trường Việt Nam và “soi chiếu” xem họ bán vào các nước là bao nhiêu, từ đó tiến hành đàm phán giá cho người dân bớt thiệt thòi.

Ông Tiên nhấn mạnh: “Hiện nay luật pháp mới quy định như vậy còn chưa thực hiện được trường hợp nào. Công tác triển khai sẽ vất vả bởi đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai, khó thì không phải là khó, nhưng mới làm phải học tập kinh nghiệm cho bớt sai, chứ nhanh ẩu đoảng quá thì cũng không được. Sang năm triển khai thực hiện đầm phán giá và đấu thầu tập trung, đàm phán giá ít, khoảng 10-15 loại biệt dược và chắc chắn việc đàm phán giá sẽ đi vào hiệu quả.”

***
Bài toán đơn thuốc “hoa hồng”: Đừng để “gậy ông đập lưng ông”

THÙY GIANG (VIETNAM+)Bản in

Người dân chờ xếp hàng mua thuốc. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Giá thuốc đang là vấn đề “đau đầu” cho cả người bệnh và cơ quan quản lý. Cùng một loại thuốc nhưng giá bán ở các cơ sở kinh doanh khác nhau, nhiều nơi không niêm yết giá. Một số công ty sẵn sàng chi phần trăm (%) hoa hồng cho các bác sỹ để kê toa thuốc của công ty đó. Người dân không thể biết được giá đó đúng hay sai nên họ là người thiệt thòi nhất, chịu áp lực về chi phí nhất.

Quy định hiện nay cũng chưa cho phép các công ty nước ngoài phân phối dược phẩm tại Việt Nam nhưng thực tế cho thấy họ đang trực tiếp phân phối thông qua các công ty dược trong nước qua nhiều đầu mối, trung gian, vì vậy giá thuốc bị đội lên cao.

Không thể phủ nhận hiệu quả điều trị của thuốc biệt dược, tuy nhiên, nếu như các bác sỹ quá lạm dụng hay luôn bị một bàn tay vô hình của từ “phần trăm hoa hồng” chi phối thì những người bệnh vốn đã đáng thương khi lâm vào cảnh bệnh tật lại thêm kiệt quệ về tài chính vì đang phải gánh thêm một số tiền không hề nhỏ…

Bác sỹ quyết định

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho hay, thuốc biệt dược gốc hiện nay số thuốc thì ít nhưng số tiền mà người bệnh phải chi trả thì rất nhiều. Chẳng hạn như biệt dược kháng sinh, biệt dược tim mạch… thuốc điều trị ung thư có giá tới mấy chục triệu hay thuốc điều trị viêm gan, đột quỵ, một liều đều rất đắt.

Theo ông Tiên, thực tế thị trường dược phẩm vẫn hình thành các sân chơi, “sân của anh nào thì anh ấy đá.” Sân chơi của các doanh nghiệp dược nước ngoài là những loại thuốc biệt dược, thuốc đắt tiền, thuốc cao cấp. Những loại thuốc này người dân rất chuộng bởi nó chữa bệnh nhanh, chữa được những bệnh hiếm, bệnh khó.

Ông Nguyễn Văn Tiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Chẳng hạn như Meropenem là kháng sinh thế hệ mới, thuốc biệt dược gốc Meronem 1g giá khoảng 830.000 đồng/lọ, thuốc generics Tiapanem giá khoảng 340.000 đồng/lọ. Ceftriaxone là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, biệt dược gốc Rocephine 1g giá khoảng 140.000 đồng/lọ, thuốc generic Ceort của Ấn độ giá khoảng 60.000 đồng/lọ.

Sofosbuvir là thuốc điều trị viêm gan C mới được phát minh, còn hạn bản quyền. Biệt dược gốc Sovadi 400mg bán tại Mỹ là 1.000 USD/viên. Sản phẩm generic MyHep của Ấn Độ (Chính phủ Ấn độ ép công ty Gilead phải nhượng bản quyền) đã được nhập về Việt Nam bán với giá khoảng dưới 500.000 đồng/viên.

Phân tích về việc sử dụng thuốc, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, sử dụng thuốc cho bệnh nhân do người bác sỹ quyết định. Thuốc biệt dược chắc chắn kiểm nghiệm được tốt hơn, tuy nhiên, trong điều trị, lúc này thì vai trò của người thầy thuốc là vô cùng quan trọng. Bệnh nào thì dùng thuốc đó đó là quyền của người bác sỹ. Các doanh nghiệp dược họ chỉ biết sản xuất ra sản phẩm, thử nghiệm xong bàn giao cho bác sỹ điều trị và điều trị ra sao là quyền của người bác sỹ.

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội dược học Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, về mặt hàng thuốc chữa bệnh, đôi khi người dân lại hay cho rằng “tiền nào của nấy.” Bệnh nhân nghĩ rằng thuốc càng đắt thì chất lượng càng tốt.

“Điều này theo tôi chưa chắc đã đúng hết. Ở đây chúng ta chỉ chống những cái cực đoan, nếu giá đặc biệt mà hoàn toàn rẻ thì rõ ràng không thể có thuốc chất lượng tốt , nhưng nếu như lạm dụng chuyện đó để làm giá thuốc quá tăng thì cũng không được,” bà Phong Lan giải thích.

Về vấn đề đơn thuốc hoa hồng, theo phó giáo sư Dũng: “Tình trạng này chắc chắn có, vì quảng cáo là điều tất nhiên. Quảng cáo là tốt, một số công ty dược họ có rất nhiều cách quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mặt đối mặt giới thiệu sản phẩm thuốc, tiếp cận bằng trình dược viên. Như vậy làm sao mình biết được trình dược viên họ nói gì, nên khó kiểm soát được. Chúng ta chỉ kiểm soát được họ đưa thông tin lên báo, đưa lên đài kiểm soát nội dung, còn hiện tại người ta có một kênh khác là người trình dược viên đi giới thiệu sản phẩm và Luật cho phép người trình dược viên đi, công ty nào cũng có.”

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng thăm khám một bệnh nhi. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

“Và khi người trình dược viên họ đến tiếp xúc với bác sỹ, thì không ai biết có việc gì xảy ra giữa họ trao đổi với nhau. Tôi đố ai cấm được họ tiếp xúc với nhau. Do đó, việc đơn thuốc hoa hồng không thể quản lý nổi. Nghề nào cũng thế, không chỉ riêng nghề dược. Bởi những thỏa thuận ngoài luồng, tiền họ đưa không chạy theo đường ngân hàng mà đưa thẳng tiền mặt, không tiền thì quà… nên rất khó kiểm soát,” phó giáo sư Dũng nhấn mạnh.

Vòng “kim cô” khó bỏ?

Theo ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), điểm mới đặc biệt trong Dự thảo Luật dược sửa đổi chính là bổ sung 1 Chương về dược lâm sàng, trong đó quy định nội dung hoạt động dược lâm sàng, quyền, nghĩa vụ của dược sỹ làm công tác dược lâm sàng, điều kiện bảo đảm để triển khai hoạt động dược lâm sàng và tổ chức triển khai hoạt động dược lâm sàng.

Trong số 7 hoạt động dược lâm sàng, nội dung tư vấn trong quá trình xây dựng danh mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn và giám sát việc kê đơn và sử dụng thuốc để bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý là những nội dung cơ bản… Đặc biệt, trong dự án Luật Dược sửa đổi có quy định, dược sỹ có quyền nhắc nhở, yêu cầu các bác sỹ xem xét lại đơn thuốc. Đây là quy định nhằm kiểm soát việc kê đơn của các bác sỹ.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên thẳng thắn: “Luật dược sửa đổi mới có quy định về dược sỹ lâm sàng, một số nước trên thế giới đã làm nhiều, nhưng Việt Nam giờ mới áp dụng. Vai trò của người dược sỹ lâm sàng sẽ theo dõi để cho các bác sỹ không được kê đơn thuốc một cách không hợp lý. Bởi có trường hợp người bác sỹ có khi vì hoa hồng hay vì cái nọ, cái kia cứ xoáy vào kê đơn một số thuốc nhất định, trong khi có thể thay bằng các thuốc khác giá cả hợp lý hơn.”

Như vậy, vai trò của dược sỹ lâm sàng là góp phần tham gia hội đồng thuốc của bệnh viện và kiến nghị các bác sỹ trong việc kê đơn thuốc để sử dụng thuốc có hiệu quả nhằm có lợi cho bệnh nhân và đỡ tốn tiền cho bệnh nhân.

Thực tế hiện nay vẫn còn kẽ hở để bác sỹ kê đơn thuốc hoa hồng, ông Tiên khẳng định: Đây là vấn đề y đức, Luật pháp không thể quy định được bởi tất cả tiền họ có nhận ở chỗ khác chứ không công khai, người khác không biết được. Điều này này giống như nhận phong bì của bệnh nhân.

Do đó, đây là vấn đề y đức, thái độ tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc. Luật pháp chỉ quy định được quy chế kê đơn trong luật khám chữa bệnh, có nghiêm cấm việc trục lợi khi kê đơn. Tuy vậy, trong thực tế thì nó muôn hình vạn trạng. Theo ông Tiên, đây là một trong những điều y đức của ngành y nâng lên dần lên cùng với xã hội, còn phát hiện ra trường hợp nào thì chúng ta đã xử lý.

“Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh rằng, rất khó khăn để chúng ta phát hiện ra, bởi nó ngấm ngầm. Bác sỹ kê thuốc ở chỗ này nhưng lại nhận tiền ở chỗ khác, tối họ mang tiền đến nhà bác sỹ đưa thì ai biết được. Dược sỹ lâm sàng góp phần làm cho việc kê đơn thuốc hợp lý và cấm trục lợi khi kê đơn thuốc. Còn nếu bảo đưa ra biện pháp nào cụ thể thì đây là một vấn đề nan giải, cực kỳ khó khăn,” ông Nguyễn Văn Tiên chỉ rõ.

Một tấm biển yêu cầu trình dược viên không được đứng ở khu vực này tại nhà thuốc một bệnh viện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng quan điểm trên, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng khẳng định rất khó quản lý và không thể chấm dứt được đơn thuốc hoa hồng. Ngành y phải làm sao để đảm bảo các yếu tố khác lên thì chấm dứt hiện tượng đó. Chẳng hạn như cho các doanh nghiệp cạnh tranh thật thoải mái, nếu doanh nghiệp cứ biếu bác sỹ thì họ phải chi phí thêm tiền đó, đồng nghĩa với giá thành thuốc phải cao lên, và khi giá thuốc của họ cao không bán được và họ lại tiếp tục phải đi theo con đường đó. Do vậy, cái vòng “kim cô” luẩn quẩn của đơn thuốc hoa hồng đó mãi tồn tại.

Theo phó giáo sư Dũng, về phía người bác sỹ, nếu họ cứ lấy tiền của doanh nghiệp dược để kê đơn thuốc thì chắc chắn người bác sỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi việc kê đơn đó. Chắc chắn người bác sỹ đó sẽ kê loại thuốc đó nhiều hơn, khi họ kê một loại thuốc nhiều hơn và nghĩ về lợi nhuận nhiều hơn thì khả năng khỏi bệnh của bệnh nhân sẽ kém. Đáng lẽ phải kê thuốc khác nhưng vì lợi nhuận, người được kê nó không hại ngay trước mắt mà sẽ hại lâu dài về sau vì chính người bác sỹ đó sẽ chữa bệnh kém hơn và trước sau người ta cũng biết và chính người bác sỹ đó sẽ mất khách và không được người khác tôn trọng.

Bác sỹ Dũng chia sẻ: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một câu: Xã hội này đừng có vội vàng, tự người bác sỹ phải hoàn chỉnh mình. Bởi khi trong đầu anh luôn nghĩ len lỏi thì những anh ấy trước sau cũng phá vỡ. Có thể anh có lợi trước mắt và mất lợi lâu dài, mất lợi lâu dài là điều quan trọng hơn, lúc đó chính là “gậy ông đập lưng ông.”

Giá thuốc luôn luôn là vấn đề nóng bỏng được nhiều người dân quan tâm. Với những người bệnh phải mua thuốc mới thấm thía chi tiền như “đứt từng khúc ruột” như thể những đồng tiền không cánh mà bay dù đã có thẻ bảo hiểm y tế, bởi đa phần những đơn thuốc người bệnh cầm ra ngoài mua bảo hiểm y tế không chi trả.

Ông Trần Tuấn – Trưởng Ban thường trực Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Vận động Chính sách Y tế dựa vào bằng chứng Khoa học (EBHPD) cho hay, tình hình giá thuốc tại Việt Nam hiện nay chưa được kiểm soát, nó thể hiện một sự lúng túng trên toàn hệ thống và diễn ra trong nhiều năm. Vì khó như vậy nên cuối cùng người dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.

Vì vậy, theo ông Trần Tuấn, giá thuốc được kiểm soát tốt nhằm cân bằng lợi ích của ba bên trong sự phát triển xã hội gồm: cân bằng lợi ích của nhà nước, lợi ích của các doanh nghiệp (nhà sản xuất thuốc và phân phối thuốc), thứ ba là lợi ích của người sử dụng. Ba thế chân kiềng này phải có được đại diện của mỗi bên trong vấn đề đàm phán về giá thuốc và quản lý về giá thuốc, để người dân “không bị móc túi”./.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: