14/05/2018 08:25 GMT+7
TTO – Dự án ngăn dòng Cái Bé, Cái Lớn thuộc tỉnh Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng số vốn ước tính trên 3.300 tỉ đồng.
Hàng nghìn người dân vẫn sinh sống bằng nghề cào nhuyễn thể ở cửa sông Cái Lớn đổ ra vùng biển Tây Nam – Ảnh: K.NAM
Theo tôi là nên thận trọng, đừng để phóng lao rồi phải theo lao
GS NGUYỄN NGỌC TRÂN
(nguyên chủ nhiệm Chương trình cấp nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp khu vực ĐBSCL)
Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại trước những tác động chưa thể lường trước được về mặt môi trường sinh thái của cả vùng đất rộng hàng trăm nghìn hecta với hàng triệu hộ dân sinh sống.
Công trình ngăn mặn lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long

Cơ quan chủ quản dự án này là Bộ NN&PTNT, đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (gọi tắt là Ban 10, trực thuộc Bộ NN&PTNT). Các đơn vị lập dự án gồm có: Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HEC II) và Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.
Trong giai đoạn 2017-2020, dự án sẽ tiêu tốn khoảng 3.300 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ cho các hạng mục: cống Cái Lớn, cống Cái Bé, đê nối hai cống với quốc lộ 61, kênh nối hai dòng sông Cái Lớn, Cái Bé để điều tiết mực nước, âu thuyền. Đây là dự án thuộc nhóm A.
Ông Lê Hồng Linh – giám đốc Ban 10, chủ đầu tư dự án – cho hay đây là dự án kiểm soát mặn chủ động, giúp giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương ở tây sông Hậu.
Đồng thời chủ động kiểm soát mực nước, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng nhằm giảm ngập úng cho vùng trũng dọc sông Cái Lớn – Cái Bé.
Dự án đáp ứng yêu cầu sản xuất cho diện tích khoảng 906.758ha (607.369ha đất nông nghiệp, 70.910ha đất lâm nghiệp, 83.305ha đất nuôi trồng thủy sản và 145.174ha đất khác) thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.
Đảm bảo giao thông thủy trong thời gian ngăn triều, mặn và đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến giao thông thủy liên vùng theo yêu cầu quy hoạch giao thông. Và đặc biệt là góp phần phát triển giao thông thủy – bộ, cải thiện môi trường sinh thái trong khu vực.
Nếu dự án được triển khai đúng như dự kiến, đây sẽ là một trong những dự án ngăn mặn lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhiều lo ngại
Mới đây, vào cuối tháng 4-2018, một đoàn chuyên gia, nghiên cứu đánh giá rủi ro các công trình trong điều kiện biến đổi khí hậu đến từ các nước Đức, Canada; chuyên gia trong nước… đã có chuyến đi đến tận nơi dự kiến xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang, cảm nhận được sự đặc biệt của vùng đất này.
Tại đây, các chuyên gia bước đầu nhận định: Các nghiên cứu chỉ ra rằng vận hành hợp lý cống Cái Lớn – Cái Bé góp phần kiểm soát mặn và giảm thiệt hại hạn hán, còn tăng mực nước ngọt vào mùa khô là tác động có lợi đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, GS.TS Tăng Đức Thắng – phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam – cũng nêu ra những biến động khó lường trong tương lai. Đó là nguồn nước hiện đã rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tương lai còn khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, các nguồn xả thải gia tăng cả từ công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, sinh hoạt, dự báo tăng gấp 1,5 lần ở năm 2030.
Hệ thống thủy lợi hiện hữu chưa đáp ứng được về phòng chống thiên tai và thời tiết cực đoan (do hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, sụt lún đất) nên sản xuất bấp bênh, tranh chấp giữa các môi trường mặn – ngọt – lợ còn kéo dài.
Vì thế, theo GS Thắng và các chuyên gia ở viện này, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ: so sánh việc đầu tư cống Cái Lớn – Cái Bé với các giải pháp làm đê bao nhỏ, bao vừa, bao lớn về kinh tế, kỹ thuật để khẳng định phương án xây dựng cống là tối ưu.
Tính toán thêm giải pháp xây dựng trạm bơm đầu sông Hậu. Đặc biệt, khi phù sa thượng nguồn về ít thì đáy sông Hậu bị hạ thấp sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả hệ thống Cái Lớn – Cái Bé.
Cần đánh giá chi tiết hơn các ảnh hưởng của hệ thống đến vấn đề môi trường…
GS Nguyễn Ngọc Trân – nguyên chủ nhiệm Chương trình cấp nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp khu vực ĐBSCL – cũng cho rằng cần hết sức thận trọng với dự án xây hai cống Cái Bé, Cái Lớn.
Theo GS Trân, cần đánh giá tác động của dự án, trong đó có đánh giá, làm rõ mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường nước, đất trong khu vực dự án. Làm rõ cơ chế vận hành, phối hợp với hệ thống các cống đập khác trong vùng dự án.
Phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên – môi trường thẩm định, phê duyệt…
Ngoài ra, theo GS Trân, dự án chắc chắn tác động sâu sắc đến môi trường tự nhiên, đến sản xuất, sinh kế của cả triệu người dân trong vùng ảnh hưởng.
Vẫn còn đó bài học về việc không tôn trọng quy luật tự nhiên từ các dự án: ngọt hóa bán đảo Cà Mau, ngọt hóa bắc Bến Tre, mâu thuẫn giữa người trồng lúa với người nuôi tôm…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tâm – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang – cho biết tỉnh sẽ đề nghị chủ đầu tư cung cấp thêm thông tin để báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về dự án này.
“Việc khảo sát, xin ý kiến Chính phủ duyệt chủ trương… là việc của chủ đầu tư dự án và các đơn vị tư vấn. Riêng với ngành nông nghiệp Kiên Giang, rõ ràng đây là dự án lớn, ảnh hưởng nhiều khía cạnh nên phải rất thận trọng” – ông Tâm nói.
Dự án đắt đỏ, không cần thiết
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL – cho rằng dự án thủy lợi sông Cái Lớn – sông Cái Bé là đắt đỏ vì có kinh phí lên đến 3.300 tỉ đồng cho giai đoạn một và 3.500 tỉ đồng cho giai đoạn hai, ảnh hưởng một vùng rộng lớn đến 1/4 ĐBSCL.
Theo ông Thiện, những biện luận về sự cần thiết và cấp bách của dự án không thuyết phục.
Ông Thiện lập luận: “Những luận điểm cho rằng công trình này cần thiết và cấp bách là từ tình hình hạn mặn mùa khô 2016, nguy cơ nước biển dâng, ĐBSCL phải gánh trọng trách bảo đảm an ninh lương thực, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ĐBSCL do tác động từ các nước thượng nguồn. Tất cả lý do này đều thiếu thuyết phục”.
Ông Thiện đưa ra 4 lý do. Thứ nhất, sự kiện cực đoan gây hạn mặn như mùa khô 2016 không nên bị lạm dụng làm chuẩn tình hình chung để xây dựng công trình. Một khi hạn mặn cực đoan xảy ra như năm 2016 thì công trình ngăn mặn cũng không tác dụng.
Thứ hai, không hiểu vì sao mực nước biển dâng của kịch bản 2009 vẫn còn được sử dụng, thay vì kịch bản mới 2016 của Bộ Tài nguyên – môi trường.
Thực tế nước biển dâng chỉ khoảng 3mm/năm, chuyện đồng bằng bị sụt lún nhanh nhiều lần do khai thác nước ngầm quá mức một phần do sông ngòi không còn chảy, tích tụ ô nhiễm, không sử dụng được như xưa mới là điều đáng lo.
Thứ ba, cho rằng ĐBSCL phải gánh trọng trách an ninh lương thực, suy ra phải ngăn mặn để duy trì sản lượng lúa cũng thiếu thuyết phục.
Hằng năm, ĐBSCL sản xuất trung bình 25 triệu tấn lúa, xuất khẩu hơn 50%, khó có thể nói ta cần đến 25 triệu tấn để đảm bảo an ninh lương thực.
Năm 2016 hạn mặn cực đoan như thế mà ĐBSCL vẫn xuất khẩu 4,88 triệu tấn gạo, an ninh lương thực quốc gia chưa hề bị đe dọa nếu ta không tự gánh vai trò an ninh lương thực cho thế giới.
Thứ tư, cho rằng nguồn nước ngọt chảy vào ĐBSCL sẽ bị cạn kiệt do tác động từ các nước thượng nguồn là tuyên bố võ đoán. Đối với thủy điện, vấn đề chính là phù sa và thủy sản, không phải về lượng nước.
Về số lượng nước, tóm tắt nhanh thì trong những năm lũ cao thủy điện gây lũ chồng lũ, những năm khô hạn thủy điện làm hạn – mặn trầm trọng hơn. Còn trong những năm bình thường, tức là trong đa số các năm, thủy điện tác động rất ít đối với lượng nước.
Băn khoăn xây cống Cái Lớn – Cái Bé
Sông Cái Lớn và sông Cái Bé là hai con sông lớn nhất ĐBSCL đổ ra biển Tây, nên nước mặn theo đó xâm nhập mạnh vào vùng Bán đảo Cà Mau, nhất là các tháng cuối mùa khô. Ngày 5/4/2017, Bộ NN&PTNT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư xây cống ngăn mặn sông Cái Lớn và Cái Bé, đến nay, nhiều bộ và địa phương cùng các chuyên gia bày tỏ băn khoăn.
Dự án có tên Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, nhằm kiểm soát mặn từ biển Tây, tăng lượng nước ngọt từ sông Hậu về vùng U Minh, tây Quản lộ – Phụng Hiệp và Nam Cà Mau. Vùng hưởng lợi, từ sông Hậu phía Đông Bắc tới biển phía Tây, từ kênh Cái Sắn mạn Bắc đến kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp mạn Nam. Có 906.758 ha đất nằm trong dự án, của 6 địa phương: thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Sơ đồ vị trí cống Cái Lớn – Cái Bé
Dự án hai giai đoạn
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ NN&PTNT giao cho Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 làm chủ đầu tư và Viện Kỹ thuật Biển thuộc Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Giai đoạn 1 (từ năm 2017 – 2020): đầu tư xây cống Cái Lớn, Cái Bé, đê nối hai cống với Quốc lộ 63 và Quốc lộ 61, kênh nối sông Cái Lớn – Cái Bé để chủ yếu ngăn mặn phía tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 2 (sau năm 2020), đầu tư tiếp loạt cống để ngăn mặn phía tỉnh Cà Mau, gồm các cống Xẻo Rô, Ông Đốc, Lương Thế Trân, ngọn Tắc Thủ và trạm bơm Tắc Thủ, sửa chữa cửa van cống âu Tắc Thủ, cụm công trình bờ đông kênh Chắc Băng và sông Trẹm.
Báo cáo của Chủ đầu tư, giai đoạn 1 “cần thiết, cấp bách và là giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát mặn từ biển Tây, kiểm soát mực nước trên sông Cái Lớn – Cái Bé, tăng cường lượng nước ngọt từ sông Hậu về khu vực dự án”. Tổng diện tích đất cho các công trình giai đoạn này là 319 ha. Tổng mức đầu tư 3,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng chiếm gần 76%, thực hiện từ năm 2017 đến 2020. Hai công trình lớn nhất là cống trên sông Cái Lớn và Cái Bé.
Sông Cái Lớn đổ biển Tây, đầu nguồn thông với sông Cái Tư, kênh Xà No và nhiều kênh khác. Sông rộng trung bình 500 – 650m, sâu 12 – 14m. Cống Cái Lớn dự kiến xây dựng cách cửa biển 13 km, tại xã Hưng Yên (An Biên, Kiên Giang), có 8 khoang và 2 âu thuyền với tổng khẩu độ thoát nước 367m. Trong 8 khoang, 2 khoang bố trí giữa cống có khẩu độ 63,5m nhằm đảm bảo giao thông thuỷ trong thời gian đóng cửa, 6 khoang ở hai bên cống với khẩu độ 40m. Do cống có cầu giao thông ở trên, nên bố trí 2 âu thuyền gần giữa sông, mỗi khoang 14m.
Sông Cái Bé quanh co khúc khuỷu, một đầu vừa ra biển vừa theo rạch đổ vào sông Cái Lớn, đầu kia thông với nhiều kênh ở nhiều địa phương. Nước mặn theo sông Cái Bé có năm vào tới thành phố Vị Thanh tỉnh lỵ Hậu Giang, cách cửa sông Cái Lớn khoảng 65km, ảnh hưởng tới 44.000 ha đất canh tác của tỉnh này. Cống Cái Bé dự kiến xây ở xã Bình An (Châu Thành, Kiên Giang) cách Quốc lộ 63 khoảng 3,2km, có 2 cửa rộng tổng cộng 64m.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho rằng, hòan thành giai đoạn 1, dự án tác động tích cực nhiều mặt về sản xuất, giao thông, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; và “cũng gây ra một số tác động tiêu cực đối với môi trường, tuy nhiên, các tác động này có thể được giảm thiểu”.

Cần nghiên cứu thêm
Vấn đề lớn nhất của dự án hiện nay, giai đoạn 2 chưa được nghiên cứu, trong lúc khu vực có chi chít sông, rạch. Các sông lớn như Ông Đốc, Bảy Háp, Cái Tàu, Ông Trang, Mỹ Thanh, Gành Hào rộng 300-600m, cửa sông có nơi tới 1.800m. Hàng loạt rạch như Tiêu Dừa, Xẻo Chít, Cái Tư, Nước Trong, Nhu Gia, Chàng Ré rộng 100-200m. Làm sao ngăn mặn, mà nếu không ngăn mặn được thì giai đoạn 1 không có tác dụng tốt.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân (Chủ nhiệm Chương trình cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL 1983 – 1990; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nghiên cứu Khai thác Bán đảo Cà Mau 1989 – 1992) cho rằng, cần nghiên cứu thêm. Ông nói: “Không thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chỉ với một bộ hồ sơ báo cáo một giai đoạn, bởi vô hình trung “gài” Thủ tướng vào thế phóng lao thì sau này sẽ phải theo lao”. Không chỉ mạn biển chi chít sông rạch mà hệ thống cống Cái Lớn-Cái Bé còn liên quan khoảng 30 cái đập nước ngọt ở mạn trên, chưa được đánh giá toàn diện. Trong lúc, bài học của dự án “Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau” cuối thập niên 1980 còn nguyên, xây dựng loạt công trình ngăn mặn, sau đó, người dân phải phá để…lấy nước mặn nuôi tôm. Ông cho biết thêm, kết quả bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, có 19/23 phiếu yêu cầu bổ sung chỉnh sửa với các nội dung hệ trọng: tại sao đặt cống Cái Lớn-Cái Bé ở vị trí đó, cần phân tích rõ hiệu quả đầu tư của toàn dự án.
Bộ KH&ĐT cũng nêu quan điểm: “Đây là dự án có tác động trên địa bàn rộng lớn bao gồm 6 tinh. Vì vậy, có những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường, sinh thái của khu vực. Do đó báo cáo cần liệt kê, phân tích, đánh giá một số tác động tiêu cực của dự án (…) từ đó có phương án ứng phó phù hợp”.
Bộ Tài chính: “Đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án (…) trong phạm vi tổng mức vốn đầu tư công nguồn trái phiếu Chính phủ giai đọan 2017-2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Xin lưu ý: Khẩn trương không có nghĩa cắt dự án ra trình giai đoạn 1 thay cho toàn dự án. Còn Bộ TN&MT: “Bổ sung nội dung tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt đề phòng chống xâm nhập mặn; đánh giá tác động của việc xây dựng các công trình trên sông đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông”.
Các địa phương cũng kiến nghị nhiều nội dung cần nghiên cứu thêm. Tỉnh Hậu Giang: “Cần bổ sung tác động tình hình ô nhiễm môi trường nước do thay đổi lưu lượng dòng chảy, độ mặn tự nhiên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong vùng dự án. Xác định rõ ranh giới nguồn nước mặn – lợ – ngọt để địa phương có cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp”. Tỉnh Bạc Liêu: “Cần đề xuất phương án tối ưu trong việc vận hành hệ thống, làm rõ tác động của dự án có phần chồng lên Tiểu vùng Quản Lộ -Phụng Hiệp”.
“Cần bổ sung tác động tình hình ô nhiễm môi trường nước do thay đổi lưu lượng dòng chảy, độ mặn tự nhiên ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong vùng dự án. Xác định rõ ranh giới nguồn nước mặn – lợ – ngọt để địa phương có cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp”.
Tỉnh Hậu Giang |
SÁU NGHỆ
Quốc tế quan tâm Dự án Thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé |
nonghoc ngày 4/27/2018
Đây là các chuyên gia về khí hậu và xây dựng đang dự hội thảo “Đánh giá rủi ro khí hậu trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại ĐBSCL” do quốc tế tài trợ từ ngày 23 đến 26/4, ở Cần Thơ.
Vùng đất đặc biệt
Hoạt động chính của đoàn chuyên gia, nghiên cứu đánh giá rủi ro các công trình trong điều kiện biến đổi khí hậu, theo dư án CSI, GIZ do Đức tài trợ. Tham gia đoàn có chuyên gia các nước Đức, Canada; chuyên gia trong nước ở các viện nghiên cứu, cơ quan khoa học, cơ quan quản lý trung ương và địa phương. Đoàn chuyên gia đi đến tận nơi dự kiến xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang, cảm nhận được sự đặc biệt của vùng đất.
![]() |
Đoàn chuyên gia tại vị trí dự kiến xây dựng cống Cái Bé |
Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam – Đỗ Đức Dũng cho hay: “Đặc điểm của vùng này, mùa mưa từ tháng 5-10 chiếm hơn 90% lượng nước ngọt từ sông Hậu và các sông khác đổ ra cửa Cái Lớn – Cái Bé. Điều đó cho thấy sự mất cân đối về nước ngọt trong năm, gây khó khăn cho sản xuất nên rất cần có công trình thủy lợi hỗ trợ. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc đắp đập thủy điện chặn dòng chính sông Mê Công ở thượng nguồn cũng làm cho mất cân đối mặn – ngọt trầm trọng thêm. Đợt hạn hán đầu năm 2016 đã làm lúa đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL có 104.000 ha giảm năng suất, 155.000 hộ thiếu nước sinh hoạt thì vùng Cái Lớn – Cái Bé chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Sông Cái Lớn rộng trung bình 500 – 650m, sâu 12 – 14m; nối với sông Cái Tư, kênh Xà No và nhiều kênh khác ở mạn Đông Nam rồi đổ ra cửa biển ở TP Rạch Giá phía Bắc. Sông Cái Bé nhỏ hơn một nửa, đoạn phía Bắc gần như song song với sông Cái Lớn nhưng xuống phía Nam lại quanh co, khúc khuỷu nối với nhiều kênh ở nhiều địa phương. Hai con sông đưa nước mặn xâm nhập mạnh vào vùng bán đảo Cà Mau, sâu nội địa, có năm tới thành phố Vị Thanh tỉnh lỵ Hậu Giang cách cửa biển khoảng 65km
Vùng đất này lại trũng nên mặn – ngọt giao thoa rất phức tạp. Nhiệm vụ đặt ra cho hệ thống thủy lợi là khai thác hiệu quả nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, kiểm soát mặn để ổn định sinh thái ngọt nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế mặn, kiểm soát lũ khi mùa mưa ào ạt đưa nước từ sông Hậu đổ về, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo hạ tầng liên kết các vùng sản xuất.
Kiểm soát mặn
Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 được Bộ NN-PTNT giao làm chủ đầu tư dự án. Giám đốc Lê Hồng Linh nhấn mạnh: “Đây là dự án kiểm soát mặn một cách chủ động. Hệ thống công trình Cái Lớn – Cái Bé nhằm kiểm soát nguồn nước mặn giúp giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương ở Tây sông Hậu. Bên cạnh, chủ động kiểm soát mực nước, tăng khả năng thoát lũ, tiêu úng nhằm giảm ngập úng cho vùng trũng dọc sông Cái Lớn – Cái Bé”.
Vùng dự án được giới hạn phía Đông là sông Hậu, phía Tây là biển, phía Bắc là kênh Cái Sắn và phía Nam là kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp. Tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, dự án kiểm soát mặn cho khoảng 906.578 ha (607.369 ha đất nông nghiệp, 70.910 ha đất lâm nghiệp, 83.305 ha đất nuôi trồng thủy sản và 145.174 ha đất khác) thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Đồng thời, kiểm soát nguồn nước trên sông Cái Lớn – Cái Bé: tăng cường nước từ sông Hậu về cung cấp cho vùng U Minh trong mùa khô; tiêu thoát để giảm ngập úng trong mùa mưa.
Dự án có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng cống Cái Lớn cách cửa biển 13 km, tại xã Hưng Yên (An Biên, Kiên Giang); cống Cái Bé ở xã Bình An (Châu Thành, Kiên Giang) và đê, đường giao thông. Tổng diện tích đất cho các công trình ở giai đoạn này 319 ha, tổng mức đầu tư 3,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng chiếm gần 76%, thực hiện từ năm 2017 đến 2020, chủ yếu kiểm soát mặn phía tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 2 (sau năm 2020), đầu tư các cống kiểm soát mặn phía tỉnh Cà Mau như Xẻo Rô, Ông Đốc, Lương Thế Trân, ngọn Tắc Thủ và cụm công trình bờ đông kênh Chắc Băng, sông Trẹm.
![]() |
Đoàn chuyên gia trên cầu Cái Lớn nhìn về địa điểm dự kiến xây dựng cống Cái Lớn |
Vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là xây cống ngăn mặn có gây ô nhiễm môi trường hay không? Tiến sỹ Tăng Đức Thắng ở Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, chỉ đóng cống để kiểm soát mặn khi cực đoan, tổng cộng một năm đóng và mở cống 24 ngày, lúc lâu nhất là 6 ngày nên “mức độ ô nhiễm là không đáng kể và có thể kiểm soát”. Còn bình thường, cống mở cho lưu thông tự do.
Cần nghiên cứu tiếp
Các nghiên cứu chỉ ra, vận hành hợp lý cống Cái Lớn – Cái Bé góp phần kiểm soát mặn và giảm thiệt hại hạn hán, còn tăng mực nước ngọt vào mùa khô là tác động có lợi đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Phó Viện trưởng Viện Thủy công Trần Văn Thái cho biết thêm, khu vực dự kiến xây cống Cái Lớn – Cái Bé có tầng đất sét vững chắc, đảm bảo cho công trình bền vững, hạn chế rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Tăng Đức Thắng cũng nêu ra những biến động khó lường trong tương lai. Đó là, nguồn nước hiện đã rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tương lai còn khó khăn hơn. Bên cạnh, các nguồn xả thải gia tăng cả từ công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, sinh hoạt, dự báo tăng gấp 1,5 lần ở năm 2030. Hệ thống thủy lợi hiện hữu chưa đáp ứng được về phòng chống thiên tai và thời tiết cực đoan (hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, sụt lún đất) nên sản xuất bấp bênh, tranh chấp giữa các môi trường mặn/ngọt/lợ còn kéo dài.
Vì thế, theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ: so sánh việc đầu tư cống Cái Lớn – Cái Bé với các giải pháp làm đê bao nhỏ, bao vừa, bao lớn về kinh tế, kỹ thuật để khẳng định phương án xây dựng cống là tối ưu. Tính toán thêm giải pháp xây dựng trạm bơm đầu sông Hậu. Đặc biệt, khi phù sa thượng nguồn về ít thì đáy sông Hậu bị hạ thấp, sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của hệ thống Cái Lớn – Cái Bé. Cần đánh giá chi tiết hơn các ảnh hưởng của hệ thống đến vấn đề môi trường. Cuối cùng, việc đầu tư Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé nếu làm song song với hệ thống cống ven biển Tây và cống Xẻo Rô thì hiệu quả mới rõ rệt hơn.
Theo: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Cách thông qua dự án chặn nước này có vẻ không ổn. Thương thì phải có dự án hình thành với những kết luật khả thi khá chắc chắn thì mới nên chấp thuận dự án. Nhưng dự án này được thông qua trong khi vẫn có nhiều điểm lớn chưa chắc chắn, nghĩa là dự án chưa được kết luận là khả thi.
Các đơn vị lập dự án gồm có: Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II (HEC II) và Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.
Viện Khoa học Thủy lợi VN có lẽ là tổ chức quan trọng nhất trong việc nghiên cứu dự án, nhưng chính “GS.TS Tăng Đức Thắng – phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam – cũng nêu ra những biến động khó lường trong tương lai. Đó là nguồn nước hiện đã rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tương lai còn khó khăn hơn.”
Và nhiều nhà khoa học khác cảm thấy chưa ổn về dự án.
Đó là chưa nói mới nửa năm trước Chính phủ đã thống nhất với đại đa số các nhà khoa học là “sống với nước” trong Điều (2), khoản (c), Nghị quyết về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với Biến đổi khí hậu – Nghị quyết số 120/NQ-CP (17/11/2017):
c) Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Công. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bảo đảm sự gắn kết hữu cơ trong nội vùng cũng như sự liên kết chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tiểu vùng sông Mê Công.
Nhưng chính phủ đã thông qua dự án dù chẳng có kết luận khả thi nào.
Vậy là làm chính sách kiểu đặt cái cày trước con trâu hay sao vậy cà?
ThíchĐã thích bởi 1 người