Đề nghị đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam

ratruong

Đề nghị sau đây là một khung tư duy gồm những nguyên tắc chính để đổi mới hệ thống giáo dục Đại học VN. Mỗi nguyên tắc chính đều có nhiều chi tiết cần thực hành khi khai triển thành hành động cụ thể.

1. Cạnh tranh trong thị trường tự do: Khi có cạnh tranh tự do thì sản phẩm (giáo dục) tăng chất lượng và giá cả thấp xuống.

2. Đại học tự trị: Đại học là nơi dạy người ta suy nghĩ và sáng tạo, và nơi sản xuất chất xám cho đất nước. Đại học phải được tự trị, để có thể tự do dạy bất kì môn gì, dạy bất kì kiểu nào, nghiên cứu bất kì đề tài nào, tự do tuyển chọn và quản lý giáo chức và sinh viên, và độc lập tài chính, để tự do phát triển tri thức.

3. Lập một ngân hàng đặc biệt chuyên cho sinh viên vay tiền để đi học, không tính lãi suất cho đến khi ra trường, và sinh viên chỉ trả nợ hàng tháng 1 năm sau khi ra trường, và lãi suất ở mức thấp nhất có thể. Ngân hàng này phải nằm dưới sự giám sát trực tiếp của Quốc hội.

4. Giáo sư có quyền dạy và cho điểm bất kì cách nào giáo sư muốn – miễn là thông báo trước cách dạy cho ban giám đốc của nhà trường (để ban giám đốc biết ai đang làm gì).

5. Dân chủ: Giáo sư và ban giám đốc cần nghe tiếng nói của sinh viên trong những dự tính lớn về giảng dạy và giáo trình. (Có thể mời các đại diện sinh viên họp với giáo sư hay/và Ban giám đốc trong những phiên họp liên quan).

6. Giáo sư cần cho SV cơ hội định giá giáo sư thường xuyên (như giữa khóa học và cuối khóa học), chỉ để giáo sư biết riêng (không ai khác cần biết).

7. Giáo sư được khuyến khích cho điểm sinh viên rộng rãi một chút (để dễ xin đi học ở nước ngoài. Giấy tờ thấy hạng tồi quá thì khó đi du học, dù cái tồi của mình còn hơn cái giỏi của thiên hạ).

8. Giáo sư phải có 3 bài báo chuyên môn đăng trên báo chuyên ngành của trường hay một tạp chí chuyên môn tương đương. Sinh viên nên được tuyển chọn vào làm Ban biên tập để quản lý các báo chuyên ngành của trưởng, với một hay nhiều giáo sư làm “cố vấn”. Các báo chuyên môn này có thể là các trang web trên mạng. Sinh viên cũng được khuyến khích nghiên cứu để viết các bài chuyên môn cho các báo chuyên môn (ở mức thấp hơn mức thấy cô – vì là sinh viên mà, không nên đòi hỏi quá đáng).

9. Khuyến khích mọi người mở trường tư, đặc biệt là các tôn giáo (những Đại học nổi tiếng nhất thế giới như Harvard, Yale, Columbia… đều là Đại học tư do các tôn giáo hỗ trợ. Các tôn giáo thường rất nghiêm chỉnh về giáo dục, không chỉ lo kiếm tiền vớ vẩn). Không có lý do gì để cản ai mở trường, trừ khi người đó là tội phạm hình sự rõ ràng.

Và để thị trường quyết định. Quán phở tồi thì sẽ chết, Đại học cũng vậy, chẳng cần nhà nước xía vào. Càng nhiều quán phở cạnh tranh, phở thành phố càng ngon càng rẻ. Trường tồi sẽ chết. Trường cấp bằng kiểu bán bằng, thì bằng của trường chẳng ai kính nể trên thị trường (và Bộ giáo dục sẽ định điểm D cho mọi người cùng biết).

10. Bộ giáo dục giữ vai trò hướng dẫn và tư vấn.

• Bộ có thể có bảng định điểm các Đại Học hàng năm: Như Đại Học được hạng A, B, C, hay D. Và các định điểm này chỉ để hướng dẫn sinh viên và bố mẹ một chút. Bộ chẳng có quyền làm gì khác với các định điểm này. Nếu Bộ làm việc tốt, thì thiên hạ nghe theo. Nếu Bộ định điểm sai quá, thì thiên hạ lờ Bộ.

• Bộ có thể nghiên cứu về các cách giảng dạy, về giáo trình, về các test mới, về cách quản lý Đại học ở khắp thế giới, rồi thông tin hay tư vấn cho các trường. Bộ không có quyền bắt ai làm gì cả.

11. Nhà nước kiểm soát Đại học cũng như kiểm soát bất kì công dân nào – dùng hình luật, ai sai thì khởi tố.

12. Khuyến khích giáo sư và sinh viên hiểu rằng Đại học là nơi đào tạo và phát triển chất xám để lãnh đạo đất nước – chất xám là cái đầu, phải lãnh đạo toàn thân. Không chỉ là nơi lấy bằng để kiếm tiền.

13. Khuyến khích các Đại học nối kết chặt chẽ với các công ty và các tổ chức kinh tế tư, công hay bán công (như hệ thống chuyên gia nông nghiệp, ngư nghiệp của Bộ NN&PTNT, các tổ chức thiện nguyện non-profit), có những chương trình nghiên cứu chung với các công ty và tổ chức này, mời các chuyên gia của các công ty và tổ chức này dạy trong trường, giúp sinh viên thực tập tại các công ty và tổ chức này… Nói chung là Đại học có thể (1) cực kì lý thuyết về triết lý, văn học, lịch sử, thi ca, âm nhạc… và đằng khác (2) cũng đi rất gần với đời sống kinh tế xã hội của đất nước.

14. Đại học nên dùng hệ thống tín chỉ (credits). Một môn học nửa năm hay một năm thì có bao nhiêu tín chỉ. Đủ tín chỉ thì ra trường, để giúp sinh viên học uyển chuyển hơn và dễ đổi trường hơn. Các Đại học được khuyến khích chấp nhận tín chỉ của các trường khác (nhưng đương nhiên là có thể chê tín chỉ của các trường mà Đại học coi như là quá tồi).

15. Mỗi huyện trong nước (dù ở đâu) cần có ít nhất là một trường Đại học cộng đồng hai năm, để mọi sinh viên nghèo trong nước đều có thể học Đại học. Tín chỉ của các Đại học này, các Đại học 4 năm phải nhận, để tránh tình trạng trường lớn phân biệt trường nhỏ. Chính quyền địa phương có nhiệm vụ lập các Đại học cộng đồng 2 năm này, nếu không có trưởng tư với giá học phí hợp lý cho sinh viên.

16. Tất cả mọi Đại học tuân thủ quy chế đều có quyền được có quy chế tổ chức non-profit, được miễn thuế lợi tức và được nhận tiền hỗ trợ, tặng dữ của mọi người mà không phải đóng thuế.

17. Dùng mọi nhân tài cùng góp tay vào hỗ trợ giáo dục. Tổ chức dùng chuyên gia Việt khắp nơi trên thế giới hỗ trợ dạy Đại học qua mạng, Internet, website , Email, hoặc trực tiếp trong lớp qua những khóa học ngắn hạn.

Trần Đình Hoành, Luật sư, Ts. Luật (*)
Washington DC

Bài cùng chuỗi:

  1. Giáo dục đại học cho tất cả mọi người
  2. Dân trí là gì và làm sao để nâng cao dân trí?

(*) Tác giả thành lập và quản lý Quỹ Giáo Dục Việt Mỹ (1992), Diễn Đàn Việt Nam (1994) Diễn Đàn Kinh tế VN (2000), website dotchuoinon.com Tư Duy Tích Cực Mỗi Ngày (2009), Trần Đình Hoành on Buddhism (2009), CVD – Conversations on Vietnam Development (2015).

Tác giả sách: Tư Duy Tích Cực Thay đổi cuộc sống (2011), 10 Giá Trị Cốt Lõi của Thành Công (2013), eBook 101 Truyện Thiền Bình Giải, Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải, Bát Nhã Tâm Kinh lược giảng, Kinh Kim Cang lược giảng, và một số eBooks khác về Phật học.

Bình luận về bài viết này