Tương lai hệ thống năng lượng bền vững cho Việt Nam

T.S Đào Thu Hằng,
Các Hệ Thống Năng Lượng Bền Vững
PhD on Sustainable Energy Systems – Joint Doctorate Erasmus Mundus

Chào các bạn,

Trong bài này, đầu tiên mình muốn chia sẻ một bức tranh tổng quát nhất về năng lượng bền vững. Sau đó là suy nghĩ vì sao chúng ta cần có một cuộc cách mạng và phát triển năng lượng tái tạo (trọng tâm là năng lượng gió và mặt trời) không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới. Và bằng cách nào mỗi cá nhân chúng ta có thể giúp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam, để đạt mục tiêu cho mọi người dân đặc biệt là người nghèo và có thu nhập thấp có thể tiếp cận và sử dụng 100% năng lượng sạch và bền vững. Để cho các bạn một cái nhìn trực quan cụ thể hơn, mình đưa lại một số hình ảnh mình chụp được về thực tế phát triển năng lượng tái tạo ở một số nước. Với các điểm chính

1. Năng lượng là gì? Tại sao chúng ta cần năng lượng

2. Vì sao Việt Nam và thế giới cần phát triển năng lượng tái tạo

3. Phát triển nguồn nhân lực năng lượng tái tạo cho Việt Nam

NLTT1

Một trạm turbine gió ngoài khơi tại Bremenhaven – Germany
Hình 1: Phần trụ nền (foundation) của turbine gió ngoài khơi, chiều cao phần foundation dưới biển khoảng 30 m, còn lại trên mặt biển phần màu vàng trở lên và cột turbine là 140m. Tổng chiều cao của turbine gió 6MW này khoảng 170-180m, có thể so sánh với 1 tòa nhà và nặng 1000 tấn. Cục to màu trắng ở dưới đế là phần turbine chính nặng khoảng 200 tấn. Cánh quạt gió của turbine dài 125m (dài hơn 1 chiếc máy bay Airbus 380-72m). Cả khối cấu trúc này sau đó được di chuyển lắp đặt ngoài khơi ở hình 2.

Có một số bạn sinh viên có liên lạc hỏi mình về việc bắt đầu tiếp cận kiến thức về lĩnh vực năng lượng tái tạo như thế nào. Đây cũng là một trong những bước khởi đầu cho việc phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Dưới đây mình  tóm tắt và chia sẻ một chút kinh nghiệm mình có được mới đây khi bắt đầu học và tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này.

Trong bài này mình sẽ không đề cập đến con số cụ thể về nhu cầu năng lượng của Việt Nam hay những con số cụ thể về tiềm năng năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Chúng ta có thể làm việc đó ước tính ra con số cho một quốc gia, thành phố hay đơn giản chỉ cho gia đình bạn theo hướng dẫn trong cuốn sách Sustainable without the hot air mà mình gợi ý ở cuối bài.

NLTT2

Hình 2: Di chuyển khối trụ của turbine gió ra ngoài khơi tại cảng Bremenhaven – Đức

1. Năng lượng là gì? Tại sao chúng ta cần năng lượng

Khi nói đến từ Năng lượng điều đơn giản và gần gũi nhất có thể bạn hình dung đến là Điện năng hay Nhiệt năng để tạo ra điện và xa hơn là những nguồn tài nguyên cần để sản xuất ra điện và nhiệt như tài nguyên hóa thạch là than đá, dầu mỏ hoặc khí đốt, gỗ….mà chúng ta thường không trực tiếp nhìn thấy hàng ngày. Còn mặt trời và gió là thứ chúng ta tiếp xúc hằng ngày, có thể cảm nhận được tuy nhiên thường không ý thức rằng nắng và gió cũng có khả năng tạo ra điện.

NLTT3

Hình 3: Wind terminal, trạm trung chuyển các thiết bị gồm phần cột, turbine và cánh quạt gió trước khi đưa ra ngoài khơi lắp đặt

Thực tế năng lượng có mặt ở trong tất cả những hoạt động hàng ngày của chúng ta. Những nhu cầu cơ bản của con người về thức ăn, quần áo, đồ dùng, phượng tiện di chuyển và rất nhiều những dịch vụ hỗ trợ khác như thông tin, giáo dục, giải trí đều cần năng lượng để “chạy”. Có thể nói là gần như không có hoạt động nào mà bạn không cần đến năng lượng. Ví dụ bạn cần phương tiện đi học, đi làm thì các phương tiện đều cần xăng, hay điện để chạy/hoạt động trừ khi bạn đi bộ hoặc xe đạp. Nếu ta đi xe đạp thì cũng tốn một khoản năng lượng nhất định ở nhà máy để sản xuất ra chiếc xe đạp đó, hay đi bộ cũng cần năng lượng từ thức ăn nạp vào cơ thể thì chúng ta mới có thể đi bộ được. Hoặc chỉ cần chúng ta ngồi yên một chỗ đọc sách tại nhà thì ít nhất cũng cần ánh sáng đèn điện để đọc, còn nếu là ban ngày cũng cần ánh sáng tự nhiên từ năng lượng mặt trời.

Tóm lại là để cung cấp những nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của chúng ta đều phải qua một quá trình tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Trừ khi chúng ta sống ở trong một cộng đồng hẻo lánh, có khả năng tự sản xuất, tiêu dùng và hoàn trả lại thiên nhiên rồi thiên nhiên tự cân bằng, nhưng điều này chỉ chiếm một con số rất nhỏ trong thế giới hiện nay, hay có vậy chăng nữa thì ta vẫn phải nhờ đến năng lượng từ mặt trời hay củi để đốt.

NLTT4
Hình 4: Turbine gió trên đất liền tại Đức, hình chụp từ máy bay (onshore wind turbine)

Do năng lượng ẩn đằng sau những sản phẩm chúng ta tiêu dùng hàng ngày, và nguồn tạo ra nó ở quá xa ta nên chúng ta thường không để ý đến việc tiêu dùng năng lượng một cách có ý thức, điều này cũng giống như không khí chúng ta thở hàng ngày vậy, không mấy khi chúng ta để ý trân trọng nó mà thường take it for granted – hiển nhiên, cho rằng nó luôn sẵn có và không bao giờ cạn. Khi năng lượng từ dạng cứng như than đá, dầu mỏ được chuyển thành dòng điện thì nó trở thành dạng vô hình nên ta khó nhận thấy mà chỉ nhận được bằng… con số trả tiền hóa đơn hàng tháng. Nếu bạn phải trả tiền hóa đơn điện hay gas hàng tháng có thể đôi khi bạn cảm thấy đau lòng (pain of paying) và có ý thức tiết kiệm ngay lúc đó. Nhưng sau đó rất nhiều khả năng chúng ta lặp lại hành vi cũ vì điện là thứ không hiện hữu với chúng ta hàng ngày.

NLTT5
Hình 5: phòng thí nghiệm turbine gió mini ngoài trời

Bởi có lẽ, con người chúng ta thường ưa thích và tin vào những thứ cụ thể, nhìn, sờ mó, cầm nắm được và khi nói về năng lượng thì dầu mỏ và than đá hay gỗ là những thứ hiện hữu đối với con người nên có thể chúng ta có niềm tin hơn vào những thứ “cứng” đó khi chúng được đốt để tạo thành năng lượng. Nhưng nguồn năng lượng ít “cứng” hay ít hiện hữu hơn như năng lượng từ ánh sáng mặt trời, năng lượng từ gió hay nhiệt từ các dòng nước nóng chưa tạo được nhiều niềm tin để đầu tư phát triển.

NLTT6
Hình 6: Turbine gió trên đất liền, 1 turbine này với công suất 2-3MW có thể cung cấp điện cho 4000-5000 hộ dân. Turbine gió trên đất liền nhỏ hơn turbine ngoài khơi

Trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, phát thải ra quá nhiều khí và chất độc hại gây ô nhiễm môi trường cũng như quá nhiều khí nhà kính khí CO2 là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Hình dung trái đất cũng như là cơ thể của chúng ta, trong đó than đá, dầu mỏ, khí đốt chính là máu, nước và dòng không khí chạy trong cơ thể để nuôi sống các hoạt động của cơ thể. Nếu nước, máu, không khí bị hút ra khỏi cơ thể rồi đốt chúng lên kết quả là thải ra những khí độc hại mà chính cơ thể lại hấp thụ trở lại thì đảm bảo chẳng bao lâu cơ thể sẽ bị héo hon rồi tự hủy hoại giống như biến thành… “lỗ đen” tan biến vào hư không.

NLTT7
Hình 7: Tấm quang điện (pin năng lượng mặt trời) dùng để đun nước nóng và cấp điện, với diện tích khoảng 12m x 1.5 m, có khả năng cung cấp điện cho 2 hộ gia đình (nhắc lại: ở phía bắc nước Đức, năng lượng mặt trời tiếp nhận trung bình hàng năm chỉ bằng với bang Alaska ở Mỹ)

2. Vì sao Việt Nam và thế giới cần phát triển năng lượng tái tạo

Lịch sử phát triển năng lượng của loài người cho thấy năng lượng đóng góp then chốt trong các cuộc cách mạng công nghiệp, vào sự thịnh vượng của một xã hội. Ví dụ đơn giản là không có điện đèn chiếu sáng chúng ta khó có khả năng tiếp cận với các loại hình giáo dục. Tìm kiếm và sở hữu các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ và than đá cũng là một nguyên nhân gây bao nhiêu xung đột và chiến tranh trên thế giới.

NLTT8

Hình 8: Turbine gió trên đất liền tại Bồ Đào Nha

Việt Nam chúng ta đang phụ thuộc nặng nề vào các thủy điện lớn, nhiệt điện từ than đá và cả dầu mỏ. Chúng ta đã và đang chứng kiến quá nhiều thảm họa và mất mát do phát triển thủy điện tràn lan cũng như sự kiểm soát thủy điện yếu kém mà phần lớn người nghèo là những người bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất. Thủy điện chỉ trở thành năng lượng tái tạo khi được phát triển trên quy mô nhỏ và kiểm soát tốt.

Trong khi đó con người được thừa hưởng nguồn năng lượng vô tận từ mặt trời, nước và gió cũng là nguồn năng lượng tái tạo rất lớn mà có động lực vật lý đều từ năng lượng mặt trời, nhưng chúng ta chưa biết tận dụng và khai thác để sử dụng năng lượng hiệu quả và không tổn hại đến môi trường. Tại sao chúng ta vẫn phụ thuộc vào những thứ mà chỉ trong vòng 50 năm tới thôi ta càng tiêu dùng thì càng hủy hoại thiên nhiên, xã hội và con người?.

Việt Nam cũng như tất cả các nước cần một cuộc cách mạng năng lượng để giải phóng chính con người khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Trong cuộc cách mạng này lợi thế của chúng ta là nguồn lực về khoa học và kỹ thuật hầu hết đã có sẵn sàng.

NLTT9
Hình 9: Tấm quang điện mặt trời trong mùa đông tại miền Bắc nước Ý

3. Phát triển nguồn nhân lực năng lượng tái tạo cho Việt Nam

Đối với Việt Nam, chúng ta có lợi thế về tiềm năng lớn của năng lượng mặt trời, năng lượng gió trên đất liền cũng như ngoài khơi, nhưng những trở ngại khó khăn về chính sách, giá thành đầu tư cao đang được đề cập đến rất nhiều. Chỉ cần google tiếng Anh hay tiếng Việt về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam, các bạn cũng có thể thấy rất nhiều số liệu và thông tin về tiềm năng này.

Một trong những trở ngại rất lớn đó là chúng ta đang thiếu hụt rất nhiều nhân lực cho lĩnh vực này ở Việt Nam. Gần đây có thể bạn cũng đã nghe nói nhiều đến tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo nhiều năm cho Việt Nam nhưng lại không rõ cần bắt đầu từ đâu. Kinh nghiệm bản thân mình cũng vậy. Ở đại học, chuyên ngành của mình về Khoa học và công nghệ Môi trường cũng chỉ chạm đến lĩnh vực năng lượng một chút, rồi cũng tự mò mò tìm hiểu vì không biết hỏi ai. Đến khi hết đại học, bắt đầu đi làm và tiếp tục đi học mình mới thực sự chạm tới lĩnh vực năng lượng và thấy nó có thật nhiều vấn đề.

NLTT10
Hình 10: Căn hộ được tu sửa và tái thiết kế để lắp đặt tấm quang điện năng lượng mặt trời tại Hà Lan

Khoảng 15 năm trước đây các nước phương Tây mới thực sự bắt đầu có bước tiến nhanh về lĩnh vực hệ thống năng lượng bền vững, mặc dù khoa học và kỹ thuật cơ bản về năng lượng tái tạo như tấm quang điện mặt trời hay turbine gió không mới. Và khoảng 10 năm trở lại đây, các nước ở Tây Âu như Đức đã thực sự có bước phát triển lớn trong lĩnh vực này mà các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn chưa bắt kịp.

Ở Việt Nam những nghiên cứu cơ bản cũng xuất hiện khoảng 5-10 năm trở lại đây nhưng mức độ ứng dụng còn hạn chế bởi vì trong vòng 10-15 năm nay, chúng ta vẫn đang loay hoay xử lý rất nhiều vấn đề môi trường và phát triển ngành công nghệ môi trường. Thực tế rất nhiều vấn đề về môi trường xuất phát từ một hệ thống năng lượng không bền vững và hiệu quả. Không cần so sánh tới các nước Tây Âu, chi cần nhìn sang các nước hàng xóm của chúng ta như Thái Lan, trong vòng 10-20 năm tới, nếu Việt Nam không nắm lấy cơ hội để phát triển vượt bậc lượng tái tạo thì nguy cơ tụt hậu cũng như sớm chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ rất rõ ràng.

NLTT11
Hình 11: Năng lượng mặt trời sử dụng ở vùng nông thôn Ấn Độ

Không khó để bạn có thể thấy cơ hội làm việc để phát triển năng lượng tái tạo, và xây dựng hệ thống năng lượng bền vững cho Việt Nam có mặt ở tất cả mọi nơi mọi ngành nghề, dù bạn làm gì ở đâu bạn sẽ tìm thấy một phần của mình ở dưới đây.

Và ở đây mình chỉ đề cập đến một số ít trong đó. Trước đây mình học trường kỹ thuật nên hầu hết các ngành liên quan đến công nghệ và kỹ thuật, nên mình sẽ bắt đầu bằng những ngành về công nghệ và kỹ thuật trước hết là ngành khoa học và kỹ thuật môi trường (Environmental Science & Engineering) là chuyên ngành của mình ở đại học.

Ngành môi trường (Environmental Science & Engineering) là một điểm mạnh để bạn có một bức tranh tổng quát trước khi đi sâu vào lĩnh vực năng lượng vì ngành môi trường và năng lượng tái tạo và bền vững đều là lĩnh vực cần đến kiến thức đa ngành rất nhiều. Đây cũng có thể là điểm khác so với ngành kỹ thuật khác nếu bạn muốn đi sâu vào nghiên cứu, vì ở kỹ thuật môi trường được học rất nhiều thứ, nhưng vì thế không dễ để bạn chọn một hướng cụ thể để tập trung khi còn học đại học. Điều này cũng xảy ra với mình, khi phải thực sự vật lộn rất nhiều ở năm thứ nhất PhD của mình. Nhiều khi cần học lại những năm đầu hay năm thứ 2 ở đại học ngày trước về một chuyên ngành rất mới và khó. Tuy nhiên các bạn không lo, khi có một nền tảng về kỹ thuật và khoa học cơ bản. Bạn học sâu thêm ngành nào cũng được. Một điểm mạnh nữa của ngành này là các bạn có rất nhiều cơ hội để phát triển hệ thống sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động kinh doanh cũng như các ngành công nghiệp.

NLTT12
Hinh 12: Năng lượng mặt trời được sử dụng tại Barefoot College, trường đại học dành cho người nghèo và phụ nữ mù chữ tại Ấn Độ

Ngành Kỹ thuật cơ khí (Machanical engineering), kỹ thuật cơ khí là một lợi thế rất lớn khi bạn muốn học và phát triển thêm về các hệ thống năng lượng tích hợp năng lượng tái tạo như nhiệt và điện, vì bạn nắm rõ mọi cơ chế hoạt động của hệ thống đó. Đặc biệt là trong vấn đề tối ưu hóa các hệ thống năng lượng ở mọi mức độ. Rất nhiều giáo sư của mình ở các ngành nhỏ trong hệ thống năng lượng bền vững cũng như môi trường có nền tảng chuyên môn của ngành này.

Ngành kỹ thuật Điện (Electrical engineering): Những kiến thức về kiểm soát (control engineering), tối ưu hóa (optimization), tự động hóa (automation) cực kỳ cần thiết và quan trọng. Bởi vì khi chuyển đổi từ chuyển động gió hay năng lượng mặt trời thành dòng điện có thể sử dụng, cần quá trình tích hợp được đưa vào mạng lưới điện sẵn có vì cần những sự điều chỉnh và kết nối để tránh xung đột.

Kỹ thuật vật lý (Physics engineering) có sự am hiểu cơ bản về các cơ chế vật lý vận hành hệ thống, của quang điện mặt trời, turbine gió chỗ nào nên đặt turbine gió, chỗ nào cần tránh….vv…

NLTT13
Hình 13: mô hình solar store: nạp đèn điện cầm tay cho nông dân, học sinh và người có thu nhập thấp

Ngành kỹ thuật hóa học (Chemical engineering) rất quan trọng đặc biệt cho tương lai của Việt Nam trong phát triển công nghiệp năng lượng mặt trời, cụ thể là khả năng sản xuất được các tấm quang điện mặt trời giá rẻ và hiệu suất cao như thin film solar cell (tế bào năng lượng siêu mỏng để tạo nên tấm quand điện mặt trời ), hay phát triển các hệ thống dự trữ năng lượng (battery and energy storage). Bạn có thể hình dung trong tương lai, các tòa nhà kính hoặc tường sẽ được bao phủ hoàn toàn bằng “tấm vải” là những tấm quang điện mặt trời có khả năng tạo ra điện cung cấp điện cho nhà bạn.

Ngành xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị, kỹ thuật giao thông…(Civil engineering, architecture, urban planning, transport engineering) bạn có thể thiết kế tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả trong đó tích hợp hệ thống năng lượng tái tạo cung cấp cho tòa nhà. Nếu là kiến trúc sư, bạn sẽ giúp các chuyên gia quy hoạch xây dựng tích hợp và khôi phục những kiến trúc truyền thống, vật liệu tự nhiên rất bền vững và tiết kiệm năng lượng. Hoặc quy hoạch hệ thống giao thông sao cho chạy ít tốn xăng nhất để đi từ nhà tới cho làm việc hoặc trường học.

Mức độ cao hơn trong quy hoạch đô thị là phát triển những mô hình quy hoạch trên diện rộng của cả một thành phố hay một vùng những mô hình trong đó thiết kế sao cho wind farm hoặc solar park trong để đảm bảo cung cấp năng lượng một cách hiệu quả nhất cho khu dân cư và khu công nghiệp và và giảm tối đa thất thoát năng lượng

NLTT14
Hình 14: Hộ gia đình sử dụng điện mặt trời tại bang California Mỹ
Việt Nam?

Công nghệ thông tin – (Information Technology- IT) hiển nhiên rất quan trọng và cần thiết trong quản lý data và ứng dụng các thuật toán trong tin học vào bài toán mô hình hóa, tối ưu hóa…Tất các ngành kỹ thuật muốn phát triển đều cần sự trợ giúp của IT. Ngành năng lượng tái tạo cần xử lý thông tin và dữ liệu về thời tiết khí hậu, địa chất, bức xạ, tài chính của rất nhiều ngành khác từ địa lý, môi trường, kinh tế

Ngành công nghệ sinh học, sinh hóa, nông nghiệp…. (Bioengineering, biochemitry…): là người giúp phát triển những nhiên liệu sinh học bền vững có thể phục vụ cho giao thông để vừa giảm ô nhiễm không khí mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực của loài người. Ví dụ sử dụng biogas từ chất thải của động vật hoặc chế tạo nhiên liệu từ dầu ăn thải bỏ đi, hoặc những giống lúa có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt v..v

Bàn đến điện nguyên tử một chút trong ngành kỹ thuật vật lý và kỹ thuật năng lượng, hiện nay có một số du học sinh Việt Nam đang học tại Nga và Nhật Bản về ngành năng lượng nguyên tử. Mình tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự chủ về năng lượng mà không cần đến điện nguyên tử (nuclear-power free), trong tương lai dù Việt Nam không xây dựng nhà máy điện nguyên tử thì các bạn vẫn là những người có khả năng đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam.

Bạn là người giúp nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề năng lượng nguyên tử và an ninh quốc gia vì các bạn hiểu rõ nhất những cơ chế cũng như nguy cơ tiềm ẩn của điện nguyên tử mà con người chưa có giải pháp. Bạn là người giúp nói lên sự thật về những vấn đề đạo đức đằng sau đó mà những biện luận ủng hộ điện nguyên tử thường không rõ vô tình hay cố ý bỏ qua khi truyền tải thông tin đến công chúng. Chúng ta đã chứng kiến quá đủ những thảm họa năng lượng nguyên tử mà Việt Nam không nên đi theo vết xe đổ đó.

Tiếp đến là những ngành ít tính kỹ thuật và “mềm” hơn một chút

Ngành ngoại ngữ: Bạn sẽ là cầu nối giúp phát triển và giới thiệu nhiều thuật ngữ tiếng Anh mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà tiếng Việt chưa có. Ví dụ đơn giản về cụm từ wind farm hoặc solar park mình dùng ở trên hoặc cụm từ Net zero energy building trong đề tài mình đang làm, mới đây mình mới nhận ra khi có người hỏi, mình loay hoay không biết dịch ra tiếng Việt thế nào. Bạn nào có gợi ý cụm từ tiếng Việt nào thì chia sẻ giúp mình thì rất hay. Và tất nhiên là, ngành nào thì tiếng Anh hay ngoại ngữ cũng đều quan trọng

Bạn học địa lý, nông nghiệp: Bạn giúp các nhà quản lý biết rõ những tác động tiềm ẩn tới hệ sinh thái khi xây dựng những hệ thống turbine gió hay những cánh đồng năng lượng mặt trời để đưa ra những biện pháp giảm thiểu tác hại đó. Các hệ thống năng lượng mặt trời và gió không thể hoạt động tốt nếu không có dữ liệu tốt từ địa lý và nông nghiệp

Bạn học viết báo, làm phim, nghệ sĩ: Bạn hãy viết bài, làm phim giúp chuyển tải những nội dung liên quan đến giáo dục môi trường và ý thức sử dụng năng lượng đặc biệt là cho giới trẻ và trẻ em là đối tượng dễ và cần tác động từ sớm

Bạn học về Kinh tế quản lý, tài chính sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bức tranh năng lượng này. Khi vấn đề không còn ở phạm vi công nghệ mà hệ thống của chúng ta cần sự quản lý, tổ chức và vận hành thật sự tốt. Bởi vì kinh tế năng lượng tái tạo đưa ra một thách thức chuyển đổi sang một hệ thống tài chính và kinh tế cho thế giới. Hệ thống cũ có nhiều vấn đề khi dựa quá nhiều vào nguồn cung dầu mỏ.

Xu hướng crowd funding, crowd sourcing, mình tạm dịch là vốn từ cộng đồng, một khái niệm cũng mới xuất hiện gần đây trong quá trình phát triển của ngành năng lượng tái tạo. Ví dụ bạn đầu tư phát triển một solar farm với hàng trăm tấm quan điện mặt trời, hoặc một wind farm có hàng trăm wind turbine, thì người sở hữu nó không nhất thiết phải là người tiêu dùng trực tiếp. Một solar farm với hàng trăm tấm quangđiện mặt trời, mỗi người có thể sỡ hữu một tấm quang điện đó, hoặc một turbine gió có thể là thuộc quyền sở hữu của hàng trăm hộ gia đình mà hiện nay các nước Châu Âu đang thực hiện. Khi đó sự độc quyền trong ngành năng lượng sẽ bị xóa bỏ, một sự dịch chuyển lớn mang tính cách mạng cho một hệ thống năng lượng dân chủ phải cần bàn tay quản lý giỏi của các nhà quản lý kinh tế và tài chính.

Hoặc những mô hình kinh tế vi mô nhằm phát triển năng lượng sạch cho cộng đồng có thu nhập thấp và rất thấp cần những nhà kinh tế giỏi như bạn. Tương tự như crowdfunding, những khoản vay nhỏ từ vài đô la đến vài chục đô có thể giúp cho những hộ gia đình nghèo có điện từ năng lượng mặt trời để thắp sáng hàng ngày. Điều này ở những quốc gia và khu vực nghèo và kém phát triển hơn Việt Nam rất nhiều như Châu Phi hay những vùng nông thôn và khu ổ chuột ở Ấn Độ đã thực hiện thành công. Vậy thì tại sao Việt Nam lại không thể?

Nếu học về các ngành xã hội học, tâm lý học bạn sẽ là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà khoa học để hiểu hành vi của người tiêu dùng trong hệ thống năng lượng mới này tránh những hiện tượng công nghệ càng phát triển, mức độ tiêu dùng thực tế lại tăng khiến lãng phí năng lượng và các nguồn tài nguyên. Hoặc bạn là người tham gia thiết kế các chiến dịch giáo dục ý thức người tiêu dùng về vấn đề năng lượng.

Liên quan đến hành vi người tiêu dùng. đây là điểm cực kỳ quan trọng vì ngay cả khi tất cả các điểm về công nghệ nói trên đều sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như tài chính thì chúng ta vẫn thất bại vì người tiêu dùng không được chuẩn bị cho sự dịch chuyển này. Những nước đang phát triển như Việt Nam đang dần đạt đến mức tiêu thụ năng lượng như các nước phát triển, nếu chúng ta tiêu dùng không ý thức và hiệu quả thì năng lượng tiêu dùng ngày càng tăng, và dù có đạt 100% năng lượng tái tạo thì vẫn không phải là một hệ thống bền vững và hiệu quả.

Mục tiêu của cuộc dịch chuyển hệ thống năng lượng này là mọi người dân có khả năng tiếp cận bình đẳng năng lượng sạch, đặc biệt là người nghèo, chứ không phải để chúng ta ngày càng tiêu thụ nhiều năng lượng hơn. Chúng ta đang có điện dùng hàng ngày là đã may mắn hơn 1.3 tỉ người trên thế giới hiện nay vẫn không được tiếp cận với điện sinh hoạt cho các nhu cầu ăn ở cơ bản.

Đối với các bạn học và làm ngành quản lý, hay mong muốn làm chính trị gia, chúng ta cần một ý chí và ý thức lãnh đạo chính trị dựa trên đạo đức và sự thật. Để mà phát triển những chính sách năng lượng cho sự phát triển bền vững của con người, cho những đối tượng người nghèo và kém phát triển và bảo tồn thiên nhiên chứ không chỉ nhìn vào lợi ích phát triển rước mắt.

Những rào cản về chính sách và liên quan đến chính trị là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới khi mà các đại gia than đá và dầu mỏ tiếp tục “tài trợ” cho các chính phủ và chính phủ tiếp tục trợ giá cho loại nhiên liệu hóa thạch này.

Các ngành liên quan đến ngoại giao hay những vấn đề quan hệ quốc tế thì có thể giúp Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của cả khu vực và thế giới bằng con đường chính trị ngoại giao. Vì ngay cả khi chúng ta có 100% năng lượng tái tạo, nếu nước bạn láng giềng vẫn tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch và bán điện rẻ hơn cho Việt Nam thì cũng không phải là điều đáng mừng cho chúng ta nếu không muốn nói những nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa.

Những gì chúng ta đang thấy về sự dịch chuyển củamột cuộc cách mạng năng lượng Châu Âu mà tiên phong là Đức hay Đan Mạch thì không phải đợi tới 10 năm nữa thế giới nhìn lại và sẽ nghiêm túc học tập các nước như Đức về nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo và nhìn thấy đâu là con đường thực sự chúng ta cần phải đi. Một điều ít người để ý là ở miền bắc nước Đức tiềm năng về năng lượng mặt trời cũng chỉ ở mức độ của Alaska chứ chưa so sánh với nước nhiệt đới như Việt Nam chúng ta. Nước Đức đang đi đầu trong phát triển năng lượng mặt trời ở Tây Âu với giá thành lắp đặt bằng ½ của bang California ở Mỹ.

Khi con người đã xây được tàu vũ trụ và trạm du hành hàng trăm nghìn tấn để khám phá thiên hà thì việc đặt những turbine gió 1000 tấn ngoài biển, hay xây dựng những cánh đồng năng lượng mặt trời trên sa mạc Sahara không còn là vấn đề lớn hay cản trở về kỹ thuật và khoa học nữa mà thực sự là vấn đề của chính trị và xã hội

Tất cả những công nghệ, công cụ về chính sách chỉ là những phương tiện giúp chúng ta xây dựng một xã hội bền vững tốt đẹp hơn, không làm tổn hại thêm trái đất và môi trường. Những cuộc bàn luận về phát triển bền vững và phát triển năng lượng tái tạo đã và vẫn sẽ diễn ra rất nhiều, và bền vững là con đường chúng ta cần đi chứ không còn là đích cần tới.

Bạn không cần phải làm kỹ sư, cử nhân hay học đại học cũng có thể tham gia vào cuộc cách mạng năng lượng này.

Hiện nay Việt Nam đang rất rất thiếu những công nhân chất lượng cao để tham gia ngành công nghiệp năng lượng tái tạo này. Thực tế với nhân công giá rẻ, Trung Quốc đã đánh bại rất nhiều công ty của Đức trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo này. Việt Nam đã bắt đầu có những nhà máy sản xuất turbine gió và tấm quang điện mặt trời nhưng chưa đủ, trong khi tiềm năng của Việt Nam hoàn toàn có trở thành trung tâm sản xuất quang điện mặt trời hay turbin gió giá rẻ cho khu vực.

Nếu chúng ta không chuẩn bị lực lượng lao động tốt cho sự chuyển đổi này, Việt Nam sẽ vẫn ở trong nguy cơ tụt hậu. Các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng nếu ta không tự giúp ta trước thì sẽ tự đánh mất cơ hội của mình và nhà đầu tư cũng chào thua.

Hoặc chúng ta chỉ cần thực hiện được những việc nhỏ tiết kiệm hàng ngày mà giúp ích rất nhiều cho phát triển và ổn định hệ thống năng lượng của nước mình. Ví dụ chỉ cần mình tắm hay sử dụng nước tiết kiệm đi một chút, là đã tiết kiệm được rất nhiều năng lượng rồi vì nhà máy cần năng lượng để cung cấp cho quá trình xử lý làm sạch nước, rồi cần điện để bơm nước đến bình nước nhà bạn, sau rồi cần gas hoặc điện để đun nóng nước v..v. Sử dụng ít túi nilon hoặc không dùng túi nilon cũng là tiết kiệm năng lượng, đổi đi xe máy thành đi bus hoặc đi xe đạp nếu có thể, ăn ít thịt đi một chút là cũng tiết kiệm năng lượng. Khi mỗi các nhân thực hành những việc nhỏ này, chúng ta đã góp phần đáng kể trong cuộc cách mạng năng lượng này để xây dựng bức tranh 100% năng lượng tái tạo cho Việt Nam.

Mình rất hy vọng và lạc quan cho viễn cảnh năng lượng tái tạo của Việt Nam mà không cần phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Nếu các bạn tinh ý và nhạy bén sẽ nhận thấy trong bài viết của mình, rất nhiều ý tưởng kinh doanh có thể nảy có thể để thực hiện kể cả học ở trong nước hay ngoài Việt Nam. Bức tranh năng lượng tương lai mà mình hình dung, trong những bức tranh điển hình của trẻ em không còn là cánh đồng lúa với ống khói nhà máy xa xa mà sẽ là những turbine gió và cánh đồng năng lượng mặt trời. Sẽ không còn là ô tô, xe máy chạy bằng xằng đầy rẫy trên đường phố mà sẽ là tàu điện ngầm chạy điện và xe đạp như chúng ta đã từng có.

Trẻ em miền núi và nông thôn sẽ vẽ lên bức tranh mà trên các mái nhà của các em có những bình nước nóng và tấm quang điện mặt trời. Và mình mong muốn phát triển từ giáo dục trẻ em, xây dựng những trang trại giáo dục cho các em tại đó có các mô hình giáo dục về năng lượng mới cho các em.

Tóm lại trong bức tranh năng lượng bền vững mà mình nhắc đến ở đây có thể tóm ở 4 phần: 1. Công nghệ, kỹ thuật; 2. Chính sách, luật, biện pháp khuyến khích; 3. Môi trường, xã hội, con người; 4. Tài chính thị trường.T

Nhìn lại, bạn có thể thấy là mọi thứ đều có sự liên kết và liên quan trong sự dịch chuyển của bức tranh năng lượng này, các bạn dù có làm gì và ở đâu thì cũng sẽ đều có khả năng giúp phát triển và hoàn thiện bức tranh này, và mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể làm tiên phong cho cuộc cách mạng năng lượngvà bạn hãy tự tin rằng mình làm được.

Ở dưới đây mình chia sẻ một số tài liệu mà các bạn nào muốn bắt đầu tìm hiểu và tham khảo về lĩnh vực năng lượng bền vững và tái tạo có thể tham khảo.

Trong đó có 2 cuốn tiêu biểu mà đã được mình trực tiếp tham gia dịch có bản quyền với nhóm tác giải ĐCN.

Xem tại đây:

Cuốn Mệnh lệnh năng lượng bắt buộc: 100% tại tạo ngay bây giờ (thích hợp cho đối tượng chuyên gia. trí thức và làm chính sách năng lượng quốc gia): http://dotchuoinon.com/category/menh-lenh-nang-luong-bat_buoc/

Cuốn Cung cấp năng lượng cho trái đất (Thích hợp cho giáo dục môi trường cho mọi đối tượng): http://dotchuoinon.com/2014/09/17/muc-luc/

Một số cuốn có thể download miễn phí bằng tiếng Anh

Sustainability by Design – John R. Ehrenfeld: http://www.johnehrenfeld.com/
Sustainable Energy – without the hot air, free download PDF: http://www.withouthotair.com

Ngoài ra, những bài giảng online miễn phí về năng lượng, vừa giúp các bạn học tiếng Anh và kiến thức về môi trường và năng lượng. Một website về Massive Open Online Courses mình muốn chia sẻ là Coursera.org. Chỉ cần search từ energy sẽ ra 1 loạt course, ví dụ: Global Sustainable Energy: https://www.coursera.org/course/globalenergy

Ở trên là một số hình ảnh về năng lượng tái tạo mà mình chụp được ở một số nơi mình đến thăm, nhưng mình chưa có nhiều hình ảnh ở Việt Nam, mời các bạn có thông tin và hình ảnh chia sẻ thêm.

Đào Thu Hằng

2 bình luận về “Tương lai hệ thống năng lượng bền vững cho Việt Nam

  1. Cám ơn Hằng đã cho mình và mọi người được thấy toàn cảnh bức tranh năng lượng bền vững. Nhờ đó mình thấy rằng, dù mình làm gì và ở đâu thì mình cũng có thể giúp phát triển và hoàn thiện bức tranh này.

    Với khả năng hiện tại của mình, mình có thể làm được những việc nhỏ tiết kiệm. Ví dụ sử dụng nước tiết kiệm một chút, hạn chế sử dụng túi nilon.

    Chúc mục tiêu – “mọi người dân đặc biệt là người nghèo và có thu nhập thấp có thể tiếp cận và sử dụng 100% năng lượng sạch và bền vững” – sớm thành hiện thực.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này