SỰ GẮN KẾT GIỮA HỌC MÀ CHƠI – CHƠI MÀ HỌC
GÓC NHÌN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TẾ CỦA MỘT DOANH NGHIỆP TRONG VIỆC TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM VÀ SÁNG TẠO VỀ THIÊN NHIÊN CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG
Tạ Quỳnh Anh
Công ty POTATO
I. GIỚI THIỆU VỀ POTATO
Công ty cổ phần Giáo dục và Truyền thông POTATO (sau đây viết tắt là POTATO) là đơn vị có giấy phép hoạt động số 0105797939 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp phép hoạt động từ ngày 21/02/2012 với lĩnh vực hoạt động chính là tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa, nghệ thuật, vui chơi và học tập ngoài giờ cho các em thiếu niên, nhi đồng. POTATO được thành lập với mong muốn tạo ra một môi trường mà ở đó trẻ em hoàn toàn được tự do tư duy và sáng tạo, đồng thời có thể học tập, lĩnh hội những giá trị sống ngay từ những điều bình dị thường ngày. Với niềm tin mỗi trẻ em mang trong mình tiềm năng vô cùng lớn, POTATO cho rằng khi tiềm năng được kích hoạt đúng cách, các em sẽ tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ cho chính mình và thúc đẩy toàn xã hội tiến lên.
POTATO là nơi quy tụ nhiều cán bộ có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong việc thiết kế và triển khai các hoạt động Vui – Học cho các em học sinh. Năm 2012-2013, POTATO tự hào là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được lựa chọn tham gia Diễn đàn Thủ lĩnh Môi trường Châu Á được tổ chức tại Tokyo – Nhật Bản với dự án được đánh giá xuất sắc nhất khu vực là dự án “Phát triển trí thông minh thiên nhiên cho học sinh – Trường học thiên nhiên cho trẻ thơ”.
II. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong một thời gian rất dài, người ta cho rằng thông minh là phải học giỏi, giành thứ hạng cao ở trường học hoặc là học thuộc lòng thật giỏi, thành thạo ngoại ngữ, máy vi tính. Chính vì thế, chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) gần như trở thành thước đo chuẩn mực về trí thông minh con người. Tuy nhiên gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc kiểm tra IQ có tác dụng rất hạn chế và không đánh giá đầy đủ về khả năng phong phú mà con người thường biểu hiện và sử dụng. Tiến sỹ Howard Gardner – nhà tâm lý học thuộc Đại học Harvard đã nghiên cứu và đưa ra Thuyết Trí thông minh đa dạng (Theory of Multiple Intelligence – Thuyết MI).
Cho đến nay, Thuyết MI phát hiện có 08 loại hình thông minh khác nhau. Trong đó, trí thông minh thiên nhiên (còn được gọi là trí thông minh tự nhiên học) là loại hình được phát hiện gần đây nhất. Con người vốn là một phần của thiên nhiên và không thể sống tách khỏi thiên nhiên. Chính vì trong tiến trình phát triển, con người tìm hiểu rõ về các yếu tố của thiên nhiên, biết sáng tạo dựa trên việc vận dụng các bài học, quy luật từ thiên nhiên mà con người đã dần xây dựng được nền văn minh mới cho nhân loại. Vì vậy, trí thông minh thiên nhiên là loại hình cần được lưu tâm để nuôi dưỡng, phát triển cho trẻ em vì nó là nền tảng có thể kích thích phát triển các loại hình trí thông minh còn lại. Hơn nữa, thiên nhiên lại mang sẵn trong mình những chất liệu để phát triển bài học rất hay, rất thực tế và hoàn toàn có thể theo hình thức Học mà Chơi – Chơi mà Học.
Với định hướng phát triển chuyên sâu về mảng giáo dục ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo cho các em học sinh lồng ghép Học mà Chơi – Chơi mà Học, trong những năm qua, POTATO đã phối kết hợp với Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam và nhiều không gian thiên nhiên khác nhau để triển khai các chương trình trải nghiệm, sáng tạo về thiên nhiên cho các em học sinh theo hướng Học mà Chơi – Chơi mà Học và thu được những kết quả nhất định. Dựa trên những kinh nghiệm tổ chức thực tiễn, tuy còn ít ỏi, song chúng tôi mong muốn chia sẻ để các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo sẽ ngày càng được quan tâm hơn nữa, các điển hình tốt được nhân rộng tạo điều kiện cho các em học sinh khắp cả nước được thụ hưởng các hoạt động giáo dục trải nghiệm, sáng tạo từ nhiên nhiên một cách hệ thống đầy ý nghĩa và bổ ích.
III. QUY TRÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, SÁNG TẠO VỀ THIÊN NHIÊN: HỌC MÀ CHƠI – CHƠI MÀ HỌC CHO HỌC SINH CỦA POTATO
Tổng quát về quy trình tổ chức một chương trình ngoại khóa của POTATO
- Làm việc và thống nhất với thầy cô, cha mẹ (Ban giám hiệu nhà trường/Giáo viên chủ nhiệm/Ban phụ huynh) về:
- Mục đích tổ chức chương trình, kết quả mong đợi đạt được từ chương trình – nghĩa là trả lời câu hỏi “Các em học sinh thu được gì (hoặc đạt được gì) khi tham gia chương trình?”
- Địa điểm và thời gian tổ chức chương trình
- Khảo sát địa điểm và xây dựng hoạt động cụ thể cho chương trình
- Thống nhất chương trình với thầy cô, cha mẹ (bao gồm tiếp nhận phản biện để điều chỉnh chương trình)
- Thực hiện công tác chuẩn bị chương trình: Bao gồm: thống nhất dịch vụ với các bên liên quan; in ấn, chốt tài liệu hỗ trợ phục vụ chương trình; lựa chọn, tập huấn nhân sự tham gia chương trình; …
- Tổ chức thực hiện chương trình
- Nhận phản hồi của khách hàng
- Tổng kết, đánh giá chương trình và rút ra bài học kinh nghiệm
Là một doanh nghiệp theo đuổi về mảng giáo dục ngoại khóa nên khi đưa ra một sản phẩm/dịch vụ tới cha mẹ, học sinh, thầy cô, POTATO luôn cần phải cân đối hài hòa giữa việc “Đáp ứng nhu cầu, mong muốn của cha mẹ, học sinh, thầy cô” và “yếu tố kỹ thuật” trong sản phẩm/dịch vụ của mình.
3.1. Học mà Chơi
Đối với cha mẹ, học sinh, thầy cô có nhu cầu, mong muốn về một chương trình trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh thực sự mà trong đó yếu tố Học là chính nhưng không thể thiếu yếu tố được vui, được chơi. POTATO xếp loại chương trình này là Học mà Chơi – có nghĩa Chơi là phương tiện để Học, hay là học sinh lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng thông qua các hoạt động chơi mang lại sự thích thú và sự tham gia rất cao của học sinh.
a. Quy trình tổ chức hoạt động Học mà Chơi
(1) Đánh giá đối tượng ở thời điểm hiện tại (về kiến thức/kỹ năng/thái độ, …)
– Qua bảng hỏi trước chương trình hoặc đầu giờ tổ chức chương trình
– Khảo sát nhanh qua trò chơi (câu hỏi – đáp tập thể)
(2) Chia đội nhóm tham gia hoạt động
– Chia ngẫu nhiên qua trò chơi
– Chia có chủ đích (để đảm bảo sự cân bằng giữa các nhóm về giới tính, tính cách,…)
(3) Cho đối tượng tham gia hoạt động cụ thể được thiết kế dưới dạng thử thách theo nhóm và các trò chơi. Trong từng hoạt động, các nhóm học sinh bàn luận, trình bày, thực hành theo yêu cầu của các thúc đẩy viên để hoàn thành từng nhiệm vụ. Mỗi nhóm được phát 01 cuốn sổ nhật ký hành trình với các nội dung bài học và trò chơi ngay trong cuốn sổ của mình.
(4) Thúc đẩy viên giúp học sinh tổng kết bài học qua từng hoạt động cụ thể và chia sẻ thêm một số kiến thức thú vị xung quanh bài học
(5) Đánh giá sau tổng thể các hoạt động – Toàn đoàn tổng kết bài học lần nữa
b. Lưu ý khi tổ chức chương trình ngoại khóa Học mà Chơi
(1) Kết quả mong đợi đạt được từ chương trình thường được thể hiện theo mẫu câu “Kết thúc chương trình, các em học sinh sẽ thu được kiến thức/kỹ năng/bài học gì?”
Ví dụ: Kết thúc chương trình, các em học sinh sẽ:
1) Hiểu và nêu được ít nhất 03 vai trò của rừng đối với cuộc sống của con người.
2) Cam kết hành động cụ thể của bản thân để góp phần bảo vệ rừng trước những thiên tai và nhân tai.
(2) Quy mô tổ chức nên vừa phải (nên dưới 200 học sinh/chương trình) và cần phân đoàn thành các nhóm nhỏ để trải nghiệm thật sâu và kỹ các hoạt động.
(3) Nên có ít nhất 01 người hỗ trợ các em học sinh trong suốt quá trình trải nghiệm, sáng tạo (có thể gọi là thúc đẩy viên – là người được trang bị kiến thức, kỹ năng để thực hiện chương trình)
(4) Nên chuẩn bị sổ thu hoạch hay sổ nhật ký hành trình cho các em học sinh ghi chép, làm bài tập vui và nên được thiết kế hấp dẫn để các em lưu giữ làm kỷ niệm sau chương trình
(5) Lựa chọn địa điểm có tính an toàn cao, có diện tích phù hợp và bản thân địa điểm đã có sẵn giá trị một cách tự nhiên. Ví dụ: Địa điểm tổ chức chương trình trải nghiệm, sáng tạo tại Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam là nơi đã có sẵn những yếu tố tự nhiên rất quý như hệ sinh thái trong khu rừng 3,2 hecta và tiêu bản, mẫu vật của các loài vật quý hiếm trong khuôn viên bảo tàng. Hiện nay có một số địa điểm mặc dù đáp ứng được về quy mô, diện tích và có nhiều hoạt động thú vị cho các em học sinh nhưng vẫn ở góc độ vui chơi đơn thuần và bản thân địa điểm đó không chứa đựng sẵn những giá trị giáo dục. Đây là điểm cần lưu ý nhiều khi lựa chọn địa điểm để chương trình có thể thực hiện một cách trọn vẹn, không để việc chơi lấn át việc học.
3.2. Chơi mà Học
Đối với cha mẹ, học sinh, thầy cô có nhu cầu, mong muốn về một chương trình cho học sinh mà trong đó yếu tố Vui chơi là chính, POTATO xếp loại chương trình này là Chơi mà Học – nghĩa là bài học có sẵn một cách tự nhiên và hàm chứa trong chính hoạt động chơi, điều quan trọng là người xây dựng chương trình ý thức được điều đó và lựa chọn hoạt động chơi phù hợp.
a. Quy trình tổ chức hoạt động Chơi mà Học:
(1) Chia đội nhóm tham gia hoạt động
– Chia ngẫu nhiên qua trò chơi
– Chia có chủ đích (để đảm bảo sự cân bằng giữa các nhóm về giới tính, tính cách,…)
(2) Cho đối tượng tham gia hoạt động cụ thể
(3) Hướng dẫn viên hỏi học sinh rút ra bài học gì từ hoạt động cụ thể đã tham gia hoặc hướng dẫn viên chủ động tổng kết về hoạt động này.
b. Lưu ý đối với chương trình ngoại khóa Chơi mà Học
(1) Kết quả mong đợi đạt được từ chương trình thường được nhấn mạnh vào sự vui vẻ, sảng khoái của các em học sinh hoặc sự gắn kết, thắt chặt tình cảm bạn bè, thày – trò của các em:
(2) Quy mô tổ chức không bị giới hạn nhưng vẫn nên phân đoàn thành các nhóm để tham gia hoạt động
(3) Nên có ít nhất 01 hướng dẫn viên/nhóm theo sát các em học sinh trong suốt chương trình – là người có nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ, hoạt náo cho các em vì khi việc vui chơi là chính trong chương trình sẽ có nhiều em thiếu kiểm soát trong hành động có thể gây phá rối chương trình (ví dụ: hiếu động thái quá dễ gây xích mích với các bạn khác hoặc không cẩn thận làm chấn thương chính bản thân mình, …)
(4) Lựa chọn địa điểm có tính an toàn cao, có diện tích phù hợp và không nhất thiết đặt ra yêu cầu cao về giá trị giáo dục của địa điểm.
3.3. Phương pháp tổ chức hoạt động Chơi – Học trong các chương trình của POTATO
Dưới đây là một số cách thức tổ chức hoạt động tiêu biểu mà POTATO thường xuyên thực hiện trong các chương trình của mình có thể áp dụng cho cả hai hướng chương trình: Học mà Chơi và Chơi mà Học:
a. Chơi với các loại vật liệu
Đối với các em học sinh, việc phát triển đầy đủ các giác quan là vô cùng quan trọng. Trong đó, “xúc giác” đóng vai trò rất quan trọng. Việc tối đa hóa xúc chạm của các em đối với các loại vật liệu khác nhau không chỉ giúp các em hình thành ý niệm về đặc điểm của loại vật liệu đó, mà còn khuyến khích các em tự do sáng tạo với vật liệu theo ý thích của mình. Dưới đây là một vài ví dụ điển hình mà POTATO thực hiện trong các chương trình của mình:
- Vui chơi và sáng tạo với đất
Đối với đất sét, các em học sinh tự tay sờ, nắn cảm nhận đặc tính của vật liệu là mềm, dẻo và có thể tạo hình. Từ đó, các em tự do sáng tạo vuốt, nặn thành hình theo ý thích của mình hoặc theo chủ đề được định hướng. Chính việc “chơi” với đất sét đã giúp các em nhận diện, phân biệt được đất sét với các loại đất khác (như đất trồng, đất cát,…) mà không đơn thuần chỉ trên lý thuyết. - Sáng tạo với giấy
Hoạt động với giấy thường được xếp vào hoạt động thủ công bao gồm các thao tác gấp, cắt, dán,… và đó cũng là hoạt động vui chơi định hướng bài học rất đa dạng và thú vị. Ví dụ các em học sinh vui chơi với giấy là một cách để hiểu thêm về văn hóa của Nhật Bản với nghệ thuật xếp giấy Origami; ví dụ trò chơi cho các em học sinh tái sử dụng hay tái chế giấy cũ để làm ra sản phẩm có ích là một cách để giúp các em hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và vai trò không nhỏ của các bạn nhỏ trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, …
b. Trò chơi mô phỏng, hoạt động đóng vai
Trong chương trình giáo dục trải nghiệm của POTATO đều có các hoạt động và trò chơi tập thể mà trong đó các em học sinh đóng vai theo các yếu tố thuộc chủ đề. Thông qua hoạt động đó, các em phát triển trí tưởng tượng không giới hạn của mình và nuôi dưỡng cảm xúc, sự đồng cảm với tuyến nhân vật mà các em đang đóng một cách tự nhiên. Việc tổ chức hoạt động theo hướng mô phỏng, đóng vai còn được áp dụng trong các bài học về sinh học như trò chơi “Thiên địch”, “Thực vật mở rộng lãnh thổ”, “Chim bắt sâu”… mà trong đó các em học sinh phân thành các nhóm đại diện khác nhau để thể hiện đặc điểm tự nhiên của loài các em đóng vai. Từ chính những trò chơi này giúp các em tư duy logic hơn và nhớ bài học rất lâu.
c. Trò chơi về thể chất
Giáo dục thể chất là một nội dung rất quan trọng đối với học sinh trong nhà trường. Tuy nhiên, việc giáo dục thể chất một cách cứng nhắc có thể gây nhàm chán cho các em và không đủ kích thích sự hưng phấn, ham muốn vận động của các em một cách tự nhiên. Trong chương trình ngoại khóa cho các em, POTATO thường xuyên biến việc giáo dục thể chất thành trò chơi để các em thoải mái xả năng lượng và thích thú với việc rèn luyện thể chất của mình. Một số cách thức POTATO hay sử dụng là:
- Thay vì tập thể dục tay không, POTATO cho các em học sinh nhảy dân vũ tập thể trên nền nhạc vui tươi
- Thay vì chạy bền, nhảy cao theo yêu cầu, POTATO cho các em học sinh thi đua thành các đội để dành chiến thắng với các chướng ngại vật đòi hỏi các em sẽ phải vận dụng các môn thể thao phối hợp như: chạy, nhảy,…
Cũng trong những phút vui chơi thể chất, vận động như vậy các em học sinh còn rút ra bài học về sự đoàn kết, kỹ năng phối hợp với đồng đội và sự cổ vũ, động viên nhau của các thành viên trong cùng một đội.
d. Trải nghiệm công việc thật
Trải nghiệm công việc thật đối với các em học sinh cũng là trò chơi. Ví dụ như các em trải nghiệm việc trồng cây, đo độ ẩm, làm bẫy bắt côn trùng, …Trải nghiệm thực không chỉ giúp các em học sinh có thêm kiến thức, hiểu được các bước để thực hiện thành thục các công việc ấy và tại sao phải làm những thao tác đó mà không phải thao tác khác mà còn giúp các em hiểu được những khó khăn, vất vả của người làm công việc ấy.
e. Cuộc thi theo nhóm/cá nhân
Đây là cách thức hiệu quả để khơi gợi sự hứng thú, sự tham gia trọn vẹn của các em học sinh. Cuộc thi có thể tổ chức theo cách thức thuần vui chơi như chia đội tham gia thử thách về vận động,… nhưng cũng có thể tổ chức theo cách thức thi đấu thuần về tri thức như “Rung chuông vàng”, “Đường lên đỉnh Olympia”, … đều đạt hiệu quả cao.
f. Khám phá, “Truy tìm kho báu tri thức”
Đa số các em học sinh rất yêu thích thám hiểm và chinh phục. Trong những chương trình cho số lượng ít học sinh, POTATO thường tổ chức theo cách thức “Truy tìm kho báu” với sự kết hợp giữa thử thách về tri thức và các thử thách về vận động theo đồng đội. Trong đó, các em học sinh sẽ phải lần lượt trải qua một chuỗi các thử thách để về đích sớm nhất. Đối với cách thức này, chúng ta muốn các em học sinh thể hiện hay lĩnh hội tri thức về điều gì chúng ta sẽ xây dựng bộ câu hỏi và thử thách theo chủ đề đó.
IV. KẾT QUẢ THU ĐƯỢC
Sau quãng thời gian tổ chức hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo về thiên nhiên cho các em học sinh, POTATO nhận thấy một số điểm như sau:
Điểm tích cực
1. Phụ huynh và nhà trường ngày càng quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo có chất lượng cho các con em chứ không dừng lại ở việc tham quan du lịch đơn thuần.
2. Rất nhiều phụ huynh sẵn sàng tham gia trải nghiệm cùng con em của họ và góp ý phát triển chương trình chứ không đơn thuần đứng ngoài cuộc trong các chương trình này.
3. Học sinh rất hứng thú với chương trình trải nghiệm, sáng tạo lồng ghép Học và Chơi– thể hiện ở sự tham gia, sự hứng khởi và vui tươi của các em trong suốt chương trình và câu trả lời cuối mỗi chương trình của các em về việc mong muốn tiếp tục tham gia ở các chương trình tiếp theo hay không.
4. Hiện đang có nhiều địa điểm rất tiềm năng để khai thác giá trị về học tập cho các em học sinh. Điển hình ở ngay gần trung tâm thủ đô Hà Nội có Bảo tàng Tài nguyên Rừng Việt Nam với quy mô tương đối lớn, tích hợp sinh động cả không gian trưng bày mẫu vật lẫn không gian trải nghiệm thực tế.
Những tồn tại
1. Mặc dù có không ít phụ huynh quan tâm, sẵn sàng ủng hộ các chương trình ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo cho con em nhưng đa phần họ là những người có nhận thức tốt, sẵn sàng đổi mới và cập nhật xu hướng giáo dục con em thường xuyên nên số lượng phụ huynh như họ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong xã hội nói chung. Vì vậy, chúng ta cần có giải pháp phù hợp để các phụ huynh học sinh đều nhận thức được vai trò của việc giáo dục ngoại khóa thông qua hoạt động trải nghiệm, sáng tạo để họ tích cực ủng hộ việc thực hiện các chương trình này trong năm học một cách thường xuyên và có hệ thống.
2. Hiện nay, các trường phổ thông tổ chức các chương trình dã ngoại cho học sinh khoảng 02 lần/năm học nhưng chủ yếu là thực hiện theo hình thức tham quan, du lịch với số lượng học sinh tham gia trong một chuyến đi lớn (có thể hơn 1000 học sinh/chuyến tham quan). Liệu chăng có nên nhân cơ hội dã ngoại đó tổ chức thành chuyến học tập ngoại khóa trải nghiệm và sáng tạo thì sẽ tạo ra giá trị bổ ích hơn?
3. Nếu trách nhiệm xây dựng và tổ chức chương trình trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh thuộc về giáo viên nhà trường thì gánh nặng cho giáo viên quá lớn do thời gian phát triển chương trình, xây dựng tài liệu và các công tác tổ chức chuyến đi tiêu tốn nguồn lực rất lớn và cần có sự tập trung của các thày cô trong khi quỹ thời gian và sự tập trung chuyên trách của các thày cô bộ môn là có giới hạn.
4. Hiện nay có nhiều địa điểm có tiềm năng lớn để triển khai các chương trình trải nghiệm sáng tạo nhưng chưa được khai thác đúng với tiềm năng do hạn chế về công tác truyền thông, quảng bá. Điển hình với trường hợp của Bảo tàng tài nguyên Rừng Việt Nam là địa điểm rất hay nhưng vẫn xa lạ với nhiều trường học và các đơn vị tư nhân do công tác truyền thông, quảng bá về địa điểm chưa làm sâu rộng.
V. ĐỀ XUẤT VÀ KẾT LUẬN
Từ những kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức chương trình ngoại khóa trải nghiệm và sáng tạo cho các em học sinh ở góc độ là doanh nghiệp tư nhân, POTATO xin đưa ra một vài đề xuất sau:
1. Xã hội hóa việc tổ chức các chương trình trải nghiệm, sáng tạo cho các em học sinh trong trường để toàn xã hội đều tham gia vào công tác giáo dục ngoại khóa ý nghĩa này. Trong đó, nên khuyến khích các đơn vị tư nhân tham gia đảm nhận việc xây dựng, tổ chức chương trình ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh đồng hành cùng giáo viên chứ không đơn thuần để công tác triển khai các chương trình ngoại khóa cho giáo viên.
2. Nên có kho tư liệu chính thức trên internet về giáo án các bài học ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo để thuận lợi cho công tác nhân rộng các bài học bổ ích.
3. Nên chuyển đổi các đợt dã ngoại trong năm học theo hướng trải nghiệm sáng tạo.
4. Nên nghiên cứu, phát triển một địa điểm phù hợp trở thành mô hình điểm về trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh và sau đó nhân rộng cách làm mô hình này sang những địa điểm khác. Trong đó, POTATO cho rằng địa điểm Bảo tàng tài nguyên Rừng Việt Nam là lựa chọn thích hợp vì nơi đây có sẵn rất nhiều thuận lợi như về trình độ chuyên môn của cán bộ trong việc xây dựng nội dung hoạt động và chuyển tải kiến thức; về cơ sở vật chất có chất lượng tốt, có sẵn trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, hoạt động trải nghiệm ngoài thực tế; không gian an toàn, gần trung tâm Thủ đô và hơn cả là sự cống hiến, định hướng phát triển bền vững của ban lãnh đạo Bảo tàng tài nguyên Rừng Việt Nam.
Trên đây là báo cáo tham luận về “Sự gắn kết giữa Học mà Chơi, Chơi mà Học – Góc nhìn và kinh nghiệm thực tế của POTATO trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo về thiên nhiên cho học sinh phổ thông”. POTATO rất mong nhận được sự quan tâm góp ý của các sở ban ngành, các nhà chuyên môn, đặc biệt là các hiệu trưởng các trường học, các thày cô giáo – những người trực tiếp giảng dạy cho các em học sinh để không chỉ POTATO mà tất cả các cá nhân, đơn vị tham gia vào công tác giáo dục ngoại khóa trải nghiệm, sáng tạo cho các em học sinh có thể rút ra những bài học thực tế, góp sức mình vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước ta và sự phát triển toàn diện của các em học sinh trong thời đại mới./.
This is a very good and educational article. Tks Quỳnh Anh and Hằng.
ThíchThích
This is another interesting talk about realizing design ideas into activities in a kindergarten, experiences from Japan
ThíchThích
Dear bạn Hằng!
Mình rất quan tâm đến linh vực bạn đang làm việc là các chương trình giáo dục mầm non. Nếu có thể bạn cho mình xin contact của bạn. Mình đang muốn phát triển chương trình giáo dục trên truyền hình internet. Rất vui được làm việc cùng bạn.
ThíchThích
Hi anh phamhungfb,
Cảm ơn anh đã có quan tâm. Anh có thể contact em tại email: hangbelu@gmai.com
Hoặc một trong các admin của CVD tại đây: https://cvdvn.net/gioi-thieu/
ThíchThích