- Kỳ 1: Vừa đấu vừa đàm
- Kỳ 2: Cuộc đấu bản đồ và lãnh thổ
- Kỳ 3: Án mại dâm của Kem Sokha
- Kỳ 4: Cuộc so găng Mỹ – Trung
- Kỳ 5: Những món quà hậu hĩnh
![]() |
Những thành viên bảo vệ môi trường của Campuchia biểu tình ôn hòa trước đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok (Thái Lan) yêu cầu ngừng xây dựng thủy điện trên sông Mekong ở Campuchia – Ảnh: Reuters |
***
Kỳ 1: Vừa đấu vừa đàm
TTO – Cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hai đảng CPP và CNRP ở Campuchia từ sau cuộc bầu cử năm 2013 đến nay xét cho cùng là cuộc tranh giành lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử.
![]() |
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) bắt tay thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy khi hai bên hòa hoãn – Ảnh: AFP |
|
|
Trên chính trường Campuchia có nhiều đảng phái hoạt động, trong đó có hai đảng lớn là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP – cầm quyền) và Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP – đối lập).
CNRP được thành lập vào năm 2012 trên cơ sở sáp nhập hai đảng Sam Rainsy và Nhân quyền.
Mục tiêu giành cử tri
Theo dự kiến, ngày 4-6-2017 cuộc bầu cử hội đồng xã/phường (cuộc bầu cử quan trọng thứ hai) sẽ diễn ra và vào tháng 7-2018, cuộc bầu cử quốc hội (cuộc bầu cử quan trọng nhất) sẽ được tổ chức. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cả CPP và CNRP phải tìm cách thu hút lá phiếu của cử tri.
Trong cuộc đấu này, mỗi bên có một thế mạnh riêng. CPP đang nắm được chính phủ, quân đội và chính quyền cơ sở.
Còn CNRP, trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2013, số ghế đảng này giành được đã tăng từ 26 lên 55 ghế. Bên cạnh đó, CNRP còn có sự ủng hộ từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây.
Trong tình hình căng thẳng vài tháng qua và đặc biệt là vài ngày qua, các nước phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng. Hôm 14-9, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại sứ Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Keith Harper đã thay mặt 38 quốc gia lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những leo thang căng thẳng chính trị ở Campuchia hiện nay.
Trước đó, vào ngày 12-9, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua quyết định số 728 về việc ủng hộ nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền ở Campuchia.
Việc căng thẳng hiện nay – như ở mức chính quyền điều động binh sĩ quần thảo quanh trụ sở CNRP và phía CNRP tỏ ý thách thức trở lại – có leo thang trở thành bạo lực hay không còn tùy thuộc vào động thái của cả hai đảng.
Chúng tôi cho rằng cả CPP và CNRP đều rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định của mình bởi lẽ nếu quyết định sai lầm họ sẽ phải trả giá bằng việc mất đi lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Chính vì vậy, khả năng đàm phán hòa bình giữa hai đảng vẫn được tính tới thay vì một cuộc xung đột đổ máu. Ngày 16-9 vừa q ua, ông Eng Chhay Eng, quan chức cao cấp của CNRP, tuyên bố CNRP chờ đợi các cuộc đàm phán với CPP để giảm căng thẳng.
Ông cũng khẳng định CNRP đã chờ đợi đàm phán hơn bốn tháng rồi nhưng không có kết quả.
Như một động thái mở lối thoát cho tình hình hiện tại, ông Chhay Eng cho biết thêm rằng “biểu tình hòa bình” là lựa chọn cuối cùng của CNRP để giảm căng thẳng chính trị nhưng không xác định khi nào sẽ diễn ra biểu tình.
Cột mốc năm 2013
Thật ra tình hình căng thẳng hiện nay là hệ quả của cuộc bầu cử quốc hội năm 2013. Cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia nhiệm kỳ V (2013-2018) diễn ra vào ngày 28-7-2013 với sự tham gia của tám đảng.
Tuy nhiên, chỉ có hai đảng giành được ghế: CPP được 68 ghế (giảm 22 ghế so với nhiệm kỳ IV); CNRP giành được 55 ghế (tăng 29 ghế so với nhiệm kỳ IV). Kể từ sau cuộc bầu cử đến nay, chính trường Campuchia là sàn đấu của hai đảng này.
Sau khi kết quả bầu cử được công bố (ngày 8-9-2013), cuộc chiến giành quyền lực giữa CPP và CNRP đã diễn ra gay gắt, quyết liệt, dẫn đến bế tắc chính trị kéo dài gần một năm. Trong cuộc đấu này, mỗi bên đều có chủ trương sách lược riêng của mình.
Với 68 ghế giành được (quá bán), CPP cho rằng mình có thể tự thành lập chính phủ theo điều 82 của Hiến pháp Campuchia. Quốc vương Norodom Sihamoni đã gửi giấy mời triệu tập phiên họp quốc hội đầu tiên đến 123 ứng cử viên trúng cử của hai đảng.
Ngày 23-9-2013, toàn bộ 68 nghị sĩ của CPP tham gia kỳ họp theo thư mời của quốc vương nhưng phía CNRP vắng mặt cả.
Phiên họp quốc hội đầu tiên đã bầu ra bộ máy lãnh đạo như chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, chủ nhiệm các ủy ban (chín ủy ban) do người của CPP đảm nhiệm. Ngày 24-9, Quốc vương Sihamoni chỉ định ông Hun Sen giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ V.
Sau đó, Chính phủ nhiệm kỳ V, với toàn bộ thành phần là người của CPP, đã được quốc vương phê chuẩn và đi vào hoạt động bình thường. Mặc dù tự thành lập chính phủ nhưng CPP vẫn tuyên bố sẵn sàng đàm phán và để CNRP tham gia quốc hội và chính phủ.
CNRP tẩy chay phiên họp đầu tiên vì cho rằng bầu cử có nhiều gian lận, bất thường. Chính vì vậy, CNRP thể hiện thái độ không công nhận kết quả bầu cử, tập trung toàn bộ các ứng cử viên trúng cử của mình ở Siem Reap vào ngày 22-9 – tức một ngày trước phiên họp chính thức.
Tại đây, bên CNRP kêu gọi thành lập ủy ban độc lập (có sự tham gia của Liên Hiệp Quốc) để điều tra những bất thường trong bầu cử, yêu cầu CPP đàm phán để cải cách Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC).
Song song đó, CNRP một mặt kêu gọi lực lượng ủng hộ trong nước đình công, biểu tình phản đối chính phủ nhiệm kỳ V, mặt khác kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận chính phủ nhiệm kỳ V, kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà tài trợ quốc tế ngừng đầu tư và viện trợ cho Campuchia…
Một điều đáng chú ý là mặc dù sử dụng chiến thuật khác nhau nhưng cả hai đảng đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán để giải quyết bế tắc chính trị.
Đúng 10 tháng sau, họ đã làm được điều đó. Ngày 22-7-2014, CPP và CNRP đã đạt được thỏa thuận với những nội dung cơ bản như CNRP chấm dứt tẩy chay quốc hội; hai đảng thống nhất với nhau về việc chia sẻ quyền lực ở quốc hội; cải cách Ủy ban Bầu cử.
Tiếp đó là giai đoạn có thể gọi là “tuần trăng mật” giữa hai đảng. Ngày 28-7-2014, ông Sam Rainsy – chủ tịch CNRP – được quốc hội công nhận là đại biểu đắc cử của tỉnh Kampong Cham.
Sáng 5-8, toàn bộ 55 ứng cử viên trúng cử của CNRP đã tiến hành tuyên thệ ở hoàng cung trước sự chứng kiến của quốc vương. Ngày 8-8, Quốc hội Campuchia họp phiên bất thường với sự tham gia của đầy đủ 123 thành viên.
Hai bên chấp nhận chia sẻ quyền lực. Ngày 26-8, quốc hội họp và bầu lại các chức danh lãnh đạo của quốc hội theo công thức 7/6, theo đó quốc hội có 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và 10 ủy ban chuyên trách.
Người của CPP giữ chức chủ tịch (ông Heng Samrin), phó chủ tịch thứ hai (ông Nguon Nhuol) và chủ nhiệm 5 ủy ban chuyên trách, người của CNRP giữ chức phó chủ tịch thứ nhất (ông Kem Sokha, phó chủ tịch CNRP) và chủ nhiệm 5 ủy ban chuyên trách.
Hai bên cũng đã thống nhất sẽ cải cách Ủy ban Bầu cử, theo đó ủy ban sẽ có 9 thành viên, trong đó 4 của CPP, 4 của CNRP và 1 ủy viên trung lập.
Ngày 8-5-2015, hai đảng ra tuyên bố chung với các nội dung chính như lấy văn hóa đối thoại để giải quyết hòa bình các vấn đề bất đồng; tôn trọng lẫn nhau; không nhục mạ nhau bằng các từ như phản quốc, bán nước…; không đe dọa nhau bằng các từ như bắt bỏ tù, chiến tranh sẽ xảy ra…
________________________________
Kỳ tới: Cuộc đấu bản đồ và lãnh thổ
TS NGUYỄN THÀNH VĂN (trưởng Phòng nghiên cứu Campuchia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)
***
CAMPUCHIA – SÀN ĐẤU CỦA HAI ĐẢNG:
Cuộc đấu bản đồ và lãnh thổ
TTO – Cuối tháng 6-2015, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) khơi mào trở lại vấn đề biên giới, lãnh thổ và bản đồ bằng cách tổ chức cho người xuống thị sát cột mốc số 203 (thuộc địa phận tỉnh Long An của Việt Nam và Svay Rieng của Campuchia).
![]() |
Bà Mereani Keleti Vakasika (bìa phải), quan chức LHQ, và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tại buổi thẩm định bản đồ ở Phnom Penh ngày 20-8-2015 – Ảnh: AFP |
|
|
Đảng CNRP cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Hun Sen sử dụng bản đồ giả để phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ làm Campuchia mất đất. Chính vì vậy, CNRP tiến hành các hoạt động như thị sát biên giới, tìm kiếm bản đồ để đối chiếu…
Bám vào chiêu bài “mất đất”
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền phản ứng quyết liệt. Một mặt, chính quyền khẳng định việc sử dụng bản đồ phân giới cắm mốc là đúng đắn bằng cách mượn bản đồ từ Pháp, Mỹ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) về để đối chiếu với bản đồ mà chính phủ sử dụng để phân giới cắm mốc với Việt Nam; mặt khác, có những động thái cứng rắn nhằm răn đe CNRP.
Ngày 15-8-2015, chính quyền Phnom Penh đã cho bắt thượng nghị sĩ Hong Sok Hour vì tội tuyên truyền xuyên tạc điều 4 của Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia ký tháng 2-1979. Ba ngày sau, Tòa án Phnom Penh đã buộc tội ông Hong Sok Hour các tội làm giả các tài liệu công, sử dụng tài liệu giả mạo, xúi giục bất ổn. Ba tội danh lần lượt tương ứng với án tù 10 năm, 5 năm và 2 năm.
Mới nhất, hôm 12-4 vừa qua, nghị sĩ Um Sam An của Đảng CNRP đã bị truy tố tội kích động nổi loạn sau khi xuyên tạc bản đồ biên giới Campuchia – Việt Nam. Theo AFP, với tội này, ông Sam An đối mặt với bản án lên tới 5 năm tù giam.
Ông Sam An, người có hai quốc tịch Campuchia và Mỹ, đã bị còng tay ngay tại sân bay ở Siem Reap rạng sáng 11-4 sau khi trở về từ chuyến đi làm việc ở Mỹ. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia Khieu Sopheak giải thích lý do bắt giữ để thẩm vấn là ông Sam An đã sử dụng vấn đề biên giới để kích động người dân nổi loạn chống lại chính phủ.
Cũng trong ngày 12-4, Thủ tướng Hun Sen cảnh báo sẽ có thêm các vụ bắt giữ những trường hợp tương tự. “Bất cứ ai dám nói chính phủ sử dụng bản đồ giả phải bị còng tay” – ông Hun Sen tuyên bố cứng rắn trên đài phát thanh. Theo báo Cambodia Daily, quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ không áp dụng trong trường hợp ông Sam An vì ông bị “bắt quả tang”, cũng tương tự trường hợp của thượng nghị sĩ Hong Sok Hour trước đó.
Có thể nói, trong vấn đề bản đồ và phân giới cắm mốc với Việt Nam, Đảng CNRP đã thua CPP từ nhiều năm trước. Ngày 27-1-2010, ông Sam Rainsy, khi đó còn là chủ tịch Đảng Sam Rainsy (SPR), đã phải chịu mức án 2 năm tù giam và nộp phạt 60 triệu riel (khoảng 15.000 USD) vì tội phá hoại tài sản nhà nước và có hành động kích động phân biệt sắc tộc khi nhổ cột mốc phân giới Việt Nam – Campuchia.
Năm bị cáo cùng tham gia vụ này với Sam Rainsy cũng bị Tòa án tỉnh Svay Rieng tuyên mỗi người 1 năm tù với tội phá hoại tài sản công.
Cụ thể vụ việc là vào ngày 25-10-2009, ông Sam Rainsy đã tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An và tỉnh Svay Rieng, nhổ sáu cọc dấu tạm thời xác định vị trí mốc 185 mang về Phnom Penh.
Đến ngày 16-11-2009, Quốc hội Campuchia đã tước quyền miễn truy tố của ông Sam Rainsy do hành vi nhổ cọc này, mở đường cho Tòa án tỉnh Svay Rieng gửi giấy triệu tập ông này hôm 21-12-2009.
![]() |
Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour bị còng tay dẫn ra tòa vào đầu tháng 10-2015 – Ảnh: AFP |
Cuộc đấu trên nghị trường
Cuộc “song đấu” của hai đảng tại Campuchia tùy theo từng thời điểm luôn diễn ra quyết liệt. Phương Tây thường mô tả đó là việc đàn áp phe chính trị đối lập nhưng bên chính quyền Campuchia giải thích chỉ hành xử theo luật pháp, ai phạm tội thì bị trừng trị.
Ngày 30-10-2015, Quốc hội Campuchia bỏ phiếu bãi nhiệm chức phó chủ tịch thứ nhất quốc hội của ông Kem Sokha (chỉ có nghị sĩ CPP tham dự) với lý do ông này vi phạm thỏa thuận ngày 22-7-2014 giữa hai đảng; kích động bạo lực và gây tâm lý thù hằn dân tộc…
Ngày 13-11-2015, Tòa án thành phố Phnom Penh đã ra lệnh bắt giam ông Sam Rainsy, chủ tịch Đảng CNRP, để thực thi bản án mà Tòa án thủ đô Phnom Penh đã tuyên vào tháng 4-2011 liên quan đến việc ngày 17-4-2008 trong một phát biểu tại Bảo tàng Cheong Ek, ông Sam Rainsy đã vu khống Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong là trưởng trại giam Beung Trobek khét tiếng dưới thời Khmer Đỏ.
Sau đó, Tòa án Phnom Penh ra lệnh triệu tập ông Sam Rainsy ra tòa ngày 4-12-2015 để giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ thượng nghị sĩ Hong Sok Hour. Kể từ đó đến nay, ông Sam Rainsy phải sống lưu vong ở Pháp.
Ngay trong vụ bắt giữ thượng nghị sĩ Hong Sok Hour của Đảng CNRP hồi tháng 8-2015 vì hành vi xuyên tạc hiệp ước về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen cũng hành động rất cương quyết. Ông Hun Sen mô tả hành vi của thượng nghị sĩ Sok Hour là “phản quốc”. “Bằng bất cứ giá nào, chính phủ cũng phải hành động” – ông Hun Sen nhấn mạnh. Thủ tướng Campuchia cũng yêu cầu Bộ Tư pháp đề nghị thượng viện tước bỏ quyền miễn tố của ông Sok Hour.
Ông Hun Sen cũng ra lệnh cho sân bay quốc tế Phnom Penh tăng cường an ninh để ngăn chặn ông Sok Hour trốn ra nước ngoài. Ông yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài không được can thiệp vào vấn đề nội bộ của Campuchia. “Tôi đề nghị các đại sứ quán nước ngoài không can thiệp. Đây là hành vi phạm tội và ông ta phải bị bắt giữ” – ông Hun Sen nhấn mạnh.
Kỳ tới: Án mại dâm của Kem Sokha
|
TS NGUYỄN THÀNH VĂN – N.QUÂN
***
CAMPUCHIA – SÀN ĐẤU CỦA HAI ĐẢNG – KỲ 3:
Án mại dâm của Kem Sokha
TTO – Trong các đoạn hội thoại bị hack và bị đưa lên những đoạn trao đổi qua điện thoại bị ghi lén, người ta thấy nhân vật nam, được cho là Kem Sokha, hứa cho cô gái 3.000 USD và một căn nhà.
![]() |
Cô Khom Chandaraty – người được cho là nhân tình của Kem Sokha (ảnh nhỏ) – Ảnh: AFP |
Tất cả bắt đầu vào tháng 3 vừa qua khi tài khoản Facebook của cô gái làm nghề gội đầu tên Khom Chandaraty bị hack và bị đưa lên những đoạn trao đổi qua điện thoại bị ghi lén.
Cô gái 25 tuổi này được cho là nhân tình của nghị sĩ Kem Sokha, phó chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập.
Trong các đoạn hội thoại, người ta thấy nhân vật nam, được cho là Kem Sokha, hứa cho cô gái 3.000 USD và một căn nhà.
Cú đá giò lái bất ngờ
Thoạt đầu cô gái trẻ khẳng định không có quan hệ gì với ông Kem Sokha và ông Sokha cũng không lên tiếng gì về vụ việc.
Thế rồi vụ việc bị thổi bùng trên truyền thông và sau nhiều tuần cô gái bị mất việc, thậm chí bị dọa truy tố vì tội làm mại dâm và làm chứng giả.
Tại Campuchia, nạn mại dâm chính thức bị coi là bất hợp pháp từ năm 2008. Cô gái trẻ thay đổi quyết định và khởi kiện Kem Sokha, đòi bồi thường thiệt hại 300.000 USD.
Tiếp nhận lá đơn kiện đó, Ủy ban chống tham nhũng của Campuchia, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, nhảy vào cuộc nhanh chóng để điều tra số tiền mà Sokha có vì ủy ban này từng yêu cầu ông Sokha giải trình về tài sản cá nhân vào các năm 2011, 2013 và 2015.
Các nhà điều tra cũng nhanh chóng xác nhận giọng nam trong đoạn hội thoại là Kem Sokha và giọng nữ là cô Chandaraty.
Vấn đề là không có lời lý giải làm sao xác nhận chắc chắn như thế. Rồi thì các đoạn ghi âm lén này cũng được cho là hợp pháp dù rằng không rõ ai đã đứng ra ghi lén hoặc làm sao lấy ra được từ các máy điện thoại của đương sự.
Trong quá trình trả lời với cơ quan chức năng, Chandaraty đã khai ra tên sáu thành viên hoạt động bảo vệ nhân quyền đã cho cô tiền để cô chối bỏ mối quan hệ với Kem Sokha.
Ngày 2-5, Tòa án Phnom Penh liền kết tội sáu người đó. Năm trong số đó, đang làm hoặc từng làm trong tổ chức bảo vệ nhân quyền Adhoc, bị tạm giam ngay và có thể bị phạt 5-10 năm tù.
Người thứ sáu, ông Sally Soen, nhân viên của Cao ủy nhân quyền LHQ hoạt động tại Campuchia, cũng bị kết tội (vắng mặt) tại phiên tòa trên. Do ông ta là nhân viên của LHQ nên được xem là có quyền miễn trừ theo Công ước LHQ 1946 về quyền miễn trừ và ưu tiên.
Vấn đề là các luật sư của bên Adhoc không biết thân chủ của mình bị kết tội ra sao. Họ cho rằng phía Adhoc có gửi cho cô Chandaraty 204 USD trong quá trình tiếp cận và trợ giúp cô này và đó có thể là “chứng cứ” để kết tội họ.
Gần 60 tổ chức phi chính phủ tại Campuchia sau đó đã ra thông cáo tố cáo “tình trạng gia tăng các vụ tấn công của chính phủ nhắm vào những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khi gần đến bầu cử địa phương và quốc gia”.
Điều đó cũng không làm chính quyền thay đổi quan điểm khi họ cho rằng cá nhân vi phạm luật pháp thì bị xét xử. Thủ tướng Hun Sen thậm chí lên tiếng sau vụ việc: “Chúng ta vừa hành động chống lại những kẻ vô chính phủ!”.
Một “kẻ vô chính phủ” khác là Ou Virak, chủ tịch của Diễn đàn vì tương lai (một dạng câu lạc bộ học giả ở Campuchia), cũng bị truy tố nhanh chóng vì lên tiếng tố Đảng CPP giật dây trong kỳ án Kem Sokha. Hôm 25-4, ông Ou Virak, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng của Campuchia, bị buộc tội đã bình phẩm xúc phạm đến “phẩm giá và danh dự” của Đảng CPP.
Đứng đơn kiện là ông Sok Eysan, phát ngôn viên của Đảng CPP. Đơn kiện của CPP viết: “Ngày 24-4-2016, khi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh RFA, ông Ou Virak đã có bình luận vu oan khẳng định chính sách của Đảng CPP nhằm gây áp lực lên Kem Sokha và nguồn tài chính của ông ta”.
Thủ tướng Hun Sen từng gửi lời cảnh báo đến các nhà bình luận chính trị trong nước, thông qua tài khoản Facebook của ông: “Quý vị có quyền phát biểu nhưng cũng đừng quên là chúng tôi cũng có quyền đó. Hiện giờ chúng tôi đang chuẩn bị các đơn khiếu kiện chống lại những cá nhân đã hủy hoại thanh danh của Đảng Nhân dân Campuchia”.
Kem Sokha bị truy đuổi
Nghị sĩ Kem Sokha bị cáo buộc có quan hệ ngoài hôn nhân không chỉ với cô gái gội đầu mà còn với một phụ nữ khác nữa. Một cây bút viết blog rất nổi tiếng ở Campuchia cũng bị hài tên trong đoạn ghi âm. Cô ta cũng vào cuộc và khởi kiện với Kem Sokha đòi bồi thường 1 triệu USD. Vì thế những đơn đòi bồi thường trên được cho là nhằm làm cạn kiệt tài sản của ông Sokha.
Thật ra các bước đi tư pháp cũng được tiến hành rất nhanh chóng. Tòa gửi giấy triệu tập cho ông Sokha hai lần (ngày 17-5 và 25-5) và ông ta đều vắng mặt. Sang ngày 26-5, tòa liền đề nghị cảnh sát bắt ông ta.
Ngay trưa 26-5, cảnh sát bất ngờ xông vào trụ sở của CNRP ở thủ đô Phnom Penh để thực thi lệnh của tòa. Theo nghị sĩ CNRP Chhay Eng, phó chủ tịch Kem Sokha vừa chủ trì cuộc họp tại trụ sở sáng 26-5 và đã rời khỏi đó trước khi cảnh sát tới.
![]() |
Nghị sĩ Kem Sokha (giữa) phát biểu tại trụ sở CNRP ngày 9-9 tức là ngày ông phải ra tòa – Ảnh: Reuters |
Cuối tháng 5 vừa qua, Quốc hội Campuchia bỏ phiếu cho phép tiến hành các thủ tục pháp lý chống lại ông Kem Sokha vì hai lần phớt lờ lệnh triệu tập của tòa án trong vụ kiện liên quan tới cô Khom Chandaraty.
Ngay trong buổi chiều 30-5 hôm đó, 36 nghị sĩ của Đảng CNRP đã lên cung điện hoàng gia trình kiến nghị hầu tìm kiếm sự can thiệp của Quốc vương Norodom Sihamoni đối với vụ việc.
Tiếp đó, Tòa án thành phố Phom Penh đã cấm nghị sĩ Kem Sokha rời khỏi nước này sau khi bị cáo buộc “từ chối trình diện” trước tòa. Theo lệnh do ông Thann Leng, thẩm phán điều tra của Tòa án thành phố Phnom Penh, ký hôm 8-7 và được công bố trên các phương tiện truyền thông ngày 14-7, ông Kem Sokha sẽ “không được rời khỏi lãnh thổ Vương quốc Campuchia”.
Tính đến nay đã hơn bốn tháng, ông Kem Sokha phải trú lánh trong trụ sở của CNRP. Ông Kem Sokha không xác nhận cũng không phủ nhận việc có quan hệ với cô Khom Chandaraty, nhưng phó chủ tịch CNRP coi những cáo buộc nhằm vào bản thân là hành động mang động cơ chính trị.
Trong cuộc gặp hiếm hoi với nhà báo nước ngoài đến từ Úc (thông tin đăng tải trên trang ABC Online ngày 19-9), ông Sokha thừa nhận hiện đang ở tại trụ sở là tòa nhà bốn tầng ở Phnom Penh và phòng làm việc của ông cũng được sử dụng như phòng ngủ.
Bảo vệ cho ông có vài cận vệ thân cận và vài chục ủng hộ viên của Đảng CNRP. Ông cũng chưa thể biết tình thế sắp tới sẽ diễn biến ra sao.
|
Kỳ tới: Cuộc so găng Mỹ – Trung
Cảm ơn chị đã post loạt bài này.
Thông tin và phân tích rất giá trị.
Chúc chị vui!
ThíchThích
Cám ơn Tùng phản hồi nhé.
Chúc Tùng luôn khỏe.
ThíchThích