- Kỳ 1: Làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình
- Kỳ 2: Hai anh em Nghị – Sỹ
- Kỳ 3: Xóm người Chăm An Giang ở Klang
- Kỳ 4: Những cô dâu Việt ở Malaysia
- Kỳ 5: Người phụ nữ Việt Nam nhân ái ở Malaysia
- Kỳ 6: Miền đất mới của người Việt trẻ tuổi
***
Làm quần quật ở xứ người để lo cho gia đình
![]() |
Chị Ngô Thị Chung tại một quán ăn ở Malaysia mà chị đã giúp việc trong 7 năm qua – Ảnh: Quỳnh Trung |
Chúng tôi mới thấu hiểu rằng phía sau những đồng ngoại tệ gửi về gia đình ở quê nhà là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sự tủi nhục mà họ phải chịu nơi xứ người.
Một ngày đầu tháng 4, tại quán ăn Trung Hoa đối diện trung tâm thương mại Low Yat Plaza ở khu trung tâm sầm uất Bukit Bintang, thủ đô Kuala Lumpur, một phụ nữ trung niên nhỏ nhắn cầm thực đơn trên tay, liên tục mời du khách bằng tiếng Hoa. Người phụ nữ này tên Ngô Thị Chung (45 tuổi, quê Nghệ An).
Vì tương lai con cái
Chị Chung kể vì căn nhà dột nát và không có việc làm ổn định ở quê nhà, chị đã quyết định qua Malaysia theo con đường xuất khẩu lao động để kiếm tiền xây nhà, khi con gái đầu lòng mới 12 tuổi.
Lúc đầu công ty môi giới bố trí cho chị làm công nhân ở một công ty thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, làm hết hợp đồng ba năm với công ty, chị không dư được bao nhiêu tiền. Sau đó, chị Chung chuyển sang phụ giúp quán ăn Trung Hoa thêm 7 năm.
Chị kể những năm đầu nhớ con và đặc biệt là nhận những bức thư tay của con gái bé nhỏ, chị chỉ biết khóc.
Rồi khi đã dành dụm đủ tiền xây nhà, gánh nặng học phí của con khiến người mẹ tiếp tục ở lại Malaysia kiếm sống.
Nhờ những đồng ngoại tệ chị gửi về trong 10 năm qua mà cô con gái đã tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm ở Bệnh viện Vinh, trong khi cậu con trai đang học cao đẳng nghề.
Người phụ nữ quê Nghệ An bộc bạch rằng chỉ vì một số phụ nữ Việt có “việc làm không đúng đắn” ở Malaysia mà phụ nữ Việt Nam ở Malaysia thường bị những người nước ngoài khác phân biệt đối xử.
Rời Kuala Lumpur, chúng tôi đi thành phố cảng Klang cách đó khoảng 50km để gặp một nhóm 10 công nhân Việt Nam đang làm cho một nhà máy thông qua sự kết nối của anh Bùi Việt Tuấn – trưởng ban liên lạc người Việt tại Klang.
Những phụ nữ Việt ở CLC
Nhóm công nhân này đa số là nữ, đến từ nhiều vùng miền ở Việt Nam như Ninh Bình, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Phú Thọ… đang làm việc cho Công ty CLC về lắp ráp linh kiện điện tử.
Một nhóm 10 người cùng ở trong một căn phòng trọ lụp xụp, chật hẹp được ông chủ người Mã gốc Hoa thuê cho.
Phía trước nhà trọ là những thùng xốp được các anh chị công nhân trưng dụng để trồng rau muống, bạc hà, cải bẹ xanh… vừa đỡ nhớ quê hương vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Theo chúng tôi tìm hiểu, tất cả các công nhân Việt Nam đều bị chủ giữ lại hộ chiếu vì sợ họ trốn về.
Chị Trần Thị Thùy (35 tuổi) đến từ tỉnh Phú Thọ cho biết đã qua làm việc cho Công ty CLC được 7 năm.
Lúc đầu nghe các công ty môi giới xuất khẩu lao động hứa hẹn trả lương cao cùng với điều kiện ăn ở tốt nhưng qua đến nơi mới thấy mọi thứ không như họ nói.
Tuy nhiên, vì đã trót đóng phí môi giới vài chục triệu đồng từ tiền vay mượn và đã lỡ bước chân qua xứ người nên chị Thùy gắn bó công việc này cho đến hiện tại.
Chị Thùy cho biết có khoảng 250 công nhân đang làm việc cho Công ty CLC, phần lớn là công nhân đến từ Bangladesh, Nepal và Việt Nam, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 50-60 người.
Người phụ nữ hai con quê Phú Thọ này cho biết lương cơ bản của Malaysia chỉ là 1.000 ringgit/tháng (khoảng 5 triệu đồng) nên nhiều công nhân Việt Nam phải thường xuyên tăng ca, làm từ 8h sáng đến 10h tối, 30 ngày mỗi tháng mới có mức thu nhập khoảng 1.900 ringgit/tháng (gần 10 triệu đồng) để chắt chiu gửi về cho gia đình.
“Mỗi năm chúng tôi chỉ có 8 ngày phép. Thứ bảy, chủ nhật vẫn phải đi làm, nếu không đi làm sẽ bị trừ lương” – chị Thùy nói.
Trong nhóm công nhân Việt Nam ở Công ty CLC, có một phụ nữ được mệnh danh là “siêu nhân” bởi sức làm việc phi thường, đó là chị Vũ Thị Mai (39 tuổi) quê ở Ninh Bình.
Không những chịu khó tăng ca, chị Mai còn mang hàng ở công ty về nhà làm, có khi mỗi ngày chị chỉ ngủ khoảng 1-2 tiếng để có mức thu nhập khoảng 2.500-3.000 ringgit/tháng (từ 12,7-15 triệu đồng) để gửi tiền về nuôi hai đứa con đang trong độ tuổi ăn học, một con trai 19 tuổi và một con gái 11 tuổi.
Vất vả là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi giờ có muốn quay trở lại Việt Nam hay không, tất cả công nhân đều trả lời “không” vì mức thu nhập của họ bên đây khá và ổn định hơn ở Việt Nam.
Họ cho biết sẽ làm việc ở Malaysia thêm một thời gian để tích lũy một số vốn rồi mới về Việt Nam để kinh doanh hoặc chăn nuôi, trồng trọt.
Dù sao thì những công nhân này cho biết ông chủ người Mã gốc Hoa của họ rất tốt bụng và quan tâm đến đời sống của họ.
Đều đặn mỗi tháng, ông sai nhân viên mang tôm, cá, rau quả cho các anh chị em công nhân cải thiện bữa ăn, nếu ai bị ốm đau thì ông đưa đi bệnh viện.
Thỉnh thoảng ông còn tổ chức cho anh chị em công nhân đi du lịch ở Malaysia và thậm chí ở Thái Lan mà không trừ vào ngày nghỉ.
![]() |
Nhóm công nhân nữ người Việt làm thuê cho Công ty CLC – Ảnh: Quỳnh Trung |
Xứ người vất vả
Anh Trần Trung Hiếu (36 tuổi), hiện đang là công nhân ở Công ty Syarikat Minho Kilning tại Klang, kể lại quãng thời gian khó khăn khi làm công nhân xây dựng cho các công trường ở Malaysia.
“Lúc đó 8 người bị dồn lại trong một container tối tăm, mỗi người phải tự trang bị chăn drap, chiếu gối và máy quạt.
Đa số công nhân xây dựng là nam giới nên tắm rửa ở những khu tập thể, đun nấu ngay lan can xưởng làm việc. Khổ nhất là làm việc dưới sức ép lớn, không có điện nước sinh hoạt và ăn thức ăn Mã Lai không hợp” – anh Hiếu nói.
Trong khi đó, anh Lê Tá Tươi (quê Thanh Hóa, ở Malaysia được 10 năm) kể rằng năm đầu tiên hầu như anh không để dành được đồng nào vì lương thưởng và môi trường làm việc không như các công ty môi giới hứa hẹn. Anh Tươi cho biết còn có những công nhân kém may mắn hơn.
Theo lời anh kể, cách đây khoảng 2-3 năm, một xưởng sản xuất găng tay của Malaysia bóc lột một nhóm công nhân Việt Nam vô cùng tàn tệ.
“Nhóm công nhân này bị những người môi giới lừa sang Malaysia theo đường du lịch rồi sau đó trở thành lao động bất hợp pháp.
Những người này làm việc quần quật cả ngày chỉ được trả 7 ringgit (khoảng 35.000 đồng), bị chủ thu hộ chiếu, bắt nhốt, thậm chí buộc phải mua đồ ăn của chủ với giá cắt cổ. Nhiều người khác bị nợ lương” – anh Tươi nói.
Theo Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002, đến nay đã có hàng trăm ngàn lượt lao động sang đây làm việc, có thời điểm số lao động Việt Nam có mặt tại Malaysia lên tới 130.000 người. Hiện chưa có con số thống kê cập nhật về lao động Việt Nam tại Malaysia, nhưng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động Việt Nam chủ yếu làm những công việc như sản xuất chế tạo trong các nhà máy điện tử, nội thất, may mặc, đóng gói sản phẩm hay trong ngành dịch vụ (phục vụ nhà hàng – quán ăn, lau chùi, dọn vệ sinh, nấu ăn, bán hàng…), ngành nông nghiệp và số ít giúp việc nhà trong các gia đình người Mã gốc Hoa. |
“Chỉ vì một số phụ nữ Việt có “việc làm không đúng đắn” ở Malaysia mà phụ nữ Việt Nam ở Malaysia thường bị phân biệt đối xử |
Kỳ tới: Hai anh em Nghị – Sỹ
QUỲNH TRUNG
NGƯỜI VIỆT LÀM THUÊ Ở MALAYSIA – KỲ 2:
Hai anh em Nghị – Sỹ
TTO – Vì hoàn cảnh gia đình, cách đây hơn 10 năm, hai anh em ruột Lê Thanh Nghị và Lê Tiến Sỹ quyết định rời quê hương Nghệ An đi xuất khẩu lao động sang Malaysia.
![]() |
Vợ con của hai anh em Lê Thanh Nghị (thứ hai từ trái) và Lê Tiến Sỹ tại văn phòng Tập đoàn xây dựng Pembinaan Prima Indah ở Kapar, TP Klang – Ảnh: Quỳnh Trung |
Nếu chẳng may xảy ra tai nạn hoặc ai đó ốm đau thì các công nhân Việt Nam chỉ biết tự đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau |
Anh Lê Thanh Nghị |
Ba năm đầu bị môi giới sang tay, làm việc vất vả như nô lệ. Sau đó hai anh em tách ra làm riêng, bằng nghị lực phi thường và ham học hỏi, hai anh em nhận thầu ốp gạch đá cho một tập đoàn xây dựng của Malaysia, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người Việt xa xứ.
1.000 ngày như “nô lệ”
Rất nhiều dân lao động nhập cư từ nhiều nước như Bangladesh, Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Myanmar đổ xô về thành phố cảng Klang vì nơi đây tập trung nhiều công trình xây dựng.
Anh Bùi Việt Tuấn, trưởng ban liên lạc cộng đồng Việt Nam tại Klang, cho biết nếu như công nhân xây dựng ở Klang chỉ kiếm được mức lương trung bình 2.000 – 2.800 ringgit/tháng (10 – 15 triệu đồng/tháng) thì chủ thầu xây dựng có thể kiếm được mức lương cao hơn, dao động 10.000 – 70.000 ringgit/tháng (50 – 350 triệu đồng/tháng).
Trong số các nhà thầu xây dựng uy tín ở Klang có hai anh em người Việt là Lê Tiến Sỹ (36 tuổi) và Lê Thanh Nghị (33 tuổi).
Chúng tôi gặp hai anh em này trưa 3-4 tại văn phòng Tập đoàn xây dựng Pembinaan Prima Indah ở Kapar, TP Klang. Văn phòng công ty cũng chính là nơi tá túc của hai anh em cùng gia đình nhỏ của họ.
Hai em Nghị – Sỹ sinh ra ở một vùng quê nghèo khó tại xã Diễn Châu, tỉnh Nghệ An trong gia đình đông con gồm sáu anh em, trong đó anh Sỹ thứ năm và anh Nghị là con út.
Năm 2006 vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cha mẹ chỉ có 7 triệu đồng tiền mặt nên phải bán một con bò và cầm cố đất đai cho ngân hàng để kiếm đủ số tiền 44 triệu đóng phí môi giới để hai anh em Nghị – Sỹ xuất khẩu lao động qua Malaysia.
Mang theo 2 triệu đồng phòng thân háo hức lên đường, nhưng không ngờ đất nước Malaysia xa lạ lại “đón chào” mình theo một cách hai anh em chưa bao giờ mường tượng trước đó, như anh Sỹ thú nhận sau này: “có lúc tưởng đã chết vì đói nơi xứ người”.
Trái với lời hứa hẹn trước đó sẽ sắp xếp cho hai anh em làm việc tại một xưởng mộc với mức lương cao, công ty môi giới đưa hai anh vào giúp việc cho một tiệm cơm chay ở khu Kepong thuộc thủ đô Kuala Lumpur với mức lương 800 ringgit/tháng (hơn 4 triệu đồng).
“Lúc mới sang chỉ biết một chút tiếng Anh nhưng không nói được. Làm việc vất vả mỗi ngày từ 6h sáng đến 10h tối nhưng buổi sáng ông chủ chỉ cho hai mẩu bánh mì nhỏ xíu, bữa trưa và tối chỉ có hai chén cơm trắng ăn với tương ớt. Ông chủ thường xuyên chửi và đòi đánh. Có lúc đang ăn, chủ bắt phải bỏ dở chén cơm xuống để lau chùi nhà vệ sinh” – anh Sỹ nhớ lại.
Trải qua hai tuần đầu “địa ngục” ở tiệm cơm chay, hai anh em gọi cho công ty môi giới đề nghị chuyển công việc khác, nhưng đáp lại chỉ là lời động viên: “Mới qua nên chưa quen. Các anh cứ cố gắng”.
Rồi tuần thứ ba khi cạn kiệt tiền bạc, hai anh em gọi điện cho công ty môi giới. Họ hứa sẽ chuyển công việc nhưng chỉ là hứa hẹn và sau đó họ lặn mất tăm. Rồi một hôm sau giờ làm, anh Sỹ đi dạo phố thì may mắn nghe được một nhóm người nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt.
“Lúc đấy chỉ biết là mình đã có cơ hội sống rồi. Sau khi kể câu chuyện của hai anh em cho họ nghe, những người Việt dẫn hai anh em về phòng và luộc con gà cho ăn” – anh Sỹ kể.
Sau đó, những đồng hương Việt Nam gây áp lực cho công ty môi giới nên họ mới đồng ý chuyển hai anh em sang làm công nhân xây dựng. Tuy nhiên, công ty môi giới thu giữ luôn hộ chiếu của họ, khiến hai anh em phải làm công nhân xây dựng thêm ba năm với mức lương trung bình 30 ringgit/8 tiếng.
Trong thời gian ba năm làm công nhân xây dựng, hai anh em lang bạt từ công trình này đến công trình khác ở khắp Malaysia. Ngày lao động ở công trường, tối về ngủ tại các lán gỗ được dựng tạm ngay bên trong công trường, thường xuyên bị muỗi và rệp cắn, cũng có khi phải ở trong những container ngột ngạt, chật ních người.
Anh Nghị kể vất vả nhất là nhiều công trường xây dựng thiếu điện nước sinh hoạt. Ngoài ra, giới chủ không có bất kỳ chính sách bảo hiểm y tế hay xã hội nào cho các công nhân nhập cư.
“Nếu chẳng may xảy ra tai nạn hoặc ai đó ốm đau thì công nhân Việt Nam chỉ biết tự đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau. Có lần anh Sỹ bị sốt virút phải vào bệnh viện truyền máu bảy lần/ngày. Lúc đó giấy tờ không có, phải mượn giấy tờ của người khác để đưa anh Sỹ nhập viện” – anh Nghị kể.
Còn anh Sỹ nhớ lại: “Lúc đó tôi rất lo không có tiền trả viện phí nhưng may mắn căn bệnh của tôi mắc phải rất phổ biến ở Malaysia nên Nhà nước Malaysia có chính sách chữa trị miễn phí cho tất cả mọi người, trong đó có lao động nhập cư như tôi”.
Trở thành ông chủ tốt bụng
Sau khi hết hạn ba năm hợp đồng với công ty môi giới, bằng sự quyết tâm vượt khó, trau dồi thêm ngoại ngữ, hai anh em Nghị – Sỹ tập hợp các lao động người Việt xa xứ làm nghề ốp gạch đá cho các công trình xây dựng ở Klang.
Qua thời gian tạo được uy tín, hai anh em phụ trách thầu ốp gạch đá cho Pembinaan Prima Indah – một tập đoàn xây dựng ở Malaysia.
“Sau bao nhiêu cố gắng và may mắn, kinh tế gia đình đã ổn định. Bây giờ chúng tôi làm nhà, mua đất và có tiền gửi ngân hàng ở quê nhà. Nói chung mình đi Malaysia cũng không thua kém gì những người Việt đi Hàn Quốc hoặc châu Âu” – anh Sỹ bộc bạch.
Từ thân phận “nô lệ” những ngày đầu, hai anh em Lê Thanh Nghị và Lê Tiến Sỹ đã trở thành những ông chủ tốt bụng, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người Việt xa xứ ở Malaysia.
Ông Xuân Đại (45 tuổi) đến từ Hà Tĩnh, người từng bị cảnh sát Malaysia bắt giam vì nghi là lao động bất hợp pháp cách đây hai năm và sau đó được hai anh em Nghị – Sỹ tiếp nhận, cho biết ông rất biết ơn sự cưu mang của họ.
Những lao động Việt Nam khác tại một công trường xây dựng nhà ở tại Klang cũng chung nhận xét hai anh em Nghị – Sỹ làm ăn rất đàng hoàng, lương trả cho họ đều đặn và đầy đủ. Những công nhân ốm đau được hai anh em chăm sóc tận tình.
“Chúng tôi trả lương trung bình cho công nhân Việt Nam từ 2.000 – 2.800 ringgit/tháng. Công nhân Bangladesh thì chúng tôi trả thấp hơn vì họ không chịu khó như người Việt và tay nghề không bằng” – anh Nghị cho biết.
Rồi ông chủ trẻ với gương mặt phúc hậu người Nghệ An chia sẻ dù hiện tại kinh tế Malaysia đang khó khăn và đồng tiền trượt giá nhiều nhưng hai anh em vẫn cố bám trụ.
“Chúng tôi hi vọng Malaysia sẽ khởi sắc với dàn lãnh đạo mới được bầu vào năm 2018” – anh Nghị nói.
Cách đây ba năm khi đồng ringgit chưa trượt giá, hai anh em Nghị – Sỹ có trong tay đội ngũ lao động lên đến 50 người, bao gồm 30 công nhân Việt Nam và 20 công nhân Bangladesh. Nhưng bây giờ kinh tế Malaysia suy thoái và đồng tiền trượt giá nhiều nên nhiều công nhân của họ bỏ về nước. Hiện tại hai anh em quản lý đội ngũ công nhân 30 người, gồm 20 người Việt. Trong số này có người đã đi xuất khẩu lao động ở nhiều nước gồm Ả Rập, Qatar, Lào, Malaysia… |
______________________________________
Kỳ tới: Xóm người Chăm An Giang ở Klang
QUỲNH TRUNG
NGƯỜI VIỆT LÀM THUÊ Ở MALAYSIA:
Xóm người Chăm An Giang ở Klang
TTO – Từ cuối chiến tranh VN 1975 cho đến năm 1993, chính quyền Malaysia đã tiếp nhận không dưới 7.000 người Chăm Hồi giáo tị nạn từ VN và Campuchia bởi những người Chăm này theo đạo Hồi và có nhiều nét tương đồng với người Chăm ở Malaysia.
![]() |
Ngôi nhà của ông Ya Yah, một người Chăm gốc Việt, đã sinh sống tại làng Delek trong hơn 25 năm qua – Ảnh: QUỲNH TRUNG |
“Tôi ước mơ có một ngôi nhà để thoát khỏi kiếp ở thuê. Tuy nhiên công việc phụ hồ và làm thuê mướn của tôi tại đây không ổn định, nếu ổn định thì tôi đã có nhà từ lâu rồi |
Ông ISMAIL |
Theo một nghiên cứu của Danny Wong Tze Ken, giáo sư khoa lịch sử của Trường ĐH Malaya (Malaysia) nhóm người Chăm này là nhóm duy nhất trong số hơn hàng chục nghìn người tị nạn Việt Nam qua Malaysia được chính phủ nước này chấp nhận.
Tìm đường đến Lorong 2236
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi được biết có nhiều ngôi làng Chăm từ Việt Nam sang ở Malaysia, trong đó có một xóm chăm ở làng Delek, một khu vực thôn quê thuộc thành phố cảng Klang, bang Selangor, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 50km về hướng tây. Hầu hết dân làng ở đây chưa có quốc tịch của cả Malaysia lẫn Việt Nam.
Qua sự kết nối của một Việt kiều sinh sống lâu năm tại Malaysia, chúng tôi liên lạc được với ông Abu Baka, trưởng xóm người Chăm gốc Việt ở làng Delek, có vợ là người dân tộc Kinh quê ở Bến Tre. Qua điện thoại, ông Abu Baka cung cấp cho chúng tôi địa chỉ của ngôi làng.
Từ trung tâm thành phố Klang, qua rất nhiều con đường ngoằn ngoèo, chúng tôi mới đến được Delek, một khu vực thanh bình, nhiều dân cư nằm cách cảng biển Klang khoảng 7km. Ở đây có nhiều lorong (con đường nhỏ theo tiếng địa phương) được đánh theo số thứ tự. Phải vất vả lắm tài xế taxi mới tìm được Lorong 2236 theo địa chỉ mà ông Abu Baka cung cấp.
Đó là một con đường đất vừa đủ cho một ôtô đi vào. Lúc đến đầu ngõ dẫn vào Lorong 2236, chúng tôi gặp một bé gái người Chăm đầu đội khăn đang chạy xe đạp. Chúng tôi hỏi: “Có người Việt ở đây không?”, thì cô bé nở nụ cười thân thiện trả lời bằng tiếng Anh: “Có. Anh đi thẳng vào bên trong và hỏi người dân dọc hai bên đường”.
Dọc hai bên đường là những ngôi nhà và quán ăn lụp xụp. Có rất nhiều phụ nữ choàng khăn ở đầu, đàn ông thì nước da đen nhẻm, mặc xà rông kẻ sọc carô, áo sơmi… và lúc nào cũng có chiếc nón vải tròn đội đầu. Trên đường bạn có thể bắt gặp rất nhiều dân địa phương mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày. Nam giới thường mặc xà rông, phụ nữ thì mặc abaja và quấn khăn hijab.
Khi tôi lân la hỏi: “Có người Việt ở đây không?” thì ông Ismail, quê ở Châu Đốc (An Giang), dừng xe máy lại và hỏi chuyện. Lúc này chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì tìm đúng làng người Việt ở Klang.
Cuộc sống khó khăn
Ông Ismail cho biết có khoảng 200 người dân tộc Chăm gốc Việt đang sinh sống ở làng Delek cùng những người Chăm từ Campuchia sang theo diện tị nạn. Ismail kể hầu hết người Chăm gốc Việt ở đây đều đến từ làng Chăm ở tỉnh An Giang. Họ từ An Giang qua Nam Vang, rồi sau đó lên tàu vượt biển đi Malaysia cùng nhiều người Chăm ở Campuchia từ những năm đầu 1980 đến những năm đầu thập kỷ 1990.
Một dân làng tại làng Chăm Delek cho biết sau khi đến Malaysia, những người Chăm này được đưa vào trại tị nạn ở Pahang, bang lớn thứ ba ở Malaysia, một số ít thì đến trại tị nạn Palau Bidong trên đảo Bidong nằm ngoài khơi bang Terengganu của nước này.
Ông Amran (56 tuổi, quê ở Châu Đốc), từng ở trại tị nạn tại Pahang, cho biết người Chăm từ Việt Nam di cư sang đây chủ yếu vì vấn đề kinh tế chứ không phải chính trị. Hầu hết người Chăm gốc Việt sống tại đây sống bằng nhiều nghề như phụ hồ, làm mướn, buôn bán vải, quần áo cũ… ở những ngôi chợ khắp Klang.
Ông Yah Ya (53 tuổi), sống trong một ngôi nhà lụp xụp, kể với chúng tôi rằng do không có ruộng đất canh tác trong khi làm mướn không đủ ăn nên ông quyết định mang ba đứa con nhỏ cùng vợ qua Malaysia làm ăn những năm 1990. Sau khi ở trại tị nạn tại Pahang trong một năm, ông làm đủ thứ nghề kiếm sống trước khi chuyển sang sống ở đây để sum họp với xóm làng.
Còn ông Ali (56 tuổi), một trong hai cư dân người Chăm gốc Việt lâu năm nhất ở làng, cho biết ông đến Delek những năm đầu thập kỷ 1980. Hai vợ chồng không có con nên nhận hai người con nuôi. Ông Ali trải qua nhiều nghề như thợ hồ, buôn bán vải. Dù sinh sống ở Malaysia đã hơn ba thập kỷ và nhiều lần nộp đơn xin quốc tịch, nhưng cho đến giờ ông Ali vẫn chưa có quốc tịch Malaysia.
Tâm sự với chúng tôi, ông Ismail (49 tuổi) cho biết vì nghèo quá nên phải đi kiếm sống. Đã qua Malaysia được hơn 20 năm, nhưng hai vợ chồng vẫn ở nhà thuê với giá 350 ringgit/tháng (gần 2 triệu đồng).
![]() |
Ông Ali (bìa trái) và ông Amran (thứ hai từ trái) tại một tiểu thánh đường ở làng Delek. Các ông thường trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt để không quên ngôn ngữ và nguồn cội Việt Nam – Ảnh: QUỲNH TRUNG |
Hòa nhập
Trong một ngày tại làng Chăm, chúng tôi thấy người Chăm gốc Việt ở đây duy trì những thói quen của họ như khi sống ở Việt Nam. Từ sáng sớm tinh mơ, dân làng đã thức dậy để chuẩn bị một ngày mới và đến thánh đường cầu nguyện trước lúc mặt trời mọc. Sau khi rời thánh đường, nhiều người lớn trong làng tụ tập ngồi uống trà, cà phê tán gẫu.
Trẻ con cũng phải dậy sớm đi học. Ông Amran cho biết trường cấp I, cấp II chỉ cách ngôi làng 1km trong khi trường cấp III cũng chỉ cách… 2km nên trẻ con đi học rất thuận tiện. “Trẻ con Chăm gốc Việt đi học cùng trường với người Malaysia” – Amran nói.
Amran cho biết ngoài việc thức ăn Malaysia khô, nhiều dầu và hơi lạ, người Chăm gốc Việt không gặp vấn đề gì về hòa nhập. “Người Chăm ở Malaysia và người Chăm ở Việt Nam hầu như tương đồng về lối sống, văn hóa và cả tôn giáo” – Amran giải thích.
Dù người Chăm gốc Việt ở đây thường nói tiếng Việt với nhau nhưng con cái của họ lớn lên hầu như quên hết tiếng Việt. “Lúc tôi mới qua Malaysia thì đứa con đầu 10 tuổi. Giờ nó đã hơn 35 tuổi nhưng không nói được nhiều tiếng Việt. Các con tôi chỉ giao tiếp bằng tiếng Malay” – Amran nói.
Ông cho biết mẹ già và nhiều anh em ruột vẫn còn ở An Giang nên rất nhớ quê nhà. “Lúc sang đây tôi mang theo bốn đứa con nhỏ. Ở đây vợ chồng tôi sinh thêm ba đứa nữa. Cuộc sống ở đây quen rồi nên chúng tôi sẽ không quay lại Việt Nam sinh sống nhưng chúng tôi muốn đưa con mình về thăm quê hương, mồ mả tổ tiên để chúng hiểu về nguồn cội của mình” – Amran nói.
Kỳ tới: Những cô dâu Việt trên đất Malaysia
Sống cực vì thiếu giấy tờ Ông Yah Ya, một trong số ít người Chăm gốc Việt may mắn được cấp quốc tịch Malaysia, cho biết theo quy định của luật pháp Malaysia, những người nước ngoài sống ở Malaysia phải đủ 12 năm mới được phép nộp đơn xin quốc tịch. Thông thường người Chăm gốc Việt xin nhập tịch Malaysia phải đáp ứng ba điều kiện: nói rành tiếng Malay, tuân theo phong tục tập quán của Malay và phải là tín đồ đạo Hồi. Tuy nhiên, theo ông Yah Ya, việc được cấp quốc tịch cũng hên xui. Những người không có giấy tờ hợp pháp như vợ chồng ông Ismail, bà Mariam thì luôn sống trong sợ sệt vì “không có giấy tờ thì cực dữ lắm”. Ông Ismail quê ở Châu Đốc, người đã rời Việt Nam cách đây 25 năm, nói mỗi khi biết công an đến kiểm tra giấy tờ thì dân làng báo động cho nhau để trốn. Những người không may mắn thì bị bắt trong trại tạm giam khoảng một, hai tháng trước khi bị trục xuất trở về lại Việt Nam. Cũng có người biết cách lo lót thì được tha. |
QUỲNH TRUNG
NGƯỜI VIỆT LÀM THUÊ Ở MALAYSIA – KỲ 4:
Những cô dâu Việt ở Malaysia
TTO – Trong hơn một thập kỷ qua, khi phụ nữ Malaysia ngày càng lấy chồng muộn hoặc thậm chí thích độc thân, nam giới nước này quay sang nước láng giềng tìm bạn đời, trong đó có phụ nữ Việt Nam.
![]() |
Tác giả bài viết (thứ ba từ trái) chụp ảnh chung với bốn cô dâu Việt tại Malaysia cùng thân nhân – Ảnh CTV |
Xu hướng đàn ông Malaysia tìm vợ Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 2000 và nở rộ sau đó. Theo thống kê của Hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama, năm 2001 chỉ có 28 phụ nữ Việt Nam lấy chồng Malaysia nhưng đến năm 2005 con số này đã lên đến 1.185 trường hợp, tăng hơn 42 lần.
“Đàn ông Malaysia gốc Hoa chọn phụ nữ Việt Nam làm vợ vì họ đảm đang, nhanh nhẹn, giỏi chăm sóc gia đình và con cái. Ngoài ra, phong tục tập quán của Việt Nam không khác quá nhiều so với Trung Quốc |
Chị Nguyễn Thị Bích Phương |
80% lấy chồng qua môi giới
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết hiện chưa có con số thống kê chính thức bao nhiêu phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia vì nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa hoặc sang đây theo đường du lịch để kết hôn với người Malaysia mà không thông báo với sứ quán hoặc các quan chức nhập cư của nước sở tại. Phần lớn những cuộc hôn nhân này xuất phát từ môi giới hoặc mai mối nên thường có kết cục không hạnh phúc và nảy sinh nhiều hệ lụy pháp lý.
Chiều 2-4, tại quán ăn Việt Nam của chị Ngô Thị Hà ở làng Batu Kapar, một địa điểm tập trung phổ biến của cộng đồng người Việt ở thành phố Klang, chúng tôi bắt gặp rất nhiều phụ nữ Việt Nam rất trẻ đang chăm sóc con nhỏ. Năm cô dâu Việt mà chúng tôi trò chuyện đến từ Thái Nguyên, Thái Bình, Đồng Nai, TP.HCM… đều lấy chồng Malaysia gốc Hoa thông qua sự giới thiệu của những phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng. Phần lớn cô dâu Việt này ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái để chồng đi làm kiếm tiền.
Chị Ngô Thị Hà (40 tuổi) kết hôn với một người Malaysia gốc Hoa góa vợ, hơn chị 20 tuổi. Chị Hà là một trong những cô dâu Việt may mắn khi được chồng thương yêu và san sẻ công việc. Chồng chị vốn làm việc cho một công ty máy tính, nhưng sau khi lấy chị Hà, ông bỏ hẳn việc để phụ giúp vợ trông nom quán ăn.
Người phụ nữ quê Thái Nguyên này vừa mới sinh một bé gái (đã được 6 tháng tuổi) cho biết hai vợ chồng độc lập về tài chính nhưng sẽ cùng nhau góp một khoản tiền vào ngân hàng để trao lại cho con gái khi 18 tuổi. “Chồng tôi có nói rằng tiền bạc không quan trọng vì nếu tôi bỏ ảnh để về Việt Nam là xem như ảnh tay trắng” – chị Hà nói với đôi mắt lấp lánh hạnh phúc.
Trong khi đó, một phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia xin giấu tên tiết lộ với chúng tôi rằng gia đình cô được trả 13.000 ringgit (hơn 66 triệu đồng) cho cuộc hôn nhân với một người Malaysia gốc Hoa. Theo Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, 80% phụ nữ Việt Nam lấy chồng Malaysia thông qua mai mối và môi giới, trong đó phần lớn là kết hôn với đàn ông Malaysia gốc Hoa.
Không may mắn như chị Hà, những cuộc hôn nhân “không tình yêu” khác thường có kết cục bất hạnh. Có người bị bán cho những ông chồng già, có người phải ôm con chạy trốn, có người phải sống cam chịu do bất đồng văn hóa, ngôn ngữ khó chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau.
Lý giải về lý do tại sao đàn ông Malaysia gốc Hoa thường chọn vợ Việt, chị Nguyễn Thị Bích Phương, đại diện Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, nói: “Đàn ông Malaysia gốc Hoa bên này thích vợ Việt vì con gái Trung Quốc ở đây đặt ra yêu cầu rất cao về mẫu người họ sẽ lấy làm chồng. Những người lấy vợ Việt Nam thường có lương thấp hoặc công việc không ổn định”.
Về số lượng phụ nữ Việt lấy chồng gốc Malay theo đạo Hồi, chị Phương cho biết là rất ít, trừ khi phụ nữ Việt Nam chịu theo đạo Hồi hoặc hai bên đến với nhau bằng tình yêu thực sự. Trong số này có chị Trúc Linh ở Ampang, bang Selangor. Vợ chồng chị gặp nhau cách đây 10 năm khi chị Linh đang là sinh viên một trường du lịch ở Vũng Tàu, còn chồng chị làm việc cho một công ty dầu khí Malaysia tại Vũng Tàu. Sau bốn năm tìm hiểu và yêu nhau, hai người đi đến hôn nhân.
Chị Linh cho biết khi quyết định tiến tới hôn nhân với chồng, bản thân chị phải tự điều chỉnh và thực hiện nhiều thay đổi. Ví dụ như chị buộc phải theo đạo Hồi, không được ăn thịt heo và phải ăn mặc kín đáo. Chị Linh kể phải mất hơn một năm chị mới quen dần với những món ăn Malay dành cho người đạo Hồi.
“Dù khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, nhưng tôi cho rằng trong bất kỳ cuộc hôn nhân nào, bí quyết để giữ gìn tổ ấm là cả hai vợ chồng cùng phải điều chỉnh, tôn trọng, chia sẻ và yêu thương lẫn nhau” – chị Linh nói.
![]() |
Chị Ngô Thị Hà (đứng) phục vụ khách tại quán ăn của gia đình ở làng Batu Kapar, thành phố Klang. Đa số phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia gốc Hoa – Ảnh: Q.TR. |
Các hệ lụy pháp lý
Tuy nhiên, sau nhiều năm chung sống, năm ngoái chồng chị Linh bị đột tử, để lại chị và hai con nhỏ, một bé trai 5 tuổi và một bé gái 6 tuổi. Chưa hết đau buồn vì chồng mất, chị lại phải đối diện với những vấn đề pháp lý phức tạp.
“Lúc chồng tôi còn sống, tôi cứ lần lữa mãi mà chưa nộp đơn xin thường trú nhân. Sau khi chồng qua đời, bộ phận phụ trách nhập cư của Malaysia cắt hết quyền nộp đơn xin PR của tôi. Thậm chí họ còn nói tôi may mắn vì hai con có quốc tịch Malaysia, nếu không thì tôi cũng phải “biến” về nước rồi” – chị Linh thở dài.
Chị Linh bây giờ phải làm lại visa tạm trú từng năm một dưới sự bảo trợ của Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia, với mức phí 1.500 ringgit/năm (khoảng 7,7 triệu đồng).
Chị Trúc Linh còn kể với chúng tôi những hệ lụy pháp lý khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi mà nhiều cô dâu Việt đã gặp phải khi kết hôn với người gốc Malay theo đạo Hồi. “Phụ nữ Việt Nam biết rõ là đàn ông Malay theo đạo Hồi được quyền lấy bốn vợ, thế nhưng họ vẫn chấp nhận làm “vợ hờ” của những người này và sinh ra những đứa con ngoài giá thú. Những đứa con ngoài giá thú này không có quyền lợi như những đứa trẻ khác như đi học và nhận dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí của nhà nước” – chị Linh cho biết.
Ngoài ra, chị Linh cho biết theo đạo Hồi, nếu vợ chủ động đòi ly dị chồng thì người vợ không có quyền phân chia tài sản và giành quyền nuôi dưỡng con cái.
Chị Nguyễn Thị Bích Phương đưa ra những khuyến cáo đối với phụ nữ Việt Nam rằng trước khi quyết định lấy chồng nước ngoài hoặc qua đất nước của chồng sinh sống, điều đầu tiên là cần nắm rõ pháp luật của nước sở tại. Chị nói: “Mình là người nước ngoài, do đó vấn đề pháp lý rất quan trọng. Nếu mình nắm bắt vững thì không ảnh hưởng đến bản thân và biết cách đòi hỏi quyền lợi cho bản thân khi có chuyện không may xảy ra…”.
Chị Phương cũng cho biết đa số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Malaysia thường liên hệ với Câu lạc bộ phụ nữ để tư vấn pháp lý. Họ thường hỏi các vấn đề như xin thường trú nhân sau khi kết hôn, được và mất gì sau khi ly hôn, quyền được nuôi con sau khi ly hôn, vấn đề visa sau khi ly hôn hoặc khi chồng mất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia xác nhận ngày 22-4 sắp tới, nhân tổ chức Ngày cộng đồng Việt Nam, lần đầu tiên sứ quán sẽ thuê luật sư chuyên nghiệp người Malaysia để giải đáp tất cả vấn đề pháp lý mà chị em Việt Nam lấy chồng ở đây nêu ra. |
_____________
Kỳ tới: Người phụ nữ Việt nhân ái
QUỲNH TRUNG
NGƯỜI VIỆT LÀM THUÊ Ở MALAYSIA – KỲ 5:
Người phụ nữ Việt Nam nhân ái ở Malaysia
TTO – Trong cộng đồng người Việt tại Malaysia, có một phụ nữ đặc biệt giàu lòng nhân ái, chuyên cứu giúp người Việt gặp nạn, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện.
![]() |
Bà Trần Thị Chang và cô B.T.P.T., người phụ nữ Việt khỏa thân ngoài đường phố ở Malaysia tháng 3-2017 – Ảnh: NVCC |
“Chừng nào còn sức lực, tôi còn giúp. Người Việt dù ở đâu cũng hướng về quê hương đất nước và giúp đỡ lẫn nhau khi xa quê hương |
Bà Trần Thị Chang |
Bà làm việc tốt với quan niệm đơn giản rằng việc tốt sẽ được nhân rộng, giúp cộng đồng phát triển vững mạnh hơn.
Bà là Trần Thị Chang (quê ở Nam Định), có công việc chính là y sĩ tại Viện Tim quốc gia Malaysia trong hơn 20 năm qua.
“Người mẹ thứ hai”
Cộng đồng người Việt tại Malaysia lan truyền hai câu chuyện bà Chang cứu giúp người Việt gặp nạn vô cùng xúc động gần đây.
Đầu tiên, nhờ sự tận tâm của bà, một nam công nhân Việt Nam bị chấn thương nặng đã thoát chết kỳ diệu sau ba tháng điều trị.
Báo chí Malaysia đưa tin anh Lương Văn Nghị, sinh năm 1986, quê quán Hải Dương, bị chấn thương nặng trong vụ sập cầu đi bộ tại thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 30-11-2016.
Ngoài hai mảnh xương đầu gối bị vỡ, nạn nhân còn bị đa chấn thương vùng bụng, hầu hết các cơ quan nội tạng của nạn nhân như gan, lá lách, thận, phổi đều bị ảnh hưởng, có bộ phận bị giập nát như gan. Bên cạnh đó, anh Nghị còn bị nhiễm trùng toàn ổ bụng, gây sốt cao kéo dài.
Phần lớn thời gian ở bệnh viện, anh Nghị nằm trong trạng thái mê man. Các bác sĩ đánh giá đây là một ca chấn thương vô cùng phức tạp và đã có những lúc gia đình gặp bác sĩ với ý định xin cho bệnh nhân về nhà chờ chết.
Tuy nhiên, bà Chang, với trái tim của người y sĩ đã nỗ lực thuyết phục các bác sĩ Malaysia cố gắng cho anh Nghị một cơ hội sống.
Thế rồi anh Nghị đã thoát chết một cách kỳ diệu sau ba tháng chữa trị và vừa trở về quê nhà trong vòng tay người thân vào ngày 15-3 năm nay.
Anh Nguyễn Văn Trại, người thân của anh Lương Văn Nghị, cho biết gia đình anh rất cảm ơn bà Trần Thị Chang và Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã hết lòng giúp đỡ anh Nghị trong thời gian nằm viện.
“Tôi là người chứng kiến cô Trần Thị Chang đã hết lòng giúp đỡ em tôi. Mặc dù bận công tác nhưng cô vẫn tranh thủ đến thăm em tôi hằng ngày trong thời gian nằm viện. Khi em tôi xuất viện, cô đích thân đưa em tôi về phòng trọ.
Trong lúc tôi lo lắng không biết đưa em tôi đi đâu để rửa vết thương thì cô Chang không ngại ngần đến phòng trọ của hai anh em để rửa vết thương cho em tôi” – anh Trại xúc động kể lại trên trang Facebook cá nhân.
Anh Trại cho biết nếu không có sự động viên và giúp đỡ, chăm sóc của bà Chang thì người em Lương Văn Nghị của anh chắc chắn sẽ không thể qua khỏi và anh xem bà Chang như người mẹ sinh ra anh Nghị lần thứ hai.
Một trường hợp người Việt mà bà Chang cứu giúp gần đây chính là cô gái Việt khỏa thân đi quanh các cửa hàng và khu dân cư ở Petangling Jaya ngày 3-3, được báo The Star của Malaysia đăng tải trong đoạn video dài 45 giây và sau đó lan truyền trên mạng xã hội Malaysia.
Một người dân địa phương đã gọi điện thông báo cho cảnh sát và sau đó cảnh sát Malaysia xác nhận người phụ nữ này là người Việt Nam và đưa cô đến Bệnh viện Đại học Malaysia.
Sau đó bệnh viện liên hệ bà Chang nhờ làm phiên dịch. Bà Chang cho biết cô gái này tên B.T.P.T. (30 tuổi), quê huyện Củ Chi, TP.HCM, sang Malaysia làm quán bar.
Sau hơn một năm, cô gái này bỗng dưng hóa điên và không mặc quần áo chạy rông ngoài đường nên bị cảnh sát Malaysia bắt nhập viện.
Sau khi bệnh viện thông báo tình hình T. đã ổn định, bà Chang đến bệnh viện xin miễn tiền viện phí và làm thủ tục xuất viện cho cô.
Sau khi xuất viện, bà Chang đưa cô T. thẳng về nhà mình để chăm sóc, trong thời gian chờ làm thủ tục, giấy tờ đưa cô về nước.
Do T. đã mất hết giấy tờ tùy thân, nên muốn được về Việt Nam thì thời gian làm thủ tục sẽ rắc rối, phải chờ đến cả tháng.
Bà Chang sau đó phối hợp với Ủy ban Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tạo điều kiện giúp đỡ. Sau khoảng một tuần thì cô T. được quay về với gia đình tại Việt Nam.
![]() |
Bà Trần Thị Chang (bìa trái) tận tình băng bó vết thương cho công nhân Lương Văn Nghị, nạn nhân vụ sập cầu đi bộ ở Malaysia tháng 11-2016 – Ảnh: NVCC |
Mong có nhiều “cô Chang”
Không những là người phụ nữ đôn hậu, bà Chang còn rất tâm huyết trong hoạt động đoàn kết, hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Malaysia.
Bà là người đặt nền móng cho Ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia và khởi xướng Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam do đích thân bà làm chủ nhiệm.
Trong bối cảnh số lượng người Việt ở Malaysia ngày càng tăng, với cương vị là lãnh đạo Ban liên lạc người Việt và Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam, bà Chang đã huy động nhiều người duy trì các hoạt động của người Việt như tổ chức ngày tết cộng đồng dịp tết cổ truyền, giỗ Tổ Hùng Vương, quốc tế phụ nữ 8-3, Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10 và Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi.
Bà Chang nổi tiếng trong cộng đồng đến mức cứ có ai gặp nạn là họ giới thiệu đến bà. Khi chúng tôi hỏi bà có ngại không thì bà trải lòng: “Chừng nào còn sức lực, tôi còn giúp. Người Việt dù ở đâu cũng hướng về quê hương đất nước và giúp đỡ lẫn nhau khi xa quê hương”.
Rồi người phụ nữ quê Nam Định chia sẻ thêm: “Năm nào tôi cũng dự hội nghị kiều bào ở quê nhà. Những tấm gương người tốt việc tốt của kiều bào ta ở các nước truyền cho tôi cảm hứng và động lực vượt qua mệt mỏi nhằm giúp xây dựng một cộng đồng Việt kiều vững mạnh ở Malaysia”.
Bà Chang cho biết có hai mong ước. Thứ nhất, Câu lạc bộ phụ nữ Việt Nam tại Malaysia hiện nay chỉ hoạt động dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia nhưng chưa được Chính phủ Malaysia cấp phép chính thức.
Do vậy, bà mong muốn Chính phủ Malaysia cấp phép cho câu lạc bộ này hoạt động một cách hợp pháp, để có tiếng nói hơn trong xã hội Malaysia.
Mơ ước thứ hai của người phụ nữ trung niên này là tập hợp ngày càng nhiều người Việt Nam tâm huyết ở tất cả các bang của Malaysia để xây dựng cộng đồng Việt Nam tại Malaysia thật vững mạnh.
“Muốn được như thế, mỗi người phải là một tấm gương tốt, đứng lên bảo vệ quyền lợi cho mình và cộng đồng” – bà bộc bạch.
Ông Bùi Khánh Long, nhân viên sứ quán Việt Nam tại Malaysia phụ trách cộng đồng người Việt, đánh giá cao mong muốn giúp đỡ mọi người, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người – cộng đồng một cách trong sáng và không vụ lợi của bà Chang. “Tôi thường nói là cần có nhiều người như chị Chang ở Malaysia” – ông Long nói.
Giúp bất cứ ai, từ A đến Z Với tấm lòng thương người bệnh, gắn bó với quê hương, bà Chang luôn được đồng nghiệp và cộng đồng người Việt quý mến và nhắc đến bằng tình cảm trân trọng. Chị Trúc Linh, thành viên câu lạc bộ phụ nữ ở Ampang, bang Selangor, chia sẻ: “Tôi không biết phải nhận xét gì về chị Chang ngoài hai chữ tuyệt vời. Chị ấy cực kỳ nhiệt tình, tốt bụng. Việc gì chị ấy cũng lăn xả vào làm, từ việc đứng ra xin tài trợ cho lớp tiếng Việt, cho đến thiết kế chương trình cho các hoạt động từ thiện. Còn giúp người thì chị ấy giúp bất cứ ai, từ A đến Z”. |
Kỳ tới: Miền đất mới của người Việt trẻ tuổi
QUỲNH TRUNG
NGƯỜI VIỆT LÀM THUÊ Ở MALAYSIA – KỲ CUỐI:
Miền đất mới của người Việt trẻ tuổi
TTO – Những ngày ở Malaysia, chúng tôi nhận ra đây không chỉ là vùng đất mới của những lao động Việt xa xứ, mà còn là nơi thu hút ngày càng nhiều người Việt trẻ tuổi giỏi và năng động thế hệ 8X, 9X sang lập nghiệp.
![]() |
Nguyễn Thị Thanh (thứ năm từ trái sang) và đồng nghiệp tại Công ty Datacom Malaysia – Ảnh: NVCC |
Công ty họ rất hòa nhã, quý trọng nhân viên, tạo điều kiện hết mức cho nhân viên làm việc như được khám chữa bệnh miễn phí, mỗi tháng được phép nghỉ ốm một ngày, thuê nhà cho nhân viên, một năm 12 ngày phép có lương, mọi chuyện đều rõ ràng và rành mạch |
BÙI NGỌC DUY |
Số lượng những người này đang sinh sống và làm việc ở Malaysia ngày càng tăng theo làn sóng di chuyển lao động tự do chất lượng cao trong các nước ASEAN.
Môi trường làm việc tốt
Anh Bùi Ngọc Duy (31 tuổi, quê Phú Thọ), đang làm chuyên viên phân tích nội dung cho công ty đa quốc gia Accenture Malaysia, cho biết người trẻ Việt góp mặt ở rất nhiều công ty và tập đoàn lớn có liên quan đến thị trường Việt Nam như các dự án của Google, Facebook, Dell, Uber…
Ngoài ra, họ còn có mặt trong các công ty bảo hiểm, tài chính, các tập đoàn xây dựng có vốn đầu tư tại Việt Nam. Duy cho biết thêm rất nhiều bạn trẻ Việt Nam học đại học và thạc sĩ tại Malaysia rồi ở lại làm việc.
Cách đây bảy năm, Duy ra trường và được nhận vào làm kỹ sư dự án của Công ty cơ điện Union Việt Nam – một chi nhánh của Công ty PJ Union Malaysia tại Việt Nam – chuyên thi công các hệ thống cơ điện, điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy… làm việc tại khu đô thị mới Thạch Bàn, Hà Nội – nơi mà chủ đầu tư cũng là một tập đoàn lớn của Malaysia tên Berjaya liên doanh với một công ty của Việt Nam.
Vào năm 2012, công ty rút về Malaysia, mang theo những người được chọn qua Malaysia làm việc để tạo hạt nhân cho các dự án tiếp theo. Anh Duy là một trong ba kỹ sư được chọn cùng chín anh em công nhân khác.
Duy cho biết mình bị choáng ngợp bởi hai thứ khi làm việc ở Malaysia. Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, người Malaysia quy hoạch rất thông thoáng, cây xanh phủ khắp nơi, sạch sẽ, hệ thống đường sá, cầu cống chắc chắn, khoa học, thuận lợi.
Kế đến là môi trường làm việc. Anh Duy cho biết người Malaysia có cách làm việc rất rành mạch và rõ ràng, cái gì cũng phải có giấy trắng mực đen, dấu phê duyệt. Các giám sát của những nhà thầu chính, tư vấn của các chủ đầu tư phối hợp rất tốt theo mục đích chung là giúp đỡ lẫn nhau.
“Công ty họ rất hòa nhã, quý trọng nhân viên, tạo điều kiện hết mức cho nhân viên làm việc như được khám chữa bệnh miễn phí, mỗi tháng được phép nghỉ ốm một ngày, thuê nhà cho nhân viên, một năm 12 ngày phép có lương, mọi chuyện đều rõ ràng và rành mạch” – anh Duy chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, giới trẻ Việt ở đây cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ngôn ngữ và thức ăn Malaysia.
“Ngôn ngữ thì lúc mới sang không chỉ là thách thức của riêng mình mà còn rất nhiều bạn khác. Ở đây họ nói tiếng Anh theo kiểu Mã, Ấn, Trung nên lúc đầu có vẻ rất khó nghe. Họ có nhiều ngôn ngữ khác nhau, điều đó làm mình cảm thấy khó khăn khi làm việc vì không phải là người bản địa.
Có lúc họ nói tiếng Trung, có khi lại tiếng Mã, tiếng Ấn nên nhiều khi trong cuộc họp hay các buổi liên hoan ở công ty cũ mình cảm thấy như người thừa vậy” – anh Duy nói.
Nguyễn Thị Thu Hoài (24 tuổi, quê Đà Nẵng), đang là chuyên viên phân tích dữ liệu, nội dung tại thị trường Việt Nam cho dự án Google trụ sở ở Kuala Lumpur, kể trong thời gian còn là sinh viên, cô từng là phó chủ tịch của Tổ chức AIESEC tại Đà Nẵng, chịu trách nhiệm trực tiếp chương trình trao đổi sinh viên.
Hoài cho rằng có lẽ AIESEC chính là nơi truyền cho cô ngọn lửa muốn vươn ra thế giới để học hỏi và trải nghiệm.
Cô gái năng động này từng có thời gian thực tập tại một công ty Pháp ở TP.HCM, hỗ trợ phiên dịch cho tàu biển Mercy của Mỹ.
Sau đó, Hoài đứng trước hai lựa chọn: một là làm cho công ty của Đức tại Đà Nẵng với mức lương khá tốt, con đường thăng tiến sự nghiệp tốt, không cần bận tâm chuyện nhà ở, ăn uống, sống gần gia đình, hai là qua Malaysia làm việc xa nhà.
Và Hoài đã có chọn lựa thứ hai vì muốn được thử thách và phiêu lưu trong một môi trường đa văn hóa, đa quốc tịch.
Trong khi đó thì Nguyễn Viễn Quỳnh Anh (28 tuổi, quê TP.HCM), hiện làm chuyên viên phân tích chất lượng và đánh giá nội dung cho một công ty đa quốc gia với hơn 10 quốc tịch khác nhau ở Kuala Lumpur, nói trong công ty sếp đánh giá và cân nhắc dựa trên năng lực thực sự, bất kể tham gia sau hay trẻ tuổi.
“Tôi được sếp hướng dẫn rất tận tình và định hướng nghề nghiệp cụ thể. Nhìn chung, môi trường làm việc khá tốt, có cạnh tranh (công bằng), có cầu tiến, có học hỏi và cơ hội thăng tiến” – Quỳnh Anh nói.
![]() |
Các bạn trẻ Việt Nam và Malaysia tại văn phòng Công ty Google ở Malaysia – Ảnh: NVCC |
Sẽ trở về Việt Nam, nhưng…
Thu Hoài tâm sự dự định làm việc ở Malaysia thêm một thời gian rồi sau đó sẽ trở về Việt Nam vì “dù gì Việt Nam cũng là quê hương, là nơi mình sinh ra, cả gia đình, bạn bè của mình đều ở đó nữa. Tôi cũng thèm đồ ăn Việt một cách điên cuồng”.
Theo Hoài, nếu Việt Nam muốn phát triển mạnh hơn nữa thì phải tập trung đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng.
“Cứ nghĩ đến về Việt Nam, cảnh mỗi sáng đi làm phải chen chúc kẹt xe, dưới trời nắng nóng, bụi bặm rồi chưa kể những ngày mưa ngập nước lầy lội, chật vật dắt xe trong lúc bụng đói, mệt lả sau một ngày làm việc là mình ngán ngẩm chả dám về chứ không phải không muốn về” – Thu Hoài nói.
Còn Nguyễn Thị Thanh cho biết vì đã làm việc ở Malaysia được 10 năm nên cô và nhiều bạn đồng trang lứa vẫn còn lưỡng lự giữa việc đi hay về bởi vì sợ “sốc ngược văn hóa” khi đã quá quen với cách sống và làm việc ở Malaysia.
“Tôi vẫn sẽ trở về Việt Nam bởi dù sao đó cũng là quê hương. Nhưng tôi chỉ về khi tìm được một mức lương bổng phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của mình, được làm việc cho một công ty đa quốc gia tại Việt Nam” – cô nói.
Bùi Ngọc Duy thì tâm sự vì sức ép từ phía gia đình, chuyện lấy vợ lấy chồng sẽ khiến Duy sớm muộn gì cũng phải quay trở về.
“Nhưng những ngày tháng làm việc bên này sẽ giúp bọn mình rất nhiều khi quay về Việt Nam. Với kinh nghiệm làm việc, tư tưởng và cách tư duy, cách nghĩ ở bên này, bọn mình hi vọng sẽ góp một phần nhỏ bé nào đó cho đất nước trở nên tốt đẹp hơn” – Duy nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh (32 tuổi, quê TP.HCM) sống và làm việc ở Malaysia đã được 10 năm. Năm 2007, Thanh qua Malaysia học ngành quản trị khách sạn và du lịch. “Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng muốn tìm việc trong ngành khách sạn, du lịch nhưng Malaysia không cấp visa cho lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này vì muốn giữ công việc này cho dân bản địa” – Thanh kể. Đầu năm 2011, Thanh bắt đầu làm việc cho các công ty đối tác của Google và Microsoft tại Malaysia. Hiện cô làm quản lý chất lượng cho công ty đa quốc gia Accenture Malaysia. “Khi làm việc cho các công ty đa quốc gia, cơ hội tạo cho mình những kỹ năng độc lập làm việc rất cao. Hầu hết các bạn phải tự độc lập một mình, không thể dựa dẫm ai vì khả năng đào thải rất cao. Phải luôn học và học. Giữa nhân viên và nhân viên thì họ vẫn giúp đỡ mình hết lòng. Nếu muốn thăng tiến, bạn phải chứng minh thực sự mình có năng lực. Quy trình tuyển dụng thì rất minh bạch” – Thanh đúc kết. |
QUỲNH TRUNG