Bỏ quên di sản Chăm – 6 bài

  • Bài 1 : Huyền thoại Thành Lồi
  • Bài 2: Bộ yoni trong làng cổ
  • Bài 3: Linh thiêng điện Hòn Chén
  • Bài 4: Hoang phế tháp đôi Liễu Cốc
  • Bài 5: Bất ngờ tháp Mỹ Khánh
  • Bài 6: Di tích trên núi Rùa

***

Bài 1 : Huyền thoại Thành Lồi

08:06 AM – 25/04/2016 TN

Dấu tích gạch của Thành Lồi hiện còn /// Ảnh: Tư liệu của Bảo tàng
Dấu tích gạch của Thành Lồi hiện còn ẢNH: TƯ LIỆU CỦA BẢO TÀNG

Thành Lồi là một thành cổ độc đáo của Vương quốc Chămpa, gắn liền với nhiều huyền thoại, hiện còn tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế). Di tích vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

Huyền thoại về cuộc chiến tranh không đổ máu

Thành Lồi tọa lạc trên đồi Long Thọ, ở địa bàn hai phường Thủy Xuân và Thủy Biều (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế). Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép: “Ở xã Nguyệt Biều, H.Hương Thủy, thế truyền đây là chỗ ở của vua Chiêm Thành gọi là thành Phật Thệ”. Từ trung tâm TP.Huế theo đường Lê Lợi đi về phía ga Huế, rẽ theo đường Bùi Thị Xuân đi khoảng 4 km, rẽ trái theo đường Huyền Trân Công Chúa 500 m là đến di tích.

Huyền thoại dân gian của vùng Thừa Thiên-Huế từ lâu vẫn lưu truyền rằng, trong quá trình mở cõi về phương nam của quốc gia Đại Việt, giữa người Việt và người Chăm đã xảy ra một cuộc chiến giành chủ quyền vùng đất Thuận Hóa. Hai dân tộc đã đi đến một thỏa ước, cùng nhau xây đắp thành trong một thời gian được ấn định, nếu bên nào xây dựng được thành cao hơn thì bên còn lại phải rút lui để nhường đất lại cho bên thắng cuộc.

Người Chăm thật thà đã ngày đêm huy động sức dân đào đất, xây thành. Khi còn thời hạn một đêm nữa là đến ngày giao ước, phía người Việt vẫn không có bất kỳ động tĩnh nào. Người Chăm đã vui mừng tổ chức ăn uống mừng công cho trường thành của mình đã xây dựng cao. Sau một đêm no say, sáng hôm sau khi thức dậy, quân dân người Chăm nhìn sang bên kia chiến tuyến của người Việt đã thấy hiện lên một tòa thành nguy nga tráng lệ. Tòa thành to lớn và cao hơn thành của người Chăm vạn lần. Thời gian đã hết, người Chăm đã không còn cơ hội để chiến thắng nên đã tự nguyện rút quân, nhường đất cho người Việt.

Tòa thành mà người Chăm đã tốn bao nhiêu công sức xây dựng đêm ngày đó chính là Thành Lồi hôm nay. Còn tòa thành nguy nga tráng lệ của người Việt hóa ra chỉ là tòa thành giả được làm bằng giấy.

Truyền thuyết trên không chỉ được lưu truyền trong dân gian của người Việt mà điều thú vị là trong sử thi của đồng bào dân tộc Tà Ôi – Pa Cô… ở miền núi phía tây Thừa Thiên-Huế cũng được nhắc đến. Theo đó, sử thi của người Tà Ôi đến nay vẫn lưu truyền rằng, cái tên Tà Ôi (có nghĩa là đi lên phía núi) nhằm nhắc nhớ về nguồn gốc của họ từ miền xuôi đi lên phía núi.

Theo sử thi Tà Ôi, họ chính là dân tộc đã thua cuộc trong cuộc thi xây đắp thành ở miền xuôi, buộc phải nhường lại đất cho người anh em để đi lên phía núi, sinh cư, lập nghiệp.

Không chỉ trong sử thi của người Tà Ôi được truyền miệng qua bao đời mà theo ghi chép của H.Parmentier (1871 – 1949), nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm ở VN và các nước Đông Dương, có kể lại rằng:

“Khi bị bắt làm con đường từ Thành Lồi đến Vạn Niên, những người miền núi (người dân tộc Tà Ôi, Pa Cô) cho rằng tòa thành (Thành Lồi) là của tổ tiên họ. Vì làm con đường nên ngôi miếu quốc vương Chiêm Thành bị phá, những người miền núi phản ứng dữ dội, họ kéo đến tòa khâm sứ đòi phạt vạ. Và để giải quyết tình hình, triều đình nhà Nguyễn đã xây dựng một ngôi miếu khác cạnh đó, những người miền núi này thường lui tới ngôi miếu Hồi này (miếu quốc vương Chiêm Thành) mà cầu khấn”.

Hoang phế

Theo tài liệu lý lịch di tích của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế (đơn vị đang quản lý di tích quốc gia Thành Lồi), Thành Lồi là một trong những công trình kiến trúc quân sự khá độc đáo của người Chăm.

Thành có quy mô tương đối lớn, vừa được đào đắp, xây dựng kiên cố, vừa lợi dụng địa thế tự nhiên (có sông Hương làm hào chắn) tạo nên một công trình phòng thủ vững chắc. Tuyến phòng thủ ở bờ nam sông Hương như bức bình phong che chắn cho phía bắc kinh đô của Chămpa ở phía nam.

Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, “Thành Lồi là một thành Chiêm lớn, xây dựng trên vùng đồi Dương Xuân Thượng với đầy đủ hệ thống hào, hệ thống thoát nước…”, niên đại của Thành Lồi không thua kém thành Trà Kiệu, khoảng thế kỷ 5 – 6. Như vậy, Thành Lồi ra đời khá sớm, trước thế kỷ thứ 8.

Tài liệu của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế mô tả thành tọa lạc trên đồi Long Thọ (độ cao từ 30 – 50 m), phía nam, tây, đông đều có các khe nước chảy qua, phía bắc giáp sông Hương.

Nhìn tổng thể, Thành Lồi có dạng gần hình vuông, chu vi dài khoảng 2 km, với cấu trúc khép kín bốn mặt. Các lũy thành nằm đúng theo các hướng tây – nam – đông – bắc. Cấu trúc mặt cắt của tòa thành gồm 3 tầng: Tầng thứ nhất từ bề mặt của thành xuống 1,8 – 2 m bằng đất nện chặt; tầng thứ 2 dày 0,5 – 1 m được đắp bằng gạch, đá cuội xen lẫn và tầng thứ 3 cách bề mặt 2,5 – 3 m dày 1,8 – 2 m được đắp bằng đất nền chặt.

Nguyên vật liệu xây đắp Thành Lồi chủ yếu bằng đất đồi, gạch và đá cuội. Kỹ thuật xây gạch theo kiểu “mài chập liên kết thành khối vững chắc, không có mạch vữa như kỹ thuật xây dựng các công trình kiến trúc Chăm”.

Do trải qua hàng thế kỷ, chịu sự tác động của thiên nhiên và con người nên ngày nay các dấu tích liên quan đến Thành Lồi đều đã ít nhiều thay đổi. Hiện tại, chỉ còn đoạn thành phía nam là tương đối bảo lưu được dấu tích, nên Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế đã chọn đoạn thành này để khoanh vùng bảo vệ di tích, với tổng diện tích của cả hai khu vực là 18.126,4 m2, trong đó khu vực 1 có diện tích là 12.085,3 m2, khu vực 2 có diện tích là: 6.041,1 m2.

Bùi Ngọc Long

***

Bỏ quên di sản Chăm: Bộ yoni trong làng cổ

05:33 AM – 26/04/2016 TN

Bộ yoni độc đáo tại làng cổ Phước Tích /// Ảnh: Ngọc Thạnh
Bộ yoni độc đáo tại làng cổ Phước Tích ẢNH: NGỌC THẠNH

Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) từ lâu vốn nổi tiếng với hệ thống nhà vườn, kiến trúc nhà rường cổ, làng nghề gốm… nhưng ít ai biết trong chính làng cổ này còn có nhiều hiện vật và dấu tích Chămpa độc đáo.

Bộ yoni nằm ngay trước ngôi miếu Quảng Tế, gần khu vực khôi phục lò gốm của người dân làng cổ Phước Tích, xung quanh cây cối, cỏ mọc um tùm. Đây là bộ yoni (biểu trưng cho bộ phận sinh dục nữ) có kích cỡ nhỏ (cao khoảng 70 cm, rộng 60 cm, dài khoảng 70 cm) gồm ba tầng hoàn chỉnh rất đẹp. Bên trên bộ yoni còn có hai khối đá hình cầu. Sau bộ yoni chừng vài bước chân còn có những cột đá, bậc cấp bằng đá…, dấu vết của một công trình kiến trúc Chăm.

Chính người dân làng cổ Phước Tích cũng không biết vì sao bộ yoni này lại nằm ngay trước ngôi miếu Quảng Tế, một ngôi miếu do người Việt xây dựng.

Ông Lê Ngọc Thuận, một người con của làng cổ Phước Tích, cho biết những bậc cao niên trong làng kể ngôi miếu do một bà hoàng của triều Nguyễn xây dựng nhưng cụ thể tên tuổi của người này thì người dân không biết. Lý do xây dựng miếu là bà hoàng bị ốm nặng, chữa mãi không khỏi, nhưng sau khi ra đây cầu khấn thì lành bệnh nên cho xây ngôi miếu để thờ.

Còn ông Lê Trọng Diễn (một người dân làng cổ Phước Tích) cho rằng, đó là ngôi miếu thờ nữ thần. “Quảng Tế” có nghĩa là giúp đỡ, phổ độ rộng rãi. Cũng theo ông Diễn, yoni có trước, tượng trưng cho phái nữ nên sau khi người Việt đến sinh sống ở vùng đất này đã xây dựng thêm miếu nữ thần để thờ. Cũng chính nhờ có ngôi miếu mà bộ yoni đã được gìn giữ qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế cho biết, qua nghiên cứu của ông, làng cổ Phước Tích là nơi mà người Chăm rút đi muộn so với các làng trong khu vực.
Theo lịch sử, làng Phước Tích thành lập vào năm 1470, trùng với thời điểm diễn ra cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tôn (1470 – 1471), trong khi các làng bên cạnh như Mỹ Xuyên ra đời sớm hơn khoảng 40 năm. Điều này cho thấy, sau khi vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân (1306) và thu nhận hai châu Ô, Rí, nhà Trần đã có chính sách mềm mỏng, hòa hợp hơn với người Chăm. Thời gian này người Việt di dân vào và vẫn chung sống hòa thuận với người Chăm.
Cho đến thời vua Lê Thánh Tôn, với cuộc nam chinh quy mô lớn cùng nhiều chính sách cứng rắn hơn, người Chăm ở đây mới bắt đầu rút đi. Minh chứng cho điều này, là cùng với bộ yoni, tại cây bàng trước nhà thờ họ Hồ còn có dấu vết của những bức phù điêu bằng đá được chạm khắc dở dang, tấm đá hình lá đề làm bức màn của một ngôi tháp cổ đã bị xóa sổ. Chính do người Chăm ở làng Phước Tích rời đi muộn hơn nên mới để lại những hiện vật dở dang.

Hiện vật Chăm ở chùa Ưu Điềm

Tại làng Ưu Điềm (cũng thuộc xã Phong Hòa) hiện cũng còn nhiều hiện vật Chăm rất độc đáo. Chùa Ưu Điềm trước đây người dân địa phương gọi là chùa Phật Lồi, do chùa được xây dựng trên cơ sở của một công trình kiến trúc Chămpa bị đổ nát, trong đó có tượng nữ thần Chăm, nên dân gian gọi là Bà Lồi, hay Phật Lồi.

Hiện chùa có 13 hiện vật điêu khắc Chămpa, trong đó gồm 2 mảnh bệ được tạo tác hình vuông, hai cấp; một yoni hình vuông (đã bị vỡ), cạnh 1,1 m, vòi nhô ra 0,36 m, dày 0,23 m; một linga hình khối, chia hai phần, phần dưới hình bát giác, phần trên hình trụ tròn; 6 trụ cột đá, tạo dáng hình vuông hoặc bán nguyệt, trên có hoa văn trang trí hình khuyên, hình bát giác; một bệ và tượng tạo tác hình khối, bị vỡ phần tượng, bốn mặt bệ khắc tạc hình ảnh vũ nữ ngồi quỳ hầu, sư tử và bông sen; hai tấm tựa, một tấm bị vỡ còn một nửa có hình ảnh lợn lòi, một tấm nguyên vẹn trên mặt khắc hình ảnh hai vị thần cưỡi bò Nandin, bên trái phía trên là hình ảnh vị thần ngồi trên tòa sen, phía dưới là hình ảnh người hầu tay cầm gậy, bên phải phía trên là vị thần cưỡi chim thần Garuđa, phía dưới là vũ nữ cưỡi chim (Thiên Nga)… Đây là những hiện vật có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa.

Ông Trần Lý Thố, một phật tử hiện đang trông coi chùa Ưu Điềm, cho biết trước đây do chiến tranh và ý thức người dân chưa hiểu về di tích, nên một số hiện vật Chăm tại đây đã bị mất mát, hư hỏng. Ví như bức tượng nữ thần đã bị biến dạng qua nhiều “biến cố”. Nguyên tượng được tạc bằng sa thạch, do ý thức bảo quản chưa tốt nên người ta đã cho sơn son thếp vàng. Vào những năm từ 1975 – 1980, kẻ trộm tưởng là bằng vàng thật nên đã đến cưa tay, cưa đầu. May thay, tượng bằng đá nên đám ăn cắp đã bỏ lại, dân làng thỉnh về hàn lại. Nhiều phiến đá cũng đã bị lấy đi để làm vật liệu xây cầu, cống trong các thời kỳ khác nhau…

Hiện tại, để bảo quản những hiện vật này, ban hộ tự đã xây dựng một miếu thờ nhỏ, gom những hiện vật Chăm còn lại của chùa tôn trí vào một khuôn viên bên trái chánh điện. Ngoài việc bảo quản của người dân, cho đến nay chính quyền và các ngành chức năng của địa phương hầu như vẫn chưa có một giải pháp nào để bảo tồn phát huy những giá trị di tích Chăm độc đáo này.

Bùi Ngọc Long

***

Bỏ quên di sản Chăm: Linh thiêng điện Hòn Chén

08:00 AM – 27/04/2016 TN

Điện Hòn Chén trong lễ hội Huyền thoại sông Hương /// Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế
Điện Hòn Chén trong lễ hội Huyền thoại sông Hương ẢNH: TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Điện Hòn Chén nằm trên núi Ngọc Trản soi bóng bên dòng sông Hương (thuộc xã Hương Thọ, TX.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) là chốn linh thiêng trong văn hóa tâm linh của những tín đồ thờ Mẫu.

Đền thiêng với giai thoại chén ngọc

Theo dân gian, điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”. Chuyện kể rằng, vua Minh Mạng trong một lần ngự thuyền trên sông Hương, khi đến khúc sông trước điện Hòn Chén đã lỡ tay đánh rơi một chiếc chén ngọc xuống sông sâu. Những tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.

Giai thoại là vậy nhưng trong các văn bằng, sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản).

Theo ông Phạm Đức Thành Dũng (Phòng Nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế) trong quần thể di tích cố đô Huế, núi Ngọc Trản xưa kia có tên Hương Uyển Sơn, sau đổi thành Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh Mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.

Năm 1885, sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh đã cho tu sửa lại điện Hòn Chén và… “hạ mình” xưng thần dưới trướng của bà Thiên Y A Na.

Giai thoại kể lại rằng, trước khi đăng quang, vua Đồng Khánh từng lên đây cầu nguyện và chính bà Thiên Y A Na đã báo quẻ cho hoàng tử biết ngày đăng quang lẫn ngày tạ thế. Sau khi lên làm vua, thấy linh nghiệm, vua Đồng Khánh đã cho xây lại đền khang trang, đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Điện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Theo đó, Huệ Nam có nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam.

Sách Đại Nam thực lục ghi: “Vua (Đồng Khánh) khi còn ẩn náu thường đến chơi xem núi ở đây. Mỗi khi đến cầu khẩn, phần nhiều có ứng nghiệm. Đến nay vua phê bảo rằng: Đền Ngọc Trản thực là núi Tiên Nữ, linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ là hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người độ đời, giúp cho phúc lợi hàng muôn, giúp dân giữ nước, vậy cho đổi đền ấy làm điện Huệ Nam để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần”.

Chưa được phát huy giá trị

Điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần Po Nagar của người Chăm. Sau đó, người Việt đã dung hợp và phát huy tín ngưỡng này thành nơi thờ Mẫu, các vị thần của người Việt. Hằng năm vào các dịp tháng 3 và tháng 7 âm lịch, lễ hội điện Hòn Chén thu hút hàng vạn du khách, tín đồ đến hành lễ, cầu nguyện. Ngoài hai dịp lễ hội, điện Hòn Chén cũng là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn hằng năm.

Nghi lễ điện Hòn Chén được tổ chức rất long trọng trong vòng 3 ngày thành một chuỗi lễ nghi tâm linh độc đáo.

Bắt đầu là lễ tế thành hoàng, thổ địa tại đình làng Hải Cát. Sau đó đám rước mang bàn thờ Thánh, long kiệu Thánh Mẫu, hòm sắc vua phong và các khí tự như tán, cờ, quạt… trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm. Long kiệu của Thánh Mẫu do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng; còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt… Thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác.

Đám rước đưa Thánh Mẫu trở lại điện Hòn Chén để bắt đầu nghi lễ chính thức. Trong suốt 3 ngày, từ ngày khai hội đến ngày kết thúc, các tín đồ sẽ tổ chức hát văn, lên đồng, hầu bóng suốt đêm. Đây được xem là một lễ hội tâm linh độc đáo, hòa quyện giữa văn hóa dân gian và cung đình, giữa tín ngưỡng người Chăm và người Việt.

Mặc dù là điểm du lịch hấp dẫn như vậy, nhưng hầu như tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn chưa có chính sách đầu tư để khai thác tiềm năng của di tích độc đáo này. Đến nay, con đường ô tô, bãi đỗ xe cho du khách chưa có. Du khách muốn đến điện Hòn Chén nếu không đi theo đường thủy, thì chỉ còn đi trên con đường làng của người dân thôn Hải Cát.

Bên cạnh đó, lễ hội từ xưa đến nay đều mang tính tự phát, mặc dù đơn vị quản lý là Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế có phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan tổ chức, nhưng chưa đi vào bài bản. Ví như tại di tích trong thời điểm diễn ra lễ hội quy tụ hàng vạn người nhưng không có nơi đốt vàng mã, sân hành lễ, khu vực dịch vụ thức ăn, nước uống… nên tất cả đều do những hộ kinh doanh thời vụ đảm trách.

Tại đây cũng không có khu vực neo đậu thuyền an toàn, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, thu gom rác… Tất cả rác thải đều trút xuống sông Hương. Sau mỗi mùa lễ hội, dòng sông trở thành nơi chứa rác và cũng đã không ít lần xảy ra tai nạn đắm thuyền, cháy nổ.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý di tích điện Hòn Chén), cho biết dự án xây dựng đường vào điện Hòn Chén, nối từ cầu Tuần về đến điện Hòn Chén được Sở KH-ĐT bố trí vốn và giao UBND TX.Hương Trà đầu tư, hiện đã làm được một phần. Riêng việc trùng tu điện Hòn Chén, theo chủ trương của UBND tỉnh, vốn đầu tư được yêu cầu lấy từ nguồn xã hội hóa.
Hiện nay, trung tâm vận động được khoảng gần 800 triệu đồng, nhưng do điện Hòn Chén thuộc quần thể di tích cố đô, là di tích cấp quốc gia đặc biệt, thuộc nhóm A, nên các thủ tục đầu tư trùng tu hiện nay vô cùng phức tạp.

Bùi Ngọc Long

***

Bỏ quên di sản Chăm: Hoang phế tháp đôi Liễu Cốc

08:37 AM – 21/05/2016 TN

Hình ảnh tháp đôi Liễu Cốc hoang phế với cây cối, dây leo bao phủ. /// Ảnh: B.N.L
Hình ảnh tháp đôi Liễu Cốc hoang phế với cây cối, dây leo bao phủ. ẢNH: B.N.L

Di tích tháp đôi Liễu Cốc là công trình kiến trúc Chăm độc đáo tại Thừa Thiên-Huế, nhưng do không được đầu tư bảo tồn, tôn tạo nên đến nay công trình đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích.

Kỹ thuật xây dựng độc đáo

Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế (đơn vị đang quản lý di tích), tháp đôi Liễu Cốc là hai ngôi tháp của người Chăm nằm gần nhau (tạm quy định: Liễu Cốc 1 và Liễu Cốc 2) cách nhau 2,80 m tại xóm Tháp, thôn Liễu Cốc Thượng, P.Hương Xuân, TX.Hương Trà.

Theo các nhà nghiên cứu, tháp đôi này được xây dựng gần nhau trên 2 trục song song hướng đông-tây, trong đó tháp lớn được lát, bó vỉa bằng gạch, tường tháp dày 1,6 m, diện tích lòng tháp trên 9 m2; tháp nhỏ khoảng 7,5 m2. Hai ngôi tháp có lối vào nằm về phía đông, phù hợp với nguyên tắc xây dựng của các đền đài thuộc phong cách của văn hóa Ấn Độ giáo.

Tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng bằng gạch gốm nung có kích thước: 27 cm x 17 cm x 5 cm. Nền tháp được xây bó vỉa bằng gạch, chân tường được xây bằng gạch gốm, giữ vai trò chịu lực của tháp là tường chịu lực, các viên gạch được sắp đặt một cách sít nhau đều ở cả lớp trong và lớp ngoài của tường tháp, ở giữa thân tường là lớp độn bằng gạch vụn, bột gạch.

Theo tác giả Trung Phương, cán bộ nghiên cứu của bảo tàng, kỹ thuật xây dựng của tháp đôi Liễu Cốc rất tuyệt hảo và tinh vi. Tháp được xây dựng không có mạch hồ mà đã đứng vững hàng ngàn năm. Đây là kỹ thuật đặc trưng trong xây dựng của người Chăm mà đến nay vẫn còn là một bí mật chưa có công trình khoa học nào giải mã được.

Qua kỹ thuật xây dựng, kiến trúc của tháp các nhà nghiên cứu đã nhận định có thể xác định niên đại của chúng là vào khoảng thế kỷ thứ 9. Năm 1926, tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu xếp hạng là một trong số các di tích được xếp hạng trong toàn cõi VN và Đông Dương lúc bấy giờ.

Tháng 9.1997, di tích này được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, di tích tháp đôi này dần bị rơi vào quên lãng và thiếu các phương án bảo tồn…

Bỏ quên vì không có kinh phí

Do không được trùng tu, tôn tạo cũng như có giải pháp bảo tồn phát huy, nên hiện tại cả hai ngôi tháp đang đứng trước nguy cơ rơi vào hiện trạng “phế tích”. Theo đó, cả hai tòa tháp đã bị cây cối um tùm, dây leo bao phủ hoang tàn đến mức không còn nhận ra.

Theo UBND P.Hương Xuân, hiện trạng xuống cấp của di tích tháp đôi Liễu Cốc đã… xảy ra từ lâu! Trong các cuộc họp, người dân cũng có kiến nghị bảo vệ, phục hồi lại di tích này nhưng do thiếu kinh phí nên hằng năm, phường chỉ tổ chức phát quang cây cối, bụi rậm bao quanh di tích chứ không thể làm gì hơn.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 150 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Trong đó chỉ có 3 di tích Chăm được công nhận là di tích quốc gia gồm di tích Thành Lồi (P.Thủy Xuân và Thủy Biều, TP.Huế), tháp đôi Liễu Cốc (P.Hương Xuân) và di tích tháp Chăm Mỹ Khánh (ở xã Phú Diên, H.Phú Vang).

Di sản văn hóa Chăm trên đất Huế chính là một phần của di sản văn hóa VN. Tuy nhiên, do các di tích Chăm tồn tại từ thời cổ xưa nên qua thời gian biến động đến nay hầu hết bị xuống cấp, mai một đi nhiều so với những di tích Chăm ở các tỉnh như Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Đặc biệt, trong 3 di tích Chăm được công nhận thì chỉ có tháp Chăm ở xã Phú Diên được bảo vệ nguyên vẹn. Trong khi đó, di tích tháp đôi Liễu Cốc nay đã bị sụp đổ nên công tác bảo tồn hết sức khó khăn, còn di tích Thành Lồi cũng trong tình trạng tương tự.

“Trung bình mỗi năm, bảo tàng chỉ được cấp kinh phí khoảng 3 đến 4 tỉ đồng để trùng tu các di tích, riêng năm 2015 chỉ có 400 triệu đồng… nên việc bảo tồn các di tích, trong đó có một số di tích Chăm thật sự là bài toán nan giải. Thậm chí có di tích đã khai quật lên nhưng chúng tôi buộc phải lấp cát lại vì không có đủ tiền để bảo tồn.

Trước mắt, để bảo vệ hiện trạng các di tích Chăm, bảo tàng đã khoanh vùng và giao cho chính quyền địa phương triển khai các công tác bảo vệ theo quy định. Riêng về tháp đôi Liễu Cốc, tới đây đơn vị sẽ phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện thám sát khảo cổ học tại tháp này để có đánh giá cụ thể về kiến trúc di tích này nhằm tìm hướng khôi phục di tích nếu có thể”, ông Hùng cho hay.

Bùi Ngọc Long

***

Bỏ quên di sản Chăm: Bất ngờ tháp Mỹ Khánh

01:37 PM – 20/05/2016 TN

Tổng thể tháp chăm Mỹ Khánh sau khi được xây dựng hệ thống nhà bảo quản /// Ảnh: B.N.L
Tổng thể tháp chăm Mỹ Khánh sau khi được xây dựng hệ thống nhà bảo quản ẢNH: B.N.L

Sau hàng thế kỷ bị chôn vùi, năm 2001 tại vùng cát ven biển thuộc thôn Mỹ Khánh (xã Phú Diên, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) các ngành chức năng đã phát hiện một tháp Chăm độc đáo còn khá nguyên vẹn.

Phát hiện bất ngờ

Ngày 18.4.2001, tại thôn Mỹ Khánh, cách TP.Huế khoảng 30 km về hướng đông nam, theo QL 49B, trong quá trình đào hố khai thác titan nhóm công nhân thuộc phân xưởng Phú Diên (Công ty Khoáng sản Thừa Thiên-Huế) phát hiện một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát, ở độ sâu từ 5-7m so với mặt đất. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Sở VHTT (nay là Sở VH-TT-DL), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế) phối hợp với các ngành liên quan tiến hành khảo sát, thám sát di tích.

Trong thời gian từ ngày 3-5.8.2001, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành đào thám sát, sau đó phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật và phát hiện một tháp Chăm (gọi là tháp Chăm Mỹ Khánh).

Kết quả khảo cổ cho thấy di tích là một khối kiến trúc hình chữ nhật, không có phần mái (chóp) được xây dựng bằng vật liệu duy nhất là gạch có kích thước 30 x 20cm, dày 6cm, diện tích khoảng 30 m2, độ dày của mỗi bức tường từ 90cm-0,1m. Chính giữa 4 bức tường được thiết kế 4 vòm cửa, riêng cửa phía đông là cửa chính ra vào, 3 vòm của còn lại là cửa giả, trang trí họa tiết, hoa văn, kích thước cơ bản giống nhau.

Chính giữa lòng di tích, ở độ sâu 1,4 m có một Yoni kích thước 60cm x 60cm, dày 10cm, vôi dày 12cm, được làm bằng chất liệu đá xám (xilicat). Yoni được đặt trên bệ gạch (80cm x 80cm) ở giữa Yoni và bệ thờ có hai mảnh kim loại màu vàng dát mỏng.

Cách móng tháp về hướng đông nam 2,95m có một nền gạch dài 1,95m, rộng 55cm, ngoài là dấu vết của một đoạn tường bao quanh tháp. Cách cửa phía đông tháp 15m là một khối gạch có kích thước 1m x 1m, cao 1,25m trên mặt bệ là một vòng tròn đường kính 74cm xếp hình núi, giữa có một lỗ tròn 18cm.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện có một bờ đê với hàng cọc kè về hướng đông nam 12m… Từ những phát hiện có thể khẳng định đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm-pa rất có giá trị về khoa học và lịch sử, kiến trúc bởi từ kiến trúc đến hình dáng, kỹ thuật xây dựng, các họa tiết trang trí ngoài tường tháp đều mang đậm phong cách kiến trúc Ấn Độ giáo. Đặc biệt là sự có mặt của Yoni đã khẳng định đây là một di tích Chăm-pa.

Các nhà chuyên môn nhận định, tháp Chăm Mỹ Khánh được xây dựng và trang trí khá hoàn chỉnh, cân đối, hài hòa. Sự liên kết các mảng trang trí của tháp có tính liên tục, hòa nhập, đối xứng, tạo ấn tượng thuyết phục, tỉ mỉ mà không rườm rà, mạnh mẽ nhưng không thô cứng. Từ chân đế đến thân, diềm mái và đặc biệt là 4 vòm cửa đều có tính đăng đối, uy nghi. Kỹ thuật xây dựng sử dụng duy nhất là gạch nung kết nối với nhau bằng mạch mài, không có vôi vữa, đây là kỹ thuật xây dựng đặc trưng của người Chăm.

Từ kiến trúc, trang trí, vật liệu xây dựng và các hiện vật liên quan, kết hợp với kết quả phân tích mẫu vật bằng C14 của Viện Khoa học xây dựng (Bộ Xây dựng) các nhà chuyên môn đã kết luận tháp Chăm Mỹ Khánh có cùng niên đại với kiến trúc Mỹ Sơn E1 sang kiến trúc tháp Hòa Lai, thuộc đầu thế kỷ thứ 8. Việc phát hiện tháp Chăm Mỹ Khánh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Di sản chờ… khách

Ngay sau khi phát hiện di tích độc đáo này, tháng 12.2001, Bộ VHTT đã có quyết định xếp hạng di tích tháp Chăm Mỹ Khánh là di tích quốc gia. Đến tháng 10.2005, Bộ VH-TT và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt dự án trùng tu với kinh phí gần 4 tỉ đồng.

Dự án được giao cho Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thực hiện các hạng mục: gia cố nền móng chân tháp; gia cường kết cấu chống sụp đổ công trình; bảo quản vật liệu xây tháp, chống xuống cấp; tạo không gian môi trường thuận lợi cho bảo vệ, nghiên cứu và tham quan du lịch. Sau 2 năm triển khai, tháng 5.2007 công trình trùng tu tháp Chăm Mỹ Khánh hoàn thành.

Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế cho biết: Do di tích nằm ở vùng sát biển, nên các hạng mục bảo vệ như các hệ khung inox, nhà kính sau thời gian ngắn xây lắp đã bị hoen gỉ, xuống cấp…

Nguồn kinh phí hằng năm dành cho công tác quản lý, bảo vệ cũng hạn chế nên chưa bảo quản và phát huy tốt giá trị của di tích. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây cũng là di tích được quan tâm đầu tư và quản lý tương đối tốt nhất so với các di tích khác tại Thừa Thiên-Huế.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc chi nhánh Vietraval tại Huế cho biết, trong các tour đến Huế, Vietraval đều có đưa di tích tháp Chăm Mỹ Khánh vào điểm đến để cho du khách lựa chọn. Tuy nhiên, do việc quảng bá, giới thiệu di tích chưa nhiều nên cũng rất ít du khách chọn điểm đến này.

Cũng theo ông Khánh, hiện nay có một số hãng tổ chức theo hình thức du lịch khám phá có đưa khách tới những điểm này, nhưng cũng hạn chế vì lượng du khách thích các tour khám phá không nhiều. Không có du khách, không có nguồn thu nên di tích này hiện tại vẫn rất hoang vắng…

Bùi Ngọc Long

***

Bỏ quên di sản Chăm: Di tích trên núi Rùa

09:51 AM – 19/05/2016 TN

Một khối đá hình chóp đỉnh tháp tại núi Rùa. /// Ảnh: TL của Bảo tàng
Một khối đá hình chóp đỉnh tháp tại núi Rùa. ẢNH: TL CỦA BẢO TÀNG

Sau một thời gian dài quên lãng, tháng tháng 1.2015, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) tổ chức buổi tọa đàm khoa học về di tích chùa Trấn Hải và những dấu tích Chăm trên núi Rùa.

Di tích quan trọng

Núi Rùa (tên chữ là Linh Thái, hay còn gọi là Quy Sơn) là một ngọn núi nhô lên như hình một con rùa nằm bên cửa biển Tư Dung (cũ) nay là cửa biển Tư Hiền, thuộc xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc.

Buổi tọa đàm và chuyền đề một lần nữa hâm nóng lại di tích quan trọng đã bị “ngủ quên” một thời gian dài chưa được nghiên cứu và có hướng bảo tồn. Sau buổi tọa đàm, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã tổ chức chuyên đề khoa học giới thiệu di tích quan trọng này trên tập chuyên san Liễu Quán – Huế số tết Ất Mùi.

Theo đại đức Thích Không Nhiên, để thực hiện chuyên đề, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã tổ chức hơn 5 lần điền dã, phát quang và đã tìm thấy dấu tích nền móng, nhiều gạch, đá táng cột… của ngôi chùa Trấn Hải trên đỉnh cao nhất của núi Linh Thái.

Ở ngọn đồi thấp hơn phía sau, đoàn cũng đã phát hiện dấu tích của một tháp Chăm đã đổ nát, trong đó một phần của thân tháp vẫn còn cùng với rất nhiều viên gạch. Đặc biệt, có hai trụ đá cao 2m, bề rộng mỗi mặt 40cm có khắc chữ Chăm trên ba mặt, cùng nhiều phiến đá đã bị vỡ có hình tượng thần…

Cũng theo đại đức Thích Không Nhiên, trên núi Linh Thái, ở đỉnh núi cao nhất, nơi có dấu tích của chùa Trấn Hải là một khu vực bằng phẳng có diện tích vài ngàn mét vuông. Nếu tiến hành khai quật khu vực này sẽ biết được quy mô của chùa Trấn Hải một cách đầy đủ nhất.

Theo sách Nam triều cống nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, cho biết vào năm Bính Ngọ (năm Cảnh Trị thứ 4-1676) khi dạo chơi ở cửa Tư Dung, chúa Nguyễn Phúc Tần đã nhìn thấy trên đỉnh núi Linh Thái có một tháp Chăm đã hoang phế, nhưng vẫn rất linh hiển, người dân địa phương vẫn hương khói phụng thờ.

Chúa đã sai quan thủ bạ Trần Đình Ân dời ngọn tháp Chăm ra ngọn đồi phía sau, rồi tiến hành xây dựng một ngôi chùa thờ Phật trên đỉnh núi, đặt tên là chùa Vinh Hòa. Sau khi Tây Sơn chiếm được kinh thành Phú Xuân (1786) ngôi chùa đã bị san phẳng.

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong một lần tuần du nhìn thấy quang cảnh hoang tàn của ngôi chùa nên nhà vua đã đã cho tu sửa.

Chỉ dụ về việc tu sửa lại chùa, nhà vua viết: “Nay chuẩn cho dựng lên ở núi Thuý Hoa (còn gọi là Thúy Vân- PV) một chùa, một gác, một tháp gọi là chùa Thánh Duyên; gác gọi là gác Đại Từ, tháp gọi là tháp Điều Ngự và dựng một chùa, một lầu ở núi Linh Thái, chùa gọi là chùa Trấn Hải, lầu gọi là lầu Vọng Hải để cho việc thờ Phật được trang nghiêm cùng với núi cao biển trong, bền vững lâu dài mãi mãi”.

Trong khi chùa Thánh Duyên đến nay vẫn còn thì chùa Trấn Hải không biết đã sập đổ thời kỳ nào mà đến nay chưa có tài liệu nào nhắc tới.

Đề xuất hướng bảo tồn

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, thời Pháp thuộc, linh mục L.Cadie trong bài viết “Công trình và kỷ vật Chăm” đã khảo sát khu vực này và có bài viết mô tả chi tiết. Năm 1918, H.Parmentier trong công trình khảo cứu Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung (L’Inventaire descriptifs de monuments Chams de L’Annam) đã khảo tả một cách đầy đủ, kèm theo sơ đồ, bản vẽ nhiều dấu vết văn hóa Chăm ở núi Linh Thái.

Cũng theo ông Hoa, những người Pháp không chỉ nghiên cứu, khảo tả mà còn mang về ba bức tượng Chăm. Hiện tại ba bức tượng này, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Các nhà nghiên cứu có mặt tại buổi tọa đàm cho rằng, nếu giải mã được nội dung chữ Chăm trên những minh văn này thì sẽ làm sáng tỏ được nhiều điều thú vị từ di tích này.

Từ những dấu tích và tư liệu về di tích quan trọng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, đề xuất: “Nền cũ chùa Trấn Hải và phế tích tháp Chăm Linh Thái đã bao năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, linh khí một thời và dấu xưa vẫn còn đó, nên chăng Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên-Huế cần đứng ra vận động một cuộc đại trùng tu chùa Trấn Hải, gắn với việc tỉnh Thừa Thiên-Huế cần sớm tổ chức khai quật khảo cổ học khu di tích Linh Thái và hành cung Tư Hiền, tiến tới hình thành một đề án quy hoạch phát triển kinh tế-văn hóa vùng của biển Tư Hiền và đảo Huyền Trân lừng danh trước đây, kết nối với khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để trở thành một động lực phát triển ở cửa ngõ phía nam Thừa Thiên-Huế.

TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cũng cho rằng, để có thể đánh giá một cách đầy đủ các di tích chùa Trấn Hải cũng như di tích Chăm trên núi Linh Thái, sắp tới cần có một cuộc khai quật khảo cổ học do cơ quan văn hóa thuộc nhà nước chủ trì. Từ đó, sẽ đánh giá một cách toàn diện để có hướng bảo tồn phát huy những giá trị của những di tích văn hóa độc đáo này.

Bùi Ngọc Long

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: