Ám ảnh giữa trùng khơi – 5 kỳ

Ám ảnh giữa trùng khơi
Ám ảnh giữa trùng khơi: Bôn ba cứu nạn

Ám ảnh giữa trùng khơi (*) Thắc thỏm bên Icom
Ám ảnh giữa trùng khơi (*): Trần ai đòi bồi thườngÁm ảnh giữa trùng khơi (*) Thiết thực bảo vệ ngư dân

***

Ám ảnh giữa trùng khơi

10/01/2016 22:47

NLD – Ngư dân ra khơi bao giờ cũng cầu mong sóng yên, biển lặng song đôi khi thiên tai vẫn không ám ảnh bà con bằng “nhân tai” – tàu cá của mình bị tàu Trung Quốc tông chìm, cướp bóc, thậm chí bắn phá

Gần 10 ngày sau khi thoát chết trở về, 10 ngư dân tàu cá QNg 98459 TS của ông Huỳnh Văn Thạch (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn không tin mình có thể sống sót sau những cú đâm chí mạng từ tàu Trung Quốc (TQ). “Nếu không có anh em tàu cá của mình cứu giúp, có lẽ chúng tôi đã nằm lại dưới đáy biển lạnh lẽo” – ông Thạch rùng mình.

Tai họa rình rập

Ông Thạch cho biết trưa 1-1, khi tàu QNg 98459 TS trên đường từ Đà Nẵng ra đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đánh bắt, các ngư dân đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ nghe tiếng tàu ầm ầm lao tới. Họ chưa kịp trở tay thì chiếc tàu vỏ sắt to đùng, trên thân kẻ dòng chữ TQ đã phóng thẳng mũi vào mạn tàu QNg 98459 TS.

Tàu cá QNg 98459 TS tơi tả sau 2 lần bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va Ảnh: BÍCH VÂN
Tàu cá QNg 98459 TS tơi tả sau 2 lần bị tàu Trung Quốc cố tình đâm va Ảnh: BÍCH VÂN

“Bảy ngư dân trên tàu QNg 98459 TS rớt xuống biển. Tôi cùng 2 ngư dân nhào ra kêu la nhưng những kẻ trên tàu TQ vẫn phớt lờ. Chiếc tàu vỏ sắt to gấp 4 lần tàu cá chợt lùi lại rồi tiếp tục đâm bổ vào tàu chúng tôi” – ông Thạch nhớ lại.

Thuyền trưởng Mai Trọng Hiếu kể lại chuyện tàu cá của mình bị tàu Trung Quốc cướp phá Ảnh: KỲ NAM
Thuyền trưởng Mai Trọng Hiếu kể lại chuyện tàu cá của mình bị tàu Trung Quốc cướp phá Ảnh: KỲ NAM

Sau 2 cú tông, chiếc tàu cá Quảng Ngãi vỡ vụn rồi chìm dần. Các ngư dân cố ngoi lên mặt nước, vẫy tay cầu cứu nhưng chiếc tàu TQ vẫn thản nhiên bỏ đi. “Tôi chạy vội vào cabin gọi bộ đàm về đất liền cầu cứu, nhờ Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Đức Phổ báo cho cơ quan chức năng, đồng thời gọi các tàu cá gần đó ứng cứu. Biển lúc ấy có sóng to, gió cấp 6, nước rất lạnh nên hết sức nguy hiểm” – ông Thạch kể.

Hơn 2 giờ chờ đợi, các ngư dân tàu QNg 98459TS mới được 4 tàu cá Quảng Ngãi đang đánh bắt gần đó tiếp cận. Ngư dân 4 tàu này đã cùng nhau tát nước hơn 3 giờ để tàu QNg 98459 TS nổi lên rồi lai dắt về bờ.

“Trên biển, tàu cá của ngư dân mình nhỏ nhoi như hạt cát trên sa mạc. Chúng tôi chờ đợi người đến cứu mà như ngồi trên đống lửa. Anh em có người đã bật khóc vì sợ. Khi được cứu, con tàu chỉ còn nửa mét nữa là chìm hẳn” – ông Thạch thở phào.

Nhiều ngư dân khẳng định không phải vô ý mà ngược lại, các tàu TQ đã cố tình đâm va vào tàu cá của Việt Nam. Ông Trần Khắc Thạch (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ tàu cá KH 95797 TS, cho biết một lần vào tháng 9-2015, khi đang đánh bắt ở vùng biển quần đảo Trường Sa thì tàu ông bị một tàu “lạ” cố ý tông mạnh vào mạn làm 6 ngư dân rơi xuống nước. “Sự việc xảy ra quá bất ngờ nên tôi chỉ kịp nhìn thấy tàu kia sơn màu cam. May mắn là một tàu Khánh Hòa đánh bắt gần đó ứng cứu kịp thời, vớt được 6 người. Vụ này làm tôi thiệt hại gần 1,3 tỉ đồng” – ông tiếc rẻ.

Gặp chúng tôi mới đây, anh Mai Trọng Hiếu (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), thuyền trưởng tàu cá KH 92396 TS, cho biết vẫn còn ám ảnh về chuyến đi biển nhớ đời hôm 18-8-2015. Chuyến đó, tàu KH 92396 TS đánh bắt gần quần đảo Hoàng Sa, khi chuẩn bị về đất liền thì bị tàu TQ bất ngờ đâm sầm từ phía sau.

“Tàu này áp sát tàu chúng tôi, 6 người cầm roi điện và súng nhảy qua khống chế anh em ngư dân. Sau đó, khoảng 15 người nữa cầm súng nhảy qua. Chúng lấy hơn 2 tấn cá, 1 tấn lưới, 5 cuộn dây lặn, phá hủy 1 máy Icom, 1 máy quét…Sau 5 giờ khống chế ngư dân để cướp tài sản, nhóm người này chỉ để lại duy nhất máy định vị la bàn do vướng 4 sợi dây không lấy đi được. Do không thể liên lạc với các tàu cá khác cũng như lực lượng chức năng để nhờ giúp đỡ, chúng tôi phải dựa vào la bàn này chạy liều về nhà. 10 ngày sau, chúng tôi mới về đến vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa” – anh Hiếu thuật lại.

“Đông như quân Nguyên”

Vừa trở về sau chuyến đánh bắt ở Hoàng Sa, ngư dân Võ Bá Nha (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết sau sự kiện đưa giàn khoan trái phép đến đặt ở vùng biển nước ta, tàu TQ hoạt động ở đây “nhiều như quân Nguyên” và rất hung hăng. “Bây giờ, cứ mỗi chuyến ra khơi, anh em chúng tôi đều phải chạm mặt tàu TQ có khi đến chục lần” – ông khẳng định.

Theo ông Nha, vùng biển Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt bao đời nay của ngư dân miền Trung. Song, vài năm nay, ở các đảo quanh Hoàng Sa xuất hiện rất nhiều tàu TQ. “Các tàu này táo tợn vô cùng, cứ thấy tàu cá Việt Nam là xịt vòi rồng xua đuổi, chạy ra đâm va, thậm chí cướp phá tài sản. Tàu cá của ngư dân mình nhỏ bé, lại đi đơn lẻ thì làm sao chống chọi được những tàu sắt thép TQ to lớn gấp nhiều lần? Bởi thế, chúng tôi phải vừa đánh bắt vừa cử người quan sát để tránh đụng chạm với tàu TQ” – ông Nha bức xúc.

Ông Huỳnh Văn Thạch cho hay trước khi bị tàu vỏ sắt TQ đâm chìm, tàu QNg 98459 TS và các ngư dân từng nhiều lần bị quấy nhiễu, phá hoại đồ đạc. “Tàu ngư dân mình đang đánh bắt thì tàu TQ chạy tới. Họ ném chai lọ, vật cứng vào tàu mình khiến đồ đạc bị vỡ đổ. Tàu TQ vốn chạy nhanh hơn nên khi họ cố tình gây sự thì ngư dân mình lãnh đủ” – ông Thạch lo ngại.

Theo ông Huỳnh Tranh, ngư dân tàu QNg 98459 TS, chuyện đi biển bị tàu TQ tấn công giờ xảy ra như cơm bữa. “Ngư dân mình đi biển chủ yếu bằng tàu gỗ nhỏ bé, lại đánh bắt nhỏ lẻ nên gặp tàu TQ hay các tàu nước ngoài khác rất dễ bị bắt nạt. Bây giờ đi biển, ngoài chuyện lo sóng gió, ngư dân chúng tôi còn ngại chạm mặt tàu TQ nữa. Đánh bắt trên biển của mình mà bị người ta chèn ép, tức không chịu nổi” – ông uất ức.

Nhiều ngư dân đều có chung nhận định họ đi biển ngày càng lo sợ “nhân tai” hơn cả thiên tai. “Các tàu cá bây giờ đều trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc nên cập nhật kịp thời tình hình thời tiết. Khi có mưa bão, các tàu đều chủ động trú tránh kịp thời. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chủ động tránh được các tàu TQ hay tàu “lạ” nếu họ cố tình tấn công”  – một ngư dân giải thích.

Kỳ tới: Bôn ba cứu nạn

Quấy phá thường xuyên

Theo nhiều ngư dân, không chỉ bị tàu TQ cố tình đâm va, việc bị quấy phá còn xảy ra như cơm bữa. Thuyền trưởng Đào Ngọc Đức (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết cuối năm 2015, tàu ĐNa 90370 TS của ông đang đánh bắt ở vịnh Bắc Bộ thì bị tàu TQ kéo đến quấy phá.

“Đội tàu của họ đi theo từng đoàn, mỗi đoàn hơn 100 chiếc. Tàu của tôi thả lưới chưa kịp kéo thì họ cho tàu giã cào chạy ngang qua. Chúng tôi đã cố ra hiệu nhưng họ mặc kệ, vẫn đi thẳng khiến 400 tấm lưới rách nát. Tụi tôi kéo lưới lên, nhìn mà đau như đứt cả ruột gan. Trước đó, tôi đã nghe các chủ tàu bạn nhắc phải cảnh giác nhưng không tin là tàu TQ lại chủ động phá mình” – ông Đức ấm ức.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN
***

Ám ảnh giữa trùng khơi: Bôn ba cứu nạn

11/01/2016 22:41

NLD – Nghe tin tàu cá của ngư dân ta bị tàu Trung Quốc đâm chìm, nhiều khi chẳng hề quen biết, họ vẫn sẵn sàng bỏ cả chuyến đánh bắt với phí tổn hàng trăm triệu đồng để chạy đến ứng cứu

Đầu tháng 1-2016, tàu cá QNg 98459 TS của thuyền trưởng Huỳnh Văn Thạch (ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 9 ngư dân đã trở về Đà Nẵng an toàn sau khi bị tàu Trung Quốc (TQ) đâm chìm trên vùng biển Quảng Trị. “Bốn tàu cá của ngư dân mình đánh bắt gần nơi tàu chúng tôi gặp nạn đã đến ứng cứu kịp thời. Chúng tôi thật may mắn khi gặp được những người bạn đi biển tốt bụng như vậy” – ông Thạch xúc động.

“Lục Vân Tiên” trên biển

Ông Huỳnh Bi (trú Quảng Ngãi), thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 94429 TS, là người đầu tiên tiếp cận hiện trường tàu QNg 98459 TS gặp nạn. Ông Bi cho biết trên đường ra ngư trường đánh bắt, ông nhận được tin tàu của ông Thạch bị tàu TQ đâm chìm qua tổng đài Icom của Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Đức Phổ.

“Tàu tôi đi từ Đà Nẵng đêm 31-12-2015. Khi cách chỗ anh Thạch khoảng 50 hải lý, tôi nghe tin anh ấy gặp nạn nên cho tàu tăng hết tốc độ chạy tới ứng cứu. Lúc đó, tàu tôi chưa thả mẻ lưới nào” – ông Bi nhớ lại.

 

Các ngư dân tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn trên biển được một tàu bạn ứng cứu Ảnh: TỬ TRỰC
Các ngư dân tàu cá Quảng Ngãi gặp nạn trên biển được một tàu bạn ứng cứu Ảnh: TỬ TRỰC

Theo ông Bi, khi tàu của ông tiếp cận được tàu ông Thạch, các ngư dân đang ngoi ngóp dưới nước lập tức trèo lên. Họ vừa mệt mỏi vừa hoảng sợ vì phải vật lộn suốt 3 giờ trong sóng gió. “Lúc ấy, chiếc tàu bị tông nát bét sắp chìm hẳn. Biết sức mình không cứu nổi nên tôi gọi Icom cho 3 tàu bạn tới giúp. Do gió lớn, biển động mạnh nên việc cứu hộ hết sức khó khăn. Anh em ngư dân chúng tôi đụng chuyện thì cứu nhau thôi chứ có được hướng dẫn cách cứu hộ, cứu nạn gì đâu. Chúng tôi chỉ biết trước hết là cứu người rồi sau đó mới cứu của” – ông bày tỏ.

Tàu QNg 98459 TS nổi lên vào khoảng 18 giờ hôm 1-1 nhưng phải đến 2 giờ sáng hôm sau mới có thể lai dắt về bờ. Ông Bi cho biết nhiều thứ không thiết yếu trên tàu ông như lương thực, nước đá… đều vứt bỏ để nhẹ hơn, lai dắt tàu gặp nạn dễ hơn. Ngư dân tàu ông Bi cũng nhường chỗ ngủ nghỉ, thức ăn cho ngư dân tàu gặp nạn.

Trước đó, tối 15-7-2015, nhận được tin tàu cá QNg 90559 TS của ông Trương Văn Đức (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu TQ đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, ngay lập tức, thuyền trưởng Võ Hải (cùng ngụ huyện Bình Sơn), chủ tàu QNg 95779 TS, bỏ dở chuyến đánh bắt để chạy đến cứu. Trong đêm tối giữa trùng khơi, khoảng cách 16 hải lý từ nơi tàu ông Hải đánh bắt đến vị trí tàu gặp nạn dường như dài hơn.

Ông Đức tâm sự: “Nếu hôm đó không có tàu anh Hải, chúng tôi đã thành mồi ngon cho cá rồi”. Ông Đức cho biết tối 9-7-2015, khi tàu của ông cùng 4 tàu cá khác của ngư dân Bình Sơn đang đánh bắt cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa chừng 4 hải lý thì 1 tàu TQ xuất hiện truy đuổi.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào, chúng tôi chạy né hướng khác. Chiếc tàu TQ vẫn ráo riết đuổi theo. Đến khoảng 23 giờ, tàu TQ bất ngờ pha đèn và bắn đạn thật về phía tàu chúng tôi. Sau đó, tàu này tăng tốc, tông mạnh vào mạn tàu chúng tôi làm thủng lỗ lớn. Thấy tàu chúng tôi chìm dần, tàu TQ mới bỏ đi. Các ngư dân đều hoảng loạn, còn tôi cố điều khiển tàu chìm chậm hơn và dùng bộ đàm gọi các tàu bạn đến cứu” – ông Đức kể.

Nhận được tin, thuyền trưởng Võ Hải lập tức cho tàu chạy đến ứng cứu, đồng thời điện báo về đất liền. “Khi chúng tôi đến nơi đã hơn 1 giờ, toàn bộ 11 ngư dân trên tàu anh Đức đều rớt xuống biển. Tôi xót xa vô cùng, vội cho tàu chạy tìm từng người. Hôm sau, tôi quyết định bỏ luôn chuyến biển để đưa anh em tàu gặp nạn về đất liền” – ông nhớ lại.

Mất chuyến này thì đi chuyến khác

Đến giờ, gần 2 năm trôi qua nhưng 9 ngư dân đi chuyến biển trên tàu BĐ 51349TS do anh Lê Văn Vương (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng vẫn nhớ như in lần mình gặp nạn trong đêm. Hôm ấy, tàu BĐ 51349TS đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thì bị tàu “lạ” đâm phải. Tàu cá bị thủng một lỗ to, hỏng máy và chìm dần. Sau khi phát tín hiệu cấp cứu, 9 ngư dân đành bỏ tàu lên thuyền thúng.

Sau nhiều giờ chống chọi với sóng gió, các ngư dân được tàu chở dầu của Panama cứu, riêng anh Vương vẫn cố bám trụ để cố giữ tàu cá. Nhận được tín hiệu cầu cứu, ngay trong đêm, 12 tàu cá của ngư dân Khánh Hòa đã đến hỗ trợ tàu BĐ 51349 TS.

Ông Nguyễn Ngọc Trí (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thuyền trưởng tàu KH 96732 TS, cho biết: “Dù không hề quen biết ai trên tàu BĐ 51349 TS nhưng nghe tin họ gặp nạn, tôi liền cho tàu chạy hết ga, vượt 40 hải lý đến giúp. Chúng tôi và các tàu bạn tìm cách bơm nước để tàu BĐ 51349 TS nổi lên rồi trám lỗ thủng. Hôm sau, chúng tôi quyết định bỏ chuyến biển để đưa tàu gặp nạn và các ngư dân về cảng Hòn Rớ”.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Bi, chuyến biển đầu năm vừa qua, ông dự định đánh bắt khoảng 20 ngày nên chuẩn bị rất đầy đủ. Tiền mua dầu, thực phẩm, nước đá… ông đều phải vay mượn nóng. “Phí tổn chuyến biển đó khoảng 400 triệu đồng. Tuy vậy, cứu được tàu anh Huỳnh Văn Thạch là vui rồi. Nghề đi biển, sợ nhất là gặp nạn rồi mới đến sợ lỗ lã. Mất chuyến biển này thì mình đi chuyến khác bù lại thôi” – ông Bi bộc bạch.

Ông Thạch cho hay do bị đâm chìm nên tàu ông thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng tiền trang thiết bị. Chưa kể, gần 400 triệu đồng chuẩn bị lương thực, dầu, nước đá cho chuyến đi đều mất sạch. “Tàu tui bị đâm chìm nên thiệt hại là đúng, trong khi anh Bi cũng vì giúp tui mà mất cả chuyến biển, lỗ không dưới 400 triệu đồng” – ông Thạch áy náy.

Theo ông Bi, người đi biển dù là ngư dân hay thuyền viên tàu hàng khi thấy người gặp nạn đều phải ra tay cứu giúp. “Đó là quan niệm, là luật bất thành văn của người đi biển. Đằng này, nhiều tàu TQ cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân ta rồi bỏ mặc ngư dân ngụp lặn dưới biển thì quả là tội ác” – ông Bi bức xúc.

 

Không tính toán thiệt hơn

Ông Nguyễn Văn Tính – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang – cho rằng cơ quan chức năng chỉ giúp được tàu gặp nạn ở gần bờ, còn tàu đi đánh xa nếu bị sự cố thì tự cứu nhau là chính.

“Như cuối tháng 12-2015, một tàu cá của nghiệp đoàn gặp nạn, 4 tàu cá khác phải cùng nhau lai dắt ròng rã suốt 4 ngày mới về được đất liền. Anh em trong nghiệp đoàn giúp nhau lúc hoạn nạn là chính chứ không tính toán thiệt hơn. Nhiều ngư dân sẵn sàng bỏ cả chuyến biển, chấp nhận lỗ vốn để cứu tàu bạn” – ông Tính nhìn nhận.

 

Kỳ tới:Thắc thỏm bên Icom

Nhóm phóng viên
***

Ám ảnh giữa trùng khơi (*) Thắc thỏm bên Icom

12/01/2016 22:15

NLD – Bị tàu Trung Quốc quấy phá, đâm chìm trên biển, ngư dân vừa gọi nhờ tàu cá xung quanh đến cứu giúp vừa thông báo về các đài Icom trong bờ. Gặp tình huống như vậy, “hậu phương” cũng căng thẳng, hoảng loạn chẳng kém

Cuối tháng 11-2015 vừa qua, làng chài Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi rúng động khi tin báo về qua đài Icom cộng đồng cho biết ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết ở vùng biển Trường Sa lúc đang đánh bắt trên tàu QNg 95861 TS.

Rụng rời nghe tin dữ

Người nhận thông tin từ các ngư dân báo về đầu tiên là ông Nguyễn Thanh Nam, lúc ấy đang trực đài Icom cộng đồng xã Bình Châu. Ông Nam nhớ lại: “Đêm đó trời mưa dữ dội, tôi đang thiu thiu ngủ thì tiếng bộ đàm vang lên. Qua tiếng gió hú, anh em ngư dân báo tin anh Bảy bị những kẻ đi trên tàu nước ngoài bắn chết rồi. Nghe xong, tôi rụng rời chân tay. Cố lấy lại tinh thần, tôi đến nhà anh Bảy nhưng chỉ báo với đứa con, không dám nói với vợ anh ấy”.

Nghe ngóng tin tức tàu cá gặp nạn trên biển tại đài Icom cộng đồng xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: Tử Trực
Nghe ngóng tin tức tàu cá gặp nạn trên biển tại đài Icom cộng đồng xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: Tử Trực

 

Theo ông Nam, từ khi tàu Trung Quốc (TQ) liên tục tấn công, quấy phá tàu cá Việt Nam, ngư dân luôn sử dụng Icom. “Có ngày, tàu ngư dân mình bị phía TQ rượt đuổi đến 3-4 lần, thậm chí họ còn cố tình tông cho chìm. Mỗi lần nhận tin như thế, những người trực Icom chúng tôi cứ rối bời, chẳng biết phải làm sao. Không báo cho vợ con ngư dân thì không được nhưng báo thì họ càng thêm lo” – ông trăn trở.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho rằng nhờ có máy Icom mà ngư dân ra khơi được yên tâm hơn. “Trước đây, khi ra biển, thông qua Icom, ngư dân thông báo cho nhau vùng nào có cá, vùng nào thời tiết xấu… Còn hiện nay, ngư dân gọi về chủ yếu báo vùng nào có tàu TQ đang quấy phá. Nhiều tàu cá cũng nhờ Icom mà tránh được đụng độ với tàu TQ, tránh tổn thất do sự ngang ngược của họ gây ra” – ông Hùng nói.

Mới đây, những người trực đài Icom trong bờ cũng xôn xao về vụ tàu QNg 98459 TS của ông Huỳnh Văn Thạch (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 9 ngư dân bị tàu TQ tông chìm ở vùng biển Quảng Trị hôm 1-1. “Hay tin, bà con lo lắng vô cùng. Họ chạy lên chạy xuống đài Icom nghe ngóng tin tức. Tôi cũng luôn mở máy, dò xem có anh em nào bắt được tín hiệu để báo tin tức cho bà con yên tâm. Khi tin tức từ các tàu cá báo về những ngư dân gặp nạn đã được cứu giúp, bà con mới yên tâm” – ông Huỳnh Luận – người trực đài Icom xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ – kể.

Theo ông Luận, chỉ riêng ngư dân xã Phổ Quang, mỗi năm đã có hàng chục tàu cá bị tàu “lạ” tông chìm, gây hư hỏng hay cướp phá tài sản. “Nếu không có máy Icom nối giữa tàu cá và đất liền sẽ có rất nhiều ngư dân, tàu cá gặp nạn mà không hề hay biết” – ông Luận nói.

“Hậu phương” phập phồng

Hôm tàu cá QNg 98459 TS gặp nạn, chị Võ Thị Cẩm, vợ thuyền trưởng Huỳnh Văn Thạch, đã ngất xỉu ngay sau khi nhận được tin qua đài Icom.

Gặp chúng tôi ở Đà Nẵng trong khi chờ tàu QNg 98459 TS cùng các ngư dân được tàu cá bạn lai dắt về bờ, chị Cẩm bày tỏ: “Tôi thường nghe chồng kể về chuyện tàu TQ quấy phá tàu cá của ngư dân mình. Nhiều lần thấy tàu về cảng mà bị vỡ kính, hư hại đồ đạc, tôi rất xót của. Tôi từng bàn với chồng bán tàu, bỏ nghề đi biển nhưng anh ấy không chịu. Anh ấy bảo phía TQ chỉ dọa chứ không dám tông tàu mình đâu, vậy mà họ tông thiệt”.

Chị Võ Thị Cẩm, vợ ngư dân Huỳnh Văn Thạch, khóc ròng khi nghe tin tàu cá của chồng cùng 9 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm Ảnh: Bích Vân
Chị Võ Thị Cẩm, vợ ngư dân Huỳnh Văn Thạch, khóc ròng khi nghe tin tàu cá của chồng cùng 9 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm Ảnh: Bích Vân

 

Từ Đức Phổ, chị Cẩm và chị Đồng Thị Huệ Thu – vợ ngư dân Huỳnh Giao, cùng đi trên tàu QNg 98459 TS – lập tức đón xe ra Đà Nẵng chờ đón người thân. Hai người đàn bà đi trong đêm, đến sáng đã ngồi ở cảng vừa khóc vừa ngóng mắt dõi ra biển.  “Tụi tôi ngồi trong bờ biết chi chuyện ngoài biển… Nghe nói các ngư dân an toàn rồi nhưng tụi tôi nhìn thấy mặt mới hết lo” – chị Thu sụt sùi.

Khi những ngư dân tàu QNg 98459 TS vừa bước lên bờ, 2 phụ nữ liền nhào lại ôm chầm người đàn ông của mình, nước mắt giàn giụa. “Ông bà mình nói “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm” thật đúng quá” – chị Cẩm nghẹn ngào.

Trước đó, vào tháng 5-2015, dư luận cả nước đã hết sức phẫn nộ khi tàu ĐNa 90152 TS bị tàu TQ đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa. Bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90152 TS, nhớ lại: “Chuyến đó chồng tôi ốm không đi biển nhưng 10 ngư dân trên tàu đều là anh em, bạn bè thân thiết. Nghe tin báo về qua Icom, vợ con họ kéo nhau đến nhà tôi, vừa khóc lóc vừa gào thét tên người thân. Mọi người đều ngóng chiếc Icom trong nhà đổ chuông để biết tin tức”.

Bà Hoa cho hay khi nhận được thông báo các ngư dân đã được cứu sống, bà vẫn không dám tin. Trong suốt 3 ngày, khi các cơ quan chức năng lai dắt con tàu cùng 10 ngư dân gặp nạn về bờ, không lúc nào bà chợp mắt được. “Khi họ bước lên bờ, tôi đếm đủ 10 người mới thở phào nhẹ nhõm” – bà Hoa cho biết.

Kỳ tới: Trần ai đòi bồi thường

Nhóm phóng viên
***

Ám ảnh giữa trùng khơi (*): Trần ai đòi bồi thường

13/01/2016 22:09

Nhiều ngư dân có tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm, cướp phá xem đó như tai họa “trời kêu ai nấy dạ”, đừng mơ được bồi thường. Cũng có người theo đuổi việc kiện tụng nhưng phía Trung Quốc cứ dây dưa, chẳng hề đếm xỉa

Sau khi bị tàu Trung Quốc (TQ) đâm chìm ở vùng biển Quảng Trị, tàu cá QNg 98459 TS cùng thuyền trưởng Huỳnh Văn Thạch (ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và 9 ngư dân được đưa về Đà Nẵng vào đầu tháng 1-2016 vừa qua. Gặp chúng tôi, khi nhắc đến chuyện đòi phía TQ đền bù, ông Thạch lắc đầu: “Tôi xem việc tàu của mình bị tàu TQ đâm chìm là chuyện xui rủi và sẽ không tiến hành khởi kiện đòi bồi thường”.

Phía Trung Quốc không thiện chí

Ông Thạch cho rằng việc đòi bồi thường chỉ tốn thời gian mà khó mang lại kết quả vì phía TQ chắc chắn không chịu thừa nhận. “Tôi đã trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng để họ nắm sự tình. Giờ đây, tôi lo sửa lại tàu để ra khơi và mong cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển” – ông bày tỏ.

 

Việc kiện đòi bồi thường của bà Huỳnh Thị Như Hoa do tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm vẫn còn mờ mịt Ảnh: BÍCH VÂN
Việc kiện đòi bồi thường của bà Huỳnh Thị Như Hoa do tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm vẫn còn mờ mịt Ảnh: BÍCH VÂN

Theo ông Thạch, rất nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi từng bị tàu TQ đâm chìm, cướp phá tài sản nhưng hầu hết ngư dân đều xem đó là chuyện “trời kêu ai nấy dạ”, chẳng mấy ai nghĩ đến việc kiện đòi bồi thường. Nếu phía TQ tỏ ra thiện chí thì ngư dân còn có chỗ kỳ vọng, đằng này họ cứ làm ngơ. Vụ việc bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu hải cảnh TQ đâm chìm, theo đuổi chuyện kiện tụng trong vô vọng là một minh chứng.

Bà Hoa rầu rĩ: “Tàu của tôi bị đâm chìm vào tháng 5-2014, đến nay đã gần 2 năm. Dù đã tiến hành khởi kiện nhưng gia đình tôi nhờ người dân cả nước ủng hộ, cơ quan chức năng hỗ trợ và vay thêm tiền ngân hàng để đóng tàu mới ra khơi, chứ chờ phía TQ đền bù thì biết đến bao giờ…”.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, gia đình bà Hoa đã thu thập bằng chứng – như hình ảnh, video, lời kể của nhân chứng… – để tiến hành kiện đòi phía TQ bồi thường thiệt hại. “Vụ kiện vẫn đang bế tắc do phía TQ không hợp tác. Gia đình tôi đã giao việc này cho người đại diện pháp luật là luật sư Đỗ Pháp” – bà Hoa cho biết.

Theo luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), hồ sơ, thủ tục khởi kiện phía TQ của chủ tàu cá ĐNa 90152 TS đã hoàn chỉnh cách đây hơn 1 năm. Ngoài những chứng cứ, chứng lý, ông còn thu thập các biên bản hiện trường hôm xảy ra vụ việc do lực lượng Kiểm ngư Việt Nam lập… “Hồ sơ khởi kiện của chúng tôi rất đầy đủ. Với bộ hồ sơ này, chúng tôi có thể làm thủ tục khởi kiện ở các tòa án Việt Nam hoặc quốc tế. Nếu ra tòa, thân chủ của tôi chắc chắn sẽ thắng” – ông tự tin.

Thế nhưng, vụ kiện của bà Hoa đến nay vẫn bế tắc do thiếu… bị đơn. “Chứng cứ tại hiện trường đã chứng minh rõ ràng con tàu TQ đâm chìm tàu bà Hoa là tàu vỏ sắt, số hiệu 11202. Do vụ kiện có yếu tố quốc tế nên bị đơn cần được cơ quan chức năng TQ xác nhận. Bộ Ngoại giao ta đã nhiều lần gửi công hàm tới Đại sứ quán TQ, đề nghị chuyển yêu cầu xác nhận đơn vị chủ quản tàu 11202. Tuy vậy, Đại sứ quán TQ đến giờ vẫn không có thông tin trả lời”  – ông Pháp băn khoăn.

Theo luật sư Pháp, phía TQ im lặng là để vụ việc dây dưa khiến nguyên đơn chán nản mà bỏ cuộc. “Về con tàu 11202, chúng tôi đã sang tận TQ tìm hiểu và biết được nó đang thuộc quyền sở hữu của Công ty Phát triển nguồn lực thủy sản TQ, trụ sở tại TP Thượng Hải” – ông tiết lộ.

Trông chờ chính sách hỗ trợ

Cũng có tàu cá bị tông chìm khi đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa vào tháng 9-2015, ông Trần Khắc Thạch (ngụ phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết tài sản thiệt hại là 1,3 tỉ đồng. Sau khi gặp tai vạ trên biển, gia đình ông lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

“Không còn tàu ra khơi, tôi phải đi đánh bắt cho tàu bạn nhưng tiền công không đủ nuôi 2 đứa con ăn học. Hơn 3 tháng nay, tôi ngược xuôi làm thủ tục đòi bảo hiểm mà phía bảo hiểm cứ bắt chờ hoài, không chịu thanh toán. Gia đình còn nợ 200 triệu đồng, phía ngân hàng vẫn tính lãi hằng tháng, tình cảnh hết sức thê thảm” – ông Thạch buồn bã.

Trong khi đó, sau sự cố bị một tàu “lạ” bắn phá, cướp bóc tài sản trị giá gần 500 triệu đồng vào tháng 12-2014, ông Phan Quốc Hùng (ngụ phường Vĩnh Phước), đã vay mượn tiền sửa lại tàu, sắm ngư cụ để tiếp tục ra khơi. Đến nay, ông cơ bản khắc phục được thiệt hại, tàu cá vẫn kiên trì bám biển Trường Sa đánh bắt.

Ông Lê Trọng Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước, cho biết: “Chúng tôi đã tiếp sức anh Hùng bằng việc làm hồ sơ xin hỗ trợ từ các quỹ tấm lòng vàng và từ đóng góp của thành viên nghiệp đoàn. Được hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng, anh Hùng rất cảm động và tình nguyện viết đơn gia nhập nghiệp đoàn”.

Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, chính sách hỗ trợ ngư dân khi có tàu bị đâm chìm, cướp phá còn thấp. Vì thế, khi ngư dân gặp nạn, chủ yếu chi cục làm hồ sơ xin các quỹ tấm lòng vàng, Hội Nghề cá… hỗ trợ. Ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa – cũng đồng tình rằng chính sách hỗ trợ ngư dân gặp nạn là quá thấp, đồng thời đề nghị cần có chính sách bảo đảm cho bà con tiếp tục ra khơi đánh bắt.

Một điều vướng mắc nữa là hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Tính – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang – tàu cá dù được quỹ tấm lòng vàng hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên nhưng khi gặp nạn, phía bảo hiểm chỉ chịu thanh toán nếu tàu chìm, người chết. “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân, thanh toán các loại bảo hiểm khi tàu gặp sự cố, bị đâm chìm, cướp bóc trên biển” – ông đề đạt.

Kỳ tới: Thiết thực bảo vệ ngư dân

Góp phần khẳng định chủ quyền

Luật sư Đỗ Pháp cho rằng việc ông sát cánh cùng chủ tàu ĐNa 90152 TS quyết tâm theo đuổi vụ kiện phía TQ đến cùng không phải là chuyện riêng của bà Huỳnh Thị Như Hoa hay của ông mà là chuyện chung của ngư dân cả nước, nhất là những người có tàu cá từng vô cớ bị đâm chìm, cướp phá.

“Vụ kiện này là chính đáng để đòi bồi thường thiệt hại do phía TQ gây ra. Vụ kiện cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và cả Trường Sa” – ông Pháp nhìn nhận.

 

Nhóm phóng viên
***

Ám ảnh giữa trùng khơi (*) Thiết thực bảo vệ ngư dân

14/01/2016 23:13

NLD – Thiết bị định vị vệ tinh giúp cơ quan chức năng quản lý, theo dõi, cứu hộ, cứu nạn tàu cá khi gặp nạn rất hữu hiệu nhưng nhiều ngư dân vẫn không sử dụng do còn nhiều bất cập

Nhận thấy được sự hữu hiệu trong việc bảo vệ ngư dân của các thiết bị định vị vệ tinh (ĐVVT), từ nhiều năm nay, nhà nước đã tranh thủ các dự án hợp tác, nguồn vốn để hỗ trợ lắp đặt cho các tàu cá đánh bắt xa bờ (ĐBXB).

“Phủ sóng” thiết bị định vị vệ tinh cho tàu cá

Đến nay, nhà nước đã hỗ trợ lắp đặt 8.000 thiết bị ĐVVT cho tàu cá. Trong đó, 3.000 tàu được lắp đặt miễn phí hệ thống Movimar (dự án từ nguồn vốn ODA của chính phủ Pháp); khoảng 5.000 tàu được hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị ĐVVT.

Lắp đặt thiết bị vệ tinh cho tàu cá Phú Yên Ảnh: Hồng Ánh
Lắp đặt thiết bị vệ tinh cho tàu cá Phú Yên Ảnh: Hồng Ánh

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho rằng hệ thống Movimar phục vụ rất tốt công tác chỉ đạo điều hành, theo dõi hành trình tàu cá của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, rất ít ngư dân duy trì sử dụng thiết bị này do chưa thấy được lợi ích của nó và vì muốn giấu ngư trường. Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, lý giải thêm: “Sử dụng thiết bị Movimar vừa phải nộp phí vừa phải xác nhận nhiều thủ tục rườm rà nên ngư dân không hào hứng”.

Tại sao rất ít ngư dân dùng hệ thống Movimar và thiết bị ĐVVT nói chung? Tỉnh Quảng Ngãi có 305 thiết bị Movimar được phân bổ nhưng phần lớn đã bị gỡ bỏ vì không phát huy hiệu quả. Thay vào đó, ngư dân tự sắm máy định vị dễ sử dụng hơn, chủ yếu là Icom.Ngư dân Huỳnh Văn Danh (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) giải thích: “Khi chúng tôi mở Movimar thì không nghe gì ngoài âm thanh rè rè. Nhiều khi Icom thông báo có bão nhưng hệ thống Movimar vẫn im re”.

Ở Phú Yên, đến nay, có 120 tàu cá được hỗ trợ lắp đặt thiết bị Movimar. Cũng như nhiều nơi khác, hầu hết ngư dân đều tháo bỏ thiết bị này, chỉ còn 4 tàu giữ lại nhưng hoạt động cầm chừng. “Hệ thống Movimar chỉ kết nối được với trạm bờ duy nhất đặt tại Hà Nội nên không thuận lợi trong việc liên lạc. Thiết bị này giám sát trên bờ và nhắn tin từ tàu vào bờ nhưng không có chức năng đàm thoại, trong khi ngư dân không quen với thao tác nhắn tin” – ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, lý giải.

Theo ông Phương, một lý do quan trọng nữa là thiết bị Movimar không được cơ quan chức năng xác nhận chuyến biển để nhà nước hỗ trợ nên ngư dân muốn bỏ để chuyển sang thiết bị vệ tinh khác là VX 1.700, vừa có chức năng đàm thoại lại vừa được xác nhận chuyến biển để hỗ trợ.

Tuy vậy, không chỉ cơ quan chức năng mà các ngư dân cũng đánh giá rất cao các thiết bị ĐVVT. Ông Trương Văn Hay (chủ tàu cá ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Thiết bị ĐVVT hỗ trợ ngư dân một cách thiết thực, nhất là khi gặp nạn trên biển như bị tàu Trung Quốc quấy phá”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng để thiết thực bảo vệ ngư dân, cần tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án Movimar và khắc phục những bất cập đang tồn tại. Ngoài ra, Chính phủ cần quy định bắt buộc tàu ĐBXB phải lắp đặt, sử dụng thiết bị ĐVVT đã được đầu tư.

Theo ông Võ Văn Trác, việc lắp thiết bị ĐVVT là rất quan trọng đối với cả ngư dân lẫn cơ quan quản lý, đặc biệt trong bối cảnh ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc và tàu nước ngoài nói chung tấn công.

“Né” cơ quan chức năng?

Có một thực tế là lâu nay, dù các tàu cá đều lắp đặt thiết bị định vị, liên lạc nhưng khi ĐBXB, hầu hết ngư dân đều tắt, gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý, cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, ngư dân thường tắt thiết bị định vị, liên lạc là vì muốn giữ kín ngư trường đánh bắt. Chỉ khi nào tàu cá hay ngư dân gặp nạn, họ mới phát tín hiệu cầu cứu.

Trong khi đó, ông Phan Thuẫn – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa – cho biết khi gặp nạn, ngư dân rất ngại liên lạc với cơ quan chức năng. “Khi nào bất đắc dĩ lắm, nếu không cứu nhanh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng thì bà con mới nhờ đến lực lượng chức năng. Đơn giản là vì lực lượng chức năng chỉ cứu nạn – tức cứu người – miễn phí, còn cứu hộ tàu cá thì ngư dân phải trả chi phí xăng dầu hàng trăm triệu đồng” – ông Thuẫn nói. Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác – Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, cũng thừa nhận việc cứu hộ tàu cá hiện nay là phải trả chi phí và điều này khiến  nhiều ngư dân “né” lực lượng chức năng.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, điều quan trọng là lực lượng chức năng trên biển cần bám sát ngư dân hơn. “Tàu cá của ta khi gặp nạn, tàu cứu hộ, cứu nạn phải được điều từ rất xa đến ứng cứu nên nhiều khi không kịp. Vì thế, cần đầu tư, mở rộng hơn nữa lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển” – ông bày tỏ.

Trước việc ngư dân thường xuyên đối mặt “nhân tai” khi ra khơi, ông Võ Văn Trác cho rằng lực lượng chấp pháp trên biển cũng như các cơ quan chức năng cần có cơ chế và giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ bà con. “Việc cơ quan chức năng nói biển ta dài rộng, thiếu phương tiện nên lực lượng không thể trải đều và có mặt kịp thời mọi nơi, mọi lúc là chưa thuyết phục” – ông băn khoăn

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-1

 

Ra khơi theo tổ, đội

Tại nhiều địa phương, gần đây, tàu cá của ngư dân đã ra khơi theo từng đội, tổ để kịp thời ứng cứu nhau khi gặp sự cố.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phú Yên đã chú trọng phát triển tổ, đội tàu thuyền an toàn, sản xuất trên biển, thực hiện phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ. “Đến nay, tỉnh Phú Yên đã có trên 105 tổ, đội tàu thuyền an toàn. Ngư dân hỗ trợ, cứu giúp nhau kịp thời nên việc tàu cá gặp nạn phải bỏ lại trên biển đã giảm đáng kể” – ông cho biết.

Theo ông Mai Cho – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – nghiệp đoàn có 129 tàu ĐBXB và được chia thành 22 tổ, đội để tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp nạn. Tại các nơi khác ở Quảng Ngãi như huyện Bình Sơn, huyện đảo Lý Sơn…, ngư dân ra khơi cũng đi thành tổ, đội để giúp đỡ lẫn nhau.

 

Nhóm phóng viên

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s