TS – – Võ Kiều Bảo Uyên
Điều gì đẩy các ngư dân đến nỗi tuyệt vọng đằng sau cánh cửa nhà giam của những nước láng giềng? Và tại sao dù biết kết cục cay đắng đó, nhiều người dân vẫn liên tiếp dấn tàu vào khu vực đánh bắt cá trái phép? Và lí do gì khiến nỗ lực gỡ thẻ vàng của Việt Nam vẫn chưa thể thành công?
Đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển đảo Phú Quốc. Ảnh: Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thành.
Trong căn buồng giam ở Tanjung Pinang, Indonesia, ngư phủ Việt Nam tên Nguyễn Văn Tư, 64 tuổi, một mình vật lộn với những cơn đau nhức ở cẳng chân. Mùa hè hai năm trước, tàu cá ông làm việc bị bắt quả tang đang thả lưới trái phép trong vùng biển Indonesia. Theo luật pháp nước này, những ngư dân làm thuê sẽ không bị phạt tù. Tuy nhiên, Tư đã không đủ tiền mua vé máy bay về nước sau phiên tòa nên bị giữ lại suốt 20 tháng qua.
Hàng trăm ngư dân Việt Nam giống Tư đang đợi chờ ngày về từ các nhà giam kham khổ của Indonesia nhưng có lẽ tình cảnh của Tư bi đát hơn cả. Ông bị tách ra khỏi đồng hương và bị giam riêng biệt do bị nghi mắc bệnh phong.
Thực trạng ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước khác phổ biến đến mức, năm 2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng cảnh cáo hoạt động khai thác thủy sản. Theo số liệu thống kê của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, hàng ngàn ngư dân trên hơn 1.000 tàu cá bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ trong ba năm 2017-2020.
Lượng tàu cá Việt Nam tăng gần gấp bốn lần trong 20 năm qua. Tàu cá từ biển miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm lần lượt 50% và 25% tàu cá toàn bộ đất nước. Biểu đồ: Thibi.co