Thanh niên dân tộc thiểu số di cư: Phiêu lưu giữa hy vọng và giới hạn

isee – Đăng vào January 3, 2019

“Một bạn người Thái hẹn hò với bạn người Kinh, mẹ bạn người Kinh hỏi dò bạn này: Cháu có bỏ bùa con bác không?”. Bạn người Kinh không nói chia tay nhưng tỏ ra lạnh nhạt, nên bạn người Thái chủ động chấm dứt. Sau này mới biết “bạn người yêu sợ rằng nếu chia tay cô này thì sẽ bị bỏ bùa” nên mới hành động như vậy. “Sự tổn thương ở đây không chỉ ở việc chia tay, mà còn ở định kiến: Tôi là người DTTS”, anh Đỗ Quý Dương chia sẻ.

Người Mông trong phố

Sáng 17/12/2018 vừa qua, Viện iSEE tổ chức buổi chia sẻ kết quả nghiên cứu “Phiêu lưu giữa hy vọng và giới hạn: Nghiên cứu về thanh niên dân tộc thiểu số di cư làm việc tại thành thị miền Bắc Việt Nam”. Kết quả bước đầu của nghiên cứu hé lộ nhiều khía cạnh trong cuộc sống di cư của thanh niên DTTS, nhằm gợi mở những cân nhắc về xây dựng chính sách phù hợp cho nhóm này. Anh Đỗ Quý Dương nhận xét: “Chúng ta đang có khoảng trống nghiên cứu người DTTS di cư, nên không biết các chính sách đưa ra có giải quyết nhu cầu của nhóm này hay không”.

Nghiên cứu lát cắt tập trung vào mối quan hệ giữa trải nghiệm dịch chuyển và sự thay đổi bản dạng cá nhân của thanh niên DTTS lao động di cư khi làm việc và sinh sống tại các thành phố phía Bắc Việt Nam. 29 người lao động thuộc 8 nhóm dân tộc đã tham gia phỏng vấn, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là người Mường và người Mông. Lao động từ nông thôn ra thành thị nhìn chung đều có những trải nghiệm về sự bấp bênh. Tuy nhiên, người DTTS còn phải đối mặt với các rào cản đặc thù về mạng lưới xã hội, trải nghiệm cuộc sống thành thị, thực hành văn hóa và bản dạng cá nhân.

Thanh niên DTTS trong bức tranh di cư

Theo anh Đỗ Quý Dương – nghiên cứu viên, di cư không chỉ là vấn đề vĩ mô mà còn là câu chuyện của nhiều gia đình. “Chúng ta cứ nghĩ trong gia đình chúng ta thôi. Trong gia đình tôi thì tôi là thế hệ F2 của người di cư”, anh chia sẻ.

Về bức tranh tổng thể, kể từ năm 1986, kinh tế mở cửa và chính sách di cư nới lỏng đã kéo luồng lao động từ nông thôn ra thành thị. Tuy nhiên, anh Dương cho biết đối với nhóm DTTS nói riêng, chưa có nghiên cứu nào thực sự sâu sắc về nhóm này, do đó chưa thể kết luận sự liên kết giữa điều kiện chính sách với nhóm DTTS.

Thay đổi văn hóa và thói quen tiêu dùng tạo động lực mới cho thanh niên nông thôn di cư, và nhóm thanh niên DTTS không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh việc làm tại quê nhà hạn chế, thu nhập từ nông nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và dự phòng rủi ro, thì xuống thành phố làm việc là một lựa chọn duy lý.

Xu hướng chủ đạo là đi theo mùa vụ thay vì ở lại thành thị lâu dài. “Di cư ‘con lắc’ như vậy thì chúng ta cần nghĩ về các can thiệp khi thực tế, khi họ không chọn ở lại thành phố, mà chỉ coi đây là nơi kiếm tiền trong một khoảng thời gian nhất định”, anh Dương cho biết.

Hai rào cản lớn mà người di cư phải đối mặt là hộ khẩu và định kiến. Hộ khẩu bắt đầu được áp dụng từ năm 1964 và để lại tác động đến ngày nay. Cơ chế này cản trở người di cư tiếp cận dịch vụ công và thực thi quyền công dân một cách bình đẳng. Anh Dương đưa ra ví dụ: “Họ không được mua nhà hay phải dùng điện, nước với giá cao hơn”. Rào cản thứ hai là định kiến và kỳ thị như so sánh “người dân tộc”, “người nhà quê” với “người thành phố”. Những rào cản này không mang tính thể chế mà diễn ra hằng ngày, nhưng nó dẫn đến sự lề hoá, bất bình đẳng về cơ hội, mặc cảm tâm lý và các vấn đề cá nhân.

Rời nhà xuống phố

Động cơ kinh tế khá tiêu biểu đối với thanh niên DTTS, nhưng nó không phải động cơ duy nhất. Các động cơ khác lớn hơn bao gồm áp lực từ các bạn đồng niên đã di cư – di cư là tất yếu, ở nhà là thất bại; muốn trải nghiệm cuộc sống náo nhiệt nơi thành thị và thoát khỏi các khuôn mẫu xã hội (lập gia đình sớm, ổn định và an phận); học tập và nâng cao năng lực cho bản thân. Theo anh Dương, việc “tôi muốn đi, tôi muốn trải nghiệm cuộc sống ở thành phố, tôi muốn học cái gì đó cho bản thân tôi” mang tính cá nhân hóa khá rõ với nhóm thanh niên này.

Đa số thanh niên di cư nhờ vào các mạng lưới xã hội, thay vì qua dịch vụ môi giới và tuyển dụng trực tiếp. Mạng lưới xã hội không chỉ giúp họ tìm việc mà còn hỗ trợ ổn định cuộc sống tại thành phố. Kênh giới thiệu qua người quen được đánh giá là ít rủi ro hơn. Họ thiên về mạng lưới đồng tộc hơn đồng hương như người Kinh. Đối với thanh niên DTTS, kết nối giữa những người cùng dân tộc và sự gắn bó với quê hương là rất quan trọng. “Tính gắn bó với quê hương rất mạnh mẽ, không có gia đình nào nói rằng họ muốn cho con cái lên thành phố ổn định. Có thể bởi khái niệm về cuộc sống thành thị đối với họ khá mờ nhạt”, anh Dương nhận xét. “Gia đình không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn là nơi an toàn để trở về”.

Thích nghi với thành thị

Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa địa vị xã hội, các đặc tính văn hóa với quan hệ xã hội, cơ hội việc làm, cơ hội hẹn hò và trải nghiệm phân biệt đối xử tại thành thị. Trải nghiệm của từng cá nhân và từng nhóm có sự khác biệt đáng kể, vì vậy chính sách đối với người DTTS di cư lao động không thể mang tính rập khuôn.

Những người có địa vị xã hội cao hơn (làm chuyên môn, có bằng cấp, ở thành phố trong thời gian dài, tương tác nhiều với người Kinh) không bị phân biệt đối xử trong công việc và không gặp khó khăn khi xây dựng các mối quan hệ cá nhân (hẹn hò, kết hôn) và quan hệ xã hội. Câu chuyện với lao động phổ thông lại có sự khác biệt đáng kể. Họ chủ yếu hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức vốn bấp bênh và không được bảo vệ. Cơ chế hộ khẩu cản trợ việc tiếp cận các dịch vụ công giá rẻ. Bên cạnh đó, sự kỳ thị và định kiến dẫn đến phân biệt đối xử trong tuyển dụng, sử dụng lao động và cơ hội thăng tiến.

Người DTTS còn đối mặt với những nhãn dán và việc huyền bí hóa văn hóa như bùa chú, ma thuật. Anh Dương kể lại câu chuyện: “Một bạn người Thái hẹn hò với bạn người Kinh, mẹ bạn người Kinh hỏi dò bạn này: Cháu có bỏ bùa con bác không?”. Bạn người Kinh không nói chia tay nhưng tỏ ra lạnh nhạt, nên bạn người Thái chủ động chấm dứt. Sau này mới biết “bạn người yêu sợ rằng nếu chia tay cô này thì bị bỏ bùa” nên mới hành động như vậy. “Sự tổn thương ở đây không chỉ ở việc chia tay, mà còn ở định kiến: Tôi là người DTTS”, anh Dương nói.

Phiêu lưu trong phố

Đa số lao động phổ thông DTTS sống và làm việc ngoài vùng lõi ở các quận xa hoặc các khu công nghiệp ven Hà Nội. Sự dịch chuyển trong không gian thành phố khá hạn chế do công việc không đòi hỏi di chuyển. Điều này khác với cách thức lao động tự do người Kinh trải nghiệm ở thành phố. Việc chuyển đổi không gian sống từ vùng cao xuống thành thị thể hiện rõ ở sự thay đổi của cơ thể. Họ quan sát thấy những thay đổi cơ thể như nổi mụn và sự cảm nhận nhiệt độ (dưới này quá nóng).

“Thành thị phồn hoa nhưng cạm bẫy” với đa số thanh niên. Một số người cho biết họ bị lừa và cảnh giác với thành phố. Tuy nhiên, trải nghiệm của người lao động nhìn chung mang tính tích cực hoặc trung lập, đa số hài lòng với trải nghiệm di cư của mình.

Người lao động có những cách thức khác nhau để tăng cường mạng lưới xã hội và tái tạo một phần không gian văn hóa – xã hội họ đã quen thuộc. Điển hình là hai xóm trọ người Thái và người Mông quanh khu công nghiệp tại các tỉnh ven Hà Nội. 10 -12 hộ sống cùng nhau, họ giao tiếp bằng tiếng dân tộc và duy trì thực hành văn hóa của dân tộc mình. Anh Dương nhấn mạnh: “Họ tái tạo những không gian văn hóa nhỏ hơn trong không gian đô thị”. Chiến lược này không đồng nghĩa với phản ứng co cụm. Nó củng cố các liên kết nhằm giảm thiểu các bất lợi khi di cư. Đồng thời, xóm trọ thể hiện tính chủ thể và khẳng định sự tồn tại của các tiểu không gian văn hóa trong không gian thành thị – vốn có xu hướng đồng hóa cao và triệt tiêu văn hóa thiểu số.

Bản dạng cá nhân biến đổi

Nhìn chung, không gian đô thị làm mờ nhạt và triệt tiêu thực hành văn hóa bản địa. Những nhận dạng cá nhân như giọng nói, họ tên hay trang phục có thể khiến người DTTS “lộ diện” và tạo sự tò mò với người xung quanh. Để tránh điều này, một số chủ động thay đổi để thích nghi với đời sống đô thị. Chiến lược này không phủ định bản dạng văn hóa vì họ vẫn có sự kết nối với cộng đồng của mình thông qua giao tiếp và về thăm quê nhà.

Nhóm mới di cư có độ hiểu về văn hóa và mức độ thực hành cao hơn nhóm đã “thoát ly” – sống ở thành thị trong thời gian dài. Nhóm thoát ly kết nối với cội rễ văn hóa dân tộc mình thông qua các thói quen và quy ước được thực hành trong gia đình. Đôi khi, họ bị dán nhãn là người “dân tộc giả hiệu”. Anh Dương nói: “Sự kỳ thị đến từ nhiều cấp độ khác nhau, quá gắn với dân tộc của mình cũng bị kỳ thị, mà quá khác với dân tộc của mình cũng bị kỳ thị”.

Đề xuất chính sách

Từ những kết quả nêu trên, nghiên cứu chỉ ra hai đề xuất chính sách theo góc nhìn Chính trị Vị thế (Status Politics).

Thứ nhất, về định hướng dài hạn: gỡ bỏ các rào cản thể chế bao gồm hộ khẩu; nâng cao tính chấp nhận của cộng đồng đô thị đối với người DTTS và chuẩn bị để các thành phố chuyển mình thành không gian bao trùm cho tất cả.

Thứ hai, trong ngắn và trung hạn: nâng cao nhận thức và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng và các bên liên quan đến thanh niên DTTS di cư và nâng cao năng lực, nhận thức về quyền và sự tham gia của thanh niên DTTS di cư tại thành phố cũng như nơi họ xuất phát./.

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s