- Kỳ I: Nở rộ các hãng hàng không mới
- Kỳ II: Cần hạ tầng phù hợp
- Kỳ III: Sân bay Chu lai và giấc mơ mở cửa bầu trời
- Kỳ IV: Chưa “đuổi kịp” nhu cầu tăng trưởng
- Kỳ V: Nới lỏng điều kiện trói chân doanh nghiệp
***
Sân bay “chật” bó giấc mơ bay (Kỳ I): Nở rộ các hãng hàng không mới
ENTERNEWS.VN Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh, xếp thứ 7 trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Tại Việt Nam, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày một tăng cao, và bởi thế, những sân bay vừa xây xong đã chật rất phổ biến.
Cục Hàng không Việt Nam dự báo, năm 2018 thị trường vận tải khách hàng không Việt Nam đạt 72 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nội địa và quốc tế đạt lần lượt 35 và 37 triệu lượt.
Xếp hàng chờ “cất cánh”
Đến hết ngày 15/5, lượng máy bay quốc tịch Việt Nam là 174 chiếc, tăng 18 chiếc so với năm 2017. Trong đó Vietnam Airlines sở hữu 91 chiếc, Vietjet Air 54 chiếc, Jetstar Pacific 17 chiếc.
Thực tế, hiện nay thị trường vận chuyển hành khách tại Việt Nam đang chỉ là cuộc chạy đua của 4 hãng gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO. Trong đó, thực chất chỉ có 2 hãng có thể cạnh tranh với nhau, là Vietjet Air và Vietnam Airlines. Còn Jetstar Pacific và VASCO là công ty con hoặc có vốn của Vietnam Airlines.
Trong số này, “tân binh” Vietjet Air đang có mức lợi nhuận khiến nhiều người phải “đỏ mắt”. Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2017 của Vietjet Air cho biết, doanh thu thuần trong năm của hãng đạt gần 42.303 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ gần 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của hãng này lại giảm từ mức 36.289 tỷ đồng xuống 35.753 tỷ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế của hãng năm 2017 đạt 5.074 tỷ đồng, vượt 150% so kế hoạch 2017, tăng 103% so với năm 2016.
Theo IATA, giai đoạn 2010 – 2017, tốc độ tăng trưởng hành khách thị trường Việt Nam đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) 16,7%/năm, cao nhất Châu Á – Thái Bình Dương.
Các hãng hàng không khác cũng đua nhau đăng ký thành lập. Đáng chủ trong số này là Vietstar Airlines có vốn điều lệ 800 tỷ đồng công bố kế hoạch bay từ đầu năm 2016 và nhiều lần nộp hồ sơ xin cấp phép bay nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Gần đây nhất, Cty TNHH hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Cty con của Tập đoàn FLC) cũng đã tuyên bố kế hoạch bay, đồng thời công bố tuyển 92 phi công; 250 tiếp viên, nhân viên kỹ thuật…
Điểm nghẽn hạ tầng
Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, dư địa phát triển hàng không ở Việt Nam còn nhiều, nếu có thêm các hãng hàng không, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, việc có thêm các hãng bay mới có thể gây áp lực đến hạ tầng sân bay, đặc biệt là các sân bay đã quá tải như Tân Sơn Nhất. Nếu hạ tầng quá tải, các hãng sẽ bị hạn chế về số chuyến bay, khung giờ bay. Thực tế, việc Vietstar Airlines nhiều lần xin hồ sơ cấp phép bay nhưng không được chấp thuận, nguyên nhân một phần cũng bởi vì sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã… quá tải.
Một cán bộ của Tcty Cảng hàng không Việt Nam ước tính, hiện bình quân mỗi ngày tại sân bay Nội Bài có khoảng 550 chuyến bay đến và đi, con số này ở sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 800 – 900 chuyến bay mỗi ngày, ở Đà Nẵng là hơn 300 chuyến, ở sân bay Cam Ranh vào khoảng trên dưới 150 chuyến bay.
Tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ ngày 2/7 vừa diễn ra, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng thêm nhà ga hành khách số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi. Lý do vì dù nhà ga số 1 của sân bay này dù mới khánh thành năm 2016 với công suất thiết kế hơn 2 triệu lượt khách/năm. Nhưng trong năm 2017 nhà ga này đã đón tiếp hơn 2,3 triệu lượt khách, nguy cơ quá tải đã thấy rõ, cần có thêm 1 nhà ga hành khách mới.
Tại Đà Nẵng, theo ông Lê Khắc Hồng, Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT), chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2018 lượng hành khách là hơn 2,2 triệu lượt bằng cả năm 2016. Còn số đường bay tới Đà Nẵng đã tăng gấp 3 lần so với khi ga hành khách mới hoạt động.
Đây là lý do chính khiến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phải đề nghị nghiên cứu tiếp tục mở rộng sân bay Đà Nẵng.
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, tại kết luận thanh tra mới nhất, thanh tra Bộ GTVT lại tạo một cuộc tranh cãi trong nội bộ Bộ này. Đó là tranh cãi về việc theo quy định, thẩm quyền Thủ tướng là phê duyệt xây dựng một sân bay hoàn chỉnh, gồm cả đường băng, nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ. Còn Bộ GTVT xưa nay thường trực tiếp phê duyệt việc xây dựng một nhà ga khách tại một sân bay. Trong khi đó thanh tra bộ thì đang “hiểu”, việc xây một nhà ga (không cần đường băng) cũng cần Thủ tướng phê duyệt.
Những điểm nghẽn về hạ tầng sân bay đã hình thành, trước tiên, ngay từ quy định và giấy tờ thủ tục, theo cách ấy.
Kỳ II: Cần hạ tầng phù hợp
Thực chất, đã có một số dự án cảng hàng không có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trước đó, nhưng Vân Đồn sẽ là sân bay đầu tiên do nhà đầu tư tư nhân trực tiếp đầu tư, khai thác và quản lý, khác biệt hoàn toàn so với 21 sân bay còn lại do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý.
Sự đột phá của Vân Đồn
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do tập đoàn Sun Group đầu tư là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT – và cũng là dấu mốc quan trọng để cất cánh đặc khu kinh tế Vân Đồn của Quảng Ninh.
Trong điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Vân Đồn được xác định là một trong 10 cảng hàng không quốc tế của mạng lưới cảng hàng không dân dụng và quân sự cả nước.
Quy mô vốn đầu tư cho dự án cũng được điều chỉnh, tăng từ 7.500 tỷ đồng lên hơn 12.215 tỷ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 là hơn 6.303 tỷ đồng, từ năm 2020 – 2025 là hơn 1.501 tỷ đồng và giai đoạn còn lại đến năm 2030 là hơn 4.413 tỷ đồng. Đây là dự án được đánh giá cao về hạ tầng, là cảng hàng không quốc tế cấp 4E đón được những loại máy bay lớn và hiện đại nhất thế giới như A350, B777.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh, việc lựa chọn công suất thiết kế nhà ga như trên sẽ đáp ứng được yêu cầu khai thác trước mắt và có thể mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai, không bị quá tải trong thời gian ngắn.
Việc ra đời của cảng hàng không Vân Đồn góp phần giảm tải rất nhiều cho các cảng hàng không khác mà tiêu biểu là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Nó cũng giống như một lời giải đầy hiệu quả cho bài toán Phát triển cho giao thông hàng không Việt Nam.
Hiện nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các hạng mục của dự án Cảng hàng không Vân Đồn đảm bảo đưa sân bay đi vào vận hành quý 2/2018. Tính đến thời điểm này, khu bay gồm đường cất hạ cánh 3.000 m và 600 m nối dài đã hoàn thiện 100% khối lượng. Khu mặt đất bao gồm nhà ga, cầu cạn, tháp không lưu… cũng đang được tích cực thi công đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ.
UBND tỉnh Quảng Ninh và Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong đó có việc mở đường bay đến – đi từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Tỉnh Quảng Ninh sẽ xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ đặc biệt với các đường bay mới mở tới sân bay Vân Đồn trong giai đoạn đầu khai thác, đồng thời chủ trì giới thiệu điểm đến Quảng Ninh tới các thị trường trọng điểm châu Âu, châu Úc và khu vực Đông Bắc Á.
Hóa giải sức “nóng” của “ùn tắc”
Nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh đã từng cho rằng, việc phát triển quá “nóng” của lĩnh vực hàng không đã tạo ra áp lực và những khó khăn nhất định đối với các hãng hàng không nội địa và các doanh nghiệp liên quan. Theo ông Thanh, vướng mắc lớn nhất của ngành Hàng không Việt Nam tập trung chủ yếu vào vấn đề kết cấu hạ tầng của các Cảng hàng không.
Đại diện của Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) cho biết đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng sân bay, tuy nhiên chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không nội địa.
Ngoại trừ 3 CHK chính là CHK quốc tế Nội Bài, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và CHK quốc tế Đà Nẵng thì hầu hết các CHK khác đều đang chịu lỗ. Trong khi đó, ACV vẫn phải đảm bảo toàn bộ chi phí vận hành của các cảng này theo đúng tiêu chuẩn an ninh, an toàn bay tương đương các CHK chính. Điều này tạo ra những khó khăn về vốn cho ACV trong quá trình hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, với tư duy đột phá, tỉnh Quảng Ninh còn đẩy mạnh đầu tư các dự án Cảng biển Hải Hà, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, các công trình giao thông cầu biên giới, đặc biệt là các tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn và Vân Đồn – Móng Cái sau khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới cao tốc hiệu quả kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái. Mạng lưới giao thông trên không chỉ là một “đòn bẩy” “cao và xa” hơn cho những chuyến bay tại Vân đồn mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ ra thế giới.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần một sự đột phá trong lĩnh vực hàng không, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Khi nguồn lực đầu tư của nhà nước hạn chế thì tư nhân hóa đầu tư sân bay là giải pháp hiệu quả. Bởi mô hình quản trị tư nhân có thể khắc phục những hạn chế trong chất lượng dịch vụ tại một số cảng hàng không hiện nay…
Cách đây hơn 20 năm, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từng nói: “Hàng loạt sân bay Quốc tế tại Việt Nam đã quá tải. Đã đến lúc phải mở cửa đầu tư phát triển sân bay Chu Lai sớm trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa Quốc tế lớn trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Nếu không sẽ là một lãng phí lớn…!”
Lượng khách đến sân bay Chu Lai đã đạt 680 nghìn người vào năm 2017
Vì sao lại là sân bay Chu Lai?
Cách đây hơn 16 năm khi nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đặt bước chân đầu tiên lên đường băng sân bay Chu Lai bỏ hoang đã thốt lên rằng: ”Không có sự phân biệt bạn thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia dân tộc là vĩnh viễn. Không mở cửa bầu trời Chu Lai, biến thành sân bay trung chuyển hàng hóa Quốc tế tại khu vực là một lãng phí rất lớn”.
Câu chuyện mở cửa bầu trời sân bay Chu Lai ngay sau đó được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thời đó gấp rút bàn tính tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Cũng nói về sân bay Chu Lai, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Quảng Nam mới đây, TS.Trần Du Lịch cũng tỏ ra tiếc nuối cho Chu Lai. Ông nói ngày xưa một trong những lý do chọn Chu Lai làm kinh tế mở thuyết phục chính là có sân bay Chu Lai. “Nếu tận dụng được lợi thế này thì Quảng Nam sẽ phát triển, nhưng rất tiếc là chưa phát huy tác dụng dù đã 15 năm xây dựng.
Công suất đón khách tối đa của cảng hàng không Chu Lai hiện đã đạt 1,7 triệu khách, kỳ vọng đến năm 2030 sẽ nâng cấp với công suất đón 4,1 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa.
Cũng theo TS Trần Du Lịch: “Sân bay Chu Lai chắc chắn sẽ trở thành một sân bay vùng. Mà thời điểm nào đầu tư nó chính là điều quan trọng và đô thị sân bay sẽ hình thành để phát triển logistics hàng không gắn với sân bay Chu Lai chắc chắn sẽ được hình thành! Nếu không đầu tư sớm sẽ là một lãng phí lớn tài nguyên Quốc gia.”
Khát vọng mở cửa bầu trời
Tại cuộc tọa đàm xúc tiến đầu tư do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và UBND TP.Đà Nẵng tổ chức mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lại một lần nữa nói khát khao mở cửa bầu trời Chu Lai vươn ra Thế giới từ sân bay Chu Lai.
“Theo tính toán của các chuyên gia, với bán kính 3.000km, sân bay Chu Lai có thể bao phủ đến được các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore… nên chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư để biến sân bay Chu Lai trở thành tổ hợp phát triển logistics về hàng không phục vụ cho các nước Đông Nam Á và châu Á” – ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Theo quy hoạch của Chính phủ, sân bay Chu Lai sẽ sớm trở thành sân bay trung chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế, trung tâm dịch vụ bảo dưỡng duy tu, sửa chữa máy bay, nên rất cần nguồn lực đầu tư đủ mạnh mới hiện thực hóa khát vọng mở cửa bầu trời Chu Lai vươn ra Thế giới.
Để biến giấc mơ thành hiện thực, một dự án mở rộng cảng hàng không sân bay Chu Lai được khởi động với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng là bước khởi đầu để hiện thực khát vọng biến sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển hàng hóa Quốc tế trong điều kiện còn nhiều gian khó của Quảng Nam và đất nước.
Theo thống kê từ cảng hàng không sân bay Chu Lai cho biết: Nếu trong năm 2015 lượng khách đến sân bay Chu Lai mới chỉ đạt 155 nghìn người, thì con số này tăng lên 550 nghìn người vào năm 2016 và đạt 680 nghìn người vào năm 2017. Công suất đón khách tối đa của cảng hàng không Chu Lai hiện đã đạt 1,7 triệu khách. Kỳ vọng đến năm 2030 sẽ nâng cấp với công suất đón 4,1 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa.
Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề để nghiên cứu chiến lược, rằng “vùng miền Trung phát triển theo hiện đại, không gian đô thị gắn với biển, khu Chu Lai là hạt nhân của vùng và sân bay Chu Lai là một lợi thế tiềm năng về trung chuyển hàng không Quốc tế trong khu vực.
Với những quyết tâm đó, một giấc mơ bay lên vươn ra Thế giới từ Chu Lai không còn là điều hoang tưởng!
20/07/2018, 17:14:52
Nhưng hạ tầng vẫn không theo kịp nhu cầu khiến tình trạng đầy tải, quá tải đã diễn ra trong thời gian qua.
Đặc biệt, các đường bay có hành trình đi các nước trên thế giới tại Cảng hàng không quốc tế Vinh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tương lai gần.
Lo lắng quá tải
Từ đầu năm 2015, nhà ga hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An) đã được khánh thành đưa vào sử dụng với công suất khai thác 2 triệu lượt khách/năm với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tại thời điểm này, Nhà ga hành khách được thiết kế theo mô hình 02 cao trình đi và đến tách biệt, tổng diện tích sàn 11.706 m2, 04 cửa ra máy bay, đáp ứng phục vụ cho 1.000 hành khách vào giờ cao điểm.
Các hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jestar Pacific đã khai thác bình quân 26 lượt chuyến bay đi – đến mỗi ngày sau khi nhà ga hàng không quốc tế Vinh khánh thành, đưa vào sử dụng.
Tuy được gắn thêm “mác” quốc tế nhưng thực ra Cảng hàng không quốc tế Vinh mới chỉ khai thác được đường bay đi – đến Vientiane (Lào) và các đường bay khứ hồi nội địa như: Vinh – Hà Nội; Vinh – TP Hồ Chí Minh; Vinh – Đà Nẵng; Vinh – Đà Lạt; Vinh – Buôn Ma Thuột.
Trong năm 2017, hành khách đi – đến tại Cảng hàng không quốc tế Vinh đã đạt hơn 1,8 triệu lượt người. Dự báo, trong năm 2018 này, Cảng hàng không quốc tê Vinh sẽ cán mốc trên 2 triệu lượt người.
Đến thời điểm hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Vinh đã tăng thêm 34 chuyến đi – đến/ngày và có thêm đường bay Vinh đi Thái Lan.
Ông Nguyễn Đắc Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, thực tế trong thời gian qua Cảng hàng không quốc tế Vinh đã rơi vào tình trạng đầy tải, thậm chí là quá tải vào những giờ cao điểm. Mặc dù hệ thống nhà ga, đường băng đã được nâng cấp, đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đến nay, Cảng hàng không quốc tế Vinh không thể đáp ứng được đường bay quốc tế theo yêu cầu đặt ra.
Tại các cuộc làm việc với Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lo lắng nếu Cảng hàng không quốc tế Vinh không được tiếp tục nâng cấp, mở rộng thì sẽ khiến cho địa phương gặp rất nhiều trở ngại trong công tác thu hút đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội.
Nhu cầu tất yếu
Ông Nguyễn Hồng Kỳ – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho biết: “Việc nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh là xu hướng tất yếu trong việc đáp ứng tốc độ tăng trưởng so với nhu cầu đi lại bằng hàng không của đông đảo người dân. Sân bay Vinh cũng là một trong những sân bay có nhu cầu đi lại rất lớn trên địa bàn cả nước.
Sau khi được sự được sự đồng ý, chấp thuận của Bộ GTVT và các Bộ, ngành Trung ương, kế hoạch nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Vinh cũng đã được thống nhất để thực hiện trong thời gian tới. Hiện nay, việc bố trí cho nhà ga thêm 02 ống lồng nối trực tiếp ra máy bay đang được thực hiện. Vì phải đặt lắp ráp ở nước ngoài nên dự kiến vào quý III mới tiến hành thi công, đấu nối 02 ống lồng này.
Ngoài ra, kế hoạch sửa sang, nâng cấp từ 4 đường băng cho máy đỗ lên 7 đường băng cũng sẽ được thực hiện trong dự án nâng cấp, sửa chữa sắp tới”.
Theo đó, đến thời điểm hiện nay, ACV đã có văn bản đề xuất triển khai dự án xây dựng nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An) có công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm (1 triệu khách quốc tế/năm và 4 triệu khách trong nước/năm).
Dự kiến quý III năm 2019, dự án này sẽ được triển khai xây dựng với kinh phí thực hiện khoảng 1.700 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ACV. Theo kế hoạch đặt ra, nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không quốc tế Vinh có tổng diện tích sàn khoảng 16.500m2 sẽ được hoàn thành, đưa vào khai thác vào quý III năm 2020.
Cho đến thời điểm này, điều kiện làm khó các doanh nghiệp nhất khi muốn gia nhập thị trường kinh doanh vận tải hàng không không phải là quy mô vốn, mà chính là việc “phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không”.
Hành lang pháp lý dần“cởi trói”
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không đang được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành.
Cụ thể, tại dự thảo này, Bộ GTVT đề xuất bỏ khoản 1, Điều 5, Nghị định 92 “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”. Theo đó, để lấy được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đồng ý cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực; năng lực sản xuất; tài chính; phương án kinh doanh và điều kiện về trụ sở, địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam. Đồng thời sửa đổi thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính “Cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung” để phù hợp với điều kiện kinh doanh.
Không như đối với các dự án BOT giao thông đường bộ, hiệu quả dùng vốn tư nhân xây sân bay có thể đánh giá, nhưng là dựa trên những tiêu thức khác, phục vụ mục tiêu khác, ngoài giao thông.
Một điểm đột phá nữa trong Dự thảo được các chuyên gia đánh giá rất cao chính là việc Bộ GTVT đề xuất nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Theo đó, tại khoản 3, Điều 8 (điều kiện về vốn) tại Dự thảo, Bộ GTVT quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân đó. Các hãng hàng không cũng chỉ phải thực hiện đăng ký với Cục Hàng không Việt Nam trong thời hạn 30 ngày nếu như thay đổi cổ đông chiếm giữ từ 5% vốn điều lệ trở lên. “Thay đổi này là nhằm phù hợp với tình hình thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện hoạt động đầu tư của mình”, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Nhà đầu tư chờ tín hiệu mới
Cần phải nói thêm rằng, xu hướng vốn đầu tư tư nhân đổ vào các dự án hạ tầng hàng không ngày càng rõ nét trong khoảng 3 năm trở lại đây. Các Dự án nhà ga hàng không dễ dàng gọi vốn đầu tư do thời gian thu hồi vốn từ phí dịch vụ sân bay ngắn; nguồn thu từ việc cho thuê các quầy dịch vụ ăn uống, hàng miễn thuế ổn định.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có ít nhất 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai, gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Sungroup); Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết; Nhà để xe, Ga quốc nội, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
“Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào hàng không là giải pháp đột phá để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo quốc phòng – an ninh”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Về quan điểm quản lý, theo một cán bộ BQL DA PPP thuộc Bộ GTVT, nhà nước chỉ nên đầu tư những sân bay ở những khu vực khó khăn, chưa thực sự hấp dẫn về kinh doanh sân bay.Còn lại, tại những sân bay có khả năng sinh lợi, hoặc không quá quan trọng về mặt quân sự, thì nên sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, để phân bổ nguồn lực đầu tư sân bay được tốt hơn.