Tại sao nhà khoa học công nghệ và kỹ thuật cần học về nhân văn nghệ thuật: STEAM thay vì STEM

English: STEAM not STEM: Why scientists need arts training

Hệ thống giáo dục của chúng ta cần kết nối sinh viên với các vấn đề đạo đức và trách nhiệm trong khoa học và công nghệ. Chúng ta không nên coi các môn học đại cương nhân văn nghệ thuật (VD: các môn nhân văn, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa…) chỉ là để thử “mở rộng đầu óc” một cách hời hợt mà hơn thế, phải coi đó như là nội dung học tập cần thiết về đạo lý, các giá trị, các vấn đề đạo đức và trách nhiệm.

Vào năm 1959, nhà vật lý kiêm tiểu thuyết gia C.P.Snow đã giảng một bài giảng gây tranh cãi nổi tiểng ở đại học Cambridge. Ông mô tả một sự chia tách thành hai nhóm người thời hậu chiến — nhóm các nhà khoa học và nhóm theo đuổi các lĩnh vực nhân văn nghệ thuật nghệ thuật (VD: lịch sử, văn học, ngôn ngữ…).

Snow chỉ ra rằng sự chia tách này chỉ mới xuất hiện, trong đó, mỗi bên không ngừng chế giễu lẫn nhau: Nhóm khoa học gia đầy tự hào không thể trích nổi một câu của Shakespeare, còn nhóm nhân văn nghệ thuật thì lúng túng với định luật thứ hai của nhiệt động lực học. (về sự mất nhiệt và hỗn độn)

Hiện nay sự chia rẽ này trong các trường đại học dường như đã bám rễ sâu sắc hơn bao giờ hết. Và những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học và nhân văn nghệ thuật đang phải đối diện với nhóm đối lập thứ ba trong xã hội: Nhóm chủ nghĩa dân túy[1], cùng với sự hoài nghi ngày càng tăng đối với những nhà trí thức.

Tình trạng căng thẳng này xuất hiện trong bối cảnh bất bình đẳng kinh tế ngày càng tăng và các sáng tạo công nghệ đóng vai trò ngày càng lớn trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.

Tôi là một nhà khoa học về máy tính đang nghiên cứu văn hóa số. Tôi đang cố hết sức để xóa đi sự chia rẽ nêu trên, nhưng vẫn không ngừng đặt câu hỏi: Làm sao các trường đại học có thể hướng các nhà khoa học, người làm công nghệ và các kỹ sư của chúng ta kết nối với các vấn đề xã hội, như Snow đề xuất, hơn là chỉ làm việc như một bánh răng trong cỗ máy phát triển kinh tế?

Tôi tin rằng hệ thống giáo dục của chúng ta cần kết nối sinh viên với các vấn đề đạo đức và trách nhiệm trong khoa học và công nghệ. Chúng ta không nên coi các môn học đại cương nhân văn nghệ thuật (VD: các môn nhân văn, ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa…) chỉ là để thử “mở rộng đầu óc” một cách hời hợt mà hơn thế, phải coi đó như là nội dung học tập cần thiết về đạo lý, các giá trị, các vấn đề đạo đức và trách nhiệm.

Nhìn ra những vấn đề quan trọng của xã hội

Gần đây tôi có tham gia một cuộc đối thoại tại Viện Fields thuộc Đại học Toronto về chủ đề: “Trong STEAM, A đại diện cho cái gì?

Thuật ngữ STEAM được hình thành bằng cách chèn thêm chữ cái A (đại diện cho “arts” – các môn học nhân văn nghệ thuật như lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…), vào thuật ngữ vốn quen thuộc STEM (gồm 4 chữ cái đầu tiên của bốn môn Science –  Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật và Math – Toán học). Tôi định nghĩa các môn nhân văn nghệ thuật theo hướng rộng bao gồm cả các môn học nhân văn (như văn học, ngôn ngữ, lịch sử, triết học…), và hỏi những người tham dự: Chúng ta làm sao để nhận ra những thách thức mà chúng ta muốn giải quyết?


Những người công nhân đang bọc một tảng băng bằng các tấm nhựa ở miền Nam nước Đức để ngăn chặn băng tan – một nỗ lực trong ngành địa kỹ thuật nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.

 

Vào những năm 1960, Alan Ginsberg than phiền về việc phải chứng kiến một chèn ép tính sáng tạo nghệ thuật. Bài thơ Tiếng hú của ông, được viết hôm nay, có lẽ là để khóc than cho điều tương tự:

“Tôi nhìn thấy những bộ óc tuyệt vời nhất của thế hệ mình dùng cả đời để tối ưu hóa một phần triệu giây trong thuật toán mua bán tần suất cao của họ, hay sáng chế ra thuật toán lộ trình cho những chiếc bánh burrito được giao bằng thiết bị bay.”

Đó có phải là những vấn đề quan trọng nhất đối với xã hội của chúng ta?

Các cử nhân khoa học và kỹ thuật thường theo đuổi những vị trí công việc trong các dự án khởi nghiệp hay các công việc tài chính lương cao. Kiến thức của họ về phát triển thuật toán, phân tích dữ liệu hay đơn giản là tư duy khoa học một cách hệ thống có thể giúp họ kiếm được những công việc tuyệt vời ở rất nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, những vấn đề mà họ đang giải quyết, mặc dù tác động đến một số lượng người đông đảo, nhưng có thể không giúp cho cuộc sống của nhiều người trong số đó trở lên tốt đẹp hơn.

Các cử nhân của chúng ta có thể dùng cả sự nghiệp để xây dựng lên những phần mềm quảng cáo chạm tới hàng triệu người, nhưng lại không nghĩ đến việc giải quyết những vấn đề lớn hơn trong cuộc sống của hàng triệu người ấy.

Khoa học dấy lên vấn đề đạo đức

Cộng đồng khoa học và công nghệ của chúng ta vẫn luôn tranh luận về các vấn đề thiên lệch, quyền lực và kiểm soát.

Hãy xem vài ví dụ về các cuộc tranh luận lớn trong năm nay:

1.      Chúng ta đang chứng kiến vai trò ngày càng tăng của các thuật toán phần mềm trong các ứng dụng có tác động thay đổi cuộc sống, ví dụ như trong lĩnh vực kết án tội phạm hay tuyển dụng. Những hệ thống phần mềm này vẫn tồn tại những “hộp đen” không được kiểm soát và có thể bị tác động vì vấn đề phân biệt chủng tộc, vì lợi ích riêng hay đơn thuần là vì thứ khoa học tồi. Chúng ta không thể biết rõ lý do, bởi vì các hệ thống này được bảo vệ tránh khỏi việc bị kiểm soát kỹ lưỡng nhờ các quy định về luật sở hữu trí tuệ. Hoặc, đối với các chương trình học sâu (deep learning), các hệ thống này đã phát triển đến mức quá phức tạp để có thể bị giải mã bởi chính những người xây dựng chúng.

2.      Còn trong ngành công nghệ sinh học, chúng ta chứng kiến những cuộc tranh cãi về việc sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa DNA bộ gen — một lĩnh vực mà trong đó việc sửa gen tác động đến không chỉ một bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Một nhóm khác lại đang tranh luận về công nghệ lái gen (gene drive) , một cách để rút ngắn quá trình kiểm tra và cân bằng theo cách tự nhiên, cho phép việc chỉnh sửa gen tác động đến toàn bộ quần thể một cách nhanh hơn rất nhiều so với tiến hóa thông thường.

3.      Chúng ta cũng chứng kiến cộng đồng khoa học và các quốc gia lớn đang tìm cách giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu thông qua địa kỹ thuật, và quá trình này đang tạo ra những thay đổi lớn đối với những hệ thống cơ bản nhất của hành tinh của chúng ta.

Tất cả những vấn đề trên đây là không phải là vấn đề công nghệ. Chúng chứa đựng yếu tố công nghệ, nhưng về cơ bản chúng không phải là vấn đề công nghệ. Chúng là vấn đề đạo đức. Chúng đòi hỏi những chuyên gia thông thạo xem xét các vấn đề về đạo đức và xã hội để định hướng được cần sáng tạo ra cái gì và có cần thiết  hay không


Các công nghệ chỉnh sửa hệ gen đem lại hy vọng trong việc chữa trị nhiều căn bệnh ở người. Chúng cũng làm rấy lên các vấn đề về đạo đức.(Shutterstock)

Đó như thể là chúng ta đối mặt với vài Dự án Manhattan[2] cùng một lúc nhờ việc xin tài trợ từ tổ chức quân sự DARPA[3], nhờ các khoản đầu tư mạo hiểm và nhờ những tiến bộ trong công nghệ tin học đám mây. Chúng ta đang chứng kiến sự nở rộ của nhiều công nghệ thay đổi cuộc sống sau nhiều thập kỷ nghiên cứu cơ bản – và các công cụ thiết kế nguyên mẫu và đường ống sản xuất của kỷ nguyên hiện đại đang giúp chúng ta phát triển những sáng chế mới này nhanh hơn bao giờ hết.

Và, tương tự như việc Liên hiệp các nhà khoa học nguyên tử được thành lập để giải quyết các vấn đề về đạo đức và bom nguyên tử, chúng ta cũng có những vấn đề lớn về đạo đức mà chỉ có những người chủ của các sáng chế đó mới có những luận giải quan trọng và khác biệt.

Chúng ta cần chắc chắn rằng các cử nhân STEM làm việc trong các lĩnh vực này có thể dấn thân vào những câu hỏi khó khăn nhất của thời đại của chúng ta: Những phát minh mới của chúng ta nên hướng vào cái gì, ở đâu và như thế nào?

Lấy sự thấu hiểu làm nền tảng của thử nghiệm

Tôi muốn nhìn thấy chương trình học các ngành STEM ở đại học được mở rộng – có sự bàn luận xem liệu chúng ta có nên phát triển những công nghệ nào đó bằng mọi cách không, song song với các vấn đề đạo đức được coi một luồng chủ đề phổ biến xuyên suốt các nghiên cứu của chúng ta. Rủi ro đối với xã hội của bất kỳ điều gì khác dường như là quan trọng nhất.

Tôi không cho rằng tất cả người làm chính sách nên là các nhà khoa học, mà cho rằng các nhà khoa học nên xét đến các vấn đề chính sách và các tác động xã hội vào trong phạm vi hoạt động của mình. Họ nên có khả năng suy nghĩ và thảo luận về các tác động đó với những người không làm khoa học.

Snow cho rằng các bộ óc khoa học “rất thiếu kiên nhẫn chờ xem điều gì có thể được tạo ra” – điều này phản ánh xu hướng “thiên về hành động” rất thường thấy trong giới start-up.

Hành động có thể là vấn đề rất quan trọng, ngay cả phía chính phủ, vốn không mấy khi có những động thái nhanh nhẹn, cũng đang bắt đầu đón nhận khái niệm vừa làm vừa học. Ví dụ, Phần Lan lập một cơ quan thí nghiệm với mục tiêu chèn các thử nghiệm về tư duy thiết kế/xây dựng vào công tác chính sách.


Liệu công nghệ có làm hạn chế biến đổi khí hậu, hay sẽ gây ra bất cân bằng toàn cầu mới? Đây là hình ảnh các em học sinh lội trong nước lũ ở Mumbai, Ấn Độ. (AP Photo/Rajanish Kakade, File)

Nhưng ngay cả tư duy thiết kế,  một phương pháp luận quan trọng được nhiều người ưa thích, cũng lấy sự thấu hiểu làm nền tảng cho các thí nghiệm. Những người nghiên cứu giải pháp nên tự mình kết nối với nhưng người bị ảnh hưởng bởi công việc của họ, cùng sáng tạo thông qua một sự kết nối trực tiếp với người dùng, kết nối với người tiêu dùng, khách hàng, với các công dân.

Giáo dục đạo đức thông qua các môn học nhân văn nghệ thuật

Và làm sao nữa để các trường đại học của chúng ta dạy được sự cảm thông, đạo đức và trách nhiệm công dân bên cạnh việc thông qua các lĩnh vực nhân văn nghệ thuật và nhân văn.

Có thể có những vấn đề cụ thể về nghĩa vụ công dân, về trách nhiệm, mà chúng ta cảm thấy tất cả các cử nhân STEM nên quan tâm đến (giống như là bất kỳ công dân không theo học STEM trong thời đại số này có thể có khả năng tính toán, kiến thức thống kê và kiến thức khoa học cơ bản vậy).

Tôi không đòi hỏi cần biết biết nội dung chính xác của các chương trình học, hay yêu cầu các môn học trong chương trình đại học phải như thế nào. Chúng ta phải xây dựng chúng đồng thời. Một ví dụ của điều này là danh mục các khóa học về đạo đức khoa học máy tính được tham khảo từ công chúng được biên soạn bởi Casey Fiesler tại Đại học Colorado, Boulder.

Các cuộc khủng hoảng trong nghiên cứu y học, ví dụ như Nghiên cứu thử nghiệm bệnh giang mai Tuskegee[4], đã thúc đẩy các vấn đề đạo đức y học và đạo đức sinh học cũng như bắt đầu đưa ra các khái niệm như sự đồng ý sau khi được cung cấp đủ thông tin (informed consent). Các chuyên gia y học hiện nay đang giải quyết các vấn đề phức tạp khác trongy tế như về sự hội nhập đối xử công bằng đối với tất cả đối tượng (inclusion), về việc đại diện (representation), về quyền được lên tiếng (voice) và tác nhân hành động (agency).

Không chỉ có các yếu tố về liều lượng hay đo lường, mà còn chạm đến các ý tưởng trìu tượng về quyền, giá trị và ý nghĩa – các yếu tố cơ bản trong việc nghiên cứu về loài người của chúng ta. Đã đến lúc để các lĩnh vực STEM chạm đến những vấn đề tương tự.

Chú thích của người dịch

[1] : Chủ nghĩa dân túy: Hoạt động và ý tướng chính trị dựa trên sự ủng hộ của người dân bình thường, nhờ đem lại cho họ những gì họ muốn (theo định nghĩa tại từ điển Cambridge). Chủ nghĩa dân túy thường được đánh dấu bằng sự từ chối giới tinh hoa quyền lực và một số tổ chức, chống trí thức, một sự xuất hiện dường như phi chính trị, cho là chỉ dựa trên sự suy nghĩ lành mạnh và “tiếng nói của người dân” (theo Wikipedia)

[2]  Dự án Manhattan: Dự án nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử đầu tiên của chính phủ Mỹ (1942-1945)

[3] DARPA: Defense Advanced Research Projects Agency: Cục Các dự án Nghiên cứu Cấp cao Quốc phòng

[4]  Nghiên cứu thử nghiệm bệnh giang mai Tuskegee: là một dự án nghiên cứu y học vô nhân đạo của cơ quan y tế Mỹ từ 1932 – 1972 tại Alabama, trong đó, để nghiên cứu bệnh giang mai, nhóm nghiên cứu đã sử dụng người da đen làm thí nghiệm, không chữa trị cho người có bệnh khiến họ và người thân trải qua nhiều đau đớn.

1 bình luận về “Tại sao nhà khoa học công nghệ và kỹ thuật cần học về nhân văn nghệ thuật: STEAM thay vì STEM

  1. Cảm ơn Hạnh dịch bài rất tốt này.

    Hôm nay đọc lại bài này, khiến mình nhớ bài mình viết vài năm trước. Ý tưởng cũng tương tự tác giả của bài này

    https://dotchuoinon.com/2013/12/09/tri-oc-va-tam-hon-khoa-hoc-va-hoa-binh-2/

    một thuật toán (algorithm) có thể dùng để thiết kế các hệ thống cảnh báo thiên tai hay hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn và cũng có thể phục vụ cho các tổ chức tội phạm phát triển vũ khí hủy diệt hoặc buôn bán bất hợp pháp. Ranh giới thật mong manh.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s