- Kỳ 1: Di sản sắc tộc của Obama
- Kỳ 2: Không sống qua tuổi 35
- Kỳ 3: Chuyện lạ ở Dallas
- Kỳ 4: Công lý có màu gì?
- Kỳ cuối: Hiệu ứng Ferguson
***
Kỳ 1: Di sản sắc tộc của Obama
TTO – Cách đây gần tám năm, khi một người da màu lần đầu được chọn làm tổng thống Mỹ, nhiều người từng nghĩ rằng vấn đề căng thẳng sắc tộc bấy lâu nay có thể chuyển đổi tốt hơn. Thế nhưng thực tế chưa được như vậy.
![]() |
Tổng thống Obama (giữa) trong lần tuần hành cùng bà Amelia Boynton Robinson (ngồi xe lăn, thứ hai từ phải sang) nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện “Ngày chủ nhật đẫm máu” tại bang Alabama – Ảnh: AFP |
Chia rẽ hơn bao giờ hết
Nước Mỹ đang trong những ngày đau buồn, để cờ rủ trong năm ngày. Người dân đau buồn về cái chết của hai người da màu bị cảnh sát bắn bao nhiêu thì cũng thương xót bấy nhiêu cho số phận của năm cảnh sát bị một cựu binh da màu bắn hạ với động cơ trả thù “giết càng nhiều người da trắng càng tốt, đặc biệt là cảnh sát da trắng”.
Nước Mỹ đang trong những ngày đau buồn nhưng sự chia rẽ là không thể giấu giếm được. Bằng chứng là những cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra suốt hai ngày cuối tuần để chống lại tình trạng mạnh tay quá đáng của cảnh sát.
Trong tối 9 rạng sáng 10-7, hơn 200 người biểu tình đã bị cảnh sát bắt vì có hành vi chống đối lực lượng chức năng, trong đó có cả Deray McKesson, thủ lĩnh của phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng đáng kể). Tại Minnesota, cuộc biểu tình đã mất kiểm soát dẫn đến xung đột khiến khoảng 20 cảnh sát bị thương.
Vấn đề hiện nay là dù các chính trị gia có nói gì, khuyên nhủ gì thì nỗi giận dữ vẫn đến từ nhiều phía. Các thành viên của Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) ủng hộ sở hữu vũ khí không hài lòng khi bị chỉ trích là bên sâu xa gây ra các vụ bắn giết nhiều người; phía người da màu đương nhiên càng không hài lòng khi nghĩ rằng mình là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc; người ủng hộ tỉ phú Donald Trump thì xoáy vào sự yếu kém của chính quyền Obama không đảm bảo an ninh cho người dân, dĩ nhiên sâu xa hơn trong nhóm này là nhắm vào bà Hillary Clinton – người được xem sẽ xây “chính quyền Obama 2.0” nếu thắng cử tháng 11 tới.
Phía ứng cử viên Đảng Cộng hòa khéo léo khoét sâu vào sự phân rã của xã hội Mỹ: “Dân tộc chúng ta đã bị chia rẽ quá mức. Quá nhiều người Mỹ có cảm giác mất đi hi vọng. Những căng thẳng sắc tộc ngày càng tồi tệ hơn.
Đây không phải là giấc mơ Mỹ mà chúng ta muốn xây dựng cho con cháu chúng ta”. Phía bà cựu ngoại trưởng Hillary Clinton chỉ có thể nói chung chung: “Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để hai bên có thể lắng nghe nhau, tôn trọng lẫn nhau”.
Oái oăm thay, chính hai ứng viên này cũng đang thể hiện sự chia rẽ của nước Mỹ. Ông Peter Hart, nhà chiến lược bên Đảng Dân chủ, đánh giá trên tạp chí Politico: “Dưới nhiều góc độ đều thấy rằng chẳng ai trong số hai ứng viên này đại diện cho mong muốn của toàn thể người dân Mỹ. Donald Trump có số cử tri của riêng mình và bà Hillary Clinton cũng thế. Nhưng không ai trong số họ đề cập đến chuyện tập hợp được lòng dân cả nước”.
Cách đây gần tám năm, khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, không ít người Mỹ da đen và nhiều người nhập cư khác nghĩ đến những viễn cảnh tốt đẹp hơn khi một người da màu có thể đứng đầu một cường quốc lớn nhất thế giới. Nhưng sau hai nhiệm kỳ của ông, dường như mọi chuyện vẫn như cũ nếu không muốn nói là có vẻ chia rẽ hơn.
Chính sự kiện tỉ phú Donald Trump – một tay mơ trong làng chính trị – nhanh chóng hạ gục các đối thủ khác bên Đảng Cộng hòa cũng phần nào là “sản phẩm” của sự chia rẽ này. Người ta rất dễ thấy rằng bản thân vị tỉ phú tóc vàng ít có thiện cảm với người nhập cư và những lá phiếu ủng hộ ông thường đến từ các nhóm có tinh thần “da trắng trên hết”.
Dẫu vậy, hôm 9-7, khi đang họp thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan), Tổng thống Obama vẫn khẳng định: “Nước Mỹ không chia rẽ đến mức như một số người đánh giá. Nước Mỹ có bị đau buồn, có giận dữ, có sự chưa thông hiểu nhưng cũng vẫn có sự thống nhất”.
Nửa thế kỷ ít thay đổi
Hơn một năm trước, nhân kỷ niệm 50 năm ngày chính quyền đàn áp cuộc tuần hành vì quyền công dân cho người da đen, Tổng thống Obama đã dẫn đầu đoàn tuần hành tại bang Alabama. Ông cùng vợ và hai con gái, được sự ủng hộ của cả vợ chồng cựu tổng thống George W. Bush, đã đi qua cây cầu mà nửa thế kỷ trước nhiều người da màu đã nắm tay nhau đi qua.
Ngày 7-3-1965, trên cầu Edmund Pettus bắc qua sông Alabama tại thành phố nhỏ Selma, khoảng 600 người da màu đã xuống đường đòi quyền công dân và quyền bầu cử cho người da đen ở các bang miền nam nước Mỹ. Họ đã bị cảnh sát chặn đứng bằng dùi cui và hơi cay làm khoảng 70 người bị thương, khiến sự kiện này được mang tên “Bloody Sunday” (Ngày chủ nhật đẫm máu) ghi vào sử sách của Mỹ.
Trong cuộc tuần hành ngày 7-3-2015, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ đã tuyên bố trước 40.000 người có mặt: “Nếu các bạn nghĩ rằng chẳng có gì đổi thay sau 50 năm thì hãy đi hỏi ai đó từng sống ở Selma, Chicago hoặc Los Angeles trong thập niên 1950”.
Tổng thống Obama biện luận rằng ngày nay phụ nữ da màu đã trở thành chủ doanh nghiệp trong khi nửa thế kỷ trước, vị trí cao nhất cho họ chỉ là thư ký. “50 năm sau “Ngày chủ nhật đẫm máu”, cuộc tuần hành của chúng ta chưa chấm dứt nhưng chúng ta đang đi đến gần mục tiêu. 239 năm sau ngày lập quốc, sự hợp chủng của chúng ta vẫn chưa hoàn hảo nhưng chúng ta đang tiến đến gần mục tiêu” – ông Obama kết luận.
Hình ảnh bà Amelia Boynton Robinson, một phụ nữ da đen từng tự ứng cử Nghị viện bang Alabama, bị cảnh sát đánh đập bầm giập và bị bỏ nằm bất động giữa cầu đã lên trang nhất nhiều tờ báo Mỹ và từ đó lan truyền khắp thế giới.
Sau sự kiện này, đoàn tuần hành thực hiện thêm hai cuộc nữa vào các ngày 9 và 25-3. Cuộc đấu tranh của họ đã gây được tiếng vang và đạt kết quả. Tháng 8-1965 đạo luật quyền bầu cử đã công nhận và đảm bảo quyền bầu cử cho người Mỹ da đen.
Bà Robinson đã qua đời vào tháng 8-2015 như một nữ anh hùng của nước Mỹ. Bà không còn kịp để chứng kiến hình ảnh của một nước Mỹ bị chia rẽ ở Dallas…
|
_______________
NGUYỄN QUÂN
NỬA THẾ KỶ THÙ HẬN SẮC TỘC – KỲ 2:
Không sống qua tuổi 35
TTO – 50% thanh thiếu niên Mỹ gốc Phi độ tuổi 12-25 cho rằng mình sẽ không bao giờ sống được qua tuổi 35. Trong khi đó, 66% người trẻ da trắng “gần như chắc chắn” mình sẽ sống qua tuổi này.
![]() |
Vợ chồng Tổng thống Barack Obama (phải) và vợ chồng cựu tổng thống George Bush tại buổi lễ tưởng niệm các cảnh sát được tổ chức ở Dallas, bang Texas, ngày 12-7 – Ảnh: Reuters |
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Nếu đã có dịp xem bộ phim Mỹ Freedom Writers (Những cây bút tự do) của đạo diễn Richard LaGravenese (ra rạp đầu năm 2007 và đã trình chiếu trên truyền hình ở Việt Nam), có lẽ chúng ta cũng có thể hình dung câu chuyện về những xung đột sắc tộc đang tồn tại hằng ngày, hằng giờ trong xã hội Mỹ.
Đời thực lên phim
Bộ phim dựa trên quyển sách “đời thực” The Freedom Writers Diary (Nhật ký của những cây bút tự do) của cô giáo trẻ Erin Gruwell cùng các học trò nhiều màu da, sắc tộc ở Trường trung học Woodrow Wilson Classical tại California.
Khó khăn ập đến với cô Erin ngay trong ngày đầu tiên lên lớp. Là nạn nhân hằng ngày của tình trạng phân biệt chủng tộc, các học trò phản ứng mạnh với Erin vì cô là người da trắng.
Bằng lương tâm và trách nhiệm, Erin đã cảm hóa những đứa trẻ, chỉ lối cho chúng quay về con đường học hành nghiêm túc để hoàn thiện kiến thức và nhân cách.
Qua bộ phim, người xem được thấy một thế hệ học trò Mỹ “không da trắng” luôn bi quan về tương lai.
Nhiều em thậm chí nghĩ rằng mình khó sống đến khi tốt nghiệp phổ thông vì nhiều bạn bè của các em đã lần lượt bị bắn chết ngoài phố, nhiều em luôn bị cuộc sống bạo lực ngoài đường phố chi phối vì chính các em đã lớn lên trong môi trường đó và tin chắc rằng đó là thứ được dành cho màu da, cho sắc tộc của mình trong xã hội Mỹ.
Bộ phim có một kết thúc có hậu với nhiều em trong lớp của cô giáo Erin Gruwell đã đi hết chặng đường học hành, đã thay đổi cách nhìn về bản thân, về xã hội để từ đó thay đổi cuộc đời mình.
Các em học trò khác màu da, khác sắc tộc đã thay đổi cách nhìn để hòa thuận, chung sống với nhau.
Đúng là ở đâu đó trong xã hội Mỹ đã có những nỗ lực của những người có trách nhiệm để thay đổi hiện thực, để hóa giải hận thù. Nhưng cũng đúng như nhìn nhận của Tổng thống Mỹ Barack Obama: sự hợp chủng ở Mỹ vẫn chưa hoàn hảo.
Nhiều số liệu điều tra và thống kê đã đưa đến một kết luận đáng buồn: nhiều người Mỹ gốc Phi tin rằng mình không sống qua được tuổi 35!
Nghiên cứu “Hi vọng sống của các thiếu niên thay đổi tùy theo sắc tộc, chủng tộc và nguồn gốc xuất thân” đăng tải trên tạp chí Health And Social Behavior (Sức khỏe và hành vi xã hội) năm 2015 cho thấy có đến 50% thanh thiếu niên Mỹ gốc Phi ở độ tuổi 12-25 cho rằng mình sẽ không bao giờ sống được qua tuổi 35.
Trong khi đó đến 66% người trẻ da trắng “gần như chắc chắn” mình sẽ sống qua tuổi 35.
Đối với các nhà nghiên cứu, việc hiểu được cách những người trẻ quan niệm về hi vọng sống sẽ rất quan trọng vì nó liên quan đến việc họ định hình tương lai của họ.
Lý giải về nguyên nhân, các nhà nghiên cứu cho rằng cách nhìn của người trẻ về hi vọng sống có thể gắn với tình hình kinh tế gia đình/bản thân và môi trường sống.
Những người trẻ tự tin sẽ sống lâu (nhóm người Mỹ da trắng và nhóm người Mỹ gốc Cuba) đều có hoàn cảnh kinh tế tốt hơn các nhóm khác. Chẳng hạn 84% người da đen sống dưới mức nghèo khổ, trong khi con số này bên nhóm người da trắng chỉ là 30%.
Những con số biết nói
Thật không quá lời khi tiến sĩ Terry F. Buss, viện sĩ Học viện Hành chính quốc gia Mỹ, nhận định rằng: “Nước Mỹ đang chìm trong cuộc chiến văn hóa đầy khó hiểu và tối tăm không lối thoát”.
Dường như mỗi bên chọn một cách lập luận của mình và có những dẫn chứng phù hợp cho lập luận của mình.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Gallup, có tới 49% người Mỹ cho rằng hệ thống luật pháp đang có xu hướng chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Phi và 67% người da màu tin rằng họ không được đối xử công bằng như người da trắng trong các vụ việc có liên quan tới cảnh sát.
Các “điểm nóng” bạo động Ferguson, Baltimore hay Dallas mới đây đều bắt nguồn từ việc cảnh sát bắn chết người da đen.
Cũng phải thấy rằng tội phạm người da màu chiếm số đông và không ít lần có hành vi phản kháng chống trả lại lực lượng chức năng. Nhiều cảnh sát đã không ngần ngại nói rằng họ thường lo sợ nếu không nổ súng thì nguy cơ bị bắn là rất cao.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ thường có xu hướng hành động quá mạnh tay đối với các công dân da màu.
Theo báo Washington Post, tính từ đầu năm đến nay có 505 người bị cảnh sát bắn chết. Trang Vox của Mỹ cho biết trong số đó có 31% người thiệt mạng là người da đen, trong khi người da đen chỉ chiếm 13,6% dân số Mỹ.
Nghiên cứu “Hi vọng sống của các thiếu niên thay đổi tùy theo sắc tộc, chủng tộc và nguồn gốc xuất thân” năm 2015 cũng chỉ ra rằng “người Mỹ da trắng không gặp phải tình trạng phân biệt chủng tộc và tình trạng phân biệt đối xử ở cấp độ cơ quan hoặc cá nhân như những người nhập cư và những người Mỹ thiểu số.
Với những nạn nhân này, tình trạng phân biệt đối xử đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống và hi vọng sống thực tế hoặc cảm nhận của họ”.
Theo các nhà nghiên cứu, nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử sẽ là nguồn gốc của “tình trạng căng thẳng thường xuyên đối với những người xuất thân thiểu số về chủng tộc hoặc sắc tộc” và đương nhiên điều đó khiến hi vọng sống cũng giảm đi.
Năm 1980, tuổi thọ trung bình của người Mỹ gốc Phi ít hơn 7 năm so với người Mỹ da trắng. Đến năm 2001, con số trên tăng lên thành 8,3 năm rồi đến năm 2010 thì có giảm xuống còn khoảng 5 năm.
|
______________
NGUYỄN QUÂN
***
NỬA THẾ KỶ THÙ HẬN SẮC TỘC – KỲ 3:
Chuyện lạ ở Dallas
TTO – Cách đây ba tháng, vào tháng 4-2016, cảnh sát trưởng TP Dallas, sĩ quan David Brown, cùng nhiều sĩ quan cảnh sát trưởng các thành phố lớn của Mỹ có cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
![]() |
Một người vợ mất chồng, một bé trai mất cha trong đám tang cảnh sát bị bắn ở Dallas ngày 13-7 – Ảnh: Reuters |
Tại cuộc họp, họ cam kết với lãnh đạo đất nước về việc công bố các số liệu thống kê chính xác và minh bạch về việc “sử dụng các biện pháp mạnh” ở các đơn vị do họ quản lý.
Công khai số liệu
Các số liệu của cảnh sát thành phố Dallas (bang Texas) được tiếp cận rõ ràng trên trang web này. Mọi người dân, chỉ cần vài cú nhấp chuột, đều có thể biết được số liệu về những lần nổ súng, thậm chí bắn bao nhiêu phát của từng sĩ quan cảnh sát trong 12 năm gần nhất.
Trang web thống kê này là một phần trong ý muốn của Tổng thống Obama giúp cho hình ảnh của lực lượng chấp pháp Mỹ trở nên minh bạch hơn trong mắt người dân và thế giới.
Cũng cần biết là trước khi có trang này, người ta không thể biết được đầy đủ và chính xác về các dữ liệu liên quan số người dân Mỹ bị cảnh sát bắn chết vì cấu trúc của cảnh sát Mỹ là độc lập với nhau ở các địa phương.
Vì thế lúc trước, các tổ chức phi chính phủ lưu tâm đến vấn đề lạm dụng bạo lực của cảnh sát hoặc các đơn vị truyền thông thường chỉ công bố số thống kê theo kiểu đếm thủ công từ thông tin trên các phương tiện truyền thông, qua các tuyên bố của cảnh sát và mạng xã hội.
Số liệu công bố từ tháng 4 vừa qua cho thấy cảnh sát Dallas đã sử dụng vũ lực 2.200 lần trong năm 2015 và trong số này có 11 lần nổ súng. Phần lớn các trường hợp còn lại họ có rút súng thị uy nhưng không nổ súng hoặc chỉ sử dụng súng bắn xung điện taser, dùi cui tonfa, lựu đạn cay hoặc tiếp cận quật ngã còng tay đối tượng.
Chính đại diện của phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen cũng đáng kể) nhìn nhận Sở cảnh sát Dallas đang hoạt động tốt: số liệu minh bạch, tiếp cận dân chúng tốt và cách đáp trả cũng có mức độ.
Ngay như luật sư Carlyle Holder, đại diện của National Association of Blacks in Criminal Justice (một hiệp hội các luật sư da màu) tại bang Texas, đã xác nhận với tờ Corpus Christi Caller-Times: “Chúng tôi vẫn thường bảo nhau rằng cách hành xử ở Sở cảnh sát Dallas là một ví dụ tốt cần được nhân rộng xét về mặt căng thẳng sắc tộc. Vì thế chuyện nổ súng nhằm tiêu diệt cảnh sát ở Dallas là việc khó có thể lý giải”.
Càng khó hiểu, càng đáng lo
Thật ra trước đây tình hình ở Dallas khá tệ hại về chuyện bạo lực. Quan hệ giữa cảnh sát với người dân khá căng thẳng và hai bên luôn thiếu niềm tin vào nhau. Đỉnh điểm là vụ việc sử dụng bạo lực quá mức xảy ra vào tháng 7-2012 khi nổ ra những cuộc xung đột giữa người da màu và cảnh sát.
Đó là vụ một sĩ quan cảnh sát da trắng bắn vào lưng nghi can James Harper, 31 tuổi, khiến người này thiệt mạng. Thật ra Harper đã không tuân lệnh cảnh sát và bỏ chạy nên bị rượt đuổi và bị bắn. Vấn đề là Harper là một người da đen.
Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra khắp thành phố Dallas. Đã có những dấu hiệu xung đột lên đến mức căng thẳng nhưng may mắn là bạo lực đã không xảy ra.
Sĩ quan cảnh sát bắn Harper, ông Brian Rowden, đã bị khởi tố và đưa ra tòa nhưng cuối cùng được hội thẩm nhân dân tuyên trắng án.
Sau mùa hè nóng bỏng vì biểu tình đó, cảnh sát trưởng David Brown đã viết một văn bản dài thông qua trang Facebook của Sở cảnh sát Dallas để giãi bày với người dân về tình hình và cam kết thay đổi triệt để cách tiếp cận để lấy lại niềm tin của người dân.
Hồi năm 2012, cảnh sát Dallas từng phải nổ súng giết hại 10 người nhưng cho đến sáu tháng đầu năm nay thì chỉ xảy ra một trường hợp. Và cũng tính từ năm 2012, số vụ nổ súng từ phía cảnh sát Dallas đã giảm dần từng năm.
Trong cuộc họp báo vừa qua, thị trưởng Dallas, ông Mike Rowlings, giải thích: “Cảnh sát Dallas đã đi đầu trong số các thành phố lớn về việc giảm leo thang bạo lực khi thi hành nhiệm vụ. Năm 2016 này chúng tôi cũng đi đầu trong phương cách tiếp cận gần với dân. Xét về cơ số đạn mỗi cảnh sát bắn ra, cảnh sát Dallas có mức thấp nhất ở Mỹ”.
Các số liệu đã chứng minh cho cụm từ “giảm leo thang bạo lực” mà cảnh sát Mỹ thường dùng hiện nay. Năm 2009 ghi nhận 147 trường hợp kiện cáo của người dân về tình trạng bạo lực của cảnh sát và trong sáu tháng đầu năm 2016 con số này giảm chỉ còn bốn.
Ở nhiều thành phố lớn khác của Mỹ, số đơn kiện cáo của người dân liên quan hành vi bạo lực của cảnh sát đều giảm nhưng số giảm ở Dallas là cao nhất, đến 64%.
Tuy nhiên trong giới cảnh sát thì lại cho rằng thành tích của Sở cảnh sát Dallas chưa hẳn đã tốt đẹp như mọi người nhìn thấy qua các con số. Chẳng hạn đã có 150 cảnh sát bỏ việc ở nơi này vì không chấp nhận kiểu cải tổ của chính quyền thành phố và không nhiều người chấp nhận về làm việc ở nơi này. Vì lẽ đó Sở cảnh sát Dallas đã phải đăng tuyển lực lượng bổ sung từ những thành phố khác.
Điều khó hiểu ở đây là chính lực lượng cảnh sát Mỹ nói chung cũng đang được huấn luyện hành xử theo hướng giảm thiểu bạo lực. Trước sự kiện Ferguson (năm 2014), cảnh sát Mỹ chủ yếu được huấn luyện để phản ứng với những vụ (có thể) giết nhiều người: họ phải phản ứng nhanh, phát hiện tức thời kẻ nổ súng và ngăn chặn mối đe dọa lập tức bằng bất kỳ phương cách nào.
Sau sự kiện Ferguson, lực lượng chấp pháp ở Mỹ bắt đầu lưu tâm nhiều hơn đến các chương trình huấn luyện giúp giảm thiểu bạo lực. Họ sử dụng súng taser thay vì súng bắn đạn hoặc kiểu kẹp cổ trấn áp đối tượng vốn từng khiến đối tượng Eric Gardner chết vì nghẹt thở ở New York hồi năm 2014.
Vậy mà theo số liệu của Tổ chức Officer Down Memorial Page tính từ đầu năm đến nay, đã có 57 sĩ quan cảnh sát Mỹ thiệt mạng khi thi hành công vụ.
Dường như ở nước Mỹ, ẩn ngay dưới những đổi thay bề mặt là những sóng ngầm mạnh mẽ của hằn thù sắc tộc. Nó chỉ cần chờ một mồi lửa để bùng cháy…
Vấn đề sắc tộc dấy lên vì ông Obama? Nhà nghiên cứu chính trị Nicole Bacharan, một chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu xã hội Mỹ, nhận định việc người dân Mỹ đã bầu được ông Barack Obama làm tổng thống cho thấy đây không phải là một đất nước có nhiều người phân biệt chủng tộc. Nhưng chính việc bầu chọn vị tổng thống da màu này đã làm dấy lên trở lại những vấn đề sắc tộc. “Chúng ta chưa từng thấy nhiều phong trào mang tính phân biệt chủng tộc đến vậy và nhiều phong trào suy tôn thế thượng đẳng của da trắng đến vậy” – bà Bacharan cho biết. Theo nhà nghiên cứu người Pháp này, chưa từng có sự hoài nghi đối với tổng thống đến như vậy trong các hội nhóm theo phái bảo thủ. Về phần mình, Tổng thống Obama cũng cố gắng trở thành vị tổng thống của toàn thể dân Mỹ để không bị lên án như một lãnh đạo chỉ ưu tiên cho cộng đồng da màu. “Vì thế ông Obama đã hành xử cẩn thận quá mức” – bà Bacharan kết luận. |
Nửa thế kỷ thù hận sắc tộc – Kỳ 4: Công lý có màu gì?
TTO – Những vụ biểu tình, thường khi rất căng thẳng, thậm chí nhuốm màu bạo lực, nhanh chóng xuất hiện sau khi xảy ra các vụ cảnh sát bắn người da màu.
![]() |
Một phụ nữ da màu biểu tình phản đối phân biệt đối xử của công lý. Trên tấm biển cầm theo có tên những người da màu đã thiệt mạng – Ảnh: AFP |
Có thể có những ý kiến cho rằng số người da trắng bị cảnh sát bắn cũng không ít nhưng đâu có biểu tình rầm rộ hay căng thẳng đến như vậy.
Thực tế cũng cho thấy ảnh hưởng lan truyền từ sự phổ biến của truyền thông thời gian gần đây là có tác động không nhỏ trong việc kết nối số đông. Và cũng không phải vô cớ khi người da màu xuống đường như vậy: những vụ việc gây phản ứng thường nằm trong hoàn cảnh khiến người ta nghĩ đến sự phân biệt đối xử và không ít vụ biểu tình xảy ra sau khi tòa công bố kết luận về vụ việc.
|
Bà ESAW GARNER (vợ của nạn nhân Eric Garner) |
Cảnh sát luôn đúng?
Người ta cho rằng những vụ cảnh sát, đặc biệt là cảnh sát da trắng, bắn người da màu ít khi được xử lý công bằng. Điểm qua từ các vụ của Michael Brown, Trayvon Martin cho đến Freddie Gray đều chung một kịch bản như thế.
Ngày 9-8-2014 ở thành phố Ferguson, sĩ quan cảnh sát Darren Wilson đã bắn hạ một thanh niên Mỹ da đen tên Michael Brown. Vụ việc đã gây sự kiện lớn trên toàn nước Mỹ khi người da màu ở bang Missouri bắt đầu biểu tình bạo động dữ dội suốt cả tháng đó.
Lý do khiến họ xuống đường chống đối cảnh sát là việc Brown đã bị bắn đến sáu phát đạn trong vụ việc không lớn lắm: anh ta tính ăn cắp thuốc lá!
Trước áp lực của dư luận, nhiều cuộc điều tra được tiến hành sau đó nhưng sĩ quan cảnh sát da trắng Darren Wilson luôn được minh oan về cách hành xử của mình khi thực thi công vụ. Sau đó, ông ấy đã nghỉ việc nhưng vẫn tin rằng mình đã hành xử đúng.
Trong lần trả lời báo chí hồi tháng 11-2015, Wilson vẫn tuyên bố “đã hành xử đúng quy định” và “cảm thấy lương tâm thanh thản”. Wilson đã được minh oan những hai lần trong vụ việc này, nhưng theo trang BFMTV, hai báo cáo của Bộ Tư pháp Mỹ về vụ này lại cho ra hai kết luận khác nhau.
Một nói rằng Wilson không phạm quy định nào của ngành khi vật lộn với Brown, trong khi báo cáo kia lại phản ánh tình trạng tham nhũng và phân biệt chủng tộc trong giới cảnh sát thành phố Ferguson.
Công lý đâu phải lúc nào cũng chỉ là trắng hay đen, nhiều khi nó có màu bóng mờ khó hiểu. Trong không ít trường hợp, phía cảnh sát hoặc chính quyền địa phương ở Mỹ đã dùng màu của tiền để phủ bóng lên công lý.
Viên cảnh sát Daniel Pantaleo đã gây ra vụ việc nghiêm trọng ở New York tháng 7-2014. Ông ấy muốn bắt giữ một người da đen (sau đó được xác định tên là Eric Garner, khoảng 40 tuổi) trong một vụ buôn bán thuốc lá lậu.
Pantaleo đã sử dụng đòn thế kẹp cổ vốn bị cảnh sát New York cấm dùng, và đã khiến nghi can, mắc bệnh hen, ngạt thở dẫn đến tử vong. Vụ việc đã bị ghi hình và lan truyền khắp các cơ quan truyền thông cũng như mạng xã hội nên gây phản ứng nhanh chóng.
Những câu nói cuối cùng của Garner: “Tôi không thở được, tôi không thở được” đã trở thành câu khẩu hiệu của nhiều cuộc biểu tình chống bạo lực của cảnh sát trong năm đó. Daniel Pantaleo không bị kết tội và cũng không bị đuổi việc.
Các nghiệp đoàn cảnh sát Mỹ cũng bảo vệ Pantaleo quyết liệt. Ông ta chỉ đến xin lỗi gia đình nạn nhân với lời khẳng định “chưa bao giờ có ý định muốn làm cho Garner thiệt mạng”.
Cuối cùng, đúng một năm sau, vào tháng 7-2015, chính quyền thành phố New York tuyên bố bồi thường cho gia đình Garner 5,9 triệu USD. Vụ bồi thường được cho là nhằm kết thúc vụ việc nhưng gia đình nạn nhân không hề hài lòng.
Bà Gwen Carr, mẹ của Eric, tuyên bố với báo chí: “Nhiều người gặp chúng tôi ngoài phố và chúc mừng. Nhưng xin đừng chúc mừng chúng tôi vì đây hoàn toàn không phải là một thắng lợi”.
Gia đình của Garner đã đòi bồi thường đến 77 triệu USD, tuy vậy số tiền đền bồi 5,9 triệu USD là thỏa thuận đền bồi lớn nhất trước nay của chính quyền thành phố New York.
Sau quyết định của chính quyền New York, gia đình của Garner tuyên bố vẫn mong muốn công lý được thực thi, tức Pantaleo phải bị kết tội, nhưng chưa biết họ sẽ phải làm như thế nào.
Kéo dài xử án
Một trong những cách làm nguội những cuộc biểu tình vì chuyện bạo lực của cảnh sát là tuyên bố khởi tố vụ án nhưng sau đó tiến hành xét xử trong thời gian dài. Tháng 4-2015, Freddie Gray đã qua đời vì các vết thương tại Baltimore.
Vấn đề là anh ta bị cảnh sát còng tay chân, bỏ vào xe thùng áp giải về đồn và lý do vì sao anh ta thiệt mạng đến nay vẫn còn mù mờ.
Vụ việc đã gây ra nhiều cuộc bạo động, cướp phá của người da màu khiến chính quyền phải xin cầu viện lực lượng vệ binh quốc gia và ban bố tình trạng khẩn cấp.
Sau đó, sáu cảnh sát (ba da trắng, ba da đen) dính líu trong vụ này bị khởi tố, một người sau đó được tuyên bố ngoại phạm và hai được trắng án.
Viên cảnh sát da trắng Edward Nero được cho là trực tiếp gây ra cái chết của Gray với các cáo buộc nghiêm trọng (cố ý sử dụng bạo lực, gây nguy hiểm đến mạng sống người khác và hành xử nghiệp vụ sai sót) cuối cùng cũng được trắng án vào tháng 5 vừa qua.
Tòa cho rằng Nero đã hành xử đúng quy định của ngành. Ngay sau kết luận của tòa, thị trưởng của Baltimore đã tuyên bố cứng rắn rằng “công lý đã được thực thi đúng đắn” và cảnh báo nếu người dân tiếp tục biểu tình thì chính quyền sẽ “sẵn sàng đáp trả”.
Cũng tương tự vụ Eric Garner, gia đình nạn nhân Gray được bồi thường 6 triệu USD để không tiến hành kiện tụng theo hướng dân sự.
Ngày 4-4-2015, cảnh sát viên Michael Slager dự tính bắt giữ nghi can Walter Scott sau một cuộc kiểm tra bình thường trên đường phố và nghi can đã chống cự.
Khẩu súng xung điện Taser của Slager không hoạt động nên ông ta rút súng ngắn ra bắn đến tám phát vào lưng của nghi can khi người này đang tìm cách chạy trốn và không có khả năng gây nguy hiểm vì không có vũ khí.
Lần này phía cảnh sát phản ứng nhanh chóng đuổi việc viên cảnh sát nhưng phiên tòa xử liên quan vụ việc này vẫn còn tiếp diễn dù vụ việc diễn ra đã hơn cả năm rồi. Bị khởi tố với tội danh giết người, cảnh sát viên Slager có khả năng lãnh án từ 30 năm tù đến chung thân.
Tháng 1-2016, Michael Slager đã được tại ngoại hầu tra sau khi đóng tiền thế chân.
Có thể vẫn có những lập luận cho rằng không hề có sự bất công trong các điều tra liên quan các vụ cảnh sát Mỹ lạm dụng sức mạnh, đặc biệt với những nghi can người da màu, nhưng điều đó vẫn chưa hề thuyết phục được công luận.
Như báo Guardian của Anh cung cấp con số thống kê cho biết trong năm 2015, thanh niên người da đen có nguy cơ bị cảnh sát sát hại cao gấp 9 lần so với những thanh niên các chủng tộc khác.
_________
NGUYỄN QUÂN
Nửa thế kỷ thù hận sắc tộc – Kỳ cuối: Hiệu ứng Ferguson
TTO – Phải nói rằng từ tháng 8-2014, sau cái chết của Michael Brown, một thanh niên da đen 18 tuổi bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Ferguson thuộc bang Missouri, nhiều thứ đã đổi thay không chỉ ở Ferguson mà còn ở khắp nước Mỹ.
![]() |
Cô Ieshia Evans đối mặt với cảnh sát chống bạo động ở Baton Rouge, bang Louisiana, ngày 9-7-2016 – Ảnh: Reuters |
Sự đổi thay đó được người Mỹ đặt tên là “Hiệu ứng Ferguson”.
Cảnh sát bớt bạo lực hơn
Cái chết của Michael Brown đã gây nên những cuộc biểu tình đầy bạo lực suốt nhiều ngày sau đó. Sau sự kiện này, giới nghiên cứu đã nhận thấy sự đổi thay trong cách hành xử của lực lượng cảnh sát.
Cuối tháng 10-2015, ông James Comey, giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhìn nhận rằng từ sau cái chết của Michael Brown, cảnh sát Mỹ đã dần có khuynh hướng hành xử ít hung bạo hơn.
Thực tế là nhiều cơ quan cảnh sát ở Mỹ đã cho huấn luyện nhân viên theo cách tiếp cận khác trước, ít hung bạo hơn và một số nơi còn trang bị cho cảnh sát máy quay gắn trên vai hoặc trên mũ để làm bằng chứng khi có chuyện.
|
CHARLES RAMSEY (cựu cảnh sát trưởng thành phố Philadelphia) |
Nhưng cũng theo giám đốc Comey, cách điều chỉnh thái độ của cảnh sát lại khiến tỉ lệ tội phạm gia tăng trở lại trong năm 2015 ở khoảng 30 thành phố lớn của Mỹ. Ở Baltimore, nơi từng xảy ra nhiều cuộc bạo động suốt tháng 5-2015 sau cái chết bất thường của thanh niên da đen Freddie Gray trong xe cảnh sát, người ta ghi nhận 215 vụ giết người tính đến ngày 1-9-2015 so với 138 vụ vào cùng kỳ của năm 2014.
Tương tự, ở Washington là 105 vụ giết người (so với 73 trong năm 2014) và ở Saint-Louis là 136 vụ (so với 85). Tuy giám đốc Comey cũng thừa nhận chưa dám khẳng định chắc chắn về giả thuyết của mình qua một vài số liệu như thế bởi hiện tượng trên cũng có thể bị ảnh hưởng từ chính sách trả tự do cho nhiều tù nhân trước đó nhưng phát ngôn của ông đã gây sốc…
Cũng vì phát ngôn này mà có thông tin cho rằng ông Comey đã bị đích thân Tổng thống Barack Obama chỉnh đốn nghiêm khắc.
Việc sử dụng sức mạnh thái quá của cảnh sát Mỹ cũng được cho là do luật dành cho họ nhiều quyền hạn. Theo báo La Presse của Canada, tại một số bang, chỉ cần viên cảnh sát đang thi hành công vụ cảm thấy bị đe dọa là có thể sử dụng biện pháp mạnh.
Trước tòa, nếu chứng minh được tình huống mình cảm thấy bị đe dọa là gần như cảnh sát được minh oan cho việc sử dụng biện pháp mạnh tay. Ngay như tại bang Florida, vào năm 2005, thống đốc Jeb Bush, em trai cựu tổng thống George W. Bush, còn ban hành thêm điều luật “Stand Your Ground” (Đứng nguyên tại chỗ, nếu không tôi bắn) cho phép cá nhân sở hữu súng được quyền nã đạn khi bị đe dọa. Điều luật này càng củng cố thêm sức mạnh cho cảnh sát và được 17 bang ở Mỹ áp dụng.
Phong trào dân quyền mới
“Hiệu ứng Ferguson” cũng được cho là giúp hình thành phong trào mang tên Black Lives Matter (BLM – Mạng sống người da đen cũng đáng kể). Trong vòng chỉ hơn một năm, phong trào do ba phụ nữ da đen khởi xướng này đã gây ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc tranh luận về phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Phong trào này thực tế không có thủ lĩnh xưng danh thật sự.
Vũ khí chính của họ là mạng xã hội. BLM đã gây áp lực buộc các ứng viên bên Đảng Dân chủ phải đề cập đến vấn đề sắc tộc trong kỳ vận động tranh cử sơ bộ vừa qua, không ngại nhảy vào “gây rối” ở các cuộc tập hợp vận động tranh cử của các chính trị gia, như trong lần của bà Hillary Clinton tại Atlanta ngày 30-10-2015.
Ảnh hưởng của BLM lớn mạnh nhanh chóng đến mức Tổng thống Barack Obama phải mời họ lên Washington để lắng nghe họ trình bày về những đường hướng lớn trong việc cải cách thủ tục hình sự…
Với sự xuất hiện của BLM và sự lan tỏa qua mạng xã hội, giờ đây dường như bất kỳ vụ việc nào liên quan giữa cảnh sát sử dụng sức mạnh quá mức đối với một người da đen cũng đều được đưa lên trang nhất của báo chí.
Như vụ ở bang South Carolina hồi cuối tháng 10-2015: một nữ sinh trung học người Mỹ da đen bị lôi xềnh xệch ra khỏi lớp học vì không chịu cất điện thoại di động trong giờ học.
Cảnh viên cảnh sát da trắng xô cô bé xuống đất rồi nắm lấy hai chân cô bé kéo khỏi lớp học đã bị ghi hình và lan truyền nhanh chóng. Kết quả là viên cảnh sát đã bị đuổi việc.
Nhưng điều lớn hơn hết của phong trào BLM là việc tạo ra nhận thức ngày càng tăng trong giới trẻ nghĩ về những bất bình đẳng liên quan sắc tộc, như việc xảy ra tại ĐH Missouri hồi đầu tháng 11-2015.
Một nhóm sinh viên da đen đã lên tiếng đòi hiệu trưởng của trường phải từ chức do sự chậm trễ của ông trong xử lý một số vụ việc dính dáng đến vấn đề sắc tộc xảy ra trong trường. Cuối cùng ông hiệu trưởng da trắng đã phải từ chức.
Sự kiện này như vệt dầu loang đến các trường ĐH khác, như xảy ra tại bang Indiana, Massachusetts hoặc bang New York. Như tại ĐH Princeton, các sinh viên đã đấu tranh đòi nhà trường không để trường quan hệ quốc tế mang tên Woodrow Wilson.
Ông Wilson là hiệu trưởng thứ 13 của trường và từng là tổng thống Mỹ thứ 28 (nhiệm kỳ 1913-1921), ông nổi tiếng thế giới vì chủ nghĩa lý tưởng của mình nhưng ông cũng được biết đến như một người bảo vệ mạnh mẽ cho Ku Klux Klan – một phong trào suy tôn người da trắng.
Phong trào BLM hiện nay đang được xem là đi đầu trong cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử với người da đen ở Mỹ.
Hơn 50 năm sau ngày nhà hoạt động dân quyền – mục sư Martin Luther King Jr. có bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một ước mơ” nói lên khát khao cháy bỏng về một tương lai mà ở đó người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng và chung sống hòa thuận, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề nhức nhối trong lòng nước Mỹ.
Vì thế, nước Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt để ước mơ của Martin Luther King không chỉ mãi là ước mơ.
|
NGUYỄN QUÂN