Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em

UNICEF

Tổng quan

Trong hai mươi năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội song kết quả đạt được giữa các khu vực, các nhóm dân tộc và các nhóm ngôn ngữ còn chênh lệch khá lớn. Các yếu tố như tỷ lệ tử vong cao ở mẹ và trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng, điều kiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường kém, chất lượng nước thấp, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con và tỷ lệ thương tích trẻ em tăng lên là những đe dọa không ngừng đến sự sống còn của trẻ.

Mặc dù từ năm 1990, tỷ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh đã giảm xuống hơn 50% song tỷ lệ này ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng những người rất nghèo và những người sống ở các vùng xa xôi hẻo lánh vẫn còn cao hơn nhiều. Các bệnh trẻ em hay mắc phải như viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết và suy dinh dưỡng vẫn còn rất phổ biến. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ở Việt Nam cứ ba trẻ em thì có một em bị coi là còi xương là do thiếu dinh dưỡng và viêm nhiễm. Một nguyên nhân nữa cũng gây lo ngại và góp phần gây ra tỷ lệ còi xương cao là tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi trên toàn quốc khá thấp (19,2%[1].

Khả năng tiếp cận với nước sạch và điều kiện vệ sinh môi trường đạt yêu cầu đã được cải thiện, song mới chỉ có 39% người dân ở các vùng nông thôn được hưởng lợi từ điều kiện vệ sinh môi trường đạt yêu cầu[2]. Kiến thức và hành vi vệ sinh của người dân ở nông thôn vẫn còn yếu kém dẫn đến sự lây truyền của các bệnh tiêu chảy như bệnh lỵ và bệnh tả[3] cũng như các bệnh lây nhiễm khác như ký sinh trùng hay mắt hột.

Trẻ em cũng đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch HIV đang lan tràn. Tỷ lệ trẻ em gái và trẻ em trai dưới 15 tuổi chiếm gần 2% trong tổng số người nhiễm HIV ở Việt Nam. Năm 2008[4] có khoảng 4100 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV và ước tính con số này sẽ tăng lên 4800 vào năm 2012[5].  Nếu không có chương trình giáo dục tốt hơn điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin đáng tin cậy và dịch vụ tốt, số trẻ em vừa sinh ra đã nhiễm HIV mỗi năm sẽ lên tới hơn 2000.

Một nguyên nhân nữa đe dọa sự sống còn và phát triển của trẻ em đó là năm 2007, gần 7900 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi tử vong mà nguyên nhân chính là do tai nạn thương tích có thể phòng tránh được như đuối nước, thương tích do tai nạn giao thông đường bộ, ngộ độc thực phẩm, ngã, bỏng và do động vật cắn[6].

Tổng ngân sách nhà nước dành cho y tế còn khá thấp khiến thường dân Việt Nam phải tự chi trả khoảng 63% tổng chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe[7]. Đây là một trong những rào cản chính đối với việc tiếp cận các dịch vụ y tế và là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc y tế. Ngành y tế cần được đầu tư nhiều hơn và có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ở cấp trung ương và giữa các bộ ngành nhằm ứng phó tốt hơn và giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề như suy dinh dưỡng, tai nạn thương tích trẻ em và HIV/AIDS, đó là chưa kể đến mối đe họa luôn rình rập của đại dịch Cúm Gia Cầm và Cúm H1N1 ở người.

Hoạt động:

Chương trình Sống còn và Phát triển của Trẻ em đã góp phần xuất sắc đạt được các kết quả sau.

Vận động xây dựng chính sách và phổ biến kiến thức:

  • Quyết định đầu tiên của Quốc hội về Y tế (Quyết định số 18) được ban hành tháng 6 năm 2008 đề xuất tăng ngân sách dành cho y tế nói chung và dành tối thiểu 30% tổng ngân sách nhà nước cấp cho ngành y tế dự phòng;
  • Nghị định số 21 của Chính phủ về Bộ luật Nuôi con bằng Sữa mẹ được thông qua, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích thực hành nuôi con bằng sữa mẹ cũng như hạn chế hoạt động giới thiệu các sản phẩm thay thế sữa mẹ bất hợp pháp /không phù hợp;
  • Kế hoạch Hành động Quốc gia đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hạn chế tình trạng còi xương được xây dựng, lồng ghép vào khi xây dựng  chương trình dinh dưỡng quốc gia cho giai đoạn tiếp theo từ năm 2011-2020;
  • Chương trình Mục tiêu Quốc gia (gọi tắt là NTP) Cấp Nước và Vệ sinh Môi trường Nông thôn (gọi tắt là RWSS) dành ưu tiên cao hơn cho phần vệ sinh môi trường, trong đó ngân sách dành cho phần vệ sinh môi trường tăng lên tương đương 35% tổng ngân sách;
  • Kế hoạch Quốc gia Hạn chế Thạch tín, Hướng dẫn Chẩn đoán nhiễm Thạch tín và Điều trị Ban đầu, Kế hoạch Hành động Truyền thông Thay đổi Hành vi về Vệ sinh Môi trường và Vệ sinh Cá nhân, các thiết kế Tiêu chuẩn Quốc gia về Nước, Vệ sinh Môi trường và Vệ sinh Cá nhân Phù hợp với Trẻ em (WASH) và hệ thống giám sát đánh giá RWSS quốc gia được xây dựng và công bố trên toàn quốc;
  • Xây dựng các cộng đồng an toàn và trường học an toàn trên toàn quốc; kế hoạch hành động phòng chống tai nạn thương tích cho ngành (giai đoạn 2007-2010) và kế hoạch hành động phòng chống tai nạn thương tích của ngành cho trẻ nhỏ giai đoạn 2008-2010 được xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hạn chế tai nạn thương tích;
  • Áp dụng thực hiện Chính sách Quốc gia về Phòng chống Tai nạn Thương tích và vận động cho vấn đề Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em trong đó Quốc hội giữ vai trò lãnh đạo và tham gia ngày càng nhiều hơn;
  • Chính phủ cam kết mạnh mẽ trong việc phòng chống HIV/AIDS bao gồm thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia Phòng chống Lây truyền HIV từ Mẹ sang Con (gọi tắt là PMTCT); UNICEF là một trong các tổ chức đi đầu trong việc hỗ trợ Chính phủ thiết lập các hệ thống cũng như tạo môi trường để các tổ chức tài trợ tham gia được nhiều hơn vào lĩnh vực phụ nữ, trẻ em và HIV/AIDS;
  • Các thành viên trong hộ gia đình và trong cộng đồng được nâng cao kiến thức và có thái độ tích cực hơn cũng như  thay đổi/có hành vi lành mạnh hơn về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến phúc lợi của phụ nữ và trẻ em bao gồm: tai nạn thương tích nặng cho trẻ em, sức khỏe bà mẹ trẻ em, HIV/AIDS-PMTCT, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và Cúm Gia cầm (gọi tắt là AI).

Nâng cao Năng lực và Củng cố Hệ thống:

  • Chính phủ đã xây dựng hoạt động chăm sóc trọn gói cần thiết cho mẹ và trẻ sơ sinh và triển khai nhiều hoạt động can thiệp nâng cao năng lực giúp thực hiện hoạt động chăm sóc trọn gói  ở cấp địa phương;
  • Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (gọi tắt là UNFPA) và tổ chức Y tế Thế giới (gọi tắt là WHO) thực hiện Khảo sát tỷ lệ Tử vong ở Mẹ giúp xác định chính xác được các nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng tử vong ở mẹ khi sinh và áp dụng thí điểm thành công ở ba tỉnh giúp xây dựng được các công cụ tốt hơn để áp dụng trên toàn quốc;
  • Giai đoạn thử nghiệm của PMTCT từ năm 2006-2007 đã kết thúc tốt đẹp ở năm huyện thuộc năm tỉnh từ năm 2006-2008. Mô hình đã được đánh giá và đúc kết bài học kinh nghiệm từ dự án trên để lồng ghép vào các hướng dẫn kỹ thuật nhân rộng phạm vi áp dụng PMTCT trên toàn quốc.
  • Thông qua mô hình WASH ở trường học, xây dựng thêm 118 trang thiết bị nước sạch và vệ sinh thân thiện với trẻ em ở trường học với khoảng 23.000 học sinh ở các khu vực nghèo và thiệt thòi được hưởng lợi.
  • Mô hình Phòng chống Tai nạn Thương tích toàn diện cho trẻ nhỏ gồm ba phần là gia đình an toàn cho trẻ em, trường học an toàn cho trẻ em và cộng đồng an toàn cho trẻ em được triển khai ở các xã dự án tại sáu tỉnh. Đầu năm 2009, bốn xã đã được đánh giá và được WHO công nhận là “Cộng đồng An toàn Quốc tế”. Ngoài ra, 18 xã khác được công nhận là Cộng đồng An toàn Quốc gia theo các tiêu chí quốc gia.
  • Các can thiệp sáng tạo như mở lớp dạy bơi cho trẻ em trong bối cảnh nông thôn và tiếp cận với hình thức chăm sóc trẻ thay thế phù hợp trong kỳ nghỉ hè đã được giới thiệu ở một số xã.

Tác động:

Thông qua lựa chọn các vùng bị thiệt thòi và các biện pháp chính sách ở cấp trung ương, chương trình Sống còn và Phát triển của Trẻ em sẽ hạn chế được tình trạng bất bình đẳng mà trẻ em thiệt thòi phải chịu khi tiếp cận với các dịch vụ y tế và dinh dưỡng. Chính quyền địa phương và các gia đình sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận với thông tin liên quan đến phát triển của trẻ em cũng như cách sống trong một môi trường lành mạnh và an toàn.

Hoạt động mở mang kiến thức tạo ra thông tin mới về sống còn của trẻ em giúp cải thiện các cơ chế hiện hành và xây dựng chính sách, chương trình và luật mới. Cùng với những kết quả khác đã đạt được, chương trình đã giúp xây dựng: Nghị định số 21 của Chính phủ về nuôi con bằng sữa mẹ tạo khuôn khổ pháp lý cho nuôi con bằng sữa mẹ và hạn chế hoạt động giới thiệu sản phẩm thay thế sữa mẹ không phù hợp; kế hoạch hành động quốc gia chống còi xương phục vụ kế hoạch dinh dưỡng quốc gia trong giai đoạn tiếp theo (giai đoạn từ năm 2011-2020); Chương trình Mục tiêu Quốc gia cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn; Quyết định số 18 ban hành năm 2008 tăng 30% ngân sách nhà nước dành cho y tế; Chương trình Hành  động phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con; và hỗ trợ sửa đổi luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm ban hành năm 2007.

Ghi chú

[1] Viện Dinh dưỡng (2010) Báo cáo ệ thống theo dõi dinh dưỡng thường niên năm 2009

[2] Ban chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương (2010) Kết quả điều tra mẫu mở rộng của Tổng Điều tra Dân số Việt Nam

[3] WHO Global Task Force on Cholera Control (2008) Thông tin tình hình bệnh tả Việt Nam

[4] Bộ YT, WHO và UNICEF (2009) Báo cáo chung toàn cầu năm 2009 về ứng phó của ngành y tế đối với HIV và AIDS

[5] Bộ YT (2009) Ước tính và Dự báo nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam, 2007-2012

[6] Bộ YT (2008) Báo cáo về thương tích gây tử vong ở Việt Nam năm 2007

[7] UNICEF Việt Nam (2008) Phân tích tình hình công bằng y tế ở Việt Nam

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s