Cứu những dòng sông Hà Nội – 4 bài

Bài 1: Đâu rồi dòng sông ký ức?
Bài 2: Khổ vì nguồn nước ô nhiễm
Bài 3: Ì ạch các dự án cải tạo sông Hà Nội
Bài 4: Cần giải pháp cấp thiết cứu những dòng sông Hà Nội

***

Cứu những dòng sông Hà Nội

Cập nhật lúc 15:49 13/01/2016

KTĐTHà Nội là mảnh đất gắn với rất nhiều dòng sông, từ sông Hồng đỏ nặng phù sa đến sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bùi, sông Tích nên thơ…

Sông Hát thuộc địa phận xã Hát Môn giờ chỉ còn là một đoạn kênh nhỏ, hẹp. Ảnh: Quang Thiện
Sông Hát thuộc địa phận xã Hát Môn giờ chỉ còn là một đoạn kênh nhỏ, hẹp. Ảnh: Quang Thiện

Ngay cả cái tên “Hà Nội” cũng xuất phát từ nghĩa “vùng đất bên trong sông”. Ấy vậy mà trải qua thăng trầm của thời gian, cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhiều dòng sông đã bị ô nhiễm và thu hẹp nghiêm trọng, mất đi vẻ đẹp hiền hòa. Thậm chí có những dòng sông chỉ còn trong ký ức…

Bài 1: Đâu rồi dòng sông ký ức?

Với nhiều người Hà Nội, hình ảnh về những dòng sông trong xanh uốn lượn qua những thôn làng, khu dân cư, nơi ăm ắp những kỷ niệm yên bình giờ chỉ còn lại trong ký ức. Không ít người xót xa khi “có một dòng sông đã qua đời”!

Tiếc một dòng sông xưa

Với những người dân từ trung niên đến các bậc bô lão ở xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) dòng Hát Giang trong xanh luôn hiện hữu trong miền ký ức đẹp đẽ. Bởi sông Hát giờ chỉ còn là một đoạn kênh nhỏ rộng hơn chục mét, chiều dài khoảng 2km. Vẫn trong xanh, vẫn êm đềm nhưng dòng sông một thời rộng lớn ôm ấp biết bao nhiêu giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất anh hùng Hát Môn giờ đã quá khác xưa. Sông Hát là nơi ghi nhiều chiến công oanh liệt của Hai Bà Trưng trong cuộc chiến chống quân Nam Hán và cũng chính là nơi Hai Bà tuẫn tiết, quyết không chịu khuất phục quân thù. Ngày nay, ngôi đền thờ Hai Bà vẫn hướng mặt nhìn ra dòng Hát Giang xưa nhưng dòng sông đã không còn nữa! “Tuổi thơ của tôi cùng chúng bạn được tung tăng bơi lội trên dòng sông nên thơ ấy, giờ là những kỷ niệm không thể phai nhòa” – ông Trần Viết Hỗ – Phó Ban Quản lý di tích Hát Môn nhớ lại.

Sông Hát là một nhánh của sông Hồng rẽ vào địa phận các xã Hát Môn, Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ), được thiên nhiên trù phú ban cho nhiều tôm cá. Bởi thế, vào những năm 70, rất nhiều ngư dân từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình đã lên đây đánh cá mưu sinh, rồi lập nên các xóm vạn chài. Ngày nay, ở Hát Môn vẫn còn một cụm dân cư số 4 là hậu duệ của những ngư dân vạn chài khi xưa. Thế nhưng, từ vài chục năm trở lại đây, cùng với sự vận động của tự nhiên, sự bồi đắp của dòng chảy và chính sự toan tính lấn chiếm của con người, dòng Hát Giang chỉ còn là một đoạn kênh nhỏ hẹp. Đến nỗi, mỗi năm vào ngày 6/3 Âm lịch, khi lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng diễn ra, việc thực hiện nghi lễ thả đèn hoa đăng gặp rất nhiều khó khăn bởi sông cạn, nước trơ đáy.

Giống như người dân Phúc Thọ nhớ về dòng sông Hát, với người dân huyện Thạch Thất, dòng Tích Giang thực sự là một phần ký ức không thể phai mờ, theo mỗi người lớn lên, rồi già đi. Bắt nguồn từ Ba Vì, chảy qua Sơn Tây, Phúc Thọ rồi uốn quanh các xã Cẩm Yên, Lại Thượng, Kim Quan, Cần Kiệm của huyện Thạch Thất trước khi chạy sang Quốc Oai, Chương Mỹ, sông Tích từng một thời gắn bó với biết bao người dân xứ Đoài. Ông Nguyễn Đình Thiện, 73 tuổi, thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm tâm sự, cách đây chừng 20 – 30 năm, người dân trong làng vẫn thường ra sông Tích bắt trai, cào hến. Thế nên, Tích Giang không chỉ là người bạn hiền hòa, gần gũi mà còn là nguồn nuôi sống biết bao nhiêu gia đình. “Cứ chiều đến, cha nào con nấy rủ nhau ra sông tắm mát nhưng nay thì không còn cảnh ấy nữa rồi” – ông Thiện ngậm ngùi.

Hình hài thay đổi

Sông Tích khi xưa rộng hàng trăm mét, nay theo thời gian bồi lắng lòng sông chỉ còn rộng chừng vài ba chục mét, chỗ rộng nhất cũng chỉ năm bảy chục mét. Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Thiện, những năm 60 của thế kỷ trước, ông còn chèo thuyền xuôi theo sông Tích qua Quốc Oai đến cầu Tân Trượng (Chương Mỹ), cả đoàn khiêng thuyền qua rồi xuôi theo dòng sông Đáy về vãn cảnh chùa Hương. Thế nhưng, giờ đây tuyến đường thủy hữu tình ấy chỉ còn trong trí nhớ của cụ ông ở độ tuổi “ngoại thất thập cổ lai hy”. Ông Kiều Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Cần Kiệm cho biết, do xã nằm ở vùng trũng nên toàn bộ đất đá, chất thải từ nơi khác đổ về làm bồi lắng dòng chảy sông Tích. So với nhiều năm trước đây, lòng sông vừa hẹp, vừa nông lại ô nhiễm hơn rất nhiều.

Giống như sông Tích, dòng Nhuệ Giang hiền hòa chảy qua địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai trước đây vốn được người dân ngợi ca như một bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đoạn sông Nhuệ ở làng Cự Đà đã trở thành nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền, minh chứng rõ nhất cho quan niệm “Nhất cận thị, nhị cận giang” lúc bấy giờ. Từ đây, thuyền buôn tứ phương ngược lên Phú Thọ qua sông Hồng hay xuôi Ninh Bình, Nam Định theo sông Đáy. Hai bên bờ sông là hàng chục bến nước lát đá tảng màu xanh, những cây đèn báo hiệu tạc bằng đá trắng chỉ dẫn cho tàu thuyền ra vào. Thế nhưng, khung cảnh hữu tình ấy nay không còn nữa. Dòng sông trong xanh vài ba chục năm trước còn đầy tôm cá nay nước bẩn đen kịt, những bến đá bề thế nay ngập tràn rác rưởi…

Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều con sông chảy qua như sông Hồng, Đáy, Tích, Cà Lồ, Đuống, Bùi, Tô Lịch, Kim Ngưu… Cùng với thăng trầm của thời gian và tác động của đô thị hóa, nhiều con sông đã thay đổi dòng chảy. Trong khu vực nội thành, đáng chú ý nhất có lẽ là sông Tô Lịch, một phân lưu đưa nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ. Qua nhiều biến thiên, ngày nay, sông Tô Lịch bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy (phía Nam đường Hoàng Quốc Việt), chảy cùng hướng với đường Bưởi, đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam, Tây Nam rồi ngoặt sang phía Đông Nam và đổ ra sông Nhuệ ở đối diện làng Hữu Từ, thuộc xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Từ một dòng sông nên thơ đi vào thi ca, giờ đây, sông Tô Lịch chỉ còn là dòng thoát nước thải của TP, ngày càng ô nhiễm nặng… Ông Nguyễn Trường Duy – nguyên Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) ngậm ngùi, hình hài của nhiều con sông trên địa bàn Thủ đô thay đổi quá nhiều do tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi khâu quản lý còn yếu kém. Trong đó, đáng chú ý là tình trạng lấn chiếm hành lang các tuyến sông, đê điều, công trình thủy lợi vẫn còn xảy ra khá nhiều ở các địa phương.

(Còn nữa)

Thiên Tú

***

Khổ vì nguồn nước ô nhiễm

Cập nhật lúc 14:36 14/01/2016

KTĐTTừ nhiều năm nay, nguồn nước các con sông trên địa bàn TP Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân vùng ven sông.

Thủy lợi… không còn lợi

Nhiều vùng sản xuất rau màu, cây ăn quả ở ngoại thành cũng bám vào hai bên bờ sông để phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự đổi thay, biến dạng về hình hài, nguồn nước sông bị ô nhiễm đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín, vùng được mệnh danh là “vựa” rau gia vị lớn nhất nhì TP với diện tích gần 100ha, hiện thiếu nước sạch trầm trọng. Nguyên nhân là dòng sông Nhuệ chảy qua địa phận xã đã bị ô nhiễm nặng, khiến người dân không dám dùng tưới rau. Để khắc phục, bà con phải tự khoan giếng trên cánh đồng lấy nước sạch. Chính vì vậy, trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại huyện Thường Tín mới đây, nhiều cử tri đã kiến nghị cần có giải pháp xử lý triệt để nguồn nước ngày càng ô nhiễm trên sông Nhuệ và xây dựng kênh dẫn nước từ sông Hồng để hỗ trợ bà con sản xuất rau sạch.

Tương tự, vùng bãi ven sông Đáy của xã Tân Phú, huyện Quốc Oai dù đã được quy hoạch thành vùng sản xuất rau an toàn nhưng nhiều năm nay chưa triển khai được do nguồn nước sông bị ô nhiễm.

Không chỉ rau màu, nhiều vùng NTTS tại các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thanh Oai, Quốc Oai… cũng đang gặp khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm. Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, hiện nay, nguồn nước cấp sử dụng cho NTTS trên địa bàn TP chủ yếu được lấy từ sông Hồng, Tích, Bùi, Đáy, Đà và các hồ chứa lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, nước thải sinh hoạt, chất thải, nước thải từ nhà máy, bệnh viện đổ ra các con sông khiến nguồn nước này bị ô nhiễm, nhất là sông Đáy, Nhuệ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất của các vùng NTTS.

Chưa dừng lại ở đó, việc thay đổi hiện trạng của các dòng sông còn ảnh hưởng không nhỏ tới tiêu thoát nước khi có mưa lớn hay bão lụt. Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, trước kia, khi còn nhiều ao hồ, lòng sông lại rộng nên việc tiêu thoát nước rất nhanh. Tuy nhiên, ngày nay nhiều ao hồ bị lấp, chỉ tính từ năm 1945 trở lại đây, có khoảng 1/3 số ao hồ trên địa bàn TP đã bị lấp. Bên cạnh đó, nhiều khu ruộng trũng nay đã được tôn cao thành khu đô thị. Hơn nữa, một số tuyến sông bị lấn chiếm, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy. Tất cả những yếu tố này khiến việc thoát nước gặp nhiều khó khăn, nhất là trong nội thành, mà bài học đáng nhớ là trận lụt lịch sử ở Thủ đô tháng 10/2008.

Đe dọa sức khỏe của người dân

Trò chuyện với chúng tôi ngoài hiên ngôi nhà 2 tầng nhìn ra sông Tích, bà Nguyễn Thị Vân, 62 tuổi, thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất ngậm ngùi nhớ lại những ngày tháng xưa. Cách đây chừng hai ba chục năm, người dân Phú Lễ ngày ngày vẫn ra sông Tích lấy nước về ăn uống, sinh hoạt. Bà Vân bảo, dùng nước sông Tích hãm nước chè xanh ngon hơn bất cứ thứ nước nào. Thậm chí, ngày mùng Một Tết, người dân trong làng còn kéo nhau ra bến sông lấy nước về với hy vọng lộc tràn đầy trong năm mới. Nhưng giờ đây, nước sông vẩn đục bởi rác, nylon, thậm chí có người còn ném cả súc vật chết xuống sông, nên chẳng ai còn dám xuống sông giặt giũ, nói gì đến dùng nước để ăn.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng đã và đang gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân xã Cự Khê, huyện Thanh Oai nhiều năm nay. Do nằm ven sông Nhuệ, toàn bộ hệ thống nước ngầm của xã, nhất là thôn Cự Đà cũng bị ô nhiễm theo. Kết quả khảo sát của Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Nội cho thấy, nguồn nước ngầm ở khu vực này bị nhiễm asen cao gấp từ 5 – 7 lần tiêu chuẩn cho phép. Để đối phó tạm thời với tình trạng này, hầu hết các hộ dân trong làng đều đầu tư xây dựng bể chứa nước mưa dung tích lớn nhưng cũng không đủ sử dụng.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), thời gian qua, với sự nỗ lực của các tỉnh, TP trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy, các vấn đề môi trường đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm chất thải vẫn là vấn đề gây bức xúc. Trên địa bàn Hà Nội, đa số các làng nghề đều chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải trước khi xả ra sông. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xả trực tiếp nước thải sinh hoạt đô thị ra sông do hệ thống thu gom nước thải chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Số liệu quan trắc mới nhất được tiến hành hồi tháng 7/2015 của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho thấy, nhiều chỉ tiêu ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ – Đáy có chiều hướng gia tăng. Đơn cử, trên sông Nhuệ, có 10/10 điểm quan trắc giá trị tổng chất rắn lơ lửng đều vượt ngưỡng so với Quy chuẩn Việt Nam 08:2008/BTNMT. Tương tự, trên lưu vực sông Đáy, 17/19 điểm quan trắc cũng cho kết quả chất rắn lơ lửng vượt ngưỡng quy chuẩn này…

Trong năm 2015, Bộ TN&MT đã tổ chức 2 đoàn thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn 2 tỉnh, TP thuộc lưu vực sông Nhuệ – Đáy là Hà Nội và Hà Nam. Tại Hà Nội, đoàn đã tiến hành kiểm tra 92 cơ sở, khu công nghiệp, trong đó phát hiện 54 cơ sở, khu công nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Các vi phạm chủ yếu là không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ, xả nước thải vượt quy chuẩn về kỹ thuật… Qua đó, đoàn thanh tra đã xử phạt hành chính các cơ sở trên với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường trên toàn tuyến đã phát hiện, điều tra và xử lý 70 vụ việc vi phạm môi trường sông Nhuệ – Đáy, trong đó, Hà Nội có 10 vụ, Nam Định 31 vụ.

(còn nữa)

Thiên Tú

***

Ì ạch các dự án cải tạo sông Hà Nội

Cập nhật lúc 14:57 15/01/2016

KTDTNhằm góp phần làm “sống lại” những dòng sông bị bồi lắng, ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô, những năm qua, nhiều dự án nạo vét, cải tạo, tiếp nước làm sạch các tuyến sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích… đã được triển khai.

Nhằm góp phần làm “sống lại” những dòng sông bị bồi lắng, ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô, những năm qua, nhiều dự án nạo vét, cải tạo, tiếp nước làm sạch các tuyến sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích… đã được triển khai. Tuy nhiên tiến độ thực hiện khá chậm chạp, chưa đáp ứng mong mỏi của người dân.

Tiến độ chưa đạt yêu cầu

Lưu vực sông Nhuệ – Đáy nằm ở hữu ngạn sông Hồng với tổng diện tích tự nhiên 7.388km2, gồm 5 tỉnh, TP là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hòa Bình. Nhận thấy tầm quan trọng của lưu vực sông đối với đời sống và sản xuất của Nhân dân các địa phương, từ năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020”.

Tiếp đó, ngày 31/8/2009, Chính phủ tiếp tục có Quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy để tổ chức chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng nhằm thực hiện thống nhất và có hiệu quả các nội dung của Đề án trên. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực của các tỉnh, TP trên lưu vực sông, các vấn đề môi trường trên lưu vực sông đã từng bước được giải quyết, song đánh giá một cách toàn diện thì vẫn chưa đạt yêu cầu.

Dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích đang chậm tiến độ. Ảnh : Quang Thiện

Dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích đang chậm tiến độ. Ảnh : Quang Thiện

Theo báo cáo của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy tại kỳ họp lần thứ 7 tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, đến nay, các địa phương trong lưu vực đã tiến hành xử lý 39/43 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và 10/50 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đô thị vẫn chưa đạt 60%, mới có 65% các khu công nghiệp và khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc nhận định, nhiều mục tiêu của Đề án còn chưa đạt được. Trong đó khó khăn lớn nhất là huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, dự án khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước các dòng sông.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai một số dự án lớn về cải tạo, làm sống lại các dòng sông. Nói đến những “đại dự án” với hy vọng sẽ mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho các dòng sông được triển khai trên địa bàn TP, chắc chắn không thể không kể đến hai dự án quan trọng là nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy và Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích… Mục đích của những dự án này nhằm khôi phục dòng chảy của các sông vào mùa khô, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như dân sinh và cải tạo môi trường sinh thái. Ông Trần Anh Tú – Phó Trưởng Ban Quản lý dự án nông nghiệp – thủy lợi (Sở NN&PTNT), đơn vị thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy cho biết, dự án do Bộ NN&PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 830 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Trong đó, vốn do Bộ NN&PTNT cấp khoảng 631 tỷ đồng, còn lại là ngân sách TP Hà Nội. Đến nay, dự án được đầu tư 348,6 tỷ đồng, đã giải ngân trên 276 tỷ đồng thực hiện thi công khoảng 7,1km thuộc phân kỳ đầu tư thứ nhất của dự án (giai đoạn 2011 – 2015). Hiện tại, dự án còn vướng khoảng 300m chưa thể thực hiện do vướng công tác GPMB tại xã Dương Liễu và Đắc Sở, thuộc huyện Hoài Đức. “Trách nhiệm của sự chậm trễ này thuộc về UBND huyện Hoài Đức” – ông Tú cho biết.

Một dự án lớn khác hiện cũng đang vướng khâu GPMB là Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ (Ba Vì). Mục tiêu của  dự án là lấy nguồn nước sạch từ sông Đà vào sông Tích đất sản xuất nông nghiệp của 7 huyện, thị xã gồm: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Đồng thời cấp nước sinh hoạt cho gần một triệu dân hai bên bờ và làm nhiệm vụ thoát lũ trong mùa mưa kết hợp với cải tạo môi trường trong khu vực. Theo ông Đinh Công Sơn – Giám đốc Ban Quản lý dự án sông Tích (Sở NN&PTNT) – đơn vị thực hiện dự án cho biết, đến nay đã hoàn thành công tác lập, phê duyệt thiết kế các hạng mục công trình thuộc phân kỳ I của dự án trên địa bàn huyện Ba Vì và hoàn thành công tác GPMB ở 3 xã Thuần Mỹ, Sơn Đà, Tòng Bạt. Tuy nhiên, còn khoảng 10,6ha thuộc xã Cẩm Lĩnh hiện chưa hoàn thành công tác GPMB.

Đẩy nhanh tiến độ

 

Tình trạng ô nhiễm sông ở Hà Nội đang ở mức báo động, nhất là các tuyến sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông La Khê và một số tuyến kênh mương khác. Để quản lý tình trạng xả thải, Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường sự phối hợp, vận động tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, cũng như có biện pháp xử lý trước khi xả thải ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, kiến nghị Sở TN&MT, các DN thủy lợi thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, lập biên bản, xử lý nghiêm và triệt để các trường hợp vi phạm về xả thải ra hệ thống sông, kênh mương thủy lợi.

ÔngNguyễn Vĩnh Liên – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội

Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì là một trong 37 công trình, cụm công trình trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015. Đây được coi là một trong những “đại dự án” nhiều tham vọng nhất trong lĩnh vực thủy lợi khi tạo tuyến dẫn nước từ sông Đà vào làm sạch sông Tích. Dự án có quy mô lớn, phục vụ đa mục tiêu, thời gian thực hiện kéo dài, tổng mức đầu tư lớn (6.914 tỷ đồng), địa bàn triển khai thực hiện dự án rộng, tính phức tạp cao, có tổng chiều dài trên 110km đi qua 7 huyện, thị xã của TP. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh GPMB và bố trí vốn hàng năm để thực hiện các hạng mục của dự án đảm bảo tiến độ và phát huy hiệu quả là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Trước đó, hồi giữa tháng 8/2015, trên cơ sở đề nghị của Sở NN&PTNT, UBND TP đã đồng ý chủ trương bổ sung 85,6ha đất tại huyện Ba Vì để thực hiện Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ vào kế hoạch sử dụng đất năm 2015 huyện Ba Vì. Việc này nhằm làm căn cứ triển khai các thủ tục thu hồi đất, GPMB, đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án. Về kế hoạch vốn năm 2015, dự án đã được phân bổ là 236,636 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP là 10 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 – 2016 là 226,636 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ kế hoạch, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND TP xem xét cân đối, bổ sung vốn GPMB năm 2015 cho dự án này với kinh phí 100 tỷ đồng phục vụ chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB 10,63ha diện tích còn lại của xã Cẩm Lĩnh.

Đối với Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy, ông Trần Anh Tú – Phó Trưởng Ban Quản lý dự án nông nghiệp – thủy lợi đề nghị TP đôn đốc huyện Hoài Đức tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB tại xã Dương Liễu, phấn đấu hoàn thành phân kỳ I của dự án trong năm 2015. Đối với phân kỳ đầu tư II, nạo vét đoạn từ K8+700 đến phường Yên Nghĩa dài 14,4km, xây dựng 6 cầu qua sông và nâng cấp 5 trạm bơm ven sông với tổng kinh phí 478,962 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án nông nghiệp – thủy lợi kiến nghị TP trình Bộ NN&PTNT sớm cấp kinh phí để thực hiện theo kế hoạch.

Liên quan tới vấn đề cải thiện môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy, Hà Nội được đánh giá là địa phương luôn đi đầu trong việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư xử lý ô nhiễm nguồn nước. Trong năm 2015, TP đã đưa vào vận hành dự án xử lý chất thải rắn ở Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và nhà máy xử lý rác thải Phương Đình (Đan Phượng), đồng thời tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai 6 dự án xử lý chất thải rắn khác. Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh cho biết, khó khăn hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ của T.Ư rất hạn hẹp, đặc biệt là các dự án đầu tư hầu hết phải sử dụng hoàn toàn kinh phí của địa phương và nguồn lực xã hội hóa. Điều này dẫn tới công tác triển khai Đề án tổng thể còn chậm, hiệu quả chưa cao. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ – Đáy, Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của T.Ư và địa phương cụ thể ưu tiên cho các dự án đầu tư cho lưu vực sông Nhuệ – Đáy…

Như vậy, có thể nói, nếu các dự án trên sớm được triển khai đảm bảo tiến độ, hy vọng một ngày không xa, một số dòng sông trên địa bàn Thủ đô sẽ được “cứu sống”.

     (còn nữa)

Trọng Tùng – Thiên Tú

***

Cần giải pháp cấp thiết cứu những dòng sông Hà Nội

Cập nhật lúc 15:00 16/01/2016

KTĐTHà Nội là đô thị được mệnh danh là TP của sông, hồ. Những con sông không chỉ có giá trị về cảnh quan, danh lam thắng cảnh, ký ức lịch sử mà còn có giá trị về sinh thái môi trường.

Trải qua thăng trầm của thời gian, nhiều dòng sông bị ô nhiễm, thu hẹp lại, thậm chí đã biến mất hoàn toàn. Giải pháp nào để làm “sống lại” các dòng sông? Ông Phạm Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội đã trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhiều dòng sông bị ô nhiễm và thu hẹp. Ông đánh giá thế nào về sự thay đổi hiện trạng của các dòng sông trên địa bàn TP Hà Nội và nguyên nhân?

– Do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế, hành lang đê điều bị vi phạm, người dân xả rác bừa bãi, dẫn đến nhiều dòng sông bị lấn chiếm, ô nhiễm, diện tích hành lang lưu vực sông ngày càng bị thu hẹp lại. Ngoài ra, do quản lý ở cấp cơ sở còn yếu kém, các địa phương buông lỏng quản lý, dẫn đến việc nhiều hộ dân đã dựng lều lán, nhà ở, thu hẹp hành lang lưu vực sông. Trong khi đó, các con sông chủ yếu chứa nước thải sinh hoạt, khó lưu thông nên đã xuất hiện tình trạng những “dòng sông chết”. Đến nay, hầu hết các con sông chưa có quy hoạch chính thức về hành lang nên không được cắm mốc giới để xác định. Bên cạnh đó, diện tích đất đai, ruộng vườn, nhà ở của dân cư xen kẽ, trong khi không có chế tài, quy định bắt buộc diện tích hành lang lưu vực sông là bao nhiêu để các cấp quản lý.

Hiện, Hà Nội đã làm quy hoạch hành lang bảo vệ môi trường và đất đai lưu vực sông Nhuệ, từ năm 2010 – 2014 đã cắm mốc giới hành lang sông Nhuệ toàn tuyến thuộc địa phận TP. Đây là cơ sở để quản lý lâu dài, chống lấn chiếm. Đối với sông Tích, TP cũng đã lập đề án cải tạo và làm “sống lại” con sông này. Chính phủ đã phê duyệt đề án từ năm 2010, và các dự án liên quan đang triển khai.

Theo ông, cần có giải pháp gì để làm “sống lại” những dòng sông? Hà Nội đã có những giải pháp gì để cải tạo các con sông?

– Hiện vẫn có sự chồng chéo giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT; giữa Sở TN&MT và Sở NN&PTNT trong việc quản lý lưu vực sông. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, Hà Nội rất quyết liệt trong việc cải tạo, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, làm sống lại các con sông, đặc biệt đối với sông Nhuệ – Đáy. Hà Nội cũng được đánh giá là địa phương đi đầu trong giải quyết ô nhiễm môi trường lưu vực 2 con sông này. Trong năm 2016, UBND TP tiếp tục chỉ đạo cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi sông Nhuệ trên địa bàn Hà Nội để quản lý đất đai, đê điều, trật tự xây dựng, chống lấn chiếm hành lang sông. Đồng thời, triển khai các dự án thành phần theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường hai bên bờ sông. Đối với sông Tô Lịch, đã triển khai lắp đặt 88 cụm bè thủy sinh trên sông nhằm tạo cảnh quan và góp phần cải thiện chất lượng nước.

Tới đây, Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT đề xuất, ngoài sông Nhuệ, triển khai quy hoạch lưu vực các con sông khác trên địa bàn. Về lâu dài, sẽ quy hoạch cả sông Hồng, sông Đà, sông Đáy để quản lý tốt hơn. Tôi cho rằng, để bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của các con sông phải có sự tham gia của cộng đồng và sự giám sát của xã hội.

Chúng ta không vì tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ giá trị bền vững của các con sông. Bởi vậy, cần tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trên lưu vực, đặc biệt là đối với dân cư dọc hành lang sông không thải rác trực tiếp xuống sông hoặc vào các cống chảy ra sông. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình ứng dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh để giảm thiểu ô nhiễm nước thải trước khi thải ra sông Tô Lịch. Cần khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất, người dân thực hiện thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Khi có được sự đoàn kết chung tay của cộng đồng và chính quyền cơ sở, các con sông, không gian công cộng sẽ tránh được những hoạt động tiêu cực vì lợi ích cá nhân.

Ngoài ra, việc làm “sống lại” các con sông, đưa hệ sinh thái các dòng sông trở lại “mạnh khỏe” phục vụ người dân phải trở thành một trong các chỉ số quan trọng xác định sự phát triển bền vững của Hà Nội. Công tác khôi phục hệ sinh thái của các dòng sông đòi hỏi những giải pháp tích hợp và đồng bộ, với sự tham gia của các sở, ban, ngành, của toàn xã hội, cộng đồng dân cư.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy:

Chế tài chưa đủ mạnh

Hiện nay, khó khăn nhất trong xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ – Đáy giữa các địa phương trong lưu vực là yêu cầu tính đồng bộ. Ví dụ, xử lý chất thải ngay từ các con sông, rạch, kênh mương trong khu vực TP qua các làng nghề, từ Hà Nội đến Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định. Vấn đề đặt ra là làm thế nào có sự phối hợp giữa các địa phương trong khi nhìn vào tiềm lực tài chính mỗi tỉnh, thành lại có những điều kiện khác nhau và nhìn chung còn khó khăn. Theo tôi, các tỉnh, TP cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong xử lý các nguồn chất thải gây ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các DN, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, chế tài xử lý vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông đã có nhưng chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là đòi hỏi thực tiễn, do vậy, tới đây phải có nghiên cứu để có chế tài xử lý, quản lý sát thực hơn, đáp ứng được yêu cầu quản lý môi trường.


Ông Nguyễn Trường Duy – nguyên Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở NN&PTNT):

Cải tạo sông vì một thành phố xanh

Việc làm “sống lại” các dòng sông trên địa bàn Thủ đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng, hướng tới xây dựng một TP xanh, sạch, đẹp. Qua đó tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.  Những nghiên cứu trước đây đặt ra giải pháp đưa nước sông Hồng vào để cải tạo các sông bị ô nhiễm, tuy nhiên từ năm 2004 trở lại đây, mực nước sông Hồng đã xuống thấp do lòng sông bị bồi lắng. Đáy sông có xu hướng nâng lên, nhất là vào mùa cạn, khiến cho lưu lượng nước chảy về bị ảnh hưởng. Do đó, tôi cho rằng, Dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì là một giải pháp phù hợp nhằm lợi dụng chênh lệch của cao trình tạo dòng chảy từ sông Đà vào sông Tích. Về lâu dài, chúng ta có thể cải tạo lại dòng sông Nhuệ thành 2 mặt cắt. Mặt cắt phía dưới phục vụ cho sản xuất và du lịch, mặt cắt phía trên phục vụ cho nhiệm vụ chống lũ. Đối với khó khăn về kinh phí, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, có thể huy động vốn xã hội hóa. Một vấn đề đặc biệt quan trọng cần lưu ý là về lâu dài, trước sau gì TP cũng phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải trước khi xả xuống các con sông.

Hồng Thái thực hiện

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s