Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.
Chào các bạn,
Tiếp theo “Dân ca K’ho (Cơ Ho)”, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn “Dân ca Cờ Lao”.
Dân tộc Cờ Lao, còn có các tên gọi khác: Ke Lao, Klau (tiếng Trung Hoa: 仡佬族 hay người Ngật Lão) là một dân tộc ít người. Họ là một trong số 54 dân tộc Việt Nam và 56 dân tộc Trung Hoa được công nhận một cách chính thức.
Tổng số người Cờ Lao tại hai quốc gia này khoảng 438.200-594.000 người (theo các nguồn khác nhau). Dân tộc Cờ Lao chủ yếu sinh sống tại khu vực phía tây tỉnh Quý Châu, Trung Hoa. Một số ít sinh sống tại các tỉnh Quảng Tây,Vân Nam, Tứ Xuyên. Tại Việt Nam, có khoảng 1.500 người sinh sống tại các huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phì thuộc tỉnh Hà Giang. Tín ngưỡng chính là đa thần, thờ phụng tổ tiên.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Cờ Lao ở Việt Nam chỉ có dân số 2.636 người, nưhng có mặt tại tới 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cờ Lao cư trú tập trung tại tỉnh Hà Giang (2.301 người, chiếm 87,3% tổng số người Cờ Lao tại Việt Nam), ngoài ra còn có ở Tuyên Quang (69 người), Hà Nội (50 người), Sài Gòn (25 người)

Tiếng Cờ Lao thuộc về hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, nhưng ngày nay chỉ còn rất ít người Cờ Lao còn nói được thứ tiếng này. Do các phương ngữ Cờ Lao khác nhau rất nhiều, nên tại Trung Hoa, tiếng Quan Thoại đã được sử dụng như là ngôn ngữ chung (lingua franca) và hiện nay là thứ tiếng chung được nhiều người Cờ Lao sử dụng. Các tiếng H’Mông, Di và Bố Y cũng được sử dụng. Tiếng Cờ Lao không có bảng chữ cái riêng. Các ký tự của tiếng Trung được người Cơ Lao tại Trung Hoa sử dụng để thay thế.
Quần áo truyền thống của đàn ông bao gồm áo vét và quần dài như nhiều dân tộc vùng biên giới phía Bắc. Phụ nữ mặc áo vét ngắn và váy hẹp được chia thành ba phần: phần trên được may tỉ mỉ bằng len đỏ trong khi hai phần còn lại là vải được viền các màu đen và trắng. Họ còn mặc quần, áo dài 5 thân cài nách, dài quá đầu gối, được trang trí bằng nhiều miếng vải khác màu khâu đáp lên ngực áo từ giữa ngực sang nách phải, theo mép xẻ. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều dùng khăn quàng cổ dài.
Về cá tính trang phục người Cờ Lao chịu ảnh hưởng gần gũi với cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái như: Tày, Nùng Giáy v.v… về kỹ thuật và phong cách mỹ thuật.
Ở Đồng Văn, người Cờ Lao làm nương, gieo trồng ngô ở hốc núi đá. Ở Hoàng Su Phi, họ làm ruộng nước và nương núi đất, trồng lúa là chính. Nghề thủ công phổ biến của người Cờ Lao là đan lát và làm đồ gỗ, sản phẩm là phên, cót, nong, bồ, bàn ghế, yên ngựa v.v.
Phong tục cổ truyền “kéo vợ” hay “cướp vợ” của người Cờ Lao Đỏ vẫn còn tồn tại. Cô dâu Cờ Lao Đỏ chỉ ở lại nhà chồng đêm đầu sau khi cưới. Sáng hôm sau cô dâu phải trở về nhà cha mẹ đẻ và không trở lại nhà chồng. Người chồng thỉnh thoảng qua bên nhà vợ ở vài ngày. Hiện tượng tàn dư hôn nhân cư trú nhà bên vợ vẫn còn sót lại cho đến bây giờ.
Theo phong tục con trai cô được lấy con gái cậu. Phụ nữ Cờ Lao khi mang thai thường kiêng cữ cẩn thận để sinh đẻ dễ, con khỏe mạnh. Ở vùng Đồng Văn, người Cơ Lao đốt nhau thai của đứa trẻ sơ sinh thành than rồi đem bỏ vào hốc đá trên rừng, tránh để cho chó hay lợn giẫm vào. Đứa trẻ sinh ra được 3 ngày 3 đêm (nếu là con trai), 2 ngày 3 đêm (nếu là con gái), thì bố mẹ làm lễ đặt tên cho con. Đứa con đầu lòng được bà ngoại đặt tên cho. Người Cờ Lao chết đi được làm lễ chôn cất và lễ chay. Người Cờ Lao có tục khi chôn cất thì xếp đá thành từng vòng quanh mộ (mỗi vòng đá tương ứng với 10 tuổi của người chết), rồi lấp đất kín những vòng đá ấy.

Mỗi bản người Cờ Lao có khoảng 15-20 nhà. Mỗi nhà là một gia đình nhỏ gồm vợ chồng và con cái, con trai có vợ ít khi ở chung với bố mẹ. Mỗi nhóm Cờ Lao có một số họ nhất định. Các con đều theo họ cha.
Người Cờ Lao ở nhà đất thường ba gian hai chái. Mái lợp tranh. Ở Hoàng Su Phì đôi khi người ta lợp bằng những máng nứa theo kiểu lợp ngói âm dương. Vách đan bằng nứa, có khi người ta đan bằng những cây gỗ nhỏ.
Hàng năm người Cờ Lao có những ngày lễ, tết theo âm lịch như 3 tháng 3, 5 tháng 5, 15 tháng 7, 9 tháng 9… v.v. và Tết Nguyên Đán là lớn nhất.
Về âm nhạc dân gian truyền thống thì dân tộc Cờ Lao có mấy điệu hát giao duyên đối đáp trong những dịp lễ vui và những khi làm việc ngoài đồng.
Dưới đây mình có các bài:
– Dân tộc Cờ Lao
– Lễ đặt tên con của người Cờ Lao ở Hà Giang
– Trang phục dân tộc Cờ Lao
Cùng với 3 clips tổng thể văn hóa truyền thống của dân tộc Cờ Lao để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)

Dân tộc Cờ Lao được chia thành nhiều nhóm. Nhóm Cờ Lao Đỏ phân bố ở Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng, chủ yếu canh tác ruộng nước. Trong khi đó, nhóm Cờ Lao Xanh và cờ Lao Trắng phân bố ở Đồng Văn, Mèo Vạclại sống dựa chủ yếu vào nương định canh núi đá.Theo các tài liệu nghiên cứu hiện nay thì người Cờ Lao ở Việt Nam có quan hệ với dân tộc Ngật Lão ở Văn Sơn (Trung Quốc). Căn cứ vào gia phả của một số dòng họ thì người Cờ Lao có mặt ở Hà Giang khoảng 120 đến 250 năm cách ngày nay.
Cũng như các dân tộc khác, người Cờ Lao cư trú thành từng thôn bản. Mỗi thôn có khoảng 15- 20 gia đình. Các ngôi nhà thường được thưng bằng gỗ hoặc trình bằng đất, lợp ngói âm dương, không chái. Phía sau của gian giữa là nơi thờ cúng, phía trước là chỗ ăn cơm. Trên bàn thờ, người ta đặt các bát hương thờ tổ tiên từ đời thứ 3 hoặc thứ 4. Hàng năm, khi mổ lợn ăn tết họ đều lấy các mảnh xương hàm treo lên đó.
Dù cư trú ở Hoàng Su Phì hay Đồng Văn, Mèo Vạc thì nguồn sống chính của người Cờ Lao vẫn chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Nhóm Cờ Lao Đỏ thì canh tác lúa nước, trồng chè, còn nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắng thì trồng ngô và chăn nuôi. Quanh nhà, người ta thường quây những mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn quả, rau xanh…
Đến các làng bản người Cờ Lao hôm nay, nếu chỉ bắt gặp đàn ông của dân tộc này thì ta cũng không phân biệt được nét riêng qua trang phục vì đa phần họ mặc giống các dân tộc khác như quần đen, áo xẻ ngực, 4 túi… Riêng trang phục nữ giới thì dù có thay đổi ít nhiều song vẫn còn giữ được nét riêng của mình. Nhiều người cho rằng trước đây, phụ nữ Cờ Lao mặc váy song thực tế hiện nay thì đa số phụ nữ Cờ Lao mặc quần, kết hợp với áo dài. áo của phụ nữ Cờ Lao là loại áo dài xẻ tà, cổ đứng, cài cúc bên nách phải. áo may dài quá đầu gối, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo. Đặc biệt, trong ngày cưới, chú rể bắt buộc mặc áo dài xanh như kiểu áo nữ và cuốn một tấm khăn đỏ qua người, cô dâu thì búi tócngược lên đỉnh đầu…

Người Cờ Lao rất tôn trong hôn nhân tốt đẹp, một vợ một chồng. Dù là cha mẹ gả hay tự nguyện lấy nhau thì các gia đình Cờ Lao rất ít khi bỏ nhau. Với gia đình hôn nhân bền chặt, các gia đình người Cờ Lao sống cùng nhau nhiều thế hệ. Con cái sinh ra và lớn lên trong gia đình và môi trường xã hội mà ở đó các phong tục, tập quán được quy định chặt chẽ. Nhờ đó, những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Nói về tôn giáo của người Cờ Lao cũng có điểm khác biệt. Họ cho rằng chỉ có người, các loại gia súc và lúa, ngô mới có linh hồn. Mỗi người có 3 linh hồn. Sức khoẻ của con người tuỳ thuộc vào sự mạnh yếu của linh hồn. Khi linh hồn rời khỏi thể xác cũng có nghĩa là con người ta chết đi. Người Cờ Lao cũng tin rằng để linh hồn đến được với tổ tiên thì người ta không chỉ làm đám tang chôn cất mà còn phải tổ chức lễ ma khô sau đó.
Người cờ Lao được xếp vào nhóm ngôn ngữ Ka-Đai. Tuy nhiên do địa bàn cư trú khác nhau mà ngôn ngữ của các nhóm Cờ Lao đã hình thành những phương ngữ khá phức tạp. Do sinh sống gần gũi với nhau nên tiếng nói của nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắngđã hoà vào nhau. Trái lại, nhóm Cờ Lao Đỏ ở Hoàng Su Phì có thổ ngữ riêng và việc giao tiếp giữa các nhóm gặp khó khăn. Có thể nói, ngôn ngữ của dân tộc này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức.
Cùng với ngôn ngữ thì vốn văn hoá dân gian của dân tộc Cờ Lao cũng đang cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm hiểu một cách bài bản hệ thống. Qua đó,giúp đồng bào lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của mình bằng văn bản. Đồng thời, giới thiệu đến mọi người những nét đẹp văn hoá của đồng bào, góp phần làm giàu thêm nền văn hoá đất nước ta vốn đã phong phú và đa dạng.

Văn hóa hôn nhân của dân tộc Cờ Lao
Dân tộc Cờ Lao thực hiện hôn nhân một vợ một chồng, cư trú bên nhà chồng và ngoại hôn dòng họ. Trong truyền thống, đồng bào chấp nhận lấy vợ, lấy chồng đổi nhau giữa các gia đình (con trai nhà này lấy con gái nhà kia và ngược lại con trai nhà kia lại lấy con gái nhà này).
Đồng thời cũng cho phép thực hiện hôn nhân anh em chồng (anh chết, em lấy chị dâu làm vợ, hoặc em chết, anh lấy em dâu làm vợ). Phong tục này trước kia là nguyên tắc hôn nhân bắt buộc vì liên quan tới thừa kế tài sản, bảo toàn của cải gia đình dòng họ. Nhưng hiện nay đã có thay đổi, không còn bắt buộc nữa.
Phong tục ở rể của người Cờ Lao không phổ biến, nếu gia đình nào không có con trai thì họ được quyền lấy chàng rể về thờ cúng tổ tiên bên vợ và chàng rể được quyền thừa kế tài sản nhà vợ nơi mình ở rể. Tục lệ cưới xin của người Cờ Lao có nhiều bước: dạm hỏi, sêu tết và cưới.
Bên cạnh cách cưới xin thông thường trong vùng đồng bào Cờ Lao vẫn tồn tại cách hôn nhân theo hình thức cướp vợ nhưng đây chỉ là nghi thức truyền thống còn rớt lại và cơ bản vẫn theo sự thuận tình của đôi lứa và đôi bên gia đình, họ mạc.
Ở đồng bào Cờ Lao Xanh lúc đón dâu, chàng rể mặc áo xanh quấn khăn đỏ quanh người. Cô dâu búi tóc ngược thành chỏm trên đỉnh đầu, khi bước qua cổng nhà, cô dâu dẫm vỡ một cái bát sứ, một cái muôi gỗ.
Ở người Cờ Lao Đỏ, cô dâu chỉ về nhà chồng một đêm rồi trở lại nhà mình ngay và ở đó suốt một năm. Thỉnh thoảng chồng mới được sang thăm vợ, sau một năm mới được đón vợ về hẳn nhà mình. Đây là hình thức hôn nhân cư trú bên nhà vợ hình thành từ xa xưa vẫn còn sót lại ở người Cờ Lao nhưng hiện nay tục lệ này đã giảm dần.
Lúc mang thai, phụ nữ Cờ Lao trải qua nhiều kiêng cữ để mong đẻ dễ và dễ nuôi con trẻ. Nhau thai đem đốt thành tro than mang vào rừng sâu chôn nơi hốc đá ngăn không cho lợn dẫm vào, nếu không trời sẽ sinh ra sấm sét bất lợi cho con người. Sinh con trai sau ba ngày ba đêm, sinh con gái sau hai ngày đêm bố mẹ làm lễ đặt tên con. Đứa trẻ được tắm rửa, mặc quần áo mới. Bố mẹ thịt gà cúng thần, cúng tổ tiên, làm lễ trừ tà ma cho đứa trẻ. Nếu là con đầu lòng thì bà ngoại sẽ là người đặt tên và ông cậu tặng quà cầu phúc.
Gia đình dân tộc Cờ Lao là gia đình nhỏ phụ quyền. Trong gia đình thông thường có vợ chồng và những đứa con. Trong nhiều trường hợp cả ông và con trai lớn đã có vợ con. Người cha có quyền quyết định những việc quan trọng của gia đình. Con trai được thừa kế tài sản.
Ngày nay, người Cờ Lao tiếp thu được nhiều giá trị mới văn minh, tiến bộ trong tình yêu và hôn nhân. Đặc biệt, Luật hôn nhân và gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào đảm bảo cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy ở gia đình và cộng đồng.
Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam có ngôi làng Cờ Lao truyền thống với những mái ấm cổ truyền thân thiết mang dáng dấp nguyên sơ, nguồn cội. Nơi đây hứa hẹn là nơi sẽ phục dựng để quảng bá những nét đẹp trong văn hóa gia đình, hôn nhân và sinh hoạt lễ hội của cộng đồng người Cờ Lao khi bà con luân phiên việc vận hành khai thác và quảng bá.

Lễ đặt tên con của người Cờ Lao ở Hà Giang
(TH-Cinet-DTV)
Lễ đặt tên con của dân tộc Cờ Lao mang ý nghĩa nhân văn cao cả và là nét văn hóa truyền thống độc đáo của một dân tộc ít người hiện có ở Hà Giang.
Dân tộc Cờ Lao quan niệm, mỗi người từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt trở về với tổ tiên, người Cờ Lao phải trải qua các nghi lễ như lễ trưởng thành, lễ cưới, lễ địa táng (lễ làm ma tươi), lễ làm ma khô… trong đó đặt tên là nghi lễ đầu tiên của một đời người của dân tộc Cờ Lao.
Các nghi lễ đặt tên con của dân tộc Cơ Lao mỗi nơi một khác. Theo các già làng người Cờ Lao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì lễ đặt tên cho con khi đứa trẻ đầy tháng. Trước khi chịu lễ đặt tên, đứa trẻ sẽ được cạo trọc đầu; gia đình phải làm lễ cúng Hoa nương thần – một vị thần được xem là có trách nhiệm trông coi trẻ nhỏ. Tên của đứa trẻ cha mẹ hoặc ông bà nội đặt, sao cho không trùng với các thế hệ tổ tiên trực hệ và anh em thân thuộc.
Khác với người Cờ Lao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì, nhóm Cờ Lao xanh và Cờ Lao trắng sinh sống ở các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc, việc đặt tên cho trẻ được tiến hành sau ba ngày với những nghi thức trang trọng. Khi gia đình đã chọn được ngày, giờ và mời những thành viên có liên quan trong gia đình, dòng họ và cộng đồng tham dự thì lễ đặt tên sẽ được tổ chức.

Tại buổi lễ, gia đình của trẻ phải tiến hành mổ gà để cúng tổ tiên, cúng thần “ghi chếnh” (thần bảo vệ trẻ em) và làm lễ trừ ma cho trẻ. Để làm lễ trừ ma, người ta đặt những hòn đá nung nóng ở các cửa trong nhà và chỗ sản phụ ngồi đẻ, trên mỗi hòn đá người ta đặt một bó cây ngải cứu.
Khi lễ cúng chuẩn bị được tiến hành, người mẹ phải tắm cho trẻ sạch sẽ, mặc quần áo mới và người mẹ bế trẻ đến gần hòn đá đó. Một người khác trong gia đình tiến hành phun nước vào các hòn đá nóng cho hơi nước bốc lên, tiếp đó người ta dùng chiếc kéo đã cắt rốn cho trẻ cắt vào không khí ba lần, vừa tiến hành cắt và nói “sạch rồi.”
Lễ đặt tên cho con là một ngày lễ trọng đại của mỗi một người Cờ Lao. Bởi vậy, trong ngày lễ đặt tên, không chỉ riêng những thành viên trong gia đình mà cả bản đều đến chúc mừng, chia vui với trẻ đã có tên và gia đình có thêm một thành viên mới.
Sau khi làm lễ đặt tên xong cho con, bố của đứa trẻ sẽ mời ông bà nội, ngoại, những người trong gia đình và bà con trong bản ăn uống, ca hát.

(TH-TQ-DTV)
Dân tộc Cơ Lao ở Hà Giang có 3 nhóm là: Cơ Lao trắng, Cơ Lao xanh, Cơ Lao đỏ, nhưng trang phục của 3 nhóm Cơ Lao đều giống nhau gồm: khăn, áo, quần (nay là váy), thắt lưng, yếm che váy, xà cạp.
Khăn (đì ư trì vư) là loại khăn nhiễu không trang trí hoa văn, khăn rộng khoảng 40cm, dài 250-300cm, khi đội khăn được gấp đôi hoặc ba theo chiều dọc quấn nhiều vòng quanh đầu. Cách quấn khăn giữa người sống và người chết có khác nhau, người sống quấn khăn từ phải sang trái, người chết quấn khăn từ trái sang phải. Hiện nay người Cơ Lao còn dùng khăn vuông bằng len để đội đầu.
Phụ nữ Cơ Lao mặc áo có hai lớp, áo ngoài “cư trí lừ”, áo trong “lf pứt đơn”. Hai áo này đều gọi là áo năm thân, cài khuy cạnh nách phải, áo ngoài dài quá gối, tay áo rộng và ngắn, nẹp cổ, ngực áo, bả vai, xẻ tà chạy vòng hết gấu và thân áo sau trang trí nhiều dải vải và đường thêu chỉ màu uốn lượn mềm mại.

Áo trong ngắn ngang hông, tay áo nhỏ và dài trang trí những vòng vải các màu ở ống tay, giữa ống tay, thân áo trong ít trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí trên áo nữ Cơ Lao như: hoa đào, hình trái núi, ách cày, cây sa mu, con kiến bò, cây cỏ, hoa lá gắn bó mật thiết với môi trường cư trú vùng cao.
Quần (cúsluô) may bằng vải đen dài khoảng 86cm, cạp rộng 50cm, ống quần rộng 30-32cm. Quần may theo kiểu chân què, cạp lá tọa. Cạp quần cắt rời, cùng loại vải đen với thân quần, khi mặc không dùng dây buộc mà vấn cạp lại chặt, giắt phần mối còn lại trong bụng. Sau khi mặc áo họ dùng thắt lưng để giữ chặt bên ngoài.
Phụ nữ Cơ Lao mặc váy xoè gấp nếp như váy phụ nữ Mông. Tuy nhiên váy phụ nữ Cơ Lao chỉ có một màu đen, không trang trí hoa văn.

Thắt lưng (đì cố slô) được làm bằng khổ vải nhỏ màu đen có kích thước bằng khăn đội đầu nên còn được gọi là khăn buộc lưng (đì cúc lau). Thắt lưng của phụ nữ Cơ Lao không khâu, không nẹp chỉ cắt từ tấm vải (tà phủ-dệt bằng phương pháp bán thủ công) là có thể dùng được ngay. Hiện nay phụ nữ Cờ Lao sử dụng nhiều chất loại vải khác nhau nhất là vải sa tanh hoa, các màu xanh, đỏ, vàng để làm thắt lưng.
Yếm che váy: gồm 2 chiếc: yếm váy trước “gú gieo”, yếm váy sau “bư trẻ tứ”. Về cơ bản hai chiếc váy này rất giống nhau, chúng được ghép bởi 3 mảnh vải theo chiều dọc, kích thước khoảng 50x65cm. Yếm che váy gồm 3 bộ phận cạp váy, thân váy và dây buộc. Điểm khác cơ bản giữa 2 yếm là dây buộc yếm váy trước là dây kép, đầu dây cắt nhọn hình mũi tên, khi mặc cả 4 đầu dây buông phía sau lưng. Dây buộc yếm sau đính liền với thân yếm (không có cạp yếm), hai đầu dây cắt vuông góc khi mặc có thể quấn gọn trước bụng hoặc rủ hai bên cạnh sườn. Hằng ngày khi lao động họ chỉ dùng một chiếc yếm váy sau, khi đi chợ, trong các dịp lễ tết, cưới xin họ mới dùng cả hai chiếc yếm.
Xà cạp (pò lú) được làm bằng vải màu đen, xà cạp có hình tam giác vuông (kiểu xà cạp quấn), chiều rộng 35cm, cạnh chéo dài 135cm, góc nhọn xà cạp có đính đoạn dây vải dài trên 200cm. Khi dùng, đặt đáy lớn của xà cạp vào cổ chân và quấn nhiều vòng từ dưới lên che kín bắp chân, sau đó dùng dây vải quấn ngược từ trên xuống dưới để giữ xà cạp không bị tuột, xà cạp có tác dụng bảo vệ đôi chân trước mọi tác động của môi trường, thời tiết, khi lao động ngoài nương rẫy.
oOo
NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA NGƯỜI CỜ LAO Ở HOÀNG SU PHÌ – HÀ GIANG (Đây là clip có đủ các nét văn hóa tổng thể của dân tộc Cờ Lao. Các gia điệu dân ca truyền thống “Hát Giao Duyên” bắt đầu ở phút 9:34 và phút 15:07):
Dân tộc Cờ Lao – Phần 1:
Dân tộc Cờ Lao – Phần 2: