Sông Đồng Nai có hẳn một ủy ban được lập ra để bảo vệ nhưng xem ra những tiếng kêu cứu từ dòng sông này không được giải quyết thỏa đáng
Không kể đại dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát, từ đầu năm đến nay, phóng viên đã phát hiện 3 vụ lấp, lấn sông Đồng Nai với quy mô không hề nhỏ. Buồn thay, ở mỗi vụ sai phạm chính quyền địa phương đều khẳng định mình không biết. Trong khi, người dân cung cấp thông tin cho phóng viên lại nói phản ánh, kêu cứu nhiều nhưng chẳng ai chịu lắng nghe. Chuyện dân cứ kêu cứu cho dòng sông, chính quyền cứ khẳng định “nghe phóng viên nói mới hay” đã khiến dòng sông Đồng Nai tự nhiên, hoang dã ngày nào đang đối mặt với rất nhiều vấn nạn nghiêm trọng.
Công nhiên lấp, lấn
Cứ thuê thuyền chạy dọc sông Đồng Nai (đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai), ai cũng dễ dàng nhìn thấy những vấn đề bức bối mà dòng sông này đang gánh nhận. Cái dễ thấy, “nóng” nhất và thời sự nhất có lẽ là tình trạng lấp, lấn sông. Không chỉ là dự án của chính quyền địa phương mà còn là việc các công trình, dự án của tư nhân lập lờ, chiếm dụng.
Vụ lấp, lấn tràn ra sông mới nhất được phát hiện diễn ra ở gần bên cầu An Hảo – được cho là một trong những điểm nhấn của Biên Hòa – thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa. Tại đây, chiều rộng đất đá đổ tràn ra sông theo chúng tôi ước lượng đoạn ít nhất khoảng 2 m, đoạn nhiều nhất ra xa khoảng 5-7 m. Chiều dài lấp lấn dọc bờ sông đến khoảng 50 m. Nhìn từ trên cầu, việc lấp lấn sông có thể thấy rất rõ. Tuy lượng đất đá đổ tràn xuống sông lần này chưa có vẻ ngang nhiên chắn dòng như những nơi khác nhưng cũng có thể thấy việc lấp lấn tràn ra sông. Phía sau khu đất, đã hình thành hạ tầng kiểu một quán nhậu hoặc quán cà phê. Chủ khu đất bước đầu xác định là một người dân tên T., tuy nhiên dư luận tại địa phương đã râm ran nơi này do một cán bộ đứng đằng sau để mở cơ sở kinh doanh (!?). Được người dân báo tin về vụ việc, sau khi xác minh, chúng tôi đã báo ngay cho chính quyền địa phương, tuy nhiên, dù UBND xã chỉ cách vài trăm mét nhưng lãnh đạo xã này cũng chỉ cho biết là “cũng mới biết vụ việc qua phóng viên cung cấp” và nói sẽ tiến hành cho kiểm tra, xử lý!
Đất, đá lấp tràn ra sông tạo mặt bằng lớn gần chân cầu Bửu Hòa, được xác định thực hiện sai nhưng việc xử lý vẫn là kiểm điểm và để đó
Quan ngại hơn là vụ việc đổ đất đá ngang nhiên, tràn lan trên sông cũng ngay trên địa bàn này phía bờ thuộc xã Hiệp Hòa. Việc đổ đất đá đã tạo thành một mặt bằng rộng hàng trăm mét vuông gần chân cầu Bửu Hòa, do một số cán bộ lãnh đạo địa phương “cho phép”, mượn danh gia cố trụ cầu. Đến hiện tại, đã xác định hồ sơ dự án gia cố trụ cầu chưa được thực hiện, việc đổ đất đá như trên chỉ là việc làm… chui. Theo điều tra của chúng tôi, “mặt bằng” trên sông này còn tiếp giáp khu đất của một đại gia bất động sản tên L., mới mua đất tại khu vực này.
Thời gian trước đó, vụ việc một cán bộ ngành thuế tên D. cho đổ đất, đá tràn lan trên sông ở khu vực thuộc huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) để làm bến thủy nội địa, cũng đã được phát hiện. UBND huyện Vĩnh Cửu sau đó xác định tại thời điểm đó, hàng ngàn khối đất đá đã được đổ tràn xuống sông.
Vậy phải chăng người dân chỉ báo tin cho phóng viên chứ không hề báo cho chính quyền? Trả lời câu hỏi này, giữa tháng 8, trở lại hiện trường các vụ lấp, lấn sông ở xã Hiệp Hòa, gặp người dân, ai cũng cho rằng do “trên” làm không nghiêm nên dưới cũng làm bừa và khẳng định đã kêu cứu cho Đồng Nai đến chính quyền sở tại! Bởi, chỉ cách vị trí hai điểm đang diễn ra việc lấp, lấn trên một đoạn là đại dự án lấp, lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát, thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, hiện vẫn “đắp chiếu” từ nhiều năm nay từ lệnh của Chính phủ. “Dự án này hiện vẫn nằm yên như “chuyện đã rồi” và người dân chúng tôi cho rằng điều đó đã tạo nên một tiền lệ xấu, khiến nhiều kẻ “ăn theo”. Có ai phải múc lên đâu, chỉ sông là lãnh đủ…” – ông Nguyễn Bảy, 85 tuổi, cư ngụ xã Hiệp Hòa, bức xúc.
Vị trí lấp, lấn sông gần cầu An Hảo ai nhìn cũng thấy chỉ chính quyền sở tại là… không hay
Hại sông, không lòi trách nhiệm
Liên quan vụ việc lấp, lấn sông “vô lối” tại khu vực chân cầu Bửu Hòa, sau khi có thông tin phản ánh liên tục, lãnh đạo địa phương tìm cách im lặng và né tránh, để rồi chuyện xử lý sai phạm được thực hiện khá nhẹ nhàng. Bằng chứng là sau nhiều cuộc họp, vừa qua, UBND TP Biên Hòa đã có văn bản chỉ đạo là chỉ “kiểm điểm các đơn vị, cá nhân liên quan và yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tiến hành khảo sát xem xét khắc phục hiện trạng (!).
Quá trình thu thập hồ sơ, chúng tôi xác định, khu vực để xảy ra lấp, lấn tràn lan vốn đang có chủ trương xây bờ kè gia cố dọc sông. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chưa có nên nhiều năm nay dự án trên vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, khu vực trụ cầu bị xói mòn được cho là cần gia cố gấp, tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận dùng đá ngầm thanh thải từ một dự án để trám vào. UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND TP Biên Hòa lập phương án bảo đảm các quy định về an toàn giao thông đường thủy, môi trường và hành lang bảo vệ tài nguyên nước. Song, việc đổ đất, đá đã được làm một cách tự phát, tràn lan trên sông và đã tạo thành một mặt bằng (chứ không phải gia cố khu vực trụ cầu) không tuân thủ yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai.
Kết quả xử lý ban đầu vụ việc, Văn bản số 980 ngày 7-8-2018 của UBND TP Biên Hòa thông báo kết luận của ông Nguyễn Tấn Long, Phó Chủ tịch UBND TP, về rà soát lại các vấn đề liên quan gia cố bờ sông khu vực chân cầu Bửu Hòa, nêu: Giao Phòng Nội vụ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ kiểm điểm các đơn vị, cá nhân liên quan; Phòng Quản lý đô thị khẩn trương hợp tác với các đơn vị chuyên môn có năng lực đánh giá dòng chảy, đưa ra biện pháp xử lý (nếu cần) với lượng đất, đá đã đổ xuống.
Như vậy, một trong những vụ lấp, lấn sông đã được xác định là sai nguyên tắc. Trước đó, vụ đổ tràn lan trên sông tại huyện Vĩnh Cửu để làm dự án cũng được khắc phục. Dù vậy, nhiều người dân cho rằng vấn đề trách nhiệm và khắc phục chưa được xử lý triệt để là quá nhẹ so với sai phạm của chính quyền sở tại. Đối với việc lấp, lấn ở gần cầu Bửu Hòa, quá trình khắc phục, ông Triệu Trung Tính, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa và ông Doãn Văn Đồng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, thừa nhận phải “xem lại vấn đề thi công”, tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Biên Hòa khi chúng tôi liên hệ đề cập thì đều… lãng tránh.
“Vì sao các vụ xâm phạm lòng sông chủ yếu xảy ra ở khu vực TP Biên Hòa? Phải chăng giá trị sinh lợi cao nên ai cũng nhăm nhe lấn chiếm? Chính quyền TP Biên Hòa cũng như tỉnh Đồng Nai không thể làm ngơ được nữa, phải xem và siết chặt kỷ cương chứ không thể cứ kiểm điểm rồi để nguyên hiện trạng dòng sông bị lấn như trêu ngươi dư luận” – ông Nguyễn Văn T., ngụ xã Hiệp Hòa, cán bộ về hưu, người phát hiện và báo cho chúng tôi nhiều thông tin các vụ lấp lấn sông, nói.
Hàng triệu cư dân bị ảnh hưởng
Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM với chiều dài 586 km và lưu vực 38.600 km².
Với lịch sử hình thành lâu đời và gắn liền với sự hình thành các vùng đất phì nhiêu vùng Đông Nam Bộ, các đô thị đang phát triển, sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong đời sống của hàng triệu cư dân ven hai bên bờ, trên suốt chiều dài gần 600 km. Thế nhưng, chưa bao giờ sông Đồng Nai bị xâm hại nghiêm trọng như bây giờ! Sự khốc liệt này không còn là cảnh báo và cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền các địa phương nêu trên và hơn cả là sự vào cuộc của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
“Ăn cắp” của sông thì phải trả lại cho sông!
Theo lão nông Nguyễn Bảy, đại dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát và 2 vụ lấp, lấn sông mà Báo Người Lao Động vừa nêu, nếu chính quyền từ tỉnh đến huyện cứ thế để đó không chịu múc đi trả lại mặt sông thì sẽ còn có nhiều vụ lấp, lấn sông nữa xảy ra.
Khi bị phanh phui thì dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát đã thành bán đảo trên dòng Đồng Nai
“Lẽ thường “ăn cắp” là phải bị bắt và phải trả lại tài sản cho khổ chủ ngay, đằng này chuyện lấn sông cứ ề à khắc phục, ề à xử lý thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự khuất tất” – ông Bảy bức xúc nói.
Kỳ tới: Tan tác đôi bờ
Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG
***
Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai (*): Nước thải hòa nước sông
29/08/2018 05:49
Nước sông Đồng Nai chảy qua các thành phố công nghiệp không có nơi nào có thể dùng cho sinh hoạt, còn trong xanh thì hầu như toàn dòng không còn
Nạn ô nhiễm nước sông Đồng Nai có thể khẳng định bùng nổ từ thời nhà máy của 1 doanh nghiệp chuyên sản xuất gia vị bị phát hiện xả thải chưa qua xử lý, rồi đến Sonadezi xả thải bẩn ra rạch Bà Chèo (đổ ra con sông này). Đến nay, dù 2 đơn vị trên đã khắc phục nhưng ô nhiễm sông Đồng Nai không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng lan rộng.
Dơ bẩn dồn về
Nói đến việc nước thải hòa nước sông Đồng Nai, trước hết phải nhắc đến đoạn qua TP HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Tại vùng giáp ranh 3 địa phương này, hiện trên bầu trời thì ngày đêm hàng trăm ống khói nhà máy phun tỏa, hai bên bờ sông Đồng Nai thì hệ thống cống nước xả thải nơi len lỏi, nơi ồ ạt chảy ra.
Cụ thể, ở đoạn chảy qua TP Biên Hòa, con sông đang oằn mình gánh nước thải của đô thị hơn triệu dân, cùng với các khu công nghiệp (KCN). Cũng ở Đồng Nai, trên sông La Ngà (huyện Định Quán) và sông Cái (TP Biên Hòa), các làng bè cá lâu đời được xác định xả xuống sông một lượng chất thải không hề nhỏ. Phía quận 9 (TP HCM), các thị xã Dĩ An, Tân Uyên (Bình Dương) với các nhà máy, cơ sở sản xuất mọc lên ngày càng nhiều, việc tiêu tán nước thải từ sinh hoạt đến công nghiệp (đã xử lý hay chưa qua xử lý) cũng dồn về một mối: sông Đồng Nai!
Điểm đen gây ô nhiễm – KCN Biên Hòa 1 – được yêu cầu di dời cấp bách nhưng vẫn thực hiện đủng đỉnh. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Theo tìm hiểu của chúng tôi, qua nhiều lần quan trắc các vùng nước mặt trên sông Đồng Nai, các cơ quan chuyên môn xác định chất lượng nước mặt của con sông này bị ô nhiễm rất nặng. Trong đó, nếu đoạn từ hợp lưu với sông Đạ Huoai, giáp ranh 2 tỉnh Đồng Nai – Lâm Đồng (thượng nguồn) đến đoạn hợp lưu với sông Bé và đoạn qua huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tuy ô nhiễm nhưng không nguy hiểm thì đoạn qua TP Biên Hòa, nước sông Đồng Nai được xác định là ô nhiễm nghiêm trọng, hàng loạt thông số đều vượt quy chuẩn, trong đó có hàm lượng sắt và các vi khuẩn gây bệnh. Khu vực này cũng chính là nơi tiếp nhận nước để xử lý nước sinh hoạt của các nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp, Bình An…cung cấp nước cho gần 20 triệu dân Biên Hòa và TP HCM.
Ghi nhận thực tế trên sông, đoạn qua TP Biên Hòa bằng cách hỏi cư dân hai bên bờ thì ai cũng trả lời: Có cho tiền cũng không còn dám tắm giặt trên dòng sông này. “Nhìn mặt nước thì không thấy bẩn nhưng cứ lao mình xuống tắm là thấy ngay hậu quả. Đó là nổi mẩn, ngứa ngáy khắp người” – chị Hòa, một cư dân sống bên dòng Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa, chia sẻ.
Chuyện cấp bách nhưng làm… ì ạch
Theo chị Hòa, bỏ qua tất cả tác nhân khác, ở Đồng Nai chỉ cần “xử” được KCN Biên Hòa 1 là chuyện ô nhiễm dòng Đồng Nai (đoạn chảy qua Biên Hòa) sẽ khắc phục được phần lớn.
Vấn đề chị Hòa nêu, thực tế cũng là những gì Chính phủ đã nhìn thấy từ năm 2009. Thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương để tỉnh Đồng Nai di dời KCN Biên Hòa 1 và yêu cầu tỉnh xem đây là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn. Theo đó, để thực hiện di dời và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai đã giao cho Tổng Công ty Phát triển KCN Sonadezi (công ty trực thuộc tỉnh) lập đề án, triển khai kế hoạch. Theo kế hoạch Sonadezi đưa ra thì khu đất hiện hữu có thể trở thành trung tâm hành chính hoặc khu đô thị. Các doanh nghiệp (DN) tại đây sẽ dời về KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) hoặc các KCN khác. Tổng số vốn thực hiện khoảng 15.000 tỉ đồng.
Thế nhưng, gần chục năm trôi qua, việc thực hiện vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Lý giải nguyên nhân, Sonadezi cho rằng vấn đề nan giải mà họ đang gặp phải là những khúc mắc về pháp lý. Tại đây, có hơn một nửa DN thuê đất đến sau năm 2050 nên DN không đồng ý di dời nếu chính sách đền bù không tương xứng. Nói về trách nhiệm, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển KCN Sonadezi, lại cho rằng hiện việc di dời KCN Biên Hòa 1 vẫn đang từng bước tháo gỡ các vướng mắc. “Sonadezi chỉ được tỉnh giao thực hiện đề án, riêng các bước tiếp theo xuất hiện các vướng mắc các bên cùng phải tháo gỡ, hiện tất cả vẫn đang chỉ là kế hoạch…” – bà Hằng thông tin.
Trong khi đó, theo chủ một DN không chịu di dời thì tất cả chính sách di dời hoàn toàn bất lợi cho DN và có lợi cho đơn vị sẽ làm chủ khu đất KCN Biên Hòa 1. “DN bị di dời bị thiệt thòi đủ kiểu, từ khó khăn về nguồn lao động, nhà máy ngưng hoạt động để di chuyển đến mất khách hàng, mất thị trường… Thêm nữa, khi nơi đây giải tỏa xong sẽ thành “đất vàng” vì nó có quá nhiều lợi thế, như nằm gần cầu Đồng Nai, ngay ngã tư Vũng Tàu, nằm sát bên sông Đồng Nai, thuộc vùng trung tâm với hệ thống quốc lộ, cao tốc, metro đang hướng đến. Do đó, chính sách di dời cần phải tính sao cho phù hợp chứ như bây giờ là không được” – chủ DN trên đề nghị.
Thông tin từ Sonadezi đưa ra cùng với lập luận của DN không chịu di dời, đồng nghĩa với việc dòng Đồng Nai sẽ tiếp tục gánh nước thải của khoảng 80 DN đang hoạt động chưa chịu di dời khỏi KCN Biên Hòa 1, với mỗi ngày xả hơn 9.000 m3 nước thải ra sông Đồng Nai nhưng chỉ có hơn 1.000 m3 được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải của tỉnh là kiểm soát được.
Thất bại mục tiêu kiểm soát nguồn thải!
Liên quan đến việc ô nhiễm sông Đồng Nai, Cục Cảnh sát môi trường từng thống kê trên toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hằng ngày phải tiếp nhận trên 4.500 điểm xả từ nhiều nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, nước sinh hoạt, nông nghiệp, y tế, chăn nuôi… Qua kiểm tra, Cục Cảnh sát môi trường phát hiện DN không xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc có hệ thống xử lý nhưng không vận hành. Thậm chí, có DN xây dựng hệ thống xả thải bí mật để xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch, rồi ra sông. Hầu như tất cả đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Chưa kể các tỉnh, thành trên lưu vực sông còn nhiều bệnh viện tuyến huyện xả thải trực tiếp vào hệ thống nước thải sinh hoạt, xả ra nguồn nước lưu vực sông…
Nêu ra thống kê trên để thấy các mục tiêu kiểm soát nguồn thải trên sông Đồng Nai được Chính phủ đưa ra gần như thất bại, bởi sự quản lý yếu kém của chính quyền các tỉnh, thành mà dòng Đồng Nai chảy qua.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”. Đề án đặc biệt chú trọng vấn đề kiểm soát, giám sát tốt các nguồn xả thải ra hệ thống sông Đồng Nai và làm mọi cách để giữ sạch được nước sông. Đề án nêu rõ mục tiêu của giai đoạn 2011-2015 là: Ít nhất 60% khu đô thị và 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu gom trên 90% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại. Mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là: Ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu gom trên 95% chất thải rắn sinh hoạt và xử lý 100% chất thải nguy hại.
Thất bại quy hoạch làng bè
Làng bè Tân Mai nằm trên sông Cái, nhánh sông Đồng Nai ôm lấy TP Biên Hòa hiện có khoảng 300 hộ nuôi cá. Cách đây vài năm, cơ quan chức năng TP Biên Hòa đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại làng bè một lần, theo hướng làng bè cá được gom lại ở một khúc sông để hợp mỹ quan và bớt ô nhiễm. Theo đó, UBND TP Biên Hòa quy định mỗi bè cá chỉ được có một bè duy nhất với quy mô 4 m x 8 m, các bè cá không đúng tiêu chuẩn sẽ phải cải tạo lại.
Những hộ dân nuôi cá ở làng bè Tân Mai với nhiều bao bì thức ăn cho cá
hằng ngày được xác định đã góp phần gây ô nhiễm sông Đồng Nai Ảnh: XUÂN HOÀNG
Quy định trên lập tức bị người nuôi cá phản đối và đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Trần Văn Hợi, một chủ bè tại đây, cho biết về cơ bản đồng ý với chủ trương chung để làng bè được quy hoạch sạch đẹp, giảm bớt tác động gây ô nhiễm nhưng phải không ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của người dân. “Thừa nhận có gây ô nhiễm nhưng đây là nghề mưu sinh, phải có hướng đi cụ thể chứ không cắt chén cơm manh áo của chúng tôi bằng cách chỉ cho mỗi hộ nuôi một bè được…” – ông Hợi nêu ý kiến và đề nghị cơ quan chức năng tính toán lại.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-8
Kỳ tới: Chậm giải cứu là có tội!
XUÂN HOÀNG – NHƯ PHÚ
***
TIẾNG KÊU TUYỆT VỌNG TỪ SÔNG ĐỒNG NAI: Nhiều đơn vị lập ra cho có!
31/08/2018 06:53
Trong thời gian thu thập tư liệu thực hiện loạt bài này, càng thấy rõ hơn thực trạng nhiều đơn vị “bỏ rơi” dòng Đồng Nai, trong khi vai trò, chức năng lại là bảo vệ
Nhiều nhà khoa học cho rằng sở dĩ họ yêu cầu những người có trách nhiệm phải vào cuộc ngay, chậm giải cứu sông Đồng Nai là có tội, là vì trên dòng sông này, ngoài trách nhiệm của các tỉnh, thành mà con sông chảy qua thì trách nhiệm rất lớn thuộc về 2 đơn vị khác nhưng 2 đơn vị này không lên tiếng hoặc đứng ngoài. Đó là Ban Quản lý quy hoạch (QLQH) lưu vực sông Đồng Nai (thành lập năm 2001) và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban sông Đồng Nai) thành lập cuối năm 2008.
Im lặng và đứng ngoài
Theo điều tra của chúng tôi, kể từ khi thành lập đến nay, 2 đơn vị trên chưa cho thấy vai trò, chức năng thực sự của mình trong QLQH và bảo vệ môi trường sông Đồng Nai. Bằng chứng là trên hệ thống lưu vực này đã nảy sinh nhiều vấn đề gây tranh cãi trong dư luận song vai trò xử lý của 2 tổ chức này từ lâu đã rất mờ nhạt nếu không muốn nói là đứng ngoài cuộc.
Chuyện mờ nhạt đầu tiên phải kể đến là sự kiện ngày 13-9-2008, Cảnh sát Môi trường phát hiện một công ty lén xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải (một phụ lưu của sông Đồng Nai), gây thiệt hại môi trường, làm ảnh hưởng đến hơn 21.000 ha đất canh tác của nông dân hai bên bờ sông. Vụ việc kéo dài đến năm 2010 với nhiều ý kiến can thiệp từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Thủ tướng Chính phủ và cuối cùng tòa án phán quyết công ty trên phải đền bù 120 tỉ đồng cho nông dân. Tuy nhiên, ở vụ việc này ai cũng thấy lẽ ra Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai phải lên tiếng bảo vệ con sông nhưng tuyệt nhiên đơn vị này chẳng đưa ra một tuyên bố hay ý kiến gì. “Trong suốt thời gian diễn ra “tranh luận” giữa người dân và công ty vi phạm, chúng tôi không hề nghe và biết đến sự có mặt của Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai” – ông Nguyễn Văn Thanh, một nông dân từng bị ảnh hưởng từ sự kiện xả thải trên, kể.
Tương tự, ở vụ thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị loại khỏi quy hoạch, chỉ có Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cùng các cơ quan báo – đài vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ dòng sông, còn Ủy ban sông Đồng Nai và Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai gần như không có ý kiến gì về đánh giá các tác động môi trường của dự án cũng như tác động của dự án trong quy hoạch tổng hợp quản lý sông Đồng Nai.
Đỉnh điểm của chuyện đứng ngoài những điểm nóng bức hại sông Đồng Nai của 2 đơn vị trên phải kể đến dự án lấp sông Đồng Nai của Công ty CP Đầu tư – Kiến trúc – Xây dựng Toàn Thịnh Phát vào năm 2015. Ở thời điểm này, dự án lấp sông này đã bị báo chí phanh phui với những lập luận xác thực của các nhà khoa học là: Nếu để dự án triển khai và hoàn thành sẽ gây nguy cơ thay đổi dòng chảy tự nhiên, tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt… “Trong khi báo chí mạnh mẽ lên tiếng thì 2 đơn vị trên cứ im lặng và đứng ngoài cuộc, xem như đó không phải là chuyện của mình” – PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.
Trong khi nhà khoa học và giới báo chí liên tục lên tiếng để bảo vệ sông Đồng Nai ở những điểm nóng bị xâm hại thì đơn vị được lập ra để bảo vệ con sông này lại im lặng. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Chưa làm tròn trách nhiệm
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, quản lý tài nguyên nước tổng hợp bao gồm cả quản lý rủi ro, kết hợp quản lý đất và nước, dự báo, giám sát và lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm nhẹ các hệ quả nghiêm trọng lên kinh tế. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là tài nguyên nước trong lưu vực sông phải được quản lý thống nhất, không chia cắt giữa các cấp hành chính, giữa thượng nguồn và hạ nguồn; bảo đảm sự công bằng, hợp lý, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa các tổ chức, cá nhân trong cùng lưu vực sông.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước thông qua các tổ chức lưu vực sông hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Lý do có thể rất nhiều song chắc chắn không thể loại trừ những hạn chế của các tổ chức quản lý lưu vực sông hiện nay. Đó là hầu hết các thành viên trong Ủy ban sông Đồng Nai và Ban QLQH lưu vực sông Đồng Nai đều là các lãnh đạo bộ – ngành, tỉnh – thành, chuyên về quản lý nhà nước, chỉ tham gia ủy ban với nhiệm vụ kiêm nhiệm. Trách nhiệm của các tổ chức lưu vực sông được phân cho nhiều ban – ngành như UBND, TN-MT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính trong khi chuyên môn về tài nguyên nước của các thành viên hạn chế, số nhà khoa học về tài nguyên nước trong các tổ chức quản lý lưu vực cũng chỉ có giới hạn nên chậm bắt kịp những vấn đề cấp bách trong quản lý. Các thành viên trong các tổ chức lưu vực sông chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về nguyên tắc và thực tiễn của quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
Kế đến là tính độc lập đánh giá để chủ động đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước của chủ tịch các tổ chức lưu vực sông còn rất hạn chế, chủ yếu là thừa hành các chỉ thị từ Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như một giải pháp quản lý nước theo ngành dọc từ trên xuống.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, việc thành lập 2 đơn vị trên là rất cần thiết, như một vai trò của “nhạc trưởng” trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng. Tuy nhiên, phải thừa nhận 2 đơn vị trên chưa làm tròn trách nhiệm của mình.
Chỉ vì thiếu tiền?
TS Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nhìn nhận hoạt động của Ủy ban sông Đồng Nai vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tiên, ủy ban này chỉ là tổ chức phối hợp, không có nguồn ngân sách riêng nên không có nguồn lực để điều phối việc triển khai dự án, nhiệm vụ đối với các địa phương. Vì vậy, việc thảo luận và thông qua các nghị quyết, kết luận tại các phiên họp còn thiếu những đề xuất cụ thể do các đề xuất chủ yếu liên quan đến cơ chế tài chính trong khi quyết định của ủy ban chỉ mang tính đồng thuận, không có tính ràng buộc pháp lý.
Ông Đồng cho rằng bên cạnh hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, việc triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật môi trường là yếu tố quyết định nhưng vấn đề này chưa được đầu tư thỏa đáng. Trong khi đó, các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị và môi trường cần kinh phí rất lớn (đầu tư hạ tầng hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải đô thị, nạo vét, khơi thông dòng chảy…) nên tiến độ triển khai còn chậm.
Theo ông Đồng, để nâng cao vai trò của Ủy ban sông Đồng Nai, thời gian tới, Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng cường chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông. Ủy ban này cần tham gia quá trình lập, phê duyệt và triển khai các dự án phát triển có tính chất liên ngành, liên vùng hoặc có nguy cơ tác động đến nguồn nước trên các lưu vực sông và cần có nguồn lực ổn định, đáp ứng được các yêu cầu hoạt động; kiến nghị thay đổi cơ chế luân phiên chủ tịch như hiện nay. Đặc biệt, tăng cường đầu tư về nhân lực và kinh phí. Trong đó có kinh phí để tiến hành các nhiệm vụ chuyên môn, kinh phí hoạt động của các tổ chuyên gia tư vấn kỹ thuật, kinh phí dự phòng cho các hoạt động ứng phó sự cố môi trường hoặc xử lý các vụ việc đột xuất phát sinh trong thực tế trên lưu vực sông.
Chi phí xử lý nước tăng hằng năm
Bà Diệp Thị Hoàng Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng nước (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – SAWACO), cho biết qua đánh giá chất lượng nước thô hằng năm, nguồn nước sông Đồng Nai mỗi năm càng xấu hơn với hàm lượng chất hữu cơ, amoni, vi sinh và kim loại nặng. Do đó, chi phí cho hóa chất keo tụ, khử ion, amoni,… hằng tháng đều vượt định mức để xử lý những loại chất trên, bảo đảm nguồn nước đầu ra đạt chất lượng tốt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện SAWACO đang sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai với lưu lượng khoảng 1.150.000 m3/ngày đêm để xử lý, cung cấp nước sạch cho người dân TP HCM.
Nhà máy Nước Thủ Đức phải tốn thêm chi phí hóa chất để xử lý các tạp chất do nguồn nước sông Đồng Nai bị ô nhiễm Ảnh: SỸ ĐÔNG
Đặc biệt, bà Hà cho hay nguồn nước thô sông Đồng Nai xấu hơn vào mùa mưa, khi lượng nước thải công nghiệp, sinh hoạt từ thượng nguồn đổ về cộng với tình trạng sạt lở nên có những ngày nước có màu đỏ nhưng vẫn phải lấy về để xử lý vì hiện chưa có nguồn nước dự phòng. Lãnh đạo SAWACO nhận định nếu buộc phải xử lý nước có chất lượng xấu bằng mọi cách thì không hợp lý về mặt kinh tế, không thể tốn 10 đồng xử lý nước mà giá bán chỉ có 1-2 đồng được.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-8
XUÂN HOÀNG – PHƯƠNG NHUNG – SỸ ĐÔNG
***
TIẾNG KÊU TUYỆT VỌNG TỪ SÔNG ĐỒNG NAI (*): Chậm giải cứu là có tội!
30/08/2018 06:00
Nhà khoa học, đại biểu Quốc hội yêu cầu vào cuộc ngay để cứu sông Đồng Nai; trong khi đó, những người có trách nhiệm bảo vệ dòng sông này cứ… lảng tránh
Nhiều nhà khoa học, đại biểu Quốc hội đã không ít lần bỏ công khảo sát và lên tiếng cảnh báo về các vấn nạn mà sông Đồng Nai đang gánh chịu. Thế nhưng, theo các nhà khoa học, tiếng nói của họ vẫn chưa được lắng nghe một cách thấu đáo và bằng chứng là dòng sông này vẫn đang kêu cứu trong tuyệt vọng. Lần này, nếu những người có trách nhiệm liên quan vẫn không đưa ra giải pháp giải cứu cụ thể là có tội với chính con cháu của mình!
Lảng tránh
Những vấn đề cấp bách của sông Đồng Nai từng được Chính phủ đưa vào văn bản quy phạm cách đây nhiều năm, tuy nhiên tại nhiều cuộc họp thời gian qua, cho thấy thực tế quản lý còn quá nhiều hạn chế, buông lỏng và không có hiệu quả. Tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban Sông Đồng Nai) cuối năm 2017, đại diện tỉnh Tây Ninh đề nghị cần đánh giá lại vai trò chỉ đạo của ủy ban này trong công tác thực hiện đề án bảo vệ sông, bởi đã không giải quyết được các vướng mắc, không giải quyết triệt để nhiều vấn đề bức xúc trên các lưu vực hệ thống.
Những hình ảnh như thế này sẽ tiếp diễn trên dòng sông Đồng Nai nếu những người có trách nhiệm tiếp tục ngó lơ Ảnh: XUÂN HOÀNG
Cùng quan điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho rằng cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương và bộ, ngành. Bởi đây là hành động cần thiết nhưng thực tế công tác triển khai còn rời rạc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chỉ đạo bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đối với 11 tỉnh, TP trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Ấy vậy mà, trong suốt thời gian thực hiện loạt bài “Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai”, chúng tôi liên tục liên lạc với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng là Chủ tịch luân phiên của Ủy ban Sông Đồng Nai hiện tại, để tìm câu trả lời nhưng mọi cố gắng đều không được hồi đáp.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc đến lãnh đạo các tỉnh, TP là thành viên của ủy ban này là Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng,… cũng đều nói không thể trả lời. Ông Huỳnh Anh Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai – thừa nhận “không nắm được, không rõ lắm” và nói thêm “hãy hỏi ông chủ tịch” (!).
Riêng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm, là có quan tâm nhưng chưa đưa ra được cam kết nào đáng kể. “Vấn đề thực sự đã khá cấp bách, cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt và có hiệu quả hơn từ các địa phương. Riêng tỉnh Bình Dương cũng đang gánh chịu nhiều hậu quả tác động xấu trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn, chúng tôi phải tìm các biện pháp khắc phục để có hiệu quả…” – ông Liêm thông tin.
Coi thường pháp luật mà ra
Theo PGS-TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, sự can thiệp của con người và tiến trình đô thị hóa sẽ không ảnh hưởng xấu đến sông Đồng Nai nếu như được điều tiết và thực thi đúng pháp luật. Tuy nhiên, có quá nhiều vấn đề về mặt pháp luật bị coi nhẹ và tâm lý “ăn cắp” của công lấn át khiến sông Đồng Nai bị tàn phá. Đó là việc lạm dụng khai thác cát khiến dòng sông bị thay đổi, đáy sông bị cào mòn, hạ thấp dẫn đến mực nước sông tụt xuống, bờ bị xói lở. Các thủy điện nếu không kiểm soát cũng sẽ gây tác động bất ngờ, lượng phù sa bị giữ lại khiến hạ lưu sẽ thành “sông đói”, xói lở bờ và xói lở dòng sông. Việc lấp, lấn sông cũng thế, dòng sông đang bị khai thác quá mức, tác động đến thảm thực vật, từng chút tác động vào dòng chảy. Ô nhiễm từ các KCN, các làng nghề cũng làm sông suy kiệt, nước bị ô nhiễm nên không còn là tài nguyên nước… “Quy định pháp luật đã có sẵn, nếu Ủy ban Sông Đồng Nai, địa phương làm đúng, làm nghiêm, làm mạnh thì sự thể đã khác” – TS Tứ khẳng định.
PGS-TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) cho rằng sông Đồng Nai hiện là một trong những con sông cần được quan tâm hàng đầu với những vấn đề cấp bách. “Các nhà khoa học luôn lưu ý việc giữ nguyên hiện trạng dòng chảy phải được ưu tiên trước hết, các công trình phát triển phải là ưu tiên thứ yếu. Vì vậy, với sông Đồng Nai, những người có trách nhiệm phải vào cuộc ngay, chậm giải cứu là có tội…” – TS Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc thì nói rằng không thể chậm hơn nữa trong việc bảo vệ sông Đồng Nai. “Tôi từng phát biểu ở Quốc hội, đừng coi thường cái nhỏ, đừng xử lý rồi cho tồn tại những sai trái, vì đó là điều cực kỳ tai hại, nó phá hủy luật pháp và phá hủy bộ máy. Vậy nên những chuyện đã xảy ra và đang bàn đến của dòng sông Đồng Nai thì nhỏ cũng phải xử lý ngay, không để thành chuyện lớn. Trách nhiệm, nhiệm vụ, những người được giao không làm được thì để người khác làm” – ông Dương Trung Quốc bức xúc.
Đề xuất lập tổ tự quản
TS Võ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam, cho biết ông vừa đi khảo sát sông Đồng Nai về. Theo đó, con sông này không chỉ bị hủy hoại vì nạn khai thác cát, mà tình trạng thủy điện “chiếm lĩnh” thượng nguồn, ống xả thải của nhà máy, KCN “đâm toạc” hạ nguồn đã khiến dòng sông ngày càng hung dữ, xấu xí. Riêng đánh giá về hiệu quả hoạt động của Ủy ban Sông Đồng Nai, TS Long cho rằng họ hoạt động không thường xuyên (họp 1-2 lần/năm). “Tiếng nói của họ trong các vấn đề, các sự vụ xảy ra rất là kém. Họ kiêm nhiệm thôi, vì vậy làm rất là hình thức” – ông Long thẳng thắn.
Ông Long còn chia sẻ rằng bản thân ông từng bức xúc khi thấy cảnh một tàu ngang nhiên chọc ống xuống hút cát ở bờ sông Đồng Nai phía thượng nguồn và tự hỏi không hiểu vì sao họ được chính quyền cho phép làm như vậy? Hay ở khúc sông Biên Hòa, ông cũng đã thấy tàu khai thác với đầy đủ phương tiện xuất hiện nhưng công an đường thủy vẫn cứ làm ngơ. Cái đó người dân biết rất rõ nhưng không hiểu sao chính quyền lại không để ý hay có người bảo kê?
Chính vì vậy, theo TS Long, để bảo vệ sông Đồng Nai, chuyện cần làm ngay bây giờ là thành lập những nhóm cộng đồng tự quản, để họ cùng tham gia giám sát được tình trạng của khúc sông chảy qua địa phận mình sinh sống. “Ví dụ cho xóm này, phường này, quận này… quản lý đoạn sông đó. Cơ quan chức năng có thể tập huấn cho các nhóm tự quản phương pháp xác định ô nhiễm ban đầu như đo độ pH, đánh giá màu nước, mùi nước, có thể lấy mẫu nước, gửi báo cáo…” – TS Long gợi ý. Bởi theo TS Long, cho cộng đồng chung tay giám sát là giải pháp hay, bền vững trong bối cảnh lực lượng chức năng mỏng, làm việc thiếu minh bạch, bằng chứng là xả thải lén, hút cát trộm, lấp, lấn sông trái phép vẫn cứ xảy ra giữa ban ngày.
Cuối cùng TS Long nhắn nhủ những người sống ở đôi bờ sông Đồng Nai hãy nhớ rằng dòng sông, bờ sông là một phần của cuộc sống mình. Đừng nghĩ đó là của trời cho mà nhớ rằng nó liên quan rất chặt đến đời sống cộng đồng xã hội, ảnh hưởng đến cả con cháu sau này nếu chúng ta không chung tay gìn giữ.
Công an vào cuộc
Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài “Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai” phản ánh hàng loạt vấn nạn mà con sông đang phải đối mặt, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai cũng đồng thời tăng cường kiểm soát và ngày 28-8 đã vây bắt 14 phương tiện đang bơm hút cát trái phép trên sông này, đoạn qua 2 xã An Hòa và Long Hưng của TP Biên Hòa.
Tại thời điểm vây bắt, các đối tượng bơm hút cát trái phép đã tháo chạy về hướng sông Buông, một nhánh của sông Đồng Nai để lẩn trốn. Lực lượng công an tổ chức truy đuổi, bắt giữ được 7 (trong đó có 3 thuyền vận chuyển hơn 100 m3 cát), 7 thuyền còn lại bị cát “tặc” đánh chìm và tất cả cát “tặc” đều nhảy xuống sông trốn thoát. Công an cho hay đang ráo riết truy xét đường dây cát lậu này để xử lý theo pháp luật.
Tương tự, ở thượng nguồn sông Đồng Nai, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cũng vừa thông báo đã mật phục và bắt quả tang gần 20 tàu khai thác cát trái phép gây sạt lở đất của người dân.
X.HOÀNG – Đ.THI
XUÂN HOÀNG – NHƯ PHÚ
***
Tiếng kêu tuyệt vọng của sông Đồng Nai:
Không chỉ là ô nhiễm mà còn là niềm tin bị đánh cắp
31/08/2018 17:00
(NLĐO)- Sông Đồng Nai đang bị bức tử từ nhiều năm nay bởi nước thải, cát tặc, nạn lấn chiếm sông. Thế nhưng khi hỏi đến trách nhiệm và giải pháp cứu sông Đồng Nai, lãnh đạo 6 tỉnh thành nơi con sông này chảy qua đều thoái thác.
Hàng triệu người dân uống nước sông Đồng Nai. Hàng chục ngàn người kiếm sống trên con sông hiền hòa này. Từ đời này qua đời khác. Con sông dài gần 600 km này giờ đang đau đớn bởi sự tuyệt tình của những kẻ được hưởng lợi. Lấn, lấp sông diễn ra ở nhiều nơi. Dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát trước đây bị đình chỉ thì có hàng chục những dự án có tên và không tên khác thi nhau “đặt gạch”. Từ tư nhân đến cán bộ nhà nước.
Ven bờ thì lấn, giữa bờ thì múc cho bằng sạch cát. Các doanh nghiệp khai thác cát của các tỉnh thành và cát tặc vô tư ngày đêm nạo vét cát trên sông. Cảnh sạt lở, ô nhiễm nguồn nước diễn ra khắp nơi, từ thượng nguồn thuộc tỉnh Lâm Đồng đến hạ nguồn ở Bình Dương. Tiếng ta thán vang khắp nơi vì ảnh hưởng đến đất đai, nhà cửa, tài sản của người dân. Hàng trăm lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhưng những tiếng kêu cứu dần trôi vào quên lãng từ nhiều năm trước.
Bạn đọc Người Biên Hòa xót xa nhận xét: “Không chỉ nạn ô nhiễm, sông Đồng Nai còn bị hủy diệt bởi nạn cào điện, chích điện. Hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm với một lực lượng hùng hậu nhưng không hề thấy sự có mặt của cơ quan chức năng”. Qua tất cả những tồn tại chưa được khắc phục, dù Chính phủ đã có nhiều quyết sách, giải pháp cứu sông nhưng đến nay vẫn bế tắc, giậm chân tại chỗ, bạn Hưng Huynh đặt vấn đề có hay không chuyện “làm lơ” của chính quyền địa phương. “Mới đổ vật liệu, chưa xây nhà đã có cán bộ đến lập biên bản vi phạm; làm đường xong thì bị buộc trả lại hiện trạng cũ. Lấn sông thì chắc nó to hơn tròng mắt nên không thấy. Nếu vì dân vì nước thì những người có trách nhiệm đã mạnh tay rồi”.
Lạ một điều là những việc làm nhằm bức tử sông Đồng Nai diễn ra ngay trước mắt, hoạt động công khai nhưng chính quyền sở tại lại bảo không biết, chưa nắm “chỉ biết khi nghe phóng viên báo”. Câu trả lời này là câu trả lời chung của nhiều cán bộ môi trường, lãnh đạo cấp xã, cấp tỉnh, thành. Bạnjerry nguyen nhận định những sai phạm ngày càng nhiều là do chính quyền quản lý yếu kém và không xử lý nghiêm. “Chính quyền không nghiêm thì rất khó mà nói người dân thực hiện đúng. Ngay từ đầu Công ty Toàn Thịnh Phát làm sai còn treo đó thì rất khó mà bắt người khác thực thi đúng theo pháp luật được. Pháp luật cần nghiêm minh thì mới răn đe người khác không dám vi phạm luật“. Cùng đặt vấn đề về trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bạn Phạm Chí hỏi: “Nếu lãnh đạo cơ quan chức năng các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương làm đúng chức trách và nhiệm vụ thì làm gì có cát tặc?”.
Để giải quyết được cái khó mà sông Đồng Nai, bạn Mạnh Đức đề nghị: “Lấp sông Đồng Nai là vi phạm nghiêm trọng, sao Tỉnh ủy lại không nghe, không thấy? Đề nghị UBKT TƯ vào cuộc“. Đồng thuận với ý kiến trên, bạn đọc Hải Hà kiến nghị: “Dân sẽ lãnh đủ hậu quả của việc lấp sông. Cần phải đưa họ ra xử lý theo pháp luật- từ kẻ lấp sông đến những người quản lý”. Chậm giải cứu sông Đồng Nai là có tội và sẽ có tội hơn nếu sự vô cảm này diễn ra từ những người lãnh đạo- những người đang thực thi pháp luật mà quên đi vai trò quản lý của mình vì lợi ích nhóm hay chỉ đơn giản là coi thường mạch sống của con sông này. Vì vấn đề của con sông không chỉ là chuyện ô nhiễm, sạt lở mà còn là niềm tin, về tinh thần thượng tôn pháp luật và trách nhiệm đối với các thế hệ mai sau.
I am chief admin, author and translator of DCN System, which includes dotchuoinon.com (the only Vietnamese-language website devoted exclusively to positive thinking), cvdvn.net (Conversations on Vietnam Development), and a number of related forums and Facebook pages. I am studying and teaching the Bible and Buddhism. I am a Biotechnology Engineering graduate from Hue University of Sciences. I love living with nature. I practice the Energy Training exercise system for health, and enjoy gardening and life beauty as a hobby.
Xem tất cả bài viết bởi Phạm Thu Hương