- Kỳ 1: Triều Tiên – Vì sao căng thẳng?
- Kỳ 2: Sóng ngầm ở Hội đồng Bảo an
- Kỳ 3: Bình Nhưỡng có gì trong tay?
- Kỳ 4: Tình hình Triều Tiên có thể cứu vãn?
- Kỳ 5: Chìa khóa “made in China”
***
Triều Tiên – Vì sao căng thẳng?
TTO – Bình Nhưỡng đã năm lần thử hạt nhân và hơn chục lần bắn thử các loại tên lửa. Không biết bao nhiêu lời răn đe, không biết bao nhiêu biện pháp trừng phạt đã được công bố nhưng có vẻ đâu vẫn hoàn đấy. Vì sao vậy?
![]() |
Binh lính Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15-4 – Ảnh: Reuters |
Kỳ 1: Khi các nghị quyết bị phớt lờ
“Sự kiện trọng đại” mà chính quyền Bình Nhưỡng loan báo mập mờ có vẻ thực ra chỉ là cuộc diễu binh rầm rộ cùng không khí lễ hội khắp nước. Một tên lửa tầm trung bắn đi (nhưng hỏng sớm) vào sáng sớm 16-4 có vẻ chỉ là cuộc thử nghiệm theo thông lệ dịp lễ.
Trong không khí căng thẳng được đẩy lên đỉnh điểm với những tuyên bố mạnh mẽ từ Mỹ thì mọi cặp mắt đều dồn vào cuộc diễu binh không giấu giếm của Bình Nhưỡng.
Chủ động khoe hàng
Quả thực lực lượng tên lửa, trong số đó có ít nhất sáu tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-1, đã được phô diễn.
“Cái đinh” của cuộc diễu binh thị uy đó chính là các tên lửa Pukkuksong-1 này, còn được gọi tắt là tên lửa KN-11.
Đặc điểm của lớp tên lửa KN-11 này là có thể được phóng đi từ tàu ngầm. Lớp tên lửa KN-11 này tương tự các lớp tên lửa của Liên Xô cũ R-27 hoặc SS-N-6 của Serbia…
Tuy hao hao giống song không có nghĩa là KN-11 là bản sao chính xác của tên lửa SS-N-6 của Serbia (nguồn: missilethreat.csis).
![]() |
Tên lửa với dòng chữ trên thân ghi “Pukkuksong” được giới thiệu trong cuộc diễu binh ngày 15-4 – Ảnh: Reuters |
Một “cái đinh” khác là các tên lửa mà giới quan sát cho là giống lớp KN-08, tức tên lửa liên lục địa đã từng thấy ở các cuộc diễu binh trước. Lớp tên lửa này được biết có tầm bắn lý thuyết khoảng 7.500km, thừa đủ để bắn tới nước Mỹ.
Cùng với các tên lửa KN-08 này, các nhà quan sát còn nhìn thấy hai thùng chứa tên lửa liên lục địa trên hai xe vận tải hạng nặng “Made in China”, và cho rằng trong đó chứa tên lửa KN-14 có tầm bắn cũng tới Mỹ ngang với tên lửa KN-08, tức khoảng 7.500km.
Việc sắp xếp cho các tên lửa KN-11, KN-08 rồi thì KN-14 cùng diễu hành ở vị trí “ngôi sao” là để làm “đẹp mặt” lãnh đạo Kim Jong Un, trước sự chứng kiến của khoảng 200 nhà báo nước ngoài được mời sang dự đại lễ kỷ niệm ngày sinh thứ 105 của ông Kim Nhật Thành (ông nội ông Kim Jong Un), hoàn toàn có cơ sở: Triều Tiên đã năm lần thử nghiệm thành công đầy đủ các hạng mục bay, tức các tên lửa này đã là khả dụng.
Quá trình thử nghiệm KN-11 phóng đi từ tàu ngầm không đơn giản diễn ra một sớm một chiều. Thoạt đầu tên lửa này được nạp nhiên liệu lỏng, song thử lần nào cũng thất bại nên đổi qua sử dụng nhiên liệu cứng và từ đó mới thành công.
Tuy nhiên, được mặt này song lại mất mặt khác: việc chuyển qua sử dụng nhiên liệu rắn làm giảm tầm bắn của KN-11 còn khoảng 900km.
Ngày 24-8 năm ngoái, một tên lửa KN-11 được phóng đi và bay được khoảng 500km thì rơi xuống vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản.
Bay được mới chỉ là một khía cạnh của thử nghiệm: còn phải phóng thành công từ tàu ngầm thực sự chứ không cứ thử từ một “cái bè” ở dưới nước (do chưa xử lý được rốt ráo những bất trắc có thể xảy ra cho chiếc tàu ngầm “dàn phóng”).
Phải thử nghiệm thành công công đoạn phóng đi từ tàu ngầm mới có thể tự chứng minh là tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm!
Thành ra, giới quan sát dự kiến đến năm 2020, tên lửa này mới thực sự được xem là có khả năng hoạt động tác chiến trọn vẹn (nguồn nêu ở trên).
Tên lửa KN-08 phóng đi từ tàu ngầm là lá bài đáng ngại nhất của Triều Tiên trong lúc này do tính lúc ẩn lúc hiện của các tàu ngầm, và khả năng bất ngờ tiếp cận các mục tiêu ở xa.
Nghị quyết răn đe cho có
Chừng đó cũng đủ để Phó nguyên soái Ryong Choi Hye, thành viên Ủy ban Quốc phòng nhà nước, hùng hổ tuyên bố trong bài phát biểu trước biển người tham gia diễu hành kỷ niệm ngày 15-4 rằng “nếu Mỹ khiêu khích, ta sẽ ngay lập tức đáp trả bằng cuộc tấn công tàn phá.
Nếu họ gây ra cuộc chiến tranh toàn diện, ta sẽ đối chọi bằng chiến tranh toàn diện.
Nếu là chiến tranh hạt nhân, họ sẽ nhận đáp trả tương ứng bằng một cuộc tấn công hạt nhân” và rằng “các mục tiêu đầu tiên sẽ là các căn cứ quân sự ở Osan, Gunsan và Pyeongtaek, cũng như Dinh tổng thống Hàn Quốc sẽ biến thành tro bụi chỉ trong vài phút”.
Thông điệp cụ thể nhất mà lãnh đạo Kim Jong Un muốn đưa ra là lực lượng tên lửa và hạt nhân Triều Tiên “không ngừng phát triển”.
Nhưng đó cũng chính là một sự vi phạm liên tục “không nể nang gì” các nghị quyết cấm chỉ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc!
Điều đáng ngại ở đây là Bình Nhưỡng cứ vi phạm miết hết nghị quyết này tới nghị quyết kia, riết rồi dẫn tới một sự “vô thức”, coi như chẳng hề đã có một lệnh cấm hay trừng phạt nào và cứ thế mà lấn tới.
Bằng chứng là từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lần lượt thông qua năm nghị quyết áp đặt và tăng cường các biện pháp chế tài, cấm vận đối với Triều Tiên do cứ tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng dỡ bỏ chương trình hạt nhân “một cách hoàn toàn có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Hai nghị quyết đầu tiên được thông qua ngay sau các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên vào năm 2006 và năm 2009. Nghị quyết thứ ba được đưa ra một tháng sau khi Triều Tiên phóng thành công “một vệ tinh” vào tháng 12-2012.
Việc phóng vệ tinh (dù là vì mục đích dân sự) được hiểu theo nghĩa “đã làm chủ kỹ thuật tên lửa đạn đạo” – điều mà Triều Tiên từng bị cấm bởi các nghị quyết trước đó của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Một nghị quyết khác cũng đã được thông qua sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên vào tháng 2-2013.
Đến tháng 3 năm ngoái, một nghị quyết khác đã được thông qua sau cuộc thử nghiệm hạt nhân và “phóng vệ tinh” trước đó vào đầu năm.
Các nghị quyết kể từ năm 2009 cho phép và kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc kiểm tra hàng hóa của Triều Tiên trong lãnh thổ các nước này, sau đó tịch thu và loại bỏ những hàng hóa bị cấm.
Nhưng ngay cả nghị quyết cứng rắn nhất là nghị quyết 2270 ban hành ngày 2-3-2016 vẫn còn quy định rằng việc khám xét các tàu hàng từ Triều Tiên đến hay trực chỉ Triều Tiên chỉ được thực hiện khi có nghi ngờ đủ hữu lý rằng có buôn lậu các hàng hóa bị cấm trên các tàu đó. Báo New York Times nhận định nghị quyết kiểu đó thì cũng khó thực thi!
Trừng phạt kiểu đó hèn chi chẳng răn đe được gì! Càng gây trêu ngươi hơn khi các nghị quyết đó lại cấm các nước sử dụng vũ lực để thực thi các nghị quyết này (nguồn: Arms Control Associaton)!
Hậu quả khủng khiếp Ông Dennis Halpin, cựu cố vấn Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, viết trên tờ National Interest rằng nếu đụng độ quân sự xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Trước hết là thủ đô Seoul của Hàn Quốc cùng 10 triệu dân đang nằm trong tầm đạn pháo của láng giềng phương bắc. Nếu Bình Nhưỡng chủ ý sử dụng vũ khí hóa học (theo ông Halpin, Triều Tiên sở hữu đến 5 tấn vũ khí hóa học) thì thảm họa xảy ra không chỉ với dân Hàn Quốc mà cả với lực lượng 28.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở các căn cứ tại Hàn Quốc. Nhật cũng sợ bị tấn công bằng vũ khí hóa học khi xảy ra xung đột. Những con số cần được nhắc lại: trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) từng làm thiệt mạng 2 triệu người ở hai miền Triều Tiên; Mỹ mất hơn 50.000 quân và tiêu tốn khoảng 20 tỉ USD. (TÚ ANH) |
>> Kỳ tới: Sóng ngầm ở Hội đồng Bảo an
DANH ĐỨC
TRIỀU TIÊN – VÌ SAO CĂNG THẲNG? – KỲ 2:
Sóng ngầm ở Hội đồng Bảo an
TTO – CHDCND Triều Tiên đã phớt lờ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Phải chăng Bình Nhưỡng có chỗ chống lưng?
![]() |
Đại sứ Mỹ Samantha Power (trái) và đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất trong một phiên họp Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về vấn đề Triều Tiên – Ảnh: AFP |
Hoạt động của Hội đồng Bảo an (HĐBA) vốn dĩ kín đáo, nên không hẳn ai cũng hiểu đằng sau một nghị quyết được thông qua là gì.
Không phải hễ cứ thông qua một nghị quyết thì đều là nhất trí 15/15 thành viên, thậm chí ngay cả khi cả 15 thành viên cùng thông qua nghị quyết, vẫn có những trường hợp “bằng mặt mà không bằng lòng”, thông qua vì “phải thông qua”, nhưng vẫn bảo vệ, bao che các bằng hữu vệ tinh của mình.
Điều này thể hiện công khai qua các phiên họp. Ví dụ phiên họp ngày 9-12-2016 về tình hình tại Triều Tiên với đại diện của 15 nước thành viên do Tây Ban Nha làm chủ tịch luân phiên.
Phiên họp này diễn ra chỉ 10 ngày sau phiên họp ngày 30-11 mà kết quả là nghị quyết số 2321 tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do đã lại thử hạt nhân hôm 9-9.
Trò chơi của ngôn từ
Thảo luận về tình hình tại một nước có thể được hiểu là nói đến mọi mặt của tình hình nước đó.
Nhưng không phải nước thành viên HĐBA nào cũng nhất trí thảo luận vì nước nào cũng có bạn (để bênh vực) và thù (để tố cáo), nên việc phân hóa ý kiến trong HĐBA là đương nhiên.
Điều này thể hiện trong mỗi phiên họp, từ tình hình Triều Tiên tới Syria hay Ukraine, hoặc Sudan, Yemen… Cứ thế mà tranh luận.
Quá 10h sáng thứ sáu 9-12 hôm đó, ngay sau khi Chủ tịch luân phiên của HĐBA là Oyarzun Marchesi, đại diện của Tây Ban Nha, vừa tuyên bố khai mạc phiên họp và nhường lời cho thành viên có ý kiến, đại diện của Trung Quốc là Liu Jieyi (Lưu Kết Nhất) đã nhanh chóng phát pháo “ngăn chặn từ xa”: “Trung Quốc phản đối việc HĐBA thảo luận các tình hình nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên.
Trách nhiệm chính của HĐBA là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA không phải là một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề nhân quyền, càng không phải để chính trị hóa vấn đề này.
Trong bối cảnh hiện nay, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa bởi vô số các vấn đề bức xúc, hội đồng nên thực hiện đúng trách nhiệm của mình và dành trọn vẹn sự chú ý đến các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế”.
Trong một góc nhìn nào đó, lập luận trên có phần hữu lý. Câu hỏi đặt ra là tại sao đại diện Trung Quốc lại chặn trước vấn đề nhân quyền trong thảo luận về tình hình Triều Tiên.
Chẳng qua đề tài này tiếp nối cho phần sau của phiên họp HĐBA ngày 30-11.
Hôm đó, ngay sau khi thông qua nghị quyết 2321 tăng cường trừng phạt Triều Tiên, HĐBA đã “lặp lại sự quan ngại sâu sắc trước những khó khăn nghiêm trọng của người dân CHDCND Triều Tiên, và lên án việc quốc gia này theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thay vì dành cho phúc lợi của người dân”. Tại sao HĐBA lại quan ngại điều đó?
Chẳng qua, HĐBA quan niệm rằng lẽ ra với chút tiền bạc hiếm hoi có được từ xuất khẩu, Bình Nhưỡng phải dành cho phúc lợi tối thiểu của người dân trong nước thay vì dốc vào phát triển tên lửa và hạt nhân – điều vốn đã bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm đoán.
Mỹ – Trung thường đấu khẩu
Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power trả lời đại diện Trung Quốc như sau: “Tôi nghĩ rằng chẳng cần tranh cãi gì việc đã chẳng có cải thiện gì trong cuộc sống của người dân Triều Tiên.
Mới cách đây hai ngày, Văn phòng Cao ủy về người tị nạn LHQ đưa ra một báo cáo về việc hàng ngàn gia đình Triều Tiên bị phân tán vì cuộc sống khắc nghiệt.
Đây là một phần của cuộc khủng hoảng, bên cạnh việc năm nay Triều Tiên đã có một số lượng kỷ lục phóng tên lửa và thử hạt nhân.
Hành vi này khẳng định những gì chúng ta [tức HĐBA] từng tuyên bố: khi một chính phủ vi phạm một cách thô bạo quyền của dân mình, hầu như họ luôn luôn cho thấy một thái độ khinh thị tương tự đối với các tiêu chuẩn quốc tế”.
Đến đây, bà Power giải thích lý do của cuộc họp này: “Vì vậy, cùng với tám phái đoàn khác, chúng tôi đã yêu cầu cuộc họp này”.
Sau một vòng ý kiến của đại diện các nước, Chủ tịch HĐBA lên tiếng nhắc rằng đã nhận được một văn thư của đại diện chín nước yêu cầu họp về vấn đề nêu trên, và ông đề nghị giơ tay biểu quyết nghị trình của phiên họp hôm ấy.
Kết quả cho thấy có chín nước thuận, năm nước chống và một nước bỏ phiếu trắng.
Như vậy HĐBA sẽ họp về tình hình mọi mặt của Triều Tiên. Chín nước nhất trí nghị trình này là Pháp, Nhật, Malaysia, New Zealand, Tây Ban Nha, Ukraine, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Mỹ, Uruguay.
Đến đây, đại diện Trung Quốc mới đề cập đến chủ đề chính: “Trung Quốc vẫn luôn bảo vệ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh rằng bán đảo này phải giữ được yên bình và ổn định, và rằng các giải pháp phải được tìm kiếm qua ngả đối thoại và tham vấn…
Tình hình hiện tại trên bán đảo là phức tạp, tế nhị và rất khó khăn. Trung Quốc mong rằng các thành viên HĐBA cùng các bên liên quan khác sẽ nhìn mọi việc trong bối cảnh của chúng, tìm được tiếng nói chung, làm nhiều hơn nữa để làm dịu những căng thẳng trên bán đảo, và tránh bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào khiêu khích CHDCND Triều Tiên hoặc làm tăng căng thẳng.
Ưu tiên hiện nay là tiếp tục đối thoại và đàm phán giữa các bên hơn càng nhanh càng tốt, hầu mở lại các cuộc đàm phán sáu bên để cùng nhau bảo vệ việc phi hạt nhân hóa bán đảo, nhằm thực sự đảm bảo sự ổn định và hòa bình tại bán đảo”.
Cách phát biểu của đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi cho thấy mối quan hệ Trung – Triều sát rạt như thế nào. Triều Tiên mới ba tháng trước đó còn dõng dạc khoe rằng đã thành công trong việc làm chủ bom nhiệt hạch, nhưng trong cái nhìn của đại diện Trung Quốc, lại trở thành nạn nhân, bị các nước khác khiêu khích, kiếm chuyện!
Cơm no áo ấm chính là một vấn đề nhân quyền, là quyền sống đầu tiên cho dù ở đâu. Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1948 từng tuyên cáo rằng “mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết…” (điều 25.1). Đích thân Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, trong phát biểu đúc kết phiên họp ban hành nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên hôm 30-11-2016, đã cứng rắn kêu gọi: “CHDCND Triều Tiên phải đảo ngược lại đường đi của mình và đi theo con đường phi hạt nhân hóa”. Ông kêu gọi: “Nhà chức trách ở Bình Nhưỡng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết tình hình nhân quyền nghiêm trọng ở đất nước này và cải thiện điều kiện sống của người dân”. |
Kỳ tới: Bình Nhưỡng có gì trong tay?
DANH ĐỨC
TRIỀU TIÊN – VÌ SAO CĂNG THẲNG? – KỲ 3:
Bình Nhưỡng có gì trong tay?
TTO – Do tương quan quá chênh lệch với đối phương, Triều Tiên đã khai thác tối đa năng lực có sẵn để phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, kho vũ khí hóa học cùng năng lực về chiến tranh mạng.
![]() |
Quân đội Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo chiến lược từ dưới nước. Ảnh do Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố ngày 24-4-2016 – Ảnh: Reuters |
Nếu Triều Tiên bị tấn công, ta có thể hình dung ra tình trạng rối loạn lúc đầu. Nhưng chuỗi hệ thống chỉ huy của Triều Tiên ra sao? Chúng ta vẫn chưa có kinh nghiệm trong đánh giá về hiệu quả của nó trong tình huống chiến tranh |
Bà Valérie Niquet (phụ trách mảng châu Á của Quỹ nghiên cứu chiến lược của Pháp) |
Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, giảng viên Học viện Chính trị Paris và làm việc tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (Pháp), đánh giá rằng đến nay Triều Tiên chắc chắn chưa đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và phát triển tên lửa liên lục địa (tên lửa tầm xa).
Bí ẩn công nghệ tên lửa Triều Tiên
Mối đe dọa thực sự từ Triều Tiên xuất phát từ tên lửa tầm ngắn (tầm bắn từ 100-300km). Tên lửa tầm ngắn có thể đe dọa các mục tiêu ở Hàn Quốc và Nhật cùng các đơn vị quân đội Mỹ đồn trú trong khu vực (ước tính 70.000-80.000 quân).
Đặc biệt các mục tiêu ở Hàn Quốc dễ bị tấn công nhất bởi thủ đô Seoul chỉ cách biên giới Triều Tiên 50km, tức nằm trong tầm của đạn pháo thông thường có mang đầu đạn hóa học.
Thật ra Triều Tiên không công bố số liệu thực sự về tiềm lực quân sự của họ. Muốn tìm hiểu, Mỹ và nhiều nước phải tung gián điệp thu thập dữ liệu.
Nói chung, dù có thông tin khái quát về tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên nhưng hồ sơ kỹ thuật tên lửa Triều Tiên đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.
Căn cứ thông tin về các lần phóng tên lửa vừa qua như đạn đạo, kích thước tên lửa, các mảnh vỡ được tìm thấy, ảnh chụp và dữ liệu về địa chấn, Mỹ biết được Triều Tiên ngày càng tăng khối lượng chất nổ sử dụng.
![]() |
Phương Tây cũng chưa rõ công nghệ tên lửa Triều Tiên là “đặc sản” do Triều Tiên nghiên cứu và phát triển hay đây là công nghệ nước ngoài được Triều Tiên cải tiến |
Vụ thử hạt nhân hồi tháng 9-2016 (vụ thử lần thứ năm) đạt đến sức nổ từ 10-15 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn chất nổ TNT).
Phương Tây cũng chưa rõ công nghệ tên lửa Triều Tiên là “đặc sản” do Triều Tiên nghiên cứu và phát triển hay đây là công nghệ nước ngoài được Triều Tiên cải tiến.
Phần lớn kho vũ khí tên lửa của Triều Tiên có nguồn gốc Liên Xô (cũ) như tên lửa Scud tầm ngắn đã được Triều Tiên mua của Ai Cập trong thập niên 1980.
Từ năm 1987-1992, Triều Tiên phát triển các thế hệ mới của tên lửa Scud-C (500km) gồm Rodong-1 (1.300km), Taepodong-1 (2.500km), Musudan-1 (3.000km) và Taepodong-2 (6.700km).
Tên lửa Nodong cao 12m, nặng 16 tấn, sử dụng nhiên liệu lỏng để tăng tầm bắn đến 2.500km. Nodong là giai đoạn thứ hai trong quá trình phát triển tên lửa thế hệ mới Taepodong của Triều Tiên (có Iran và Trung Quốc hỗ trợ).
Triều Tiên đã nghiên cứu nâng tầm bắn lý thuyết của tên lửa thế hệ Taepodong-2 lên 6.700km. Tuy nhiên, vụ bắn thử vào tháng 1-2016 đã gặp thất bại. Tên lửa không bay theo quỹ đạo parabol và rơi đột ngột.
Nếu Triều Tiên thủ đắc hoàn chỉnh công nghệ tên lửa liên lục địa, tên lửa sẽ đủ sức tấn công đến Mỹ hay lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.
Khó tin Triều Tiên có 100 đầu đạn hạt nhân
Cuối tháng 2-2015, sau 15 năm nghiên cứu về tiềm lực vũ khí Triều Tiên, nhà nghiên cứu Joel Wit ở Viện Mỹ – Hàn Quốc (Đại học John Hopkins ở Washington) và đồng nghiệp David Albright đã đưa ra ba giả thiết.
![]() |
Tương quan lực lượng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc năm 2015 theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) và trang Global Security |
Đến năm 2020, một là Triều Tiên có thể sở hữu 100 đầu đạn hạt nhân, hai là Triều Tiên có 50 đầu đạn hạt nhân và ba là Triều Tiên sở hữu 20 đầu đạn hạt nhân với một số đầu đạn đã thu nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo.
Trong ba giả thiết, các nhà nghiên cứu cho rằng đến năm 2020 Triều Tiên có 50 đầu đạn hạt nhân là giả thiết đáng tin cậy nhất.
Dù vậy, theo chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, trong 10 năm qua kho vũ khí của Triều Tiên không phát triển nhanh, chỉ tăng từ 5-10 hay 15 đầu đạn. Chuyên gia này cho rằng chuyện Triều Tiên sở hữu 100 đầu đạn hạt nhân vào năm 2020 là điều rất khó tin.
Chỉ có điều chắc chắn là đến năm 2020, Triều Tiên sẽ cải thiện khả năng tên lửa tầm ngắn.
Tên lửa tầm ngắn có nhiều lợi ích hơn như chi phí thấp, khó bị đánh chặn hoặc khó gặp trục trặc kỹ thuật trong khi bay, có thể bắn ngăn chặn bằng cách bắn nhiều tên lửa cùng lúc để gây rối hệ thống phòng thủ tên lửa.
Nếu kịch bản này diễn ra như thế trong tương lai, Hàn Quốc và Nhật sẽ bị đe dọa hơn hết.
Triều Tiên cũng đang cố phát triển tên lửa biển đối đất bắn từ tàu ngầm. Loại tên lửa này sẽ gia tăng khả năng đáp trả bởi lẽ tàu ngầm thường xuyên di chuyển nên khó bị phát hiện.
Đối với lo ngại tên lửa đạn đạo liên lục địa, thực sự Triều Tiên rất muốn phát triển nhưng chưa đạt đến trình độ này.
Tên lửa liên lục địa đòi hỏi phải vượt qua ngưỡng công nghệ liên quan đến kỹ thuật, hệ thống viễn thông cho các công đoạn ngắm mục tiêu và dẫn hướng, công nghệ bay trở lại khí quyển, tránh chấn động trong khi bay và chống phát nổ.
Cần phải đủ trình độ điều khiển cho bom nổ đúng lúc vì bom hạt nhân phải nổ cách mặt đất vài trăm mét mới đạt sức công phá tối đa. Hiện thời Triều Tiên chưa vượt qua các trở ngại này.
Ví dụ rõ nhất là vụ bắn thử tên lửa sáng sớm 16-4 vừa qua và tên lửa đã phát nổ gần như ngay sau khi phóng. Chuyên gia vũ khí John Schilling (Đại học John Hopkins) đánh giá Triều Tiên đã bắn thử loại tên lửa mới.
Ông cho rằng tên lửa mới phát triển của Triều Tiên bị phát nổ là chuyện vẫn thường xảy ra bởi Triều Tiên chưa kiểm soát được các công đoạn phóng và dẫn hướng. Lầu Năm Góc cho biết đó là tên lửa tầm trung nhưng không nói rõ đó là loại nào.
Nhưng đối với phía Triều Tiên, việc phát triển vẫn sẽ tiếp diễn, nói theo thứ trưởng ngoại giao Han Song Ryol trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất tại Bình Nhưỡng với Đài BBC: “Chúng tôi sẽ tiến hành thêm các vụ thử tên lửa với tần suất hằng tuần, hằng tháng và hằng năm”.
Theo trang web GlobalFirePower, quân số CHDCND Triều Tiên gồm 700.000 quân thường trực và 4,5 triệu quân dự bị. Vũ khí cá nhân chủ yếu là AK47. Triều Tiên sở hữu 4.200 xe tăng, trong đó có 1.200 xe TU-62 của Nga và 200 chiếc thế hệ TU-80 có trang bị kính ngắm tầm nhiệt. Ngoài ra, Triều Tiên còn có khoảng 9.000 xe bọc thép các loại và 4.500 khẩu pháo. Không quân Triều Tiên làm chủ 950 máy bay và 200 trực thăng. Trong số máy bay chiến đấu có 560 chiếc đời cũ như Mig 25, Mig 21, chỉ có khoảng 50 chiếc Sukhoi 25 thuộc đời mới. Trong 700 tàu chiến có 70 tàu ngầm. |
______________________________
Kỳ tới: Tình hình có thể cứu vãn?
HOÀNG DUY LONG
TRIỀU TIÊN – VÌ SAO CĂNG THẲNG?
Tình hình Triều Tiên có thể cứu vãn?
TTO – Có vẻ như trò vờn nhau ở bán đảo Triều Tiên đang quay lại quy trình của nó: các bên răn đe nhau mạnh mẽ, thậm chí có những phát ngôn tưởng như chiến tranh đến nơi, rồi thì mỗi bên lại lùi một chút.
![]() |
Trong tổ hợp khoa học công nghệ của Triều Tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng trưng mô hình tên lửa Unha-3 để người dân có thể chiêm ngưỡng – Ảnh: Reuters |
“Cho đến nay, vẫn chưa có tiền lệ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân bị tấn công quân sự. Vì vậy, Triều Tiên đương nhiên nghĩ rằng với vũ khí hạt nhân mà họ sở hữu, các nước khác sẽ không dám sử dụng vũ lực với họ |
Đổng Hướng Vinh (nghiên cứu viên Viện nghiên cứu chiến lược châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) |
Sau khi nắn gân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bằng màn “pháo hoa chào khách” những 59 tên lửa Tomahawk bên Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cho Triều Tiên và Trung Quốc thấy rằng mình còn đồ chơi vũ khí khác không kém phần ấn tượng: cho thả “mẹ các loại bom” bên Afghanistan.
Lằn ranh đỏ: thử hạt nhân
Rồi lại có thông tin đoàn tàu chiến binh hùng tướng mạnh của Mỹ với tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson đã được lệnh quay mũi hướng đến bán đảo Triều Tiên.
Truyền thông cứ như lên cơn sốt về khả năng Tomahawk hay “siêu bom” được sử dụng lần nữa.
Các phát ngôn hăm dọa cứ được bắn qua bắn lại rồi tình hình lại hạ nhiệt một chút với “lằn ranh đỏ” lần này là “không chấp tên lửa nhưng thử hạt nhân thì khác” và kèm theo là những hoan nghênh về thái độ hợp tác của Trung Quốc.
Nhưng đến nay thì có vẻ những màn phủ đầu trước giờ đàm phán của ông Trump đã đưa trở lại con đường của các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ: chỉ có Trung Quốc mới có thể gây áp lực đối với Bình Nhưỡng để kiềm chế quốc gia này trong chương trình hạt nhân.
Bằng chứng là hôm 18-4, một quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định với Hãng tin AFP: “con át chủ bài” của hải quân Mỹ được ngóng chờ cả tuần qua rốt cuộc chưa thực sự hướng đến bán đảo Triều Tiên.
Ở đâu đó, các nhà ngoại giao Mỹ tiếp tục quay lại chiêu thức cũ: tìm cách hạ nhiệt mà không mất mặt.
Ngày 18-4, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley khẳng định Mỹ không có ý định khiêu khích Triều Tiên, đáp lại lời cảnh báo của Bình Nhưỡng về một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ ở New York, đại sứ Haley nêu rõ Washington không có ý định tìm kiếm một cuộc chiến tranh. Bà cảnh báo nếu tiếp tục các hành vi kích động, chính Bình Nhưỡng mới là bên gây chiến.
Phát biểu này rõ ràng nhằm phản ứng lại với bình luận của ông Kim In Ryong, phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ, hôm 17-4. Ông này tuyên bố rằng: “Một cuộc chiến hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào”.
Tuyên bố của bà Haley cũng tương tự với những tuyên bố trước đó của các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ rằng Washington không tìm cách gây xung đột với Bình Nhưỡng, mà đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân.
Rồi trong ngày 19-4, trên đất của đồng minh Nhật, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence một mặt đe dọa Triều Tiên không nên thử thách quyết tâm của quân đội Mỹ, đồng thời cam kết sẽ đáp trả “mạnh mẽ và hiệu quả” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào sử dụng vũ khí quy ước hoặc vũ khí hạt nhân; một mặt cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục “nỗ lực phối hợp” với các đồng minh như Nhật Bản, Trung Quốc và các cường quốc khác để gây sức ép kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng.
Phát biểu trước 2.500 lính thủy trên tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Mỹ ở Yokosuka trong vịnh Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, ông Pence “ủy lạo” binh sĩ bằng khẳng định Mỹ sẽ đánh bại mọi vụ tấn công, đồng thời đáp trả mạnh mẽ và hiệu quả đối với mọi vụ tấn công bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên.
Xem chừng thái độ đồng minh
Trước đó, trong cuộc hội đàm với ông Pence, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng cần tăng sức ép để kéo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc.
Về phần mình, ông Pence cho biết Tổng thống Trump hi vọng Trung Quốc sẽ sử dụng các “đòn bẩy đặc biệt” của mình để buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí, song cũng bày tỏ đã hết kiên nhẫn với Bình Nhưỡng.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) nhấn mạnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cần được hóa giải để hướng tới một giải pháp hòa bình.
Ông Lục Khảng cho biết Bắc Kinh muốn nối lại các cuộc đàm phán đa phương bị ngưng trệ từ năm 2009.
Đến đây dường như mọi chuyện đã rõ hơn một chút và cũng trở lại với quy trình một chút: dấm dứ nhau đỏ mặt tía tai rồi sau đó tìm cách nói chuyện.
Nhưng trong cuộc chơi lần này có một điểm nhấn quan trọng mà các chuyên gia cho rằng đang định hướng đường đi sắp tới: cuộc gặp của ông Trump và ông Tập tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida vừa rồi.
Ông Lý Minh Giang, phó giáo sư khoa quan hệ quốc tế của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Theo ông, hiện nay tính cấp bách để Mỹ áp dụng biện pháp quân sự nhằm tiêu diệt chính quyền Kim Jong Un tiến tới giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng là không lớn.
Ông Lý Minh Giang cho biết trong cuộc gặp Trump – Tập, tuy không bày tỏ thái độ rõ ràng về vấn đề Triều Tiên nhưng ít nhất có hai điểm có thể khẳng định: thứ nhất, hai bên Trung – Mỹ đang tìm kiếm lợi ích chung.
Thứ hai, xét từ thái độ của ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc đã gia tăng mức độ phối hợp với Mỹ, vì vậy tiếp theo Trung Quốc sẽ gây sức ép lớn hơn cho Triều Tiên. Đây được xem như một thành quả quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh đó.
Tuy nhiên, cũng có phân tích chỉ ra rằng hậu quả của việc sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên sẽ khiến Mỹ phải hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định.
Ông Lý Quần Anh – chủ nhiệm khoa chính trị quốc tế Đại học Chính trị pháp luật Trung Quốc – cho biết: “Khác với Syria, nhiều thông tin xuyên suốt thời gian qua cho rằng Triều Tiên trên thực tế đã sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy Mỹ phải tính đến hậu quả do việc Triều Tiên đáp trả gây ra”.
Ngoài ra, Mỹ còn phải đối mặt với sự phản đối của các nước xung quanh bán đảo Triều Tiên đối với việc sử dụng vũ lực với Bình Nhưỡng.
Còn theo ông Viên Chinh – chủ nhiệm phòng nghiên cứu ngoại giao của Trung tâm nghiên cứu Mỹ (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), việc Mỹ điều nhóm tàu sân bay chiến đấu tới gần bán đảo Triều Tiên lần này mang ý nghĩa đọ sức tâm lý lớn hơn khả năng tấn công quân sự.
Liên quan đến vụ phóng thử tên lửa vừa qua, truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức cho biết tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là loại tên lửa một tầng mới được gọi là KN-17. Theo Hãng tin ABC News, KN-17 là tên lửa được đặt trên bệ phóng di động, có thể là tầm ngắn hoặc tầm trung, sử dụng nhiên liệu lỏng. Các quan chức này cho rằng vụ phóng thử tên lửa KN-17 đầu tiên được thực hiện hôm 5-4, nhưng dường như đã thất bại. |
Kỳ tới: Chìa khóa “made in China”
HOÀNG DUY LONG
TRIỀU TIÊN – VÌ SAO CĂNG THẲNG – KỲ CUỐI:
Chìa khóa ‘made in China’
TTO – Nếu như không có một sự hà hơi tiếp sức kinh tế của Bắc Kinh, Triều Tiên khó có thể phát triển không ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân khi mà kinh tế nước này vào hàng bết bát nhất thế giới.
![]() |
Hàng hóa tại một cảng gần thị trấn Sinuiju của Triều Tiên giáp giới với Trung Quốc ngày 1-4-2017 – Ảnh: Reuters |
Chừng nào các quan hệ bình thường đó, trong đó có việc trao đổi thương mại, vẫn đáp ứng các yêu cầu các nghị quyết của HĐBA LHQ thì lấy gì mà khiển trách? |
Lu Kang (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc) |
Bất chấp những nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hoặc những e dè của các nước khác, Trung Quốc vẫn cứ là đồng minh, đối tác thương mại không suy suyển và là nguồn cung cấp nhiên liệu và cả… vũ khí quan trọng nhất của Triều Tiên.
Bất chấp những quyết định cấm vận ngày càng nghiêm ngặt hơn, kết quả giao thương giữa Triều Tiên và Trung Quốc trong quý 1 năm nay lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái, tăng nhập khẩu từ Triều Tiên đến 18,4%, đồng thời tăng xuất khẩu sang Triều Tiên những 54,5%, bất chấp các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, theo thông tin từ Reuters 12-4.
Quan hệ “trên mức tình cảm”
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 13-4 khi được hỏi “tại sao như vậy?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lu Kang (Lục Khảng), bình thản trả lời rằng các con số đó chẳng qua chỉ là kết quả của quan hệ thương mại bình thường hữu nghị giữa Trung Quốc và Triều Tiên mà thôi.
Ông giải thích rất “kinh điển”: “Chuyện tăng hay giảm khối lượng mậu dịch giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong một giai đoạn nhất định nào đó là do, ai cũng thừa rõ, hai nước là láng giềng có những quan hệ hữu nghị truyền thống, chỉ là những trao đổi thương mại bình thường mà thôi”.
Mối quan hệ đặc biệt Trung – Triều này khác hẳn các mối quan hệ khác.
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 16-2-2011 viết về chuyến thăm Triều Tiên của bộ trưởng công an Trung Quốc như sau: “Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết Bộ trưởng Công an Trung Quốc Meng Jianzhu đã chúc mừng việc con trai trẻ nhất của ông Kim (Chánh Nhật) là Kim Jong Un năm ngoái được phong làm Phó chủ tịch quân ủy trung ương, và nói rằng điều này tạo thành một giải pháp thành công cho vấn đề kế thừa trong cuộc cách mạng Triều Tiên”.
Câu chuyện trên cho phép hiểu rõ quan hệ Trung – Triều khắng khít “trên mức tình cảm” như thế nào.
Điều này giải thích tại sao Trung Quốc hết lòng trợ giúp Triều Tiên ngay cả khi phải cùng các nước khác trong HĐBA giơ tay biểu quyết trừng phạt hay tăng cường trừng phạt Triều Tiên mỗi khi nước này lại thử một tên lửa mới hay một thiết bị hạt nhân mới.
Trong số các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu từ Triều Tiên có than đá.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo, từ nay tới cuối năm 2017 Trung Quốc sẽ ngưng nhập than đá, mặt hàng đáng giá nhất của Triều Tiên sau khi đã nhập trong quý 1 được 2,7 triệu tấn than.
Vấn đề ở chỗ việc mua bán than đá của Triều Tiên đã bị HĐBA LHQ hạn chế kể từ nghị quyết 2270 ban hành ngày 2-3 năm ngoái. Bất chấp nghị quyết này, Triều Tiên thử tiếp hạt nhân vào tháng 9 năm ngoái.
Quá sức chịu đựng, đến ngày 30-11-2016 HĐBA ra tiếp một nghị quyết nữa hạ thấp quota xuất khẩu than đá của Triều Tiên xuống còn 400 triệu USD hoặc tối đa là 7,5 triệu tấn than/năm, đồng thời giới hạn trị giá xuất khẩu vàng bạc, sắt, nickel, kẽm, đất hiếm… xuống còn 100 triệu USD.
Làm thế nào mà sau nghị quyết tăng cường trừng phạt đó, chỉ trong ba tháng đầu năm nay thôi Trung Quốc đã lại nhập đến 2,7 triệu tấn than của người “anh em” Triều Tiên?
Tức đã nhập hết 36% lượng than mà Triều Tiên được phép xuất khẩu cho cả thế giới trong cả năm nay, chẳng chừa một ký than loại tốt, giá rẻ nào cho các nước khác!
Gió đã xoay chiều?
Những ngày này, giới truyền thông quốc tế cũng đã ghi nhận hoạt động giao thương hai nước tại thành phố vùng biên Hunchun ở phía Trung Quốc.
Các nhà báo cho rằng hoạt động vẫn xôm tụ, xe tải chở hàng vẫn ùn ùn qua lại trong quãng thời gian ngắn từ 14h-17h mỗi ngày khi cửa khẩu biên giới được phép mở.
Du khách vẫn qua lại vì một số mặt hàng bên phía Triều Tiên rẻ hơn (như thuốc lá) và người Triều Tiên cũng thích sang phía Trung Quốc làm việc do “lương cao gấp 15 lần”.
Vì lẽ đó, ông Stephan Haggard, giám đốc chương trình Hàn Quốc – Thái Bình Dương của ĐH San Diego, không tin lắm vào những thành ý từ Trung Quốc và cho rằng chính cách đó đã khiến Bình Nhưỡng lờn thuốc trước các nghị quyết của LHQ: “Mình gây sức ép ở chỗ này, họ lại giải tỏa ở chỗ khác, biến sức ép (tức nghị quyết) đó thành một cái gì khác. Đây là một sách lược rất đầy ý thức khiến mọi người đều bực dọc đồng thời là một công cụ giúp Triều Tiên thích ứng”.
Tuy vậy, những ngày gần đây càng thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như chỉ trông cậy vào giải pháp “sức ép từ Trung Quốc” đối với Bình Nhưỡng, xem đó là cách tốt nhất trước khi cần đến giải pháp quân sự.
Dẫu Trung Quốc vẫn lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế nhưng cũng đã bắn đi một số tín hiệu mang tính “vạch ra lằn ranh đỏ” nhắn nhủ với Bình Nhưỡng thông qua bài xã luận trên Thời Báo Hoàn Cầu – một tờ báo của chính quyền Bắc Kinh.
Đáng chú ý là một dự thảo tuyên bố mới của HĐBA LHQ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên vừa trình ra hôm 19-4.
Trong cuộc này, Trung Quốc đã bày tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ tuyên bố gồm những ngôn từ cứng rắn do Mỹ đưa ra.
Theo đó, HĐBA LHQ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước động thái của Triều Tiên và một lần nữa đe dọa có thêm “những biện pháp mạnh”.
Dự thảo này cũng dùng những ngôn từ mạnh để yêu cầu Triều Tiên chấm dứt các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, phía Nga muốn tuyên bố mới nhắc lại một ý trong tuyên bố tương tự hồi tháng trước, đó là nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được giải pháp thông qua đối thoại.
“Tất cả các nước rất cần phải nhúng tay vào để đảm bảo rằng bằng tất cả khả năng để ngăn chặn mối đe dọa từ việc phát triển tên lửa và hạt nhân trở thành mối đe dọa cho cộng đồng quốc tế”. Đó là phát biểu của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trước các phóng viên tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ). Các nước ông nhắn nhủ là các quốc gia nằm ở “tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong khi đó cũng tuyên bố “rất cần phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao” nhưng cần phải có thực chất vì “những cuộc đối thoại chỉ để đối thoại thì là vô ích và cần phải gây sức ép để Triều Tiên cam kết đàm phán nghiêm túc”. |
DANH ĐỨC – N. QUÂN