- Kỳ 1: Trở lại sau 20 năm
- Kỳ 2: Bến cũ, người xưa và…
- Kỳ 3: Chiếc USS Louisville từ đâu tới?
- Kỳ 4: Ngó trước ngó sau
![]() |
Một góc vịnh Subic năm 1990 – Ảnh: d.r.sanner |
***
Tàu ngầm Mỹ trong cảng Subic
TT – Nó nằm đó thù lù “một cục” trên bờ kè sát con đường Water Front cảng Subic, chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Louisville của hạm đội 7 Mỹ, sáng nay thứ tư 27-6. Thật yên ả thả neo trên bến cảng ngày nào là căn cứ hải – không quân Mỹ.
20 năm trước, hạm đội 7 Mỹ “bị” nhổ neo khỏi cảng Subic của Philippines. 20 năm sau, hạm đội 7 trở lại trong sự đón chào. Hai tuần trước, tàu ngầm hạt nhân USS Louisville ghé cảng Subic, tiếp sau một tàu ngầm hạt nhân khác, chiếc USS North Carolina, ghé đây hôm 13-5.
Nhà báo Danh Đức trở lại Philippines sau 20 năm đã nhìn và thấy nhiều chuyện…
Kỳ 1: Trở lại sau 20 năm
![]() |
Tàu ngầm hạt nhân USS Louisville – Ảnh: D.M.SOSA |
Không có cảnh súng ống tua tủa như có thể thấy tại một quân cảng nào khác, nhất là tại cảng San Diego, tổng hành dinh của hạm đội Thái Bình Dương mà chiếc USS Louisville này thuộc về, khi đó lại là một tàu ngầm hạt nhân! Duy nhất lồ lộ là lớp chắn bêtông ở đoạn bờ kè nơi chiếc tàu ngầm đậu.
Việc canh gác con tàu do vài binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đảm nhiệm, có người ngồi mát trong một cái lều bạt có treo bảng “laundry” (giặt ủi), có người đeo súng tiểu liên báng xếp đứng ngoài nắng…
Bảo vệ cho chiếc tàu ngầm hạt nhân được mô tả là có mang theo tên lửa đạn đạo Tomahawk trong 12 bệ phóng, thủy lôi hạng nặng Mk-48 trong bốn ống phóng cùng tên lửa đối hạm Harpoon chỉ có chừng đó! Còn “nhẹ nhàng” hơn cả công tác bảo vệ tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Roxas, thủ đô Manila: một xe Jeep của cảnh sát Philippines gắn đại liên 50 luôn “hùng dũng” đậu sát bức tường tòa đại sứ đấu lưng ra biển này!
Tất nhiên, không loại trừ vệ tinh dọ thám vần vũ trên trời hay đài kiểm thính trên ngọn Santa Rita ngó xuống vịnh Subic đang nghe ngóng “vòng ngoài” cho chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc phân đội tàu ngầm số 7 (Comsubron 7) này.
Núi lửa phun trào, đóng cửa căn cứ Clark
Năm 1991 là một năm mà không ít người Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam, kể cả TP.HCM còn nhớ như in. Liên tiếp trong mấy ngày giữa tháng 6 năm ấy, tro bụi núi lửa từ Philippines vượt biển Đông bay qua đến tận Việt Nam, tuy không phủ trắng xóa như ở Philippines song cũng phủ một lớp xam xám dày.
Ngọn núi lửa Pinatubo, chỉ cách căn cứ không quân Clark không đầy 10 dặm, bỗng dưng rùng mình thức dậy sau 600 năm “ngủ nghỉ”, đã thật sự đe dọa căn cứ không quân Mỹ ngay sát thành phố Angeles, cách thủ đô Metro Manila 60 dặm về phía tây bắc. Ngọn núi lửa “gầm gừ” hai lần trong buổi chiều chủ nhật 9-6 đã hất văng các mảnh vụn ra xa đến 20 hải lý trên biển Đông! Binh sĩ Mỹ thuộc căn cứ Clark đươc lệnh trở về trại và cắm trại trong buổi chiều đó. Đến đêm, Chính phủ Philippines buộc phải ra lệnh sơ tán hơn chục ngàn dân 20 ngôi làng quanh núi lửa.
5g sáng 10-6, trung tá Ron Rand, phát ngôn viên của căn cứ, ra lệnh cho toàn thể 15.000 quân nhân, nhân viên Mỹ cùng gia quyến di tản ra khỏi căn cứ Clark trong vòng bốn giờ, ngoại trừ một số nhân viên thiết yếu trụ lại. Thế là đến 6g sáng, xe ca, xe nhà binh các loại rần rần nối đuôi nhau trên quốc lộ dẫn đến căn cứ hải quân Subic cách đó một giờ xe.
Đến 1g trưa thứ bảy 15-6, núi lửa Pinatubo mới phun trào toàn diện, tro bụi xám bay qua đến tận Việt Nam.
![]() |
Nhà báo Danh Đức trên bến cảng Subic. Phía sau là tàu ngầm hạt nhân USS Louisville Ảnh: liên minh |
Thượng viện Philippines đóng cửa căn cứ Subic!
Ra đi tránh núi lửa cũng là để ra đi mãi mãi cho dù hợp đồng thuê các căn cứ Subic và Clark đến tháng 9 năm đó mới hết hạn và hai chính phủ Philippines – Mỹ đang thương thảo việc gia hạn hợp đồng.
Phía Mỹ đề nghị chi 203 triệu USD/ mỗi năm, một số nghị sĩ Philippines chê là quá ít! Hợp đồng thuê này dựa trên hiệp định căn cứ quân sự Philippines – Mỹ ký kết năm 1947. Đến 16-9-1966, hai bên gia hạn hiệp định này thêm 25 năm. Đến thứ hai 16-9-1991 hết hạn 25 năm gia hạn. Hôm đó, Thượng viện Philippines, với 12 phiếu chống/11 ủng hộ, đã bác bỏ hiệp định gia hạn 10 năm việc cho thuê các căn cứ Mỹ ở Clark và Subic mà nữ tổng thống Cory Aquino vừa ký kết.
Tỉ lệ bỏ phiếu đó cho thấy quyền lực của các nghị sĩ Thượng viện Philippines lớn đến đâu: để bác bỏ hiệp định gia hạn, chỉ cần hơn thua một lá phiếu (12/11 trong trường hợp này); ngược lại để gia hạn phải hội đủ 2/3 tổng số phiếu, tức phải cần thêm năm phiếu nữa!
Một quốc hội đầy quyền lực chính là một trong những di sản mà cựu thuộc địa Philippines kế thừa từ nửa thế kỷ dưới trướng đế quốc Mỹ “kế vị” sau khi đánh bại đế chế Tây Ban Nha! Hiệp định Paris ngày 10-12-1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha đã trao đất nước Philippines cho Mỹ, bất chấp việc Philippines đã tuyên cáo độc lập từ ngày 12-6 trước đó bởi vị tổng thống đầu tiên là ông Emilio Aguinaldo.
Trực tiếp cai trị Philippines song vẫn để cho một nghị viện địa phương hoạt động, đó là một trong vài di sản đẹp đẽ của nửa thế kỷ người Mỹ cai trị Philippines cho đến khi trả lại độc lập cho người Philippines vào ngày 4-7-1946.
Hết bị núi lửa Pinatubo rượt chạy có cờ lại bị Thượng viện Philippines bỏ phiếu tống khứ, quân đội Mỹ không còn chút thiên thời, địa lợi, nhân hòa nào tại đây. Trong số các nghị sĩ chống lại việc gia hạn, có cả nghị sĩ Agapito Aquino, anh chồng của nữ tổng thống Cory Aquino cầm quyền lúc đó. Cuộc bỏ phiếu chống một phần muốn đất nước Philippines “độc lập trọn vẹn”.
![]() |
Tàu ngầm USS Louisville ở cảng Subic – Ảnh: AP |
Ân oán đổi chiều
Nói cho ngay, như tại bất cứ nơi nào có binh sĩ Mỹ đóng quân đều xảy ra những chuyện mích lòng. Ở Clark hay Subic đã là như thế, ở Okinawa (Nhật Bản) cho đến bây giờ cũng thế.
Ngoại trừ ở Nhật do các chính phủ Nhật “cứng cựa” cho dù từng bại trận phải đầu hàng năm 1945, ở các nơi khác từ Nam Hàn đến Nam Việt Nam, Philippines…, sự hiện diện của quân đội Mỹ đồng nghĩa với can thiệp chính trị như vụ đảo chính Lý Thừa Vãn ở Seoul ngày 26-10-1960, Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963…
Tại Manila hiện nay, nghị sĩ Gregorio Honasan vẫn còn nhớ thế nào là sự can thiệp của quân đội Mỹ. Tháng 12-1989, ông Honasan, lúc đó là đại tá, khởi sự một vụ đảo chính chống lại nữ tổng thống Cory Aquino.
Trong suốt một tuần lễ, có lúc dinh tổng thống Malacañang trúng bom suýt thất thủ, tổng thống Aquino phải yêu cầu đồng minh Mỹ yểm trợ. 120 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ trên tổng số 800 người đóng tại căn cứ Subic được triển khai xung quanh tòa đại sứ Mỹ ở Manila. Không quân Mỹ tại căn cứ Clark tung hai chiếc máy bay chiến đấu F-4 Phantom lên thị uy, giành lại bầu trời cho bà Aquino với lệnh từ chính tổng thống Bush “bố”: “Buộc máy bay phe đảo chính nằm bẹp ở căn cứ của chúng. Nã đạn ngay trước mũi chúng nếu chúng định cất cánh bay lên. Bắn hạ chúng, nếu chúng dám cất cánh” (xem Operation “Classic Resolve”, Global Security.org). Đại tá Honasan thua cuộc.
Thế rồi vật đổi sao dời. Sau khi Trung Quốc “lệnh” cho Philippines phải rút ra khỏi bãi Scarborough, hôm 11-4-2012 nghị sĩ Honasan, “vua đảo chính” ngày nào, lại là một trong những người sớm quên ân oán cũ nhất, yêu cầu Mỹ trở lại ngay. Và con trai của nữ tổng thống Aquino ngày nào, đương kim Tổng thống Benigno Aquino III, đầu tháng 6 đã điều đình việc quân đội Mỹ trở lại.
Ngọn gió thiên thời, địa lợi… đã đổi chiều về phía Mỹ, tuy chưa hẳn đã nhân hòa 100%.
________________
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khẳng định chủ quyền tự cấp bằng mọi giá trước các nước ven bờ Thái Bình Dương, có gì bất thường không khi hết chiếc USS North Carolina đến chiếc USS Louisville lần lượt đến Subic, nơi mà 20 năm trước hải quân Mỹ đã phải cuốn cờ rút đi?
Kỳ tới: Bến cũ, người xưa và…
Bến cũ, người xưa và…
TT – Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khẳng định chủ quyền tự cấp bằng mọi giá trước các nước ven bờ Thái Bình Dương, có gì bất thường không việc hết chiếc USS North Carolina đến chiếc USS Louisville lần lượt đến Subic – nơi mà 20 năm trước hải quân Mỹ đã phải cuốn cờ rút đi?
![]() |
Tàu ngầm USS Louisville trên Thái Bình Dương – Ảnh: us navy |
Phát ngôn viên hải quân Philippines, đại tá Omar Tonsay, cố ý giảm nhẹ ý nghĩa: “Tôi không thấy có gì bất thường cả nếu như họ chỉ đến Philippines để tái tiếp tế. Việc tàu bè ghé tái tiếp tế là bình thường. Phía Mỹ đã xin phép thông quan cho chuyến ghé này”.
Tiếp tế cái gì?
Qua những gì có thể thấy được sáng thứ tư 27-6, có vẻ như chiếc USS Louisville đang tái tiếp tế. Cách chiếc tàu ngầm này vài chục mét, cặp bên kia bờ kè, một chiếc tàu chở dầu cỡ nhỏ của hải quân Philippines thả neo. Chắc là để che chắn mạn phải chiếc tàu ngầm đậu dọc bờ kè song song với bến Water Front sát bên, chứ tàu ngầm hạt nhân đâu cần tiếp tế gì từ chiếc tàu chở dầu này.
Một chiếc xe tải “cõng” trên lưng một cái container và một chiếc xe chuyên dụng chất dỡ hàng, một container khác mở toang nằm dài trên bờ kè, chắc cũng để che chắn… Nhìn vào hệ thống đường ống nước gắn trên bờ kè có thể đoán chừng có lẽ một trong những thứ mà tàu ngầm USS Louisville cần tiếp tế là nước ngọt.
R&R: “xả hơi”
Ngoài chuyện tái tiếp tế, còn để làm gì nữa? Thông cáo của tòa đại sứ Mỹ có một câu nghe qua không thể không bật cười vì sự thành thật: “… Cho thủy thủ đoàn cơ hội nghỉ ngơi và thoải mái” (nguyên văn “rest and relaxation”). Cụm từ “rest and relaxation” (nghỉ ngơi và thoải mái) đồng nghĩa với cụm từ rest and recuperation (nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe), cùng viết tắt là R&R, là một thuật ngữ quân sự Mỹ mà những ai quen thuộc với Thế chiến thứ nhì, chiến tranh Triều Tiên hay chiến tranh VN đều hiểu là gì.
Còn nhớ trong chiến tranh VN, binh sĩ Mỹ được đi phép “xả hơi” (R&R) tại Đà Nẵng, Sài Gòn, Vũng Tàu… vốn là những địa điểm R&R nổi tiếng trong chiến tranh VN (xem video clip http://www.defencetalk.com/da-nang-outer-limits-marines-rr-vietnam-war-31908/). Nếu đã lội rừng hay đóng đồn ở các hốc bà tó đủ một năm thì được bay sang Thái Lan, Hong Kong, Hawaii… “xả hơi”. “Khu đèn đỏ” King Cross ngày nay ở Sydney đã khét tiếng từ thời chiến tranh VN: từ tháng 10-1967 đến năm 1971 khi chương trình R&R kết thúc ở Úc, đã có đến 300.000 lính Mỹ đến đây “xả hơi”. Ngày nay binh sĩ Mỹ tại Iraq, Afghanistan… được hưởng 15 ngày R&R miễn phí sau mỗi 270 ngày phục vụ.
Để “xả hơi”, không thể thiếu các cô gái “bán hoa”. Giáo sư Theresa Squatrito của Đại học Washington, tại hội thảo khoa học chính trị Mỹ quốc năm 2005, đã trình bày tham luận “R&R: chính sách của quân đội về mại dâm” (R&R: Military policy on prostitution). Theo giáo sư Squatrito, ở Subic có lúc có đến 17.000 phụ nữ “bán hoa” quanh căn cứ này. Những trang kỷ niệm của lính Mỹ ở Subic còn lưu những bức ảnh “xả xú páp” ở các quán bar mà trong đó màn múa cột là liên tục.
Ngày đó, căn cứ hải quân Mỹ vịnh Subic được định nghĩa như là một cơ sở lớn chuyên sửa tàu, tiếp tế, R&R của hải quân Mỹ. Ngày nay, các khu “đèn đỏ” Barrio Barretto hay ở thành phố Angeles sát căn cứ không quân Clark ngày xưa vẫn tấp nập. Trên chuyến xe buýt của khách sạn South Cross từ Subic về Manila, có đến chục khách Mỹ tuổi cũng khá cao ghé Angeles. Thành ra không lấy làm lạ tại sao trong khu “đèn đỏ” Barrio Barretto ở vịnh Subic với hàng trăm quán bar, hộp đêm như Catwalk Club, Hot Zone, Fox Hole, Oriental Rose Tavern… có quán đã căng biểu ngữ “Bienvenido to the U.S. Navy” chào mừng thủy thủ đoàn chiếc tàu ngầm USS Louisville!
![]() |
Hải quân Mỹ trong một quán bar ở Subic năm 1968 – Ảnh: Brad Jones |
Bến cũ, người xưa
Tất nhiên, ‘R&R” theo giải thích của tòa đại sứ Mỹ, cũng như giải thích ghé để “tái tiếp tế” của phát ngôn viên hải quân Philippines, chỉ là thể hiện bề nổi chuyến ghé vịnh Subic của chiếc USS Louisville.
Còn một cách giải thích thứ ba: “Chuyến ghé thăm thường lệ này làm nổi bật các mối quan hệ mạnh mẽ mang tính lịch sử, cộng đồng, và quân sự giữa nước Mỹ và Philippines”, thông cáo của tòa đại sứ Mỹ tại Manila cho biết. “Quan hệ lịch sử, cộng đồng và quân sự” này là gì, như thế nào?
Quan hệ đó tính ra cũng hơn một thế kỷ. Thủy quân lục chiến Mỹ từ hai chiến hạm USS Baltimore và USS Orego đã đổ bộ kéo cờ Mỹ lần đầu tiên vào ngày 10-12-1899. Đến năm 1903, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt ký một sắc luật thiết lập khu quân sự Mỹ tại Subic. Ông đã viết như sau về quyết định này:” Nếu chúng ta cần thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại Đông Á, thì chúng ta nhất thiết phải có một căn cứ hải quân tại vịnh Subic”.
Đến tháng 6-1907, sau khi Nhật đánh bại một cường quốc của thế kỷ 19 là Nga trong một loạt trận đánh giành giật Triều Tiên, Mãn Châu… từ trận bao vây cảng Arthur đến các trận hải chiến Hoàng Hải, rồi thì Tsushima năm 2005, Chính phủ Mỹ âm thầm ra lệnh cho bộ binh và hải quân tăng cường lực lượng tại vịnh Subic. Hai bên đã chung sức trong gần nửa thế kỷ, ngay cả khi Subic rơi vào tay quân đội Nhật ngày 12-1-1942, cho đến khi đánh đuổi được kẻ thù chung khỏi Subic vào ngày 30-1-1945.
Trên bến Water Front, đối diện với cảng vụ mà khi xưa là sở chỉ huy, hai bia đá tưởng niệm các nạn nhân của những “chuyến tàu địa ngục” (hellships) chở những tù binh bị quân Nhật lùa lên tàu khi rút khỏi Subic làm “bia đỡ đạn” trước các đợt không kích của không quân Mỹ. Cũng may là có phi công nhận ra “phe ta” trên boong chiếc tàu chở hàng Oryoku Maru của Nhật nên kịp thời vẫy cánh thôi bắn phá. 1.360 tù binh thoát nạn nhảy ào xuống biển lên bờ. Thê thảm thay cho 450 tù binh sống sót, đến giờ chót còn bị lùa chở sang Nhật nhốt trong các trại lao động! Trận đánh tái chiếm đèo Zig Zag, đoạn đèo nối thị trấn Olongapo với cảng Subic kéo dài những nửa tháng, quân Nhật tử thủ cho đến kỳ cùng, thiệt hại lên đến 2.400 người; phía Mỹ 1.400 người. Người Phi thiệt hại đếm không xuể, nghĩa trang trên vách núi nhìn xuống cảng Subic là một chứng tích.
Chia sẻ máu và khói lửa không dừng ở đó. Năm 2002, Mỹ phái một đơn vị biệt kích hỗn hợp có lúc đông đến 600 người gọi tắt là JSOTF-P, gồm lực lượng đặc biệt của bộ binh, của hải quân và của không quân sang hỗ trợ quân đội Phi chống các nhóm khủng bố Hồi giáo Abu Sayyaf và Jemaah Islamiyah ở miền nam Philippines. JSOTF-P phụ trách cố vấn huấn luyện, tham mưu tình báo, công tác dân sự vụ…Tháng 2-2002, 10 thành viên JSOTF-P thiệt mạng trong một tai nạn trực thăng.
Trăm năm “quan hệ lịch sử, cộng đồng và quân sự” chia sẻ bằng máu như thế liệu có đủ để cho Philippines được bảo vệ một khi bị tấn công bởi một thế lực ngoại quốc, căn cứ trên hiệp định quốc phòng hỗ tương Mỹ-Phi ngày 30-8-1951? Đó là câu hỏi mà nhiều người Phi nay đang đặt ra.
Kỳ tới: Chiếc USS Louisville từ đâu tới?