- Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
- Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
- Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm
- Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam qua lời kể của trùm cao hổ
- Kỳ 5: “Đại bản doanh” thú rừng giữa chợ Lào
- Kỳ 6: Xử lý tội phạm động vật hoang dã: Luật đã gỡ nhưng thực thi còn “bí”
Chợ trung tâm ở Sầm Nưa với nhiều sạp thịt thú rừng được bày bán.
***
“Khai quật” thế giới ngầm buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam
BVR&MT – Nhập vai đệ tử của một quan chức có máu mặt đang cần gấp nguồn “hàng hiếm”, nhóm phóng viênBảo vệ Rừng và Môi trườngđã thâm nhập được vào đường dây buôn bán động vật hoang dã tương đối lớn mà ở đó không chỉ có sự móc ngoặc giữa những “ông trùm” nội địa mà còn thông qua rất nhiều đầu nậu xuyên biên giới, đặc biệt là từ Lào, Campuchia và châu Phi.
Sau hơn một tháng rong ruổi khắp Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, TP.HCM…, chúng tôi đã ghi lại được những hình ảnh chân thực đến rùng rợn trong “hang ổ” tàn sát, chế biến, chế tác các mặt hàng và sản phẩm từ muông thú, đặc biệt là mặt hàng cao hổ, cao khỉ. Ở những nơi này, sức mạnh của đồng tiền thống trị tất cả, bao gồm cả lương tri và công lý.

Trước khi nhập vai, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử đã dò tìm được rất nhiều thông tin, hình ảnh và đầu mối rao bán động vật hoang dã cùng các sản phẩm, dẫn xuất của chúng trên mạng internet. Chỉ cần theo dõi một vài trang cá nhân của những người buôn bán động vật hoang dã trong vòng một tháng đã thấy hàng chục con hổ bị giết thịt, róc xương để nấu cao với đơn giá lên đến hàng chục triệu đồng một lạng.
Có thể không quá khi nói rằng mạng xã hội đang là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các băng nhóm đầu nậu, trong đó hình thức liên hệ qua zalo và facebook phổ biến hơn cả. Đây được coi là nguồn “chợ đen” khổng lồ, là tụ điểm mua bán sôi động các loài động vật từ hạng “bình dân” như hươu, nai, khỉ, voọc, rùa… tới hổ, báo, gấu, tê tê…
Sau màn mày mò làm quen, nhóm đã “bắt” được một số mối hàng nhất định và tiến hành thị sát tại rất nhiều tỉnh, thành như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TPHCM… Sau cùng, nhóm thâm nhập sâu vào một số tụ điểm thu gom, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD với số lượng lớn tại Nghệ An, Hà Nội, TP.HCM – nơi được coi là “thủ phủ” nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái phép với nguồn thú rừng từ chính Việt Nam và nước bạn Lào. Điểm đầu tiên chúng tôi xuất phát là Hà Nội.

Có mặt tại hai ngôi làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín và làng Dư Dụ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai – địa danh nức tiếng với các “trùm” anh chị trong nghề buôn bán đầu lâu, sừng cảnh, mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng nhóm vẫn khá bất ngờ trước sự xuất hiện ngang nhiên của hàng loạt hàng quán trưng bày sừng cảnh với các tấm biển quảng cáo còn hoành tráng hơn cả biển đề tên cổng làng, trên biển ghi chú đầy đủ thông tin về những sản phẩm được cho là đồ mỹ nghệ chế tác từ sừng động vật, chủ yếu là sừng trâu rừng, bò rừng, sơn dương sừng kiếm, linh dương đầu bò, nai sừng tấm nhập từ châu Phi xa xôi.
Men theo dãy dài đầu trâu, đầu bò bày la liệt ven đường Thụy Ứng, chúng tôi tìm đến nhà H.R., trùm sò về chế tác sừng ở đây. Sát cạnh ngôi nhà khang trang của R. là kho và xưởng hàng được gắn camera giám sát mọi ngõ ngách. Trong căn phòng khách rộng chừng 50 m2, quanh bốn bức tường là hàng trăm chiếc đầu, sừng động vật treo san sát, ngay cả cầu thang lên tầng 2 cũng được trưng dụng triệt để để bày hàng. Theo quan sát nhanh của nhóm, chừng khoảng 300 hiện vật trong phòng đã được chủ cơ sở hoàn thiện và sẵn sàng đóng hàng khi gặp khách. R. cho hay số sừng và đầu này được nhập từng container từ châu Phi về qua đường biển, khi nhập là đồ vật thô, sau khi mài mòn, sơn sửa, đánh bóng… thì mới bày biện.
“Phần lớn sừng treo ở nhà là sừng quý hiếm” – H.R nhấn mạnh chữ “hiếm” khi thấy chúng tôi tỏ ra xuýt xoa chiếc sừng dê xoăn tít. Ngoài ra, ông chủ chế tác cũng không quên quảng cáo thêm: “Cái sừng đó 5 triệu, đầu dê lấy ở các tỉnh giáp Tây Tạng, Liên Xô cũ, sống ở núi tuyết nên lông dày. Đây là sừng rất quý hiếm nên đắt, còn đầu bò thì rẻ hơn”.
Chỉ tay về phía một đầu bò rừng thuộc loại “khủng nhất” cửa hàng, chiều rộng hai sừng chắc tầm một sải tay người lớn không hết, R. cho biết: “Con bò này nhập từ châu Phi qua đường biển vì đường bộ khó qua hải quan các nước, một số hàng thì đi đường lậu, mình cứ đặt khi nào được thì họ chuyển, tất cả các sản phẩm bày ở đây đều được cơ quan chức năng kiểm tra, đều là sản phẩm mỹ nghệ, không vấn đề gì, chỉ có đầu hươu là của Việt Nam… Ngoài đầu bò, ở đây còn nhiều loại khác, giá cũng tùy, kể cả sơn dương sừng kiếm cũng không thiếu”.

Khi nhóm phóng viên tỏ ý lo ngại vì khâu vận chuyển khi ra đường, chủ cơ sở khẳng định chắc nịch: “Buôn bán đã hơn 10 năm nay rồi nên cứ yên tâm. Trước đây các cửa hàng còn sợ viết hóa đơn chứ bây giờ có các cơ quan quản lý, ba tháng đóng thuế hóa đơn một lần, một năm đóng thuế môn bài, ở xã thì mỗi năm đôi ba lần kiểm tra, còn các sếp cao hơn nữa mình có chút quà, chừng một triệu gì đó vì mình bán cũng có lãi đâu”. Không chỉ trấn an về mặt pháp lý, ông chủ tiệm còn đến mặt đạo đức khi treo sừng nhằm cố vớt vát cái tâm với muông thú: “Các con này nó chết rồi, mình vẫn treo lên, treo lên là làm đẹp cho nó, giúp nó tô điểm cho đời, trở thành con vật có ích chứ cứ để nó ở rừng thì đất phủ lên là hết, chả còn gì”.

Quan sát kỹ thì thấy ngoài một số mặt hàng được phép nhập khẩu thì không ít loài bị cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại cũng có mặt tại nhà R. và hành vi mua bán, chế tác ngang nhiên của các chủ cửa hàng nơi đây đã vô tình kích thích thị hiếu người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao, qua đó gián tiếp tàn sát không ít các loài thú quý như tê giác, voi, hổ…

Rời nhà H.R, chúng tôi tiếp cận thêm chủ cơ sở chế tác sừng ở thôn Dư Dụ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội tên S.H. Không chỉ sở hữu kho sừng khủng, S.H. còn chuyên làm hươu nhồi bông, thậm chí chủ nhà còn chế tác hẳn một chiếc ghế bằng sừng bò châu Phi để tiếp khách. H. cho biết trung bình sừng được bán với giá 2 triệu đồng/kg, chủ yếu là bán buôn: “Đối với các loại sừng như này thì mình lấy từ châu Phi, về chỉ việc cọ rửa sạch sẽ và đem treo thôi còn mấy cái đồ ở nơi khác thì họ đã chế tác lại rồi và là đồ mỹ nghệ. Em bán 2 triệu đồng một cân. Toàn sừng thật đấy, giả cho luôn, Sơn Dương sừng kiếm đấy. Bao nhiêu cân thì nhân lên ra tiền thôi”.
Phía sau ngôi nhà là hàng chục chú hươu đã được nhồi bông chờ khách đến mua và trên tường cũng treo rất nhiều đầu tuần lộc được nhồi như thật. Mắt của chúng trợn ngược với ánh nhìn đầy ám ảnh, bi ai.
Vừa xem hàng, nhóm vừa dò hỏi nhu cầu mua động vật tươi sống để ăn hoặc nấu cao. Ban đầu H. lưỡng lự, sau một hồi trao đổi và nói về nhu cầu của nhóm không chỉ là các sản phẩm từ động vật khô mà cần mua khỉ hoặc cao khỉ để biếu sếp, thậm chí cao gấu, cao hổ cũng mua. Ngay lập tức H. nhấc máy cho một đệ tử ở Nghệ An, chuyên cung cấp khỉ và các loài động vật từ Nghệ An ra Hà Nội và các tỉnh lân cận để nấu cao.

Sau cuộc điện thoại ngắn ngủi, H cho biết: “Khỉ sống thì không có, chỉ có đông lạnh thôi vì nó mang về sao được, khỉ ở bên Lào. Em ở đây không bán nhưng nếu anh lấy thì em bảo em em chuyển ra Hà Nội cho. Tức là ở đây em chỉ là trung gian nếu ai lấy hàng thì gọi vào trong đó thì sẽ có người vận chuyển ra tận nơi cho anh. Hổ thì không có trong tự nhiên đâu nhưng có hàng của bên Lào và của dân nuôi. Tức là người ta đào hầm rồi nuôi như nuôi lợn ấy, khi nào có khách thì mới lôi lên giết. Cái đồ đấy thì không để biết được, mình để lung tung chứ cái đấy để ở nhà là biết ngay”.
Vậy là đã xong. Đầu mối tiếp theo là nhân vật tên N., nhà ở gần cầu Yên Lý, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trước khi về, S.H. còn không quên nhắc nhở: “Bây giờ anh nghiên cứu đi, một là vào lấy, hai là bảo họ chuyển ra cho mình. Chứ khỉ sống bây giờ là không có đâu toàn khỉ giết rồi người ta cấp đông thôi, ai mua khỉ sống bao giờ, vừa vận chuyển khó mà lại hao hàng (giảm trọng lượng). Anh cứ yên tâm, lấy thì em bảo em em nó lựa cho hàng chọn lọc, ngon mà tươi ăn thịt cũng được chứ không riêng gì nấu cao”.
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Văn Hoàng
***
“Khai quật thế giới ngầm” buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam
BVR&MT – Từ lời giới thiệu của H., phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường lập tức bắt mối với N., một trong những “mắt xích” quan trọng nhất trong đường dây buôn bán động vật hoang dã ở phía Bắc Việt Nam.
Từ đầu mối cao khỉ…
Do được chính người anh dẫn lái nên phần nào chúng tôi đã nhận được sự tin tưởng từ N., nhất là khi nhóm ngỏ ý được vào xem hàng tận nơi với thái độ rất cầu thị. Có vẻ N. đã nắm được “thóp” của khách hàng khi muốn mua cao khỉ nên qua điện thoại, ông chủ này đã vào đề ngay: “Khỉ sống thì không có đâu, bây giờ chỉ có loại chết rồi, làm sạch lông, bỏ ruột rồi bỏ tủ đá cho đỡ hao, khi cần thì chỉ việc đem nấu thôi”. Thấy chúng tôi chưa tin vì luôn miệng đòi xem hàng, N. cho biết sẽ gửi ảnh và video qua zalo kèm lời nhấn mạnh: “Con khỉ thì làm sao mà giống con chó được. Nó hình giống như con người mà, anh vào tận nơi lấy cũng được, em chuyển ra cũng ok, em bán với giá 300.000 đồng/kg. Con to thì tầm 5 – 6 kg.

Ngoài ra, hiện nhà em còn có bộ xương Sơn Dương tầm 14 – 15kg, bộ này còn cả đầu, cả móng. Quan trọng là mình nấu bao nhiêu hàng, ví dụ 30 kg khỉ thì cần 5 – 6 kg sơn dương. Bằng đấy cho ra khoảng 5 – 6 kg cao là vừa”. “Anh vào lấy thì hay hơn anh ạ. Không thì em gửi ra Bến xe Nước Ngầm rồi anh nhận. Gửi xe khách tầm 10 giờ tối chạy từ em ra đó cỡ 7 rưỡi, 8 giờ. Còn nếu vào Nghệ An thì lấy hàng ở Diễn Châu. Các anh yên tâm, bây giờ em gửi hàng thì ai biết ở trong có cái gì. Mình cứ ra xem số điện thoại ghi trên bì, đúng của mình thì mình nhận”.
Khi dò hỏi thêm các nguồn hàng khác, N. nhanh nhảu: “Khỉ bình thường mà, có phải hổ đâu. Đến sừng tê, ngà voi em còn cấp cho anh được, khỉ chỉ là hàng bình dân, đẳng cấp phải là cao hổ, báo. Em sẽ gửi qua zalo cho anh, làm thịt hoặc nguyên con còn sống cũng có. Số lượng bao nhiêu, hàng tươi, hàng đẹp đều có hết. Nếu thích nấu em chuyển tận nơi hoặc có người đến nấu tận nhà, cao gì cũng có”.
Trong quá trình tìm hiểu “thị trường” ở Nghệ An, phóng viên đã lân la tại khá nhiều tụ điểm ở Con Cuông, Tương Dương và các chủ nhà hàng tại đây đều khẳng định sẵn sàng phục vụ các loài mèo rừng, lợn rừng, cầy hương, chồn… tươi, sạch từ rừng (?!) |
Kết thúc màn chào hàng qua điện thoại, N. gửi luôn loạt ảnh và video rất sống động. Giữ lời hứa với ông chủ, cả nhóm có mặt liền tại Nghệ An để mục sở thị các món hàng cần kíp. Nhà N. nằm ven quốc lộ 1A, gần cầu Yên Lý, nhà ngoài cũng treo rất nhiều đầu lâu, sừng cảnh như tại cửa hàng nhà ông anh ở ngoài Thanh Oai, Hà Nội. N. giới thiệu: “Nhà có buôn bán sừng cảnh, loại này bắn hoang dã, lấy từ nước ngoài, sừng này có thể làm cảnh hoặc nấu cao, nấu cao còn có khỉ, khỉ sống sẽ đắt hơn khỉ đông đá, ví dụ khỉ đông đá 300.000 đồng/kg thì khỉ sống phải 600.000 đồng/kg, nó đắt hơn vì khó vận chuyện, khi chuyển nó hay kêu dễ bị phát hiện, cân nặng cũng hao hụt…”.
Sau một hồi tiếp thị mà vẫn chưa thuyết phục được khách hàng khó tính, N. ra phía sau nhà và ra hiệu cho cả nhóm đi theo. Cách khu nhà chính chừng vài chục bước chân, N. đặt nguyên hai nồi áp suất cỡ lớn để luyện cao, bên cạnh vẫn còn nguyên những tải xương đỏ máu, N. bảo đó là xương mèo được gom từ các cửa hàng “tiểu hổ” để luyện cùng.

Đi sâu vào phía trong, N. tiếp tục mở kho hàng bí mật cho khách mục sở thị. Xương thú chất chồng trong gần chục tủ đồng, khối lượng ngót nghét cả tấn. Dù đóng đá nhưng những chiếc đầu lâu và xương thú vẫn bốc mùi hôi tanh nồng nặc. “Cái này là đầu ngựa dùng để nấu cao ngựa bạch, cái này là đầu sơn dương rừng, đây là khỉ, còn cái này là xương mèo, xương ngựa… Ở đây, mình bán cho dân thường đã là 300.000 đồng/kg rồi, không bớt nhé, lẽ ra khách tỉnh phải nhích hơn đấy, đảm bảo hàng tươi, sạch, muốn bao nhiêu cũng có”.

Khi ngỏ ý muốn xem “hàng” sống hoặc còn lông, N. trỏ luôn: “Nếu muốn còn lông thì có con vượn này, hàng này thông dụng. Đây là con vượn bạc má. Nếu sếp mua nên nói với sếp là chọn con đã làm sạch ruột, sạch lông cho nó đỡ hao”. Với cao hổ và các sản phẩm từ hổ, tê giác, N. thận trọng: “Hổ là hàng cấm, mình không để đây nhưng nếu cần thì mình vẫn giúp được”. Và thông tin giá trị nhất trong câu chuyện với N. là một đầu mối tiếp theo tại Phú Thọ, một tay lão luyện trong nghề luyện cốt tên Y.

…Đến tiết lộ của trùm luyện hổ cốt
Video clip: Cận cảnh quá trình luyện cao hổ
Vẫn với lý do “săn cao quý hiếm để biếu sếp dịp Tết và muốn chứng kiến toàn cảnh việc nấu cao từ đầu đến cuối”, Y. vào bếp lấy ra một túi bóng màu trắng, bên trong có chứa một chất đông đặc như đường mía: “Đây là cao khỉ, nguyên chất đấy, tôi cùng mấy anh em vừa nấu cách nay một tháng, khỉ thì toàn mua của người dân xung quanh Vườn quốc gia Xuân Sơn, ở đó thỉnh thoảng họ vẫn săn bắt được”.
“Cao khỉ tôi bán 500.000 đồng/lạng. Khỉ thì bắt sống hoặc bị bắn rồi mang về làm thịt ăn, xương đem nấu cao, giờ khỉ tươi bán 900.000 đồng/kg, khỉ khô bắn ở Lào và Campuchia, sau đó sấy khô mang về thì rẻ hơn. Hiện tôi biết ở Yên Bái con hai con khỉ, mỗi con hơn chục cân, một con khỉ mặt đỏ rất quý hiếm, nếu mua về nấu cho thêm ít gạc hươu nữa, mỗi nồi cho thêm mấy chỉ thuốc phiện để cho nó dẫn thuốc nữa là tuyệt” – ông Y. tỏ rõ ngón nghề.

Cũng theo ông, những năm trước, vào Vườn quốc gia Xuân Sơn bắn được đầy khỉ, giờ thì thi thoảng mới bắn được. Tháng trước ông vừa nấu một nồi 6 con, 5 người chung nhau, mỗi người hơn chục triệu đồng. Khi đề cập đến các loại cao cấp hơn như cao gấu, hổ, ông bật mí: “Gấu chỉ có gấu khô thôi, lấy ở rừng Lào giáp Sơn La và khu Bình Phước giáp Campuchia ấy. Chủ yếu là gấu khô, nếu để tươi mà đi săn cả tháng thì hỏng hết… Vừa rồi, trên thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xuất hiện con gấu gần tạ nhưng không ai bắn được. Rừng bên Yên Lập (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng mới có người gọi tôi bảo là có đàn 50 – 70 con khỉ xuống ăn hết ngô của bà con, mình vào săn nhưng không gặp”.
Không chỉ chia sẻ về các đầu mối gom hàng, ông Y. còn bật mí nhiều mánh trong nghề luyện hổ cốt: “Xương hổ khác hẳn với các con khác, không dễ pha trộn, xếp theo bộ của nó không chệch được, khi nấu lên cô lại, váng bẩn phải vớt bỏ đi, như luộc thịt, nấu phải có nghệ thuật. Ngày xưa nấu một con chăn 20 kg, hợp đồng với chủ mỗi lạng cao thành phẩm mình lấy 50.000 đồng, bình thường chỉ được 2,5 kg cao nhưng mình nấu được 5 kg, có người nhà ngồi trông đó, họ dùng sắt 6 cài vào vung nồi để khóa rồi cầm chìa khóa và phân công nhau trông nhưng mình vẫn trộn các thứ khác vào được, nghệ thuật lắm”.

Hóa ra, bí quyết của Y. nằm ở việc trộn bột xương khi luyện cao: “Xương phải nghiền nhỏ cho vào túi, nếu không có xương nhỏ thì ra ngoài kiếm ít xương lợn về nghiền thành bột, khi nấu ở đâu thì mang theo, lúc cô cao hoặc khi người nhà sơ hở là mình trút vào nên lượng cao sẽ rất nhiều, khi đó cứ tính khối lượng mà lấy tiền”. “Để phân biệt cao xịn thì bình thường cao rất trong, không có cặn, còn cao cho bột xương sẽ có cặn. Ngày xưa nấu đủ các loại cao rồi. Không tin các chú lên mạng xã hội họ quảng cáo đầy, họ còn soi đèn cho mình xem nữa” – ông Y. chỉ mẹo phân biệt cao thật – giả.

Quả đúng vậy, chỉ dạo qua vài trang mạng là thấy hàng loạt các loại cao được rao bán. Trước đó, chúng tôi cũng đã kịp kết bạn với một facebook và zalo tên T.L., người này cập nhật thông tin liên tục trên trang cá nhân với những hình ảnh về hàng chục con hổ bị giết, lột da, róc thịt, phơi xương khô treo lủng lẳng như những chú lợn bị giết thịt trong lò mổ.

Và không dừng lại ở những hình ảnh ghê rợn, chủ tài khoản còn ngang nhiên quay video về những cảnh máu me, chặt chém hổ cùng nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm khác như gấu, tê tê…
Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm
Văn Hoàng
***
“Khai quật thế giới ngầm” buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam
BVR&MT – Vẫn bằng một vài thủ thuật dò hỏi “hàng” hiếm, nhóm phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử tiếp cận thêm một thương buôn nức tiếng ở TP.HCM và Long An trong nghề ngâm rượu động vật với các mặt hàng phổ biến như rượu rắn chúa, rượu mèo rừng và rượu hổ.
Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Dường như chỉ trực chờ khách hàng bấm máy, ngay khi bắt được mối, phía đầu dây bên kia đã thao thao bất tuyệt: “Anh yên tâm, loại gì em cũng chuyển đến tận nhà cho anh, hàng của bọn em toàn nước tốt (loại 1) và ở trong Sài Gòn hết… Nếu là mèo, em lấy anh 8 triệu cả bình, còn tiểu hổ thì 70 – 80 triệu, tay gấu 15 triệu/cái ngâm với cả hoa anh túc, thuốc phiện. Hàng cọp con em để ở Long An, còn tay gấu và mèo thì để ở nhà em. Cọp em còn duy nhất 1 con, mèo 1 con, tay gấu 2 cái, rắn chúa thì rất nhiều. Vào đây em mời anh nhậu hết các loại rượu luôn, từ cao hổ, sừng tê…, anh chỉ cần alô là em đánh thẳng xe ra sân bay đón anh…”.

Ông chủ tên T. có vẻ chăm sóc rất kỹ bạn hàng mới vì ngỡ vớ được khách “sộp”. T. giới thiệu tỉ mẩn các điểm cất giữ hàng tại Quận 6, TPHCM trước khi đưa nhóm xuống Long An. Tại TP.HCM, T. cho ngâm rất nhiều rắn hổ mang chúa có nguồn gốc từ Lào, Campuchia, phần lớn đều thịt sẵn rồi vận chuyển về.
Tỏ ý muốn kiếm hàng xịn hơn, nhóm được T. dẫn xuống khu vực ngâm hổ và mèo rừng. Lôi con mèo rừng và một con hổ con từ trong bình rượu ra, T. báo giá 88 triệu đồng một bình hổ con và 8 triệu đồng hũ mèo rừng.




Gặng hỏi về công dụng của các loại rượu được quảng cáo là “hảo hạng” này, T. không sao đưa ra được bằng chứng thuyết phục mà chỉ trả lời rất chung chung.
Hơn một giờ chạy xe xuống Long An, T. tiếp tục dẫn khách ghé thăm một điểm để hàng khác và tại đây, nhóm vô cùng bất ngờ khi chứng kiến nguyên một con hổ lớn được ngâm trong hũ rượu, T. cho biết loại hàng “khủng” này có giá tầm 2 tỷ.
Lấy cớ lo ngại khi vận chuyển để rút lui, T. quả quyết: “Yên tâm, em lo được hết” và cảnh báo thêm: “Hôm nay cũng có mấy đại gia ở Đồng Tháp lên xem hàng. Nếu các anh đồng ý thì em chuyển hàng luôn, không nhanh là em bán hết”.
Trước khi thâm nhập vào một mắt xích khác phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, nhóm phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Công an huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, một trong những đơn vị có nhiều thành tích phát hiện, bắt giữ đối tượng tàng trữ, vận chuyển động vật quý hiếm với số lượng lớn.





Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, Đại tá Lã Hồng Phúc, Trưởng Công an huyện Gia Viễn khẳng định: “Động vật hoang dã trái phép vẫn thường xuyên được tuồn vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Tuy nhiên, để bắt giữ được đối tượng thì phải trải qua quá trình trinh sát rất vất vả nhưng điều đáng ngại nhất có lẽ là khâu xử lý vi phạm còn quá nhẹ”.
Đại tá Lã Hồng Phúc, Trưởng Công an huyện Gia Viễn.
Cũng theo Đại tá Phúc, quy định pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm, việc xử lý các đối tượng có hành vi buôn bán động vật hoang dã như các cá thể hổ, gấu còn rất thấp. Đặc biệt, công tác đấu tranh với các tội phạm buôn bán động vật hoang dã phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và đặc biệt là quần chúng nhân dân thì mới có thể bóc gỡ được những đường dây, mắt xích. Thêm nữa, việc bảo quản, giám định và xử lý tang vật của vụ án cũng mất nhiều thời gian và tốn kém về tiền bạc. Chính những khó khăn cố hữu này đã khiến nhiều vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính thay vì xử lý hình sự.
Điều đáng lo ngại là nhu cầu và nguồn cung về động vật hoang dã cùng các sản phẩm, dẫn xuất từ chúng ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm cận Tết, rất nhiều mặt hàng cao khỉ, cao hổ, rượu hổ, sừng tê… được săn lùng làm quà biếu hoặc tẩm bổ, do đó, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam
Văn Hoàng
“Khai quật thế giới ngầm” buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam
BVR&MT – Việt Nam còn rất ít hổ trong tự nhiên, cả kể hổ nuôi nhốt trái phép cũng không nhiều, do đó các mặt hàng như hổ sống, hổ đông lạnh, cao hổ, móng hổ hay “tửu táng” chúa sơn lâm… đa phần đều có nguồn “nguyên liệu” từ các nước khác, đặc biệt là Lào.
Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm
Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao có thể vận chuyển nguyên cả một cá thể hổ nặng hàng tạ về Việt Nam mà không bị phát hiện? Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường chúng tôi cũng có thắc mắc tương tự và cuối cùng điều bí mật đã được bật mí. Lời kể của “đại gia” tên C. rành rọt, chi tiết tới mức tưởng chừng như chúng tôi đang tham gia vào một phi vụ mua bán, vận chuyển hổ trái phép qua biên giới Lào – Việt Nam. C. được xem là ông “trùm” trong nghề buôn bán cao hổ, thậm chí từng nhiều lần thuê người hoặc trực tiếp luyện hổ cốt và vận chuyển hổ từ Lào về Việt Nam.
Với kinh nghiệm nhà nghề, C. cho hay, hổ thường được vận chuyển từ các nước khác về Việt Nam qua đường bộ, đường tiểu ngạch qua biên giới, nếu hổ to quá, dân buôn sẽ cắt khúc, lọc thịt nhưng để nguyên da và xương, lòng ruột vứt hết, số da và xương đó sẽ được ướp đạm, ướp phoóc-môn vận chuyển sang Việt Nam tiêu thụ.

Để qua mặt được lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quan cửa khẩu, C. nhấn mạnh cần phải có mối quan hệ quen biết: “Chẳng có biên giới nước nào mà không có đường rừng cả, mình đi đường đó, nếu không mình đi đường chính, đi không được thì mình lại đút lót. Giờ họ ít đi đường rừng, chủ yếu là đường chính ngạch nhưng phải có quan hệ, biết được ca trực của người quen đó, giờ nào hàng về, hôm nào về, thậm chí hôm nay bảo về nhưng thực ra không về để đánh lạc hướng”.
“Ví dụ ngày xưa có người mua con hổ giá khoảng 1 tỉ nặng gần 2,5 tạ, người bán còn nhét được cả hòn đá 15kg vào bên trong bụng nó nữa. Để vận chuyển được, nó phải đi một cái xe 16 chỗ. Khi xe di chuyển thì thuê thêm 2 chiếc xe khác nữa giống hệt, ba cái xe giống nhau đi cách khoảng 1km, lại cùng biển số nên chẳng biết cái nào, tức là bắt được cái xe này thì xe kia chạy. Khi nhận hàng, chỉ cần bấm nút nâng hầm xe lên là bên dưới có hổ, chỗ đó 2 người nằm cũng vừa” – C. bật mí.
“Hàng” khi chuyển về Việt Nam trót lọt sẽ giao luôn cho khách đặt mua hoặc tự C. xẻ ra nấu cao. Một con hổ tầm 1,5 tạ, theo C. róc được 12% xương tươi tức khoảng 18 kg, số xương này luyện được 3 kg cao. Khi nấu, cho thêm cả xương mai rùa, xương khỉ, sơn dương, nhung hươu… và đặc biệt không được đi đông người, toàn bộ quy trình gói gọn trong 3 ngày.

Cũng theo C., nếu ở nước ngoài, để nấu được một nồi cao phải trốn vào rừng, còn ở Việt Nam thì đưa ra đảo hoặc trà trộn vào khu nhà chế biến thức ăn của một đơn vị đặc biệt (vì trong đấy được quyền mổ cả bò mà), sau khi róc thịt, lọc xương thì đập xương vụn ra để đỡ bị phát hiện, ai hỏi gì thì bảo đang nấu phở cho anh em, thế là khỏi xét nghiệm?!
Không chỉ thật thà chia sẻ các quái chiêu trong nghề luyện hổ cốt, C. còn tiết lộ giá nấu một nồi cao hổ tầm 50 triệu và sẵn sàng đi cả Lào, Mỹ để nấu nếu cần. Về nguồn hổ tươi, C. cho hay bên Lào có nhiều trang trại nuôi nhốt hổ, nơi thì đào hầm sâu nuôi hổ và bên trên có phủ lưới, nơi thì nuôi trong hẻm núi… Thậm chí, ở Lào còn có chợ của riêng người Việt chuyên bán các loại xương để phục vụ luyện cao.
Giáp Tết, các hoạt động buôn bán động vật hoang dã diễn ra sôi nổi, dưới nhiều hình thức che giấu tính vi nên việc phát hiện, xử lý các vi phạm này gặp không ít thách thức. Là người trực tiếp điều tra, bắt giữ một số vụ vi phạm gần đây, Thiếu tá Bùi Hồng Minh, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Viễn, Ninh Bình cho biết: “Khi có thông tin mật báo, chúng tôi phải kiểm tra, xác minh. Ví dụ như vụ vận chuyển bàn tay gấu từ Lào về, chúng tôi cũng phải giám sát, trinh sát theo để xem các đối tượng có chuyển xe, bỏ hàng, cất giấu hay thả hàng ở một địa điểm khác hay không. Khi đến địa bàn, chúng tôi lập tức bắt giữ.
![]() Thường thì các thủ đoạn che dấu của đối tượng rất tinh vi, đặc biệt là khi vận chuyển động vật hoang dã trái phép từ Lào về. Xe sẽ được thiết kế thêm các bộ phận giống như bình xăng, két nước mà nếu nhìn từ bên ngoài rất khó phát hiện. Đặc biệt, khi bị bắt giữ, các đối tượng đều khai nhận là mua của các chủ hàng không rõ tên tuổi, không nhớ chính xác địa chỉ ở đâu. Do đó, để bóc gỡ được các đường dây, phải giám sát rất kỹ và phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị cấp cục, bộ”. |
Kỳ 5: Tam Giác Vàng – “đại bản doanh” thú rừng giữa chợ Lào
Văn Hoàng
***
“Khai quật thế giới ngầm” buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam
BVR&MT – Hành trình hơn 2.000 cây số qua các tỉnh Hủa Phăn, U Đom Say, Luang Pra Băng, Phông Sa Lỳ, Luâng Nậm Thà, Xiêng Khoảng, Bò Kẹo của Lào đã giúp phóng viên Bảo vệ rừng và Môi trườngghi lại được những hình ảnh đầy chân thực, xót xa về tình trạng buôn bán thú rừng vô tội vạ tại mảnh đất vốn dĩ hiền hòa.
Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm
Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam qua lời kể của trùm cao hổ
Xuất phát từ Hà Nội qua cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách biên giới Việt Nam hơn 100 km, điểm đầu tiên mà nhóm phóng viên đặt chân là vùng đất Sầm Nưa. Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh người dân Lào vô tư buôn bán các loài thú rừng như hươu, nai, hoẵng, don, nhím, cầy, gà lôi… ngay tại các chợ trung tâm tỉnh, thậm chí chào hàng tại ven đường quốc lộ. Thú rừng được bày bán như lợn, gà, rau cỏ, bất cứ ai cũng có thể mua với số lượng bất kỳ.

Trước khi sang Lào, chúng tôi đã nhờ một số đầu mối quan trọng trong các kỳ trước liên hệ với một người tên Q. ở huyện Mộc Châu. Khi có mặt tại nhà Q., do đã được giới thiệu trước, Q. kể vanh vách về những chuyến hàng đông lạnh được chở từ Lào về Việt Nam rồi cách lách luật khi đi qua cửa khẩu ra sao, gặp cơ quan chức năng thì cần ứng phó như thế nào… Qua một vài câu chuyện “làm quà”, Q. đã đồng ý tháp tùng chúng tôi sang tận Lào và ngay lập tức bắt máy gọi điện cho các đầu mối bên kia biên giới chuẩn bị hàng để khách lựa.
Vốn qua lại biên giới hơn cả đi chợ nên đoàn “con buôn” do Q. dẫn đầu nhanh chóng được thông quan. Q. di chuyển giữa hai nước nhiều đến nỗi một, hai năm lại phải thay hộ chiếu một lần vì không còn chỗ để đóng dấu, thậm chí bố, mẹ, vợ, con của Q. cũng được các chiến sỹ biên phòng đọc vanh vách. Dọc đường, Q. liên tục gọi điện kiểm tra các mối hàng. “Hiện bên đó còn rất nhiều hoẵng, don, cầy…, muốn bao nhiêu cũng có, nếu cần số lượng nhiều chỉ cần alo trước vài hôm… Mấy năm trước, thú rừng bên Lào nhiều vô kể, có hẳn chợ ven đường bày bán la liệt nhưng mấy năm gần đây do bên Lào cũng cấm nên các chủ hàng lui về hoạt động bí mật hơn. Giờ muốn mua hàng phải vào trong các chợ trung tâm mới có, chỉ cần dò hỏi là họ lôi từ dưới gầm bán thịt lên cho xem ngay” – Q. mách nước.
Quả đúng vậy, mặc dù đến chợ Sầm Nưa lúc đã nhá nhem, sẩm tối, chợ cũng đã thưa người hơn nhưng chỉ sau vài câu chào hỏi bằng tiếng Lào, người bán hàng đã lấy ngay trong túi ra hai chiếc đùi hoẵng đặt lên bàn cân với lời quảng cáo: “Đây là thịt hoẵng vừa mới bắn được trong rừng, giá 60.000 kíp/kg (tương đương 150.000đ/kg). Nếu muốn mua thịt khác thì mai đến”.

Giữ lời với bà chủ hàng, 6h sáng hôm sau, nhóm đã có mặt. Chợ buổi sáng đông hơn hẳn, những phản thịt tấp nập người mua, từ đầu nai, đùi hoẵng, don, dúi, chuột, sóc, chim…, thôi thì đủ cả. Trước ống kính, hình ảnh những con thú nằm co quắp, trụi lông, mắt trợn, răng nhe như oán hận, tố cáo sự bạc ác của con người.

Rời Sầm Nưa, nhóm tiếp tục di chuyển đến huyện Phon Sa Vẳn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Ngay khi phát hiện khách xem hàng là người Việt, chủ sạp thịt tại cổng chợ vồn vã bắt chuyện và chào mời thịt thú rừng đang bày la liệt: “Hầu hết người Việt vào chợ này là mua thịt thú rừng, những ngày này gần Tết của người Việt nên đoán chắc là các anh vào đây mua thịt rừng về ăn Tết”. Đi sâu vào trong chợ, nhóm chứng kiến hàng loạt lồng sắt nhốt đầy dúi, thậm chí thú rừng ở đây được chở bằng cả ô tô đến bán. Hỏi han một vài chủ hàng khác, họ sẵn sàng lôi hoẵng, cầy nguyên con còn tươi và cả tải don, nhím, gà lôi trắng cho khách xem. Cũng tại khu chợ này, chim én và các loài chim màu sắc xanh, đỏ, vàng cũng chịu chung số phận, nhiều phụ nữ còn thản nhiên vặt lông chim giữa chợ và bán từng xô, chậu một. Tuy nhiên, khi nhóm thử tác nghiệp thì các chủ hàng đều phản ứng và chuyển thái độ theo kiểu rất đề phòng: “không bán nữa dù có trả giá cao”.
Cuộc hành trình càng lúc càng nặng nề, theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng bởi tới đâu, hình ảnh thú rừng cũng hiện lên đầy ám ảnh. Di chuyển tới Luông Pha Bang rồi qua U Đom Say đến tỉnh Bò Kẹo và dừng chân ở Tam Giác Vàng (nơi tiếp giáp giữa ba nước Thái Lan – Lào – Myanma), nơi đâu cũng nhan nhản thịt thú rừng, đặc biệt là tại khu Tam Giác Vàng, nơi được coi là “đại bản doanh” nuôi nhốt hổ ở Lào.
Tại đây có một khu nuôi nhốt hơn 20 con hổ, 28 cá thể gấu và nhiều động vật quý hiếm khác như chim công, khỉ, hoẵng…, khách du lịch vào xem miễn phí. Do khu vực này được người Trung Quốc thuê đất và đầu tư kinh tế nên hầu hết các nhà hàng của người Trung Quốc ở đây đều có bán thịt rùa, rắn và một số động vật khác mà họ giới thiệu là động vật rừng tự nhiên, thậm chí cả thịt hổ.


Tạm rời các “thủ phủ” động vật hoang dã ở Lào, chúng tôi trở về Việt Nam qua cửa khẩu Tây Trang, tỉnh Điện Biên nhưng trước đó nhóm có đi qua một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Phông Sa Lì của Lào. Tại đây, khi dừng chân ở quán ven đường và vờ hỏi thịt thú rừng, ngay lập tức người chủ cửa hàng mở hai tủ đông lạnh bên trong chứa hàng tạ thịt, trong đó có hoẵng nguyên con còn lông và hươu thì đã bị xẻ thịt, lột da và đóng đá, tất cả đều do người dân bản địa đi săn rồi đem bán.

Do biết khách từ Việt Nam sang nên chủ cửa hàng vồn vã: “Gần Tết, người Việt đi làm ở Lào về quê ăn Tết nhiều, họ thường ghé mua thú rừng nhiều lắm, chủ yếu họ ăn thịt, còn xương và chân các con này tôi bán cho người Trung Quốc để nấu cao”. Vừa nói, chủ cửa hàng vừa lấy trong tủ ra cặp chân hươu, chân hoẵng còn gỉ máu, thậm chí mời khách mua cả… tim hươu.
Chỉ bằng một vài nghiệp vụ điều tra đơn giản và cách dò hỏi thông tin thông thường, chúng tôi đã tiếp cận được rất nhiều tụ điểm buôn bán động vật hoang dã, cả ở Việt Nam và Lào. Điều đáng buồn là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng dường như vẫn còn khá khiêm tốn so với sự gia tăng mạnh mẽ của loại hình tội phạm đa dạng và phức tạp này.
Kỳ 6: Xử lý tội phạm động vật hoang dã: Luật đã gỡ nhưng thực thi còn bí
Văn Hoàng
***
“Khai quật” thế giới ngầm buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam
BVR&MT – Từ ngày 01/01/2018, Bộ Luật hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, bắt đầu có hiệu lực pháp luật. Trong đó, các quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã (ĐVHD) được quy định chặt chẽ hơn, hình phạt tiền và tù đều tăng, khung hình phạt tối đa lên tới 15 tỷ đồng và 15 năm tù giam.
Kỳ 1: Lần theo đường dây cao hổ cốt từ kho đầu lâu, sừng cảnh “khủng” nhất Hà Nội
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Kỳ 3: Ghé hang ổ chuyên “tửu táng” chúa sơn lâm
Kỳ 4: Hành trình vận chuyển “ông ba mươi” từ Lào về Việt Nam qua lời kể của trùm cao hổ
Kỳ 5: “Đại bản doanh” thú rừng giữa chợ Lào
Thắt chặt quy định về tội phạm ĐVHD
Nhận định chung của các chuyên gia cho rằng quy định của Việt Nam về tội phạm ĐVHD ngày càng được thắt chặt. Tội phạm ĐVHD “xuất hiện” trong BLHS đầu tiên của Việt Nam năm 1985, lúc này được quy định chung chung trong tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng với hành vi săn bắt trái phép chim, thú. Khung phạt cao nhất là ba năm tù.

Đến BLHS 1999, lần đầu tiên thuật ngữ “động vật hoang dã” được luật hóa. Mức phạt tiền cao được nâng lên 50 triệu đồng và phạt tù lên tới 7 năm. Lúc này, Luật mới chỉ điều chỉnh bốn hành vi săn bắt, giết, vận chuyển và buôn bán trái phép ĐVHD và chỉ điều chỉnh nhóm ĐVHD quý hiếm bị Nhà nước cấm buôn bán và các sản phẩm của chúng, chưa điều chỉnh các loài hoang dã ngoài danh mục cấm.
Năm 2009, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung đã điều chỉnh tăng mức xử phạt hành chính vi phạm về buôn bán ĐVHD gấp 10 lần, đồng thời bổ sung tội danh “nuôi nhốt” trái phép ĐVHD. Những thay đổi tích cực này cho thấy BLHS đã bám sát ở thực tiễn về quản lý ĐVHD. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, quy định vẫn chưa đủ mạnh và đủ rộng trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Công ước CITES từ năm 2004. Phạm vi điều chỉnh của BLHS 2009 vẫn chỉ giới hạn trong các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong nước, chưa bao gồm các loài không có ở Việt Nam được buôn bán xuyên quốc gia hay các loài hoang dã khác. Hành vi “tàng trữ” ĐVHD, mặc dù rất phổ biến, vẫn chưa bị xử lý.
TS. Lương Ngọc Trâm, Thẩm phán TAND Tối cao cho biết trong 3 năm qua, việc xét xử tội phạm về ĐVHD đã nóng dần lên. Năm 2015, TAND tối cao xét xử 36 vụ. Con số tương ứng của năm 2016, 2017 là 84 và 87. Trong đó, tội phạm buôn lậu qua biên giới về ngà voi, sừng tê với số lượng ngày càng lớn, trước dây nếu tính bằng kilogam, nay có vụ đến cả tấn, thậm chí container. |
Dấu mốc 2017
BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã khắc phục được những hạn chế nói trên với việc đưa vào hai điều 234 và 244, tách riêng hai nhóm tội phạm về ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và nhóm ĐVHD khác. Một số chuyên gia tư pháp đánh giá là đây là Luật “cấp tiến” nhất từ trước tới nay về xử lý tội phạm ĐVHD. Phạm vi điều chỉnh đã được mở rộng và cơ bản đã bao trùm được toàn bộ vi phạm liên quan đến ĐVHD. Các quy định trong BLHS mới đã chính thức mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả các loài ĐVHD trong Công ước CITES.
Theo luật mới, cả mức phạt tiền và án phạt đều tăng mạnh, phạt tiền tối đa 15 tỉ đồng đối với pháp nhân và án phạt cao nhất 15 năm tù đối với cá nhân – tăng hơn hai lần so với BLHS trước đó. Trong bối cảnh BLHS 2015 mang tư tưởng nhân đạo và được xây dựng theo hướng giảm nhẹ nhiều hình phạt, nhiều tội danh bỏ hình phạt tử hình thì tội phạm liên quan đến ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm lại tiếp tục tăng nặng khung hình phạt. Điều này cho thấy Việt Nam thực thi cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế trong công tác đấu tranh chống tội phạm về ĐVHD.
Triển khai khó khăn
Mặc dù luật mới đã có nhiều cải cách so với trước, song các chuyên gia cho rằng việc xử lý hình sự tội phạm ĐHVD sẽ vẫn chưa hết gian nan vì phần lớn vướng mắc đã tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay chưa thể giải quyết bởi BLHS mới.
Ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội và là một trong những thành viên trực tiếp xây dựng nội dung về tội phạm ĐVHD trong BLHS 2015 (sửa đổi 2017), song ông vẫn còn nhiều băn khoăn. Theo ông, việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vi phạm quản lý ĐVHD vẫn cần tiếp tục nghiên cứu. Luật cũng đã quy định xử lý cả hành vi “tàng trữ” nhưng chưa có hướng xử lý đối với các hiện vật đã được “tàng trữ” từ trước khi luật có hiệu lực và cũng chưa có cách để xác định được việc “tàng trữ” diễn ra trước hay sau khi có luật.
Ông Phạm Quý Tỵ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội cho biết trước khi xây dựng BLHS 2015, ông đã cùng đoàn kiểm tra liên ngành gặp gỡ các cơ quan chức năng như kiểm lâm, hải quan, công an, TAND và Viện kiếm sát của 6 tỉnh thành trao đổi về vướng mắc trong xử lý tội phạm ĐVHD. Nhìn chung, vi phạm về quản lý ĐVHD rất phổ biến tại các tỉnh song tỉ lệ xử lý được không cao, lại chủ yếu là xử phạt hành chính.
Xử lý hành chính vẫn là chính
Ông Tỵ cho biết có địa phương xử 35 vụ vi phạm về ĐHVD thì có tới 34 vụ xử lý hành chính. Xử lý hình sự là cực kỳ khó khăn. Việc định giá tang vật vi phạm hiện còn rất vướng. Thông tư liên tịch số 19/2007 quy định sản phẩm từ ĐVHD quý hiếm bị buôn bán vận chuyển trái phép đã qua chế biến, chế tác (như sừng tê, ngà voi…) sẽ bị xử lý như hàng cấm, song hàng cấm thì không thể định giá, vì vậy những vụ việc gắn với tang vật này hầu như không thể xử lý hình sự.
Trên thực tế, các cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp có xu hướng muốn áp dụng xử phạt hành chính thay vì khởi tố vi phạm về ĐVHD và điều này cũng đã được thẳng thắn nhìn nhận tại Tọa đàm về thúc đẩy thực thi pháp luật về ĐVHD ngày 30/1/2018 do Change tổ chức tại Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng sở dĩ các cơ quan “né” hình sự hóa các vụ việc một phần do lúng túng khi phải đối mặt với quy trình chặt chẽ về giám định và bảo quản tang vật. Chưa kể, đối tượng bị bắt trong hầu hết các vụ việc không phải là chủ hàng, họ chỉ là những người nghèo được thuê vận chuyển hoặc mang vác hàng.
Ông Tỵ cho rằng danh mục các loài quý hiếm được ưu tiên bảo vệ giữa các nghị định 32/2006/NĐ-CP và 160/2013/NĐ-CP vẫn còn vênh nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng xử phạt. Đến thời điểm 01/01/2018 khi BLHS mới có hiệu lực, những lỗ hổng này vẫn chưa được giải quyết.
Có thể sẽ xây dựng án lệ
TS. Lương Ngọc Trâm – Thẩm phán TAND Tối cao cho biết mặc dù các cơ quan đã nỗ lực xây dựng luật ngày càng hoàn thiện, song thực tế vi phạm về ĐVHD vẫn không ngừng nảy sinh những tình huống ngoài luật.
Vụ việc trộm trứng Vích ở Côn Đảo xảy ra năm 2017 là một dẫn dụ. Đây là lần đầu tiên một vụ án buôn bán trứng rùa biển được đưa ra xét xử. Tòa đã tuyên án 3 bị cáo, trong đó có 2 án cải tạo không giam giữ và 1 án phạt 50 triệu đồng. Bà Trâm nhấn mạnh vụ việc thể hiện sư quyết tâm xử lý của cơ quan chức năng để làm điển hình vì trong luật “trứng” của ĐVHD không được quy định, cũng rất khó xác định “trứng” có phải là “sản phẩm” hoặc “bộ phận không thể tách rời sự sống” của động vật hay không.
Tương tự, trong các phiên tòa hiện nay vẫn còn những tranh cãi kiểu như “sừng tê, ngà voi, vảy tê tê” có phải là bộ phận không thể tách rời của các vật chủ hay không, nếu mất chúng, các cá thể có thể sống sót hay không… Bà Trâm cho biết trong thời gian tới TAND tối cao sẽ nghiên cứu các vụ án xét xử tại địa phương, phối hợp với Viện kiểm sát cùng các cơ quan điều tra, các tòa án tại địa phương thảo luận cụ thể xem xét xây dựng một số án lệ.
Nguyễn Thương