Chấm dứt tình trạng tảo hôn: hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình

  • Chấm dứt tình trạng tảo hôn: hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình
  • Bài phát biểu của bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tại Hội thảo Quốc gia về Tảo hôn

***

Chấm dứt tình trạng tảo hôn: hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình

Hội thảo quốc gia thảo luận về các cơ hội, khoảng trống và thách thức về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam. Photo: UN Viet Nam\2016\Tung Tin Pui Timothy

UN – Hà Nội ngày 25/10/2016 – Tảo hôn là vi phạm quyền con người. Mặc dù các quốc gia đã có hệ thống luật pháp giúp giải quyến vấn đề này nhưng thực tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở rất nhiều nơi, mà nguyên nhân chính là do nghèo đói và bất bình đẳng giới.

Giải quyết tình trạng tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế-xã hội cho cộng đồng và quốc gia. Đây là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn, do Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA, UNICEF, UN Women), phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế và Ủy ban Dân tộc miền núi.

Hiện nay trên toàn thế giới, có hơn 700 triệu phụ nữ kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 người – khoảng 250 triệu – kết hôn trước tuổi 15. Tảo hôn ảnh hưởng trầm trọng tới cuộc sống và sức khỏe của các em gái, làm mất đi các cơ hội và cản trở tương lai của các em, bao gồm nghề nghiệp mà các em mong muốn, cũng như gây ảnh hưởng sâu sắc tới gia đình của các em.

Trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18 thường phải bỏ học và có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình. So với phụ nữ sinh con ở độ tuổi trên 20 thì các bà mẹ trẻ em có nhiều nguy cơ tử vong do những biến chứng thai sản và trong quá trình sinh con. Con cái của các bà mẹ trẻ con thường bị chết lưu hoặc chết trong những tháng đầu đời. Những biến chứng thai sản này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bà mẹ trẻ con ở các quốc gia đang phát triển.

Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giải quyết tình trạng tảo hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn 2015-2025.

Luật Hôn nhân và Gia đình Qui định: nam nữ kết hôn khi Nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi. Nhưng ở nhiều địa phương đặc biệt là những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cha mẹ và họ tộc vẫn cho phép trẻ em gái được kết hôn trước tuổi 18. Kết quả từ cuộc Điều tra Đánh giá các Mục tiêu Trẻ em và Phụ nữ ở Việt Nam (MICS) năm 2014 cho thấy tỷ lệ phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi kết hôn hoặc sống chung là 10,3 phần trăm vào năm 2014. Khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Mê Kông và Tây nguyên là những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Theo số liệu từ hệ thống số liệu hành chính, ở một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn hơn 50 phần trăm. Trong số các khu vực dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 33 phần trăm, tiếp theo là người Thái 23 phần trăm.

Tảo hôn ảnh hưởng tới cả trẻ em trai nhưng tỷ lệ thấp hơn tảo hôn đối với trẻ em gái. Tình trạng tảo hôn liên quan tới tình trạng kinh tế-xã hội còn thấp kém, các tỉnh, thành có chỉ số phát triển con người cao thường có tỷ lệ tảo hôn thấp.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Trương Thị Mai, uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban dân vận Trung ương chỉ đạo “Xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam, để làm được điều này chính phủ cần tham vấn với các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự. Trong đó chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, có các can thiệp cho trẻ em gái nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng của các em, khuyến khích tạo điều kiện để các em được đi học trung học chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm. Song song với các biện pháp mang tính chất phòng ngừa như: truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân”.

Việc thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2015, bao gồm mục tiêu về chấm dứt tảo hôn vào năm 2030 là một cơ hội tuyệt vời giúp các trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới xây dựng tương lai của mình.

Thay mặt cho Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA phát biểu “Liên Hợp Quốc sẽ cộng tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình và điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về kinh tế và xã hội. Với sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và quốc gia, cùng với việc trẻ em gái được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, trẻ em gái có thể phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh, góp phần mang lại tương lai mà thế giới chúng ta mong muốn”.

Để giải quyết tình trạng tảo hôn, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn ở tất cả các cấp. Điều này đòi hỏi tất cả các Bộ, ban ngành ở tất cả các cấp, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc cùng hành động để chấm dứt tình trạng tảo hôn. Tất cả mọi người cần phải chung tay giúp mang lại ước mơ, hoài bão cho trẻ em.

Thông tin liên quan:

Để có thêm thông tin xin liên hệ:

  • Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh, Truyền thông Liên Hợp Quốc, Mob: 0913 093363, Email: tnguyen@unfpa.org

***

 UN

Ngày: 25/10/2016

Địa điểm: Khách sạn Melia, Hà Nội

  •  Kính thưa bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương;
  • Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội;
  • Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế;
  • Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng/ Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc;
  • Kính thưa các đại diện từ các bộ, ngành chính phủ, các tổ chức xã hội và các viện nghiên cứu; các cơ quan đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; các đồng nghiệp Liên hợp quốc và đại diện các cơ quan truyền thông;
  • Trước tin, tôi xin gửi tới toàn thể các quý vị lời chào trân trọng nhất!

Thay mặt cho Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam (Quỹ Dân số LHQ, Quỹ Nhi đồng LHQ và Cơ quan Phụ nữ LHQ), tôi xin bày tỏ niềm vinh dự có mặt trong hội thảo quốc gia lần đầu tiên về chủ đề tảo hôn để thảo luận về các cơ hội, những khoảng trống và những thách thức trong việc chấm dứt hiện tượng tảo hôn tại Việt Nam. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp tổ chức sự kiện quan trọng này.

Ngày 11 tháng 10 năm nay – ngày Quốc tế Trẻ em gái – với chủ đề ” Các tiến bộ của trẻ em gái chính là các tiến bộ hướng tới những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs): Phong trào Thu thập và Phân tích dữ liệu toàn cầu về trẻ em gái ” là một lời kêu gọi hành động nhằm tăng cường đầu tư cho công tác thu thập và phân tích số liệu tập trung vào trẻ em gái, liên quan tới trẻ em gái và có phân tách giới.

Hội thảo của chúng ta được tổ chức vào đúng thời điểm tròn một năm sau khi công bố Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tăng cường công tác thu thập và phân tích số liệu về trẻ em gái cũng như giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển của trẻ em gái đóng vai trò hết sức quan trọng giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Việc phê chuẩn các Mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm mục tiêu xóa bỏ tảo hôn, sẽ đem lại cho chúng ta một cơ hội mang tính lịch sử – đó chính là cơ hội giúp trẻ em gái có một tương lai tốt đẹp hơn.

Thưa toàn thể các quý vị,

Năm nay, hơn 60 triệu trẻ em gái 10 tuổi trên toàn thế giới sẽ bắt đầu giai đoạn bước vào tuổi vị thành niên. Đáng buồn thay, hàng triệu trong số các em sẽ bị ràng buộc với các trách nhiệm của những người trưởng thành bất chấp việc các em có được thông báo và được hỏi ý kiến hay không.

Mỗi ngày, gần 48.000 trẻ em gái, trong đó nhiều em mới có 10 tuổi, bị ép buộc hôn nhân.

Mỗi ngày, hơn 20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con.

Các cô dâu trẻ em mà bỏ lỡ các cơ hội về giáo dục sẽ rất dễ bị bạo lực thể xác và tình dục, cũng như sinh con trước khi các em thật sự có chuẩn bị về mặt thể chất hoặc tinh thần. Chu kỳ bạo lực bắt đầu từ giai đoạn các em còn là trẻ con, sẽ tiếp tục kéo dài sang giai đoạn phụ nữ và cứ thế lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thưa toàn thể quý vị,

Chính phủ Việt Nam đã ban hành luật và chính sách để giải quyết tình trạng tảo hôn, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Trẻ em (2016) và Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn 2015-2025. Tuy nhiên, ở cấp độ cộng đồng, các chuẩn mực truyền thống và phong tục vẫn cho phép nữ giới dưới 18 tuổi kết hôn nếu có sự đồng ý của cha mẹ và đây được coi là một yếu tố liên quan tới văn hóa địa phương.

Tảo hôn rất đa dạng và thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, và chính chúng ta vẫn còn những suy nghĩ mặc định về hiện tượng này. Vì thế, chúng ta cần phải chắc chắn rằng chúng ta có số liệu. Ở Việt Nam, kết quả từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15-19 đã kết hôn là 10,3% vào năm 2014. Tuy nhiên, tảo hôn không chỉ xảy ra trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Bằng chứng cho thấy tỷ lệ tảo hôn cũng cao ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Theo hệ thống dữ liệu hành chính của Việt Nam, ở một số xã, tỷ lệ tảo hôn là trên 50%. Trong số các cộng đồng dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (33%), tiếp theo là người Thái (23%).

Tảo hôn cũng ảnh hưởng đến trẻ em trai nhưng ở mức thấp hơn so với trẻ em gái. Tảo hôn liên quan chặt chẽ đến các cấp độ phát triển kinh tế-xã hội thấp. Các tỉnh có Chỉ số Phát triển con người cao hơn thì thường có tỷ lệ tảo hôn thấp hơn.

Ở những nơi thường xảy ra tảo hôn thì hiện tượng này được coi như là một chuẩn mực xã hội. Kết hôn với nữ giới dưới 18 tuổi bắt nguồn từ và làm trầm trọng thêm hiện tượng phân biệt giới tính, dẫn tới việc sinh con sớm, sinh nhiều con và ưu tiên cơ hội giáo dục cho trẻ em trai hơn là trẻ em gái. Tảo hôn được coi là một cách thức để kiểm soát vấn đề tình dục và mang thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là đối với trẻ em gái. Tảo hôn cũng là một cách thức để tồn tại về mặt kinh tế khi các gia đình gả chồng cho con gái thì sẽ sớm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Thưa toàn thể quý vị,

Trong bối cảnh này, tôi muốn làm nổi bật một số thông điệp chính cho cuộc thảo luận của chúng ta.

Thứ nhất, bình đẳng giới đã được đặt ở trung tâm của các Mục tiêu phát triển bền vững vì các. Mục tiêu về Bình đẳng giới không chỉ được xây dựng là một mục tiêu riêng (mục tiêu 5), mà còn được lồng ghép trong các mục tiêu khác. Điều này có nghĩa là đầu tư vào bình đẳng giới cần phải được ưu tiên trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp và phát triển nông thôn đến y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng. Tất cả các cơ quan chính phủ cần phải đảm bảo rằng việc lập kế hoạch, ra quyết định, xây dựng chính sách, lên ngân sách và công tác giám sát của họ phải phản ánh nhu cầu của phụ nữ và nam giới và đảm bảo lợi ích cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Thứ hai, tảo hôn không thể giải quyết được mà không trao quyền cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những trẻ em gái. Trao quyền ở đây bao gồm việc cải thiện tiếp cận thông tin và cơ hội để tiếp tục đi học, xây dựng kỹ năng sống cho các em, cung cấp không gian an toàn để các em có thể học, chơi và kết bạn, cung cấp thông tin và dịch vụ về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, phòng chống và HIV, cải thiện sinh kế và phúc lợi xã hội cho các em. Điều này bao gồm cả phòng ngừa và ứng phó. Chúng ta cần phải đảm bảo rằng các em gái đã kết hôn cũng có nhiều lựa chọn và cơ hội. Vì thế, việc bảo đảm tất cả thanh niên, vị thành niên có những lựa chọn về tương lai của chính mình là một điều vô cùng quan trọng.

Thứ ba, cũng cần thay đổi suy nghĩ và thái độ của người dân, bao gồm cha mẹ, người lớn tuổi, những lãnh đạo tôn giáo và những bên liên quan khác về những rủi ro và hậu quả của tảo hôn; cần thúc đẩy các quyền của trẻ em gái, và tìm ra các giải pháp tập thể, do cộng đồng làm chủ nhằm ngăn cản và tiến tới chấm dứt nạn tảo hôn.

Thứ tư, việc giải quyết bất bình đẳng và phân biệt đối xử đòi hỏi phải tiến xa hơn nữa so với mức trung bình. Để làm như vậy, chúng ta cần phân tách dữ liệu tốt hơn, cần hiểu biết hơn về tác động của các hình thức phân biệt đối xử về quyền của các nhóm phụ nữ khác nhau, cũng như cần những hành động thích hợp hơn thông qua pháp luật, chính sách, chương trình và những thay đổi trong các chuẩn mực xã hội và định kiến giới. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép giới trong các khung luật pháp và chính sách về quyền của các đồng bào dân tộc thiểu số và ngược lại, cũng như sự thừa nhận các hoàn cảnh đặc biệt của phụ nữ dân tộc thiểu số trong chính sách, pháp luật.

Thưa qúy vị,

Giải quyết tình trạng tảo hôn là một phần quan trọng trong công việc của Liên Hợp Quốc để duy trì bình đẳng giới và quyền của trẻ em, vị thành niên và thanh niên. Chúng tôi hỗ trợ giúp thiết lập các mối quan hệ đối tác và các hoạt động vận động chính sách để nâng cao nhận thức về tảo hôn, bao gồm các nguyên nhân và hậu quả của tình trạng này. Chúng tôi cũng làm việc với chính phủ và các đối tác ở tất cả các cấp để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, pháp luật và đối thoại nhằm đề cao nhân phẩm và quyền của các trẻ em gái đã kết hôn cũng như các trẻ em gái chưa kết hôn. Và bằng cách tạo ra dữ liệu và xây dựng các cơ sở bằng chứng, chúng tôi cung cấp thông tin cho các chính sách và chương trình của chính phủ, dựa trên nhu cầu và tình trạng thực tế của trẻ em gái và những người trẻ tuổi nhằm ngăn ngừa và ứng phó với những rủi ro của hiện tượng tảo hôn.

Tảo hôn là một vấn đề phức tạp – không có một can thiệp duy nhất nào có thể giải quyết được vấn đề, mà đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận đa ngành, đa bên. Quy mô của vấn đề đòi hỏi tất cả chúng ta – chính phủ, các đối tác phát triển quốc tế, Liên Hợp Quốc, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng cùng nhau hành động. Tất cả chúng ta cần phải chung tay để trả lại cho trẻ em sự lựa chọn, giấc mơ, tương lai và tuổi thơ.

Xin cảm ơn sự chú ý của quý vị và tôi rất mong chúng ta sẽ có những phiên thảo luận hiệu quả. Cuối cùng, xin chúc toàn thể quý vị sức khỏe và hạnh phúc.

 

Advertisement

1 bình luận về “Chấm dứt tình trạng tảo hôn: hướng tới một thế giới mà mỗi trẻ em gái đều có thể đạt được ước mơ của mình

  1. Hi cả nhà,

    Em gửi cả nhà một clip liên quan ạ.

    Hy vọng 13 năm sau, chúng ta đạt nhiều thành tựu trong mục tiêu Phát triển bền vững này – mục tiêu 5: Bình đẳng giới.

    Em Hương

    ***

    10 tuổi: Thế giới của chúng ta phụ thuộc vào trẻ em gái ở độ tuổi quyết định này như thế nào.

    Xuất bản 21 thg 10, 2016

    Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2016 của UNFPA, với tiêu đề “10 tuổi: Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào trẻ em gái ở độ tuổi này như thế nào” cho thấy tương lai của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta đầu tư và hỗ trợ cho 60 triệu trẻ em gái 10 tuổi hiện nay như thế nào. 10 tuổi là cột mốc hết sức quan trọng đối với trẻ em gái bởi đây là thời kỳ các em bắt đầu bước vào tuổi dậy thì và sẽ trở thành người phụ nữ trưởng thành vào năm 2030 – thời hạn mà chúng ta phải đạt được Các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững.

    Video này chia sẻ 10 câu chuyện của 10 bé gái 10 tuổi trên khắp thế giới về ước mơ và hoài bão trong tương lai. Video do UNFPA tại Việt Nam sản xuất nhân dịp công bố Báo cáo Tình trạng dân số thế giới 2016.

    English

    10: How our future depends on a girl at this decisive age

    UNFPA flagship State of World Population 2016 ‘10: How our future depends on a girl at this decisive age’ shows how our shared future will be shaped by how we support the world’s 60 million 10-year-old girls today, and as they move to adolescence and on to adulthood throughout the era of the 2030 Global Goals for Sustainable Development. This video features ten stories of ten 10-year-old girls in the world about their wishes and dreams for the future. The video is produced by UNFPA in Viet Nam for the launch of the report in Viet Nam.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s