Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”? – 5 bài

  • Bài 1: “Đạo” ra đời từ giấc chiêm bao
  • Bài 2: Fulro – bóng ma quá khứ
  • Bài 3: Nỗi buồn mang tên “Vàng Chứ”
  • Bài 4: Hoạt động tôn giáo cũng trang bị vũ khí
  • Bài 5: Hiểu đúng luật pháp về quyền tự do tôn giáo

Người dân TPHCM đón chào năm mới. Ảnh: VIỆT DŨNG

***

Bài 1: “Đạo” ra đời từ giấc chiêm bao

SGGP – Chủ nhật, 16/09/2012, 23:46 (GMT+7)

LTS: Năm 2009 – 2011, ở nước ta xuất hiện một vài “đạo lạ”, như “đạo Hà Mòn”, “đạo Vàng Chứ” với lời tuyên truyền hoang đường: vay nợ ngân hàng chỉ cần đọc kinh nhiều là tự nhiên được xóa nợ, bệnh không cần uống thuốc đọc kinh sẽ khỏi… (?!).

Không dừng ở hoạt động mê tín dị đoan mà những kẻ giấu mặt còn lợi dụng tự do trong sinh hoạt tôn giáo để gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng, sử dụng vũ trang để thực hiện mưu đồ chính trị phản động với sự tiếp tay của những thế lực xấu từ bên ngoài.

Trung tâm Phân tích chính sách công (Center for Public Policy Analysis), một tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở ở Mỹ, dù không hề đặt chân đến Mường Nhé nhưng vẫn tung tin bịa đặt: có hơn 1.000 người Mông bị chính quyền bắt trong vụ Mường Nhé (?!). Đại diện Tổ chức NGO ở Mỹ cũng tung tin hàng trăm người dân tộc ở Tây Nguyên bị bắt vì “sinh hoạt tôn giáo”?! Ý đồ của họ là gì?

Loạt bài: Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ” sẽ lý giải câu hỏi này.


“Ai theo Đức Mẹ thì sẽ được xóa hết nợ ngân hàng, không phải sản xuất vất vả mà vẫn có ăn, có cuộc sống tự do”, “Ai ốm đau, bệnh tật đến với Đức Mẹ thì sẽ khỏi bệnh”… Dưới sự hấp dẫn của những lời rỉ tai, tuyên truyền như trên, không ít người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng xấu lôi kéo đi theo “đạo Hà Mòn”.

  • Linh thiêng từ nóc nhà

Y Gyin – còn có tên gọi khác là Y Ên, SN 1942, người dân tộc Bana Rơ Ngao – vốn là thầy mo sống ở làng Kơtu, xã Hơ Moong (thường gọi là Hà Mòn), huyện Đắc Hà, nay phân chia lại địa giới xã này nhập vào huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Năm 1999, sau một đêm ngủ dậy, bà Y Gyin cho gọi A Tách, A H’yum, Y Kách, A Níp, A Kuen (con trai của Y Gyin) đến để kể lại rằng bà ta đã mơ thấy Đức Mẹ hiển linh hiện trên mái nhà mình; đồng thời nói: “Đức Mẹ chọn ta là người đi truyền “Sứ điệp Đức Mẹ Maria” đến người dân tộc thiểu số”.

Từ đó bà Y Gyin tự cho mình là “trưởng đạo” của cái gọi là “đạo” dành riêng cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Do “đạo” được lập ra từ bà Y Gyin tại xã Hơ Moong (Hà Mòn) nên cũng thường được gọi là “đạo Hà Mòn”.

Vì tự nghĩ ra “đạo” nên bà Y Gyin tự cho mình quyền được đặt ra các “giáo luật” kỳ quái buộc người “theo đạo” phải nghe theo, nếu không sẽ bị “Đức Mẹ” phạt: trong gia đình nếu chồng hoặc vợ theo “đạo Hà Mòn” mà người kia không theo thì phải bỏ nhau; người theo đạo không được uống rượu, không sinh hoạt cồng chiêng, không tập trung đến nhà rông (thế là nhiều ghè rượu đẹp được lưu truyền trong gia tộc nhiều đời bị người theo “đạo” của bà Y Gyin đập nát, những bộ chiêng bị xếp vào xó nhà và không ai ra sinh hoạt cồng chiêng nữa).

Bà Y Gyin quy định, người theo “đạo Hà Mòn” không được tiếp xúc với người lạ, không đi học chữ, lấy nhau không cần làm đám cưới và không đăng ký kết hôn; không tham gia các sinh hoạt, hoạt động do chính quyền, đoàn thể tổ chức và không được nhận sự giúp đỡ của chính quyền.

Bà Y Gyin còn tuyên truyền những điều ma mị: theo “đạo Hà Mòn” thì không làm cũng có ăn, bị bệnh không uống thuốc vẫn khỏi, thiếu nợ ngân hàng, nợ của nhà nước chỉ cần đọc nhiều kinh cầu nguyện sẽ được xóa nợ và ai đọc kinh càng nhiều thì sẽ được Đức Mẹ đón lên thiên đàng sớm”.

Nhiều người dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk do đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế nên tin theo giọng điệu hão huyền, ma mị rỉ tai ấy, rời bỏ đạo Thiên Chúa để theo “đạo Hà Mòn”. Tự nhận là “tôn giáo riêng” của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nhưng “đạo Hà Mòn” không có nghi lễ, giáo lý riêng của mình. Nội dung, tài liệu tuyên truyền của “đạo” này thực chất là sao chép giáo lý, giáo luật, kinh thánh của đạo Thiên Chúa.

Để làm ra vẻ có sự khác biệt cho “đạo Hà Mòn”, bà Y Gyin tự soạn cái gọi là “Sứ điệp Đức Mẹ Maria” và “Thông điệp Đức Mẹ hiện hình” với lời lẽ hoang đường, xa lạ với giáo lý chính thống Thiên Chúa giáo. Trong thư mục vụ số 29/VT/10/Tgmkt ngày 11-2-2010 của Giám mục Hoàng Đức Oanh gửi tu sĩ và giáo dân trong giáo phận Kon Tum nêu rõ: Nội dung sứ điệp sao chép chỗ này chỗ khác, không thống nhất, lộn xộn, có nhiều điều sai trái với giáo huấn của Hội thánh.

Buôn Kon H’ring thuộc xã Êa H’Ding huyện Cư M’Gar tỉnh Đắk Lắk có 315 hộ, 100% theo Thiên Chúa giáo, nhưng từ khi có “đạo Hà Mòn” xâm nhập, một số gia đình tự nhiên trở nên sinh hoạt rất “bí mật”. 3 – 4 giờ sáng có những người lầm lũi đi trong ánh đèn pin nhập nhoạng đến điểm hẹn để tập trung đọc kinh. Đọc xong loạt kinh của “đạo Hà Mòn” mất gần 2 giờ, một số người lại ra nhà thờ giáo xứ Quảng Nhiêu đọc kinh tiếp.

Trao đổi với chúng tôi về sự xuất hiện của cái gọi là “đạo Hà Mòn” tại giáo xứ của mình quản nhiệm, linh mục Nguyễn Sơn, quản nhiệm giáo xứ Quảng Nhiêu ở huyện Cư M’gar cho biết:

“Có nhiều người tuy theo “đạo” này nhưng vẫn đến nhà thờ rước lễ, nhìn là tôi có thể đoán được những ai đang theo “đạo Hà Mòn”. Gương mặt của họ mệt mỏi vì đọc kinh thâu đêm suốt sáng. Không lo lao động chỉ lo tập trung đọc kinh thì làm gì có sức khỏe mà làm việc, nên cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn hơn. Gọi là “đạo riêng” thì phải có giáo luật, giáo lý và kinh thánh riêng nhưng “đạo Hà Mòn” thì không có gì riêng”.

  • Niềm tin mù quáng

Những người theo “đạo Hà Mòn” đều chưa một lần được chứng kiến sự hiển linh của Đức Mẹ mà chỉ nghe qua lời kể của bà Y Gyin và những người “truyền đạo” của Gyin để rồi từ đó không lo làm ăn, bỏ bê gia đình chỉ lo tụ tập để đọc kinh.

Cái làng nhỏ ven bờ sông Sa Thầy – nôi của cái “đạo” này – vốn đã nghèo ngày càng xơ xác hơn. Những người theo “đạo Hà Mòn”, ngày nào cũng thế, từ sớm, đã lang thang khắp rừng để hái hoa, kết thành chuỗi rồi mang đến bờ sông Sa Thầy cầu nguyện, bỏ mặc lũ con nhỏ tự xoay xở tìm cái ăn từ rừng.

Những ngày 10, 20, 30 hàng tháng họ tập trung đọc lâu gấp đôi thời gian đọc kinh hàng ngày. Những ngày lũ về, nước dâng cao liếm mép váy họ cũng kệ, cứ ngồi im mà cầu nguyện, chờ đợi sự hiển linh mơ hồ nào đó.

Vợ chồng Pe Luông và nụ cười ngày trở về đời thường của gia đình họ. Ảnh: P. TH.

Ở cách xa làng Hơ Moong, nhưng A Kép, 30 tuổi, thường gọi là Pe Luông, sống tại buôn Kon H’Ring, xã Êa H’Ding huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk “được” chính bà Y Gyin chọn làm người “truyền giáo” khi bà ta đến buôn Kon H’Ding “giảng đạo”. Đây là người thân cận nhất của bà Y Gyin tại Đắk Lắk.

Chúng tôi đến nhà Pe Luông nhằm lúc trời chuyển mưa. Sấm sét đùng đoàng, vợ Pe Luông giật mình thon thót, tái mặt, ôm ngực ngồi thụp xuống nền nhà, thở dốc. “Mấy tháng nay cái tim mình đau nhiều hơn, hay ngất đi lắm. Nghe lời Y Gyin cả nhà mình đọc kinh nhiều hơn người ta mà bệnh không giảm lại cứ nặng thêm mãi. Uống nước thánh nhiều rồi đấy mà bệnh chỉ nặng hơn thôi”, vợ Pe Luông than vãn giọng mệt nhọc và xin phép đi nằm.

Với trái tim đập loạn nhịp thế mà hết ngày này qua tháng nọ vợ Pe Luông không được nghỉ ngơi mà phải ngồi tập trung mỗi ngày ngồi 3 – 4 giờ để đọc kinh, hỏi sao không kiệt sức?!

Pe Luông nhìn vợ nằm thở dốc, cúi mặt thở dài, nói: “Mình đang nhờ cán bộ y tế giới thiệu vợ mình lên nhà thương tỉnh chữa bệnh tim đấy. Mình thấy sai rồi, mình đã đến xin lỗi cha Sơn (linh mục quản xứ) rồi, xin lỗi già làng rồi. Mình cũng nói trong cuộc họp làng mới đây là mọi người đừng theo “đạo của Y Gyin” nữa, Y Gyin lừa dối dân mình đấy. Đừng tin Y Gyin, đừng tin những gì tôi đã nói về “đạo Hà Mòn” nữa”.

Con đường đất đỏ mùa mưa trơn nhẫy như thoa mỡ khiến chúng tôi đi bộ đến nhà A Duich ở cuối làng rất khó khăn. Căn nhà to giữa khu vườn xác xơ vì “ông ấy bỏ nhà đi theo người ta sang Kon Rẫy ở mà”, vợ A Duich nói giọng hờn dỗi.

A Duich, 53 tuổi, vốn là đội trưởng đội công nhân của Lâm trường cao su Cư M’Gar, là đại biểu HĐND xã Êa H’Ding, ngồi thu lu trong cái ghế gỗ to, lí nhí kể:

“Mình “bị” A Tách “chọn” làm người “truyền giáo” vì nó muốn mượn cái “sự uy tín” của mình để lôi kéo nhiều người bỏ đạo Thiên Chúa đi theo “đạo Hà Mòn”. A Tách và A H’yum bảo mình bỏ nhà sang Kon Rẫy ở tập trung để cầu nguyện cho “hiệu quả” hơn (?!). Mình nghe lời nó bỏ nhà cửa, nương rẫy đi sang làm rẫy tốt cho người ta. A Tách bảo ai đóng tiền nhiều thì được “Đức Mẹ” rước lên thiên đàng nhanh hơn, được khỏe mạnh nhiều hơn, mình tin lời, bảo vợ bán lúa, bán bò gửi tiền sang Kon Rẫy để nộp cho A Tách. Mình dại quá, mất hết rồi. Bây giờ mình buồn lắm”.

A Duich còn một cô em gái cũng bỏ nhà đi sang Kon Tum theo đám A Tách nay chưa trở về. Hỏi mãi vợ A Duich mới thì thầm với tôi: “Cô ấy nghe A Tách nói K’sor Kok sẽ cho người về đón người hoạt động theo “đạo Hà Mòn” “tích cực” sang Mỹ, nên nó cứ trốn mãi trong rừng để đợi đi Mỹ đấy”.

Phạm Thục – Ái Chân – Xuân Sơn

***

Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”?

Bài 2: Fulro – bóng ma quá khứ

SGGP –  Thứ ba, 18/09/2012, 00:08 (GMT+7)

Không dừng lại ở hoạt động mê tín dị đoan, đẩy đời sống những người đi theo vào cảnh khó khăn, những kẻ tuyên truyền, lôi kéo người dân theo “đạo Hà Mòn” ngày càng bộc lộ việc cố ý lợi dụng tôn giáo để gây rối trật tự công cộng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp lực lượng, chuẩn bị lực lượng vũ trang phục vụ cho mưu đồ chính trị phản động của chúng.

Nụ cười hạnh phúc của A Ríu (thứ hai từ phải sang) sau khi ký giấy nhận nhà đất được cấp mới từ chính quyền xã Hơ Moong. Ảnh: Thúy Thúy

Đất nào cũng thiêng

Khi công trình thủy điện Plei Krông (ở Kon Tum) được xây dựng, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, Nhà nước tổ chức di dời các hộ dân nằm trong vùng ngập của lòng hồ thủy điện thuộc xã Hơ Moong (đọc là Hà Mòn), huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum về khu vực tái định cư (nay thuộc huyện Sa Thầy), tỉnh Kon Tum. Mỗi hộ dân di dời được cấp một nền đất thổ cư diện tích 1.000m2, bên trên có căn nhà cấp 4 diện tích 60m2 trị giá khoảng 140 triệu đồng và 1ha đất liền kề để trồng cao su. Phần lớn những hộ trong diện di dời là người theo “đạo Hà Mòn”.

Lợi dụng lòng tin vào sự hiển linh của Đức Mẹ, những đối tượng cầm đầu “đạo Hà Mòn” đã liên kết với K’sor Kok chống lại chủ trương này bằng cách dựng lên chuyện “Đức Mẹ hiện hình” và phán rằng “khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông là đất thiêng, người dân không được dời chỗ ở đi nơi khác”. Sợ “Đức Mẹ” trừng phạt, những người theo “đạo Hà Mòn” làm chòi tạm sống lỳ bên bờ sông Sa Thầy, nhất quyết không hợp tác với chính quyền địa phương.

Cơn bão số 9 (năm 2009) đổ bộ vào tàn phá xóm nhà tạm của những hộ theo “đạo Hà Mòn”, kéo đổ nhiều nhà và trôi cả người. Trong cơn nguy ngặt ấy, chính quyền tỉnh đã có mặt hỗ trợ thực phẩm, áo chăn và khẩn trương di dời bà con theo “đạo Hà Mòn” sống bên bờ con sông đến nơi an toàn. Dù hoàn cảnh của nhiều hộ theo “đạo Hà Mòn” khi ấy rất khó khăn, nhưng vì ngại A Tách, A H’yum, những người cầm đầu “đạo” này theo dõi, nên họ không dám nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

A Ríu, vốn là giáo phu của giáo họ xã H’Moong sau khi theo “đạo Hà Mòn” một thời gian đã thấy mình lầm lẫn nhưng ngại không dám quay về với đạo Thiên Chúa. Suốt mấy năm qua, A Ríu rất buồn khi thấy đời sống gia đình ngày càng cực khổ nên khi được Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, ông Hà Ban, đến thăm và nói chuyện thân tình đã mạnh dạn bỏ “đạo Hà Mòn”.

A Ríu kể: “Bí thư Tỉnh ủy Hà Ban có đến thăm, nói chuyện về chủ trương định canh định cư cho bà con dân tộc, không phân biệt là ai lỡ theo “đạo Hà Mòn” đâu. Ông tặng quà cho dân và nói chuyện có tình thương lắm”.

Chúng tôi đến thăm nhà A Ríu đúng lúc ông nhận giấy thông báo được cấp nhà mới và khu đất rộng đã cày ải từ tay Chủ tịch UBND xã. Không chỉ nhà A Ríu mà còn mấy chục hộ từng theo “đạo Hà Mòn” cũng đang rất vui với một tương lai mới đang mở ra cho họ ở khu nhà ngói đỏ trên sườn đồi cao.

Bóng ma quá khứ

Nói đến K’sor Kok lại nhớ năm 2001 và vụ bạo loạn của y và tổ chức phản động Fulro tại Tây Nguyên. Với giọng điệu bịp bợm “Người dân tộc thiểu số (DTTS) phải có nhà nước riêng cho người DTTS”, Kok đã lôi kéo nhiều người DTTS tách khỏi đạo Tin lành chính thống để thành lập cái gọi là “đạo Tin lành Đề Ga” là đạo dành riêng cho người DTTS. Và Kok đã lên kế hoạch chống phá Nhà nước Việt Nam bằng chiêu bài đòi “tự do tôn giáo” cho “đạo Tin lành Đề Ga”.

Từ năm 2001 – 2004, để lôi kéo người DTTS biểu tình, đập phá các cơ quan công quyền, K’sor Kok đều nói: “Đây là lần biểu tình cuối cùng của người DTTS cho quốc tế quay phim, chụp hình đưa ra thế giới để họ ủng hộ chúng ta”. Thế nhưng lần nào chúng cũng thất bại ê chề.

Ông Runh: “Tôi bị Fulro lừa rồi”.

Âm mưu phá hoại của chúng lần nào cũng bị đập vỡ. Rất cay cú, nhưng K’sor Kok không chịu bỏ cuộc. Từ trời xa, ngóng tin biết chính quyền Kon Tum vận động số người DTTS sống gần lòng hồ Plei Krông di chuyển lên cao ở để tránh bị nước cuốn trôi, K’sor Kok đã chỉ đạo cho K’sor Ni (em ruột K’sor Kok, người cầm đầu trong đợt biểu tình đập phá nhiều công trình công cộng năm 2001 và 2004 tại Gia Lai) phải tiếp cận ngay A Tách, A H’yum – là những kẻ thân tín của Y Gyin – và dùng “đạo Hà Mòn” làm bình phong tổ chức các hoạt động gây rối tại Tây Nguyên.

Nhận tiền của Kok, A Tách chọn ngay Runh, Byưk và Jơnh (người làng Krot Kret, xã H’Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) làm đầu mối lôi kéo dân các làng Krot Kret, Bơ Chắc tham gia “đạo Hà Mòn” để tạo lá chắn cho bọn fulro lén lút về hoạt động. Để có nơi trú ẩn cho “người của ông Kok” về “hoạt động” tại xã H’ra, A Tách chỉ đạo cho Runh, Byưk đào 3 căn hầm trú ẩn bí mật – 2 cái ở bìa làng Krot Kret và 1 cái ở làng Bơ Chắc.

Để “bảo vệ lãnh đạo fulro”, canh gác hầm bí mật và báo động khi công an vào làng, Runh, Byưk, Jơnh đã giao cho Thin, Vung… lôi kéo số thanh niên có tính khí hung hăng vào rừng để huấn luyện võ thuật, bắn cung và trang bị nhiều hung khí để thành lập “đội tự vệ”. Và cái gọi là “đội tự vệ” này đã từng phong tỏa, ngăn chặn con đường độc đạo ra vào làng, gây rối và hành hung gây thương tích một số người “chống lại ý muốn” của chúng.

Âm mưu đằng sau “đạo Hà Mòn”

Sau khi nghe A Tách khuyến dụ, K’sor Ni (em ruột Kok đang sống lưu vong tại Mỹ), Runh lôi kéo thêm A Nức, A Săch, Đinh Hrôn tham gia tổ chức phản động fulro theo chỉ đạo của A Tách. K’sor Ni từ Mỹ gọi điện thoại chỉ đạo Runh tập trung dân làng lại để “Tổng thống K’sor Kok từ Mỹ nói chuyện với dân xã H’Ra”.

Đúng hẹn, Runh, Jơnh, Byưk tập trung dân làng Krot Kret, K’Dung 1, Bơ Chắc lại ở góc sân làng, mở điện thoại di động qua loa phóng thanh, ép bà con nghe bọn Kok từ Mỹ xúi giục chống lại nhà nước để thành lập “nhà nước của người DTTS ở Tây Nguyên” và đòi tự do tôn giáo cho cái gọi là “đạo Hà Mòn”. Kok hứa sẽ giúp thêm tiền để tổ chức phản động Fulro tại Tây Nguyên “hoạt động chiến đấu lâu dài”(?!).

Tại cơ quan điều tra, Runh đã khai: “Tôi nhận chỉ đạo từ A Tách, A Hyum để lôi kéo nhiều người tham gia vào tổ chức fulro mới, tuyên truyền cho nhiều người là Nhà nước của DTTS Tây Nguyên do ông K’sor Kok về làm tổng thống sắp thành công, kêu gọi bà con đóng góp tiền của, lương thực để tiếp tế cho số người của tổ chức phản động Fulro lẩn trốn trong rừng, dùng tiền nhận từ Mỹ về để mua nhiều hung khí và nuôi lực lượng chiến đấu lâu dài”.

Thế là rõ. K’sor Kok từ nơi “xứ cờ hoa” xa xôi kia vẫn núp sau cái áo “tự do tôn giáo” để chống phá Nhà nước Việt Nam nhằm đạt đến một điều hư ảo “thành lập nhà nước riêng của DTTS tại Tây Nguyên”.

Chúng tôi thăm nhà K’sor Nhơk, em ruột của K’sor Kok (tại buôn Broắi, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa, Gia Lai) cuối tháng 6 vừa qua, khi ông đang chuẩn bị thức ăn để cùng con trai đi sang Đắk Lắk làm cao su. Đón khách vào căn nhà sàn to, rộng bằng gỗ rất chắc chắn, K’sor Nhơk khoe: “Nhà mới làm đấy, nhờ tiền bán mủ cao su đó”.

Vợ chồng K’sor Nhơk ở nhà.

Nghe chúng tôi nói: “K’sor Kok thông tin là sắp về Tây Nguyên làm tổng thống của nhà nước Đề Ga đấy”, K’sor Nhơk nói ngay:

“Kok nói bậy đó. Có mẹ già không chăm nuôi, mẹ chết không về thăm. Nhà mẹ hư dột chính quyền sửa giúp, mẹ chết chính quyền cũng giúp lo đám tang cho đấy. Mình không công nhận Kok làm tổng thống đâu.

Ở bên Mỹ mà cứ nhìn về Việt Nam để kêu gọi người dân tộc trốn vào rừng sống chui nhủi, đói khát là không tốt rồi. Kok làm khổ người dân tộc nhiều quá rồi. Mình thấy Nhà nước này giúp người dân tộc nhiều, ngay nhà mẹ mình cũng được nhà nước giúp đỡ.

Người dân tộc cũng là người Việt Nam mà, Kok đừng chống lại Việt Nam nữa. Lúc trước Kok kêu gọi bỏ đạo Tin lành cũ để theo “Tin lành Đề Ga” tập trung đi biểu tình đòi nhà nước riêng, đòi tự do thờ Chúa riêng của người DTTS. Nghe giải thích mình thấy sai rồi, Chúa chỉ có một, làm gì có “Chúa riêng” của người DTTS đâu. Cứ nghĩ đến việc Kok làm là mình buồn cái bụng rồi”.

Bài 3: Nỗi buồn mang tên “Vàng Chứ”

Phạm Thục – Ái Chân – Xuân Sơn

***

Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”? – Bài 3: Nỗi buồn mang tên “Vàng Chứ”

SGGP – Thứ tư, 19/09/2012, 00:04 (GMT+7)

Chúng tôi đến đây khi người dân ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đang vào vụ lúa mới. Ngoài khu đồi xơ xác vì sức tàn phá của mấy ngàn người Mông theo “đạo Vàng Chứ” tập trung ăn ở bất hợp pháp hồi đầu tháng 5-2011 để “đón vua Mông” và chờ “Vàng Chứ hiển linh” thì Huổi Khon hôm nay không còn hình ảnh nào chứng tỏ đã từng có sự chộn rộn ở đây.

Thế nhưng trong tâm tưởng của những người Mông theo “đạo Vàng Chứ” vẫn còn mang trong lòng nỗi đau âm ỉ mang tên “Vàng Chứ” và nỗi buồn đắng lòng “vì sao người Mông mà đi lừa người Mông”.

  • “Đạo Vàng Chứ” là đạo gì?

Phải leo vòng quanh hết một ngọn đồi to chúng tôi mới lên đến đỉnh đồi nơi những người theo “đạo Vàng Chứ” đã tập trung. “Đạo Vàng Chứ” là đạo gì mà khiến người Mông phải rời bỏ nhà cửa, từ bỏ cuộc sống bình yên để tụ tập, sống đói khổ ở Huổi Khon?

Ông Lý A Hãm, ở bản Huổi Hóc, người phụ trách nhân sự trong Ban chấp sự nhóm đạo Tin Lành (hệ phái Tin Lành miền Bắc) xã Nậm Kè (bản Huổi Hóc có 108 hộ và 100% người Mông theo đạo Tin Lành) đã kể với chúng tôi, giọng còn bực bội:

“Mấy người ở nơi xa đó lợi dụng đức tin của người Mông vào Đức Chúa Trời để làm điều bậy bạ. Làm gì có cái vương quốc Mông nào ở trên cái đất hợp pháp của người ta đang làm nương ấy chứ?”.

Mường Nhé, mùa lúa mới. Ảnh: PHẠM THỤC

Chiều 1-5-2011, thấy nhiều người trong bản Huổi Hóc, bản Cây Sặc ùn ùn bỏ nhà, mở cửa cho heo, gà chạy lung tung rồi kéo nhau đi lên Huổi Khon, trong đó có cả gia đình của con gái chạy lúp xúp trong đám người ấy, Lý A Hãm chặn con gái hỏi mới biết Giàng A Dê và Giàng A Súa người trong bản bảo mọi người đi nhanh lên Huổi Khon đón “vua Mông” và “Vàng Chứ” về sẽ được chia nhiều đất mới, cho tiền vàng, trâu bò…

Nghe thế, Lý A Hãm chạy theo gọi to: “Đừng đi, mình bị lừa đấy, mọi người về nhà đi. Chúa Trời không hiện ra ở nơi bậy bạ đó đâu, không có vua nào của người Mông về đấy đâu mà. Đừng đi, mình bị lừa rồi”.

Theo ông Lý A Hãm, cái gọi là “đạo Vàng Chứ” chính là đạo Tin Lành diễn giải theo cách của người Mông, nhưng pha trộn trong đó nhiều điều ma mị, mê tín như: Ai theo “đạo Vàng Chứ” chỉ cần siêng đọc kinh thì không cần làm cũng có ăn ngày 3 bữa, ốm đau chỉ cần uống nước suối là khỏi bệnh, nợ vay ngân hàng tự động sẽ được xóa trắng sổ.

Ông Hãm thở dài: “Những người ấy đọc kinh Thánh mà không hiểu ý Đức Chúa Trời dạy – tin Chúa phải sống cho tốt đời, đẹp đạo. Tại sao lại nghe lời người xấu “dùng Chúa” để chống lại Nhà nước.

Người Mông cũng là người Việt Nam mà, Nhà nước giúp người Mông mình có trường học, giúp lúa giống, giúp làm nhà cứng (nhà xây bằng xi măng), sao lại đi tin lời mấy người Mông sống rất xa ở bên ngoài nước mình, không giúp gì cho người Mông mình chỉ nói chuyện bậy bạ”.

Ông Hãm kể, nhiều người nghe lời bọn xấu bỏ nhà lên Huổi Khon khi trở về bị trộm khiêng đồ đạc, xe cộ đi mất “ngồi gào khóc gọi “Vàng Chứ” mãi mà xe cộ, trâu, gà đâu có quay về, bây giờ thì nghèo đói rồi, khổ rồi”.

  • Theo “đạo Vàng Chứ” vẫn chết

Ông Sùng A Kỷ, trưởng bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé chỉ khu đồi trống xơ xác bày tỏ sự khó chịu trong lòng bằng những câu chuyện kể về bọn thằng Vàng A Ía, Sùng A Mình: “Chúng lôi kéo người Mông từ Đắk Lắk, Đắk Nông, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… ùn ùn kéo đến phá nương lấy hết bắp, khoai của bà con ăn, chặt cây lồ ô làm lán trại, ăn nằm la liệt”.

Ông Sùng A Kỷ kể: “Giàng A Sì, người bản Huổi Khon, trước đó nhận tiền của một số người Mông từ nước ngoài để mua xăng dầu, lương thực, cất giấu chờ Vàng A Ía “mang vua Mông” đến.

Bọn Ía chiếm nhiều nhà dân và chọn nhà chị Sùng Thị Sua để làm “trụ sở”. Chúng trồng một cái cây cao trước nhà chị Sua, treo cái loa sắt to để đọc kinh, tuyên truyền về “vua Mông” từ trên trời “đi xuống đất bằng một đám mây đen”, “Vàng Chứ” sẽ cho cơm ăn, trâu bò, tiền bạc…”.

Tiếng đọc kinh lào xào trên cái loa sắt cũ cứ xì xì xẹt xẹt trộn với tiếng đọc kinh đủ tông giọng của hàng ngàn người ngồi tràn hai khu đồi xen lẫn tiếng khóc la của mấy trăm đứa trẻ khiến khu đồi trống ấy suốt mấy ngày cứ như cái chợ vỡ.

Sau ba bốn ngày sống tập trung trên đồi trống, ngoài bọn cầm đầu vẫn có cơm ăn, số người còn lại đã phải ăn măng và rau rừng để sống qua ngày. Khu đồi nhỏ đông nghẹt người. Đám trẻ con đói khát, có đứa sốt cao, đau bụng khóc gào inh trời.

Nhiều người đến “trụ sở” của “đạo Vàng Chứ” xin lương thực và thuốc cho con nhỏ, nhưng Vàng A Ía và những người tự xưng “trưởng đạo” lên loa sắt bảo mọi người “cứ cầu nguyện nhiều vào, “Vàng Chứ” sẽ làm cho no cái bụng và hết cái bệnh ngay mà”.

Sùng Thị Sua và trưởng bản Huổi Khon Sùng A Kỷ kể chuyện ngày ấy ở Huổi Khon.

Một phụ nữ đói lả, sốt cao khi chuyển dạ sắp sinh nhưng chúng không cho đưa ra trạm xá cấp cứu mà bảo “vợ chồng cứ đọc kinh “Vàng Chứ” sẽ cho đẻ được tốt thôi mà”. Nằm tơ hơ trên đồi lộng gió, môi trường ô nhiễm lại không ai biết đỡ đẻ nên đứa trẻ vừa chào đời trên cái đồi ở Huổi Khon đã chết ngay trên tay bố mẹ. Đến nước này thì hai kẻ cầm đầu Vàng A Ía, Thào A Lù và các “trưởng đạo” đều trốn biệt.

Bộ mặt lừa đảo của bọn Vàng A Ía đã lộ rõ – theo “đạo Vàng Chứ” bệnh vẫn chết, đọc kinh vẫn không thể “no cái bụng” và cũng chẳng có “vua Mông” nào xuất hiện để cho dân Mông tiền Mỹ hay trâu bò gì cả.

Khu đồi nhỏ như một cái chợ vỡ bởi tiếng khóc nát lòng của những đứa trẻ đói, khát, tiêu chảy và tiếng lao nhao đòi về nhà của những phụ nữ. Nhóm tự xưng là “lực lượng tự vệ” mặt hằm hằm chặn con dốc độc đạo xuống đường, rút dao dài, gậy to ra hăm dọa: “Ai đi ra khỏi cái ba e (barier) này là phản lại “Vàng Chứ”, phản “vua Mông”, làm phản là đập chết không tha!”.

Chúng còn lên loa sắt phao tin “sắp có đại hồng thủy, mưa đá cục to như cái nồi, sẽ có lũ lụt, lở núi, ai theo “Vàng Chứ” sẽ được chắp cho đôi cánh để bay lên trời, không theo thì nước lũ sẽ cuốn trôi, đá đè, núi lở sẽ vùi chết”. Vốn nhẹ dạ cả tin lại thiếu hiểu biết về hiện tượng thiên nhiên, nên nghe thế những người đang bị nhốt trong khu đồi Huổi Khon sợ hãi, không dám trốn về nữa.

Trong khi những người ở trong đồi không ra được thì người ở ngoài bị lừa phỉnh vẫn ùn ùn kéo lên Huổi Khon. Thào A Tùng, 25 tuổi, người bản Trạm Búng kể:

“Giàng A Pó bảo người Mông phải lên Huổi Khon để đón “vua Mông”, có mặt sẽ được “vua” chia nhiều đất, cho nhiều tiền nên mình tin mang vợ, con 3 tuổi cùng nhiều người nữa đi theo thằng A Pó lên Huổi Khon. Chờ mãi không thấy “vua Mông”, hết gạo, ngô để ăn, con mình đói bụng khóc quá nên bệnh luôn. Sợ lắm rồi”.

Có lẽ chưa bao giờ những người Mông ở trên khu đồi nhỏ ấy lại thấy sự có mặt của chính quyền và lực lượng chức năng là cần thiết và quý giá đối với cuộc sống họ như thế. Chính quyền, các lực lượng chức năng và bác sĩ đã cứu kịp thời hàng trăm trẻ sốt mê man vì nhiễm khuẩn và mấy trăm cháu nhỏ đói khát lịm người nằm thoi thóp chờ chết.

Chị Sùng A Sua kể với chúng tôi: “Mấy ngày ấy ở đây sợ lắm, con nít khóc nhiều ghê lắm, nhiều đứa nằm im như chết vì đói. May mà bộ đội, công an “nó” mang gạo, thuốc đến cứu kịp không thì có nhiều đứa trẻ con chết vì đói rồi. Nghĩ lại vẫn còn sợ lắm”.

Từ 30-4 đến 6-5-2011 tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã có hàng ngàn người dân tộc Mông nghe theo kẻ xấu, đến tụ tập dựng lán trại để cầu nguyện, đón “vua Mông” với mục đích thành lập “Vương quốc Mông”. Lợi dụng lòng tin vào Đức Chúa trời của người Mông để kéo họ gia nhập cái gọi là “đạo Vàng Chứ” và Vàng A Ía câu kết với Thào A Lù đã kêu gọi người dân tộc Mông theo “đạo Vàng Chứ” tập hợp lại ở Huổi Khon để chiếm đất “lập nhà nước Mông”.


>> Bài 4: Hoạt động tôn giáo cũng trang bị vũ khí 

Phạm Thục – Trần Lưu – S.Thanh

***

Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”?

Bài 4: Hoạt động tôn giáo cũng trang bị vũ khí

SGGP – Thứ năm, 20/09/2012, 01:52 (GMT+7)

Việc bắn chết ông Páo, đánh bị thương ông Chừ vì không theo “đạo Vàng Chứ”, tổ chức đưa hàng ngàn người lên chiếm giữ Huổi Khon nhiều ngày liền của Vàng A Ía và đồng bọn, nếu không gọi là khủng bố thì phải gọi hành vi ấy là gì mới phải?

Không gọi là khủng bố thì gọi là gì?

Đối tượng Lều A Lâu mua vũ khí quân dụng trái phép để tham gia cùng bọn Vàng A Ía. Ảnh: T.L.

Vàng A Ía (sinh sống ở Lào Cai) và được cho là người có mối quan hệ thân thiết với Vàng Pao đã nhận lệnh, tiền bạc trực tiếp từ số người Mông sống lưu vong tại Mỹ.

Không chỉ chuyển tiền, tài liệu phản động mà thông qua các đài phát thanh đặt ở nước ngoài có tên Mộ Thể, Mông Lào và một chương trình nói tiếng Mông trong RFA do bọn Giống A Khá, Mùa Chá Sang, Sùng Dì Phình (tên gọi khác là Dia Phình), những tay chân cũ của Vàng Pao đang sống lưu vong ở Mỹ thực hiện. Mục đích của chúng là thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền tại Mường Nhé, cướp đất của dân để thành lập cái gọi là “nhà nước Mông”.

Nói đến Vàng Pao, người ta nhớ ngay đến trùm phỉ Lào từng chiếm cứ vùng tam giác vàng làm nơi sản xuất, buôn bán ma túy và là căn cứ địa để đánh nhau với quân Chính phủ Lào. Vàng Pao được Mỹ phong thiếu tướng, sau năm 1975, Vàng Pao trốn sang Mỹ và sống lưu vong tại đây. Dù bị đánh đuổi chạy khỏi Lào nhưng Vàng Pao vẫn ấp ủ giấc mộng – xây dựng “Vương quốc Mông” đặt tại Long Chẹn và y sẽ làm vua!

Tháng 6-2011, Vàng Pao chết tại nhà khi đang tại ngoại chờ xét xử tội “âm mưu lật đổ Chính phủ Lào và tổ chức khủng bố”. Giấc mộng hão huyền của Vàng Pao sụp đổ, nhưng những tay chân thân cận của Pao đã mang “bản sao giấc mơ làm vua Mông” về Việt Nam thực hiện. Để che đậy cho âm mưu gây rối trật tự xã hội, chiếm đất bất hợp pháp, gây thù hằn giữa các dân tộc, với sự “hà hơi tiếp sức” của tay chân Vàng Pao, bọn Vàng A Ía đã dùng “đạo Vàng Chứ” mà chúng lập ra làm bình phong để hoạt động chống phá chính quyền VN.

Không chỉ nghe lời những kẻ từ trời xa kêu gọi người Mông di dân, chiếm đất bất hợp pháp, Vàng A Ía còn giao cho Vàng A Chư (xã Nà Bủng) và Sùng A Mình (bản Huổi Khon), Lý A Dế (ở Mường Chà) đi chọn những thanh niên lêu lổng, lười lao động nhưng lại thích rượu thịt để lập cái gọi là “đội bảo vệ”, mở rộng hoạt động cho “đạo Vàng Chứ” và bảo vệ “vua Mông”.

Không chỉ tàng trữ bất hợp pháp hàng chục súng AK, CKC, đạn dược, dao mác, cung tên mà Lý Trùng Tủa, Lý A Dế còn đưa số thanh niên tập hợp được sang Poong Kẹo (Lào) để huấn luyện võ thuật, bắn súng nhằm thực hiện ý đồ “lật đổ chính quyền” ở Mường Nhé. Cái gọi là “đội bảo vệ” ấy đã thực hiện nhiều vụ thanh toán đẫm máu đối với những người không chịu theo “đạo Vàng Chứ”.

Tháng 7-2010, Vàng A Chư (người xã Nà Bủng) đến nhà cụ Giàng Sè Páo, 91 tuổi, là bố đẻ của ông Giàng A Vừ, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bủng lôi kéo cụ tham gia vào “đạo Vàng Chứ”.

Chúng định dùng uy tín của cụ Páo và chức vụ chính quyền của ông Giàng A Vừ phục vụ cho âm mưu bịp bợm của cái gọi là “đạo Vàng Chứ”. “Theo “đạo Vàng Chứ” không được gì mà chỉ thấy khổ. Chỉ có Nhà nước Việt Nam mới giúp được người Mông ta thoát khỏi đói nghèo thôi”, cụ Páo từ chối.

Tức tối vì cụ Páo không chỉ từ chối “theo đạo”, lại còn khuyên giải nhiều người “đừng tin những điều “trưởng đạo Vàng Chứ” nói, không có thật đâu mà”. Biết thế, Vàng A Chư cùng vài tên đàn em đến nhà cụ Páo “hỏi tội” và bắn chết cụ Páo. Xong việc, y bỏ trốn sang bên kia biên giới.

Ông Sùng A Chừ là chú của đối tượng Sùng A Mình (ở bản Huổi Khon) cũng không chịu theo “đạo Vàng Chứ” vì “ theo cái đạo ấy cứ phải tập trung đọc kinh mỗi ngày, bỏ bê mùa màng lại phải đóng góp “kinh phí” cho “trưởng đạo” nữa”.

“Bất kể là ai, hễ chống đối và không chịu theo đạo Vàng Chứ sẽ bị trừng phạt”, Sùng A Mình nói Vàng A Ía dặn thế. Lần này thì chính Sùng A Mình và đồng bọn đã đến “hỏi tội chú” và đánh ông Chừ bị thương rất nặng. Công an tỉnh Điện Biên đã thu giữ hàng chục súng và nhiều đạn dược do nhóm đối tượng Vàng A Ía mua bán và tàng trữ trái phép.

Một trong số những vũ khí của “đội vũ trang” trong tổ chức phản động của Vàng A Ía.

Âm mưu ẩn sau “đạo Vàng Chứ”

Thật ra cái gọi là “đạo Vàng Chứ” đã rục rịch len vào đời sống người Mông từ năm 2009. Nhưng khi ấy chỉ là chuyện bà con người Mông tập trung thành nhóm đọc Kinh thánh của đạo Tin Lành nên chính quyền không can thiệp.

Sau đó, hàng trăm hộ người Mông từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lào Cai, Lai Châu theo lời kêu gọi của các “trưởng đạo Vàng Chứ” đã bí mật di dân đến ở tít trong sâu các khu núi cao ở Mường Nhé. Họ không những đến Mường Nhé để tham gia “đạo Vàng Chứ” mà họ còn chiếm cứ bất hợp pháp nhiều vùng nương, đất đã có chủ, gây ra nhiều cuộc tranh chấp nảy lửa với người Hà Nhì, Thái, Mông đang sống ổn định ở đó bao năm qua.

Dựa vào mong ước có nhiều đất tốt làm nương,  bọn Ía đã tuyên truyền rằng: “Chỉ cần tập hợp lên Huổi Khon đón “vua Mông” đến sẽ chia đất đai tốt thật nhiều cho “người Mông chúng ta”, “Vàng Chứ” sẽ cho ta nhiều trâu lợn, cơm gạo…”.

* Tháng 3-2012, 8 đối tượng tham gia tích cực vào tổ chức phản động của Vàng A Ía gồm: Giàng A Sì, Vàng Seo Phừ, Mùa A Thắng, Thào A Khay, Cháng A Dơ, Lều A Lâu, Cư A Báo đã bị TAND tỉnh Điện Biên xét xử công khai.

Tại tòa, 8 bị cáo đã khai nhận có tham gia vào tổ chức của Vàng A Ía trước ngày đi tập trung tại Huổi Khon và mục đích hoạt động của tổ chức này là thành lập nhà nước riêng của người Mông. Và cả 8 đối tượng này đều giữ nhiều vị trí trong cái gọi là “đạo Vàng Chứ”. Thậm chí, Cháng A Dơ, người cầm đầu trong “đội vũ trang” còn được bọn Mùa Chá Sang, Dia Phình, Vàng A Ía “cơ cấu” làm Phó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của “Vương quốc Mông”.

Đến đây ta có thể thấy toàn bộ âm mưu lợi dụng cái gọi là “đạo Vàng Chứ” của bọn Vàng A Ía, Thào A Lù với sự “hà hơi tiếp sức” của số người Mông sống lưu vong tại Mỹ để tập hợp người dân tộc thiểu số nhằm gây sức ép lên chính quyền địa phương, tạo ra sự bất ổn về an ninh chính trị. Ý đồ muốn thành lập lực lượng vũ trang chống lại chính quyền Việt Nam của cái gọi là “đạo Vàng Chứ” cũng đã rõ.

Nhiều gia đình ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lào Cai đã nghe theo lời của Cư A Báo (sinh năm 1976, trú tại xã Cư Đrăm, tỉnh Đắk Lắk) và Vàng A Giàng (sinh năm 1980, trú tại xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé) tuyên truyền bán hết nhà cửa ruộng vườn, trâu bò để mang tiền lên Huổi Khon, Mường Nhé sống chờ đón “vua Mông” và “Vàng Chứ” hiển linh.

Sau mấy ngày sống dở, chết dở vì đói khát và bệnh tật, khi bộ đội và công an đến giải thích rõ âm mưu của bọn Vàng A Ía, những người Mông nhẹ dạ ở Huổi Khon lại ai về nhà nấy. Những gia đình từ Đắk Lắk, Đắk Nông, vì nghe lời Vàng A Ía, Cừ Bá Sơ đã bán nhà cửa gom tiền vàng mang đi tiêu xài và đóng góp hết rồi, giờ quay về thì một bộ quần áo sạch để thay cũng không có tiền mua, một bữa cơm ăn độ đường cũng phải nhờ nhà xe giúp.

Cừ Bá Sơ buồn rầu nói: “Mình xấu hổ với bà con vì đã rủ họ đi đón “vua Mông”, đón “Vàng Chứ” từ trên trời xuống. Không thấy “vua Mông”, cũng chẳng thấy “Vàng Chứ” đâu, chỉ thấy nhọc nhằn, đói khát nên bà con đã mắng chửi tôi. Tôi xấu hổ lắm”.

Việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện mưu đồ gây rối trật tự xã hội, phá hoại an ninh nước ta bằng hoạt động vũ trang của tổ chức do Vàng A Ía đứng đầu với sự hỗ trợ, tiếp sức của số người Mông sống ở bên ngoài Tổ quốc đã rõ. Vì sao một số nhà hoạt động “dân chủ” ở Mỹ và phương Tây vẫn cố đưa ra cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền và xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo?

Theo bọn xấu gây rối, chiếm bản xong bỏ trốn, Sùng A Sì để lại mẹ già con dại với căn nhà trống không.

——————

>> Bài 5: Tự do tôn giáo là một quyền có giới hạn

Phạm Thục – Trần Lưu – S.thanh

***

Ẩn giấu gì đằng sau những “đạo lạ”?

Bài 5: Hiểu đúng luật pháp về quyền tự do tôn giáo

SGGP – Thứ sáu, 21/09/2012, 00:15 (GMT+7)

“Tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng không phải là tuyệt đối, các nhà nước có thể hạn chế các tự do này nếu đó là cần thiết để bảo vệ anh ninh quốc gia, trật tự xã hội…” (trích Điều 29, Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, năm 1966).

Vì vậy, để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích cộng đồng, những người lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu chống lại sự bình yên, lợi ích của cộng đồng tại Việt Nam, cần được nghiêm trị.

  • Hiểu biết nửa vời

Hạ viện Mỹ vừa thông qua Nghị quyết H.Res 484 (nội dung vu cáo Chính phủ Việt Nam cấm đoán tự do tôn giáo, giam cầm “các nhà đấu tranh ôn hòa đòi tự do tôn giáo và tự do chính trị”) do nghị sĩ Loretta Sanchez khởi xướng và Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012, số hiệu H.R 1410 (đưa ra hạn chế đối với Chính phủ Mỹ dựa trên những quy định về nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam) do nghị sĩ Chris Smith kiến nghị.

Cơ sở nào để hai nghị sĩ này làm nên H.Res 484 và H.R 1410?

Năm 2007, bà Sanchez được phép đến VN và trong vài ngày ngắn ngủi. Ở VN bà chỉ nhăm nhăm gặp gỡ vài người bất đồng chính kiến với nhà nước VN, từ chối tiếp xúc với những người bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra tại VN và các cựu chiến binh VN, khi họ đề nghị gặp gỡ bà.

Người dân TPHCM đón chào năm mới. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chỉ thấy bấy nhiêu thôi mà bà Sanchez viết ra được cái nghị quyết H.Res 484. Cơ sở để ông Smith đưa ra Dự luật H.R 1410 còn tù mù hơn: chỉ dựa vào thông tin do văn phòng tập hợp các báo cáo của nhiều năm trước cộng với lời khai của 5 nhân chứng gồm: cựu dân biểu gốc Việt họ Cao, một phụ nữ Việt Nam tự nhận là nạn nhân vụ “buôn người” (thật ra là xin đi lao động hợp tác ở nước ngoài nhưng không chịu nổi áp lực công việc đã bỏ trốn), đại diện của Quỹ Người Thượng (Quỹ này do K’sor Kok và tổ chức Fulro lưu vong lập ra để tiến hành vụ bạo loạn tại Tây Nguyên nhằm đòi thành lập nhà nước Đê Ga), đại diện của tổ chức theo dõi nhân quyền Mỹ (Human Right Watch), ông Nguyễn Đình Thắng (điều hành một tổ chức liên quan đến người VN vượt biên đang ở Mỹ).

Theo ông Smith, thông tin của ông Thắng có được là do ông này đã qua Thái Lan để điều tra về cái gọi là vi phạm nhân quyền đã diễn ra tại Việt Nam (?!).

  • Thực tế thế nào?

Nếu lấy mốc năm 2006, thời điểm mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC để so sánh với thời điểm hiện nay, những người có cách nhìn khách quan sẽ thấy sự thay đổi tích cực trong sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam. Năm 2006, cả nước có 6 tôn giáo và 16 tổ chức tôn giáo được công nhận và đăng ký hoạt động thì nay đã có 12 tôn giáo và 37 tổ chức tôn giáo với hơn 20 triệu tín đồ đang sinh hoạt tại hơn 22.000 cơ sở thừa tự.

Trong 2 năm (2010 và 2011), tại VN có 600 cơ sở thừa tự được nâng cấp, sửa chữa và hơn 500 công trình tôn giáo được xây mới. Các học viện, chủng viện, các trường cao cấp, trung cấp của các tôn giáo được mở ra tại nhiều địa phương với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các nơi. Năm Thánh 2010 và Đại hội hành hương La Vang tại tỉnh Quảng Trị do Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức đã có hàng chục ngàn giáo dân đến từ nhiều nước trên thế giới tham dự.

Năm 2008, Đại lễ Phật đản Vesak, Liên hiệp quốc có hơn 4.000 tăng ni, phật tử và 2.000 chức sắc tôn giáo của 74 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự. Công tác huấn luyện và đào tạo của đạo Tin lành ngày càng được đẩy mạnh. Năm 2003, Thánh Kinh Thần học viện của đạo Tin Lành có 50 sinh viên thì năm 2009, đã có 115 sinh viên của 26 sắc tộc ở miền Nam và 15 sinh viên miền Bắc. 600 Mục sư nhiệm chức đã hoàn tất các khóa Thần Học Bổ Túc, trong đó, có 60 Mục sư nhiệm chức là các dân tộc Mông, Sán Chỉ và Tà Pẻng.

Hoạt động in ấn và xuất bản trong lĩnh vực tôn giáo phát triển rất nhanh, từ việc chỉ dùng tài liệu cũ đến nay đã có hơn 4.000 đầu sách mới với hàng chục triệu bản in được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.

Phát biểu về tình hình nhân quyền ở VN, ông Douglas Peterson, cựu Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại VN: “Không thể đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia trên chuẩn 100% hài lòng. Hoa Kỳ cũng như không một quốc gia nào khác có thể đáp ứng nhu cầu đó. Thang điểm 100% hài lòng về mặt nhân quyền là điều không thể đạt được tại một quốc gia”.

  • Tự do tôn giáo là quyền có giới hạn

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới (năm 1948). Năm 1966, quyền này được phát triển đầy đủ hơn trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị; tại Điều 18 có viết:

“Quyền tự do bày tỏ tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật khi những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc đạo đức của những người khác”.

Điều 29 Bản Công ước trên viết: “Tự do tín ngưỡng và tôn giáo cũng không phải là tuyệt đối, các nhà nước có thể hạn chế các tự do này nếu đó là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe đạo đức của cộng đồng hoặc bảo vệ lợi ích người khác khỏi bị xâm hại”.

 

Người dân TPHCM vui đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Bà.

Ông Smith, bà Sanchez, HRW vì sao không “chịu nhớ” rằng – chính quyền Mỹ cũng đã bắt giữ hàng trăm người Mỹ tham gia bày tỏ chính kiến ở những cuộc biểu tình tại thành phố New York trong chiến dịch “chiếm phố Wall”?. Trong cuộc chiến chống khủng bố, chính quyền nước Mỹ đã bắt giam một số nghi phạm khủng bố và giam giữ họ tại các nhà tù Guantanamo, ở Afghanistan, Iraq. Những việc đó, gọi là vi phạm nhân quyền được không?.

Thật ra, để bảo đảm an ninh chính trị và giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân nước mình, chính quyền mỗi quốc gia đều có cách hành xử, quản lý đất nước họ theo cách riêng và điều này cần được các quốc gia khác tôn trọng, nếu họ không đi ngược các quy ước quốc tế đã có.

Có một thực tế mà ít người nhớ, đó là Quyền tự do tôn giáo tại VN được công nhận rất sớm. Quyền này được ghi tại Điều 10, Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1946. Và được phát triển đầy đủ hơn tại Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 1992, Điều 70 viết:

“Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ . Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 và Nghị định 22 của Chính phủ ban hành năm 2005 đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Như thế, quan điểm của cộng đồng quốc tế và VN về vấn đề tự do tôn giáo, không có gì khác biệt. Đó là, Quyền tự do tôn giáo không phải là tuyệt đối mà là một quyền có giới hạn. Bất cứ ai lạm dụng quyền tự do tôn giáo để gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm các quyền của người khác đều bị xử lý theo pháp luật.

*****

Để thay lời kết cho loạt bài này, chúng tôi mượn lời nói của cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton, khi đề cập tới sự phát triển quan hệ Mỹ -Việt với sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, năm 2010: “Tất cả các công việc này chúng ta làm cùng nhau, giúp chúng ta lắng nghe, thêm hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, để cải thiện khởi đầu mới. Quan hệ không thể nở hoa sau một đêm, nhưng có thể đem lại kết quả qua thời gian, bằng những nỗ lực chung”.

Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega đã tỏ rõ sự bất bình khi Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 (H.R 1410) do nghị sĩ Chris Smith đề xuất được Hạ viện Mỹ thông qua. Bởi, theo ông, Dự luật trên có cách tiếp cận “thiển cận”, đi ngược lại những nỗ lực của các chính quyền từ Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama trong củng cố quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam; không công bằng với cả nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

“Tôi không nhất trí với cách nhìn nhận về nhân quyền của một số nghị sĩ Mỹ, những người có thiên hướng áp đặt tiêu chí mà họ cho rằng chuẩn mực trong vấn đề này. Mỗi nước đều có giá trị và nguyên tắc riêng trong thực thi nhân quyền. Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã làm những gì tốt nhất… Tôi cho rằng thực tế nhân quyền tại Việt Nam chưa được phản ánh chính xác”, nghị sĩ Eni Faleomavaega nói.

Phạm Thục

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s