CUỘC HỒI SINH CỦA “THỔ DÂN” LA HỦ – KỲ 1:
“Xá Lá Vàng” – phận đời như lá
TT – Tháng 9-2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt “đề án phát triển kinh tế xã hội” cho bốn tộc người có nguy cơ “báo động đỏ” về giảm thiểu dân số là Mảng, La Hủ, Cống và Cờ Lao.
![]() |
Một gia đình La Hủ giữa rừng khi chưa được đưa về định cư – Ảnh: Đ.Duẩn |
Nhưng từ năm 2009, những người lính biên phòng ở Lai Châu đã âm thầm giữa rừng sâu biên giới, bền bỉ hồi sinh cho một trong bốn tộc người kể trên. Số phận những người La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu) đã thay đổi rất nhiều kể từ đó.
Đã đi đi, về về vài lần với những bản làng La Hủ ở các xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu), nhưng phải đến lúc ngồi với đại tá Vũ Quang Mạo, phó chủ nhiệm chính trị Biên phòng Lai Châu, chúng tôi mới thấm thía về câu chuyện hồi sinh cho tộc người này. Những câu chuyện mà nếu không tới tận đây, nơi góc rừng biên cương heo hút này, sẽ không thể nào tin đó là sự thật…
“Trâu chết thì biết, người chết… không ai biết!”
Tây Bắc nước Việt được biết đến như là vùng đất khó khăn nhất của đất nước thì địa bàn cư trú của người La Hủ chính là “tây bắc của Tây Bắc”, trải dài từ ngọn núi Phu Si Lung có độ cao trứ danh thứ hai Việt Nam (3.053m) ở xã Pa Vệ Sủ, ngược lên những Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Pạ tận cùng heo hút.
Không sống quần tụ đông đúc như nhiều dân tộc khác ở biên giới phía Bắc, người La Hủ sống biệt lập, mỗi gia đình với 2-3 nóc nhà là anh em thân thuộc cùng sống chung trên một ngọn núi. Núi càng dốc, người La Hủ càng thích chọn để sống, để làm nương làm rẫy trên ngọn núi đó. Cả nhà dựng lều, lợp lá và sống trong những túp lều ấy.
Khi dựng lều cũng là lúc họ bắt đầu phát cây tra hạt. Cũng vỡ đất làm rẫy, gieo ngô trên nương, trồng sắn trên rẫy, nhưng khi lá trên mái lều úa vàng họ sẽ rời bỏ ngọn núi đó rồi đi đến một ngọn núi khác.
Cuộc du canh ấy kéo dài cho đến ngày tính rằng những mảnh nương đầu tiên đến kỳ thu hoạch thì quay về. Cũng từ tập quán dựng lều ở đến khi lá trên lều úa vàng thì cả gia đình lại đùm đề kéo nhau rời đi mà người La Hủ còn có tên gọi khác là người “Xá Lá Vàng”.
Rừng núi mênh mông nhưng đất đai canh tác lại ít, bởi địa bàn người La Hủ sinh sống thường rất dốc, tìm một vuông đất phẳng tầm vài chiếc chiếu đã là điều hiếm hoi. Cuộc sống hoang dã đời đời kiếp kiếp, ngại giao du với thế giới bên ngoài khiến người La Hủ đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Đã có một thời gian tỉ lệ sinh/chết của tộc người này là 1/1,1.
Nếu biết rằng người La Hủ sinh đẻ rất tự do, trai gái đến tuổi có vợ có chồng về sống với nhau cứ thế đẻ sòn sòn, nhà nào cũng 5-7 đứa con, thế nhưng tỉ lệ chết cao hơn tỉ lệ sinh đủ biết số phận những đứa trẻ La Hủ đau thương đến ngần nào!
Nhiều năm trước, khi đi lên các dãy núi vận động bà con về định cư, nhiều anh em chiến sĩ biên phòng chứng kiến gia đình có con trẻ chết, bố mẹ không hề tỏ ra thương tiếc, cứ thế mang vào rừng chôn cất. Bởi thế sinh mạng đứa trẻ của những năm tháng trước đây còn thua cả con bò, con trâu của bản.
Người La Hủ ngày đó “lý luận”: Con trâu, con bò chết, thịt nó còn ăn được, mỗi lần có trâu bò chết lại hú nhau xẻ thịt, uống rượu. Trẻ con chết thì chỉ đưa đi chôn, người bố mang ra rừng đào cái hố nhỏ, thế là xong.
Công cuộc hồi sinh tộc người này cho đến giờ vẫn còn là một thách thức trên đôi vai những người lính biên phòng Lai Châu.
![]() |
Nhóm anh em trong một gia đình La Hủ quần tụ trên các ngọn núi cao với những túp lều rách nát – Ảnh: Đức Duẩn |
Một lịch sử lưu lạc
Nếu căn cứ vào ngôn ngữ và văn hóa, người La Hủ gần với người dân tộc Hà Nhì, tuy nhiên cuộc sống của hai tộc người này gần như đối lập. Người Hà Nhì với cuộc sống văn minh hơn hẳn, làng bản được tổ chức quy củ, trong khi người La Hủ dù có ngôn ngữ giống với người Hà Nhì, chỉ khác nhau một số ít từ ngữ, trang phục cũng khá giống, song từ bao đời nay người La Hủ vẫn không có tổ chức hay luật lệ cộng đồng.
Những đôi mắt La Hủ mà chúng tôi gặp trong những ngày đến với vùng núi sâu Mường Tè luôn phảng phất một nét buồn cố hữu.
Những thầy cô giáo cắm bản ở đây đã kể cho chúng tôi câu chuyện về nguồn gốc người La Hủ rằng xưa kia họ ở tận phương Bắc xa xôi, rồi do những cuộc chiến tranh liên miên tranh giành đất đai lãnh thổ, người La Hủ cứ lùi dần về phía những ngọn núi phương Nam này.
Từ chỗ biết làm ruộng nước, may vá thêu thùa, cuộc chiến đã dồn họ lên núi cao, quanh năm sống trong mù mây, quay về với cuộc sống buổi hồng hoang, hái lượm và săn bắn.
Có lẽ thân phận người La Hủ khi xưa đã hằn dấu lên những phận đời hôm nay. Sự săn đuổi của những tộc người mạnh hơn trong quá khứ đã khiến họ ngày càng tách biệt với xã hội, dần mai một những phong tục tập quán. Sự sợ hãi đã hóa thành tập tính, xa lánh, tránh giao tiếp, ngại người lạ… như một cách thế để tự vệ.
Ngay cả bây giờ sau gần mười năm được bộ đội đưa về quần cư trong những bản làng, tiếp xúc với văn minh, nhưng sự dè dặt với người lạ vẫn cứ như một thuộc tính của người La Hủ.
Hôm từ đồn biên phòng Pa Ủ vào bản Pha Bu, những đứa trẻ chỉ chịu đến với Khang, đội trưởng trinh sát của đồn, vì Khang mặc quân phục biên phòng, còn với những ai mặc quần áo khác, chúng chỉ đứng từ xa nhìn đầy cảnh giác.
Hôm chúng tôi vào bản Mú Chi, xã Pa Ủ, chỉ cho chúng tôi những vuông đất trồng rau trước những ngôi nhà vừa được tái định cư của người La Hủ, thiếu tá Lỳ Già Ly, chính trị viên phó đồn Pa Ủ, nói đùa mà thật: “Để bày cho dân trồng được vuông rau như thế này, với người La Hủ có thể coi như là một cuộc “cách mạng” nông nghiệp”.
Cũng từ cuộc sống hoang dã, cái lý của người La Hủ rất đơn giản: sao lại phải vất vả trồng rau trong khi họ chỉ cần mang gùi vào rừng, ven suối một lúc đã có rau mang về ăn.
Bày cho đồng bào chăn nuôi cũng vậy, lúc ban đầu ai cũng bảo: nuôi gà, nuôi lợn làm gì khi chỉ cần vào rừng đặt bẫy thế nào cũng kiếm được thịt con thú? Chỉ chuyện đơn giản đã như thế, huống nữa chuyện chữa bệnh, chuyện học chữ, chuyện sinh đẻ!
Cuộc hồi sinh của tộc người La Hủ nơi cuối trời “tây bắc của Tây Bắc” được bộ đội biên phòng Lai Châu bắt đầu triển khai từ năm 2009.
Đã hơn sáu năm, bản báo cáo về việc hồi sinh tộc người La Hủ mà đại tá Vũ Quang Mạo đưa cho chúng tôi cũng chỉ dài sáu trang giấy. Nhưng trong sáu trang giấy đó là cả một hành trình đầy nhân văn và vĩ đại.
![]() |
Bộ đội biên phòng Lai Châu dựng nhà tại Ka Lăng để gọi đồng bào La Hủ từ rừng thẳm về sống tập trung, cải thiện đời sống – Ảnh: Đức Duẩn |
Dân tộc La Hủ chỉ sống tại huyện Mường Tè (Lai Châu), ngoài huyện Mường Tè ra, không địa bàn nào có tộc người La Hủ, tập trung chủ yếu tại năm xã biên giới là Pa Vệ Sủ, Pa Ủ, Tá Bạ, Thu Lũm và Ka Lăng với 31 bản, 1.269 hộ/6.483 nhân khẩu. Do địa bàn cư trú biệt lập, xa trung tâm, tập quán du canh du cư nên đến nay tỉ lệ hộ đói nghèo của dân La Hủ là 81%. |
___________________________
Kỳ tới: “Thực địa” ở Pha Bu
CUỘC HỒI SINH CỦA “THỔ DÂN” LA HỦ – KỲ 2:
“Thực địa” ở Pha Bu
TT – Để cảm nhận hành trình nhọc nhằn đưa người dân La Hủ từ rừng thẳm về, chúng tôi nhờ anh em ở đồn Pa Ủ bố trí cho vào thực tế ở một bản “tương đối khó” một chút.
![]() |
Những ngôi nhà định cư cho người La Hủ được bộ đội biên phòng Lai Châu dựng lên để vận động bà con rời rừng sâu về bản – Ảnh: Đức Duẩn |
Nói “tương đối khó” vì sau sáu năm triển khai đề án bảo tồn dân tộc La Hủ, nhiều bản bây giờ đã có đường ôtô vào tận nơi, trường lớp khang trang, có điện, có tivi, xe máy, tuy nhiên ở những bản định cư cho người La Hủ mới lập sau này, tất cả vẫn còn ngổn ngang khó khăn.
Thử thách đường vào…
Đứng ở sân đồn biên phòng Pa Ủ, trung úy Nguyễn Thọ Khang, cán bộ đội trinh sát đồn, đưa tay chỉ ra phía trước mặt đồn cho thấy một vệt mờ mờ của con đường và bảo: “Các anh muốn “tương đối khó” thì có thể vào Pha Bu, bản đó nằm trong “tốp” khó khăn của Pa Ủ đấy! Hôm nay trời đẹp, có thể đi xe máy vào Pha Bu chừng hai tiếng, chứ nếu trời mưa đi vào đấy chỉ có thể cuốc bộ, từ sáng sớm đến quá trưa mới tới nơi!”.
Từng nhiều lần vượt suối, băng rừng cùng lính biên phòng nên chúng tôi cảm nhận cảnh báo của trung úy Khang không phải đùa. Đồng hồ chỉ 3g chiều.
Chúng tôi quyết định vẫn vào Pha Bu! Chọn mấy chiếc xe tốt nhất trong đồn cho anh em chúng tôi mượn, Khang dẫn chúng tôi vào Pha Bu.
Từ đồn ngược ra phía đường biên khoảng 5km đường khá êm, Khang ra hiệu rẽ vào lối mòn.
Thử thách đầu tiên là chúng tôi phải đi xe máy vượt qua cây cầu treo ở độ cao gần 40m, dài hơn 100m bắc qua suối Nậm Củm. Sàn cầu được lót ván, nhiều chỗ ván lát khá thưa và gỗ như quá cũ.
Như hiểu ý chúng tôi, Khang thốc ga vượt trước lên cầu. Đoàn xe máy qua cầu, tiếng ván gỗ lộc cộc, khô khốc, phía dưới suối sâu hun hút đầy đá hộc…
Con đường vào Pha Bu cứ dốc ngược, nền đường chỗ toàn đá hộc lổn nhổn, đoạn chỉ toàn đất gan gà trơn lì lồi lõm, sống trâu. Xe máy cứ cài số 1 để lên dốc và xuống dốc. Nhiều đoạn đường trơn, bánh xe cứ quay tít xoay ngang xe. Cứ lên hết đỉnh dốc lại đổ dốc xuống.
Chạy xe máy hơn một tiếng kể từ khi rời đồn mà trung tâm bản Pha Bu vẫn chưa thấy đâu. Khang dừng xe, ngoảnh lại bảo với chúng tôi: “Xuống hết dốc này, qua một con suối, rồi bò lên lưng chừng núi bên kia là trung tâm bản Pha Bu. Suối chỉ ngập lưng bánh xe, nước mùa này êm nhưng phía dưới toàn đá nên mọi người nếu đi không quen phải cởi quần dài, tháo giày ra kẻo ướt.
Dù được Khang quay lại hướng dẫn, khích lệ mọi người qua suối, nhưng cả ba xe của chúng tôi khi qua suối đều bị khựng lại vì vướng đá, chết máy và tất cả đều… ướt!
Sau đúng hai giờ băng rừng vượt suối, những ngôi nhà của trung tâm bản Pha Bu cũng loáng thoáng hiện dần ra bên rìa cánh rừng già.
Hai tiếng để vượt quãng đường chưa tới 20km đủ cho chúng tôi hiểu hơn những gì người lính biên phòng đã hi sinh cho người dân La Hủ. Dấu ấn đầu tiên với chúng tôi ở Pha Bu là bốn phòng học nhỏ và dãy nhà ở của các giáo viên cắm bản.
Tất cả đều được “ba cứng” (nền cứng, tường cứng, mái cứng) do bộ đội biên phòng xây dựng. Ngôi nhà sàn gỗ duy nhất, khá to lớn của trưởng bản Pờ Lò Hừ. Qua nhà trưởng bản là nhà của 29 hộ dân khác quây quần thành hai dãy.
![]() |
Trưởng bản Pờ Lò Hừ bên con la của gia đình, phía sau là ngôi nhà hai tầng lợp tôn sang nhất bản Pha Bu của Hừ – Ảnh: Việt Dũng |
“Mô hình Pờ Lò Hừ”
Pờ Lò Hừ năm nay 34 tuổi nhưng đã được tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Cả nhà Hừ sống trong rừng già từ lâu, mãi đến đầu năm 2015 sau bao nhiêu lần bộ đội biên phòng vào tận nơi vận động, Hừ mới đưa cả nhà về trung tâm bản Pha Bu này.
Thấy khách tới, trưởng bản Pờ Lò Hừ nhanh nhảu vào nhà quần áo chỉnh tề ra đón khách, giọng hồ hởi: “Hôm nay nhà mình làm “lý” (lễ cúng thần linh), các chú, các anh ở lại uống rượu mai về chứ?”.
“Hôm nay không ở lại uống rượu được đâu, gặp trưởng bản và bà con xong, anh em ra đồn để mai đi bản khác nữa” – Khang nhanh nhảu trả lời thay chúng tôi.
Pờ Lò Hừ nói như dỗi: “Hôm nay cuối tuần, ba giáo viên cũng về xã rồi, không ai ở lại, giờ các chú, các anh cũng không ở lại thì buồn lắm”.
Nhìn cơ ngơi của Pờ Lò Hừ với ngôi nhà hai tầng rộng rãi lợp tôn đỏ, nhớ lại quãng đường chúng tôi vừa đi từ đồn vào, chỉ riêng việc đưa được ngần ấy tôn vào đây đã là một công trình.
“Sao Hừ không ra sớm mà mãi đến đầu năm 2015 mới ra đây?”. Hừ cười ngượng nghịu: “Thì ở mãi trong rừng quen rồi, ngại về lắm, không biết về trung tâm lại sướng thế này…”.
Cả 76 hộ dân của Pha Bu trước đều du canh trong rừng, mỗi nhà mỗi ngọn đồi, từ bản trung tâm này đi vào nơi bà con sống mất hơn ngày đường. Trước khi có đề án bảo tồn người La Hủ, anh em đồn biên phòng Pa Ủ từng vào tận rừng sâu vận động quả là gian nan.
Ngay cả Pờ Lò Hừ được coi là người năng động, nhanh nhẹn nhất ở đây mà cũng mất gần bốn năm mới chịu dời ra bản trung tâm sống là đủ biết! Khi ra khỏi rừng, thấy nhà trưởng bản sinh sống, làm ăn phát triển thì các hộ dân khác cũng theo dần ra trung tâm dựng nhà ở.
Cùng với ngôi nhà khang trang nhất bản, Hừ cũng học cách làm thủy điện nhỏ từ con suối sau nhà, mua tivi, lắp ăngten chảo. Có nhà tôn thay mái lá rừng, có điện, có tivi, có xe máy… những điều ấy chỉ vài năm trước không người dân La Hủ nào ở Pha Bu này có thể nghĩ đến!
Định cư cho dân rồi, chính bộ đội biên phòng đồn Pa Ủ lại trực tiếp vào đây để bày cho bà con cách làm lúa nước và chăn nuôi. Nhà của Pờ Lò Hừ đã nuôi được hai con trâu, hai con bò, năm con lợn và chín con la.
Năm rồi Hừ bán năm con la được 100 triệu đồng cất cái nhà đẹp nhất bản này! Không chỉ biết chăn nuôi, biết trồng lúa nước, nhờ đưa về sống tập trung nên bà con bắt đầu biết buôn bán các sản phẩm mình thu hái từ rừng.
Như hôm chúng tôi lên, mùa giáp tết này dân bản vào rừng hái bông chít (bông đót làm chổi), nhờ sống tập trung nên sản phẩm mới đủ nhiều để thu bán cho các đại lý ngoài huyện. Pờ Lò Hừ đứng ra nhận làm điểm thu mua bông chít.
Nhìn bà con La Hủ biết cầm đồng bạc, biết bán mua, biết tiêu tiền là đã thấy cả một sự đổi thay ghê gớm rồi! Nhưng đổi thay lớn nhất ở đây là điểm trường Pha Bu đã có ba lớp tiểu học và một lớp mầm non với 44 cháu.
Từ chỗ những đứa trẻ lớn lên hoang dại như cây cối giữa rừng đến chuyện các em ngồi trong lớp học, nói thì đơn giản vậy nhưng có lên đây mới biết đấy cũng là một công trình ghê gớm của những người lính biên phòng.
Ngày vào rừng vận động, người La Hủ sống đúng nghĩa là “người rừng”. Giờ ra khỏi rừng, về sống tập trung thành bản, thành từng nhóm như thế này đời sống của dân thay đổi tốt dần lên, dù hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Đến như trưởng bản Pha Bu Pờ Lò Hừ này khi ở trong rừng cũng ngơ ngơ ngác ngác, suốt ngày chỉ uống rượu. Giờ thì khác lắm, là người làm được, nói được nên dù ít tuổi nhưng uy tín lại rất cao…
__________
Kỳ tới: Cuộc đổi đời từ Mu Chi, Tân Biên…
L.Đ.DỤC – Đ.BÌNH – V.DŨNG
CUỘC HỒI SINH CỦA “THỔ DÂN” LA HỦ – KỲ 3:
Cuộc đổi đời từ Mu Chi, Tân Biên…
TT – Buổi sáng sớm, chúng tôi lang thang ra phía trước đồn biên phòng Pa Ủ, sự tĩnh lặng của ban mai biên ải như vỡ ra bởi tiếng nhạc vang lên từ một ngôi nhà trên lối vào bản Tân Biên.
![]() |
Học sinh người La Hủ ở Pa Ủ từ chỗ sống hoang dã giữa núi rừng nay đã được học trong những điểm trường khang trang – Ảnh: Việt Dũng |
Tân Biên là một trong số những bản đầu tiên của người La Hủ được bộ đội biên phòng Lai Châu xây nhà đại đoàn kết và thuyết phục dân về ở.
Cái tên bản Tân Biên tự thân đã nghe hơi hướng của “miền xuôi” bên những tên bản mộc mạc như Tham Pa, Mu Chi, Nà Xi, Cờ Lò…
“Hạt nhân” của Pa Ủ
Tất nhiên khi đặt tên bản mới, mọi người cũng gửi gắm kỳ vọng Tân Biên – bản mới nơi biên cương – sẽ là điểm sáng của xã Pa Ủ.
Khi đến nhà già bản Phản Xạ Chô, nguyên trưởng bản Tân Biên, chúng tôi bất ngờ khi biết ông là người La Hủ đầu tiên đi làm… cán bộ, từng là cán bộ tổ chức huyện Mường Tè, sau này về làm bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Pa Ủ, về hưu ông lại tiếp tục làm trưởng bản, mãi năm ngoái mới nghỉ hẳn.
Dẫn chúng tôi ra hiên nhà, chỉ tay lên tấm biển xanh gắn lên bức tường gỗ đề dòng chữ “Nhà đại đoàn kết – Học viện Biên phòng tặng”, già Chô bảo: “Cả bản này nhớ ơn cán bộ Phúc lắm, nó là em kết nghĩa của tao”.
Bản Tân Biên này đều được ở nhà của bộ đội biên phòng dựng cho. “Cán bộ Phúc” mà già Chô nhắc đến chính là thiếu tướng, giáo sư Trần Hữu Phúc, hiện là giám đốc Học viện Biên phòng.
Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc La Hủ ở Mường Tè – Lai Châu được đề xuất và thực hiện vào thời điểm ông Trần Hữu Phúc đang là đại tá, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu, trực tiếp thực hiện đề án.
Tâm huyết với chuyện bảo tồn tộc người La Hủ, ông Phúc cũng dành nhiều tình cảm riêng với Phản Xạ Chô.
Những tấm hình mỗi lần ông Phúc vào thăm bản Tân Biên, thăm già Chô được ông treo trân trọng trên tường cạnh những bằng khen, chứng nhận về thành tích của Phản Xạ Chô với cộng đồng và công cuộc bảo vệ an ninh biên giới.
Bản Tân Biên may mắn có một thủ lĩnh như Phản Xạ Chô nên đây cũng là bản có nhiều hộ biết làm lúa nước và trồng thảo quả, đời sống kinh tế ổn định nhất ở Pa Ủ.
Nhà Phản Xạ Chô kề với nhà của mấy người con, cùng một mẫu nhà “đại đoàn kết” mà bộ đội biên phòng làm cho, mái lợp tôn, tường che bằng gỗ. Nhà nào cũng có tivi, xe máy. Thậm chí có cả ăngten truyền hình K+.
Nhưng niềm tự hào lớn nhất của bản Tân Biên cũng như của ông Chô là Phản Hà Tư, con trai ông, là sĩ quan chính trị, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, nay đang về công tác ở Huyện đội Mường Tè.
Khoát tay chỉ xuống thung lũng dưới chân bản, Phản Xạ Chô bảo: từ ngày về đây, có bộ đội biên phòng Pa Ủ giúp, dân bản làm lúa nước nhiều lắm, có lúa nước, có gạo ăn nhưng chưa giàu được vì… tập quán của người La Hủ không tích trữ.
![]() |
Ly Mồ Gia bên chiếc máy xát lúa ở bản Mu Chi – Ảnh: Ngọc Quang |
Trở lại Mu Chi
Nếu Tân Biên với lợi thế có những “hạt nhân” như Phản Xạ Chô, lại nằm gần đồn biên phòng Pa Ủ nên cuộc sống bà con La Hủ trong bản sớm ổn định, tiếp cận với nhiều điều mới thì ở Mu Chi, sau mấy năm trở lại chúng tôi thật sự bất ngờ.
Tròn bốn năm trước, trong chuyến trao quà xuân của báo Tuổi Trẻ cho các em học sinh Trường tiểu học Pa Ủ, chúng tôi đã tranh thủ vào thăm bản. Khi ấy Mu Chi vừa được xây dựng với 43 ngôi nhà.
Nhà mới làm, màu những mái tôn xanh lá hòa vào màu cây rừng sau mái núi sáng cả một góc rừng. Nhưng đi vào mỗi căn nhà, hình như ngoài căn nhà của bộ đội biên phòng làm cho, không nhà nào có gì để gọi là tài sản.
Gần một chục ngôi nhà mà chúng tôi ghé, nhà nào cũng chỉ có vài mảnh ván kê trên nền đất, trên mảnh ván ấy lùng nhùng những mảnh chiếu, chăn. Có lẽ dân chỉ cần một chỗ ngả lưng hơn là một căn nhà đúng nghĩa. Những gương mặt chưa hết ngác ngơ.
Anh Thàng Xuân Ly, dạo ấy là chủ tịch xã Pa Ủ, dẫn chúng tôi vào gặp vài hộ gia đình ở Mu Chi nhưng rất khó để hỏi thăm về cuộc sống và nơi ở mới.
43 căn nhà đại đoàn kết cho bản Mu Chi ngày đó, mỗi căn trị giá 35 triệu đồng không hề là một số tiền nhỏ, chưa kể hàng ngàn ngày công của bộ đội biên phòng Lai Châu, với những chiến dịch “Mái ấm cho dân”, gùi cõng từng tấm tôn vượt qua bao nhiêu suối đèo để đưa đến đây lợp mái, xẻ gỗ, che tường.
Chủ tịch Ly bảo: “Đưa được bà con về ở tập trung ổn định thế này là tốt lắm rồi, còn để bà con hội nhập được sẽ khó khăn lắm”.
Và hôm nay, sau ba năm trở lại, từ cổng Trường tiểu học Pa Ủ ngược dốc lên bản, không còn là những căn nhà im ỉm khép cửa như năm nào, những chiếc xe máy của trai bản leo dốc phăm phăm, tiếng nhạc phát ra rộn ràng.
Bí thư chi bộ bản Mu Chi là Phản Mu Chờ hạ nhỏ tiếng tivi, bước ra đón khách. Trong nhà, chiếc tủ chè rất “mô đẹc” được chưng ngay gian giữa như những gia đình khá giả dưới xuôi, phía trên đặt tivi và giàn âm thanh.
Câu chuyện về bộ đội biên phòng giúp dân bản đổi đời có lẽ ở bản nào cũng được kể như nhau. Và đó là cả một hành trình bền bỉ. Như bản Mu Chi này phải sau tròn bốn năm, trong những căn nhà dân chúng tôi mới thấy điều gì đó như là sinh khí của bản làng.
Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi nghe tiếng máy nổ vọng lên từ cuối bản. Phản Mu Chờ bảo: “Nhà của Ly Mồ Gia đấy, nó có máy xát lúa, xát bột cho cả bản!”.
Vậy là Mu Chi cũng đã có dấu hiệu của “công nghiệp” rồi. Tìm về căn nhà có tiếng máy nổ vọng ra, chúng tôi gặp Ly Mồ Gia đang cho máy nổ để xay lúa.
Nếu đã từng chứng kiến cuộc sống hoang dại của người La Hủ, thì chắc chắn hình ảnh chiếc máy xay lúa ở Mu Chi này còn ấn tượng không kém gì khi chứng kiến một sự kiện trọng đại nào đó ở miền xuôi.
Ly Mồ Gia cho máy chạy nốt mẻ rồi tắt máy quay ra nói chuyện với chúng tôi. “Mình mua 7 triệu đồng đấy. Thấy bà con mang lúa đi về tận dưới bản Giẳng để xay nên mình mới nghĩ ra xay ở đây cho bà con đỡ vất vả”.
“Thế lấy tiền bà con nhiều không?”. “Không, cũng lấy như dưới kia thôi, mỗi ngàn một cân”. “Thế thu đủ tiền mua máy chưa?”.
“Chưa đâu, mình bỏ tiền to mà thu tiền nhỏ, lâu lắm” – Ly Mồ Gia cười ngượng nghịu, dường như với cái tập tục “hỉ xả” của người La Hủ, giá không lấy tiền bà con thì tốt hơn.
Nhưng dù sao đi nữa, cái máy xát lúa ở bản Mu Chi của Ly Mồ Gia cũng đã làm cho câu chuyện những “thổ dân” La Hủ ánh lên nét lấp lánh về tương lai, dù rằng sẽ còn rất dài, rất lâu nữa mới tiến kịp những dân tộc anh em trên miền Tây Bắc như người Thái, người Hà Nhì…
Những ngày tìm về với cộng đồng La Hủ, chúng tôi mới nhận ra người La Hủ luôn được nhận yêu thương của cả cộng đồng.
Từ những tập đoàn kinh tế lớn cho đến các nhóm bạn trẻ với những nhóm từ thiện tự phát, ai cũng muốn mang đến cho đồng bào La Hủ chút gì đó để bày tỏ và sẻ chia cùng với họ, những người sống cuối trời “tây bắc của Tây Bắc”.
__________
Kỳ tới: Yêu thương dồn tụ cuối trời…
L.Đ.DỤC – Đ.BÌNH – V.DŨNG
***
CUỘC HỒI SINH CỦA “THỔ DÂN” LA HỦ – KỲ CUỐI:
Yêu thương dồn tụ cuối trời
TT – Chỉ cần đứng ở điểm Trường tiểu học Pa Ủ ngay cạnh bản Mu Chi có thể dễ dàng nhận ra tấm lòng yêu thương của cộng đồng dành cho người La Hủ.
![]() |
Những đôi chân trần của các em bé La Hủ – Ảnh: Ngọc Quang |
Đây là ngôi trường mầm non dành cho các cháu ở bản Mu Chi và Nhú Ma đã được khởi công xây dựng từ những ngày đầu đề án bảo tồn và phát triển dân tộc La Hủ vừa được triển khai.
Ngôi trường trị giá 2,5 tỉ đồng này là quà tặng của Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOil (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) vào mùa xuân 2011.
Trong khuôn viên trường có thêm một ngôi nhà nội trú cho học sinh, tuy vách gỗ, lợp tôn nhưng khá khang trang, ấm áp được gắn biển “Quà tặng của diễn đàn otofun.net”…
Góp yêu thương cho đời dân hoang dại…
Chúng tôi ngủ lại ở đồn biên phòng Pa Ủ, nửa đêm nghe tiếng xe ồn ào, thức giấc mới hay đó là xe chở quà tết của một nhóm thiện nguyện từ Hà Nội vừa lên tới.
Đấy là nhóm của cô gái có nick là An An Trần cùng hơn 20 bạn bè của cô, áp tết lại góp nhau vận động mua áo ấm, ủng mới, bánh kẹo mang lên cho các em học sinh và thầy cô ở Pa Ủ.
Sáng hôm đó, chúng tôi theo nhóm bạn trẻ này ra Mu Chi, nhìn những em bé La Hủ sung sướng nhận quà với áo ấm, ủng mới, bánh kẹo, nhìn ngôi trường khang trang hơn và cảm thấy vui nhất là học sinh giờ đã đông hơn rất nhiều so với thời điểm chuyến lên đây của chúng tôi từ bốn năm trước.
Những lần lên đây, chúng tôi cứ ngắm mãi bàn chân của những đứa trẻ La Hủ. Đấy là những bàn chân rất lạ. Móng chân hầu như không có, những cái móng bị cùn, ngắn ngủn ngay từ mũi ngón chân. Sinh ra đã chân trần trên đá núi. Thịt da trẻ thơ non mềm đến mấy rồi cũng phải thích nghi với cuộc sống núi rừng.
Nhớ lại chuyến trao quà xuân của báo Tuổi Trẻ dịp cuối năm 2011 cho thầy cô giáo và học sinh trải dài từ Pa Vệ Sủ lên Pa Ủ, Ka Lăng, Tá Bạ…, ám ảnh trong chúng tôi vẫn là những đôi chân La Hủ ấy, những đôi chân trẻ thơ với lớp da dày thô ráp phăm phăm bước đi trên những tảng đá sắc nhọn.
Hôm đó, có một nhóm học sinh ở bản Cờ Lò 2 hầu hết đều đi chân đất, hỏi ra mới hay các em đã đi bộ hơn 30km đường rừng để ra tới Mu Chi này.
Thầy giáo Phìn Văn Đức – dân tộc Giáy, người đã dẫn các em ra đây nhận quà – giải thích với chúng tôi rằng trường dự kiến cử giáo viên nhận quà từ bản Mu Chi rồi chuyển vào cho các em, bởi từ trung tâm xã vào bản hoàn toàn không có phương tiện giao thông nào đi lại được. Để đến điểm dạy, các thầy chỉ có cách cuốc bộ.
Thầy Đức kể: Từ 8g sáng qua, 17 thầy trò cùng lên đường, đi tới cuối giờ chiều thì đến bản Nậm Hãn, từ bản Nậm Hãn các thầy cô giáo ở điểm trường trung tâm có xe máy tiếp tục chạy ra đây thêm 17km nữa để đón các em rồi đưa vào bản Mu Chi. Đêm qua, các em được nghỉ lại, chờ sáng nay nhận quà.
Câu chuyện những em học sinh ở bản Cờ Lò 2 đi bộ 30km đường rừng ra nhận quà lại quay về trong câu chuyện của chúng tôi với đại tá Vũ Quang Mạo, phó chủ nhiệm chính trị biên phòng Lai Châu.
Đại tá Mạo bảo: Do ranh giới hành chính không tương thích với địa giới thiên nhiên nên chuyện đi bộ ra xã mất hai, ba ngày đường là chuyện thường ngày ở đây.
Ví như hai bản Cờ Lò 1 và Cờ Lò 2 của xã Pa Ủ, từ trung tâm vào đến bản hoàn toàn không thể nào mở đường dù là đường mòn vì bị ngăn cách bởi lớp lớp núi dựng đứng.
Muốn ra trung tâm xã Pa Ủ, thầy cô, học sinh, dân bản đều phải đi vòng về địa bàn của khu vực Mường Tè Xã, sau đó mới từ Mường Tè Xã quay ngược lên lại Pa Ủ.
Nhưng sau bốn năm trở lại với vùng đất quần cư của người La Hủ, những con đường dù chưa sánh kịp miền xuôi nhưng so với trước đây còn hơn cả một giấc mơ.
![]() |
Bản Mu Chi nhìn từ Trường tiểu học số 2 Pa Ủ – Ảnh: Việt Dũng |
Mai rồi ngọn nguồn Đà Giang…
Hình ảnh vùng “tây bắc của Tây Bắc” này hôm nay cũng giống như hình ảnh của nhiều vùng cao dọc dài biên ải mà chúng tôi từng gặp nhiều năm trước.
Ví như Hà Giang, đâu xa xôi gì, mới chưa đến mười năm trước nghe đến Mèo Vạc, Đồng Văn cứ như chốn nào thăm thẳm lắm, vậy mà giờ đây trên con đường từ thành phố Hà Giang vào Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc không ngày nào không hối hả kìn kìn những đoàn xe chở du khách chiêm ngưỡng cao nguyên đá, chiêm ngắm những mùa hoa, chiêm cảm vẻ đẹp hùng vĩ của con đường Hạnh Phúc…
Trên con đường dọc sông Đà ngược lên Mường Tè, ngược lên Ka Lăng, Thu Lũm, thủy điện Lai Châu đã biến dòng sông hung dữ thành một mặt hồ chứa nước biếc xanh dài tít tắp, hai bên đường là những bản làng soi bóng, những con đường đã mở len lỏi nối từng bản nhỏ.
Nếu có những tour tuyến được thiết kế chu đáo lên với vùng núi non sông nước là lãnh địa của cộng đồng La Hủ, chắc chắn khoảng cách tiếp cận với miền xuôi của tộc người này sẽ nhanh hơn.
Nếu ai từng khát khao đặt chân lên Lũng Cú cực bắc, A Pa Chải cực tây, hay Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt – thì ở đây cũng có một địa chỉ cho bước chân chinh phục: đấy là cột mốc cũng là điểm ghi dấu nơi con sông Đà đổ vào Việt Nam, con sông Đà với bao huyền thoại hùng vĩ trong văn chương và truyền kỳ.
Nếu giờ đây những dân “phượt núi” đã không thể ngước nhìn đỉnh Phanxipan khi cái cột mốc tam giác kim loại trên đỉnh luôn nghìn nghịt người chinh phục đỉnh núi cao nhất Việt Nam nhờ hệ thống cáp treo thì sao không nghĩ đến Phu Si Lung, ngọn núi cao thứ hai Việt Nam chỉ sau Phanxipan vài chục mét ngay lãnh địa của người La Hủ?
Tất nhiên với đỉnh núi nằm ngay trên đường biên giới hai quốc gia, việc chinh phục sẽ cần nhiều yếu tố liên quan đến an ninh, biên phòng, tuy nhiên đã từng có cột mốc số 0 ngay ngã ba biên giới Việt – Trung – Lào, cực tây Việt Nam từ lâu nay đã được hàng vạn người tìm đến. Vậy nên giấc mơ về một tuyến đường lên đỉnh Phu Si Lung là điều nên nghĩ.
Ngược ngọn nguồn Đà Giang để sững sờ cùng những thung mây, những sân mây mênh mang với vẻ đẹp đặc thù của núi non vùng Ka Lăng, Thu Lũm.
Đấy là những chuyến lãng du trên con thuyền ngược lòng hồ thủy điện Lai Châu hôm nay, lên tận thượng nguồn để thưởng thức không chỉ thiên nhiên mà cả những loài cá tôm đặc hữu của sông Đà vang bóng.
Bao giờ thì trên con đường men sông Đà sẽ rộn ràng những chuyến xe ngược lên đây, chạm vào những đôi chân trần La Hủ? Tôi lại nhớ đến những chuyến đi thiện nguyện của rất nhiều người trẻ đang khởi động.
Lên đây, mang yêu thương cho những đời dân hoang dại. Lên đây, để yêu hơn núi non sông nước biên cương.
Lên đây, để thấy được sự hi sinh thầm lặng mà vĩ đại của những người lính biên phòng đang từng ngày, từng giờ xua bóng tối ra khỏi những phận đời bao năm chìm trong thâm u rừng thẳm.
L.Đ.DỤC – Đ.BÌNH – V.DŨNG