- Đối với mọi đọc giả ngày nay, dù quan tâm hay không đến lịch sử miền Nam, chương quan trọng nhất trong quyển sách là Chương 16: Trận Hải Chiến Tại Hoàng Sa. Đây là trận chiến giữa các chiến hạm Hải quân VNCH dưới quyền của tác giả, tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, và các chiến hạm Trung quốc, tháng 1 năm 1974.

Chào các bạn,
Anh Hồ Văn Kỳ Thoại là bạn vong niên của mình. Lúc anh Thoại còn làm việc tại Council for Advancement and Support of Education (CASE) ở Washington DC, hai anh em thường gặp nhau ăn trưa và hàn huyên. Quyển “Can Trường Trong Chiến Bại” là hồi ký anh Thoại viết về cuộc đời hải quân của anh, ghi lại “hành trình của một thủy thủ” từ lúc gia nhập Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (tức miền Nam trước 1975) cho đến cuối cuộc chiến tranh Việt Nam ngày 30.4.1975, lúc anh Thoại đang là phó đề đốc hải quân (tương đương chuẩn tướng bên lục quân).
Quyển sách này liên hệ đến một số biến cố lớn của Nam Việt Nam, và trong bài điểm sách này chúng ta chỉ điểm qua vài biến cố, như cuộc đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963 (5 năm sau khi tác giả rời chức vụ tùy viên cho tổng thống Diệm), các cuộc đảo chánh và chỉnh lý liên tục của các tướng lãnh sau 1963, và cuộc triệt thoái quân đội miền Nam ra khỏi quân khu 1(Quảng trị đến Đà Nẵng) đưa đến sự sụp đổ của toàn miền Nam.
Đây là một quyển sách chú tâm vào dữ kiện. Tác giả kể lại các sự kiện chính mình là nhân chứng, với một giọng văn chừng mực và khoảng cách, không phân tích, bình luận hay phê phán. Thỉnh thoảng có một hai sự kiện tác giả phải lấy từ các nhân chứng khác, thì cũng được chú dẫn nguồn rõ ràng. Cho nên các dữ kiện rất đáng tin. (Điều này mình thấy rất hợp với con người anh Thoại. Không nhiều ý kiến. Suy nghĩ và làm việc rất ngăn nắp). Vì vậy, người không rành sử miền Nam, có thể thấy hơi khó hiểu vì nhiều dữ kiện mà ít phân tích và bình luận. Nhưng những người rành sử miền Nam thì sẽ biết ơn các dữ kiện liên hệ đến lịch sử do chính một nhân chứng viết lại “như chúng là” mà không bình luận nhào nặn uốn nắn.
Đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm, 1963
Các dữ kiện về cuộc đảo chánh năm 1963 cho thấy một nhóm tướng lãnh rất bất trật tự, không biết đến đạo trung, tuân theo sự quản lý của Mỹ, dùng đủ mọi thủ đoạn, kể cả hạ sát tổng thống của mình và bạn đồng nghiệp—như hạ sát Tư lệnh Hải quân Hồ Tấn Quyền, được xem là trung thành với tổng thống Diệm–để lấy được mục tiêu của mình. Rồi sau đó các quý vị lại quay sang “chỉnh lý” và thanh trừng nhau, rất hỗn loạn.
Trong tình trạng như thế, hàng ngũ lãnh đạo quân đội đương nhiên là rất yếu. Một đoạn nói về việc chọn người làm Tư Lệnh Hải Quân năm 1966 như sau:
“Khóa 1 [Sĩ quan Hải quân] thì chỉ còn trung tá Chơn là chưa có chuyện lôi thôi trong Hải quân, mặc dù đã giữ chức tư lịnh rồi nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Đại tá Lê Quang Mỹ, tư lịnh đầu tiên thì đang ẩn dật vì tham gia vào những cuộc đảo chánh bất thành, đại tá Quyền thì bị ám hại trong cuộc đảo chánh 1963, đô đốc Cang và đại tá Tánh thì được thuyên chuyển lên núi sau cuộc nội loạn trong Hải quân, cho nên tướng Cao Văn Viên đánh lá bài chót là gọi điện thoại cho Trung tá Trần Văn Chơn lúc đó đang chỉ huy Liên đoàn Tuần giang thuộc Bộ Chỉ huy Địa Phương quân, hỏi Trung tá Chơn có muốn trở về Hải quân không.” Tr. 99.
Và ngay ở cấp lãnh đạo cao nhất trong nước thì:
“Một việc làm tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi được tận tai nghe ba người lãnh đạo không đồng ý chính sách của Mỹ tại Việt Nam. Cả ba vị này đều phải ra đi bằng cách này hay cách khác, một cách đột ngột. Đó là Tổng thống Ngô Đình Diệm, đại tướng Nguyễn Khánh và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.” Tr. 90.
Rất đau lòng!
Sở Phòng Vệ Duyên Hải (1966-1970)
Đoạn kết luận của chương nói về thời tác giả là trung tá tư lệnh Sở Phòng Vệ Duyên Hải, cơ quan chuyên công tác mật ra phía Bắc, viết:
“Để kết luận, hoạt động của Sở Phòng Vệ Duyên Hải quá lệ thuộc Hoa Kỳ, một chuyến công tác tại Bắc vĩ tuyến dù nhỏ đến mấy cũng cần có sự đồng ý của tòa Bạch Ốc vì sợ sự bành trướng quy mô có thể gây sự nhập cuộc của Trung Cộng và khối Sô Viết. Chúng tôi hoàn toàn căm phẫn đối với một vài tác giả Hoa Kỳ dựa trên nhận xét nông cạn nói rằng chiến sĩ thuộc Sở Phòng vệ Duyên Hải thi hành công tác vì tiền và không có tinh thần chiến đấu mãnh liệt.” (Tr. 128-129)
Triệt thoái khỏi quân khu 1 (3/1975)
Trong cuộc triệt thoái khỏi quân khu 1 vào tháng 3 năm 1975, Hải quân trong tay của tác giả, lúc đó là đang là phó đề đốc tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, là phương tiện di tản chính, vì đường bộ hoàn toàn bị cắt. Tác giả viết trước khi triệt thoái khỏi Đà Nẵng:
“Ngồi trên trực thăng bay từ Căn Cứ Thủy Quân Lục Chiến, trời sập tối, trở về Bộ Tư Lịnh Hải Quân tại Tiên Sa nhìn xuống cầu Trịnh Minh Thế và trên con đường đi từ cầu đến Sơn Chà, một cảnh tượng hết sức hỗn độn với đèn xe hơi, cảnh người chạy bộ trông thấy hãi hùng và muốn rơi nước mắt. Tại sao lại chạy xuống bãi biển và tìm tàu ghe mà đi? Trong các trận chiến trước đây chống Pháp, Nhựt, tôi còn nhớ rõ lúc còn nhỏ, khi giặc tới người dân thường lẫn trốn về miền quê để tránh bom đạn. Còn đây lại khác, người dân quyết định bỏ hết của cải nhà cửa ruộng vườn, mồ mã ông cha mà ra đi về một phương trời xa lạ. Tại sao người dân sợ đoàn quân sắp tấn công thị thành của họ là người Việt Nam hơn là họ sợ đoàn quân của ngoại bang xâm chiếm quê hương họ? Tôi liên tưởng đến cuộc di dân từ Bắc vào Năm năm 1954 và lo âu cho dân miền Trung.” Tr 218
Và sau khi triệt thoái khỏi Đà Nẳng vào tháng 3 năm 1975, nhận công việc mới tại Vũng Tàu, tác giả có viết một phúc trình gởi đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, về cuộc triệt thoái. Phần kết luận của bản phúc trình có viết:
“A. Việc quyết định cho tàu chuyển vận của quân đội, thương thuyền trưng dụng và tàu ngoại quốc để di tản dân chúng gây ảnh hưởng tâm lý dây chuyền đến gia đình binh sĩ và các binh sĩ đang chiến đấu, bất lợi cho việc cố thủ các thị trấn.
B. Một số cấp chỉ huy không kiểm soát được đơn vị và quân nhân trực thuộc, gây tình trạng hỗn loạn tại vài nơi khi các chiến hạm di tản quân và dân.”
Đương nhiên đây là ảnh hưởng tâm lý dây chuyền. Quân đội miền Nam tự động rã hàng, chỉ vì việc rút quân (từ Pleiku và Ban Mê Thuột, rồi sau đó là từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng). Việc rút quân làm toàn quân mất sĩ khí, và rã hàng, không kiểm soát được. Trong chiến trận sĩ khí quyết định ít nhất là 70% thắng thua.
Trên đường lưu vong (4/1975)
Và trên đường hải hành đi ra nước ngoài ngày 30 tháng 4 năm 1975, tác giả viết:
“Ngày 30 tháng tư năm 1975, trên cơ xưởng hạm Vĩnh Long, trên biển Nam Hải, hải hành hướng về căn cứ Subic Bay của Hải Quân Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, tôi cùng gia đình rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Cha tôi, một người suốt đời hãnh diện mình là người Việt, chỉ mang theo một bị nhỏ trong đó có quyển gia phả, lá quốc kỳ Việt Nam, màu vàng ba sọc đỏ, và cái áo dài mà ba tôi ghi lại trong nhựt ký là để sang nước ngoài mặc lúc cúng ông bà.
Cha tôi ngồi trên tàu nhìn tôi, trong bộ quân phục xanh tôi mặc lần cuối, đang đi tới gần, nói nhỏ cho tôi vừa đủ nghe: ‘Ba hết sức thất vọng.’ Tôi hiểu ý cha tôi và đau đớn đến nhói tim. Tôi đau đớn và cảm thấy tủi nhục vì đó là lời trách móc của một công dân Việt Nam trách móc một quân nhân không làm tròn bổn phận đã được quốc dân tin tưởng và giao phó. Một công dân thất vọng khi nhìn một tướng lãnh thua trận. Một người cha thất vọng vì đã có ba đứa con trai ở trong quân ngũ mà bây giờ phải bỏ quê hương bỏ hết nhà cửa với những vật kỷ niệm của gia đình để ra đi một cách tủi nhục.
Ám ảnh bởi lời nói cha tôi, tôi lúc nào cũng nghĩ là tôi còn thiếu nợ cha tôi, một món nợ rất lớn vì đó là chuyến xuất ngoại cuối cùng của cha tôi, một người suốt đời hãnh diện mình là người Việt Nam mà khi nhắm mắt không được nằm tại quê hương.” Tr. 284.
Và tác giả kết luận:
“Cái quả ngày nay là do cái nhân ngày trước mà tất cả chúng ta, quân cũng như dân đều có một phần trách nhiệm, từ một anh thường dân trốn lính đến một ông tướng ra một quyết định sai, nhưng dưới con mắt của một quân nhân Hải Quân nên có thể quá chủ quan, quân đội miền Nam gặp nhiều khó khăn bởi:
Cuộc đảo chánh năm 1963 của các tướng lãnh thâm niên thời đó gây tai hại cho kỷ luật và trách nhiệm của quân đội nếu không nói là sai lầm lớn nhứt kéo đến sự sụp đổ của miền Nam. Với sự khuyến khích của ngoại bang, một số người bất mãn, không nghĩ xa đã phá vỡ trật tự và kỷ luật của quân đội. Chánh quyền dân sự không còn tin tưởng tuyệt đối vào quân đội dù chính quyền đó do một vị tướng lãnh đạo. Quân đội thì nghĩ rằng mình có vũ khí nên có quyền quyết định vận mạng của đất nước bất chấp hiến pháp…” Tr. 291
Trận Hải Chiến Hoàng Sa (1/1974)
Đối với mọi đọc giả ngày nay, dù quan tâm hay không đến lịch sử miền Nam, chương quan trọng nhất trong quyển sách là Chương 16: Trận Hải Chiến Tại Hoàng Sa. Đây là trận chiến giữa các chiến hạm Hải quân VNCH dưới quyền của tác giả, tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải, và các chiến hạm Trung quốc.
“Quần đảo Hoàng Sa gồm nhiều đảo… Bốn đảo chánh thuộc chủ quyền Việt Nam vì luôn luôn có sự hiện điện của người Việt. Đó là các đảo Pattle (hoàng Sa), đảo Robert (Cam Tuyền), đảo Duncan (Quang Hòa Đông) và Đảo Drummond (Duy Mộng). Sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương, thì lúc nào Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng có quân đội đóng trên các đảo này. Riêng tại đảo Pattle, Việt Nam Cộng Hòa còn có một đài khí tượng thuộc hệ thống khí tượng Quốc tế.” Tr. 114.
“Năm 1970, khi tôi vừa nhận chức Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên Hải, tôi đặt khẩu hiệu của Hải quân Vùng 1 Duyên Hải là ‘Hoàng Sa Trấn, Hải Biên Phòng’.” Tr. 145.
Ngày 16.1.1974 các chiến hạm Trung quốc xuất hiện và đổ quân lên các hải đảo Duncan và Drummond. Phó Đề Đốc Thoại báo cáo tình hình cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
“Sau khi nghe tôi trình bày xong, Tổng thống Thiệu lấy bút giấy ra viết liên tục trong khoảng 15 phút. Sau khi viết xong, ông gọi tôi đến trước mặt ông và yêu cầu tôi đọc mấy trang giấy đó. Tổng Thống Thiệu nói: ‘Anh Thoại đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng cho tôi biết ngay bây giờ’.” Tr. 149.
“Sau khi trao thủ bút cho tôi Tổng Thống Thiệu hỏi các vị tướng lãnh bộ binh hiện diện có ý kiến gì không. Không ai trả lời. Ông nói tiếp: ‘Chúng ta không để mất một tấc đất nào cả’.” Tr. 150.
“Trận hải chiến thật sự chỉ kéo dài hơn ba mươi phút… Chiến hạm Việt Nam không đuổi theo tàu địch mà chiến hạm Trung Cộng cũng không đuổi theo chiến hạm Việt Nam.
Tôi gọi điện thoại về Bộ Tư lịnh Hải quân xin can thiệp với cố vấn Mỹ yêu cầu Đệ thất Hạm đội của Hoa kỳ vớt các thủy thủ Việt Nam, nhưng dường như họ có được chỉ thị nên không một chiến hạm Mỹ nào đến gần nơi xảy ra cuộc hải chiến.
Với những đe dọa từ phía Trung Cộng, sự không tham dự của quốc gia mà chúng ta gọi là ‘đồng minh’, sự từ chối của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ trong việc cứu người trôi trên biển tôi cảm thấy rất ê chề…” Tr. 162.
“Ai là người Việt Nam có quyền hãnh diện là trận hải chiến Hoàng Sa là một trận hải chiến duy nhất của Việt Nam và của thế kỷ, chống ngoại xâm, và bảy thế kỷ sau khi tướng Trần Hưng Đạo đánh bại quân Mông Cổ từ phương Bắc, trên mặt nước.
Còn những ai nghĩ là Việt Nam Cộng Hòa còn lệ thuộc Mỹ phần nào thì đây là bằng chứng rõ rệt là việc tấn công lực lượng Trung Cộng là hoàn toàn do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lịnh, không có sự đồng ý của của Hoa Kỳ và không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ dù là nhân đạo tối thiểu như vớt người trôi trên biển cả.” Tr. 168.
Kết luận
Trong phần kết luận, tác giả viết:
“Như các hàng cuối của bản phúc trình tôi gởi lên đại tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, tất cả quân nhân Hải Quân trên các chiến hạm, chiến đỉnh, hải thuyền cũng như trên các căn cứ đều thi hành bổn phận của mình một cách can trường và xứng đáng với màu áo, trong cuộc thất thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Quân Khu 1. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên hay may mắn mà nhờ Hải Quân có một truyền thống đẹp, một tổ chức vững vàng, một kế hoạch tuyển mộ và huấn luyện cho nhân viên rất tốt và nhờ tài lãnh đạo của sáu vị tư lịnh Hải Quân, mỗi người một cách, đã biến tinh thần kỹ luật và lương tâm nghề nghiệp của người chiến sĩ áo trắng thành một thói quen.” Tr. 286
Thắng thua là lẽ thường. Điều quan trọng là chúng ta làm tròn nhiệm vụ của mình với tất cả cố gắng. Đây là quyển sách nói về một phần của lịch sử Hải quân Việt Nam, nhưng chắc chắn là nó sẽ là một phần quan trọng trong việc tranh cãi chủ quyền Hoàng Sa trên công luận quốc tế, vì nó kể lại hành động xâm lăng của Trung quốc năm 1974. Chỉ vì Hoàng Sa mà thôi cũng đã đáng cho chúng ta đọc.
Còn một vài sự kiện khác trong quyển sách dày 328 trang, nhưng chúng ta không đào sâu trong bài điểm sách này, như trận Vũng Rô của Hải quân VNCH ở Phú Yên đưa đến việc Hải quân Hoa Kỳ tham gia chiến tranh Việt Nam, và cuộc nổi loạn của trong Hải quân VNCH năm 1965.
Cám ơn Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại đã gởi sách cho mình điểm. Và cám ơn tình bạn của anh.
Đồng thời vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ngày trước.
Việt Nam chúng ta là một quốc gia của các chiến sĩ và của nghìn năm chinh chiến. Và vì thế chúng ta luôn luôn tôn trọng chiến sĩ, dù là khác giới tuyến, dù ai thắng ai thua. Đó là Võ Sĩ Đạo, hay Chiến Sĩ Đạo. Chúng ta đã cư xử đúng đạo nghĩa đó giữa các chiến binh Việt Mỹ. Và hy vọng là chúng ta sẽ thấy Chiến Sĩ Đạo được ứng xử giữa các chiến binh Việt Việt.
Thành kính ghi ơn.
Trần Đình Hoành
Virginia, USA
8 tháng 2, 2011.
Bài đọc liên hệ:
Tuyên Cáo của Việt Nam (Cộng Hòa) năm 1974 về Trận Hải Chiến Hoàng Sa
Thông tin mua sách CTTCB:
Mỗi quyển: US $20
Cước phí (priority mail): Mỹ $3 – Các nước khác $9
Ngân phiếu gởi về:
Hovanky
P.O.Box 721322
Houston, TX 77272-1322
USA
Hay trả bằng credit card tại
www.cantruong.com
Tôi không thể viết comment bên Ông Thế Uyên được vì không có phần ý kiến tôi xin mượn tạm nơi nầy để nói với ông Thế uyên vài lời. Sao ông biết chỉ có du kích 2 bên bờ sông từ Sài gòn ra Vũng tàu ? Ông mĩa mai anh em Hải quân còn hơn kẻ thù chúng ta là cộng sản ,lúc sư đoàn 18 ngăn vc tại xuân lộc Ông ở đâu? Chắc trong động điếm ,chuyện lui binh. Chuyện lính du côn đơn vị nào cũng có nhất là Lao công đào binh trong sư đoàn TQLC ,còn sư đoàn 1 Tướng Điềm ra lệnh tan hàng là không còn cách nào khác khi tất cả đều tan hàng do Lệnh của Ông Truỏng ,Cho dù trên đường Di tản Hải quân không đụng trận nhưng cuộc Hải hành ra đi đã cứu vớt không biết bao nhiêu sinh mạng lính và Đồng bào , giữ được trât tự kỷ luật là một kỳ tích ,Ông Thế Uyên ông cũng từng là lính ông không yêu Quân đội thì ông để người ta yêu Quân đội ,Quân lực Vnch chưa có ai có giấy giãi ngũ thưa ông ? ,nên họ có quyền bận Quân phục ,đừng lôi một vài cá nhân khoe khoang chạy trước hàng quân ra nói ,họ không đại diện cho quân đội ,tôi không ngờ một sĩ quan Vnch như ông viết quá Ngu và quá tầm thường ,cái quân đội mà ông chê đã bảo vệ Miền nam mấy mươi năm cho chính bán thân và gia đình của ông đấy ông Uyên ,trân trong chào ông
ThíchThích