Chuyên đề Đường Tây Nguyên

Ðường tại Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y bị gãy từng khúc – TIỀN LÊ

***

Ðường tiền tỷ vừa khánh thành đã hỏng: Lại đổ do…mưa

TP – Gần đây, nhiều tuyến đường chạy qua địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum hư hỏng nghiêm trọng, mà không ít tập thể cá nhân liên đới trách nhiệm cho rằng đường hỏng do… mưa.

Mặt đường 95 tỷ tại Gia Lai bị bong tróc, lớp nhựa mặt đường không kết dính, vỡ vụn như cát
Mặt đường 95 tỷ tại Gia Lai bị bong tróc, lớp nhựa mặt đường không kết dính, vỡ vụn như cát

Cần chỉ đúng nguyên nhân

Sở GTVT tỉnh Kon Tum vừa có tờ trình số 73 đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương và cấp kinh phí hơn 15 tỷ đồng để khắc phục hư hỏng tại hàng loạt công trình giao thông. Đó là tỉnh lộ 672, tỉnh lộ 675, tỉnh lộ 678, đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh và đoạn từ đường Hồ Chí Minh đi xã Đăk Ang. Nguyên nhân đường hư hỏng được đưa ra là do ảnh hưởng cơn bão số 4  vào tháng 8/2018.

Mới đây, 3 tuyến đường tại Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) có tổng vốn đầu tư và nâng cấp khoảng 35 tỷ đồng cũng bị hỏng nghiêm trọng. Đây là những công trình nằm trong 52 dự án có tổng số vốn lên tới 1.400 tỷ đồng, được ngân sách đầu tư tại khu vực cửa khẩu trong 5 năm qua.

Cụ thể, đường D8 dài hơn 1,7km và rộng 1m được đầu tư hơn 6,1 tỷ đồng, sau đó được rót thêm 7,7 tỷ đồng nâng cấp thành đường bê tông xi măng, đưa vào sử dụng từ tháng 4/2017. Hiện công trình này đã sạt lở nền đường, mái ta luy âm hơn 30m, rộng 8m, sâu 5m. Khối lượng sạt lở lên tới 1.200m3.

Đường D7 chỉ dài 1 km, chi phí đầu tư và nâng cấp 17,8 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng tháng 5/2015, nay đã bị sạt lở nền đường và mái ta luy âm, vỉa hè bị nứt toạc kéo dài hơn 40m. Khối lượng sạt lở khoảng 1.400m3.

Đường I-1 chỉ dài 250 m, vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2014 cũng cùng cảnh ngộ. Mái Ta luy âm sụt xuống sâu hơn 10m, hệ thống cống rãnh thoát nước, vỉa hè cùng cây xanh đổ sập, nhiều mảng bê tông gãy lộ khung sắt.

Ðường tại Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y bị gãy từng khúc
Những đoạn đường trên đều ngắn, được đầu tư nhiều tỉ đồng nhưng đã nhanh chóng hư hỏng. Lý giải điều này, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho rằng, nguyên nhân là do… mưa. Mới đây, đơn vị này tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chi thêm 5 tỷ đồng nữa để “khắc phục”.

Trong khi đó, theo đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Kon Tum, cần làm rõ lý do tại sao, do thiết kế sai, hay thi công ẩu hoặc do địa hình địa chất ? Trước khi UBND tỉnh cho chủ trương khắc phục cần phải chỉ cho đúng nguyên nhân.

Ðổ thừa vậy, thật khó nghe!

Đoạn đường dài 21,8km liên huyện Đắk Đoa và Chư Prông tại tỉnh Gia Lai có vốn đầu tư 95 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, mới đưa vào sử dụng vài tháng cũng có nhiều chỗ hỏng.

Đơn vị tư vấn, thiết kế là Công ty Cổ phần phát triển Đại Việt. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên (TP Pleiku, Gia Lai), Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Hà Mỹ Hưng. Đường thi công năm 2016, đến tháng 2/2018 thì được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Thời gian bảo hành chỉ 12 tháng, tức là đến tháng 2/2019 sẽ hết bảo hành.

Điều đáng nói là, dù biên bản nghiệm thu công trình trên được phê “Đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xây dựng, đúng thiết kế”, nhưng thực tế, mặt đường nhiều chỗ bong tróc, lồi lõm, nhiều vị trí bị nứt, cong vênh. Thậm chí, chỉ cần dùng tay, phóng viên cũng có thể bóc được từng mảng đường. Tổng diện tích mặt đường hỏng được xác định khoảng 400 m2.

Theo ông Phạm Xuân Điệp- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai (thuộc UBND tỉnh Gia Lai) là đơn vị chủ đầu tư công trình, lý do đường 95 tỷ bị hỏng cũng là… mưa.

Tuy nhiên, một kỹ sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cầu đường tại Gia Lai phản đối cách “đổ thừa” đó! Theo ông, bảo đường hỏng do mưa là không thuyết phục. Bởi, trên mặt đường có lớp láng nhựa, gọi là áo đường mềm. Lớp áo này không cho nước thấm qua. Nếu hệ thống thoát nước được làm tốt thì đường không thể nào bị hỏng do mưa. Hơn nữa, nếu do mưa, thì đường phải hỏng toàn tuyến, chứ không thể bị ở từng điểm riêng lẻ như báo chí phản ánh.

Cùng quan điểm, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành cho rằng bảo đường hỏng do mưa là không thuyết phục. Bởi nhà thầu có kinh nghiệm sẽ tính toán được thời gian phù hợp để thi công.

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ra văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, chủ thầu và đơn vị thi công kiểm tra hiện trạng hư hỏng tuyến đường. Đồng thời, các đơn vị liên quan phải khẩn trương sửa chữa, khắc phục các vị trí đường hỏng để đảm bảo an toàn giao thông, thông tin kết quả đến các báo và UBND tỉnh.

Theo ông Phạm Xuân Ðiệp- Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai (thuộc UBND tỉnh Gia Lai) là đơn vị chủ đầu tư công trình, lý do đường 95 tỷ bị hỏng cũng là… mưa.

***

Tiền bảo trì không đủ để vá đường hỏng

TP – Dù được đầu tư công phu và đắt đỏ về giá thành, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, nhiều đoạn đường ở Tây Nguyên đã bị hư hỏng, xuống cấp. Việc khắc phục thường dây dưa kéo dài, vì khoản kinh phí bảo trì đường bộ ít ỏi không đáp ứng đủ nhu cầu duy tu, sửa chữa.

QL 14 đoạn qua xã Nam Bình, huyện Ðắk Song liên tục hư hỏng
QL 14 đoạn qua xã Nam Bình, huyện Ðắk Song liên tục hư hỏng

Quốc lộ nhiều đoạn vừa làm xong đã hỏng

Đường Hồ Chí Minh (QL 14) nối từ tỉnh Kon Tum đến Bình Phước chính thức thông đường từ tháng 6/2015 có tổng chiều dài khoảng 553 km. Từ khi thông đường đến nay đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh kia, thuận lợi hơn cho giao thông, lưu chuyển hàng hóa. Nguồn vốn đầu tư tổng cộng hàng chục nghìn tỉ đồng chủ yếu từ Trái phiếu Chính phủ và có sự góp sức của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT.

Tuy nhiên, trong số các đơn vị thi công, vẫn có những nhà thầu thể hiện năng lực yếu kém, nên nhiều đoạn đường được giao mới làm xong đã hỏng.

Khá điển hình, là đường Hồ Chí Minh đoạn qua các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Păh thuộc địa phận tỉnh Gia Lai quá nhanh hỏng với rất nhiều ổ gà và các vệt lún. QL 14 đoạn qua Đắk Lắk có chiều dài khoảng 119 km, gồm 2 dự án vốn trái phiếu Chính phủ dài 70km và một dự án BOT khoảng hơn 25km. Trong đó, đoạn lộ ra rất nhiều chỗ hỏng thuộc huyện Ea H’Leo, thị xã Buôn Hồ, các xã đầu và cuối TP Buôn Ma Thuột như Hòa Phú, Hòa Thắng, Đạt Lý.

Tại tỉnh Đắk Nông, QL 14 dài 154km, có 2 dự án BOT và 1 dự án được thực hiện bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Các vị trí đường hỏng khiến nhà đầu tư phải liên tục có các phương án sửa chữa, là  các đoạn đường chạy qua xã Tâm Thắng và thị trấn Ea T’Linh (huyện Cư Jút); Đoạn qua thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song; Đoạn từ xã Đắk Ru, và thôn 8, xã Nhân Cơ thuộc huyện Đắk R’Lấp, về thị xã Gia Nghĩa v.v…

Đường Nguyễn Trung Trực đối diện với cổng chính ra vào trụ sở UBND thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) bị xói lở phần lớp thảm trên, khiến từng lớp đá dăm vỡ vụn đọng dày ở hai bên đường. Đường Ca Bá Quát tiếp ở giữa đường Nguyễn Trung Trực nối gần với trụ sở UBND thị xã Gia Nghĩa cũng bị bong tróc mặt đường.

Qua khảo sát thực tế, nhà chức trách địa phương đã có báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Quản lý đường bộ III, chỉ đạo các đơn vị nhà thầu khắc phục các hư hỏng. Ông Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng Quản lý dự án II (thuộc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) cho biết, do đặc điểm của Tây Nguyên 6 tháng nắng, 6 tháng mưa nên việc khắc phục đường hỏng rất khó khăn. “Một số tuyến đường qua thành phố do được làm từ lâu, nên đã hết thời gian bảo hành. Quá trình rà soát, kiểm tra trên toàn tuyến, chúng tôi đã trao đổi với Chi cục Quản lý đường bộ III thống nhất sang năm phải có 2 đợt tiến hành kiểm tra sửa chữa” – ông Dương nói.

Tỉnh lộ, huyện lộ đều thiếu tiền để vá

Nhiều tuyến đường nối trung tâm hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đi các huyện, xã đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó, nguồn kinh phí sửa đường “chẳng thấm vào đâu”.

Tỉnh lộ 1 từ TP Buôn Ma Thuột qua huyện Buôn Đôn nối liền với địa bàn huyện biên giới Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) có “tuổi đời” gần 20 năm. Đây là tuyến đường quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng và du lịch vùng phía Tây tỉnh, nhưng nhiều đoạn hỏng nặng từ lâu. Các tuyến tỉnh lộ 12 nối từ QL 27 dẫn vào huyện Krông Bông, QL 29 đi qua thị xã Buôn Hồ dẫn vào huyện Krông Năng nhiều đoạn mặt đường vỡ nát, nhiều năm nay vẫn chưa được sửa chữa dứt điểm.

Đường vành đai phía Tây TP Buôn Ma Thuột được đầu tư quy mô, đắt đỏ, chưa thông xe cũng đã xuống cấp. Khởi công từ năm 2009, dự án này tổng mức đầu tư sau điều chỉnh khoảng 680 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách, với quyết tâm thông đường vào năm 2015. Nhưng kế hoạch phải lùi dần, và đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.

Do 14 km đường vành đai này được chia nhỏ ra 7 gói thầu, cho 7 đơn vị mạnh yếu khác nhau, nên chất lượng mỗi đoạn mỗi khác. Nhà chức trách địa phương xác nhận, sau 3 năm đi vào sử dụng, đã có một số đoạn đường bị xuống cấp, đọng nước, giải phân cách bị vỡ, nứt vữa , mặt đường có chỗ bong tróc sâu 5-10cm. Nguyên nhân chủ yếu do đơn vị thi công cẩu thả, chắp nối, lớp bê tông “vá” bên trên không gắn liền, phá vỡ kết cấu của giải phân cách…

Theo Sở GTVT Ðắk Lắk, thời gian qua công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế trước các áp lực về nợ công, thực hiện luật đầu tư công, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích hơn 13 nghìn km đường giao thông, thì có tới 10 nghìn km cần đầu tư cải tạo, nâng cấp.

***

Tuổi thọ nào cho những con đường?

TP – Nhu cầu được rót vốn để xây dựng, sửa chữa cầu đường của tất cả các tỉnh thành trong nhiều thập kỷ qua chưa bao giờ được đáp ứng đủ, đó là lý do đầu tiên mà 2 ngành Giao thông-Xây dựng giải thích về những than oán của dân chúng về hiện trạng đường sá. Tuy nhiên, với cán bộ chuyên ngành, vấn đề không phải chỉ ở chữ tiền!

Ðường “Ðẹp nhất Việt Nam”

Đắk Lắk từng có một đoạn đường dài 40km được trao giải “Đẹp nhất đường cấp 4 miền núi Việt Nam”. Đó là đoạn đầu của Tỉnh lộ 1, từ Km0-Km40, từ ngoại thành Buôn Ma Thuột về huyện Buôn Đôn.

Ông Tô Quang Dịnh, cán bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đắk Lắk kể: Năm 2002, ông Dịnh khi đó là Phó Giám đốc Công ty Quản lý sửa chữa cầu đường bộ 2 Đắk Lắk- đơn vị quản lý đoạn đường này đã được thay mặt đơn vị ra Hà Nội nhận giải thưởng. Đoạn đường do nhiều đơn vị thi công, trong đó có Sư đoàn 470, công ty Cầu đường Đắk Lắk, do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Bộ GTVT tổ chức bình chọn đường đẹp, căn cứ nhiều tiêu chí: bình đồ, cắt dọc, mặt đường, hành lang, an toàn giao thông v.v…, rồi phát hành công văn để tất cả các Sở GTVT tự đăng ký, sau đó Bộ GTVT cử hội đồng chuyên gia đi chấm điểm nghiêm túc. Giá trị giải thưởng không lớn, nhưng niềm tự hào về chất lượng thi công, thiết kế, giám sát của đội ngũ cán bộ, công nhân đã đổ mồ hôi xây dựng đoạn đường này thì vô giá.

Sau gần 20 năm đưa vào sử dụng, đoạn đường “Đẹp nhất Việt Nam” tuy cũng lộ ra nhiều chỗ hư hỏng nhưng chất lượng sử dụng vẫn tương đối tốt hơn nhiều con đường khác có giá thành tương đương. Chỉ cần đi tiếp từ Km40 huyện Buôn Đôn vào huyện Ea Súp, ai cũng thấy nhiều đoạn đường nát bấy, nhiều hành khách vẫn gọi đây là “đường phá thai”, vì đi qua đoạn này độ xóc đủ khiến các bà bầu khiếp sợ.

Phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum cũng có một số đoạn đường bền đẹp, cạnh những con đường nghìn tỉ tai tiếng vừa lãng phí vừa nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Hùng Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, hệ thống đường bộ trên toàn tỉnh đã được đầu tư khá thông suốt. Tuy nhiên, các quốc lộ qua tỉnh thì chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ. Tỉnh lộ thì hầu hết xuống cấp, do xây dựng đã lâu, đến thời điểm phải sửa chữa nâng cấp lại chưa được bố trí vốn. Hỏi “vì sao cũng bấy nhiêu tiền, mà chất lượng mặt đường khác nhau?”, ông Hùng khẳng định: Do nằm ở chuyên môn, ý thức trách nhiệm, cơ chế giám sát, quản lý thi công.

Quy định về “tuổi thọ” đường sá

Trả lời câu hỏi về tuổi thọ mỗi loại đường, kỹ sư cầu đường Thân Văn Duyên-Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của Sở GTVT cung cấp cho báo Tiền Phong hàng loạt thông tư, nghị định tới hơn 300 trang chi chít từ ngữ chuyên môn và thông số tỉ mỉ, mà Chính phủ và Bộ GTVT, Bộ xây dựng đã ban hành, có quy định về  vấn đề này.

Trong đó, Phụ lục IV về “Thời gian sửa chữa định kỳ kết cấu áo đường” ban hành kèm theo Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT của Bộ GTVT chỉ rõ: Thời gian sửa chữa định kỳ “kết cấu áo đường” bao gồm sửa chữa vừa (trùng tu) và sửa chữa lớn (đại tu) được xác định theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế; Hoặc theo quy trình bảo trì…

Điều cần lưu ý trong quá trình khai thác, là “thời hạn sửa chữa định kỳ được nêu trong bảng của mục 2 phụ lục này sẽ được xem xét thay đổi khi tải trọng, lưu lượng khai thác khác với thiết kế, công trình chịu tác động của các nguyên nhân bất khả kháng và các nguyên nhân khách quan khác.”

Cung cấp cho PV Tiền Phong hàng loạt văn bản “đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm” và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các đơn vị thi công, giám sát  đã để xảy ra nhiều sai sót để một số đoạn đường nội thị mới làm xong đã hỏng (báo Tiền Phong có nhiều bài phản ánh), ông Lâm Tứ Toàn- Giám đốc Sở Xây dựng Ðắk Lắk cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi thấy nguyên nhân cơ bản nhất là thiếu sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công với tư vấn giám sát. Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nhiều chủ đầu tư không có trình độ quản lý và chuyên môn, nên đã thuê và “bán cái” cho tư vấn giám sát. Còn tư vấn giám sát thì không bám công trình mỗi ngày, nên buông lỏng, bỏ mặc thi công muốn làm gì thì làm…

***

Vạn tỉ vẫn hỏng, đâu phải vì mưa?!

TP – Câu hát “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” trong ca khúc nổi tiếng “Tình ca Tây Nguyên” được Hoàng Vân viết từ 4 thập kỷ trước ở Gia Lai-Kon Tum, nhưng thành phố lân cận cũng ngỡ nhạc sĩ sáng tác ở xứ mình, vì Buôn Ma Thuột từng bị gọi là chốn “Bụi Mù Trời”.

 Vạn tỉ vẫn hỏng, đâu phải vì mưa ?!

“Đất đỏ” và “bụi mù” trong giao thông và sinh hoạt, là nỗi ám ảnh nhọc nhằn với cư dân nơi cao nguyên chia đều mỗi năm hai mùa nắng rát, mưa dội. Bây giờ, Tây Nguyên đã có nhiều đô thị. Tuy nhiên, “những con đường đất đỏ lượn vòng” vẫn còn hiện hữu ở ngoại ô, đường vào các thôn buôn vùng sâu, nơi dân di cư tự do “nhảy dù” phá vỡ quy hoạch, dù đã có tới cả triệu tỉ đồng từ các nguồn vốn vay, vốn trái phiếu, vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp, vốn dân góp v.v… đổ xuống đất này suốt 4 thập kỷ qua, xây đắp thêm rất nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã ngang dọc khắp các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum.

Nguồn vốn làm đường khổng lồ đã được đánh đổi từ tài nguyên đất nước như dầu mỏ, gỗ rừng, và nhiều khoản vay lớn khiến gánh nợ công thêm trĩu nặng, mà mỗi người dân đều phải góp phần chi trả. Vì vậy, dù giao thông ngày càng thuận lợi hơn trước, nhưng sự bất bình của người dân trước những cung đường được đầu tư trăm tỉ, nghìn tỉ, vạn tỉ mà chất lượng kém, mới đưa vào sử dụng đã hỏng, là lẽ tất nhiên.

Tây Nguyên có mấy cửa khẩu thông qua 2 nước bạn Lào, và Cămpuchia. Ai từng đi ô tô theo đường bộ, qua cửa khẩu Bờ Y thuộc tỉnh Kon Tum sang Lào, qua cửa khẩu Lệ Thanh thuộc tỉnh Gia Lai hoặc cửa khẩu Bu Prăng thuộc tỉnh Đắk Lắk sang Cămpuchia, đều không khỏi ngỡ ngàng với chất lượng đường sá tốt và đẹp hơn hẳn, của 2 “em láng giềng” nhỏ và nghèo hơn Việt Nam. Chưa kể tới hệ thống đường sá hiện đại ở những nước văn minh hơn như Thái-Sin-Ma, mà những đoàn ô tô caravan xuyên Đông Nam Á đều dễ dàng cảm nhận được.

Tất nhiên không phải đoạn đường nào mới thông xe cũng hỏng. Là phóng viên thường xuyên qua lại trên nhiều cung đường khắp khu vực Tây Nguyên, tôi dịu lòng khi được nhìn thấy những tấm biển tự tin cam kết bảo hành tới 5 năm tại gói thầu của một đơn vị đoạn qua huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông.

Một cung đường khác cũng có chất lượng khá ổn, là 12km đường tránh qua đèo Măng Đen trên bình độ nghìn mét, thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn từ thành phố Kon Tum lên cao nguyên Kon Plông.

Đáng tiếc là tỉ lệ đường chất lượng cao còn quá ít trong tổng chiều dài đường sá. Những con đường lượn vòng trên Tây Nguyên lẽ ra đã khiến vùng đất này đẹp hơn nữa, bất kể thời tiết mưa dội hay nắng rát, nếu có cơ chế giám sát chặt chẽ. Và nếu các bên, từ cơ quan rót vốn đầu tư, đến các đơn vị thi công, quản lý, bảo trì đều ý thức được trách nhiệm của mình, biết đặt chữ tín lên hàng đầu, biết tôn trọng của công và sự liêm chính.

1 bình luận về “Chuyên đề Đường Tây Nguyên

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: