Vì sao nên chọn ngành Giới và Phát triển?

Có rất nhiều ngành nghề trong xã hội. Mỗi khi bước vào việc lựa chọn cho mình một ngành học và mong muốn gắn nó với công việc trong tương lai, bạn sẽ đối mặt với câu hỏi: Tôi nên học ngành gì?

Có nhiều bạn chọn những ngành học đang là xu hướng của xã hội, những ngành kinh doanh, ngân hàng, tài chính, v.v, với mong muốn khi ra trường sẽ dễ xin việc và có thu nhập “ổn định”. Có những bạn chọn ngành học do mong muốn và sự sắp đặt của cha mẹ, gia đình. Dù chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ về thông tin, dường như chúng ta vẫn không thực sự biết mình yêu thích và mong muốn học gì, đam mê với công việc, cống hiến như thế nào cho bản thân và xã hội.

Đã bao giờ bạn ngồi xuống, yên lặng, lắng nghe chính mình và tự hỏi: Ước mơ của tôi là gì?


Ảnh 1 – Sinh viên Khoa Giới và Phát triển trong Tọa đàm “Thấu hiểu để yêu thương”

Tôi xin chia sẻ với bạn một ví dụ từ chính bản thân mình.

Hơn mười năm về trước, tôi cũng đối mặt với những trăn trở về ngành học và việc làm. Những ngày viết đơn xin học Giới và Phụ nữ học, tôi đã nói về những đêm cha mình đọc Kiều cho tôi nghe. Niềm thương cảm đối với thân phận người phụ nữ tài sắc mà nhiều khổ đau trong một xã hội phong kiến đối xử bất công đối với phụ nữ đã dần lớn lên trong tôi từ những ngày ấy. Tôi đã mong muốn mình có thể đóng góp công sức của mình cho một ngành học vì sự tiến bộ xã hội.

Đến với ngành học về Giới và Phát triển, trước hết bạn sẽ dần nhận thức được những sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử trong xã hội, có thể là đối với chính mình, là một em trai hay một em gái. Bạn có thể cũng sẽ nhạy cảm hơn và nhận thấy những hành vi bạo lực trong gia đình, xã hội, trong những mối quan hệ của chính bản thân dưới lăng kính về giới hay sự chênh lệch về quyền lực.

Là một người phụ nữ hay nam giới, bạn cũng sẽ học cách hiểu hơn về chính bản thân mình, và cũng học cách được trao quyền, thoát khỏi những suy nghĩ lạc hậu với nhiều định kiến có thể đã diễn ra rất nhiều năm tại những vùng bạn sinh sống, ở miền núi hay đồng bằng, nông thôn hay thành thị. Nếu bạn là một người con trai hay con gái, bạn cũng sẽ nhận thức được những định kiến và sự phân biệt đối xử đối với những người phụ nữ và nam giới xung quanh mình, có thể là người ông hay bà, cha hay mẹ, người con gái hay con trai mà bạn thương mến. Bạn sẽ học cách để có thể ủng hộ họ, lắng nghe nhiều hơn những ước vọng và nhu cầu của những người phụ nữ và nam giới quanh mình, làm cho họ thấy được tôn trọng, thương yêu. Bạn thấy mình đích thực là một “người hùng” đóng góp vào sự hạnh phúc của một nửa kia thế giới và cho chính bạn.

Những ngày về Việt Nam, tôi đã có cơ hội làm việc về phát triển tại những tổ chức phi chính phủ. Những chuyến công tác tới những vùng sâu, vùng xa đã mở mắt cho tôi về một thực tế của đất nước. Tôi thực sự nhìn thấy nghèo đói và sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn giữa những vùng miền núi và đô thị. Nếu hôm nay bạn có thể bỏ tiền ra để mua một túi xách đắt tiền, thì với đồng tiền đó cũng có thể bạn đã nuôi được một em bé trong vài tháng có cơm ăn và đến trường ở một xã nghèo vùng sâu.

Nếu bạn đến từ một vùng biển, hay làng quê nào đó đang trong quá trình đô thị hóa, có thể bạn cũng sẽ để ý thấy những rặng cây xanh đang bị đốn ngã cho những công trình, những dòng sông hay vùng biển đã đổi màu thành dòng nước xả thải. Rachel Carson, trong tác phẩm kinh điển, “Mùa xuân lặng lẽ” đã tự đặt câu hỏi khi thấy xung quanh mình rừng bị đốn chặt, những nhà máy thải chất độc giết hại những dòng sông, những khu đất bị dọn sạch để xây dựng các con đường và ngôi nhà. Bà đã đặt câu hỏi cho tất cả chúng ta: “Tại sao chim chóc lại im lặng không cất tiếng hót vào mùa xuân? Cái gì đã làm cho loài chim im lặng?”

Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phát triển. Có rất nhiều điều cần làm và đang chờ đón các bạn. Tham gia vào việc học tập và thực hiện những công việc trong lĩnh vực Phát triển, bạn sẽ có cơ hội được đóng góp công sức của mình không chỉ để tạo ra của cải vật chất, mà còn giúp bảo vệ cho những con sông, cánh rừng, bầu không khí mà bạn hít thở, thúc đẩy sự phát triển của con người và công bằng xã hội, có thể bắt đầu tại chính nơi bạn đang sống. Hẳn bạn, với trái tim của một người con của đất nước, cũng mong muốn và hy vọng mình có thể tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và đóng góp cho cuộc sống của những người đồng bào, giúp ích cho quê hương mình.

Nếu được hỏi vì sao bạn chọn ngành Giới và Phát triển, cho đến đây, bạn có thể nói điều gì?

Đối với tôi, đó một ngành học có ý nghĩa dựng xây và nuôi dưỡng cho cuộc sống của chính các bạn và những điều bạn có thể làm được cho những người bạn thương yêu và non sông, đất nước Việt Nam.


Ảnh 2 – Sinh viên Khoa Giới và Phát triển

Các thí sinh, phụ huynh quan tâm đến ngành Giới và Phát triển tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, vui lòng liên lạc qua địa chỉ:

Khoa Giới & Phát triển

Phòng 402, Tòa nhà 15 tầng, Học viện Phụ nữ Việt Nam, 68 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội
Điện thoại: (024) 38355243 hoặc 0164 334 7091 hoặc 097 734 798.
Facebook: https://www.facebook.com/gioivaphattrien/
Email: gioivapt_gad@vwa.edu.vn

Hoặc thông tin chung về Tuyển sinh trên website: www.hvpnvn.edu.vn; Email: tuyensinh@vwa.edu.vn.
Facebook thông tin tuyển sinh-HV phụ nữ VN: https://www.facebook.com/TUYENSINHHOCVIENPHUNUVN.

Trần Hồng Hạnh
Khoa Giới và Phát triển – Học viện Phụ nữ Việt Nam

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s