spsn – 2015-09-03 08:16:06
Những khó khăn và giải pháp hỗ trợ
Cùng với xu hướng di cư nói chung, di cư lao động Nữ tại khu vực Châu Á cũng ngày càng phát triển. Ngày càng nhiều phụ nữ Châu Á đi làm việc ở nước ngoài với mục đích chính nhằm có thu nhập cao hơn để giúp cải thiện cuộc sống gia đình và cũng để phát triển bản thân, cộng đồng và xã hội. Những quốc gia Châu Á có nhiều lao động Nữ đi làm việc ở nước ngoài có thể kể đến như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Philippin, Việt Nam… Lao động Nữ Châu Á tới làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó những điểm đến chính là những nước phát triển ở khu vực Châu Á gồm các nước Trung Đông, Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc, với những nghành nghề đặc thù dành cho Nữ giới như giúp việc gia đình, điều dưỡng, hộ lý, công nhân nhà máy. Phần lớn lao động Nữ ở khu vực Châu Á đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được mục đích di cư của mình khi có việc làm và thu nhập cao hơn ở các nước đến làm việc. Họ đã có tiền gửi về gia đình giúp cải thiện cuộc sống gia đình họ, đầu tư cho con cái va tiết kiệm để sử dụng trong tương lai. Bản thân những lao động Nữ cũng học hỏi, mở mang kiến thức bản thân và khi trở về họ có thể tham gia nhiều hơn vào các quyết định của gia đình cũng như có vị thế xã hội cao hơn.
Tuy nhiên, lao động Nữ là đối tượng lao động với những đặc thù về giới nên rất dễ bị tổn thương và gặp các vấn đề trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, các quốc gia, đặc biệt là những nước có nhiều lao động Nữ đi làm việc ở nước ngoài cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ tốt hơn lao động nói chung và lao động Nữ nói riêng đi làm việc ở nước ngoài.
I. Những thách thức liên quan đến quá trình di cư của lao động Nữ
– Giai đoạn trước khi di cư
Ở hầu hết các nước Châu Á – nơi định kiến giới còn tồn tại rõ rệt thì phụ nữ thương gặp khó khăn trong việc quyết định đi làm việc ở nước ngoài như không được sự ủng hộ từ phía gia đình hay thậm chí không được đồng ý.
Ngoài ra, phụ nữ cũng gặp khó khăn trong vấn đề tài chính để được đi làm việc ở nước ngoài vì phần lớn họ thiếu nguồn hoặc tài sản ký quỹ để được vay tiền từ ngân hàng hoặc các định chế tài chính khác mà họ phải vay từ những người cho vay tiền với lãi suất cao.
– Tại nước đến làm việc
Tại nước đến làm việc, các báo cáo về lao động Nữ di cư gặp các vấn đề về điều kiện sống và làm việc nghèo nàn và thậm chí bị lạm dụng tình dục rất nhiều. Nhiều người sau khi đến phát hiện ra rằng công việc của họ khác với hợp đồng đã ký, về mức lương và các điều kiện khác. Bên cạnh đó còn có những báo cáo về tình trạng lao động Nữ không được phép ra khỏi nơi ở ở nơi làm việc, giờ làm việc kéo dài, bị cấm không được sử dụng điện thoại, không có kỳ nghỉ, tình trạng bị làm nhục hoặc không được tôn trọng tại nơi làm việc là rất phổ biến. Tình trạng đó đã đẩy nhiều lao động bỏ trốn khỏi chủ sử dụng và rơi vào vị thế lao động bất hợp pháp, khiến họ rất dễ bị ngược đãi, lạm dụng tình dục.
– Khó khăn khi trở về và tái hòa nhập
Lao động Nữ di cư trở về thường không được chào đón mặc cho những đóng góp của họ cho gia đình, cộng đồng, thậm chí nền kinh tế quốc gia. Phụ nữ di cư trở về bị mọi người nhìn với ánh mắt nghi ngờ dò xét. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ di cư trở về, đặc biêt những người bị lạm dụng tình dục hoặc ngược đãi, đối mặt với bạo lực từ phía người chồng. nhiều phụ nữ trở về với các vấn đề nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, bị ốm đau hoặc tật nguyền khiến họ càng khó khăn trong việc tái hòa nhập. Nhiều người trở về gặp khó khăn trong việc hòa nhập thị trường lao động khi họ không được tiếp tục sử dụng những kỹ năng, kiến thức mà họ học được trong quá trình làm việc ở nước ngoài.
II. Những giải pháp rút ra từ những thực hành tốt
Di cư của lao động Nữ luôn là một đặc điểm quan trọng của di cư quốc tế trong khu vực Châu Á. Với sự gia tăng về số lượng lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài, đặc điểm và các phương thức di cư của lao độngNữ cũng thay đổi. Trong bối cảnh di cư hiện nay của lao động Nữ, các nước phái cử lao động cần nổ lực nhiều hơn để nâng cao lợi ích của việc di cư trong khi đảm bảo quyền và phúc lợi cho người lao động. Một số giải pháp sau được đưa ra nhằm đảm bảo quyền của lao động Nữ, đảm bảo sự phát triển bề vững và tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài:
1. Kế hoạch chiến lược để bảo vệ lao động nữ di cư
Các nước phái cử lao động trong khu vực, đặc biệt là những nước có tỷ lệ lao động Nữ đi làm việc ở nước ngoài cao, cần xây dựng và thực hiện các kế hoạch chiến lược để có lợi từ những xu hướng và đặc điểm di cư hiện nay. Các yếu tố cấu thành lên kế hoạch có thể bao gồm những giải pháp sau:
– Rà soát lại luật quốc gia để chỉnh sửa luật theo hướng mang tính nhạy cảm giới hơn: phần lớn luật và chính sách quốc gia của các nước phái cử lao động còn trung lập về giới, do đó cần sửa đổi luật để luật bao gồm cả các điều khoản nhạy cảm giới.
– Chỉnh sửa các thỏa thuận song phương để dảm bảo quyền lời của lao động di cư: Các thỏa thuận song phương ngày càng được sử dụng nhiều để quy định và bảo vệ lao động di cư, do đó cần đàm phán lại những thỏa thuận này để những thỏa thuận này mang tính nhạy cảm giới hơn thông qua việc bao gồm những điều khoản như điều khoản chống phân biệt đối xử, sự bình đẳng giữa nam và nữ, những quyền và đặc ân cho vợ/chồng, con cái và bố mẹ của người di cư; và sự bảo vệ đặc biệt đối với lao động làm những nghành nghề dễ bị tổn thương như lao động giúp việc gia đình.
– Nâng cao nhận thức về vấn đề di cư của lao động Nữ và những đóng góp của họ: Mặc cho những đóng góp của lao động Nữ di cư, những định kiến giới ăn sâu trong xã hội đã không thừa nhận vai trò của lao động Nữ di cư, đặc biệt là trong trường hợp lao động Nữ bị lạm dụng tình dục, bị ngược đãi… Do đó, các chính phủ và các tổ chức liên quan cần thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức để việc đi làm việc ở nước ngoài của họ được ủng hộ và việc tái hòa nhập của họ được dễ dàng hơn. Hiện, các chiến dịch này mới chỉ giới hạn trong việc đào tạo phụ nữ về các quyền của họ và về buôn bán người.
– Nâng cao khả năng và tăng cường sự điều phối giữa các chủ thể khác nhau: Một số quốc gia trong khu vực đang ở giai đoạn đầu của sự xây dựng hệ thống quản lý di cư đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản lý dòng di cư đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có một tỷ lệ là di cư trái phép và cả buôn bán người. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, một giải pháp được đưa ra là thành lập một bộ phận gồm đại diện chính phủ, các thành viên dân sự xã hội, các nhà nghiên cứu và các chủ thể liên quan khác để vạch ra cơ chế điều phối và hợp tác giữa các cơ quan chính phủ cũng như dân sự xã hội và các tổ chức phát triển.
2. Chuẩn bị tốt hơn cho lao động di cư
Đào tạo định hướng trước khi đi hiện đang được thực hiện trên toàn khu vực, với mức độ thành công khác nhau, như một cách để chuẩn bị tốt hơn cho lao động di cư về việc làm ở nước ngoài. Các nước trong khu vực có thể cân nhắc đẩy mạnh các chương trình này hơn nữa thông qua:
– Thực hiện đào tạo định hướng dành riêng cho lao động Nữ di cư: Một số nước đang triển khai thực hiện các khóa đào tạo định hướng được thiết kế dành riêng cho lao động Nữ, như khóa đào tạo kéo dài 21 ngày dành cho lao động Nepal đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài. Những khóa này cần mở rộng cho các ngành nghề đặc thù khác ngoài công việc giúp việc gia đình.
– Nâng cao khả năng quản lý tài chính: Thực tế rằng phụ nữ gửi nhiều tiền về nhà hơn nam giới ở một số nước cũng đồng nghĩa với việc họ giữ lại ít tiền hơn để bản thân tự quản lý. Việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình di cư nếu người chồng ở nhà sử dụng tiền không hợp lý. Do đó, cần nâng cao khả năng quản lý tài chính cho lao động Nữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo về kỹ năng tài chính để giúp lao động Nữ quản lý thu nhập của họ tốt hơn và giúp sự tái hòa nhập của họ khi trở về diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn. Như ở Philippin, lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tham dự các buổi hội thảo định hướng trong đó có các chủ đề về tiền gửi, bao gồm việc mở tài khoản ngân hàng trước khi đi.
3. Cải thiện môi trường chính sách ở các nước tiếp nhận lao động
Thực tế là lao động di cư mang lại lợi ích cho không chỉ nước phái cử mà cả các nước tiếp nhận lao động do đó các nước phái cử và các nước tiếp nhận cần cùng nhau nổ lực để tối đa hóa lợi ích của việc di cư:
– Đảm bảo sự hỗ trợ pháp lý đầy đủ đối với lao động Nữ di cư: Lồng lao động di cư vào trong khuôn khổ pháp luật lao động ở nước tiếp nhận là một sáng kiến quan trọng được thực hiện ở nhiều nước như Hongkong và Jordan. Luật việc làm của Hongkong điều chỉnh tất cả lao động, gồm lao động di cư, lao động giúp việc gia đình và những người được tuyển dụng trong lĩnh vực không chính thống.
– Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tếp cận với cơ chế bồi thường: Sự cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho lao động di cư, đặc biệt là những người gặp khó khăn là rất quan trọng. một số giải pháp hiện đang được thực hiện gồm đường dây nóng để ghi nhận thông tin, nhận các cuộc gọi và cung cấp hỗ trợ cho những lao động giúp việc gia đình gặp các vấn đề (ở Jordan, Hongkong, và Singapore…); xây dựng những nơi nương tựa cho những lao động di cư là nạn nhân của buôn bán người và lạm dụng để cung cấp sự hỗ trợ về y tế, tâm lý, và pháp lý cho nạn nhân là Nữ (ở các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất); và bảo hiểm y tế bắt buộc dành cho lao động kỹ năng thấp (một số nơi của các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Những nổ lực này cần được tăng cường để đảm bảo rằng lao động Nữ di cư có điều kiện làm việc thỏa đáng.
– Quy định hợp đồng lao động mẫu: Nhiều nước phái cử (như Philippin) và nhiều nước tiếp nhận (như Hongkong, Jordan) đã xây dựng các điều khoản của hợp đồng lao động mẫu, đặc biệt dành cho lao động giúp việc gia đình, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả. Kinh nghiệm của Hongkong cho thấy bên cạnh việc chỉ rõ vai trò và trách nhiệm của lao động và chủ sử dụng, cũng cần nêu ra các tiêu chuẩn về quy định, thanh tra và cưỡng chế thi hành bởi cơ quan nhà nước. Chẳng hạn như hợp đồng mẫu cho lao động giúp việc gia đình chỉ là hợp đồng có thể chấp nhận vì mục đích di cư và trong tòa án lao động.
4. Tăng cường hợp tác ở cấp khu vực và liên khu vực
Quản lý hiệu quả hoạt động di cư cũng như khai thác hiệu quả lợi ích của quá trình này cần đến sự hợp tác song phương và khu vực. Trong những năm qua, các cuộc đối thoại liên chính phủ về các vấn đề liên quan đến di cư như đối thoại AbuDhabi, đối thoại Châu Á – Liên Minh Châu Âu và diễn đàn toàn cầu về di cư và phát triển ngày càng phát triển. Và phần lớn các cuộc đối thoại này tập trung vào nhu cầu đảm bảo di cư an toàn cho lao động Nữ di cư và bảo vệ quyền của họ, tạo cơ sở và động lực để các quốc gia hành động mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Nữ di cư.
Lê Thị Quý Hương
Chuyên viên Cục Quản lý lao động ngoài nước