Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
27/10/2014 08:45
(TNO) “Kể từ khi có lý thuyết về sự tồn tại vĩnh viễn của nợ (công), máu đã tưới đẫm trên trái đất và nhân loại bị đè bẹp trong những gánh nặng chất chồng” – Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập và Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ.
![]() |
Nói về nợ nần trước hết phải nói đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Những “học thuyết” về nợ nần tung hoành ngang dọc suốt hàng thế kỷ, chọc thủng các định chế quốc gia, phủ sóng khắp các ngõ ngách của đời sống, từ trường học cho tới bàn ăn giường ngủ, đã biến nước Mỹ thành một biển nợ, một biển nợ sóng sau đè sóng trước, vĩnh viễn không bao giờ trả xong.
Ghi lại chính xác con số nợ của nước Mỹ, từ nợ công đến nợ cá nhân, là điều bất khả. Bởi vì bạn vừa ghi xong một con số báo trên đồng hồ nợ, lập tức nó biến thành một con số khác cao hơn, nó tăng liền tù tì không phải từng giờ mà từng giây từng phút với một gia tốc chóng mặt. Tại thời điểm tôi viết những dòng này (25.10.2014), tổng số nợ công của Mỹ đã vượt con số 17.888 tỉ USD (tính tròn) và tổng số nợ của toàn quốc (gồm nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ cá nhân) lên tới gần 59.466 tỉ USD. Với dân số 319.141.850 người, mỗi người Mỹ, từ sơ sinh cho đến hấp hối trên giường bệnh, đang gánh 186.327 USD và mỗi gia đình gánh tới hơn 730.000 USD tiền nợ.
Cả nước Mỹ tiếng là phồn vinh nhưng chi tiêu vượt quá xa khả năng có thực của mình. Người dân lấy gì trả nợ ? Lấy thu nhập của mình “trong tương lai”. Chính phủ lấy gì để trả nợ ? Lấy tiền thuế của dân “trong tương lai”. Người dân “ăn chặn” vào tương lai của chính mình, còn Chính phủ thì lấy các thế hệ chưa sinh ra làm vật thế chấp để vay nợ và ăn chặn trước tiền của họ theo đúng nghĩa đen của từ này, bởi vì thế hệ tương lai sẽ phải trả hai lần thuế, một lần để trả các khoản nợ mà thế hệ của họ sẽ vay và một lần để trả nợ tồn của thế hệ trước.
Các nhà lập quốc Hoa Kỳ nếu sống dậy sẽ bàng hoàng trước cái biển nợ mà sinh thời các vị nằm mơ cũng không nghĩ tới. Nước Mỹ mà các vị tạo lập vốn rất cảnh giác với nợ nần. Khi tuyên bố nước Mỹ là một quốc gia tự do, các vị muốn xây dựng một nền tự do “miễn phí” cho con cháu, một nền tự do hòa bình với các nước, bởi vậy các vị hết sức cẩn trọng khi vay nợ và tìm mọi cách không để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai.
Sau khi giành độc lập từ tay người Anh và sau khi bản Hiến pháp có hiệu lực, cả nước Mỹ chỉ tồn một món nợ không lớn lắm, khoảng hơn 75 triệu USD một chút, vào năm 1791, là món nợ kế thừa từ thời thuộc địa và các khoản vay mượn cho quá trình củng cố nền độc lập. Căn cứ vào chỉ số lạm phát theo lịch sử thì 1 USD vào thời điểm đó có giá trị bằng 25 USD hiện nay, món nợ kia tương đương với chưa đầy 1,9 tỉ USD (theo giá 2012), nhưng nó đã khiến cho các nhà lập quốc Hoa Kỳ mất ăn mất ngủ.
![]() |
Dù cuộc đấu tranh giữa hai phái, tạm gọi là phái “vay nợ” mà đại biểu là Alexander Hamilton, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Mỹ và phái “không vay nợ” mà đại biểu là Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn độc lập lừng danh, diễn ra hết sức gay gắt, nhưng dù ai thắng thế thì việc vay mượn vẫn được kiềm chế ở mức khiêm tốn, trừ những lúc bất khả kháng do chiến tranh.
Th. Jefferson từng nói: “Một chính phủ cai trị ít nhất là một chính phủ tốt nhất” (The government that governs least governs best). Đó là phương châm chính trị của ông và là nguyên tắc căn bản của một xã hội tự do. Khi lên làm Tổng thống Mỹ năm 1801, ông thực hiện một chính phủ tinh gọn, tiết kiệm và hòa bình, giảm chi phí quốc phòng và làm hết sức mình để khoản giảm nợ chính phủ. Trong suốt 8 năm của hai nhiệm kỳ tổng thống, Jefferson đã giảm nợ quốc gia từ 83 triệu USD xuống còn 57 triệu USD, nợ tồn của năm sau bao giờ cũng ít hơn nợ tồn của năm trước. Theo đà đó, đến trước thời điểm nổ ra chiến tranh Anh – Mỹ năm 1812, nợ quốc gia tiếp tục giảm xuống chỉ còn 45 triệu USD. Cuộc chiến năm 1812 diễn ra trong vòng 3 năm khiến cho nợ công gia tăng lên đến mức đỉnh 127 triệu USD vào năm 1816, sau đó giảm dần xuống, đến năm 1835 dưới thời tổng thống Andrew Jackson, chính phủ Mỹ hoàn toàn sạch nợ.
Jefferson cho rằng con cái chúng ta sinh ra là được tự do, tự do là món quà tự nhiên của tạo hóa chứ không phải là từ ông bà cha mẹ chúng ban cho, bởi vậy chúng phải được trưởng thành, được lao động và được hưởng những thành quả trọn vẹn của chúng, chúng có quyền không chịu trách nhiệm về những gánh nặng mà ông bà cha mẹ chúng để lại. Theo ông, một quốc gia mà dồn nợ công cho thế hệ sau phải trả là điều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Trong bức thư gửi James Madison (người sau này là tổng thống thứ 4 của Mỹ) vào năm 1789, Jefferson nói rõ: “Trái đất là thuộc sở hữu toàn vẹn của mỗi thế hệ trong suốt thời gian tồn tại của thế hệ đó. Thế hệ thứ hai phải được tiếp nhận trái đất không nợ nần và các gánh nặng để lại từ thế hệ thứ nhất, các thế hệ tiếp theo cũng sẽ tương tự như vậy. Nếu như thế hệ thứ nhất nhồi vào nó một khoản nợ (mà các ông ấy không chịu trả) thì trái đất sẽ thuộc về những người đã chết, không còn là của những người đang sống nữa. Bởi vậy, không một thế hệ nào được ký những hợp đồng vay nợ lớn hơn khả năng mà chính thế hệ mình phải trả”.
Trước, trong và sau khi làm Tổng thống, Jefferson luôn luôn đau đáu với nợ. Ông hối tiếc là đã không kịp sửa một điều khoản trong Hiến pháp nhằm giới hạn quyền vay nợ của Chính phủ, cho nên ông luôn luôn nhấn mạnh sự miễn trừ đối với các khoản nợ của thế hệ trước phải được coi là “quyền tự nhiên” của con người. Trong thư gửi thượng nghị sĩ John Wayles Eppes, ông viết : “Quyền tự nhiên được miễn trừ các món nợ của những thế hệ trước là sợi cương kiềm chế chiến tranh và tình trạng nợ nần. Bởi vì kể từ khi có lý thuyết hiện đại về sự tồn tại vĩnh viễn của nợ (công), trái đất đẫm máu và nhân loại bị đè bẹp trong những gánh nặng chất chồng”. Trong bức thư gửi triết gia A.L.C. Destutt de Tracy, một người bạn Pháp của ông, Jefferson nhắc lại: “Bổn phận của mỗi thế hệ là phải trả được món nợ của chính mình khi đang còn sống. Đó là một nguyên tắc mà nếu làm được thì sẽ giảm một nửa các cuộc chiến tranh trên thế giới”.
Thái độ và hành động quang minh lỗi lạc của Th. Jefferson đối với nợ công hơn 200 năm qua vẫn đang là những cảnh báo thời sự. Tiếc rằng nước Mỹ tuy tôn sùng ông như một tượng đài bất diệt của tự do nhưng lại cố tình lờ đi những lời ông cảnh báo…(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
DÒNG SỰ KIỆN
|
*****
Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
28/10/2014 08:10
(TNO) Liên quan đến việc kiềm chế nợ công, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của Hiến pháp Mỹ. Các nhà lập quốc Mỹ là những vĩ nhân nhìn xa trông rộng, nhưng do sự khác biệt không tránh khỏi về quan điểm và xu hướng, các vị đã phải chấp nhận một số thỏa hiệp để thông qua Hiến pháp.
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
![]() |
Trong những thỏa hiệp có sự thỏa hiệp về vấn đề tiền nong công nợ. Hiến pháp Mỹ một mặt cho phép Quốc hội được vay nợ, nhưng mặt khác lại không cho phép phát hành tiền giấy. Tại điều 1, khoản 8, nói về quyền của Quốc Hội: “…Đúc tiền, quy định giá trị đồng tiền trong nước và đồng tiền (kim loại) nước ngoài, xác định tiêu chuẩn cân đo” (To coin Money, regulate the Value thereof, and of foreign Coin, and fix the Standard of Weights and Measures). Tôi phải dẫn nguyên văn tiếng Anh của câu này để thấy sự lạ lùng của một bản dịch tiếng Việt của Hiến pháp Mỹ lưu hành trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Cụm từ “To coin Money” chỉ có nghĩa là “đúc tiền” nhưng trên website nói trên lại dịch là “Đúc và in tiền”. Tôi không hơi đâu bắt bẻ về cách dùng từ ngữ, nhưng việc tùy tiện thêm chữ “in tiền” như vậy đã làm sai lệch một cách căn bản nội dung một điều khoản của Hiến pháp, bởi vì theo tinh thần của Hiến pháp Mỹ, công dân được làm những gì mà luật pháp không cấm còn Nhà nước chỉ được làm những gì mà luật pháp cho phép, điều khoản này có hàm ý không cho phép Quốc hội in tiền giấy pháp định.
Ai nghiên cứu kỹ lịch sử nước Mỹ đều biết, việc in tiền pháp định được đưa ra trong bản dự thảo đầu tiên, nhưng đa số các nhà lập quốc – những người ký tên vào bản Hiến pháp, đã kịch liệt phản đối. G. Washington thẳng thừng bác bỏ nó, James Madison coi nó là “trò gian manh và hành động bất lương”, còn John Langdon thì bảo ông sẵn sàng từ chối liên bang còn hơn là cho phép in tiền pháp định. Cần chú ý thêm là sau khi Hiến pháp có hiệu lực, Quốc hội Mỹ đã ban hành đạo luật đúc tiền (1792), quy định cụ thể hàm lượng vàng và bạc trong đồng đô la và định tỷ giá giữa tiền vàng và tiền bạc. Điều thú vị là sau khi quy định trọng lượng, độ thuần khiết và chuẩn mực của đồng tiền, việc đúc tiền sẽ được đấu thầu thực hiện, từ đây cũng mở đường cho tư nhân đúc tiền. Tiền tư nhân đúc ra nếu bảo đảm đúng tiêu chuẩn, Nhà nước sẽ đóng dấu xác nhận để được lưu hành hợp pháp, việc đúc tiền tự do này kéo dài mãi đến khi luật cấm vàng ra đời năm 1934, vào thời F.D. Roosevelt.
Cũng tại điều 1, khoản 10, Hiến pháp Mỹ cấm các bang: “…(Không được) đúc tiền, phát hành tín phiếu, dùng bất cứ thứ gì ngoài đồng tiền vàng và bạc để thanh toán các khoản nợ” (…coin Money; emit Bills of Credit; make anything but gold and silver Coin a Tender in Payment of Debts…). Câu này cũng bị bản tiếng Việt trên website Đại sứ quán Mỹ làm ngược nghĩa khi dịch: “Không được đúc tiền hoặc phát hành trái phiếu, hoàn toàn không được dùng các đồng tiền vàng và bạc để thanh toán các khoản nợ”. Bởi vì nội dung quan trọng tại khoản này của Hiến pháp là chỉ cho phép các bang dùng tiền vàng và bạc để thanh toán nợ.
“Quyền tự nhiên của con người là quyền sống, quyền tự do, quyền tư hữu tài sản” là phát kiến vĩ đại của nhà triết học John Locke, được các nhà lập quốc Mỹ long trọng đưa vào bản Tuyên ngôn độc lập, với việc mở rộng quyền tư hữu thành quyền “mưu cầu hạnh phúc”, và là nền tảng của Hiến pháp Mỹ (Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa tư tưởng này vào Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo cũng đã dành điều 12 để ghi: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”). Việc quy định chỉ được đúc tiền và chỉ cho phép dùng tiền vàng và bạc để thanh toán nợ tại khoản 8 và khoản 10 điều 1 Hiến pháp thực chất là sự loại bỏ các loại tiền tệ giá rẻ để đưa vàng và bạc làm tiền tệ thống nhất trong toàn liên bang, chính là để Hiến định cái quyền tự nhiên bất khả xâm phạm về tài sản nói trên của người dân.
Lấy tiền kim loại làm nền tảng, Hiến pháp vừa bảo đảm cho tài sản của người dân không bị tước đoạt bởi lạm phát, vừa tạo sự tin cậy trong làm ăn buôn bán, thúc đẩy sản xuất và thương mại phát triển. Tờ Pennsylvanta Gazette số ra ngày 16.12.1789 viết: “Kể từ khi Hiến pháp liên bang xóa bỏ tất cả mọi nguy hiểm của việc duy trì pháp lệnh tiền giấy, nền thương nghiệp của chúng ta đã tăng lên 50%”(*). Xuất khẩu của Mỹ tăng từ 19 triệu USD năm 1791 lên 93 triệu USD năm 1801. Thâm hụt ngân sách liên bang giảm từ mức 28% năm 1792 xuống còn 21% năm 1795, đến năm 1802 thì số ngân sách thặng dư lên đến mức tương đương với tổng chi ngân sách. Douglas North, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 1993, nhận xét: “Những năm 1793-1808 là giai đoạn thịnh vượng vô song”(*).
Việc quy định chỉ được dùng tiền vàng hoặc bạc để thanh toán nợ còn thể hiện sự sòng phẳng tử tế của một quốc gia, là một trong những thông điệp hòa bình của nước Mỹ, đồng thời cũng để hạn chế việc vung tay quá trán trong vay mượn, bởi vì quốc gia sẽ phải dùng tài sản thật của mình để trả nợ.
Tuy vậy, do phải thỏa hiệp nên Hiến pháp Mỹ vẫn còn một “gót chân Achilles”, đó là quyền vay nợ không bị giới hạn của Nhà nước, điều khoản mà Thomas Jefferson hối tiếc là chưa sửa được. Cái “gót chân Achilles” này sẽ biến thành bom tấn và bom hạt nhân vào thế kỷ 20, nhưng tạm thời chưa gây tác hại nhiều ở thế kỷ 19.
Dù các cuộc chiến tranh Anh-Mỹ năm 1812, tiếp đó là nội chiến 1861-1865, các cuộc suy thoái kinh tế vào các năm 1873, 1893 và 1907, khiến cho nợ nần có lúc gia tăng, lạm phát có lúc đột biến, nhưng không cản được nước Mỹ tiến bước trên đường tự do và thịnh vượng.
Lạm phát thực chất là một khoản thuế lạm thu trá hình, là sự tước đoạt tài sản của người dân, nhưng ngày nay do bị chi phối bởi các tri thức kinh tế học vĩ mô hiện đại, người ta coi lạm phát là chuyện bình thường. Không những vậy, lạm phát còn được đưa thành chỉ tiêu “cân đối vĩ mô”, khi nào lạm phát thấp các chuyên gia kinh tế còn la lối “giảm phát! giảm phát!”, coi đó là điều không tốt. Hãy nhìn vào biểu đồ kèm theo đây để thấy, từ năm 1800 đến năm 1913 là thời điểm trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong khoảng thời gian 113 năm, giá tiêu dùng ở Mỹ hầu như không thay đổi, thậm giá giá cả năm 1913 còn thấp hơn thời điểm năm 1800, điều đó có nghĩa là đồng tiền của người Mỹ, tài sản của người Mỹ đã không bị ai tước đoạt. Đó là thành tựu diệu kỳ của một bản Hiến pháp tự do.
![]() |
Về nợ công, như chúng tôi đề cập ở phần trước, tổng thống Andrew Jackson làm sạch nợ nước Mỹ vào năm 1835. Trong những năm tiếp theo, thời kỳ 1836-1942, nợ công chỉ duy trì ở mức chưa tới 1%GDP, thời kỳ 1843-1861, duy trì ở mức 0,7 đến cao nhất là 2,6% GDP, cuộc nội chiến đã khiến nợ nần gia tăng nhưng mức đỉnh chỉ lên tới 32,6% vào năm 1869, sau đó giảm dần, đến năm 1913 chỉ còn ở mức 7,3%GDP (cần chú ý, trước năm 1930 không có số liệu về GDP vì chưa áp dụng “kinh tế vĩ mô” trong quản lý, việc tính theo tỷ lệ GDP chỉ là sự phỏng tính để tiện so sánh). Tóm lại, suốt thế kỷ 19 cho tới trước chiến tranh thế giớilần thứ nhất, nợ công của nước Mỹ đã được kiềm chế tối đa, việc gia tăng chủ yếu do hậu quả của nội chiến nên là điều bất khả kháng. Các nhà lập quốc Mỹ chỉ để lại cho con cháu những thành quả vĩ đại, không hề để lại gánh nặng nợ nần… (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
(*) Trích từ Những âm mưu từ đảo Jekyl, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, năm 2009.
*****
Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
29/10/2014 22:02
(TNO) Lịch sử diễn ra không đơn giản như sự luận giải của những người theo thuyết âm mưu. Mỗi dân tộc có lý do khi chọn cho mình một mô hình phát triển và cũng có lý do khi từ bỏ nó.
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
![]() |
Ai đọc cuốn “Chiến tranh tiền tệ” của Song Hongbing, một tác giả người Hoa, đều thấy rùng mình về những âm mưu của các tập đoàn tài phiệt ngân hàng lũng đoạn nền kinh tế và chính trị nước Mỹ. Tác giả cuốn sách cho rằng các tập đoàn tài phiệt ngân hàng quốc tế chính là thủ phạm gây ra mọi tai họa cho nước Mỹ, từ việc khống chế chính phủ gắn chặt với các khoản nợ công vĩnh viễn, thay đồng tiền bản vị vàng bằng đồng đô la pháp định nhằm tước đoạt tài sản của người dân, kích hoạt hai cuộc chiến tranh thế giới, đến các cuộc ám sát các tổng thống Mỹ, việc tạo ra một núi nợ cho nước Mỹ ngày nay …
Chính thành tựu của chủ nghĩa tự do là nguyên nhân đưa nó đến chỗ suy tàn
Friedrich Hayek
Cuốn sách đã dùng nhiều tư liệu lịch sử có giá trị và có thật, nhưng lồng vào đó không ít những nhận định võ đoán và mâu thuẫn, trộn chủ nghĩa dân tộc vào chủ nghĩa tự do, để cuối cùng kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện chiến lược “xây dựng tường cao, tích lũy lương thảo, hoãn xưng vương” nhằm từng bước làm bá chủ thế giới trên lĩnh vực tài chính tiền tệ. Cuốn sách đã được phát hành hàng triệu bản ở Trung Quốc và một số nước trên thế giới, là cuốn sách điển hình về “thuyết âm mưu”.
Nhắc tới cuốn sách này, tôi muốn lưu ý bạn đọc là chúng ta không nên dựa vào thuyết âm mưu để suy tưởng lịch sử.
Tự do và hạnh phúc là nguyện vọng tha thiết của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta từng nói, nước độc lập mà dân không tự do hạnh phúc thì sự độc lập đó cũng vô nghĩa. Nhưng chủ nghĩa tự do, nền tảng tạo nên sự thịnh vượng ở Mỹ và phương Tây thế kỷ 19, lại gắn liền với một nhà nước bé. Các nhà nước phình to ra trong thế kỷ 20 khiến cho chủ nghĩa tự do bị chối bỏ không phải là “âm mưu” của các tập đoàn tài phiệt mà là sự lựa chọn của dân chúng.
Friedrich Hayek, một triết gia đoạt giải Nobel kinh tế năm 1974, cho rằng “chính thành tựu của chủ nghĩa tự do là nguyên nhân đưa nó đến chỗ suy tàn” (*). Việc giải phóng sức sáng tạo của cá nhân khỏi sự kìm hãm của các luật lệ phong kiến là xu hướng chủ đạo của lịch sử phương tây thế kỷ 17-18, đã dẫn đến sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và tạo ra sự thịnh vượng về kinh tế trong thế kỷ 19, nhưng theo Hayek, những nguyên tắc tự do kinh tế chỉ được thiết lập sau khi kinh tế đã phát triển, đó là “sản phẩm phụ không hề được dự liệu và khá bất ngờ của tự do chính trị”, và chính những nguyên tắc căn bản của tự do đã ngăn cản nó biến thành một hệ thống giáo điều. Đó là nguyên tắc Nhà nước càng ít can thiệp vào thị trường càng tốt, hay là chính sách “vô vi nhi trị” nói theo cách phương Đông. Bởi vậy những thành tựu do các chính sách “vô vi nhi trị” này đem lại được người dân coi là sự tiến bộ đương nhiên từ trên trời rơi xuống, còn các khiếm khuyết thì lại “đổ tội” cho các chính sách này. Các cuộc suy thoái kinh tế theo chu kỳ, xuất phát từ việc bành trướng tín dụng quá mức sau đó bị thắt chặt vì tín dụng không phải là thứ vô tận, lẽ ra là một cái giá mà những người tham gia thị trường phải trả để tự điều chỉnh lối sống ăn xổi ở thì của mình, lại quy kết cho tính tự phát không được quản lý của thị trường tự do.
Rủi ro trong một xã hội cạnh tranh là cái giá mà con người phải chấp nhận, nếu con người muốn được tự do. Nhưng loài người thì có tâm lý không muốn thế, chúng ta vừa muốn tự do vừa muốn an toàn. Thị trường tự do không hứa hẹn đem đến cho bạn giàu sang phú quý, nó chỉ “hứa” một điều, là bạn có cơ hội làm giàu và cũng có nguy cơ nghèo khó giống như những người khác. Còn Nhà nước thì có thể hứa đủ thứ, nên mỗi một rủi ro gặp phải, mỗi một nhu cầu tăng thêm mà tự mình không đủ khả năng đáp ứng, người dân đều có khuynh hướng cần đến bàn tay của Nhà nước. Tất nhiên Nhà nước có vai trò rất quan trọng, nó duy trì luật pháp để cho sự tự do của người này không làm mất tự do của người khác, nó được người dân nộp thuế để đảm nhận việc phòng thủ quốc gia và giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện những công việc mà từng người dân riêng lẻ không có khả năng làm và bảo đảm cho những người bất hạnh một mức sống có thể chấp nhận được. Nhưng mỗi một việc mà người dân giao thêm cho Nhà nước hay Nhà nước tự mình gánh thêm việc thì ngân sách phải tăng, ngân sách tăng thì thuế phải thu nhiều, thuế thu nhiều cũng không đủ thì đi vay nợ.
Cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 đánh dấu một bước ngoặt về vai trò của Nhà nước Mỹ, bắt đầu từ chính sách kinh tế-xã hội mới (New Deal) của Tổng thống F.D. Roosevelt. New Deal mở rộng vai trò của Nhà nước, nó gần giống như việc “kế hoạch hóa nền kinh tế”, can thiệp sâu rộng vào các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, để lại những hậu quả nặng nề mấy chục năm sau nước Mỹ mới tháo gỡ, nhưng lúc đó F.D.Roosevelt rất được lòng dân, được bầu liên tiếp 4 nhiệm kỳ tổng thống, dù New Deal của ông có nhiều đạo luật vi hiến bị Tối cao pháp viện bác bỏ.
Nhìn biểu đồ trên tờ The Economist, có thể thấy quy mô của Nhà nước Mỹ theo mức độ chi tiêu của chính phủ liên bang: suốt thế kỷ 19 kéo dài đến trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trừ thời gian diễn ra nội chiến, chi tiêu của chính phủ liên bang tính trên GDP hàng năm không vượt quá mức đỉnh 3,86% của năm 1813. Việc thực hiện New Deal và phế bỏ bản vị vàng vào đầu những năm 1930 khiến cho chiều kích của Nhà nước Mỹ tăng vọt. Chi tiêu chính phủ liên bang tuy giảm xuống từ mức đỉnh 44,5% trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ 2 vào năm 1944-1945 nhưng vẫn còn chiếm 23,7% vào năm 1946. Đến năm 2011, chi tiêu của Chính phủ liên bang đã lên mức 25,3% GDP. Ngày nay nếu tính cả chi tiêu của các bang và chính quyền địa phương, thì tổng chi tiêu của Nhà nước Mỹ hàng năm đã chiếm gần ½ tổng thu nhập quốc dân, có nghĩa là người dân Mỹ đang phải “cưa đôi” thu nhập của mình để “cống” cho Nhà nước. Nợ của Chính phủ liên bang thời tổng thống Obama đã vượt quá 100%GDP và cuộc vận động tăng trần nợ công chắc gì đã kết thúc. Và không thể nói đây không phải là sự lựa chọn của đa số người dân Mỹ… (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
(*) Trích từ F.A. Hayek, Đường về nô lệ, NXB Tri Thức, Hà Nội 2009
*****
Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
31/10/2014 18:15
(TNO) Sau Đại khủng hoảng, nhất là sau chiến tranh thế giới thứ 2, học thuyết kinh tế vĩ mô của John Maynard Keynes đã nhanh chóng được áp dụng ở Mỹ và châu Âu, được các chính phủ coi là ‘bảo điển’ để thoát khủng hoảng và phục hồi kinh tế.
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
Cuộc Đại khủng hoảng diễn ra khiến cho dân chúng mất phương hướng, niềm tin vào thị trường nhường chỗ cho niềm tin vào chính phủ. Trong khi đó, Liên Xô với nền kinh tế kế hoạch tập trung, trở thành một cường quốc chỉ sau vài thập niên. Người ta không biết điều gì diễn ra sau “bức màn sắt”, chỉ biết Liên Xô trở thành một nước rất mạnh và không có thất nghiệp.
Hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành sau Đại chiến thế giới 2 lại trở thành mối đe dọa đối với phương Tây. Kinh tế học vĩ mô của John Maynard Keynes, một học thuyết pha trộn giữa kinh tế học cổ điển truyền thống và kinh tế kế hoạch, được coi là giải pháp để “cứu chủ nghĩa tư bản”. Về lý thuyết, nó vẫn để thị trường làm phận sự của mình nhưng Nhà nước “nắm đằng chuôi”, thông qua chính sách tài khóa. Nhưng các nhà chính trị thường có khuynh hướng lấn tới, “dấn thân” vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thâm nhập sâu vào miếng ăn giấc ngủ của người dân và gánh thêm nhiều sứ mệnh khác. Nợ công được “thể chế hóa” thành công cụ điều hành nền kinh tế và thực hiện các “sứ mệnh cao cả”.
Việc dùng những món nợ khổng lồ để tăng đầu tư công nhằm “toàn dụng lao động” mà ngày nay chúng ta đang áp dụng chính là sáng kiến của Keynes, bất chấp những hậu quả trong dài hạn, thậm chí ông cũng không che giấu hậu quả đó bằng câu nói nổi tiếng “trong dài hạn, tất cả chúng ta đều chết” (do bài này chỉ đề cập đến những vấn đề lịch sử liên quan đến nợ công nên tôi không đi vào các phân tích và tranh luận kinh tế học).
Nước Mỹ và châu Âu đạt được thành tựu 30 năm huy hoàng. Keynes trở thành thần tượng của các nhà kinh tế. John Kenneth Galbraith, một kinh tế gia người Mỹ từng viết: “Kinh tế học cổ điển trước đây thường dạy vào ban ngày, nhưng kể từ năm 1936, các buổi tối hầu hết mọi người đều nói về Keynes”.
|
Đầu những năm 1960, trong vòng 5 năm, dưới thời các tổng thống Kennedy và Johnson, nước Mỹ đã tạo thêm 7 triệu việc làm, GDP tăng 1/3. Báo cáo thường niên của Hội đồng cố vấn kinh tế vào đầu năm 1965 làm cả nước Mỹ hào hứng, thị trường chứng khoán bùng nổ và đến cuối năm, tạp chí Timeđưa hình Keynes lên bìa với tuyên bố “Giờ đây tất cả chúng ta đều theo Keynes”. Nước Mỹ tự tin là các nhà hoạch định chính sách sẽ giúp chính phủ dự đoán và định hướng được sự phát triển trong tương lai.
Nhưng nền kinh tế dần dần đi vào bất ổn. Ngoài mọi dự báo của các nhà kinh tế, đến năm 1970, thất nghiệp lên tới 6%, tương đương với khoảng 5 triệu người. Và thay vì giảm như tất cả các mô hình dự báo, lạm phát lên mức 5,7%, là mức rất cao ở thời điểm đó.
Alan Greenspan, cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ ghi trong cuốn hồi ký Kỷ nguyên hỗn loạn (*) của mình: “Theo quan điểm của Keynes đang thịnh hành lúc đó về nền kinh tế thì thất nghiệp và lạm phát giống như trò chơi bấp bênh của trẻ em, một bên lên thì một bên xuống… Tuy nhiên mô hình kinh tế của Keynes đã thất bại trong việc giải thích hiện tượng cả thất nghiệp và lạm phát đều tăng ở mức phi mã”. Greenspan nhớ lại, một cuộc khảo sát dư luận vài năm sau đó cho thấy dân chúng xếp khả năng dự báo của các nhà kinh tế ngang hàng với khả năng dự báo của các nhà thiên văn học khiến cho ông phải tự hỏi “không biết các nhà thiên văn học đã dự báo sai điều gì”.
Cuộc khủng hoảng dầu lửa diễn ra năm 1973 làm cho nền kinh tế Mỹ tồi tệ hơn, thất nghiệp vẫn gia tăng còn lạm phát thì lên tới 2 con số. Năm 1974, nước Mỹ chìm trong một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1930.
Thất bại trong chiến tranh Việt Nam và vụ bê bối Watergate khiến tổng thống Nixon từ chức, để lại cho Gerald Ford một nước Mỹ đầy thương tích cùng chằng chịt những dây nhợ trói buộc, như Greenspan mô tả: “Thật khó tưởng tượng được những doanh nghiệp Mỹ đã bị hạn chế như thế nào. Các ngành hàng không, vận chuyển bằng xe tải, đường sắt, đường ống dẫn dầu, điện thoại, vô tuyến, những người môi giới cổ phiếu, thị trường tài chính, các ngân hàng tiền gửi tiết kiệm, những ngành phục vụ đều hoạt động dưới những quy định nặng nề, các hoạt động được giám sát tới từng chi tiết nhỏ nhất”.
|
Nhưng Gerald Ford đã không dùng “bảo điển” của Keynes, ông làm ngược lại những gì mà F.D. Roosevelt đã làm. Ông tuyên bố sẽ “tháo xiềng xích cho các doanh nhân Mỹ”, cam kết với các doanh nghiệp “để Chính phủ liên bang tránh xa doanh nghiệp của các vị, khỏi cuộc sống, khỏi ví tiền và không chạm tới một sợi tóc của các vị nếu tôi có thể”. Ông đã phát động một chiến dịch phi luật lệ hóa để “xóa bỏ những điều nực cười” mà Greenspan mô tả ở trên. Greenspan gọi “đó là một thành công không được ca tụng”. Ford đã làm cho nền kinh tế Mỹ dần dần hồi phục, nhưng cho đến khi người ta nhận ra những giải pháp của ông là đúng thì cuộc bầu cử đã qua. Ông đã thất cử, Jimmy Carter lên làm tổng thống từ đầu năm 1977.
Có lẽ trong thế kỷ 20, Ford là một trong số ít những tổng thống nghĩ đến sự phát triển bền vững dài hạn hơn là “tư duy theo nhiệm kỳ”. “Thành công không được ca tụng” của Ford tạo một bước khởi động của sự đồng thuận mới trong lịch sử nước Mỹ: Chính phủ lùi dần ra khỏi thị trường.
Tất nhiên Gerald Ford, cũng như các tổng thống khác sau này không có khả năng giảm nợ. Tuy có sự đồng thuận lùi dần ra khỏi thị trường nhưng nợ nần đã ăn sâu vào các thiết chế kinh tế của Mỹ, mọi nỗ lực chỉ có thể làm chậm lại tốc độ tăng nợ mà thôi.
Vào năm 1994, Milton Friedman, nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng đoạt giải Nobel năm 1976 còn nhận xét: “Chính phủ không còn chú tâm vào hoạt động sản xuất nữa mà chú tâm vào việc điều tiết một cách gián tiếp các doanh nghiệp được cho là của tư nhân và còn chú tâm hơn vào các chương trình tái phân phối thu nhập của chính phủ, bao gồm việc thu thuế của một số người nhằm bao cấp cho một số người khác – tất cả đều nhân danh công bằng và xóa đói giảm nghèo nhưng trên thực tế lại tạo ra sự hỗn độn đầy mâu thuẫn và thất thường của những khoản bao cấp cho những nhóm lợi ích đặc biệt. Kết quả là phần thu nhập quốc dân bị chính phủ sử dụng ngày càng gia tăng” (**).
(Còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
(*) Anlan Greenspan, Kỷ nguyên hỗn loạn – những cuộc khám phá trong thế giới mới, bản tiếng Việt, NXB Trẻ, 2008.
(**) Trích từ F.A. Hayek, Đường về nô lệ, NXB Tri Thức, Hà Nội 2009.
*****
Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 5: Nhà nước vú em
02/11/2014 10:20
(TNO) Ngày nay nước ta đang thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và “giao, bán, khoán, cho thuê” doanh nghiệp nhà nước, càng nhanh càng tốt, càng nhanh thì kinh tế càng phát triển.
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
![]() |
Đó là điều không ai có thể chối cãi. Nhưng cần biết, quá trình này lần đầu tiên diễn ra ở nước Anh thời Thủ tướng Margaret Thatcher, với tên gọi “tư nhân hóa”.
Thủ tướng Winston Churchill, một nhân vật kiệt xuất của lịch sử nước Anh, vị anh hùng trong Đại chiến 2 và là người theo chủ nghĩa tự do, thất bại trong cuộc bầu cử diễn ra ngay trước khi Đại chiến 2 kết thúc. Có lẽ người dân Anh lại lo sợ tình hình suy thoái kinh tế và nạn thất nghiệp có thể diễn ra như những năm 1929 – 1930, nên họ chọn Công đảng, là đảng hứa hẹn cho họ việc làm, nhà cửa, công bằng xã hội và mức sống tốt hơn so với thời tiền chiến. Clement Atlee, lãnh tụ của đảng này lên làm Thủ tướng.
Chính phủ Atlee đã triển khai một cương lĩnh xã hội chủ nghĩa (*) được vận động từ trước. Một cuộc quốc hữu hóa quy mô lớn nhằm chinh phục “những đỉnh cao chỉ huy”, bao gồm ngành than, luyện kim, đường, sắt, các ngành phục vụ công cộng và viễn thông quốc tế… (riêng lĩnh vực năng lượng, công ty Dầu khí Anh quốc đã được Churchill, khi còn là Bộ trưởng Hải quân, quốc hữu hóa để bảo đảm nguồn cung cấp dầu cho Hải quân trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất). Một loạt các “Tổng công ty Nhà nước” ra đời, đầu tiên là hãng BBC (tồn tại cho tới ngày nay), không phải chỉ đóng “vai trò chủ đạo” mà thống trị nền kinh tế. Một loạt các chương trình xã hội cũng được thiết lập, bao gồm hệ thống y tế miễn phí, hệ thống bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, cải thiện hệ thống giáo dục và nhà ở… Nhà nước phúc lợi đầu tiên trên thế giới ra đời từ đây, “làm gương” cho nhiều nước châu Âu noi theo sau đó.
Thành tựu lớn nhất của hệ thống kinh tế này là thất nghiệp giảm từ 2 con số vào những năm 30 xuống chỉ còn 1,3% vào cuối những năm 1940, khoảng 20% lực lượng lao động toàn quốc đã có việc làm trong các ngành được quốc hữu hóa. Các thập niên 50 – 60 là thời kỳ vàng son của nhà nước phúc lợi ở Anh cũng như châu Âu.
Chúng ta đã và đang sống trong thời kỳ vay mượn. Cái thế giới ngọt ngào mà người ta nói với chúng ta là sẽ tồn tại mãi mãi, nơi mà việc làm đầy đủ được bảo đảm bởi một nét phẩy bút của Thủ tướng…, cái thế giới dễ chịu ấy đã qua rồi
James Callaghan
Thủ tướng Anh (1976 – 1979), phát biểu trong một hội nghị thường niên của Công đảng vào những năm 1970
Nhưng bước vào những năm 1970, kinh tế Anh bắt đầu suy thoái, nền kinh tế bộc lộ những vấn đề trầm trọng không lối thoát, nếu tiếp tục duy trì hệ thống cũ. Vào năm 1975, theo Daniel Yergin và Joseph Stanislaw, tác giả của cuốn The commanding Heights: The Battle for the World Economy(Những đỉnh cao chỉ huy: Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới) (**), “trong thực tế quốc gia này hầu như sắp tan vỡ”. Lạm phát ở mức 24% và các nghiệp đoàn vừa mới hạ bệ Thủ tướng Edward Heath (năm 1974). Các cuộc bãi công liên miên đã bóp nghẹt nền kinh tế và làm nước Anh không thể cựa nổi mình. Thuế thu nhập cao, lên tới 98%, làm tiêu tan động cơ làm việc. Trong một hội nghị thường niên của Công đảng, James Callaghan, Thủ tướng Anh (1976 – 1979) đã phát biểu: “Chúng ta đã và đang sống trong thời kỳ vay mượn. Cái thế giới ngọt ngào mà người ta nói với chúng ta là sẽ tồn tại mãi mãi, nơi mà việc làm đầy đủ được bảo đảm bởi một nét phẩy bút của Thủ tướng…, cái thế giới dễ chịu ấy đã qua rồi”.
Năm 1979, bà Thatcher lên làm thủ tướng. Một cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra trên chính trường nước Anh. Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng, bà tuyên bố: “Chúng ta không nên mong chờ nhà nước xuất hiện dưới cái vỏ của một bà tiên tốt bụng trong các lễ rửa tội, một người bạn ba hoa suốt mọi nẻo đường của cuộc sống, và một người khóc thuê vô danh trong các lễ tang”.
Bà gọi Nhà nước Anh lúc đó là “Nhà nước vú em” và bà kiên quyết thay đổi nó. Các biện pháp quản lý theo trường phái Keynes bị hủy bỏ trong các văn bản tài chính của Chính phủ, thay vào đó là các biện pháp của trường phái kinh tế tự do của Hayek và Friedman. Những khoản cắt giảm khổng lồ và gây nhiều tranh cãi trong chi tiêu của chính phủ được thực hiện đã làm đảo lộn xu hướng trong gần bốn thập niên. Tất nhiên kết quả trực tiếp không phải là sự phục hồi kinh tế mà còn tồi tệ hơn, thất nghiệp và lạm phát tiếp tục gia tăng, bà biết rõ điều đó. Bà cũng biết điều này làm giảm sút nghiêm trọng sự tin cậy của dân chúng đối với bà và chính phủ của bà. Thực tế đúng như vậy, tỷ lệ ủng hộ bà trong các cuộc thăm dò đã giảm xuống chỉ còn 23%, là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với một thủ tướng kể từ khi có các cuộc thăm dò dư luận.
Là một thủ tướng, nhưng bà thuộc về thiểu số, thiểu số ngay cả trong chính phủ. Những lời chỉ trích gay gắt nhất đến từ chính Nội các của bà. Một bộ trưởng của bà cảnh báo: “Chủ nghĩa kinh tế tự do của Giáo sư Hayek, do sự khắc nghiệt và không tạo được tinh thần cộng đồng, sẽ không bảo vệ mà là đe dọa tự do chính trị”. Trước sức ép từ dân chúng và sức ép từ chính nội các của mình, bà vẫn không nhượng bộ. Người phụ nữ này không phải là loại chính khách thỏa hiệp để duy trì địa vị và kiếm phiếu bầu. Bà nói: “Ồ, vâng, tôi biết, gần đây chúng ta được không dưới 365 nhà kinh tế học hàn lâm cho biết rằng những điều này là không thể, rằng hoạt động kinh doanh của nước Anh đang phải chịu số phận bi đát. Sự tự tin về tính chính xác trong dự đoán của họ khiến tôi phải nín thở. Nhưng do tôi đã lớn lên trong một cửa hàng kinh doanh, tôi đôi khi tự hỏi liệu họ có dám đặt cược bằng tiền của chính họ cho những dự đoán đó không”.
|
Một sự kiện bất ngờ xảy ra vào ngày 2.4.1982, khi Argentina đem quân chiếm quần đảo Falklands ở Nam Đại Tây dương do người Anh thống trị 149 năm và lúc đó có khoảng 2.000 người Anh sống ở đó. Bất chấp mạo hiểm, Thatcher đã đưa hạm đội đến lấy lại quần đảo. Chiến thắng này cộng với những dấu hiệu hồi phục kinh tế đã làm thay đổi cục diện chính trị trong nước. Bà đã thắng một lần nữa trong cuộc tổng tuyển cử năm 1983.
Sau tổng tuyển cử, bà lại đối đầu với một cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy của các công nhân mỏ sau khi bà cho đóng cửa hàng loạt mỏ than để cắt giảm thâm hụt ngân sách, vì ngành than (được quốc hữu hóa năm 1947) đang thua lỗ với số tiền mà chính phủ phải trợ cấp mỗi năm lên tới mức khủng khiếp, 1,3 tỉ USD. 10 năm trước, nghiệp đoàn ngành than quốc gia đã làm Thủ tướng Edward Heath bay chức, để lại nỗi ám ảnh cho các chính khách, rằng nghiệp đoàn này có thể dựng lên hay hạ bệ một chính phủ. Nhưng bà vẫn kiên định không thỏa hiệp, không thể tiếp tục kéo dài việc dùng tiền thuế của dân và tiền vay nợ để bao cấp cho sự thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước. Sự cứng rắn không khoan nhượng của Thatcher cuối cùng cũng khiến các công nhân phải đầu hàng sau cuộc biểu tình kéo dài hơn 1 năm. Sau thắng lợi này Chính phủ Thatcher bước vào trận chiến chính yếu nhất: Tư nhân hóa nền kinh tế.
Ở Anh cho đến đầu những năm 1970 thậm chí “kinh tế thị trường” vẫn còn là một cụm từ nhạy cảm, nhiều khi các chính trị gia theo khuynh hướng tự do cũng ngại dùng. Bởi vậy tư nhân hóa nền kinh tế thực sự là một cuộc cách mạng. Vấn đề là nó không có tiền lệ, “chẳng có một hồ sơ lưu trữ nào để lôi ra cả”, song điều đó không cản trở được bước tiến
Chương trình tư nhân hóa diễn ra với quy mô ngày càng lớn trong 3 nhiệm kỳ thủ tướng của bà và đương đầu với rất nhiều chửi rủa, trì kéo và đối phó, nhưng những “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế Anh, từ viễn thông, dầu khí, hàng không, than, thép, điện lực… cho đến các ngành dịch vụ công cộng, tất cả có tới 46 Tổng công ty nhà nước lớn đã được tư nhân hóa. Đa số những Tổng công ty này, từ chỗ là những thủ phạm làm kiệt quệ ngân sách nhà nước – một ví dụ điển hình là Công ty Thép (British Steel) chỉ trong khoảng thời gian từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 1980 đã thua lỗ hơn 10 tỉ đô la, đã biến thành nguồn thu thuế chủ yếu cho ngân sách quốc gia, chưa kể hàng chục tỷ đô la mà Nhà nước thu về một lần khi tư nhân hóa. Bà Thatcher đã làm hồi sinh nước Anh và tạo cảm hứng cho toàn thế giới.
Ở nước ta, dù thích hay không thích bà Thatcher, nhưng những thành tựu mà chúng ta đạt được sau gần 30 năm đổi mới, không thể nói là không chịu ảnh hưởng, dù là ảnh hưởng gián tiếp, của một xu thế không thể đảo ngược của thời đại, khởi nguồn từ hành động của người đàn bà thép này. (Còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Kiểm soát chặt nợ công, kéo giảm nợ xấu
>> Thông cáo báo chí của phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 10.2014 về nợ công
>> Bộ trưởng Bộ Tài chính: ‘Nợ công tiến sát giới hạn cho phép
>> Cơ chế ‘xin – cho’, nguồn gốc của núi nợ công
>> Cục nợ công
(*) Theo trường phái Fabian, một học thuyết ra đời từ cối thế kỷ 19, không phải theo học thuyết của Mác.
(**) Bản tiếng Việt, NXB Tri thức, 2008. Những đoạn trích được lấy từ sách này.
*****
Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 6 : Bi kịch của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít
04/11/2014 10:20
(TNO) Alexis de Tocqueville (1805 – 1859) là một nhà chính trị học vĩ đại và kỳ lạ. Ông là người Pháp, làm việc ở Pháp nhưng hiểu về nước Mỹ hơn là người Mỹ. Cuốn Nền dân trị Mỹ (De la démocratie en Amérique) nổi tiếng khắp thế giới của ông được người Mỹ coi là một cuốn sách gối đầu giường, bên cạnh bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ. Ông ca ngợi nền dân trị Mỹ nhưng không ca ngợi một chiều, ông chỉ ra những khiếm khuyết của nền dân chủ và cảnh báo một loạt những nguy cơ trong tương lai. Hơn 170 năm kể từ khi cuốn sách ra đời, những gì mà Tocqueville dự liệu đến nay vẫn mang tính thời sự.
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 5: Nhà nước vú em
|
Người ta thường kêu gọi tự do dân chủ, đấu tranh cho tự do dân chủ, nhưng số đông các “nhà dân chủ” thời thượng ở nước ta lại không phân biệt nổi tự do và dân chủ là hai thứ khác nhau, là hai thứ không thể gộp với nhau thành một. Dân chủ chỉ là một phương tiện đi tới tự do nhưng là một phương tiện không đầy đủ. Một xã hội dân chủ lấy số đông thống trị số ít không phải là xã hội tự do mà là một xã hội chuyên chế.Tocqueville từng mô tả ở các quốc gia dân chủ biến thành chuyên chế, ở đó dân chúng là “những con người giống hệt nhau”, bên trên họ là quyền lực bao la, tuyệt đối và mềm mỏng. Ông gọi quyền lực này giống như quyền lực của một người cha hoạt động vì hạnh phúc của những đứa con, nhưng “nó muốn chỉ có nó tạo ra hạnh phúc và quyết định thế nào là hạnh phúc”.
Ông viết : “Nó bao trùm bề mặt xã hội bằng một hệ thống những quy tắc nhỏ nhặt rắc rối, tỉ mỉ chi tiết và đồng loạt, qua đó ngay cả những đầu óc độc đáo nhất và những tâm hồn mạnh mẽ nhất cũng chẳng thể nào ngoi lên nổi để có thể đi xa hơn toàn bộ đám đông. Nó không bóp nát mọi ý chí con người, nhưng nó làm cho ý chí con người mềm nhũn đi, bắt mọi ý chí phải cúi đầu và điều khiển chúng. Hiếm khi nó bắt buộc con người phải hành động, nhưng nó luôn luôn chống lại khi con người hành động. Nó không thủ tiêu cái gì cả, nó chỉ ngăn chặn sinh sôi. Nó không dùng lối bạo hành với ai hết, nó chỉ gây phiền hà, nó đè nén, nó chọc tức, nó làm tắt ngấm, nó khiến cho con người chỉ còn biết há hốc mồm kinh ngạc…”(*).
|
Tuy cảnh báo nguy cơ của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít, nhưng Tocqueville không khước từ nền dân chủ, mà theo ông, phải làm cho tự do “thoát thân ra từ trong lòng xã hội dân chủ”, bằng nền tảng của Hiến pháp, bằng sự độc lập của tòa án, bằng các thiết chế tự nguyện của xã hội dân sự, bằng sự phổ cập của các giá trị truyền thống …
Thứ quyền lực mà Tocqueville mô tả ở trên chính là nhà nước phúc lợi ngày nay, một thứ nhà nước vú em tồn tại dựa trên nợ nần.
Ở Mỹ và phương Tây, “cuộc cách mạng” Reagan-Thatcher tuy đẩy Nhà nước lùi xa ra khỏi thị trường nhưng không ngăn được sự phình to ra của nhà nước, những nỗ lực chỉ có thể làm chậm lại mà thôi. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan chủ trương thực hiện một nhà nước bé, nhưng trong 2 nhiệm kỳ của ông nợ liên bang không những không giảm mà còn gia tăng, chủ yếu là do cắt giảm thuế trong khi chi tiêu liên bang thì khó mà cắt giảm.
Hệ thống các dây nhợ đan xen chồng chéo trong thành một mớ bòng bong trong các thiết chế kinh tế xã hội để lại từ thời F.R. Roosevelt cho đến ngày nay vẫn chưa tháo gỡ hết. Vào đầu những năm 1960, tổng thống Kennedy thử giao cho James Landis, một trong những “kiến trúc sư” hoạch định các chính sách New Deal làm trợ lý đặc biệt về cải cách thủ tục hành chính để giải quyết hậu quả.
Trong một bản báo cáo gửi tổng thống, Landis đã lấy Ủy ban Năng lượng liên bang làm ví dụ điển hình : “Phải mất đến 13 năm để giải quyết các vụ việc về giá khí đốt thiên nhiên đang tồn đọng. Và số lượng các vụ việc đưa vào hồ sơ cũng trong 13 năm đó sẽ không thể nào giải quyết hết được cho đến năm 2043”. Việc xóa bỏ những quy định của ngành hàng không vào cuối những năm 1980 khiến cho hành khách chỉ mất chưa tới 26% số tiền mà họ lẽ ra phải trả nếu những quy định đó không bị xóa bỏ. Người dân cũng được những lợi ích tương tự khi xóa bỏ độc quyền và các quy định trong ngành điện lực, viễn thông …
![]() |
Nhưng khi vai trò của Nhà nước ở Mỹ trong lĩnh vực kinh tế giảm thiểu thì trong các lĩnh vực xã hội tình hình đã và đang diễn ra ngược lại. Nhà nước có vô số những lý do để mở rộng tầm với. Các chương trình chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, các quy định về an toàn và những luật lệ liên quan đến lao động và bảo vệ con người … là cần thiết nhưng trách nhiệm của Nhà nước tới đâu là điều gây rất nhiều tranh cãi. Cuối cùng, Nhà nước vẫn giành lấy sứ mệnh của mình với những chi phí vô cùng tốn kém mà phần lớn sự tốn kém đó không những không cần thiết mà còn xâm phạm sâu vào những lĩnh vực riêng tư của người dân. Các ưu tiên thường là kết quả từ sự tác động qua lại không dự đoán được giữa báo chí, công chúng, các nhóm lợi ích đặc biệt, các chính trị gia và cái mà người ta gọi là “thứ khoa học giả tạo” chứ không phải được sắp xếp theo thứ tự rủi ro và khẩn cấp. Một quan chức Mỹ đã phải thốt lên : “Chúng ta đã thay thế nỗi sợ hãi thị trường bằng sự sợ hãi những gì bay lên từ ống khói” (**).
|
Preyer, thẩm phán tối cao pháp viện Mỹ, trong một cuốn sách của mình, đã trích dẫn một vụ kiện điển hình khi ông còn là thẩm phán tòa án liên bang, vụ kiện đó cho thấy phải bỏ ra 9,3 triệu đô la để bảo vệ những đứa trẻ khỏi phải hít phải bụi bẩn không hề tồn tại (tại một bãi chất thải đã được dọn sạch). Người ta cũng ước tính việc cấm trẻ em mặc quần áo ngủ dễ bắt lửa khiến cho chi phí để cứu một người là gần 1 triệu đô la và một quy định nhằm hạn chế những công việc phải tiếp xúc với hóa chất formaldehyde cho thấy việc cứu sống một người phải mất tới 93 triệu đô la…
Sự thâm nhập quá sâu, quá chi tiết của luật lệ vào đời sống riêng tư nhân danh bảo vệ người dân lại khiến cho cả xã hội không ai còn tin vào ai nữa mà bằng chứng là sự bùng nổ tình trạng kiện cáo. Nước Mỹ hiện nay là quốc gia của kiện cáo, các thiết chế xã hội của Mỹ cũng khuyến khích người dân kiện cáo. Một bà lão 82 tuổi bị bỏng sau khi chính mình làm đổ cốc cà phê nóng vào người mình, đã phát đơn kiện hãng McDonald. Tòa phán rằng Hãng McDonald đã cố tình cẩu thả khi bán cà phê quá nóng, đã phạt hãng này phải bồi thường cho bà lão tới 2,9 triệu đô la (dù phán quyết sau đó có giảm xuống).
Đó là chưa kể các chính sách an sinh xã hội đồ sộ (chiếm tới hơn 37% ngân sách liên bang) thực chất là việc phân phối lại thu nhập, lấy của người giàu không phải để tài trợ cho những người bất hạnh nhất mà để chia cho tầng lớp trung lưu (America middle class), là tầng lớp có khả năng chi phối các cuộc bầu cử.
Dù sao thì với một nền kinh tế mạnh nhất thế giới những di sản tự do không dễ gì bị phế bỏ, nước Mỹ có khả năng tự điều chỉnh để thoát khỏi những cuộc khủng hoảng, nhưng khả năng này không có ở nhiều Nhà nước phúc lợi khác. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay, bắt đầu từ Hy Lạp, là một bằng chứng sinh động của những quả bong bóng nhà nước phúc lợi đến hồi phải xì hơi. Bi kịch của những nhà nước này là dân chúng đã quen với bầu sữa của Nhà nước, họ không muốn thoát khỏi bầu sữa đó, bất chấp tình trạng vỡ nợ. Những cuộc biểu tình rầm rộ chống các chương trình thắt lưng buộc bụng ở châu Âu cho thấy bi kịch đó.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
(*)Tocqueville, Nền dân trị Mỹ, bản tiếng Việt, NXB Tri thức, Hà Nội 2008.
(**) Những đỉnh cao chỉ huy, sách đã dẫn.
*****
Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 7: Luận về vốn ODA ở Việt Nam
06/11/2014 16:30
(TNO) Vấn đề nợ công của Việt Nam đang là tiêu điểm bàn luận của các chuyên gia kinh tế và thu hút sự quan tâm rộng rãi của dân chúng. Cả Thủ tướng Chính phủ cũng phải cảnh báo “nợ công tăng nhanh”.
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 5: Nhà nước vú em
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 6 : Bi kịch của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít
Theo báo cáo chính thức của Chính phủ, dư nợ công cuối năm 2013 bằng 54,2%, dư nợ chính phủ bằng 42,3%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 37,3% GDP. Dự kiến đến hết năm 2014, dư nợ công bằng 60,3% (tăng 6,1%), dư nợ chính phủ bằng 46,9%, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 39,9% GDP. Theo con số tuyệt đối thì nợ công cuối năm 2013 lên gần 1,9 triệu tỉ đồng, hết năm nay dự kiến sẽ lên hơn 2,4 triệu tỉ. Riêng nguồn vốn vay ODA đến nay đã được giải ngân khoảng 40 tỉ đô la Mỹ trong số 60 tỉ đô la đã cam kết.
Đã có nhiều bản báo cáo phân tích, nhiều cuộc hội thảo và nhiều tranh cãi xung quanh những câu hỏi đó, nhưng số liệu đưa ra khác nhau, cách nhìn nhận cũng khác nhau, hướng giải quyết cũng khác nhau, khiến cho không ít các đại biểu Quốc hội, những người về danh nghĩa sẽ ra các quyết sách về các chỉ tiêu kinh tế của Nhà nước, cũng có cách tiếp cận không giống nhau.
Con số này là cao hay thấp, có an toàn hay không, nó phát sinh những vấn đề gì, đâu là vấn đề chủ yếu gây hậu quả xấu cho nền kinh tế và làm cách nào để xử lý những vấn đề đó? Đã có nhiều bản báo cáo phân tích, nhiều cuộc hội thảo và nhiều tranh cãi xung quanh những câu hỏi đó, nhưng số liệu đưa ra khác nhau, cách nhìn nhận cũng khác nhau, hướng giải quyết cũng khác nhau, khiến cho không ít các đại biểu Quốc hội, những người về danh nghĩa sẽ ra các quyết sách về các chỉ tiêu kinh tế của Nhà nước, cũng có cách tiếp cận không giống nhau.
Tình trạng đó khiến cho người dân, những người mà bản thân họ và con cháu họ có trách nhiệm phải trả nợ, đang bị nỗi lo “nợ công tăng nhanh” trùm lên cuộc sống, nhưng lại rối mù không biết phải hiểu như thế nào, không biết tiền nợ mà họ sẽ phải trả đang đi đâu về đâu…
Người dân không thể hiểu và không cần phải hiểu những bài toán phức tạp trong các mô hình cân đối chiến lược và quản lý vĩ mô, không hiểu như thế nào là tỷ lệ nợ an toàn, không cần biết như thế nào là “thông lệ quốc tế”, người dân chỉ cần biết những điều dễ biết và phải được biết: từng khoản vay có cần thiết hay không, cái giá phải vay có chấp nhận được hay không, việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích, có bị ai bớt xén xà xẻo hay không và mai sau con cháu họ sẽ phải chịu gánh nặng như thế nào.
Trước hết xin đề cập đến nguồn vốn vay ODA. Hầu hết các báo cáo phân tích nợ công đều cho rằng các khoản vay ngắn hạn như phát hành trái phiếu mới tiềm ẩn rủi ro, còn vốn vay nước ngoài dài hạn như vốn ODA là an toàn, vì lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài.
![]() |
Vốn ODA (Official Development Assistance – hỗ trợ phát triển chính thức), bản thân khái niệm đó đã khá mập mờ, vì đây thực chất là vốn cho vay (viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ lệ rất bé), dù thời hạn dài cũng là vốn vay có tính lãi, được chúng ta gọi một cách mập mờ hơn là vốn “viện trợ”. Cách gọi dẫn đến cách nghĩ và cách hành xử. Đã có không ít người, trong đó có nhiều quan chức, nghĩ đó là tiền “cho không”, dẫn đến việc sử dụng không tính đến hiệu quả.
Nguy hiểm hơn là ngay cả các quan chức hiểu thực chất của vốn ODA cũng có cách hành xử không mấy trách nhiệm. Xuất phát từ thời gian trả nợ dài tới 30 – 40 năm, gánh nặng không thuộc về “nhiệm kỳ” của họ, không thuộc về thế hệ của họ, mà thuộc về con cháu chúng ta, những người đang còn trẻ thơ hoặc chưa ra đời để có thể lên tiếng, nên họ đã chấp nhận mọi điều kiện của bên cho vay, miễn là đem được vốn về.
Cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, trong một cuộc đối thoại trên truyền hình (VITV, ngày 19.6.2010) đã thừa nhận : “Tôi lấy ví dụ, cách đây một thời gian rất ngắn, chúng ta vừa mới khánh thành cầu Cần Thơ, tôi là người tham gia một cách trực tiếp đi tìm nguồn tài trợ. Khi nước Nhật đưa ra việc này trước hết họ nghĩ tới lợi ích của người lao động Nhật chứ không phải là lợi ích của Việt Nam (tất nhiên việc Việt Nam có cái cầu cũng rất quan trọng). Tôi lấy một thí dụ, trong rất nhiều điều kiện thì có một điều kiện gần như tiên quyết là phải trên 50% các thiết bị sắt thép làm cầu đó phải mua tại nước Nhật, trong khi theo giá thị trường thế giới lúc bấy giờ thép của Nhật đắt hơn từ 25 – 30% so với một loạt nước khác…”.
Không chỉ mỗi một cái cầu Cần Thơ mà tình trạng này là phổ biến trong đàm phán ODA, nhất là vốn ODA của Nhật, là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Đó là chưa kể hầu hết các công trình sử dụng vốn ODA của Nhật đều do các nhà thầu Nhật làm, kể cả sau khi nước ta có Luật Đấu thầu thì việc đấu thầu quanh đi quẩn lại nhiều công trình cũng lọt vào tay các nhà thầu Nhật Bản.
Thời gian qua báo chí rộ lên thông tin về giá 1 km đường cao tốc làm bằng vốn ODA ở Việt Nam cao gấp 2,5 lần (có người nói gấp 3, gấp 4 lần) giá 1 km đường cao tốc ở Mỹ. Mặc dù có nhiều “phản biện”, chưa ai thống nhất với ai do chưa có cơ sở để tính toán đối chiếu, tin tức đó cũng cho thấy giá thành 1 km đường cao tốc ở Việt Nam cao ngất ngưởng. Chưa tính đến những thông tin còn tranh cãi này, chỉ riêng ở mức đội giá mà ông Trần Xuân Giá nêu ở trên đã khó có thể chấp nhận được rồi.
Tôi lấy ví dụ, cách đây một thời gian rất ngắn, chúng ta vừa mới khánh thành cầu Cần Thơ, tôi là người tham gia một cách trực tiếp đi tìm nguồn tài trợ. Khi nước Nhật đưa ra việc này trước hết họ nghĩ tới lợi ích của người lao động Nhật chứ không phải là lợi ích của Việt Nam… Trong rất nhiều điều kiện thì có một điều kiện gần như tiên quyết là phải trên 50% các thiết bị sắt thép làm cầu đó phải mua tại nước Nhật, trong khi theo giá thị trường thế giới lúc bấy giờ thép của Nhật đắt hơn từ 25 – 30% so với một loạt nước khác…
Ông Trần Xuân Giá,
Cựu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư , trong một cuộc đối thoại trên truyền hình (VITV, ngày 19.6.2010)
Không ai tính được nguồn vốn ODA và vốn vay quốc tế nói chung về đến đất nước này đã thất thoát bao nhiêu chục phần trăm, nhưng về định tính thì có thể thấy rõ 3 kênh thất thoát :
Kênh thứ nhất, như đã nói, chúng ta phải chấp nhận những điều kiện bất bình đẳng có lợi cho chủ nợ. Cần biết từ năm 1997 trở về trước các “nhà tài trợ” còn áp đặt rất mạnh khi cho vay ODA, thậm chí buộc chúng ta phải nhận vật tư thiết bị giá cao vượt xa giá thị trường. Giá thành của các công trình do các nhà thầu của nước cấp ODA cũng cao hơn nhiều so với giá của các công trình đấu thầu quốc tế công bằng và rộng rãi. Không ai phủ nhận sự cần thiết phải có nguồn vốn ODA và trong thực tế nó đã có tác dụng rất quan trọng, mở đường và hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển kinh tế và làm hoành tráng đất nước, nhưng cái giá mà con cháu chúng ta phải trả là quá đắt, chỉ tính riêng sự áp đặt của các chủ nợ.
Kênh thứ hai, dùng vốn vay để nhập thiết bị công nghệ lỗi thời, không những không đem lại hiệu quả kinh tế gì mà còn biến Việt Nam thành một bãi rác quốc tế. Việc nhập thiết bị lỗi thời từ nhà máy đường đến xi măng lò đứng của Trung Quốc ai cũng biết là một bài học nhưng không thấy ai học thuộc. Chưa ai thống kê được có bao nhiêu thiết bị công nghệ lỗi thời đã được nhập vào Việt Nam, chỉ biết là rất nhiều, nó có ở khắp nơi trong cả nước, thỉnh thoảng nhân vụ này vụ kia mới lòi ra một cái như cái ụ nổi Vinalines. Cần biết rằng sau khi giải thể xi măng lò đứng người ta lại ồ ạt nhập những thiết bị xi măng lò quay cũng của Trung Quốc thải ra. Dù có dùng vốn ODA hay không thì vốn các doanh nghiệp nhà nước vay để nhập các thứ rác rưởi đó cũng do chính phủ bảo lãnh và chính phủ cũng đã phải lấy tiền vay ra trả nợ.
Kênh thứ ba, là tham nhũng. Từ khoảng năm 2000 trở về trước, dù không có bất cứ văn bản cấm nào nhưng báo chí không ai dám động đến việc sử dụng vốn vay ODA. Có một hàng rào vô hình nào đó biến vùng này thành một vùng cấm kỵ. Các cơ quan điều tra cũng như báo chí khó có đủ dũng khí lao vào vùng cấm đó. Vụ PMU18 đã “vang dội” một thời. Những vụ tham nhũng vốn ODA sau này, như vụ Huỳnh Ngọc Sỹ trong công trình đại lộ Đông Tây cũng chủ yếu được phát hiện từ… nước ngoài. Tham nhũng ODA ở ngành đường sắt Việt Nam, nước Nhật người ta đã thấy rõ ràng, còn ở Việt Nam chỉ mới dám nói là “nghi án”. Tất nhiên cái kênh thứ hai và kênh thứ ba liên quan mật thiết với nhau. Việc nhập thiết bị công nghệ lỗi thời tất nhiên có tham nhũng, chỉ có điều không thấy chứng cứ, trừ cái ụ nổi Vinalines, hoặc giả là có chứng cứ nhưng đã bị dìm trong quên lãng.
Gọi nguồn vốn ODA là nguồn vốn vay an toàn là an toàn cho vài ba nhiệm kỳ của bộ máy lãnh đạo, còn đối với đất nước, đối với tương lai của con cháu thì nó chẳng an toàn chút nào, nếu như ba cái kênh thất thoát kia không được ngăn chặn. Kênh thứ nhất có thể dùng lương tâm và đạo lý để kêu gọi, nhưng kênh thứ hai và kênh thứ ba thì chỉ có thể giảm thiểu bằng việc giảm thiểu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và bằng một nhà nước pháp quyền, mà Nhà nước pháp quyền của chúng ta thì chưa được hoàn thiện… (còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
*****
Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 8: Quản lý nợ công, chi ngân sách và tinh thần pháp trị
09/11/2014 12:06
(TNO) Ngày 7.11.2014, Việt Nam phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 4,8%, thấp hơn mức dự kiến 5,125%.
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 7: Luận về vốn ODA ở Việt Nam
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 6 : Bi kịch của nền dân chủ lấy số đông thống trị số ít
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 5: Nhà nước vú em
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử – Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas JeffersonĐây cũng là mức lãi suất thấp nhất so với mức lãi suất 6,755% của đợt phát hành năm 2010 và mức lãi suất 6,875% của đợt phát hành 2005. Đợt phát hành này diễn ra đồng thời với việc hoán đổi 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2010 nhằm cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ.
Đợt phát hành trái phiếu này nhằm khai thác lợi thế sau khi các tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s và Fitch nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng xếp hạng từ B2 lên B1, Fitch nâng xếp hạng từ B+ lên BB-), ghi nhận những tiến bộ rõ rệt trong quá trình phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và cải thiện hệ thống ngân hàng. Với “thành công ngoài mong đợi” đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để báo cáo Chính phủ khả năng tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế trong thời gian tới nhằm chủ động cơ cấu lại nợ công để giảm bớt rủi ro ngắn hạn.
Cùng với việc tăng lượng phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ công, chuyển áp lực nợ ngắn hạn sang dài hạn, việc thu hút vốn ODA vẫn đang rất cao với cam kết ODA duy trì ở mức 6,5 tỉ USD năm 2013 và mức cam kết này dự kiến không giảm trong năm 2014. Và tới đây, khi kinh tế hồi phục, GDP sẽ tăng tốc, cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện, xu hướng đó sẽ khiến cho tình hình nợ công mặc dù sẽ tăng mạnh, nhưng dưới góc độ quản lý vĩ mô thì rủi ro sẽ giảm xuống.
“Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không làm được”, là quan điểm mà nhiều vị lãnh đạo của chúng ta thường nhắc tới, cần được thể hiện trong thực tế
Rủi ro trong ngắn hạn giảm xuống nhưng rủi ro trong dài hạn thì gia tăng, bởi vì mọi nỗ lực “cơ cấu nợ” để bảo đảm an toàn trong ngắn hạn sẽ tích tụ rủi ro cho dài hạn. Chúng ta không thể biết trước trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào vì lịch sử kinh tế học cho thấy mọi mô hình dự báo đều thất bại. Chúng ta không nên giành lấy phần an toàn cho mình và đẩy những rủi ro không lường trước được cho con cháu. Vì vậy, trong khi “cơ cấu nợ” nhất định phải đồng thời tính đến những chuyện vừa lâu dài vừa khẩn cấp để từng bước giảm thiểu nợ nần và chống thất thoát nguồn vốn của nhà nước.Thứ nhất là giảm chi tiêu công. Quá trình Đổi mới gần 30 năm qua thực chất là quá trình giảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế, nên lẽ ra chi tiêu công cũng phải giảm theo quá trình này, nhưng nghịch lý ở nước ta là chi tiêu công không những không giảm mà còn tăng: tổng chi ngân sách vào năm 1990 bằng khoảng 22% GDP, những năm gần đây đã lên trên dưới 30% GDP. Bội chi ngân sách liên tục trong nhiều năm ở mức trên dưới 5% GDP. Đây là mức chi quá cao so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực (Singapore 18%, Đài Loan 16%, Thái Lan 20%, Trung Quốc 22%…). Căn cứ vào thực tiễn của các nước, nhiều nhà nghiên cứu khuyến nghị ở những quốc gia có điều kiện tương tự như Việt Nam tổng chi ngân sách nên ở mức 15-20% GDP là phù hợp.
Vốn đầu tư của nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội mặc dù giảm mạnh từ khoảng 60% vào năm 2001 xuống còn khoảng 38% vào năm 2012 do hiệu quả của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự kích thích mạnh mẽ đầu tư tư nhân từ sau khi có luật Doanh nghiệp, nhưng vẫn còn quá cao và ít hiệu quả. Khoảng 1/3 vốn đầu tư của Nhà nước là vốn vay (số liệu năm 2011). Việc cắt giảm mạnh vốn đầu tư của nhà nước là hoàn toàn khả thi vì rất nhiều lĩnh vực nhà nước đang bao sân, tư nhân hoàn toàn có khả năng và sẵn sàng đầu tư. “Nhà nước chỉ làm những gì mà người dân không làm được”, là quan điểm mà nhiều vị lãnh đạo của chúng ta thường nhắc tới, cần được thể hiện trong thực tế.
Khác với nhiều nước trên thế giới, ngân sách nhà nước của Việt Nam còn phải chi, từ tiền lương đến kinh phí hoạt động, cho không ít các tổ chức xã hội và nghề nghiệp, gồm các hội đoàn và liên hiệp hội đoàn, vốn là những tổ chức dân sự tự nguyện, lẽ ra chỉ hoạt động từ tiền hội phí do các hội viên đóng góp và từ thu nhập hợp pháp của chính các tổ chức ấy. Hiện nay đến cả nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ (làm việc trong các hội hoặc liên hiệp các hội chuyên ngành, không tính những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước) mà cũng ăn lương nhà nước thì quả là điều hiếm thấy trên thế giới. Việc “Nhà nước hóa” các tổ chức xã hội và nghề nghiệp không những làm tăng gánh nặng cho ngân sách mà còn làm vô hiệu hóa các tổ chức này với tư cách là một thiết chế xã hội dân sự tự nguyện.
Thứ hai là hoàn thiện hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền nhằm đưa toàn xã hội vận hành theo những nguyên tắc pháp trị. Pháp trị không chỉ để bảo đảm cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật mà còn đòi hỏi việc ban hành luật pháp cũng phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, sao cho các điều luật đều được áp dụng đồng loạt cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, để người dân có thể đoán trước được những hành vi của mình và của những người khác có đúng pháp luật hay không trong mọi tình huống. Do vậy nó cũng yêu cầu luật pháp không giao cho bất cứ cơ quan nào có quyền ban hành những quy định mà người dân không thể đoán trước.
Theo tinh thần đó thì thông lệ ban hành và triển khai thực hiện nhiều đạo luật của nước ta rất dễ vi phạm nguyên tắc pháp trị. Bởi vì nhiều đạo luật thường được giao cho bộ, ngành thuộc Chính phủ soạn thảo. Sau khi Quốc hội ban hành, chính bộ, ngành này soạn thảo nghị định hướng dẫn thi hành đạo luật đó cho Chính phủ ban hành. Sau khi có nghị định lại cũng chính bộ, ngành này soạn thảo thông tư để chính mình hướng dẫn thi hành nghị định. Tình trạng “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư” cũng là chuyện hiếm thấy trên thế giới. Thông lệ này gây chậm trễ và phiền hà cho việc thực thi pháp luật là chuyện nhỏ, chuyện lớn và nguy hiểm hơn là mặc nhiên tạo ra quyền hành quá lớn cho các bộ. Có vô số những lý do để biện giải cho tình trạng một đạo luật được soạn thảo để không thi hành được ngay mà phải chờ có nghị định, một nghị định được soạn thảo cũng không thi hành được ngay mà phải chờ có thông tư, nhưng có một lý do ít ai dám đối mặt: Một số chỗ “không thi hành được ngay” đó sẽ được biến tấu mập mờ nhằm duy trì cơ chế xin cho, tạo đặc quyền cho cơ quan soạn thảo và là mảnh đất làm nẩy sinh các nhóm lợi ích. Đã có phiên tòa những người tham gia tố tụng phải làm công văn hỏi ý kiến của một bộ rằng việc này việc kia có đúng pháp luật hay không.
Việc “Nhà nước hóa” các tổ chức xã hội và nghề nghiệp không những làm tăng gánh nặng cho ngân sách mà còn làm vô hiệu hóa các tổ chức này với tư cách là một thiết chế xã hội dân sự tự nguyện
Để bảo đảm nguyên tắc pháp trị, không thể không nói đến vai trò độc lập của tòa án. Nước ta không thực hiện “tam quyền phân lập”, là do ta có đặc điểm thực tiễn và truyền thống của ta, vả lại “tam quyền phân lập” như phương Tây chưa chắc là mô hình tối ưu, nhưng nhất định phải có cơ chế giới hạn và kiểm soát quyền lực, trong đó có vai trò của tòa án.Cần hết sức lưu ý những quy định mới của Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định: “Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Hiến pháp hiện hành thì quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Hiến pháp cũ không nói rõ việc can thiệp vào hoạt động xét xử phạm tội gì, còn theo Hiến pháp hiện hành thì việc can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án là vi hiến. Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Tú trong một bài viết đăng trên website của Tòa này còn giải thích: “Tiến trình Thẩm phán, Hội thẩm độc lập xét xử là độc lập trong mọi hoạt động của mình theo quy định của pháp luật tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc phiên tòa xét xử chứ không chỉ giới hạn bởi “khi xét xử” như quy định của Hiến pháp năm 1992”.
Vai trò độc lập của tòa án còn liên quan đến cơ chế bổ nhiệm và nhiệm kỳ thẩm phán. Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trong bài viết Độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cho Tòa án thực hiện đúng đắn quyền tư pháp đăng trên báo Nhân dân điện tử mới đây đã nêu rõ: “Nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng có ảnh hưởng đến sự độc lập của tư pháp. Khi được bảo đảm một nhiệm kỳ đủ dài, không phải lo lắng quá nhiều về việc tái bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ thẩm phán, Thẩm phán có thể đưa ra phán quyết mà không phải bận tâm tới phúc lợi cá nhân và nghề nghiệp của mình. Thẩm phán giữ nhiệm kỳ lâu dài giúp họ yên tâm với công việc xét xử, không phải bận tâm về việc tái bổ nhiệm nhiệm kỳ sau, cương quyết và độc lập hơn trong bảo vệ lẽ phải, công lý”. Còn theo ông Trần Văn Tú thì Thẩm phán chỉ nên có nhiệm kỳ trong thời gian đầu, nếu được bổ nhiệm lại thì làm việc cho đến khi về hưu, “đối với Thẩm phán TAND tối cao không có nhiệm kỳ, nghĩa là khi được Chủ tịch nước bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn thì Thẩm phán TAND tối cao làm việc cho đến khi nghỉ hưu”.
Tóm lại, chỉ nói riêng việc quản lý nợ công và tài sản công, nếu những nguyên tắc pháp trị không được tuân thủ thì việc chống tham nhũng và ngăn chặn các nhóm lợi ích chỉ là những lời tuyên bố cho sướng miệng mà thôi.
Hoàng Hải Vân