Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể – tuy nhiên vẫn tồn tại những khó khăn
Dữ liệu gần nhất: 2014
(Chú thích: factor-driven economy: nền kinh tế phát triển ở giai đoạn đầu (nền kinh tế phát triển dựa vào các yếu tố đầu vào)
Năm 2014, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu phục hồi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 5.98%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, quá trình phục hồi chậm đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và cá nhân.
Mặc dù môi trường kinh doanh năm 2014 đã được cải thiện, tỷ lệ khởi sự kinh doanh (tỷ lệ người trưởng thành trong giai đoạn đầu của việc bắt đầu kinh doanh) chỉ đạt 2%, thấp hơn mức 4% của năm 2013 và thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 12.4% ở các nền kinh tế phát triển ở giai đoạn đầu (nền kinh tế phát triển dựa vào các yếu tố đầu vào) có trình độ phát triển tương tự Việt Nam.
Trong khi đó, tỷ lệ người trưởng thành nhận thức được các cơ hội tốt để kinh doanh đã giảm – từ 44% năm 2013 xuống 39% năm 2014. Tương tự, tỷ lệ ý định kinh doanh – những người có ý đinh khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới – đã giảm từ 24% 2013 xuống 18% năm 2014, một lần nữa thấp hơn rất nhiều mức trung bình 40% ở các nền kinh tế phát triển ở giai đoạn đầu.
Một điểm tích cực là tỷ lệ người trưởng thành nhận thức được bản thân có khả năng kinh doanh đã tăng lên mức 58% từ 34% trong năm 2013, tiến sát đến mức trung bình 65% của các nền kinh tế phát triển ở giai đoạn đầu. Tỷ lệ lo sợ thất bại trong kinh doanh vẫn ở mức cao (50%), mặc dù đã thấp hơn so với năm 2013 (57%). Hơn nữa, tỷ lệ dừng kinh doanh ở Việt Nam cũng đã giảm từ mức 4.3% trong năm 2013 xuống 3.55% năm 2014.
Như vậy, hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, tuy nhiên, đã có những dấu hiệu khả quan.
Những doanh nhân ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nhân thành công, đều có địa vị cao trong xã hội. Thật sự là 3 trong 4 người trưởng thành ở Việt Nam có ước mơ trở thành doanh nhân.
Ở Việt Nam, các doanh nhân chủ yếu ở độ tuổi trong khoảng từ 25 đến 54 tuổi, và nam giới thường nhiều hơn nữ giới. Xuất phát điểm của họ thường từ một nền tảng thu nhập cao hơn, có bằng đại học, và chủ động tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. Họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ gia đình trong các hoạt động kinh doanh, chủ yếu là trong lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng.
Khả năng và hạn chế
Sự nhận thức và hình ảnh tích cực của những doanh nhân giúp phát triển hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Trong khi Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, phụ nữ Việt Nam đã được xã hội đánh giá ngày càng cao. Các dịch vụ chăm sóc gia đình giúp thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cơ hội kinh doanh cho phụ nữ.
Tuy vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện hạ tầng cơ sở ở Việt Nam (đường xá, sân bay…) và tình hình cũng tốt hơn so với các nước đang phát triển khác. Hơn nữa, công nghệ thông tin liên lạc cũng đã tốt hơn trong những năm gần đây. Sự năng động của kinh tế nội địa cũng tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh, tất cả các nhân tố này tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh.
Về mặt hạn chế, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được những vấn đề về giáo dục kinh doanh – trang bị cho những người trẻ kiến thức kinh doanh cơ bản và tư vấn về nghề nghiệp sớm cho sinh viên, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, tiếp cận vốn cũng là vấn đề cần phải bàn.
Những sáng kiến hỗ trợ kinh doanh
Năm 2014 cho thấy những nỗ lực rất lớn của của chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh.
- Luật doanh nghiệp mới sửa đổi (2014) đã đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp: các doanh nhân hiện giờ có thể linh hoạt hơn rất nhiều khi đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp của mình.
- Luật đầu tư sửa đổi (2014) đã nới lỏng những quy định về đầu tư, hiện giờ, chỉ có 6 hoạt động đầu tư kinh doanh “bị cấm” (giảm xuống từ 51) và 267 hoạt động đầu tư kinh doanh “có điều kiện” (giảm xuống từ 386)
- Với Nghị quyết số 19/NQ-CP (ngày 18 tháng 3 năm 2014), chính phủ cam kết đến cuối năm 2015 đạt mức trung bình của Nhóm nước ASEAN – 6 về một số những biện pháp liên quan đến cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Quá trình này cũng đã được thực hiện – thời gian trung bình trong các thủ tục thuế giảm từ 537 giờ xuống 247 giờ một năm.
- Chỉ thị số 11/CT-TTg (ngày 21 tháng 5 năm 2015) hướng tới giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có nhiệm vụ tổng hợp các kiến nghị đề xuất của các doanh nghiệp và làm báo cáo hàng tháng gửi tới Thủ Tướng.
Những xu hướng theo thời gian
Những kết quả của GEM 2014 cho thấy các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với những khó khăn bất chấp sự phục hồi kinh tế vẫn đang diễn ra. Các chinh sách của Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2014 chưa thể tạo ra được tác động tức thì, chúng ta sẽ nhìn thấy những tác động rõ hơn vào những năm tới.
Những thách thức trong tương lai
Sau một giai đoạn tăng trưởng bị giảm sút, Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc và đổi mới mô hình phát triển kinh tế của mình. Cùng thời điểm, Việt Nam cũng gia tăng hội nhập với nền kinh tế thế giới – ví dụ, ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia khu vực tự do mậu dịch ASEAN (AFTA). Việc này tạo ra cả những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để phát triển, các doanh nghiệp và doanh nhân cần tập trung vào đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh và tham gia tích cực vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Dịch bởi Lê Hà, Th.S Tài chính Thương mại Quốc tế, Học viện Tài chính Liên kết ĐH Leeds Metropolitan, UK
Cảm ơn Hà và Hằng.
A. Hoành
ThíchThích