
Nguyễn Thanh Tùng*
Tóm tắt:
Trong nền văn hóa lâu đời của người Raglai, sử thi (Akhát Jucàr), xét về phương diện chức năng thể loại, là những di sản có giá trị lớn về nhiều mặt.
Trong phạm vi của bài viết này, ngoài việc điểm lược những nét khái quát về tộc người và văn hóa tộc người Raglai; về thể loại sự thi (Akhát Jucàr) trong nền văn học dân gian Raglai, chúng tôi tập trung nghiên cứu, thẩm nhận bước đầu một số chức năng của sử thi trong văn hóa tộc người Raglai, xét từ phương diện chức năng thể loại:
– Bảo lưu và truyền tải phong tục, tập quán, tín ngưỡng;
– Tái tạo, tôn vinh lịch sử, xã hội, văn hóa tộc người;
– Đảm nhận vai trò đích thực của những áng văn chương truyền miệng .
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Dân tộc Raglai có quá trình cư trú lâu đời trên một địa bàn rộng lớn phía nam dãy Trường Sơn, thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn và phát triển của mình, tộc người này đã tạo dựng được một nền văn hóa độc đáo, thấm đẫm vẻ đẹp nhân văn, là một bộ phận không thể thiếu, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa đại gia đình dân tộc Việt Nam.
Trong nền văn hóa lâu đời ấy của người Raglai, sử thi (Akhát Jucàr) là những di sản có giá trị lớn về nhiều mặt. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung trình bày một số thẩm nhận về chức năng của sử thi (Akhát Jucàr) Raglai từ phương diện loại hình.
- NỘI DUNG
2.1. Sơ lược về văn hóa truyền thống dân tộc Ra Glai
Ra Glai là tộc người thuộc ngữ hệ Malayo – Polinésien (Nam đảo), cư trú ở vùng Nam Trung bộ Việt Nam. Tên gọi của tộc người này từng được các nhà nghiên cứu ký âm theo mẫu tự La-tinh như: Raglai, Radlai, Oranglai, Roglai, Rắclây. Theo tổng điều tra dân số năm 2009, dân tộc Ra Glai ở Việt Nam có khoảng 122.245 người, sống tập trung ở vùng núi phía Tây các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Nền kinh tế nông nghiệp trước đây của người Ra Glai chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp hoạt động khai thác tự nhiên như săn, bắt, hái, nhặt,… Về trồng trọt, người Raglai làm rẫy theo phương thức du canh luân khoảnh cổ truyền với các công đoạn: đốt rừng, chọc lỗ, trỉa hạt,… Công cụ lao động còn thô sơ như rìu, rựa, chà gạc, gậy chọc lỗ, nạo cỏ. Nương rẫy người Ra Glai thường xen canh lúa, bo bo và các loại cây hoa màu khác. Lĩnh vực chăn nuôi nhằm phục vụ cho việc cúng lễ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của gia đình, cộng đồng. Nghề thủ công đã ra đời, chủ yếu rèn, đan lát, dệt vải,…. Những sản phẩm thủ công gồm có dao rựa, chà gạc: đồ đan lát từ mây tre như đồ đựng, gùi, sàng gạo; vải dệt,… Nền kinh tế truyền thống Raglai chủ yếu là tự cung tự cấp, hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa còn hết sức yếu ớt, nhỏ lẻ.
Từ những sản vật thiên nhiên và thành quả lao động sản xuất, sản phẩm văn hóa ẩm thực người Ra Glai là các món ăn, thức uống mang phong vị riêng như: Canh lỏng (ia bai), canh đặc (ia bai pai), canh chua (ra bai ma sap); các loại bánh tét (pay nung), bánh ngọt (pay yamn), bánh tổng hợp(pay poh). Đặc biệt, rượu cần (tapai) là thức uống không thể thiếu trong sinh hoạt ẩm thực đời thường cũng như trong lễ hội, được chế biến từ các loại ngô, bo bo, khoai mì.
Trang phục cổ truyền Ra Glai hãy còn đơn giản, đàn ông cởi trần đóng khố; đàn bà quấn váy tấm, mặc áo cộc luồn đầu. Đồ trang sức của nữ có vòng đeo cổ tay, vòng đeo cổ, các loại vòng cườm, bông tai bằng đồng thau, bạc.
Người Ra Glai sống quây quần thành từng buôn làng, gọi là palây, hình thái tổ chức xã hội truyền thống của đồng bào.. Mỗi palây gồm vài, ba chục nóc nhà và thường cùng một dòng họ. Đứng đầu palây là pô palây (trưởng làng). Cùng quản lý làng còn có pô chưt (chủ núi), là những người thông thuộc ranh giới đất đai, rừng núi, nương rẫy thuộc sở hữu của gia đình, dòng họ, buôn làng.. Các thầy cúng (pô dâu) cũng có vai trò quan trọng trong đời sống của người Ra Glai vì người ta tin rằng trong các sinh hoạt cúng tế họ có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh, ma quỉ.
Theo tập quán, nhà ở của người Ra Glai thường xây dựng trên sườn đồi về một bên của dòng suối và cách xa nhau. Nhà sàn, còn gọi là nhà dài, (sàc inã) là nơi sinh sống quây quần của ít nhất ba, bốn thế hệ dưới sự cai quản của chủ nhà, thường là người già, cao tuổi nhất trong gia đình, dòng họ. Người Ra Glai theo chế độ mẫu hệ. Con gái sinh ra mang họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ suốt 7 đời. Quyền thừa kế tài sản chỉ thuộc về con gái, đặc biệt là người con gái út. Con gái cưới chồng về nhà mình theo quan niệm: “Chặt cây rừng về làm nhà, bắt người ta về làm người nhà mình”. Người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhưng quyền quyết định những việc hệ trọng vẫn thuộc về người vợ và ông cậu bên vợ. Người Ra Glai có nhiều dòng họ. Mỗi dòng họ thường gắn liền với một sự tích, truyền thuyết về nguồn gốc của dòng họ như Patâu (đá mài), Pinăng (cau), Katơr (Bobo), Pupur (tro bếp), Chamaléa (dây máu), Kadá (dựa vào nhau),…Xã hội Ra Glai truyền thống được điều hành bằng phong tục, tập quán (hay luật tục). Luật tục Ra Glai được lưu giữ bằng trí nhớ và truyền miệng, phần lớn được thể hiện dưới dạng lời nói vần, dễ nhớ, dễ thuộc. Những sáng tạo văn hóa xã hội này xuất hiện từ lâu đời, là phương tiện cố kết cộng đồng rất hữu hiệu. Luật tục Ra Glai tập trung vào những qui ước: Đạo đức, luân lý làm người; hôn nhân và gia đình; tôn ty trật tự xã hội; quyền sở hữu tài sản; bảo vệ môi trường sinh thái,…
Nhìn chung, luật tục Ra Glai mang đậm tính chất phong tục, tập quán và tinh thần dân chủ. Đó là sản phẩm văn hóa cổ truyền của xã hội sơ khai chưa có sự phân hóa đẳng cấp, chưa có sự phân biệt gay gắt về địa vị xã hội. Đến nay, nhiều nội dung luật tục ấy vẫn hiện diện, có một số điểm vẫn mang ý nghĩa tích cực, khả thủ; nhưng cũng rất nhiều điểm lạc hậu, không phù hợp với pháp luật và văn hóa hiện đại.
Về văn hóa tinh thần, người Ra Glai theo tín ngưỡng đa thần, quan niệm vạn vật hữu linh. Họ tin rằng thế giới thần linh hiện diện khắp nơi với nhiều tầng bậc, ngôi thứ, phạm vi trách nhiệm và tác động tới cuộc sống con người khác nhau. Cộng đồng dân tộc Raglai có rất nhiều nghi lễ thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa như: Nghi lễ ăn lúa mới, nghi lễ cúng ông bà, nghi lê bỏ mả, nghi lễ cưới hỏi, nghi lễ đặt tên, nghi lễ mừng thọ, nghi lễ tách nhà,…Đời sống tinh thần, nhận thức, tư duy của người Raglai còn được biểu hiện ở những sáng tạo riêng về văn học truyền miệng, dân ca, các điệu múa. Tất cả các thành tố văn hóa tổ hợp nên nền văn hóa truyền thống Ra Glai đều còn thuộc phạm trù văn hóa dân gian (folklore) (1).
2.2. Thể loại sử thi (Akhát Jucàr) trong văn học dân gian Ra Glai
Dù việc sưu tầm văn học dân gian Ra Glai mới chỉ được khởi động trong khoảng thời gian chưa dài, tài liệu thu thập được được chưa thật đầy đủ để cho phép đưa ra cái nhìn vừa chi tiết vừa toàn diện đối với di sản văn học của tộc người. Tuy nhiên, bằng vào những kết quả bước đầu đã đạt được trong sưu tầm và nghiên cứu gần đây, có thể khẳng định người Ra Glai có một nền văn học dân gian với nhiều thể loại, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tính giáo dục sâu sắc như: truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao, các làn điệu dân ca,… Văn học dân gian cộng đồng dân tộc Ra Glai phản ánh nhận thức, kinh nghiệm và tình cảm tộc người về tự nhiên, xã hội, hình thành và đúc kết từ thực tiễn đời sống, được trao truyền, giữ gìn, bồi bổ qua nhiều thế hệ. Trong kho tàng văn học quả là phong phú ấy, sử thi (Akhát Jucàr) là loại hình độc đáo, giàu giá trị vào loại bậc nhất. Thể loại này ra đời và tồn tại trong đời sống văn hóa của người Ra Glai không chỉ với tư cách một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ mà thực sự còn là “bách khoa thư”, là “tượng đài lịch sử – văn hóa” mà từ đó, người ta có thể hình dung về lịch sử, suy nghiệm về văn hóa của cả cộng đồng tộc người. Tính “nguyên hợp”, chức năng văn hóa đa dạng là đặc điểm nổi bật, đặc sắc của thể loại Akhát Jucàr trong văn học truyền miệng dân tộc Ra Glai. Đây cũng chính là đặc tính chung của loại hình sử thi các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên (như Ê Đê, Gia Rai, M’Nông, Ba Na,…) và vùng núi phía Bắc Việt Nam (như Mường, Thái).
Cùng nằm trong vùng sử thi Tây Nguyên nhưng sử thi Ra Glai lại chứa đựng những nét riêng khá đặc biệt. Bên cạnh những tính chất chung của loại hình sử thi khu vực, những Akhát Jucàr Ra Glai còn mang những đặc điểm riêng về nội dung lẫn hình thức. Sự khác biệt đó một phần do tác động của đặc thù lịch sử, xã hội, phần khác do ảnh hưởng của chính nền văn hóa dân gian cũng như tâm lý cộng đồng dân tộc Ra Glai. Việc phát hiện, sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu sử thi Raglai được tiến hành có phần chậm hơn so với sử thi của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên khác. Cho đến những năm đầu thập kỷ thứ 9 thế kỷ XX, khi nhiều sử thi của các dân tộc Tây Nguyên khác đã được phát hiện, công bố thì sử thi Raglai hầu như vẫn chưa được biết đến.
Bằng niềm tin mãnh liệt và tình yêu tha thiết đối với văn hóa Tây Nguyên và đặc biệt là truyền thống tộc người Ra Glai ở phía Nam hẻo lánh của vùng đất, nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu tiêu biểu là các ông Nguyễn Thế Sang, Hải Liên đã miệt mài và kiên trì trong cuộc tìm kiếm. Để rồi, không lâu sau đó họ đã phát hiện rất nhiều “cây trầm hương sử thi” quí giá trong mênh mông đại ngàn văn hóa dân gian Ra Glai. Đẩy công cuộc sưu tầm, nghiên cứu sử thi Raglai lên một bước mới, với nhiều kết quả quan trọng, đó là Dự án điều tra, sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên của Viện Văn hóa dân gian (2001- 2004). Ngót chục sử thi Ra Glai đã được sưu tầm, ra mắt công chúng, trong đó nhiều tác phẩm có dung lượng hết sức đồ sộ như Udai – Ujàc( 14.387 câu), Sa Ea( 22.272 câu), Awơi Nãi Tilơr (hơn 36.000 câu),…(2). Có thể khẳng định rằng, đồng bào Ra Glai không những có sử thi mà còn có những bộ sử thi hết sức tầm cỡ, độc đáo. Đây là kết quả đáng tự hào trong nỗ lực sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản sử thi Việt Nam nói chung. Việc văn bản hóa và xuất bản sử thi Ra Glai là cơ sở để chúng ta có thể tập trung nghiên cứu một cách cụ thể, chi tiết và đúng đắn giá trị nguồn văn liệu dân gian này trên các phương diện lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của nó. Cụ thể hơn, việc soi rọi chức năng phức hợp của thể loại Akhát Jucàr chắc chắn sẽ là hướng nghiên cứu giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn về vận mệnh của nó trong nền văn hóa chung của tộc người. Tuy nhiên, đây chắc chắn là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và nỗ lực của người nghiên cứu.
2.3. Về chức năng, sứ mệnh văn hóa của sử thi – Akhát Jucàr
2.3.1. Bảo lưu và truyền tải phong tục, tập quán, tín ngưỡng
Sử thi là những tác phẩm văn học dân gian độc đáo, không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật văn chương mà còn là một thể “nguyên hợp” các loại tri thức dân gian. Khảo sát các tác phẩm sử thi Ra Glai, chúng ta rất dễ nhận thấy mối quan hệ hữu cơ, trực tiếp, gắn bó giữa thể loại ngôn từ này với các hoạt động văn hóa, với phong tục; tập quán; tín ngưỡng,… Các Akhát Jucàr được tạo nên như một tổng thể mang đặc trưng văn hóa tộc người đậm nét. Nói cách khác, sử thi chính là nơi bảo lưu, truyền bá phong tục, tập quán, tín ngưỡng của tộc người Ra Glai. Có lẽ, với trách nhiệm văn hóa lớn lao và tất yếu này, trong sự tồn tại lâu dài của môi trường folklore tộc người, các Akhát Jucàr Ra Glai đã đến được với chúng ta ngày nay.
Trong sử thi Sa Ea, ngoài bốn cuộc chiến tranh, phần còn lại của trường thiên sử thi với 22.272 câu hát này là những dòng thơ ngập tràn không khí lễ hội; hàng ngàn câu hát thể hiện đậm nét phong tục, tập quán của người Raglai về cái ăn, cái mặc, cái ở; về tập quán cưới xin; về đạo đức, luân lý; về các chuẩn mực văn hóa của cộng đồng. Trong thiên sử thi này, chúng ta bắt gặp rất nhiều đoạn kể về phong tục đón khách, tiễn khách; về lễ vật cưới xin; về nghi lễ gả con, bắt rể,…Đây chẳng phải là những thêu dệt, tưởng tượng mà chính là sự tái hiện nghiêm túc các khía cạnh văn hóa xã hội cộng đồng tộc người. Đi vào thế giới các Akhát Jucàr dường như các “điều khoản” luật tục, các niềm tin thần thánh trở nên thiêng liêng, sống động hơn. Sử thi Udài – Ujàc có 3 đám cưới, được miêu tả trong khoảng gần 3000 câu thơ. Đám cưới nào cũng được tổ chức linh đình theo đúng phong tục đón khách, tiễn khách; phong tục cầu con, bắt rể của người Ra Glai. Ở các đám cưới ấy, sử thi tái hiện vô cùng sinh động các phong tục của tộc người như: tục nói lời lý lẽ trước khi nhà trai đến hỏi cưới, tục đeo còng xâu chuỗi cho đôi trai gái, tục cô dâu, chú rể ăn chung một tô cơm, đuôi cá,.… Sử thi Amã Chisa với khoảng 7.200 câu thơ đã có đến 9 khúc ca tập trung diễn tả hai đám cưới lớn mà qua đó người nghe có thể đắm mình trong không khí lễ hội tràn đầy niềm vui tươi, hoan lạc và hạnh phúc. Một bức tranh rộng lớn về thuần phong, mỹ tục; về tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng người Ra Glai được tái hiện vô cùng sinh động.
Người Ra Glai theo chế độ mẫu hệ, quyền thừa kế tài sản thuộc về nữ giới. Những vấn đề quan trọng trong gia đình, dòng tộc chủ yếu do người vợ và ông cậu bên vợ quyết định. Điều này cũng được thể hiện đậm nét trong các thiên Akhát Jucàr của họ. Sử thi Sa Ea mở đầu bằng một biến cố: ông Sum Patay và bà Sum Panang qua đời, để lại một người con gái còn nhỏ dại tên là Anãi Ubala. Anh trai của bà Sum Panang (mẹ của Anãi Ubala) đã mang cô bé về nuôi dưỡng, đem theo cả cái tô cúng cơm lễ ngày mãn tang cha mẹ Anãi Ubala và toàn bộ tài sản mà tổ tiên để lại cho cô bé. Việc chàng Yuwa, con trai ông bà Chơk Juk, muốn cưới em gái nuôi Anãi Ubala và việc Anãi Ubala nghe lời chiếc còng xâu chuỗi mách bảo, chủ động ra bến tắm gặp Yuhea và kết hôn cùng chàng là hành động chống lại sự vi phạm luật tục về hôn nhân, cưới xin của tộc người Raglai. Khi Yuwa sai bảo Anãi Ubala “Hãy đến rót rượu cần, đeo còng vàng, nhẫn hột” thì nàng – người con gái của cộng đỗng mẫu hệ – đủ cương quyết để từ chối:
“Ta không rót rượu cần, đeo nhẫn hột
Ta đã có chàng trai làng trên xóm dưới
Ở nơi núi cao sao trời
Yuhea con bà Lala ông Katal
…
Cha mẹ đã căn dặn
Không lấy chàng trai cùng nhà cùng giường
Lấy chàng trai làng trên xóm dưới
Bây giờ lại bảo rót rượu cần làm đám cưới”(3)
Trong các Akhát Jucàr của người Ra Glai, bên cạnh thế giới con người với cuộc sống hết sức đông đúc, náo nhiệt, còn có cả một thế giới thần linh vô cùng đông đảo: ông Voi thần, bà Voi thần, thần Rắn ác có “năm hồng mao cằm chống trời”, vua thần lửa Tamuh, vua thần lửa Long-ca, Thần rừng thiêng nước độc, Thần độc O’Ma lai, Thần Chân trời chiến trận, vua Ốc bươu kỳ dị, vua Thần đất nung, bà Thần đá tảng, vua Thần độc Rắn tinh, Hổ tinh, vua Thần Gió lốc, vua Thần Biển khơi, vua Thần rồng, Thần Mương mán,… Giống thế giới thần linh trong các loại hình sử thi khác, như sử thi Hy-lạp chẳng hạn, thế giới thần linh trong Akhát Jucàr Ra Glai có quan hệ hết sức mật thiết với con người. Điều đó thể hiện rõ nét tín ngưỡng đa thần, quan niệm vạn vật hữu linh của tộc người Ra Glai. Thế giới thần linh tham gia, can thiệp hầu như vào tất cả mọi mặt đời sống của con người. Phần đầu sử thi Awơi Nãi TiLơr kể rằng do tiếng tăm về tài sắc của nàng Awơi Nãi TiLơr lừng lẫy khắp núi rừng, khắp buôn xa bản gần, vang xa, vang mãi đến tận xứ sở của thần Biển khơi Putau Tuwaq và chúa thần mẫu Via Valìq. Vì vậy, Vua thần Biển khơi cùng chúa mẫu lệnh cho thuộc hạ đến nhà Awơi Nãi TiLơr buộc nàng phải tìm cho được trầm hương to bằng đùi, ngà voi cao bằng đầu người để cống nạp, nếu không sẽ dâng nước làm hại dân làng. Trong Sa Ea, vì khiếp sợ trước lời đe dọa của rắn Thần ác năm hồng mao, Chay Grăm Chay Garăm, người giữ cổ vật thiêng ché satôk, saniêng và chiêng Pok Way Takai Gok, đã không dám tiết lộ với Yuhea chuyện rắn Thần ác bắt nàng Anãi Ubala. Xúc động trước cảnh Yuhea khóc “mắt một bên sưng húp như cái bát, một bên sưng như cái nồi. Nước mắt chảy rào rào chẳng thấy đường đi”, chiêng Pok Way Takai Gok nguyện đi theo Dăm Yuhea và nói lên sự thật. Yuhea tức giận, gọi thần lửa Lăng Ka Anai Kadhir đốt nhà, đốt giường Chay Grăm Chay Garăm. Thần lửa đã khuyên Yuea bớt giận để lại lên đường. Chiêng Pok Way Takai Gok cũng khuyên Yuhea nếu chỉ dùng sức phá rắn năm mồng có hàm chống trời thì sẽ sập cả đất đai xứ sở.
Ám ảnh và ý thức về “sông to biển lớn” và các từ ngữ liên quan đến hình tượng này xuất hiện với mật độ dày đặc trong các Akhát Jucàr. Chỉ riêng trong sử thi Awơi Nãi TiLơr, hình tượng nhân vật vua Thần Biển đã xuất hiện đến hàng trăm lần; các từ “biển lớn” (Tasiq), “sông to” (Kroc) xuất hiện đến gần vài trăm lần. Rõ ràng, trong tâm thức tín ngưỡng của người Ra Glai, nước đóng một vai trò vô cùng quan trọng, gắn liền với những sự kiện trọng đại trong cuộc đời con người. Bến tắm là nơi bắt đầu cho các cuộc hôn nhân, cửa biển là nơi các anh hùng được sinh ra. Và khi kết thúc các cuộc chiến tranh, các anh hùng cũng ra sông to biển lớn để tắm gội, thanh tẩy, bắt đầu cho một cuộc sống mới thanh bình và thịnh vượng.
2.3.2. Tái tạo, tôn vinh lịch sử, xã hội, văn hóa tộc người
Qua khảo sát, các tác phẩm sử thi-Akhát Jucàr chúng ta thấy nổi lên một đặc điểm nội dung tư tưởng – thẩm mỹ thể hiện rất rõ nguồn gốc Đa đảo của tộc người Ra Glai. Không khó để nhận biết điều này qua sự trùng lặp biểu tượng “sông to biển lớn” xuất hiện dày đặc, xuyên suốt các tác phẩm. “Sông to biển lớn” trở thành biểu tượng đặc trưng của văn hóa Ra Glai, không chỉ thể hiện trong các Akhát Jucàr mà còn in dấu đậm nét trong ca dao, thành ngữ, truyền thuyết; trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của người Ra Glai. Con tàu Kagor trên nóc nhà mồ với chức năng tâm linh sẽ đưa linh hồn người chết trở về “sông to biển lớn”, xứ sở của cha ông, tổ tiên ngày trước. Núi Cô Tiên (ở Nha Trang – Khánh Hòa) trong truyền thuyết của người Ra Glai là hình ảnh của nàng Awơi Nãi Tilơr trong sử thi cùng tên nằm xõa tóc, đầu hướng về núi, chân thả xuống biển, chặn đường voi thần xin ngà cống nạp cho vua Thần biển khơi Putau Tuwaq và chúa thần mẫu Via Valìq. Hòn Chồng (Nha Trang) là tảng đá lớn, nơi Awơi Nãi Tilơr giặt giũ “áo bào” khi chiến tranh kết thúc.
Ngoài yếu tố biển, thể hiện một nét đặc trưng văn hóa tộc dân, sử thi – Akhát Jucàr còn tái hiện vô cùng sinh động lịch sử, xã hội tộc người Ra Glai qua bức tranh rộng lớn, hoành tráng về những cuộc hôn nhân, những cuộc chiến tranh và đời sống thanh bình, thịnh vượng. Có thể nói, chiến tranh, hôn nhân và đời sống sung túc, nhộn nhịp là những vấn đề trung tâm trong các sử thi Ra Glai. Sử thi Sa Ea có bốn cuộc chiến tranh và hai cuộc hôn nhân lớn; sử thi Awơi Nãi Tilơr có một cuộc chiến tranh và hai cuộc hôn nhân; sử thi Amã Chisa có hai cuộc chiến tranh và hai chộc hôn nhân,…Xen kẽ và kết thúc những cuộc chiến tranh và hôn nhân trong các sử thi là cuộc sống hoan lạc, thanh bình, thịnh vượng. Điều đó phản ánh và tôn vinh lịch sử, văn hóa Ra Glai; thể hiện khát khao, mơ ước về một cuộc sống phồn vinh, thanh bình của con người Ra Glai trong buổi đầu lịch sử thiên di từ biển khơi đến rừng núi phải chống chọi với biết bao thế lực từ thiên nhiên đến kẻ thù ngoại xâm. Cuộc chiến long trời lở đất của Amã Sa Ea với Rắn ác “năm hồng mao” có “cằm chống trời” trong sử thi Sa Ea, cuộc tìm kiếm trầm hương to bằng đùi, ngà voi cao bằng đầu người để cống nạp cho vua thần biển khơi Putau Tuwaq và chúa thần mẫu Via Valìq của nàng Awơi Nãi Tilơr trong sử thi Awơi Nãi Tilơr phải chăng là khúc xạ của lịch sử khám phá, chinh phục thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của người Ra Glai cổ đại.
Khác với sử thi của các tộc người Ba Na, Xơ Đăng, Ê Đê, M’Nông,…những tộc người cùng cư trú trên địa bàn Tây Nguyên rộng lớn, chiến tranh trong sử thi Ra Glai có lúc vượt ra khỏi khuôn khổ thị tộc, bộ lạc, trở thành vấn đề quốc gia, dân tộc. Trong sử thi Udai – Ujàc, Awơi Nãi Tilơr, Amã Chisa, giặc Cur và giặc Jawa, biểu tượng cho các thế lực ngoại xâm, trở thành đối thủ thường trực. Trong các cuộc chiến ấy, những người anh hùng “đứng đầu gươm” Ra Glai luôn là những người chiến thắng. Sau những chiến thắng cao thượng, đẹp đẽ, huy hoàng ấy, kẻ bại trận được trở về trong danh dự; kẻ chiến thắng cùng nhau xuống bờ nước “sông to biển lớn” tắm gội để bắt đầu một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng. Rõ ràng chiến tranh trong Akhát Jucàr không phải để hủy diệt, để nối tiếp hận thù, để tấn công mà chủ yếu là để tự vệ. Những cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu là để chống lại các thế lực bạo tàn nhăm nhe tàn phá, hủy hoại cuộc sống cộng đồng. Thế nên, sự tái hiện cảnh chiến tranh của sử thi Ra Glai có ý nghĩa ngợi ca lịch sử oanh liệt, truyền thống văn hóa, thể hiện ước mơ cuộc sống thanh bình của tộc người. Rằng, hơn thế, từ xa xưa, người Ra Gai đã cố kết thành cộng đồng, xã hội tộc người đã trở nên bền chặt bởi những thiết chế văn hóa truyền thống. Cộng đồng tộc người Ra Glai đã là chủ nhân của một nền văn hóa (vật chất, xã hội, tinh thần,…) đủ sức đối phó, tồn tại và phát triển trước mọi sóng gió lịch sử.
2.3.3. Đảm nhận vai trò đích thực của những áng văn chương truyền miệng
Sử thi Akhát Jucàr là những “pho sử thi sống”, kho tích lũy, giữ gìn và truyền bá văn hóa tộc người, tuy nhiên trước hết đây là những tác phẩm văn chương. Ngôn ngữ, tư duy và khả năng sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của người Ra Glai cho phép sự ra đời của loại hình sử thi, những”văn phẩm” trường thiên, hào hùng. Ngoài các chức năng văn hóa “phát sinh” như trên thì hiển nhiên Akhát Jucàr còn đảm trách nhiệm vụ cốt lõi của loại hình nghệ thuật văn chương. Thế nên, từ các phương diện quan hệ đến sự hiện diện những áng văn chương truyền khẩu này, sứ nhiệm văn hóa “nghệ thuật” của các Akhát Jucàr cần được đặc biệt nhấn mạnh. Ta thấy, như sử thi các dân tộc ít người Việt Nam khác, Akhát Jucàr Ra Glai. thường được diễn xướng về đêm (trừ những ngày giông gió, bão tố và những bất trắc khác) trong các dịp lễ hội, cưới xin hoặc vào những thời điểm nhàn rỗi sau vụ mùa. Phương thức “xuất bản” trong cộng đồng những tác phẩm văn nghệ ngôn từ dân dã như thế rõ ràng là có sự phối hợp, hỗ trợ của nghệ thuật ca hát, biểu diễn. Sự hấp dẫn, lôi cuốn, thấm sâu của nội dung Akhát Jucàr là có sự đóng góp tích cực của cách thức truyền bá cổ truyền này. Đặc tính “nguyên hợp” như vậy của sử thi Ra Glai một lần nữa thể hiện sự phức hợp về chức năng của chúng, ở đây là chức năng nghệ thuật. Đồng thời với tác dụng “huấn thị” văn hóa, các “giai phẩm” Akhát Jucàr là nguồn sinh lực cho đời sống tinh thần cộng đồng, cho tâm hồn, tình ý, mỹ cảm của mọi con người. Thời lượng diễn xướng Akhát Jucàr tùy thuộc vào độ dài ngắn của tác phẩm, sức khỏe, cảm hứng của nghệ nhân. Địa điểm diễn xướng quen thuộc thường là tại ngôi nhà dài của gia tộc. Ở đó, ranh giới giữa người diễn xướng và người nghe hầu như không có sự cách biệt. Mọi người có thể ngồi hoặc nằm để nghe nghệ nhân ngâm, hát, kể, nhưng tất cả đều có điểm chung là yên lặng, say mê và thành kính. Người diễn xướng sử thi – Akhát Jucàr không phải là người chuyên nghiệp mà mang tính gia truyền và thường là phụ nữ..Những nữ nghệ nhân tài danh này được truyền dạy và ghi nhớ sử thi từ ông bà, cha mẹ.
Về phương tiện đặc thù và giá trị “chất liệu” nghệ thuật, các Akhát Jucàr là sự tổ hợp, thăng hoa của ngôn ngữ văn chương truyền miệng tộc người. Tiếp nhận, thưởng thức những văn phẩm này, thính giả được ru mình trong cái hay cái đẹp của ngôn từ. Tất nhiên, đây cũng là “trường học” đào tạo tiếng nói, ngôn ngữ tộc người.
Cùng với tính thu hút về đề tài, chủ đề, là những vấn đề quan hệ đến cuộc sống mỗi cá nhân và cả tộc người (như hôn nhân, chiến tranh, lao động, chiến đấu, sinh hoạt cộng đồng,…), thì cốt truyện li kỳ, nhân vật sử thi – Akhát Jucàr được trau dồi qua nhiều thế hệ nghệ nhân là sản phẩm nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của “công chúng”. Thế giới nghệ thuật Akhát Jucàr đã hình thành các kiểu cốt truyện, môtip nhân vật (anh hùng, dũng sĩ, người đẹp, thần linh, quái thú,…) đủ sức lôi cuốn và tạo sự hấp dẫn, phấn khích cho người nghe. Bao trùm hơn nữa là không gian và thời gian quá khứ, dĩ vãng, huyền thoại được mở ra trong các áng tự sự trường thiên. Kết hợp với tính hào hùng, kì vĩ của sự kiện, tình huống và hành động của nhân vật, tất cả đều phối hợp chặt chẽ để tạo nên sự mê hoặc của các áng sử thi Ra Glai.
- KẾT LUẬN
Với những giá trị nhiều mặt của một thể loại lớn trong lịch sử văn hóa, văn học nhân loại, sử thi (epic) đã và sẽ tiếp tục được giới chuyên môn quan tâm, khám phá. Riêng với kho tàng Akhát Jucàr Ra Glai (một tộc người khiêm tốn về dân số, địa bàn sinh sống hơi ‘khuât nẻo”, văn hóa truyền thống không quá nổi bật,..), song quả là không dễ gì để giải mã thấu đáo di sản sử thi của họ. Hàng chục sử thi đã được sưu tầm, công bố của tộc người này (và cả những tác phẩm còn chưa được biết đến) hi vọng sẽ là nguồn tài liệu quí giá giúp chúng ta tiếp tục thẩm nhận trên mọi khía cạnh văn hóa tộc người đầy đủ hơn.
LỜI CẢM ƠN
Tác gải xin chân thành cảm ơn PGS. TS Phan Thị Hồng, một nhà giáo mẫu mực trong nhân cách; tận tâm trong giảng dạy và nghiêm túc, khách quan trong khoa học, đã hướng dẫn, cung cấp tài liệu và tạo điều kiện để tác giả hoàn thành bài báo.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
(1) Phần viết về văn hóa truyền thống tộc người này có tham khảo công trình Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía nam), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Dân tộc học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015; ở phần Dân tộc Ra-Glai, tr 547-567.
(2) Những khảo lược trong bài viết về sử thi Ra Glai trong bài viết đều xuất phát từ công trình Kho tàng sử thi Tây Nguyên, Sử thi Ra Glai của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, xuất bản các năm 2007- 2009 và Các công trình của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, xuất bản năm 2014.
(3) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. (2009). Kho tàng sử thi Tây Nguyên, Sử thi Ra Glai, Sa Ea, (Quyển 2), tr. 994, Nxb Khoa học xã hội.
THE EPIC OF THE RAGLAI PEOPLE – FROM THE FUNCTIONAL ASPECT OF THE GENRE
Nguyễn Thanh Tùng*
Giảng viên Trường CĐSP Ninh Thuận; NCS chuyên ngành Văn học Việt Nam, trường Đại học Đà Lạt (Lecturer of Ninh Thuan Pedagogical College; PhD student of Vietnamese literature at Dalat University)
Contact author : hoaitan95@gmail.com; Phone number: 01688785535
Summary:
In the ancient culture of the Raglai people, the epic (Akhát Jucàr), in terms of function of the genre, is of great value in many respects.
In the context of this article, in addition to presenting some of the racial and cultural traits of the Raglai clan, the epic genre (Akkát Jucàr) in Raglai folklore, we mainly research and initial evaluation of some functions of the epic (Akat Jucàr) from the aspect of genre:
– The preservation and propagation of customs, habits and beliefs;
– Regenerating, honoring the history, society and culture of the Raglai people;
– Taking on the true role of oral literature.
Keywords: Epic; Raglai; function; genre