- Kỳ 1: Cuộc cưỡng chế “thí điểm” khủng bố tinh thần toàn xã
- Kỳ 2: Nông dân mất đất ra bờ sông dựng lều nương náu!
- Kỳ 3: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp cả người chết
- Kỳ 4: “Kỷ lục” thu 562m2 đất, bồi thường… 327 ngàn đồng
- Kỳ 5: Bước đường cùng của bà lão đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế
- Kỳ 6: “Giọt nước tràn ly” khi mộ phần tiên tổ bị xâm hại
- Kỳ 7: Những kẻ chủ mưu giấu mặt trong đêm 680 nông dân bị bắt
- Kỳ 8: ‘Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây’
- Kỳ 9: Từ điểm nóng đất đai đến ‘lò lửa’ oan án
- Kỳ 10: Sống bị triệt sinh kế, chết bị tai tiếng “tự tử trại giam”
***
Dự án “tỷ đô” của Donacoop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Cuộc cưỡng chế “thí điểm” khủng bố tinh thần toàn xã
Thứ Hai, 2/4/2018 09:05 GMT+7
(PLO) – Vùng đất từng là một xã trù phú với hàng ngàn hộ dân, hàng vạn nhân khẩu, dần bị thô bạo cưỡng chế xóa trắng, đền bù rẻ mạt, để mọc lên “khu đô thị” phân lô bán nền do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ đầu tư.
Kỳ 1:
Chỉ cách trung tâm Biên Hòa (Đồng Nai) mươi cây số, 10 năm nay, hàng ngàn nông dân sống trong cảnh lầm than. Người sống không còn nơi dung thân, mò ốc bắt còng sống qua ngày; người chết cũng không nơi chôn cất. Cuộc sống điêu tàn, oán thán chất chồng.
Xóa trắng xã lập khu đô thị “chui”
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2007, khi “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” ra đời, gồm ba dự án: Đồng Nai Water Front (366,7 ha), Aqua City (304,9 ha), Khu dân cư Long Hưng (227,7 ha), tại xã Long Hưng, huyện Long Thành (xã Long Hưng nay đã chuyển về TP Biên Hòa). Mục tiêu, theo giấy chứng nhận đầu tư, là “đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị”.
Năm 2008, UBND Đồng Nai ra các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất 2.532 hộ dân, trong đó 1.130 hộ bị giải tỏa trắng. Dù đây không phải là dự án công ích, dân vẫn bị áp giá với mức có khi chỉ 35 ngàn đồng/m2. Tính theo thời giá, mỗi m2 đất ăn được hai đĩa cơm sườn.
Chưa bàn đến các vấn đề pháp lý chi tiết, chưa bàn đến việc dự án thương mại có được áp giá và thô bạo cưỡng chế hay không, dự án nhanh chóng bị kết luận là dự án “chui”. Người dân đâm đơn khiếu nại tố cáo khắp nơi, không chấp nhận giao đất với giá rẻ mạt để nhà đầu tư bán lại với giá gấp hàng trăm lần. Đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã có văn bản khẳng định “dự án khu đô thị mới có quy mô sử dụng 200 ha trở lên phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận”. Có nghĩa Đồng Nai khi đó đã cấp phép trái thẩm quyền.
Bộ Xây dựng lưu ý “khu đô thị quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên là dạng hoạt động kinh doanh đặc thù và có nhiều điểm khác như sử dụng diện tích đất lớn, liên quan đến nơi sinh sống hàng vạn người dân và các lĩnh vực khác như giáo dục, thể thao, y tế, văn hóa… Ngoài ra việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới còn phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp về kiến trúc, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, các vấn đề kết nối hạ tầng khu vực…”.
Cuối tháng 3/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu UBND Đồng Nai nghiêm túc kiểm điểm việc cấp phép đầu tư dự án. Tuy nhiên trước hành động “tiền trảm hậu tấu” của Đồng Nai, văn bản này vẫn cho phép tiếp tục triển khai các dự án trên, và “phải thực hiện đúng quy hoạch và tiến độ, thực hiện các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.
Cuộc sống hàng ngàn hộ dân xã Long Hưng từ khi đó chính thức rơi vào cảnh oán thán. Nhưng trời thì cao, đất thì dày, oán thán ai nghe?
![]() |
Bảy năm qua, cứ mỗi lần nhắc lại ngày bị thô bạo cưỡng chế nhà, ông Hoa lại uất ức bật khóc. |
Cuộc cưỡng chế “thí điểm”
Bảy năm qua, ông Phan Văn Hoa (SN 1959, từng ngụ ấp An Xuân) không có một giấc ngủ ngon. Từ một nông dân cần mẫn gây dựng nên nhà cao cửa rộng, vườn cây ao cá, ruộng lúa mênh mông, bỗng chốc mất tất cả. Mồ hôi nước mắt nhiều đời gây dựng bị cưỡng chế đập phá thành bãi đất trống phân lô bán nền cho các “đại gia”.
Tính tới đứa cháu đang nằm nôi, nhà ông sáu đời cư ngụ ở đất Long Hưng, cái tên có nghĩa “con rồng mạnh mẽ, trí tuệ, sung túc”. Năm 1977, ông Hoa lập gia đình, thừa hưởng ruộng vườn gia đình. Gom góp, đi lượm từng thanh sắt, làm được bao nhiêu để dành mua gạch đá, hàng đêm vợ chồng xuống sông xúc cát trữ sẵn. Mất bốn năm trời ròng rã mới xây xong căn nhà năm 1991.
Khoảng vườn 1.700m2 đất thổ cư, ông đào ao thả cá, trồng cây ăn trái. Diện tích 1,6 ha đất ông vừa trồng lúa, trồng cây lâu năm. Mỗi năm bình quân ông thu lãi 80 triệu đồng, thời điểm đó tương đương 6 – 7 lượng vàng. Từ năm 1995 đến 2009, ông hết nhận được xã, huyện, tỉnh Đồng Nai công nhận “nông dân sản xuất giỏi”. Những tưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng cho mỗi đứa ít đất ra riêng, làm căn nhà nhỏ. Ai ngờ tan nát hết.
Năm 2008, ông được gọi ra xã nghe phổ biến dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”. Biết đây là dự án thu đất giá rẻ bán lại giá cao, không phải vì công ích, ông không đồng ý. Chính quyền vẫn cho người kiểm đếm tài sản. Mồ hôi nước mắt sáu đời, cả nhà đất 1.700 m2 và cây trái, ao cá chỉ được bồi thường 854 triệu. Ông không đồng ý nhận tiền, không đồng ý giao đất.
Nhà ông Hoa ở đầu làng nên trở thành “mục tiêu” đầu tiên cho cuộc cưỡng chế “thí điểm”. “Không họp hành, không gặp mặt, không thuyết phục động viên. Đầu tiên không nghĩ họ bạo lực đến vậy, nhưng hóa ra họ làm bất chấp vì nhà tôi là trường hợp đầu tiên. Nếu cưỡng chế được, đó là biện pháp thị uy, cảnh cáo các nhà khác, làm tê liệt ý chí phản kháng cả xã”, ông Hoa nói. Hôm đó, ông nhớ rất rõ, ngày 19/10/2011.
![]() |
Vợ ông Hoa quỳ lạy lực lượng cưỡng chế (Hình cắt từ clip) |
“Hóa chất lạ” trấn áp những lời van xin
Sáng tinh mơ hôm ấy, cả xã Long Hưng bừng tỉnh bởi tiếng xe cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương… Những nông dân chưa từng thấy cảnh tượng hàng trăm công an, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, cán bộ… vây một căn nhà. Trong căn nhà ấy, không có tội phạm, cũng không tiềm ẩn nguy hiểm gì. Đó là gia đình nông dân gồm một ông bố, một bà mẹ, ba đứa con và mấy đứa cháu. Ông Hoa kể lại: “Tôi chỉ lập một bàn thờ Bác Hồ và cờ Tổ quốc đặt trước sân. Đất nước độc lập tự do hạnh phúc là giữ cho dân mảnh đất mình khai phá. Cứ tưởng họ không dám phá nhà”.
Người dân đến rất đông, nín thở im lặng theo dõi. Những người già thì lên tiếng phản đối. “Gia đình tôi khóa cổng, hi vọng lực lượng cưỡng chế niệm tình thương xót, nhưng không tình, không lý. Họ tấn công…”, ông Hoa kể lại.
Trong clip người dân xã Long Hưng ghi lại, người ta thấy cảnh những người nông dân không có ý định chống đối, chỉ biết kêu gào van xin. Vợ ông Hoa quỳ sụp xuống đất, chắp hai tay trước ngực lạy lục. Lực lượng cưỡng chế chia thành nhiều mũi. Mũi đứng trước cổng vô cảm bắc loa đọc thông báo trong tiếng phản đối của dân, tiếng khóc thét kinh sợ của trẻ con. Mũi khác “đột kích” vào nhà, mở màn bằng làn khói bao trùm cả một góc vườn, không rõ là lựu đạn khói hay hóa chất gì? Tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng quát nạt, tiếng người bị quật xuống đất, tiếng trẻ ré lên rồi lịm đi. Máy xúc tiến vào giơ gầu quật liên tiếp. Mồ hôi công sức chắt chiu bao đời tan nát.
Ông Hoa kể lại: “Con trai tôi khi đó uất quá la lên. Họ lao đến lôi con tôi ra đường. Tôi hoảng quá, lôi lại, bị đè sấp mặt xuống đất. Họ bẻ gô tay cha con tôi ném lên xe thùng, chở ra sân ủy ban xã giữa trời nắng đến chiều rồi đưa về trại giam công an”. Đói, khát, giận dữ, tuyệt vọng. Vợ ông sợ hãi ngất xỉu, tỉnh lại cũng bị giải ra ủy ban.
Cơ ngơi bao đời sau ít phút chỉ còn đống xà bần. Lực lượng cưỡng chế bỏ đi mang theo gia đình ông Hoa bị còng trên xe thùng, phía sau lưng là những ánh mắt sợ hãi bàng hoàng.
Chiều muộn, vợ ông Hoa mới được thả về. Bước thấp bước cao trên con đường quen, một hàng xóm chặn lại: “Nhà thành đống gạch vụn rồi, về làm gì nữa”. Nhà bị phá, chồng con bị bắt, người phụ nữ hóa cái xác vô hồn để người ta dìu sang nhà người quen tá túc qua đêm, rồi sáng hôm sau gom chút sức tàn gượng lên Công an Biên Hòa… đóng tiền phạt.
Lập chòi tá túc cũng bị cưỡng chế
Ông Hoa và các con bị giam cho đến khi vợ lên đóng phạt mới được về. Người đàn ông ngậm ngùi: “Ngày xưa bom đạn Mỹ không tàn phá, không gây oán thán nhiều như vậy”. Ông bảo với nhà ông, nay thời bình mà quá chiến tranh, có đất có nhà nhưng thành bần cùng chỉ trong phút chốc.
Nuốt nước mắt cúi đầu chịu nhục trước bất công, ông Hoa nhặt nhạnh vật liệu từ đống xà bần, dựng cái chòi mới tá túc. “Nhưng họ đâu có tha. Lần thứ hai họ tiếp tục cưỡng chế. Họ bảo tôi xây trái phép trên đất dự án”. Hai lần dựng chòi trên nền đất nhà cũ đều bị phá, ông chuyển sang đất vườn. Túp lều sau đó cũng cùng số phận. Ông chuyển ra dựng chòi trên đất ruộng, chốn dung thân này cũng bị giật sập. Những cuộc cưỡng chế kiểu “đuổi cùng giết tận” này, theo ông, vẫn là một cách “khủng bố tinh thần”, “dằn mặt” dư luận xã.
Cuối cùng ông chuyển ra dựng chòi trên đất ruộng của một hàng xóm chưa bị giải tỏa thì mới được tạm yên. Ông lý giải không phải vì muốn tỏ ra “rắn mặt”, mà chỉ đơn giản vì ông là nông dân. Nông dân không đất như cá rời nước, sống bằng gì. Dựng chòi ngoài ruộng trồng luống rau, cấy ít lúa, mới có miếng ăn sống qua ngày.
Kể từ ngày bị cưỡng chế mất nhà, gia đình ông tan đàn xẻ nghé. Mấy đứa con ra ở trọ hoặc tá túc mỗi nhà người quen ít hôm. Ông Hoa nói: “Người ta bảo dự án này giúp dân an cư, ổn định đời sống, nhưng tôi thấy nó đi ngược lại. Nó khiến chúng tôi nghèo đi, mất hết đất sản xuất thì ổn định kiểu gì. Nông dân như tôi, chân tay vầy đây, chữ nghĩa không biết, không ruộng, đi làm công nhân có ai nhận sao?”.
Dù sống cảnh bần cùng, ông Hoa vẫn cương quyết không ký giấy nhận bồi thường, không tiếp tay cho dự án sai, không chấp nhận cảnh vô lý. “Dự án tư nhân thu lợi cá nhân mà áp đặt đền bù, cưỡng chế lấy đất là trái luật. Dù nhà bị đập, vườn ruộng bị san phẳng, tôi vẫn tin vào pháp luật, vẫn tin Đảng và Nhà nước sẽ biết câu chuyện, phân xử đúng – sai”.
Không may mắn như bác nông dân 59 tuổi này còn sức khỏe, còn quyết tâm đi tìm công lý; vì dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, đã có những gia đình bị đẩy vào hố sâu bần cùng, mẹ ngơ ngẩn, con mất mạng, gia đình không chốn dung thân lay lắt trong “ngôi nhà” tự chế neo trên dòng kênh đen. Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
Dự án của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Nông dân mất đất ra bờ sông dựng lều nương náu!
Thứ Ba, 3/4/2018 08:02 GMT+7

Gia đình Dương Minh Tâm (SN 1993, từng ngụ tại số nhà 559, khu 3, ấp Phước Hội) là một trong những trường hợp điển hình vì dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona.Coop) làm chủ đầu tư), mà bị đẩy vào cảnh bần cùng.
Được “đền bù” nền đất để… ngắm chơi
Tâm kể lại, sau cuộc cưỡng chế lấy đất đầu tiên với gia đình ông Phan Văn Hoa (PLVN đã phản ánh trong số báo trước), tâm lý người dân cả xã kinh hãi. “Cả trăm người tay dùi cui điện, tay xịt khói tùm lum, dân la lên cũng bị còng, ai dám ý kiến chống đối nữa”, chàng trai kể lại.
Gia đình Tâm có năm người thì cả năm đến mặt chữ còn không rành, nói gì đến biết quy định pháp luật mà đòi hỏi những quyền lợi như đền bù hợp lý hay chưa, hỗ trợ học nghề ra sao? Giao lại căn nhà và mảnh vườn cho nhà đầu tư Dona.Coop, họ dắt díu ra khu nhà tạm cư ở tạm.
Tâm kể gia đình được bồi thường một nền đất tái định cư 100m2 và số tiền bồi thường hơn 150 triệu. Phải ở nhà tạm cư, vì theo “luật” của Dona.Coop đưa ra, dù có đất tái định cư cũng không được tự ý xây dựng gì trên đó. Muốn ở đó, phải chi tiền cho Dona.Coop xây nhà. Thời điểm đó, mẫu nhà “giẻ rách” nhất của Dona.Coop cũng lên tới 150 triệu đồng.
Số tiền được “bồi thường”, mẹ Tâm, bà Trần Thị Thu (SN 1961), có sáu người con, chia cho mỗi đứa một ít, vậy là chỉ còn vài chục triệu. Gia đình vốn sống bằng nghề mò ốc bắt còng, làm vườn tược, nay ruộng đồng bị san lấp cả, biết kiếm sống từ đâu. Cả xã lâm cảnh điêu tàn, có sức chẳng ai thuê. Bốn đứa con trai tuy lớn lộc ngộc nhưng ít học, cả đời chưa bước chân ra khỏi xã, biết tha phương nơi nào kiếm ăn? Bốn anh em ngày ngày rảnh rỗi ngồi không chỉ biết gầy sòng nhậu. Miệng ăn, núi lở. Từ chỗ có nhà, có vườn, có đất, có kế sinh nhai, gia đình “đổi” được cái nền đất chỉ để… ngắm chơi.
![]() |
Ngày ngày say xỉn, người phụ nữ 57 tuổi lại tìm về nền đất từng có căn nhà bị thu hồi. |
“Nhàn cư vi bất thiện”, bi kịch của gia đình nông dân này một phần bắt nguồn từ mất đất mà ra. Trong một cuộc nhậu, Tâm bị người anh Dương Văn Mẫn (SN 1986, anh cùng mẹ khác cha) say xỉn đánh đến vỡ tụy. Bà Thu dốc hết tiền, bán cả nền đất tái định cư được 150 triệu cứu con.
Cứu được đứa con áp út thì gia đình lâm cảnh không chốn dung thân. Vẫn theo “luật” do Dona.Coop đặt ra, chỉ những ai chưa nhận tiền bồi thường, hoặc đã có nền đất tái định cư mà chưa có tiền đóng cho Dona.Coop để xây nhà thì mới được ở nhờ khu tạm cư. Nền đất tái định cư đã bán, bị coi là chẳng còn “dây mơ rễ má gì”, người ta “phủi tay”. Cả gia đình bị đẩy ra đường, không một xu dính túi, lang thang không biết đi đâu về đâu.
Gia cảnh khốn cùng nhà bà Thu cả xã đều biết. Một người thương tình cho hai triệu, chỉ cho họ mua lại “căn nhà nổi” của một ngư dân bỏ không. Đó là túp lều đặt trên chiếc bè kết tạm bằng khoảng 20 thùng phuy rỗng. Bà Thu cho neo tạm chiếc bè trên con sông nhỏ như dòng kênh bên dự án “tỷ đô”. Gia đình năm người sống lay lắt trong túp lều nổi rộng mươi m2, không điện, không nước, bốn bề nước đen hôi hám, muỗi mòng như vãi trấu, mỗi cơn mưa ập xuống là trong nhà ướt như ngoài trời. “Gia tài” quý nhất là tấm biển ghi số nhà 559 ở căn nhà cũ đã bị phá, bà Thu bới đống xà bần tìm thấy, mang về gắn trước cửa lều.
![]() |
Bữa cơm của mẹ con người phụ nữ cùng khổ. |
Bi kịch gia đình nông dân mất đất
Cuộc sống lâm cảnh bế tắc bấp bênh như chiếc bè lên xuống mỗi cơn triều cường. Bốn thanh niên trong nhà không ai dám nghĩ đến những chuyện yêu đương, gia đình, sinh con đẻ cái, không biết đến cái gọi là “tương lai”, tiếp tục tìm quên trong men rượu.
Đói nghèo bần cùng sinh tội ác. Vụ án “tương tàn” xảy ra một ngày cuối năm 2017. Tâm kể lại: “Sáng đó anh Mẫn và em út Trần Hữu Bình (SN 1996) ngồi nhậu trong lều, tui lúi húi bắt còng dưới sông. Nghe tiếng hai người cự cãi đánh đấm rồi kêu cái “hự”, tui chạy lên đã thấy anh Mẫn ngã gục”. Thì ra bị người anh trong cơn say đánh đập, đứa em bực tức kiếm con dao làm bếp “phản công”. Tâm kêu cứu đến hụt hơi mới có người nghe tiếng chạy đến hỗ trợ, nhưng nạn nhân đã tắt thở trước khi đến bệnh viện.
Bà Thu như hóa điên. Người phụ nữ mới 57 tuổi nhưng tóc đã bạc, dáng tiều tụy, chân tay quắt queo, da đen đúa, như già đến 20 năm so với tuổi. Vừa thương một đứa con chết tức tưởi, vừa thắt lòng nhìn công an giải một đứa vào nhà giam. Đám tang sơ sài cho con xong, người phụ nữ từ ấy tuyệt vọng tìm đến men rượu tìm quên.
Nhà năm người, nay chỉ còn ba. Hai đứa con lầm lũi với những cuộc bắt cua bắt còng, với ngày mấy buổi đi tìm người mẹ thường say xỉn thất thểu lang thang tìm về nhà cũ. Tâm kể bắt còng ngày nhiều kiếm được 100 ngàn, ngày ít chỉ 20 – 30 ngàn, bữa đói, bữa no. Cuộc sống đã mất đi ý niệm về thời gian, chỉ lờ mờ nhớ nay đã lay lắt trên dòng kênh đen được ba cái Tết. Cái Tết vừa rồi, người chị lấy chồng ở miền Tây có ghé về, ngồi thở dài một lúc rồi lại đi. Chị cũng nghèo như em, chỉ mua được cho mẹ hai ký thịt và ít trái cây.
![]() |
Tâm bị thương vỡ tụy, mẹ phải bán nền đất tái định cư chạy chữa, gia đình bị đuổi ra ngoài đường. |
Chính quyền ở đâu mà để người dân sống cảnh khốn cùng? Tâm cho hay cũng có “sự hiện diện” của chính quyền địa phương, đó là 10 ký gạo hỗ trợ hàng tháng. Đó là đôi khi xuất hiện sắc phục cảnh sát giao thông đường thủy, “hăm” “kéo bè đi nơi khác”. Chàng trai lúc ấy lại lội xuống nước vác dây lên vai kéo “nhà” đi vô định cho đến lúc khuất bóng sắc phục. Địa phương có xua đuổi hay không? Tâm kể cũng có lần một số công an xã kéo đến đòi đuổi đi, nhưng dường như trước gia cảnh cùng cực như thế, dù ai ác đến mấy cũng không thể nhẫn tâm thêm. Túp lều cứ thế dập dềnh bên dự án “tỷ đô”, vô định.
Suốt một ngày chúng tôi ở lại “nhà”, không thấy bà Thu rớt một giọt nước mắt. Cùng khổ rồi, dường như người phụ nữ ấy đã không còn nước mắt để khóc nữa. Bà lao vào những cơn say. Nhưng dường như có những điều dù say đến đâu vẫn không thể quên được. Bên “mâm cơm cúng” 100 ngày con chết chỉ có bát cháo loãng và vài sợi mì nấu rối, người mẹ mất con đang rót rượu “khề khà” mời người chết, chợt quắc mắt chỉ về công trường đang xây cất: “Đô na cốp cái gì, đồ ăn cướp”.
Trưa nắng chang chang, Tâm nhăn nhó ôm vết đau vì vỡ tụy ở bụng, giọng trầm buồn: “Nếu như không có cái dự án ấy, gia đình tui đã không khổ như bây giờ”. Biết trả lời Tâm sao? Tâm đưa mắt buồn nhìn ra nơi bờ sông, nơi con chó gầy nhà Tâm cũng đang nhẫn nhục dặt dẹo ra nằm giơ xương bụng gặm quả mướp non.
Chàng trai mù chữ có lẽ không thể biết được trên lý thuyết, quyền được có một cuộc sống đúng nghĩa của mình được “bảo vệ” như thế nào. Trong quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chung dự án, đã hứa hẹn những lời có cánh về tính chất mục tiêu “thực hiện chuyển dịch kinh tế – xã hội địa phương từ nông nghiệp nông thôn phân tán lạc hậu sang đô thị dịch vụ…, phát triển bền vững, tạo lập môi trường sống mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Trước đó, cuối tháng 3/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu UBND Đồng Nai và chủ đầu tư dự án “thực hiện các cam kết về bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”. “An sinh xã hội”, mà những cuộc đời bị gạt ra ngoài lề xã hội, sự sống cái chết lay lắt như ngọn đèn trước gió vậy sao?
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Dự án “tỷ đô” của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp cả người chết
Thứ Tư, 4/4/2018 08:07 GMT+7
(PLO) – Mười năm nay, Long Hưng luôn là “lò lửa nóng” về đất đai. Dù nhà đã bị phá, đất đã mất, án tù đã mang, những người nông dân vẫn kiên trì tới cơ quan chức năng từ TP Biên Hòa đến tỉnh Đồng Nai, rồi văn phòng các bộ, ngành tại TP HCM, oán thán giãi bày, đâm đơn khiếu kiện ra Hà Nội, mong Trung ương cứu xét tình cảnh của họ.

Trong bản báo cáo của Thanh tra tỉnh Đồng Nai về “tình hình khiếu nại, tố cáo đông người tại dự án Khu kinh tế mở Long Hưng” từ cuối năm 2012, đã ghi nhận “người dân khiếu nại về giá bồi thường thấp, bồi thường vật kiến trúc chưa thỏa đáng, yêu cầu có sự thỏa thuận về giá bồi thường”, còn có yêu cầu kiểm kê lại tài sản, tố cáo việc bồi thường thiếu diện tích, kiến nghị những bất hợp lý trong tái định cư. Báo cáo chỉ ra dân còn khiếu nại các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế sai pháp luật.
Chính quyền Đồng Nai biết là như vậy, nhưng xử lý ra sao thì lại là chuyện khác.
Những động thái khó hiểu của Đồng Nai
Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona.Coop) làm chủ đầu tư) từ khi manh nha triển khai đã không được lòng dân. Trong biên bản một cuộc họp dân ngày 8/12/2008, ghi rõ: “100% các hộ dân dự họp không đồng ý với quyết định thu hồi đất”.
Bất chấp sự phản đối ấy, dự án vẫn được triển khai “thần tốc”. Hai tuần sau khi “ghi nhận ý kiến dân” như trên, chỉ trong ngày thứ Sáu 22/8/2008, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cùng lúc có ba tờ trình đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất. UBND tỉnh dường như “cần mẫn” làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, thẩm định, “duyệt tốc hành” những đề nghị này trong hai ngày cuối tuần. Và sau đó, ngay ngày thứ Hai 25/8/2008, UBND tỉnh ban hành cùng lúc năm quyết định thu hồi hơn 8,4 triệu m2 đất, gần như “xóa trắng” xã Long Hưng.
Chính quyền Đồng Nai cũng có những “chủ trương” khó hiểu, “tiền hậu bất nhất” về dự án này. Như trong văn bản phát đi ngày 4/12/2008 do một lãnh đạo tỉnh khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái ký, nêu rõ: “Chấp thuận về chủ trương cho Dona.Coop được phép thỏa thuận bồi thường với các hộ dân có đất nằm trong dự án để bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Nhưng thực tế cho thấy với tất cả trường hợp thu hồi đất, đều áp giá đền bù, khi dân không đồng ý thì đưa lực lượng cưỡng chế thô bạo.
![]() |
Ông Thạnh: “Họ ức hiếp cả người chết. Họ hành xử quá tàn nhẫn, mưu mô”. |
Chính quyền Đồng Nai còn có nhiều điều vô cùng khó hiểu khác. Trước lá đơn kiến nghị của một số người dân hồi đầu năm 2014, yêu cầu làm rõ: “Việc phê duyệt dự án, tỉnh có trình và được Quốc hội chấp thuận không, có được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch hay không, nếu có thì tại văn bản số mấy, ngày nào, thời hạn mấy năm, ngày nào chấm dứt?”, UBND tỉnh Đồng Nai là đơn vị cùng Dona.Coop “đẻ” ra dự án này, lại có công văn giao UBND TP Biên Hòa “xem xét, xử lý, trả lời”. Và UBND TP Biên Hòa, đơn vị hành chính trực tiếp quản lý xã Long Hưng đã cử lực lượng đi cưỡng chế lấy đất dân Long Hưng biết bao lần, đã trả lời như sau: “UBND TP Biên Hòa không đủ thông tin để trả lời, kính báo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo”.
Ông Nguyễn Thanh Long (SN 1944, ngụ số 587, khu 3, ấp Phước Hội) tố cáo: “Dona.Coop lúc đầu chỉ thực hiện dự án có quy mô 50 hecta mua lại đất của một số hộ dân với giá 90 ngàn đồng/m2. Sau đó Dona.Coop phân lô bán lại với giá 450 ngàn đồng/m2, mỗi lô rộng 1.000m2. Đó là tiền thân của “đại dự án” sau này. Chủ đầu tư thấy làm như vậy lời quá, lấy đất của dân Long Hưng dễ quá, lại thấy vị trí đẹp, chỉ bắc một cây cầu qua sông là sang TP HCM, vừa ăn theo dự án sân bay Long Thành, nên muốn mở rộng ra”.
Những điều vô lý bất công đó, nông dân mất đất đều biết cả, nhưng cán bộ từ xã – huyện – tỉnh đều “trên dưới một lòng” hoặc làm ngơ, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, biết kêu ai? Bà Lê Thị Sáng (SN 1954, ngụ ấp Phước Hội) xót xa: “Xưa tôi theo cách mạng một phần vì tin tưởng chính sách độc lập dân tộc gắn với người cày có ruộng. Vậy mà nay chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp làm sai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bằng mọi giá lấy đất, bất chấp dân oán thán kêu cứu”.
“Đền bù” 1, bán lại gấp 235 lần
Trong hàng ngàn người dân Long Hưng bị mất đất, dù bị dúi đầu trước sức mạnh cưỡng chế nhưng rất nhiều người vẫn không chấp nhận “tiếp tay cho cái sai”. Bị cưỡng chế đập nhà phá đất, họ vẫn quyết không ký nhận tiền “đền bù”, hàng chục năm gắng gỏi vừa tìm kế mưu sinh sống qua ngày, vừa kiên trì đi kêu oan. Ông Hứa Hòa Thạnh (SN 1953, từng ngụ khu 1, ấp Phước Hội), là một trong những trường hợp như thế.
Tổ tiên ông Thạnh người gốc Hoa, sau đó xuống vùng Biên Hòa định cư. Gia đình làm lò gạch nên từng thuộc dạng giàu có nhất nhì xã. Trong trí nhớ ông Thạnh, xã Long Hưng trước kia là vùng đầm trũng, lau sậy um tùm. Ngày trước người ta phải đi lại bằng ghe chứ chưa có đường nối từ quốc lộ vào xã. Thôi nghề lò gạch, mất hàng chục năm lấp đất trồng cây cải tạo, gia đình mới có được khu vườn trù phú, nhà cửa khang trang.
![]() |
Tấm bảng đề dòng chữ “… Trước đổi mồ hôi để có đất, bây giờ đổi mạng để giữ đất + nhà” tại một căn nhà nay đã bị cưỡng chế. (Hình người dân xã Long Hưng cung cấp) |
Lập gia đình, ông Thạnh được cho 7.000m2 đất ở, đất vườn. Thửa đất ấy là nơi sinh kế của vợ chồng ông cùng gia đình người con trai. Ông còn phải nuôi người con gái út mắc bệnh viêm màng não năm nay 35 tuổi. Chắt chiu nhiều năm, ông dựng được căn nhà ba tầng vào năm 1993.
Cuộc sống đang yên ổn thì Dona.Coop ập đến. Diện tích 7.000m2 đất bị kiểm đếm bắt buộc, đền bù giá 102 ngàn đồng/m2, cộng toàn bộ nhà cửa, cây cối, tất tần tật ông được “bồi thường” gần 1,2 tỷ đồng. Cho rằng mức giá đền bù quá rẻ mạt, ông phản đối, không ký vào bất cứ giấy tờ nào. Ông nói nếu đó là dự án công ích, quy hoạch đúng luật, sẽ nghiêm chỉnh chấp hành: “Đằng này đó là dự án “bẩn”, dự án “chui”, người ta lấy đất xây khu nhà ở thương mại, phân lô bán nền nên tôi yêu cầu dân phải có tiếng nói trong phương án đền bù”. Người đàn ông phẫn uất vung tay bên khu đất từng được “đền bù” giá 102 ngàn đồng/m2, nay được rao bán 24 triệu đồng/m2: “Luật pháp ở đâu? Công bằng ở đâu? Cưỡng chế thu hồi đất của dân đem phân lô bán lại giá cao gấp hơn 200 lần?”.
Đứng trên bãi đất trống còn sót lại vài mảng tường là dấu tích căn nhà từng gắn bó cả đời người, ông cho hay bị cưỡng chế ngày 21/10/2016. Ông kể: “Lực lượng cưỡng chế cả trăm người tập trung từ 7h sáng đe dọa trấn áp, tới 4h chiều họ bắt đầu phá dỡ, đến 6h tối thì tanh bành”. Từng chứng kiến những “bài học” như gia đình ông Phan Văn Hoa chỉ cần một phản ứng nhỏ là bị còng tay ném lên xe thùng, cả nhà chỉ biết bất lực câm lặng đứng nhìn. Cơn mưa chiều ập đến. Những người nông dân vẫn đội mưa tầm tã đứng như hóa đá. Nước ròng ròng chảy trên những khuôn mặt khắc khổ, chẳng phân biệt được dòng nào là nước mắt, dòng nào là nước mưa”.
“Cuộc đời chẳng còn gì để mất”
Cuộc cưỡng chế đó phá nhà, công trình xây dựng, cây cối, còn lại bốn ngôi mộ bà nội, bố mẹ và chị gái trong khu đất. Ông Thạnh quay về dựng túp lều trên nền đất cũ, sống cạnh mộ người thân. Túp lều chỉ hôm sau cũng bị tháo dỡ. Ông đi thuê nhà trọ ở tạm. Ông dứt khoát không xuống nhà tạm cư; vừa vì không chấp nhận cái sai của dự án, vừa vì nơi đó hôi hám, ẩm thấp, không đảm bảo sức khỏe, bản thân ông đang mắc bệnh tim mạch và cô con gái bị viêm màng não.
Địa phương liên tục gửi thông báo yêu cầu gia đình tự di chuyển mồ mả. Ông không chấp nhận, phần vì không tiền nên không biết dời mộ đi đâu, phần vì cho rằng “ai dám táng tận lương tâm xâm hại mồ mả”.
Ông chua xót kể ông đã nhầm. Mồ mả không bị xâm hại bằng cách “võ biền” đào đi nơi khác, mà bằng cách khác tinh vi hơn. Chủ đầu tư cho máy xúc đào con kênh rộng gần 3m, cô lập khu đất, bít đường con cháu người chết đến nhang khói. Ông bắc thanh sắt làm “cầu tạm” qua lại. Người ta liền đổ đất vống lên xung quanh, biến khu mộ thành cái rốn nước mênh mông mỗi khi mưa xuống. “Trước cảnh xương cốt tổ tiên bị dầm nước tháng ngày như vậy, mình chịu sao thấu? Họ ức hiếp cả người chết. Họ hành xử quá tàn nhẫn, mưu mô”, ông Thạnh nói.
Không tiền mua đất nơi khác chôn người thân, mấy anh em cuối cùng đành tự đào mộ lên, góp tiền thuê một chuyến xe ra cửa biển Vũng Tàu. Rải tro cốt trôi đi, dòng nước đưa thân xác cha mẹ, bà nội, chị gái đến nơi mãi mãi không còn dấu tích. Ông khấn vái, hay “tự truy điệu sống” cho chính bản thân mình: “Không còn đất dung thân, chúng con đành đưa cha mẹ ra biển. Cha mẹ cứ yên lòng mà đi, cuộc đời chúng con chẳng còn gì để mất, xin đừng lo gì cho chúng con”.
Nỗi niềm “cuộc đời chẳng còn gì để mất” không chỉ là tâm sự của ông Thạnh mà còn là của rất nhiều nông dân ở Long Hưng bị đẩy vào bước đường cùng. Những ngày chính quyền địa phương và Dona.Coop ráo riết cưỡng chế thu hồi đất, đâu đâu quanh xã cũng gặp “pháo đài” với những tấm bảng nguệch ngoạc giăng đầy trước cổng: “Quy hoạch trái phép. Không giao, không giao, không giao. Trước đổi mồ hôi để có đất, bây giờ đổi mạng để giữ đất + nhà”.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
Dự án “tỷ đô” của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: “Kỷ lục” thu 562m2 đất, bồi thường… 327 ngàn đồng
Thứ Năm, 5/4/2018 06:38 GMT+7

“Miếng mồi ngon” với giới kinh doanh địa ốc
Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop làm chủ đầu tư) hình thành vào thời điểm cả nước rộ trào lưu tìm kiếm các dự án bất động sản “gần gũi thiên nhiên”.
Chỉ ít tháng sau khi được thành lập từ việc liên kết một số hợp tác xã trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai, giữa năm 2006 Donacoop đã có công văn gửi cơ quan chức năng tỉnh và Ban Kinh tế Tỉnh ủy xin chủ trương lập dự án liên doanh đầu tư, dự án khu dân cư và khu du lịch sinh thái ven sông Đồng Nai. Đầu năm 2007, Dona.Coop đã được UBND tỉnh này chấp thuận làm chủ đầu tư lập quy hoạch chung xây dựng xã Long Hưng tỷ lệ 1/5000. Cùng trong một ngày 22/10/2007, Dona.Coop và Chủ tịch UBND huyện Long Thành (khi đó Long Hưng chưa sáp nhập về TP Biên Hòa) có tờ trình đề nghị phê duyệt bản quy hoạch.
Chưa đầy hai tuần sau, ngày 9/11/2007, Sở Xây dựng có tờ trình đề nghị phê duyệt bản quy hoạch. Bốn ngày sau, UBND Đồng Nai ban hành quyết định phê duyệt bản quy hoạch trên, theo đó, toàn bộ xã sẽ biến thành “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”. Có điều, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2001 – 2010 được Thủ tướng phê duyệt, không hề có tên dự án xây khu đô thị mới ở Long Hưng.
Dona.Coop, đơn vị lập quy hoạch, sau đó cũng chính là đơn vị làm chủ đầu tư dự án. Năm 2008, “Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng” chính thức được tỉnh Đồng Nai cấp phép cho ra đời diện tích gần 900 ha, chia thành bốn dự án thành phần: Dự án khu dân cư Long Hưng, Đồng Nai Waterfront, Aquacity, dự án cầu An Hòa – đường Hương lộ 2 và cầu đường Long Hưng – Phước Tân.
Trong các báo cáo của Dona.Coop, hồ sơ vụ việc và theo phản ánh của những người dân PLVN tiếp xúc đều cho thấy dự án không được lấy ý kiến người dân, các tổ chức chính trị xã hội, vi phạm quy định pháp luật.
Dự án này ra đời vào thời điểm khắp cả nước rộ lên trào lưu tìm kiếm các dự án bất động sản “gần gũi thiên nhiên”. Phải mở bản đồ vệ tinh quan sát mới thấy được vị trí địa lý đắc địa của xã Long Hưng, là “miếng mồi ngon” hứa hẹn “hốt bạc” cho giới kinh doanh địa ốc. Một mặt giáp sông Đồng Nai, chỉ bắc một cây cầu là sang đất TP HCM, những mặt khác bao bọc bởi những nhánh sông, giao thông thủy thuận lợi, khung cảnh hữu tình đặc trưng sông nước Nam bộ. Đường bộ thuận lợi không kém, có con đường hương lộ 2 đi xe dăm phút ra QL51. Khoảng cách từ xã tới cao tốc Long Thành – Dầu Giây chưa đầy 6km.
Bản thân Dona.Coop cũng luôn quảng bá nhấn mạnh đặc trưng mảnh đất Long Hưng, khi dùng khẩu hiệu thương mại (slogan) quảng cáo “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” là “kỳ quan vùng sông nước”.
Thực tế như vậy, thế nhưng khi trình bày với các cơ quan chức năng, Donacoop lại “kêu khổ”, cho rằng công cuộc san bằng vùng quê trù phú là “muôn vàn gian nan”. Trong một văn bản mới phát hành hồi tháng 2/2018, Dona.Coop cho rằng: “…Cách đây 10 năm, gần 900 ha toàn xã Long Hưng là vùng đất sình lầy, nhiễm phèn. Đời sống người dân vô cùng khó khăn. Đất ngày càng nhiễm phèn nặng đến nỗi không thể canh tác nông nghiệp. Người dân phải sống, sinh hoạt bằng nước sông. Các điều kiện ăn ở vệ sinh vô cùng thiếu thốn. Đường, trường, trạm càng không có…”.
Nông dân Phan Văn Hoa (SN 1959, từng ngụ ấp An Xuân) phẫn nộ: “Họ bịa đặt trắng trợn”. Theo ông Hoa, đây từng là vùng đất nổi tiếng phì nhiêu, mỗi năm cấy ba vụ lúa, chưa từng biết nhiễm mặn, nhiễm phèn. Còn sình lầy, lịch sử cả vùng Nam bộ là đất trũng, là “bầu sữa” nuôi sống con người, đâu chỉ riêng Long Hưng. Điện, đường, trường, trạm địa phương trước kia đều có đủ.
![]() |
Vị trí đắc địa của xã Long Hưng thể hiện trên bản đồ vệ tinh. (ảnh nhỏ) |
“Ăn cướp chứ đền bù gì”
Mười năm sau ngày bị ra những quyết định “xóa trắng”, vùng quê trù phú nay đã bị thu hồi cưỡng chế san lấp thành bãi trống mênh mông đất đỏ rợn mắt chờ phân lô bán nền, xây biệt thự bán cho các “đại gia”. Thế nhưng bên hương lộ 2, nơi những đoàn xe ben chở đất cát phục vụ dự án rầm rập chạy sáng tối, vẫn có những hộ dân kiên trì bám trụ, quyết không giao đất. Gia đình cụ Nguyễn Thị Thơ (SN 1934, ngụ khu 3, ấp Phước Hội), là một trường hợp như vậy.
Cụ Thơ trước khi chết đã ủy quyền lại cho con gái Đào Thị Ngọ (SN 1968), tiếp tục theo đuổi vụ việc, phản đối đền bù rẻ mạt. Dự án thu hồi của gia đình 562m2 đất, nhưng chỉ bồi thường… 327 ngàn đồng.
Cụ Thơ quê gốc Hải Dương, tham gia cách mạng từ thời chống Pháp. Chồng cụ là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, hai cụ đưa gia đình về quê chồng Long Hưng sinh sống trên mảnh đất 1.164m2. Ngoài căn nhà 200m2 đã dựng, sau này hai cụ cắt đất cho ba người con lần lượt làm ba căn nhà. Người con trai còn lại sống chung nhà với cha mẹ.
“Chúng tôi làm nhà từ lúc chưa có quy hoạch mở rộng hương lộ 2, sinh sống ổn định. Rồi Donacoop tới”, bà Đào Thị Ngọ, con gái cụ Thơ kể lại. Gia đình nhận được thông báo bị thu hồi 562m2 đất cho dự án hương lộ 2 (một trong bốn dự án thành phần thuộc “Kỳ quan vùng sông nước” như đã nói trên). Số đất còn lại cũng sẽ bị thu hồi cho những dự án khác của Dona.Coop. Địa phương cho người “kiểm đếm bắt buộc”, phớt lờ dân phản đối.
Ông Đào Văn Thịnh, con trai cụ Thơ cho rằng: “Có sự mập mờ trong dự án mở rộng hương lộ 2. Trước khi Dona.Coop tới, địa phương từng cắm mốc ranh giới một lần và chúng tôi xây nhà không phạm vào ranh giới đó. Ban đầu hương lộ 2 chỉ được mở rộng 30m nhưng khi dự án của Donacoop hình thành, hương lộ 2 lại “lên quy hoạch”, mở rộng tới 60m”.
Càng bất ngờ hơn khi gia đình cụ Thơ nhận được thông báo nhận tiền đền bù. Trong giấy thông báo năm 2014 ghi rõ, 562m2 đất bị thu hồi được “đền bù”… 327 ngàn đồng. Giấy ghi rõ, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ bằng chữ là “Ba trăm hai mươi bảy ngàn đồng chẵn”. 562m2 và trên phần đất này có bốn căn nhà kiên cố, giá chỉ tương đương… một ngày công làm việc.
Ông Thịnh nói: “Chính quyền địa phương giải thích chuyện này rất mập mờ, mâu thuẫn. Mấy lần đi họp, cán bộ xã nói đất nhà tôi bị giải tỏa là đất trống, không có công trình. Nhưng khi ra văn bản thì buộc chúng tôi “phải tháo dỡ công trình để giao đất cho dự án”. Còn Chủ tịch UBND TP Biên Hòa khi đối thoại với gia đình tôi nói đây chỉ là tiền hỗ trợ chứ không phải bồi thường. Tôi hỏi vậy tiền bồi thường bao nhiêu, sao không giao, ông ta im lặng”.
Phương án tái định cư cho gia đình này cũng rất bất hợp lý. Trên đất có bốn hộ sinh sống, chứng cứ là bốn căn nhà riêng biệt. Thế nhưng bốn hộ với hơn 20 nhân khẩu chỉ nhận được… một lô đất tái định cư.
Ông Thịnh kể, từ ngày có dự án và quyết định thu hồi bất công nêu trên, mẹ ông suy sụp: “Bà cụ không ngủ được, đêm nào cũng lọ mọ đi khắp nhà rồi thở dài”. Cụ kể vợ chồng đã cống hiến tuổi thanh xuân cho kháng chiến, góp phần giành độc lập cho đất nước, giành đất cho dân. Đất gia đình do Nhà nước cấp chứ hai cụ không lấn chiếm. “Đấy là ăn cướp chứ đền bù gì”, ông Thịnh thuật lại lời mẹ.
Bà cụ hơn 80 tuổi ôm đơn đi khiếu nại, khiếu kiện khắp nơi, quyết giữ nhà. “Cả đời ba má kháng chiến, hết chống Pháp rồi chống Mỹ, được Nhà nước cấp cho mảnh đất nhưng cuối đời vẫn chưa yên ổn. Nếu lấy đất phục vụ mục đích công cộng, má gật đầu liền. Má hy sinh cả đời, hy sinh thêm chút nữa có đáng là bao. Nhưng chúng lấy đất phân lô bán nền, có chết má cũng không đồng tình”, ông Thịnh cho hay đó là một trong những lời nói cuối cùng trước khi chết của mẹ.
Ngày cuối cùng cụ Thơ làm việc được với chính quyền là ngày 23/3/2016. Hôm đó cụ mệt, ngất xỉu giữa chừng. Nhập viện, cụ qua đời không lâu sau đó. Ông Thịnh trầm ngâm: “Mẹ tôi đấu tranh cả đời, hết chống Pháp, chống Mỹ, rồi chống những cán bộ thoái hóa biến chất tiếp tay cho doanh nghiệp trục lợi làm giàu trên mồ hôi, xương máu của dân. Phút hấp hối, bà để lại di nguyện cho các con “phải tiếp tục đấu tranh”.
Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ sau.
Dự án “tỷ đô” của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Bước đường cùng của bà lão đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế
Thứ Sáu, 6/4/2018 07:31 GMT+7
(PLO) – Những người nông dân xã Long Hưng, dù 10 năm nay đã là “nông dân không ruộng”, vẫn giữ nguyên đặc trưng nông dân Nam bộ: Hiền hậu, nhưng khi đã bị áp bức đẩy vào tình cảnh “con giun xéo mãi cũng quằn” thì sẽ phản kháng đến “còn cái lai quần cũng đánh”. Bà Lê Thị Sáng (SN 1954, ngụ ấp Phước Hội), một người bị dự án của Dona.Coop lấy đất, là trường hợp điển hình như vậy.

Trong các cuộc gặp với đoàn nhà báo về Long Hưng tìm hiểu, ghi nhận sự việc, khác với những nông dân mất đất khác người bật khóc, người lạc giọng bức xúc, người gay gắt chen ngang đòi nói, có một bà lão mái tóc bạc cắt ngắn thường hiền lành ngồi một góc, dường như từ tốn chờ đến lượt mình trình bày. Phải đến khi có người giới thiệu: “Bả là “bà già gân”, một mình đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế”, ai nấy mới bất ngờ.
Đền bù nhà với giá… xà bần
Bà Sáng vốn “con nhà nòi” cách mạng. Mẹ chồng, mẹ đẻ bà đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bản thân vợ chồng bà cũng tham gia kháng chiến. Chồng bà thời chống Mỹ là đặc công rừng Sác (Cần Giờ, TP HCM), được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Bản thân mình, bà cho hay hoạt động bí mật từ thời thiếu nữ, được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Bà bảo đánh với Mỹ, súng thật, đạn thật, sống chết mong manh, bà không ngán. Nay “đánh” với “dự án bẩn”, bà thà ở tù, chứ không giao một tấc đất.
Chiến tranh kết thúc, năm 1976, vợ chồng bà trở về Long Hưng khai phá được thửa đất hơn 2.000m2, sau này xây nên căn nhà khang trang 200m2, cùng bốn căn nhà khác của gia đình các con. Thửa đất hai mặt tiền, một mặt nằm sát con đường đang xây nối xã với dự án sân bay Long Thành.
Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư) ra đời. Cũng như hàng ngàn hộ dân xã Long Hưng, gia đình bị thu hồi hết đất. Thông báo “bồi thường đền bù hỗ trợ” cho hay công sức, mồ hôi, nước mắt gom góp cả nhà cả đời tạo dựng, được bồi thường 816 triệu đồng.
Bà cho biết có nhiều lý do không chấp nhận giao đất. Thứ nhất, giá bồi thường rẻ mạt. Chỉ riêng một căn nhà lớn, trước gia đình xây dựng đã tốn 30 lượng vàng (tương đương 1 tỷ đồng hiện nay), nhưng được định giá chỉ 150 triệu. Đền bù vậy khác gì coi nhà bà như đống xà bần.
Thứ hai, chính sách tái định cư vô cùng bất hợp lý: “Họ cấp cho gia đình má một lô đất tái định cư. Trong khi má có năm đứa con lớn đều đã lấy vợ, lấy chồng, khu đất nhà má có năm căn nhà. Bắt hàng chục người ông bà, cha mẹ, con cháu cùng chui rúc trong một căn tái định cư 100m2, ai chịu nổi”. Chưa hết: “Họ phát cho cái nền đất mà có cho má tự xây đâu. Má muốn xây phải nộp tiền lên đất thổ cư. Sau đó, nộp thêm từ 150 triệu đến 650 triệu. Nộp đủ, không thiếu một đồng thì họ mới xây nhà cho. Như vậy má thiệt đơn, thiệt kép, bị làm tiền từ khâu đầu đến khâu cuối”. Ở căn nhà bà đang giữ được, vườn rộng, nuôi gà, nuôi cá, trồng cây ăn trái trang trải tiền sinh hoạt hàng ngày. Bà còn xây cái quán nhỏ cho thuê bán hàng. Vào khu tái định cư rồi làm gì ăn?
Thứ ba, bà tố cáo có sự nhập nhèm, sai quy định, thiếu căn cứ pháp lý trong dự án hương lộ 2 lấy đất nhà bà (là một dự án thành phần trong dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”). Mọi giấy tờ liên quan đến thu hồi nhà đất, bà không ký nhận.
Hôm chính quyền và chủ đầu tư đến nhà đo đạc, kiểm đếm tài sản, bà đang đi ghe ở sông Đồng Nai bán hàng. Về nhà, nghe con gái kể lại dù không mở cổng, đoàn người vẫn xô rào vào kiểm kê, bà lặng người, biết bi kịch như gia đình ông Phan Văn Hoa (PLVN đã phản ánh trong kỳ 1 loạt bài) sẽ đến với nhà mình.
Làm gì đây? Những ngày sau đó bà nghỉ bán hàng, chiều chiều ngồi bắc ghế nơi hiên nhà trầm ngâm bên người chồng bị bệnh nằm liệt. Căn nhà thân thương bà thuộc đến từng vết sứt mỗi viên gạch nền. Mỗi cây trong vườn bà còn nhớ trồng dịp nào, năm nào. Rồi cả gia đình, con cháu sẽ đi đâu về đâu? Mỗi lần nghĩ đến tương lai là nghẹt thở. Bà âm thầm lên một kế hoạch.
![]() |
Bà lão 64 tuổi từng đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế |
“Thà đi tù còn hơn bị cướp đất”
Chiều vắng lặng. Gió từ bờ sông thổi lên mơn man, xao xác lá cây vườn. Hàng dừa trĩu quả đổ bóng trước sân theo nắng chiều. Căn nhà đồ đạc ngăn nắp, từng cái ly uống nước đều được cẩn thận cọ rửa sạch bong. Bà lão tóc bạc gương mặt hiền hậu ngồi bên thềm. Ai dám nghĩ bao nhiêu giông bão mang tên “cưỡng chế” đã đi qua đây.
Giọng bà nhẹ tênh: “Chiến tranh hết rồi, mà có những lúc căng thẳng quá chiến tranh. Đường cùng má mới làm vậy thôi. Tính đến nay, nhà má bị ba lần cưỡng chế. Ba lần má đều đẩy lùi. Má quánh (đánh) theo kiểu du kích nên tụi nó không xông vào được. Má biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng đường cùng rồi. Má chấp nhận ở tù. Má phải bảo vệ nhà, bảo vệ tài sản, bảo vệ mồ hôi, nước mắt cả đời. Dự án là sai nên má mới bảo vệ tài sản của má. Má không chống đối chính quyền, má chỉ bảo vệ nhà mình. Má chấp nhận đánh chết bỏ, một là mình chết, hai là “nó” chết”.
“Lần thứ nhất vào ngày 5/8/2012. Trước ngày cưỡng chế, má lặng lẽ như không có chuyện gì. Chính quyền cho người theo dõi nhà má gắt gao. Căn nhà phía đối diện nhà má kia kìa, là nhà một người hàng xóm sợ bị cưỡng chế nên đã giao đất rời đi. Tụi nó lấy nhà đó làm trụ sở văn phòng ấp để tiện theo dõi má đêm ngày”.
“Đề phòng bị cắt điện, má mua sẵn mấy chiếc ná thun, bẻ dây sắt làm “đạn”. Má sang văn phòng ấp, chỉ mặt từng đứa: “Má có ký hợp đồng mua bán điện với Nhà nước. Hợp đồng còn đây. Tụi bay chắc biết tài bắn ná thun của má, đứa nào dám trèo lên cột cắt điện, má bắn gãy giò”.
“Má rào lưới B40 xung quanh vườn. Cứ đêm đêm cặm cụi chuẩn bị các thứ trong nhà. Đêm trước khi đoàn cưỡng chế đến, má thức trắng, mang củi, chà, lá dừa, vật liệu dễ cháy, chất từng ụ xung quanh nhà. Má trữ sẵn 100 lít xăng, ngoài sân 30 lít, trong nhà 40 lít, sau vườn 30 lít.
Mấy căn nhà, má đã chuẩn bị sẵn nhiều bình gas lớn nhỏ vùi trong củi. Tụi nó vào là má phát hỏa. Quánh (đánh) xong bỏ. Cháy sạch nhà cũng được. Má chết cũng được, đi tù cũng được. Còn đỡ khổ hơn bị cướp đất, bị đẩy vào khu tái định cư”.
“Sáng sớm hôm ấy, má bảo các con khiêng cha tụi nó nằm liệt giường đi gửi nhà người thân. Mấy đứa con, má phân công đứa lên nóc nhà, đứa bên hông, đứa sau vườn. Mỗi đứa một góc. Má ôm can xăng ngồi sân chờ sẵn”.
“Lần thứ nhất, lực lượng cưỡng chế hung hăng lắm. Xe cộ rầm trời, cả trăm người bao vây. Má không mở cổng. Tụi nó xếp thành hàng hô lớn “1, 2, 3” định phá cổng nhào vô. Tụi nó hô thì má cũng hô “xông ra”, vừa tưới xăng lên các ụ củi, tay giơ hộp quẹt: “Tụi bay vào thì đừng trách”.
“Tụi nó điều xe múc phá rào. Cái xe lừ lừ tiến đến, má xách gậy tầm vông lao ra. Cậu lái xe còn trẻ lắm, cỡ hăm mấy tuổi. Má la lên: “Con ơi, đây là dự án cướp đất dân. Nếu bị lấy đất, chắc cả nhà má chết. Vậy hoặc má chết, hoặc con chết. Con làm thuê cho chúng được mấy trăm ngàn, đáng mất mạng không”. Má phóng gậy tầm vông đánh vù, cố ý phóng vào phần sắt trên xe. Cậu lái xe nhảy xuống chạy mất”.
“Thấy má làm dữ, tụi nó rút lui”.
“Lần thứ hai, ngày 5/6/2013, má vót thêm nhiều gậy tầm vông. Bí thư xã đứng ngoài cổng gọi với vào: “Chị Sáng cho tụi em vào nhà thương lượng”. Cô này ngày hoạt động cách mạng, chính má dắt vào thành. Má trả lời: “Tụi bay kéo cả bầy cả lũ trăm người đến áp chế bà già mà nói thương lượng cái gì. Tụi bay tình nghĩa đã không làm thế. Tao xin thương lượng bao nhiêu lần có cho đâu. Giờ kéo quân đến rồi nói thương lượng là sao?”. Chúng kéo nhau về”.
“Lần thứ ba sau đó hai tháng, vào tháng 8/2013. Má ôm can xăng, tuyên bố: “Hoặc tao chết, hoặc tụi bay chết”. Ai chết thì dự án của nó cũng ngưng. Dự án vừa trái pháp luật, vừa tai tiếng nếu có người chết. Lần này má còn chuẩn bị thêm “đồ chơi” khác. Đồ chơi ấy là gì hả? Bí mật! Má không nói được. Ba lần đem quân đến cưỡng chế, tụi nó đều không vào được nhà má”.
“Dự án thì sai, vậy mà địa phương cố tình bao che tiếp tay. Từ sau lần thứ ba tới giờ, không thấy nói gì chuyện cưỡng chế nhà má nữa. Chắc tụi nó cũng ngán”.
“Các con sợ chuyện này đưa lên báo thì má bị bắt hả? Các con cứ giúp má đưa chuyện này lên. Làm thế là giúp má. Mất đất, mất nhà mới là mất tất cả. Trước khi quánh (đánh) tụi nó, má đã chấp nhận có thể ở tù rồi”.
“Các con sợ chuyện của má lên báo sẽ kích động mọi người hả? Trời ơi phải đưa lên báo mới là giúp dân con ơi. Chuyện này cả xã Long Hưng ai cũng biết, có khi nhiều nhà đã chuẩn bị “đồ chơi” như má. Má chỉ sợ Trung ương không biết chuyện, dân sẽ “tự xử”, càng thêm điêu tàn”.
Mười năm Dona.Coop thực hiện Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng”, tại địa phương này không chỉ có những thực tế đau lòng đã xảy ra như loạt bài PLVN đã phản ánh. Khi lòng dân oán thán, sức chịu đựng đã cạn kiệt, sự việc như đám lá khô nếu có mồi lửa sẽ bùng lên. “Mồi lửa” ấy cũng đã đến từ hành động gây hấn kích động của một nhóm người lạ, dẫn đến cuộc bắt bớ oan nghiệt quy mô lớn bậc nhất lịch sử Việt Nam: Một đêm bắt 680 nông dân, tuyên án 46 người, trong đó không ít người đến bây giờ vẫn thảm thiết kêu oan.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
Dự án “tỷ đô” của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: “Giọt nước tràn ly” khi mộ phần tiên tổ bị xâm hại
Thứ Bảy, 7/4/2018 07:26 GMT+7
(PLO) – Bản kết luận điều tra vụ án 46 người dân xã Long Hưng bị phạt tù vì phản đối dự án Dona.Coop chỉ vỏn vẹn 42 trang, trong đó 3/4 số trang nêu nhân thân, họ tên, năm sinh, quê quán các bị can và đề nghị tội danh. Nguyên nhân nghiệt ngã khiến nông dân oan khuất đang đường cùng mất đất, lại bị “gài bẫy” kích động, dẫn đến gây rối, chưa có kết luận nào của cơ quan chức năng nói đến.

“Tức nước, vỡ bờ”
Những ngày cuối năm 2008, tâm trạng những nông dân bị thu hồi đất ở xã Long Hưng đã có thể gọi tên “tức nước, vỡ bờ”. Clip một buổi “họp dân triển khai quyết định thu hồi đất” ngày 8/12/2008, cho thấy một nông dân đã nói như sau:
“Kính thưa mọi người! Bùi Thanh Trúc muốn lấy đất thì phải tuân thủ quy định Nhà nước, phải thỏa thuận với dân và đến họp với dân. Không thể có chuyện dự án kinh doanh lấy đất nhưng Đồng Nai ép giá dân, không có đâu. Nếu mà bảo nông dân phản đối là sai thì cả dân xã Long Hưng chúng tôi đi tù luôn.
Các ông có định trả cho dân Long Hưng nổi 100 ngàn đồng/m2 không? Thu đất rồi các ông làm cơ sở hạ tầng, rồi lên giá bao nhiêu triệu đồng một m2 mang bán? Các ông định làm cái trò gì vậy?
Các ông nói hỗ trợ cho dân 2,8 triệu đồng một người. Này, cái lương của người ta bây giờ ba triệu đồng không đủ sống một tháng. Các ông hỗ trợ thế mà không còn đất, không còn tư liệu sản xuất thì người ta sống bằng cái gì, các ông trả lời đi. Các ông đuổi dân cả xã Long Hưng xuống sông Đồng Nai để giết chết dân hả?
Chúng tôi là những người sắp hết tuổi lao động rồi. Bây giờ chúng tôi ở nhà còn có vườn cây, ao cá, có cái thu nhập rau cỏ, chúng tôi còn sống được. Các ông định dồn chúng tôi vào cái khu tập trung mà gọi là tái định cư kia kìa. Các ông ra mà xem không điện, không nước, không hộ khẩu, không có quyền sử dụng đất.
Này không làm thế với dân được. Hôm nay nếu Bùi Thanh Trúc muốn lấy đất, Bùi Thanh Trúc phải làm hợp đồng với các hộ dân, cam kết hai bên thỏa thuận bồi thường”.
Cũng ngay từ những cuộc họp này, sai phạm của chính quyền Đồng Nai bị người dân vạch ra. Nhỏ nhất như chuyện thể thức giấy tờ. Quyết định thu hồi đất lẽ ra phải đóng dấu mộc đỏ. Nhưng “xóa trắng” xã, hàng ngàn hộ dân, giấy tờ nhiều quá, Đồng Nai cho… photocopy quyết định, giao cho các hộ bị mất đất.
“Này, các anh làm sai rồi, các anh phải sửa đi”
Ngồi ở dãy bàn phía trên phủ khăn xanh, đoàn cán bộ chính quyền người ngồi im, người cúi mặt xuống đất nhìn… chân mình, người ngoảnh đầu như nhìn gì đó phía sau, người quay mặt đi hướng khác.
Cuộc họp ấy cũng như trong các cuộc họp khác với dân, người đại diện dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư) không có mặt. “Bùi Thanh Trúc”, mà bác nông dân vừa nhắc tên, là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp này, cũng không có mặt. Trong kết luận điều tra và bản án phạt tù 46 người dân xã Long Hưng phản đối dự án, Dona.Coop cũng không có mặt trong phần bị truy tố và nhận hình phạt, dù bị chỉ rõ là chủ mưu vụ xâm hại hàng ngàn ngôi mộ tiên tổ người Long Hưng.
![]() |
Mồ hôi, nước mắt cả đời nông dân tan hoang sau một cuộc cưỡng chế lấy đất cho Dona.Coop. |
Nhóm người Dona.Coop xâm hại mồ mả
Vụ án oan nghiệt bậc nhất lịch sử mất đất của nông dân Việt Nam, có nguồn cơn được Bản kết luận điều tra của Công an Đồng Nai chỉ rõ: “Ngày 13/2/2009, Dona.Coop ký hợp đồng với Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh đo đạc lập bản đồ hiện trạng khu nghĩa địa xã Long Hưng…”. Ngay trong ngày, Đội đo vẽ nhà do Doãn Văn Hợp (SN 1980) làm tổ trưởng, “trực tiếp chỉ huy thực hiện đã cùng cán bộ của Dona.Coop đến nghĩa trang thực hiện đo vẽ mà không liên hệ để có sự phối hợp của UBND xã. Hợp tự chỉ đạo dùng sơn xanh và xám bạc đánh số thứ tự lên đỉnh và mặt sau các bia mộ…”.
Cả xã khi ấy vẫn còn đang bàng hoàng với thông báo sẽ bị giải tỏa trắng giá rẻ mạt, người sống buộc phải dời vào “khu tập trung”, người chết không biết đem xương cốt đi đâu, nghĩa địa làng không còn và trong quy hoạch sắp tới không có dự án nghĩa trang. Bao kiến nghị dân nêu ra đều chìm nghỉm. Sự việc chưa được giải quyết, lại thấy nhóm người lạ kéo đến dùng sơn xịt, quẹt, bôi lem nhem lên mộ. “Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả nồi cơm”. Với bất kỳ người Việt nào, ngôi mộ người thân là điều thiêng liêng hơn cả. Việc nhóm người lạ xâm hại mộ phần là “giọt nước tràn ly” với những nông dân đang chất chồng oán ức.
Suốt bốn ngày nhẫn nhục chứng kiến đám người nhẩn nha quẹt vẽ mộ phần cha ông, những nông dân hết đi từ ngạc nhiên, tò mò, đến phẫn nộ. Từ chỗ một vài người riêng lẻ, không hẹn mà gặp, cả trăm người tìm đến UBND xã hỏi chính quyền cho ra lẽ.
Ông Nguyễn Thanh Long (SN 1944, ngụ ấp Phước Hội) kể lại: “Ngày 17/2/2009, tui được mời lên trụ sở UBND xã đối thoại với đoàn kiểm tra tỉnh vì trước đó tui tố cáo bị dự án Donacoop thu hồi đất trái luật. Cùng thời điểm này tình cờ hàng trăm người dân tập trung về trụ sở ủy ban, yêu cầu xã giải quyết việc bia mộ bị đánh số, vẽ sơn.
Tui vừa lên cổng trụ sở xã thì Bí thư và Chủ tịch xã chạy ra nói: “Dân của anh nổi loạn”. Tui ngạc nhiên đáp lại: “Tui làm gì có dân”. Sau đó tui được mời lên tầng hai. Đang ngồi thì có cả trăm người dân tập trung bên ngoài. Tui phát biểu rằng với tình hình thế này không làm việc được, đề nghị hoãn buổi làm việc chuyện của tui, để chủ tịch xã, bí thư xã giải quyết việc bia mộ của cả xã bị xâm hại trước đã. Đoàn làm việc tỉnh đồng ý, nhờ tui đứng ra mời đại diện dân lên làm việc. Tui làm “sứ giả”, 10 người dân được mời lên làm việc cùng.
Tui có ý kiến với lãnh đạo xã trình bày trước đoàn cán bộ tỉnh về nguyên nhân khiến dân bức xúc tập trung tại trụ sở xã. Chủ tịch xã nói “dân bức xúc vì có lực lượng nào đó đem sơn vẽ, đánh số mộ bia, dân phản ánh lên xã nhưng xã không có thẩm quyền, không biết ai làm”.
Tui đối đáp “lãnh đạo xã trả lời như thế là sai”, và đề xuất trước tiên xã nên mua xăng giao lực lượng dân phòng xóa các vết sơn trước để an lòng dân. Xã trả lời không làm được. Tui đi về. Xuống dưới sân dân hỏi tình hình thế nào, tui trả lời “xã nói họ không biết”. Bà con còn đổ cho tui bao che cho chính quyền. Tui đành ra về”.
Diễn biến tiếp theo trong ngày 17/2/2009 được ông Lê Đình Hạnh, một người khi đó thuộc lực lượng dân phòng xã, kể lại như sau: “Khoảng 100 người tụ tập ở sân trụ sở. Số người này không có đại diện nhưng chung yêu cầu ngừng việc đánh số, quẹt sơn. Đồng thời yêu cầu khắc phục, trả lại hiện trạng cũ cho những ngôi mộ. Chủ tịch xã sau đó đồng ý, yêu cầu nhóm người của Dona.Coop đi chùi rửa những ngôi mộ đã bị đánh sơn”. Theo ông Hạnh, trong ngày 17/2/2009, mọi việc diễn ra trong ôn hòa. Xã lập biên bản hứa làm đúng yêu cầu chính đáng nên nông dân ra về.
Nỗi bức xúc của đoàn người đưa tang
Người dân bức xúc là thế. Chính quyền xã yêu cầu như thế, nhưng nhóm người của Dona.Coop lại có động thái khác. Sáng hôm sau, 18/2/2009, có đám tang của ông Hồ Văn Tiết là người địa phương. Theo tục lệ, người dân kéo nhau đi đưa tang rất đông.
“Lúc đó khoảng 8h sáng, khi đưa tang ra nghĩa địa, ai cũng thấy nhóm “khắc phục” có chùi rửa nhưng làm cẩu thả khiến những ngôi mộ càng lem luốc, khó coi. Hai bên lời qua tiếng lại. Thấy tụi nó xâm hại mồ mả cha mẹ mình mà còn cự cãi, một số người bức xúc mắng mỏ rượt đuổi. Nhóm người Dona.Coop bỏ chạy về trụ sở UBND xã Long Hưng. Một số người dân rượt theo”, ông Hạnh kể.
Nỗi phẫn uất bùng lên, lan nhanh như đám cháy. Ở cái xã sắp bị “xóa sổ” này, ai chẳng có mồ mả người thân bị xâm hại, ai chẳng có đất bị thu hồi giá rẻ mạt. Hàng trăm người không ai rủ ai, kéo về UBND xã, đòi xử lý nhóm người xâm hại mồ mả, phản đối dự án sai luật. Từ những nhóm nhỏ, càng lúc càng đông.
Suốt buổi sáng, những nông dân chỉ tụ tập ngoài sân, ngoài đường, yêu cầu chủ tịch, bí thư xã ra ngoài đối thoại. Cán bộ xã không ra mặt. Đến khoảng 14h chiều 18/2, một số người kéo vào trụ sở khiêng bà chủ tịch và bà bí thư xã ra ngoài yêu cầu nói chuyện. Việc níu kéo, giằng co khiến bí thư xã rách áo. Cán bộ xã Lê Hảo Tùng (cáo trạng ghi khi đó là Chủ tịch Hội Nông dân xã) xông vào “giải vây” vợ mình là nữ bí thư, đánh chảy máu một nông dân. Cho rằng “cán bộ đã không bảo vệ lại còn đánh nông dân”, nỗi uất ức của đám đông càng bị đẩy lên cao.
Sự việc nhùng nhằng như thế đến 18h cùng ngày. Gần như nông dân cả xã kéo đến xem, người uất ức thì la lớn đòi cán bộ ra đối thoại, người tò mò hiếu kỳ bàn tán đứng nhìn. “Cha sanh, mẹ đẻ tới giờ chưa khi nào thấy người ở xã tập trung đông như vậy”, ông Phan Văn Hoa (SN 1959) thuật lại. Cán bộ xã vẫn không chịu ra mặt nói chuyện mà rút lên lầu, một số rời bằng cửa hậu trèo qua các căn nhà phía sau trụ sở ra về. Dù giữa tầng trệt lầu không có bất cứ vật cản nào, những nông dân không động đến tầng lầu nơi cán bộ xã “cố thủ”. Tuy nhiên, bản kết luận điều tra lại cho rằng những nông dân “có nguy cơ đe dọa tính mạng toàn bộ cán bộ nhân viên xã, huyện đang có mặt tại trụ sở”.
Sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm vào cuối giờ chiều, khi lực lượng cảnh sát cơ động Đồng Nai đang trên đường có mặt, người dân cho rằng bất ngờ xuất hiện chiếc xe chở một nhóm đối tượng lạ ập đến, hòa vào đám người, kích động đám đông đang phẫn nộ bằng cách ném gạch đá như mưa vào trụ sở xã. “Mồi lửa” đó đã “kích nổ” vụ án gây rối đẩy 46 nông dân vào tù đày, mà ai biết chuyện cũng cùng chung cảm xúc “thương nhiều hơn giận”.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau trên số báo ra ngày thứ Hai (9/4/2018).
Dự án của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Những kẻ chủ mưu giấu mặt trong đêm 680 nông dân bị bắt
Thứ Hai, 9/4/2018 08:42 GMT+7
(PLO) – Kể từ buổi chiều 18/2/2009 xuất hiện nhóm người lạ xuất hiện ném đá vào trụ sở xã, kích động đám đông đang phản đối “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop làm chủ đầu tư), điểm nóng đất đai tại Long Hưng đã bị lái đi sang một hướng khác: Từ bản chất việc nông dân phản đối dự án trái luật, đền bù rẻ mạt; chủ đầu tư xâm hại mồ mả; đòi chính quyền địa phương bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân; lại chuyển thành vụ nông dân “đối đầu” chính quyền.

Hồ sơ vụ án không nhắc đến mâu thuẫn giữa nông dân với chủ đầu tư lấy đất giá rẻ mạt, mà đẩy sự việc sang hướng cáo buộc nông dân “làm tê liệt hoạt động toàn bộ hệ thống chính trị xã” từ 13h – 23h ngày 18/2/2009, làm số tài sản trị giá hơn 650 triệu bị thiệt hại. Hồ sơ vụ án không nhắc đến những bức xúc chính đáng của nông dân mất đất, mà chỉ thấy mô tả những nông dân “manh động, hung hăng”. Cái đêm kinh hoàng ấy, công an từ khắp nơi đổ về đông nghẹt lùng bắt người.
Xã có khoảng 1.000 hộ dân, nhưng có tới hơn 600 người bị bắt. 46 người sau đó bị tuyên tổng mức án tù gần 140 năm. Những dự định khiếu nại phản đối của dân với dự án Dona.Coop lúc đó bị nỗi sợ bắt bớ tù đày làm tê liệt. Đó cũng là lúc Dona.Coop “thôn tính” nơi hàng ngàn người chết yên nghỉ mà gần như không vấp phải một sự phản đối đáng kể nào nữa. Dự án từ chỗ chỉ hơn 300ha, mở rộng thành hơn 1.000ha, xóa trắng xã Long Hưng.
Thế nhưng sự thật dù chín năm đã trôi qua, nỗi uất ức trước bất công vẫn chưa bao giờ nguôi. Long Hưng vẫn là điểm nóng bậc nhất cả nước về đất đai, lòng dân vẫn phẫn nộ như ngọn lửa âm ỉ. Như lời anh Trần Văn Tám (SN 1974, ngụ ấp An Xuân), người cho rằng bị ngồi tù oan 18 tháng, thẳng thắn: “Xin các anh cứ cho lên báo. Tôi ngồi tù oan không được giảm ngày nào. Trước khi hết hạn tù, họ còn buộc tôi cam kết về “phải nói dự án Khu đô thị Long Hưng tốt”. “Tốt” mà đẩy chúng tôi vào tù như vậy sao”.
Những kẻ giấu mặt kích động đám đông
Bản kết luận điều tra (KLĐT) về vụ việc của Công an Đồng Nai miêu tả lại vụ án như sau: “Khoảng 19h15, 24 cảnh sát cơ động đến giải tán giải vây đưa Bí thư, Chủ tịch và số cán bộ xã ra ngoài trụ sở. Các đối tượng sau khi dạt ra khỏi cổng trụ sở xã khoảng 20m đã quay lại tấn công. Cảnh sát dùng lá chắn để chống đỡ. Bị can Lường bị đám đông phía sau ném gạch đá trúng bị thương nhẹ và ngã xuống. Trong đám đông có tên hô lên vu là công an đánh chết người… Trước áp lực tấn công của quá đông đối tượng gây rối, sau khoảng 30 phút chống đỡ, cảnh sát rút vào UBND xã…
Đến khoảng 21h, sau khi cảnh sát và cán bộ địa phương rút khỏi trụ sở, các đối tượng gây rối làm chủ toàn bộ trụ sở và tiếp tục la hét, reo hò cổ vũ nhau thực hiện các hành vi quá khích. Khoảng 23h phần lớn các đối tượng giải tán. Đến 23h20 các lực lượng chức năng mới giải tán được hoàn toàn đám đông và vãn hồi trật tự”.
Trái ngược với cáo buộc đó, ông Lý Văn Hiệp (SN 1958), một nông dân bị chín tháng tù vì “tham gia gây rối” cho rằng: “Người dân từ một ngày trước đó đã đến trụ sở, yêu cầu xã xử lý nhóm người Dona.Coop xâm hại mồ mả. Lãnh đạo xã không ra đối thoại trò chuyện nên dân mới bức xúc kéo đến ngày càng đông”.
“Đám đông la ó thì có nhưng quậy phá, rượt đuổi cán bộ thì không. Chiều 18/2/2009, sự việc diễn ra đỉnh điểm là do có một nhóm người lạ mặt, không phải người địa phương, đến kích động người dân. Đây chính là tử huyệt khi người dân không kiềm chế được cảm xúc của mình đã hùa theo mà vi phạm pháp luật. Những người đó là ai, không thấy công an tìm kiếm”.
Ông Nguyễn Thanh Long (SN 1944), một người chứng kiến sự việc, chung quan điểm: “Cuối giờ chiều, bất ngờ xuất hiện một chiếc xe chở một nhóm đối tượng lạ ập đến, hòa vào đám đông, kích động bằng cách ném gạch đá vào trụ sở xã. Việc này ngay khi đó tôi đã báo lại cảnh sát”.
Ông Lê Đình Hạnh, một người khi đó thuộc lực lượng dân phòng xã xác nhận: “Trong đám đông có một số người lạ. Tôi thấy một phụ nữ mặc áo đỏ không rõ là ai xông vào trụ sở ném một máy tính từ trên lầu xuống và rất nhiều hồ sơ giấy tờ khác”.
Bản KLĐT cũng xác nhận những nông dân Long Hưng không có dự tính, bàn mưu trong vụ án này: “Các bị can, đối tượng không bàn bạc, phân công, mà bộc phát từng bị can tự thực hiện hành vi…”; “Một số bị can đối tượng trước khi tham gia gây rối đã hoặc đang uống rượu, nhưng không phải do tổ chức uống rượu để đi gây rối mà là như thường vẫn diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày, khi nghe tin về vụ việc đã tự động đến xem”…
Rất nhiều “đối tượng bí ẩn” nắm vai trò xúi giục, đưa hung khí cho các bị can cũng được nêu trong KLĐT: Như đối tượng đưa cây sắt cho bị can Đỗ Phước Hậu, đối tượng la lớn “công an đánh chết người”, đối tượng ném chai xăng gây bỏng một người dân, đối tượng “một người con gái không biết tên” lấy hồ sơ trong phòng công an xã… Bản KLĐT không kết luận những “đối tượng” đó là ai.
Đám đông “manh động, hung hăng” là thế nhưng số hung khí tang vật công an thu được chỉ là: 3 cây gỗ tròn; 2 ống sắt; 2 vỏ chai màu xanh; 1 vỏ bình kim loại nghi bình ga mini; 5kg xà bần gạch đá, mảnh vỡ, giấy tờ…
Cuộc “gây rối” tận nửa đêm mới chấm dứt, khi lực lượng công an từ khắp nơi kéo đến. “Lúc đó khoảng 23h30, khi thấy đông công an, người dân kéo nhau ra về. Nhưng thời khắc đó, người dân xã Long Hưng chứng kiến cảnh bắt bớ chưa từng có từ thuở khai thiên lập địa”, anh Tám kể lại.
![]() |
Một số nhân chứng cho hay có nhóm người lạ kích động nông dân xã Long Hưng gây ra vụ gây rối |
Lọt vào ống kính thu hình là bị bắt
Trước đó, tất cả những người dân tụ tập tại UBND xã đều đã bị quay phim. Người quay phim này được KLĐT xác định là “cán bộ công an tên Châu”. Những người lọt vào ống kính thu hình được chỉ điểm tên họ, nơi ở. Ông Hiệp kể: “Nửa đêm cho đến sáng, cuộc bắt bớ diễn ra trong sự hoang mang tột cùng của người dân. Lực lượng công an, chó nghiệp vụ đi đến từng nhà. Từng người lần lượt cúi đầu, hai tay còng sau lưng, bị giải ra xe rồi chạy thẳng về trại giam B5 Biên Hòa”.
Đêm ấy và những ngày sau đó, có tới 680 người bị bắt, trong khi cả xã chỉ có hơn 1.000 hộ dân. Đêm ấy xã Long Hưng sống trong tột cùng hoảng loạn, người người không ngủ. Chó nhà gặp chó nghiệp vụ sủa váng từ đầu ấp đến cuối ấp. Tiếng bước chân lùng sục rầm rập khắp các đường quê. Công an rảo khắp xóm làng, tìm bắt người.
Đêm ấy người ta nơm nớp lo sợ tiếng gõ cửa. Người đóng cửa thật chặt, nín thở ở trong nhà. Người hoảng loạn bơi sang sông qua xã khác. Người sợ hãi lật đật tự tìm đến công an xã. “Thời bình mà bị “bố ráp” quá thời Mỹ – Ngụy bắt dân. Nông dân bị bắt nhiều không kể xiết. Tất cả là do cái dự án Khu đô thị Long Hưng. Nó lái mâu thuẫn giữa người dân và Dona.Coop thành mâu thuẫn người dân với chính quyền. Nó tích tụ uất ức khiến nông dân thiếu hiểu biết không còn giữ mình được trong một phút chốc và có hành vi trái pháp luật”, ông Hiệp trầm ngâm.
Nhiều ngày sau đó, cuộc bắt người vẫn chưa dừng lại. “Hễ ai có mặt đều bị quay phim, chụp hình, đều bị cho là có tội, bị phạt tù hoặc phạt tiền”, ông Hiệp nói. Chín tháng sau, tòa Đồng Nai đưa ra xét xử 12 ngày, kết án 46 nông dân, tuyên phạt gần 140 năm tù. 27 bị cáo kháng án, cấp phúc thẩm y án. Gông cùm đã đeo vào tay, án tích đã đeo bám cuộc đời những nông dân lương thiện.
Donacoop không thấy bị nhắc tên. Chỉ Doãn Văn Hợp, tổ trưởng tổ đo vẽ Trung tâm kỹ thuật địa chính nhà đất tỉnh Đồng Nai, người được Dona.Coop thuê đo vẽ hiện trạng nghĩa địa, bị… xử lý kỷ luật cảnh cáo.
Bà lão mẹ của bị cáo Đỗ Phước Hậu (SN 1981, ngụ ấp Phước Hội), người bị tuyên án hơn sáu năm tù, sau này bị cho là “thắt cổ chết trong trại giam” kể lại: “Đêm ấy công an ập đến khi con tôi đang ôm đứa con trai nằm ngủ. Thằng nhỏ mới hơn hai tuổi bị gỡ khỏi tay cha, khóc lặng người. Công an còng tay con tôi đi không giải thích gì. Ngày tòa xử, chúng tôi có lên nhưng không được vào, có biết gì đâu”.
Vụ án không được công luận biết nhiều, chỉ một vài tờ báo đưa tin ngắn “xét xử 46 bị cáo gây rối đốt trụ sở xã”. Vụ án đã không trả lời được nguyên cớ sâu xa nhất: Ai là những kẻ chủ mưu kích động nông dân “gây rối”? Tại sao những nông dân hiền lành, chân chất, quanh năm “chân lấm tay bùn” với đồng ruộng, ao cá lại hành động như vậy? Tại sao dự án được mỹ miều gọi là “mang lại lợi ích về kinh tế, chính trị cho người dân xã Long Hưng” lại bị chính người dân xã này phản đối như vậy. Ai đã đẩy những nông dân lương thiện vào tù?
Vụ án không chỉ có những khúc mắc trên mà còn có dấu hiệu rất nhiều nông dân chịu án tù oan. Như trường hợp ông Trương Văn Công (SN 1962, ngụ ấp An Xuân). Bản KLĐT nêu nguyên văn hành vi của ông: “Tụ tập hô hào và đuổi đánh nhau tại UBND xã trong thời gian vụ án xảy ra”. Ông Công cho hay sự thật thì chỉ hiếu kỳ đến xem, thấy ngạc nhiên nên la “ớ ớ…” khi thấy bà chủ tịch xã bị người dân khiêng từ phòng làm việc ra ngoài do được dân yêu cầu ra ngoài đối thoại nhưng bà không chịu.
“Hôm 18/2/2009, tôi đang nằm ngủ thì nghe ầm ĩ mọi người đang tập trung ở trụ sở xã phản đối quẹt sơn lên mộ. Tôi chạy ra, đứng ngoài cổng, thấy bà chủ tịch bị khiêng ra. Nghe người la “ớ ớ” quá trời, lại thấy lạ quá, tôi cũng “ớ ớ” la lên. Đến rạng sáng 19/2/2009, tôi bị bắt giam. Người ta đổ tôi đuổi đánh cán bộ, công an, tuyên tôi một năm tù. Tôi không đánh ai cả, tôi chỉ la theo người dân”.
Thế nhưng nỗi oan như của ông Công vẫn chỉ là chuyện nhỏ so với bi kịch oan trái của một số khác trong 46 nông dân bị kết tội.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
***
![]() |
Đi qua đám đông và được gọi vào bán nửa cây đá, anh Tám cũng bị kết án tù 18 tháng |
“Bị can Trần Văn Tám (SN 1974 tại Đồng Nai, Nơi ĐKTT: ấp An Xuân, xã Long Hưng, Long Thành (nay đã thuộc Biên Hòa – NV).
Văn hóa: 4/12.
Tiền án tiền sự: Không.
Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối trật tự công cộng tại UBND xã Long Hưng. Bị bắt ngày 19/2/2009.
Qua điều tra đã chứng minh Tám tham gia vụ án với các hành vi: Ngày 18/2/2009 tụ tập ở UBND xã Long Hưng phản đối chính quyền quy hoạch giải tỏa đất đai mồ mả. Sau đó tiếp đá lạnh cho các đối tượng gây rối pha nước uống.
Hành vi nêu trên của Trần Văn Tám đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng, được quy định tại Điều 245 BLHS, với vai trò là người giúp sức tích cực”.
Đó là phần cáo buộc trong bản kết luận điều tra vụ nông dân “gây rối” của Công an Đồng Nai với anh nông dân Trần Văn Tám. Chỉ sơ sài những con chữ “buộc tội” như trên cũng dẫn đến bản án tù 18 tháng, và phía sau những con chữ đó là số phận một con người ôm nỗi oan khuất thấu trời.
Bán nước đá cho đám đông cũng bị tù
Hành vi “tụ tập ở UBND xã phản đối chính quyền quy hoạch giải tỏa đất đai mồ mả”, sau đó cơ quan tố tụng đã không chứng minh được. Trích xuất phim ghi lại hình ảnh những người phản đối “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư), chỉ thấy hình ảnh người đàn ông bán nước đá xuất hiện lúc vác nửa cây nước đá bỏ vô thùng. Vậy nhưng bản án gần 600 ngày tù vẫn ập xuống đầu anh Trần Văn Tám (SN 1974, ngụ ấp An Xuân, xã Long Hưng).
Anh Tám là người bán nước đá duy nhất ở xã. Mỗi ngày, anh chạy xe ba gác khắp các ấp trong xã giao nước đá cho quán ăn, tiệm tạp hóa… Ngày 17 – 18/2/2009, anh thấy người dân tụ tập, la ó ở trụ sở UBND xã. Mặc dù ba mẹ có nhà đất bị thu hồi, có mộ bị quẹt sơn, nhưng anh nông dân mới học đến lớp Bốn không tham gia đám đông, không rõ người ta “gây rối” hay làm gì. Anh chỉ cần mẫn với việc bỏ nước đá của mình, nuôi vợ và hai con, đứa học lớp Sáu, đứa học lớp Chín.
“Đầu giờ chiều ngày 18/2/2009, tui đến giao ba cây nước đá cho chủ tiệm tạp hóa đối diện trụ sở xã, chủ tiệm là anh Ba Đức. Lúc này tui thấy rất đông người dân trong trụ sở. Có người hỏi mua nửa cây nước đá, yêu cầu tui vác sang trụ sở xã, bỏ vào thùng nước dưới chân cột cờ. Lúc đó nửa cây nước đá giá 12 ngàn đồng. Người ta mua thì tui bán, đó là quyền chính đáng của tui. Có ai thông báo cấm bán nước đá đâu mà bảo tui “tiếp tay”. Tui vác nước đá vào, có người tới quay phim, tui không quan tâm. Bán xong, tui chạy xe đi giao đá nơi khác”, anh Tám kể.
Cứ ngỡ chuyện bán nước đá là bình thường, không liên quan đến vụ “gây rối”. Nhưng anh Tám không ngờ, rạng sáng hôm sau, ngày 19/2/2009, khi anh đang mắt nhắm mắt mở chạy xe lôi đi giao hàng như thường ngày, ngang qua trụ sở xã thì bị công an chặn lại, kêu vô “làm việc”. “Vô đó các ổng bắt ngồi ghế đã đời, sau đó quay phim chụp hình, chẳng hỏi gì ráo, còng tay đưa lên xe bít bùng, chuyển về trại giam B5 (Biên Hòa)”.
Lúc anh bị bắt, xe lôi chở nước đá còn nguyên, công an không cho gọi điện về nhà. Mãi gần trưa, vợ anh nghe hàng xóm báo tin chồng bị bắt, mới lật đật chạy đến hỏi thăm. Người phụ nữ òa khóc một tay gạt nước mắt, một tay lật đật chạy xe đi giao nước đá, sợ mất mối, hai con ở nhà lấy gì ăn.
“Phải nói tốt cho dự án không nó nhốt”
Anh Tám bị đưa lên trại giam B5 để điều tra, tại đây anh gặp nhiều người cùng “gây rối” bị bắt. Toàn những người chưa chịu giao đất cho dự án của Dona.Coop. “Cùng bị đưa lên ngồi chung xe với tui, còn có con nhỏ cỡ 22-23 tuổi lạ mặt mặc áo đỏ. Sau này nghe hàng xóm kể, mới biết con nhỏ đó là một trong những đối tượng kích động, đập phá (PLVN đã phản ánh trong bài 7 – NV). Công an còn mướn đò sang tận Quận 9 (TP HCM) bắt thêm ít nhất hai người khác kích động. Lạ là không thấy tụi này có tên trong kết luận điều tra, xử cũng không thấy. Đến giờ dân vẫn ấm ức chưa biết tụi nó ai thuê đến quậy phá”, anh Tám kể.
“Trong phòng lấy lời khai, đầu tiên họ vu cho tui kéo xe chở đá cục đến ném vô trụ sở xã. Tui nói với mấy ông công an: “Các ông cứ mang hình ảnh các ông quay được ra đây coi. Nếu thấy tui la hét, quậy phá, đập xe, hay chỉ cần chọi một cục đá… thì các ông yêu cầu gì tui chấp nhận hết”. Họ lấy phim ra coi, chỉ thấy dính hình tui vác nước đá chặt bỏ vô thùng. Vậy mà các ổng ép mình vô. Tui còn nhớ người ghi lời khai tui khi đó là một thiếu úy, tui nhớ cả họ tên ông này rõ ràng. Tui nhớ lời tui khai từng chữ. 10 năm sau tui nhắc lại, nếu trật một chữ thì tiếp tục bắt tui nhốt cũng được”.
“Cái ông thiếu úy đó lấy lời khai tui đầu tiên. Ổng ngồi ở ghế, kêu mình khai để ổng viết. Mình không làm những việc đó nên chỉ nói: “Tui là người dân địa phương tui đi bán nước đá vậy vậy vậy…”. Ổng “Ờ ờ ờ” rồi giơ thuốc mình hút đàng hoàng, trong lúc đó tờ văn bản ổng lập sẵn rồi. Rồi ổng bảo “đi ra ngoài suy nghĩ lát giải quyết”. Rồi ổng vô lấy cái tờ giấy dưới hộc bàn lên, tưởng mình không biết chữ, bảo “đây có phải lời khai của em không? Em ký tên đi”. Tui cầm đọc lên, phát hoảng la lên “đây có phải lời khai của tui đâu. Tui hổng ký””.
“Sau ổng đi ra kêu thêm một người nữa vô. Người đó cũng làm như vậy, lấy một tờ khai viết sẵn khác để lên. Ai mà sơ ý là bị ghép vào tội đập phá ủy ban, đốt xe luôn à. Trong phim thấy hình ai quậy phá, bị bắt lên đó là bị uýnh luôn”.
“Lên đó nhốt riết tui chín ngày rồi cho tại ngoại. Sau khi tại ngoại, có một tốp người kêu tui ra ủy ban, yêu cầu phải nói tốt cho dự án này, nếu không nó nhốt. Trước khi mình bước vô phòng, có một ông dặn, khi được hỏi “anh phải suy nghĩ theo cảm nghĩ của một người ở địa phương từ nhỏ đến lớn là sau khi cái dự án này đến anh thấy vừa ý hay không?”. Nó bắt mình phải nói tốt theo lời của nó về cái dự án này như “có dự án thì mới có đường lớn, con em mới được đến trường”. Nó bắt mình nói như vậy để nó quay phim. Những ai bị bắt, được tại ngoại, đều phải ra đó xếp hàng nói vậy hết trơn, không thì nó hù nhốt. Tui không rõ tốp người đó là của chính quyền hay của Dona.Coop. Lúc đó vừa bị nhốt chín ngày, từ nhỏ tới lớn đã uýnh lộn lần nào đâu mà nay bị bắt vào tù, sợ tối tăm mặt mũi nên bị bắt nói gì chẳng nói”.
![]() |
“Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây” |
“Sao lại bắt tui ở tù?”
Ba mẹ Tám anh khi đó có ba mẫu ruộng bị dự án Dona.Coop thu hồi. Ông bà phản đối dự án bất công, không chịu giao. Ngày 30/11/2009, Tòa tỉnh Đồng Nai mở phiên xử sơ thẩm, anh Tám có tên trong danh sách 46 bị cáo.
Anh Tám kể trước ngày ra tòa, có người tìm đến nhà, nói với ba mẹ anh nếu chấp nhận giao đất cho Dona.Coop thì con trai ông bà sẽ được hưởng án treo. Còn nếu không giao sẽ đi “tù ở”. Ba mẹ anh lo sợ, 7h tối lật đật gọi vợ chồng con trai đến nói chuyện. Anh khảng khái không chấp nhận. Anh bảo bị oan, không có tội: “Họ không chứng minh được con gây rối quậy phá gì hết nên ép con là “cung cấp đá lạnh cho người gây rối”. Ba má đừng có sợ gì hết. Họ có ác lắm thì ép con mấy tháng tù treo, hoặc cùng lắm một hai năm tù rồi về”.
Như một linh cảm, anh thấy lần này lên tòa “lành ít dữ nhiều”. Anh liệu tính được rằng “có đi mà không có về” nên cả đêm ấy, chạy xe khắp các mối mua nước đá, dặn dò: “Con đi chuyến này có thể bị giam luôn. Ở nhà vợ con thay con giao nước đá, bà con nhớ ủng hộ chờ con về”. Anh kể đã hiểu “mưu ma chước quỷ” là thế nào từ khi bị bắt, nên không còn biết sợ điều gì nữa. Chỉ sợ cả nhà phụ thuộc vào xe nước đá, anh đi tù, mất nguồn sống, là vợ con chết đói.
Đúng như anh liệu tính, tòa tuyên anh 1 năm 6 tháng tù giam về tội đồng phạm “gây rối trật tự công cộng”. Cùng bị tuyên án tù với hành vi “cung cấp nước, đá, xăng cho người gây rối” như anh có những nông dân Nguyễn Văn Tài, Lý Văn Hiệp, Trần Phước Thanh, Lê Văn Rõ… Những người được tại ngoại bị tuyên án tù giam, bị bắt thi hành án ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Anh không nhận tội, kháng cáo. Tòa phúc thẩm y án.
Lời gửi gắm của anh trước khi đi tù được người dân xã Long Hưng giữ lời. Vợ anh vẫn tiếp tục công việc thường ngày của chồng để kiếm tiền nuôi con, chờ ngày anh về. Bà con ủng hộ, không bỏ gia đình anh.
“Có người gọi mua nước đá thì tui bán, đó là nghề mưu sinh của tui. Tại sao lại bắt tui ở tù? Sao không bắt luôn những người họ hàng các cán bộ xã bữa đó cũng ra ủy ban la ó kích động “đánh trận giả”? Cái đó cứ coi lại mấy đoạn phim là rõ ngay. Sao có cái kiểu kết án “nhà có đất chưa chịu giao cho Dona.Coop và có mặt ở hiện trường là có tội”? Ấy là họ dùng “luật rừng””, anh Tám bức xúc.
Ngày 24 Tết Nhâm Thìn, hết hạn tù, bước thấp bước cao trên con đường về làng với hai chữ “tiền án” ghi trong hồ sơ, anh biết cuộc đời anh đã rẽ sang một hướng khác. Nỗi oan ấy đời anh đã chịu, ba má anh đã chịu, nhưng không thể để các con cháu anh phải ôm nỗi oan khuất là con cháu của một “thằng tù”. “Tức lắm. Còn gì để sợ nữa. Mất hết đất, lại còn ở tù. Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây”, mắt anh rơm rớm vằn lên những tia đỏ.
Trong vụ án oan nghiệt này, còn có những nông dân đi tù nhưng mãi mãi không về vì bị cho rằng “thắt cổ tự vẫn trong trại giam”; có những người bị bắt oan chín tháng rồi thả, không một lời xin lỗi, không một xu đền bù…
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
Dự án của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Từ điểm nóng đất đai đến ‘lò lửa’ oan án
Thứ Tư, 11/4/2018 07:13 GMT+7
![]() |
Làng xóm khi xưa nay điêu tàn, “thành phố trong mơ” vẫn chỉ là những bãi đất nhấp nhô san lấp |
Có người bị cho là chỉ vì bộc trực dám “mắng” lãnh đạo xã, mà bị vu là “cầm đầu”, bị tù năm năm. Bố đã như vậy, con trai cũng bị giam cả tháng trời, không kết tội được nhưng không một lời xin lỗi, không một xu bồi thường.
Đối với gia đình cụ Nguyễn Thị Thơ, dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư) là “cơn ác mộng”. “Dự án cướp đi đất đai nhà cửa, mang đến tù đày oan trái”, một người con trai cụ Thơ nói. Không chỉ bị áp giá rẻ mạt bồi thường 327 ngàn đồng cho bốn căn nhà và 562m2 đất (PLVN đã phản ánh trong bài viết trước), gia đình này còn có ba người bị tống vào tù. Hai con trai cụ Thơ là ông Đào Quang Hùng và Đào Văn Thịnh sau khi ra tù nay vẫn kêu oan. Cháu nội cụ Thơ là Đào Văn Cường (con ông Hùng) bị bắt giam oan hơn tháng trời.
“Giải vây” Chủ tịch xã, được “đền ơn”… bốn năm tù
Bản kết luận điều tra (KLĐT) của Công an Đồng Nai vụ nông dân xã Long Hưng “đốt trụ sở”, cáo buộc ông Đào Văn Thịnh như sau:
“Bị can Đào Văn Thịnh. SN 1971. HKTT Khu 3 ấp Phước Hội. Tiền án tiền sự: Chưa. Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối tại UBND xã Long Hưng. Ngày 19/2 bị bắt. Qua điều tra đã chứng minh Thịnh tham gia vụ án với các hành vi:
Ngày 17/2 ra ủy ban xã cùng nhiều người chất vấn chị Hoài là Chủ tịch xã Long Hưng. Ngày 18/2 thường xuyên có mặt ở ủy ban xã trong nhóm đi đầu để tụ tập phản đối quy hoạch, bao vây không cho cán bộ xã ra về và làm việc. Tham gia lên lầu trụ sở xã xông vào phòng Chủ tịch yêu cầu xuống viết cam kết xóa vết sơn trên mồ mả và không được quy hoạch giải tỏa khu mồ mả; xông vào phòng đòi đánh Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Hảo Tùng; có lời nói lăng nhục chính quyền và hô hào kích động mọi người gây rối, đập phá trụ sở xã; tiếp tế bánh mì cho đối tượng gây rối ăn.
Hành vi nêu trên của Thịnh đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng với vai trò là người tích cực, quá khích khi thực hiện hành vi phạm tội”.
Phản bác những cáo buộc trên, ông Thịnh kể lại câu chuyện như sau:
“Chuyện nhà tôi gần 600m2 đất và nhà được bồi thường số tiền mua được vài ký thịt, tất nhiên ai chẳng bức xúc. Nhưng không phải vì thế mà đi gây rối. Lúc đó tôi còn tin vào chính quyền địa phương, hơn nữa cả nhà ai cũng công việc đàng hoàng. Dại gì đi gây rối.
Tôi làm nghề tài xế. Theo luật pháp nếu gặp một người bị thương nằm bên đường, không đưa người ta đi cấp cứu thì có tội. Thế nhưng oái oăm là có khi cứu người cũng bị tội. Chuyện tôi bị đi tù cũng vậy, vì tôi cứu chị Chủ tịch xã. Nghe vô lý không? Thế mà sự thật đây.
Bữa đó 18/2, đi làm về qua, thấy mọi người bức xúc vì mồ mả bị quẹt sơn, mỗi người một câu la ó rầm trời, tôi vào xã hỏi chuyện. Lúc đó lãnh đạo xã là chị Hoài, chị ấy bảo “không biết”. Tôi nóng ruột, tôi nói thế này: “Chị là một chủ tịch xã, chị Thúy là bí thư. Chính quyền ở đây. Thế nhưng một đám người kéo nhau đi quẹt sơn mồ mả cả nghĩa địa, chính quyền không biết thì vô lý. Bây giờ tôi hỏi chị vậy chính quyền làm gì, ai bảo vệ quyền lợi của dân”.
Tôi nói tiếp: “Các cụ nói “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá”. Ai ở nơi khác đến, từ đo đất, đến bắt tội phạm, đều phải liên hệ báo chính quyền. Bây giờ chị nói “không biết” thì tôi thấy không được, dân người ta phản đối là phải. Lực lượng dân phòng đâu, công an xã đâu, phải mời đám người bôi xấu mồ mả đó về. Chị ấy lúc này mới nói: “Đám người đó của Dona.Coop”.
Dân lúc đó kéo đến rất đông, bức xúc. Chị Hoài thì sợ bị đánh, nên cùng là người quê miền Bắc với nhau, chị ấy mới nói: “Thịnh ơi, thôi chị đóng cửa lại”. Lúc đó đã trưa, tôi chuẩn bị về thì chị ấy lại ló ra, bảo đã làm giấy cam kết trả lại nguyên trạng những ngôi mộ. Chị ấy không dám đứng ra đọc nên nói: “Chú đọc giúp chị, chị ra sợ dân đánh”.
Tôi đơn giản chỉ nghĩ giúp chính quyền, giúp chị Chủ tịch xã, giúp dân, nên tôi ra đọc cho dân hiểu và người ta đi về. Xong đó tôi cũng ra về. Thế mà cuối cùng bắt tôi, cho tôi là kích động dân, là cầm đầu. Thấy người gặp nạn không cứu là có tội. Nhưng ở trường hợp tôi, thấy người mà cứu cũng bị tội là thế đấy”.
Ông Thịnh không có mặt tại trụ sở xã thời điểm một số người “đốt trụ sở”: “Tôi bị sốt rét rừng từ xưa, cứ 2h chiều là lên cơn sốt. Về ngang đó thấy dân la ó phản đối, tôi vào một lát như trên rồi về. Sốt quá, chiều đó vợ tôi còn chở ra bác sĩ truyền nước, sức đâu mà xúi giục với kích động. Vừa từ bác sĩ về là công an tới bắt thôi”.
Ông Thịnh sau đó bị tuyên bản án bốn năm tù.
![]() |
Ông Đào Quang Hùng: “Hôm xử, người ta bảo “cứ có mặt là có tội. Không làm gì, cứ bị quay phim là có tội. Không nói nhiều” |
Lời kêu oan của “kẻ chủ xướng”
Anh trai ông Thịnh, trong Bản KLĐT vụ này, còn bị cáo buộc nặng nề hơn:
“Bị can Đào Quang Hùng. SN 1957. Chỗ ở Tổ 9, Khu phố 2, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa.
Ngày 18/2/2009 cùng đồng bọn tham gia gây rối. Qua điều tra đã chứng minh Hùng tham gia vụ án với các hành vi:
Tham gia cùng một số đối tượng gây áp lực phản đối quy hoạch tại xã Long Hưng. Trong lúc cùng với mọi người tụ tập bao vây ủy ban xã gây áp lực phản đối quy hoạch, Hùng đã có nhiều lời nói kích động người dân như: Bà Hoài đã đến nhà Hùng để thương lượng riêng đền bù theo giá ưu đãi. Khi người dân bỏ ra về thì Hùng lôi kéo yêu cầu họ ở lại để gây áp lực với chính quyền, cơm nước Hùng sẽ lo. Hùng còn nói tài sản của Hùng bằng nửa tài sản của Trúc (ông Trúc là chủ dự án khu kinh tế mở Long Hưng). Hùng xông lên lầu đá cửa kính phòng Khối Dân vận và đòi đánh anh Tùng. Khi nhìn thấy anh Châu đến quay phim thì Hùng trực tiếp xô ngã, dẫn đến việc nhiều người hùa theo vây đánh anh Châu và chiếm đoạt máy quay phim.
Hành vi nêu trên của Hùng đã đủ yếu tố cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng với vai trò chủ xướng, quá khích, làm cho vụ việc từ vụ khiếu nại đông người thành vụ Gây rối trật tự công cộng”.
Người đàn ông 61 tuổi nay vẫn là chủ một doanh nghiệp, đang trục vớt tàu biển tại cảng Quy Nhơn, nghe tin có đoàn nhà báo về tìm hiểu đã chạy xe từ Bình Định về Đồng Nai, kể lại:
“Ban đầu người ta cho rằng em tôi kích động gây rối, về sau lộn đảo hết, cho là tôi cầm đầu, em tôi đứng hàng thứ hai. Đấy, vậy là em tôi đi bốn năm tù, tôi năm năm tù.
Những cáo buộc trên là tầm bậy. Phiên xử vô lý lắm. Những ai không dính hình, không chứng minh là quậy phá thì tòa cho mời hai nhân chứng. Nhưng nhân chứng đó là ai, toàn là cán bộ xã. Như anh Chủ tịch xã mới nhậm chức sau khi vụ đó xảy ra, có chứng kiến gì đâu mà cũng làm nhân chứng, khai gian vu tội cho chúng tôi.
Tôi vốn là lính Công trường 5 Quân khu 7. Sau này chiến tranh biên giới Tây Nam tôi tái ngũ, là thương binh hạng 2/4 chiến trường Campuchia. Năm 1982 tôi xuất ngũ, về làm ăn buôn bán. Tôi chẳng có miếng đất nào ở Long Hưng cả. Nhà, đất, ruộng bị dự án Dona.Coop thu hồi là của mẹ và các em. Tôi chẳng có động cơ gì để gây rối.
Vụ này vừa “dằn mặt” người phản đối Dona.Coop, còn là dịp để cán bộ thừa cơ “xử” mâu thuẫn cá nhân. Như giữa nhà tôi khi đó với chị Bí thư xã. Chị này trước đó lấy đất ruộng nhà tôi làm đường cho xe hơi vào nhà. Mẹ tôi ra nói, chị ấy còn miệt thị vùng miền. Nhà tôi ức quá đâm đơn kiện. Sau chị ấy năn nỉ, bố tôi mới rút đơn. Nhưng chị ấy vẫn thù.
Nhà riêng tôi ở ngoài phường Long Bình Tân. Dạo ấy mẹ tôi ốm, tôi mang tô bún cho bà, về ngang thấy đám đông. Tôi vào, nói với cán bộ xã: “Chuyện mồ mả ấy, muốn giải tỏa thì phải mời người ta lên nói chuyện chứ đừng làm vậy”. Chết là tôi nói to tiếng, nên bị ghép vào cầm đầu. Ý họ là tôi to tiếng nên dân mới nói to thêm.
Chết nữa là tôi thẳng tính quá. Chuyện mồ mả cả xã bị bôi bẩn mà Chủ tịch Bí thư nói “không biết”. Tôi uất quá, nói bô bô: “Dân đóng thuế nuôi bộ máy chính quyền mà lãnh đạo xã nói “không biết”. Chẳng lẽ dân nuôi cán bộ xã này chỉ để… lấy phân thôi sao”. Tôi nói nguyên văn như thế. Các anh cứ ghi cho rõ.
Tôi không bị bắt tại xã. Hôm 20/2 Công an Biên Hòa mời tôi lên. Cũng hỏi thế này, tôi trả lời thế này, rồi bị bắt luôn, nhốt luôn. Hôm xử, người ta bảo “cứ có mặt là có tội. Không làm gì, cứ bị quay phim là có tội. Không nói nhiều”. Tuyên năm năm tù. Không giảm gì cả. Thương binh không giảm. Cha mẹ có công cũng không giảm. Tôi uất quá”.
Người thứ ba trong gia đình bị bắt là Đào Văn Cường (SN 1978), con trai ông Hùng. Anh Cường bị bắt cùng ngày với cha. Anh này một mực kêu oan vì cho rằng thời điểm diễn ra vụ “gây rối” đang làm ở công ty, không có mặt ở trụ sở UBND xã, đi làm tới 9h tối mới về. Bất chấp lời khai ngoại phạm, anh vẫn bị giam cả tháng, đến khi tới công ty trích xuất dấu vân tay, hình ảnh camera nơi làm việc, công an mới thừa nhận. Anh Cường được thả về nhưng không thấy một lời xin lỗi, một xu bồi thường.
Từ hồ sơ “quy hoạch” của chính quyền, đến kết luận điều tra của công an, hay bản án của tòa, tỉnh Đồng Nai đều nhận định “dự án Khu đô thị Long Hưng mang lại sự phát triển, thay đổi về kinh tế, chính trị cho xã Long Hưng”. Nhưng “phát triển” chưa thấy, chỉ thấy những phận người rơi vào lao lý oan trái, có khi mất mạng một cách khuất tất trong trại giam, làng xóm khi xưa nay điêu tàn, “thành phố trong mơ” vẫn chỉ là những bãi đất nhấp nhô san lấp.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.
Dự án của Dona.Coop đẩy hàng ngàn dân vào cảnh điêu tàn: Sống bị triệt sinh kế, chết bị tai tiếng “tự tử trại giam”
Thứ Năm, 12/4/2018 07:48 GMT+7
(PLO) – Bao oan trái đã ập xuống đầu những nông dân xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai kể từ khi xuất hiện dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư).
Án tù đã mang, có người đã chết oan khuất, sinh kế không còn, nhưng nhiều nông dân vẫn quyết bám trụ với nhà cửa vườn tược ruộng đồng. “Cuộc chiến” mới lại nổ ra, những nông dân yếu thế một lần nữa uất nghẹn chứng kiến những “mưu ma chước quỷ” hòng cắt nguồn sinh kế của họ.
Rời khỏi QL51 đông nghẹt người xe, nhiều người xa quê vài năm nay tìm về Long Hưng cho hay đã không còn nhận ra quê cũ. Làng quê năm xưa nay đã bị “xóa sổ” gần hết. Con đường Hương lộ 2 mới xẻ đôi xã thành hai phần riêng biệt. Phía bên trái con đường là những bãi đất trống mênh mông. Trên những bãi đất ấy lồi lõm nhấp nhô dấu vết san lấp, lác đác đây đó những ngôi mộ bị đập phá nham nhở, những đống gạch vụn tàn tích các cuộc cưỡng chế. Làng quê trù phú ngày nào giờ không một bóng cây.
Trên vùng đất bị san lấp mênh mông, nay chỉ có vài dãy nhà tái định cư xây theo kiểu mọi căn trong dãy đều theo một mẫu duy nhất buồn tẻ. Hình ảnh gây ấn tượng nhất là những tấm biển quảng cáo “Kỳ quan vùng sông nước”, là dòng chữ quảng cáo “Long Hưng City” khổng lồ dựng ở lối vào, là công trình có lẽ rộng hàng ngàn m2 “Dona.Coop – Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Trung tâm giao dịch đầu tư và chuyển nhượng bất động sản” án ngữ nơi ngã tư đường.
Trưa nắng chang chang vắng bóng người, không một tiếng gà gáy, chỉ đôi khi không gian xao động bởi tiếng những đoàn xe chở vật liệu chạy rầm rầm vụt qua bụi mù mịt. Bật bản đồ vệ tinh lên xem, hình ảnh xã Long Hưng nay hiện lên như một vết thương lở loét bên sông Đồng Nai.
Phía bên phải con đường, sát bên sông Đồng Nai, vẫn còn một mảng xanh cây cối, lác đác mái nhà. Đó là vùng “xôi đậu”. Tất cả các hộ dân Long Hưng đều bị dự án Dona.Coop lấy đất, nhưng trong vùng “xôi đậu” này nhiều hộ vẫn còn bám trụ, quyết không chịu nhận đền bù rẻ mạt giao đất, bất chấp những cuộc cưỡng chế trái luật có thể ập đến. Những gia đình bà Sáng, cụ Thơ, anh Tám… mà PLVN đã phản ánh trong những bài viết trước, đều “cố thủ” hàng chục năm trong khu vực này.
“Con tôi chết chưa được đầu thai”
Anh Tám, người bán nước đá kêu oan chín năm nay (PLVN đã phản ảnh trong bài 7), nắm rõ tình cảnh từng người trong số 46 người bị đi tù. Anh đưa nhóm nhà báo vào nhà anh Đỗ Phước Hậu. Dù trước đó anh Tám đã trao đổi riêng với chị gái anh Hậu – nhà kế bên chung một mảnh vườn, người nhà anh Hậu vẫn tỏ ra e dè. Có lẽ kết cục cái chết nhiều khuất tất mà anh Hậu mang, cùng những thủ đoạn lấy đất của dự án khiến họ trở nên sợ sệt, đề phòng với bất kỳ ai.
Căn nhà nằm khá sâu trong hẻm nhỏ ở ấp Phước Hội, lối đi đổ đầy đất đá lổn nhổn, sân trước đổ xi măng lem nhem cáu bẩn. Cái sân xi măng này trước đây dùng phơi lúa. Nhưng nay ruộng đã bị thu hồi nên không còn một hạt thóc để phơi. Ngôi nhà cũ kỹ rộng bề ngang nhưng hẹp bề dài, thấp lè tè, không quét vôi, rêu phong bám đầy bốn bức tường. Ngôi nhà vắng lặng khóa cửa trong khu vườn cây cối um tùm dường như lâu ngày không người chăm sóc.
Phải chờ khá lâu mẹ anh Hậu mới về. Bà lão 70 tuổi người thấp dáng gầy ốm, mái tóc bạc trắng búi gọn gàng, gò má hốc hác, da đồi mồi, chân bước khập khiễng. Dù được lời giới thiệu từ “bạn tù” của đứa con trai vắn số, ban đầu bà vẫn nghi ngại: “Lấy đất hả?”. Khi hiểu chuyện, bà mới tâm sự từ ngày con trai chết trong tù, bà càng thêm gầy mòn, tinh thần lúc nào cũng bất an. Cứ nghe tới từ “đất” và “Dona.Coop” là lo sợ giật mình. Sợ bị mất nhà mất đất, sợ không biết cả nhà rồi sẽ đi đâu về đâu, sợ nói câu nào không phải “người ta bắt đi tù”.
Ngồi bệt xuống hiên nhà, bà kể chuyện con bà là anh Đỗ Phước Hậu (SN 1981), bị tuyên án sáu năm sáu tháng tù với ba tội danh “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Gây rối trật tự công cộng” và “Xúc phạm quốc kỳ” trong vụ án nông dân Long Hưng “đốt trụ sở xã” hồi đầu năm 2009. Bà lão kể: “Khi xảy ra sự việc, vợ chồng nó đã ly thân. Con trai tui nuôi con. Gia đình có mồ mả bị quẹt sơn nên nghe người ta kéo lên xã phản đối, con tui đi theo”.
“Tui ở nhà trông cháu, có biết chuyện gì đâu. Rạng sáng ngày 19/2/2009, Công an đến gõ cửa, lúc đó nó đang ngủ với thằng con. Công an ập vào còng tay, gỡ đứa nhỏ khỏi tay cha. Đứa nhỏ khóc quá trời. Con tui bị bắt đi ngay giữa khuya, không có lệnh gì cả”.
Bà lão không biết con mình đã làm gì, bị bắt vì tội gì. Ngày ra tòa, bà nghe tin có đến nhìn mặt con, nghe con trai bị tuyên án sáu năm sáu tháng tù. Nghe vậy rồi thôi, bà phải tất tả về trông cháu.
“Tui vẫn thường đi thăm nó ở trại giam Xuân Lộc. Đến năm thứ tư, người ta báo rằng thằng Hậu treo cổ tự vẫn trong trại giam, xác đang nằm ở bệnh viện. Tui tức tốc bắt xe lên. Cũng có được vào nhìn xác con một lúc. Người ta nói nó tự vẫn, tui nghe vậy thôi chứ có biết gì đâu. Trước khi đi tù, nó không bệnh tình gì, cũng không rõ oan ức chuyện gì mà thắt cổ chết bỏ mẹ bỏ con. Tui xin người ta mang xác con về nhà chôn cất nhưng không được. Người ta nói nó chết trong trại giam nên cần điều tra gì đó. Thế rồi họ chôn luôn trong khuôn viên trại giam. Sinh ly tử biệt từ đó, oan khuất gì thế con ơi? Giờ chắc con còn oan ức chưa được đầu thai”, tiếng bà lão than van ai oán càng làm khu vườn thêm u ám.
“Đời tui khổ, đến đời con cháu tui cũng khổ vì cái dự án “cốp cốp cướp cướp” ấy. Già rồi, kêu ai, khóc ai nghe? Thằng Hậu chết, tui phải thay nó nuôi con, vợ nó thì đã có chồng mới. Nhà đất bị lấy. Một thân một mình tui không biết liệu đằng nào. Giờ còn sống được ngày nào hay ngày ấy. Giờ tui chỉ lo cho đứa con thằng Hậu, tui chết đi thì ai lo. “Cốp cốp cướp cướp” đến, chưa thấy yên ổn ngày nào, chỉ thấy liên tiếp bi kịch”, bà lão nói.
“Mưu ma chước quỷ” triệt sinh kế nông dân
Người dân Long Hưng kể, Dona.Coop đến, không chỉ gây ra cảnh người chết tức tưởi như anh Hậu, mà người sống cũng lay lắt, khổ từ tinh thần đến sinh kế. Vẫn lời mẹ anh Hậu kể, sau vụ án, sợ quá, mồ mả ông bà ngoài nghĩa địa, bà bốc rồi đưa cốt vào chùa. Bao năm nay bà ôm nỗi khổ tâm mỗi năm chỉ bắt xe lên trại thăm mộ con được một lần. Bà bảo có mang về cũng đưa cốt vào chùa chứ tiền đâu mua đất chôn. “Ngày xưa còn nghĩa địa xã, ai chết cứ chôn tự do, không tốn tiền. Nay nghĩa địa cũng bị Dona.Coop giành đất, người chết chỉ vào chùa hoặc mua đất nơi khác mà chôn. Tui còn lo khi mình chết, không biết rồi chôn hay thiêu”, bà nói.
![]() |
Chuyện bị Dona.Coop triệt nguồn sinh kế, ông Nguyễn Thanh Long (SN 1944, ngụ ấp Phước Hội) cho hay chính nhà ông là một ví dụ tiêu biểu. Mười năm nay ông tố cáo khiếu kiện, vụ việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”.
Gia đình ông bị thu hồi hơn 6000m2 đất ruộng và hơn 4000m2 đất nhà ở, đất trồng cây lâu năm. Ông phản đối dự án “phân lô bán nền”, không giao đất. Bắt đầu từ 2010, ông thấy Dona.Coop san lấp làm tràn cát vào ruộng nhà mình. Ông làm đơn yêu cầu xã vào cuộc. Xã có văn bản hứa sẽ yêu cầu Dona.Coop khắc phục, hút hết số cát tràn vào ruộng. Nhưng thực tế máy xúc ngày càng ngang ngược lấp ruộng nhà ông nhiều hơn chứ không khắc phục gì.
Ông gửi đơn tố cáo đến chính quyền TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Dona.Coop, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. “Tự san lấp ruộng nhà tôi, là ăn cướp đất chứ còn gì”, ông nói. Đồng Nai sau đó trả lời: “Hộ ông Long không thường trú tạm trú tại địa phương, diện tích đất san lấp thuộc diện vắng chủ”, dù thực tế ông sinh sống ở đây từ năm 1996, có sổ KT3. “Họ “đổi trắng thay đen” như thế, tôi còn biết tin vào điều gì?”, ông nói. Tố cáo khiếu nại của ông chưa được giải quyết, nay toàn bộ đất ruộng của ông đã bị ngang nhiên san lấp sạch.
“Mưu ma chước quỷ” triệt sinh kế nông dân, theo cụ Trần Văn Bảo (SN 1936, ngụ ấp Phước Hội), còn có những thủ đoạn khác. Theo báo cáo của xã Long Hưng hồi 2010, tổng diện tích xã gần 1200 ha, trong đó đất nông nghiệp trên 750 ha, riêng đất ruộng hai vụ lúa trên 500 ha và khoảng 300 ha diện tích mặt nước ao hồ với 1029 hộ dân sinh sống. “Từ bao đời nay cả xã canh tác lúa nước đều dựa vào hệ thống kênh mương tự nhiên tưới tiêu. Dự án trước tiên lấy trắng rất nhiều ao hồ. Sau đó chủ dự án lấp hệ thống kênh mương nước, hàng trăm ha đất ruộng ao cá hồ nước của dân, nếu không giao cho Dona.Coop thì cũng thành đất chết. Như vậy là triệt đường sinh sống, là giết nông dân chứ còn gì”, cụ Bảo bất bình.
Những thủ đoạn chưa hết. Theo tố cáo của nông dân Lê Đình Hạnh, từ năm 2010, khi dân không đồng ý giao đất, chính quyền và Dona.Coop sẽ kiểm kê bắt buộc. Đoàn kiểm kê khi đi làm việc luôn dẫn theo một cán bộ xã giới thiệu là “đại diện nhân dân”. Chủ nhà đi vắng, không đồng tình, người này sẽ ký tên. Vừa kiểm kê, đoàn người vừa cưa bỏ những gốc sầu riêng hàng chục năm tuổi, tiêu diệt nguồn sống của những nông dân lương thiện.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.