Công việc chăm sóc không lương – Để ngôi nhà thành Tổ ấm

Author ActionAid Việt Nam – Date published Thursday, September 29, 2016
AA – Công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) là một khái niệm không còn mới trên thế giới nhưng khá mới mẻ ở Việt Nam. Đã có nhiều nghiên cứu và báo cáo sử dụng khái niệm này hoặc nói đến thời gian sử dụng cho các công việc chăm sóc nói chung và công việc cho gia đình cũng như cho cộng đồng nói riêng.

Tài liệu này là bản Tóm tắt kết quả nghiên cứu đợt 1 tại 9 tỉnh Việt Nam về công việc chăm sóc không lương. Báo cáo này mở đầu cho loạt báo cáo chuyên đề của ActionAid về vấn đề CVCSKL và các kiến nghị chính sách liên quan.

Tóm tắt đợt 1 lần này chia sẻ những thông tin tổng quan chung về khái niệm CVCSKL, cách thức tiến hành nghiên cứu nhật ký sử dụng thời gian tại 9 tỉnh thuộc địa bàn có các chương trình hỗ trợ phát triển dài hạn do ActionAid tài trợ tại Việt Nam. Bước đầu, tài liệu này đưa ra kết quả nghiên cứu đợt 1 sau 3 tháng triển khai thu thập và ghi chép Nhật ký sử dụng thời gian tại địa bàn 9 tỉnh trong cả nước, liên kết các kết quả tìm được với một số đề xuất chính sách tới Chính phủ và các cơ quan liên quan trong phạm vi của nghiên cứu này.

***

[Trích]

Kết Luận

Sự đóng góp của phụ nữ cần được ghi nhận

Trong nghiên cứu này với số lượng mẫu đảm bảo tính đại diện các vùng miền, các dân tộc và trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân và các lứa tuổi khác nhau, phụ nữ dù ở bất kỳ độ tuổi nào đều phải dành nhiều thời gian cho CVCSKL hơn so với nam giới. Bất kể phụ nữ ở nông thôn hay thành thị, bất kể họ có gia đình hay chưa, bất kể họ thuộc nhóm dân tộc nào… Dường như trách nhiệm đối với CVCSKL hiển nhiên là công việc của phụ nữ, điều này có nghĩa là họ có ít thời gian để chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và tham gia vào các công việc được trả lương hoặc các công việc khác thay thế như được tham gia vào các công tác xã hội, được học tập để mở mang kiến thức nhằm bảo đảm những quyền của chính họ.

Dữ liệu từ nghiên cứu này thể hiện sự bất công trong khi so sánh thời gian dành cho CVCSKL giữa phụ nữ và nam giới trong cộng đồng. Những đóng góp của phụ nữ trong các CVCSKL cần phải được ghi nhận bởi những người đàn ông trong gia đình cộng đồng và toàn thể xã hội. Từ đó, để đảm bảo quyền lợi của phụ nữ với các dịch vụ công cơ bản, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối toàn bộ quá trình, việc này giúp cho phụ nữ có thêm thời gian dành cho những việc cá nhân hoặc nâng cao sự hiểu biết của mình với cộng đồng và xã hội.

CVCSKL cần phải là một chỉ số trong tính toán GDP

Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian phụ nữ dành cho các CVCSKL cao hơn nam giới từ 2 tới 2.5 giờ/ ngày. Tính trung bình phụ nữ dành khoảng 300 phút (5 giờ đồng hồ) cho CVCSKL. Thời gian này tương đương gần với một ngày lao động của những người có công việc ổn định làm 8 tiếng một ngày theo quy định của Luật Lao động.
Dựa vào ước tính dân số nữ của Việt Nam là khoảng 44 triệu người (Nielsen, 2013)7, trong số đó ước tính có khoảng 50% (22 triệu) phụ nữ trong độ tuổi lao động dành tới 2.5 giờ cao hơn nam giới cho CVCSKL. Làm một phép tính đơn giản với số thời gian chăm sóc không lương (22 triệu x 2.5 giờ/ ngày) ta có được trên 55 triệu giờ phụ nữ trong độ tuổi lao động tại Việt Nam phải bỏ ra trong ngày để làm công việc này (tương đương với gần 7 triệu ngày làm việc). Nếu định giá CVCSKL có thể tính ra bằng công lao động, giá trị từ 100,000 VNĐ tới 150,000 VNĐ/ ngày (8 giờ) thì rõ ràng số tiền cho riêng cho phần thời gian làm CVCSKL cao hơn nam giới này đã là con số không hề nhỏ. Nếu tính tổng bình quân thời gian của cả nam và nữ trong loại hình CVCSKL này là 500 phút/ ngày (tương đương với ngày công 8 giờ) và làm phép tính với ước tính khoảng 20 triệu lao động (cả nam và nữ) chủ yếu dành thời gian của họ cho CVCSKL chúng ta sẽ được kết quả vô cùng lớn. Con số này tương đương tới hơn 20% GDP của tổng GDP Việt Nam năm 2015 ước đạt 204 tỷ USD (Viettimes, 2015).8
Kết quả nghiên cứu chỉ rõ số thời gian phụ nữ chịu thiệt thòi hơn nam giới trong việc phải dành nhiều thời gian cho CVCSKL. Những thiệt thòi này kéo theo hệ lụy là những đóng góp của phụ nữ không được gia đình và cộng đồng đánh giá là có giá trị vì đó là những công việc “không tên” và đương nhiên phụ nữ phải làm. Việc nam giới và xã hội không nhận thức được giá trị đóng góp của phụ nữ cho gia đình và cộng đồng và toàn xã hội và sự đánh giá chủ yếu mang tính cảm tính và không có thước đo cụ thể còn làm sâu sắc thêm các định kiến xã hội gia trưởng – nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình đẳng giới. Phụ nữ phải chịu sự bất bình đẳng tại ngay trong gia đình, cộng đồng nơi họ sinh sống và tại đất nước có nhiều điều luật bảo vệ phụ nữ. Những đóng góp và cống hiến của phụ nữ không được ghi nhận nếu thời gian chăm sóc không lương đó không được gia đình và xã hội thừa nhận. Đóng góp này cần phải được tính vào Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) và phần đóng góp không lương này mặc dù vô hình nhưng rất hữu hình khi chúng ta đưa ra công thức tính toán cụ thể để có được con số “biết nói”.
Khi CVCSKL được tính vào GDP, các ghi nhận đóng góp của phụ nữ Việt Nam sẽ rõ ràng. Kết quả là xã hội sẽ chuyển biến mạnh mẽ hơn về quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Tới thời điểm đó, tất yếu sẽ đưa tới sự phân chia công việc cụ thể hơn hay việc giảm thiểu công việc cho nữ giới trong CVCSKL không phải là lời “kêu gọi” mà được thay đổi từ trong nhận thức từ mỗi người dân. Thời gian dành cho CVCSKL trong các hộ gia đình tại Việt Nam là con số rất lớn. Việc ghi nhận thời gian chăm sóc không lương cho các hộ gia đình nói chung và cho phụ nữ Việt Nam nói riêng là một chỉ số cộng thêm trong giá trị chung của Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) chính là yếu tố cần xem xét của Chính Phủ Việt Nam.
Thông qua nghiên cứu Nhật ký sử dụng thời gian này và căn cứ vào nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới, đây sẽ là điểm mốc quan trọng cho việc nâng cao sự bình đẳng về quyền của phụ nữ Việt Nam, nó có thể giải quyết những vấn đề gốc rễ cho rằng công việc “không tên” của phụ nữ trong gia đình không có giá trị và không được lượng hóa trở thành có giá trị và từ đó đem lại những quyền và lợi ích chính đáng mà phụ nữ cần phải được nhận được.
Đề xuất
Tóm tắt chính sách này đưa ra những đề xuất chính sách nhằm mục đích: đưa thời gian chăm sóc không lương trở thành một chỉ số trong công thức tính Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP):
• Cần tổ chức việc nghiên cứu Nhật ký sử dụng thời gian trên diện rộng, cân nhắc toàn bộ yếu tố có thể ảnh hưởng tới nghiên cứu một cách toàn diện từ đó sẽ là số liệu căn bản cho các minh chứng liên quan tới thời gian sử dụng của hai giới, đặc biệt là nữ giới trong CVCSKL.
• Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ liên quan cần có những tính toán cụ thể và lượng hóa thời gian của CVCSKL như là một chỉ số cộng thêm vào việc tính toán Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP).
• Chính phủ cần có những dịch vụ công hỗ trợ cho cộng đồng mà đặc biệt là phụ nữ nhằm giảm thiểu thời gian chăm sóc không lương như nhà trẻ, trạm y tế, trường mầm non/ mẫu giáo, hệ thống nước sạch, hệ thống giao thông công cộng…
• Chính phủ cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ, nam giới và trẻ em về bình đẳng giới trong cộng đồng và trong nhà trường. Từ đó, vai trò của phụ nữ trong CVCSKL cần được ghi nhận và tính toán từ những công việc cụ thể tại địa phương.
Để ngôi nhà trở thành tổ ấm, điều chắc chắn là các thành viên trong gia đình cần chủ động chia sẻ CVCSKL với phụ nữ, Chính phủ cần có cách nhìn toàn diện và tổng thể hơn trong tính toán GDP và xây dựng các chính sách phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng nhất là phụ nữ cần tự nhận thức được vai trò và đóng góp của mình để lôi cuốn gia đình mình và cộng đồng cùng thay đổi cách nhìn và hành động, sao cho CVCSKL được công nhận đầy đủ và chia sẻ giữa các thành viên.
 [/Hết trích]
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: