Huế: Trẻ bỏ học sang Lào mưu sinh

TTH – Bố mẹ sang Lào làm ăn kéo theo hệ lụy trong chăm sóc và giáo dục con cái. Số trẻ em bỏ học giữa chừng ở xã Lộc Bôn (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) ngày càng nhiều nhưng địa phương và nhà trường lực bất tòng tâm.

Người dân xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đang buôn bán tại Lào. Ảnh: Tuyết Khoa

Đem con sang Lào

Phong trào sang Lào làm ăn lan toả ở các miền quê từ năm 2003 đến nay. Toàn tỉnh có khoảng 6.000 lao động đang làm việc tại các tỉnh Pắc-Xế, Xa-Va-Na-Khẹt, Khăm-Muộn (Lào). Xã Lộc Bổn (Phú Lộc) là địa phương có trên 3.700 người, chiếm 2/3 lao động địa phương sang Lào làm ăn. Họ làm đủ nghề, đàn ông thì làm phụ hồ, thợ mộc, thợ chạm, còn phụ nữ thì làm nghề uốn tóc, gội đầu, bán kem… Người nào khá hơn thì đi buôn hoa quả, áo quần và các hàng tiêu dùng thiết yếu. Họ mưu sinh, mong giải quyết khó khăn để ổn định cuộc sống đã đành song có chị đi theo chồng, cũng chỉ vì muốn giữ hạnh phúc gia đình. Thế nên, nhiều chị đã quyết định đem con sang Lào để ổn định cuộc sống và con số này có khoảng 300 chị. Chị Nguyễn Thị Vy, có thâm niên 10 năm sang xứ sở Triệu Voi, bộc bạch: “Phụ nữ thì lo sợ đủ thứ, sợ chồng làm việc vất vả, nguy hiểm, lúc đau ốm, không có ai chăm sóc, sợ tai nạn lao động… Thú thật, tôi sợ nhất là chồng mình bị nhiễm HIV. Không lâu sau đó tôi đã sang Lào làm ăn và đó là cách duy nhất để giữ…chồng”.

Làm ăn ở Lào góp phần làm đổi thay nhanh chóng đời sống của người dân nơi đây. Lượng kiều hối đáng kể được đưa về quê hàng năm giúp người dân địa phương xây hàng loạt ngôi nhà cao tầng khang trang với tiện nghi. Tuy nhiên, không ít người khi có tiền thì lại ăn chơi, rồi lao vào ma tuý và mang bệnh HIV về làng, khiến vợ con phải gánh chịu hậu quả. Tình trạng trẻ em thất học và hư hỏng do thiếu sự chăm sóc của bố mẹ diễn ra khá nhiều. Không ít em mải mê chơi điện tử, cá độ bóng đá, thậm chí nghiện hút khi được bố mẹ cung cấp tiển bạc. Bà Nguyễn Thị Hương, ở thôn Hòa Vang, có con đi làm ăn xa, chia sẻ: “Nửa năm, chúng nó mới về thăm con một lần, cũng vội vội vàng vàng mấy bữa rồi đi. Tui đau ốm liên miên chẳng có người lo bữa ăn cho đàng hoàng, lại còn phải chăm hai đứa con cho chúng. Nhiều khi mấy đứa nhỏ cứ mê miết chơi game suốt ngày suốt đêm, tui nói không nổi”. Không khá hơn, một số gia đình đưa con sang Lào cũng khá nan giải khi nhiều nơi không có nhà trẻ, trường học. Các em lang thang theo bố mẹ bất cứ nơi đâu, từ ngoài chợ, đến bến xe hay cửa hàng, cửa hiệu và dẫn đến ham chơi, lêu lổng.

Khó vận động học sinh trở lại lớp

Chưa dừng lại mức độ ham chơi, không chỉ học sinh THPT, mà cả học sinh THCS cũng bỏ học. Vì vậy, nhiều năm liền, Trường THCS Lộc Bổn là một trong những trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao ở huyện Phú Lộc. Cứ vào hè, nhiều em xin rút hồ sơ để đi học nghề nhưng khá phố biển là các em theo người thân qua Lào chơi trong dịp hè và ở lại luôn. Khi nghe thông tin ở thôn La Sơn có em Phạm Văn Tín mới ở Lào về, chúng tôi cùng giáo viên của trường đền nhà. Vừa tới cổng, thấy bóng dáng cô giáo, Tín đã chạy ù ra ngoài. Ông Phạm Văn Kỳ, bố của Tín, buồn rầu chia sẻ: Nó nhất quyết không chịu ở nhà, đòi theo 2 anh sang Lào làm nghề sửa chữa ô tô. Mới lớp 7 mà con đòi bỏ học, vợ chông tôi không đành, đã khuyên nhủ đủ điều, nhà trường cũng đến vận động nhiều lần nhưng cháu nó vẫn nhất quyết sang Lào.

Tại thôn Bình An, bà Nguyễn Thị Tham (70 tuổi), bà ngoại của Đỗ Việt Phú cũng rơi vào cảnh tương tự. Trước đây, cháu tôi học rất chăm, năm nào cũng có giấy khen. Khi bố mẹ sang Lào làm ăn thì cháu bắt đầu ham chơi, bỏ bê việc học. Cuối năm lớp 8, Phú đã bỏ học, sang Lào làm thuê cùng ba mẹ. Ngày trước, cả thôn toàn người già với con nít cũng đỡ hiu quạnh, chừ chúng lớn môt tý là đòi theo bố mẹ đi Lào nên làng toàn người già”.

Theo ông Nguyễn Nhân Phái, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Bổn, có đến 70% học sinh có bố mẹ làm ăn tại Lào. Tình trạng học sinh đang theo học khối 8 và khối 9 của trường bỏ học diễn ra từ mấy năm nay. Năm trước, cả trường có 12 em bỏ học, năm học 2015-2016 này có 23 em bỏ học. Đối với những học sinh thuộc diện khó khăn, Phòng GD&ĐT vận động kinh phí khuyến học tại địa phương hỗ trợ cho các gia đình về vật chất, tinh thần để đưa trẻ đến trường. Tuy nhiên, điều đáng nói, một số em có học lực rất khá, là học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, nhưng mùa hè qua, các em được người nhà cho đi sang Lào chơi, nay ở lại bên đó phụ giúp gia đình làm ăn chứ nhất định không trở về để đi học.

Chính quyền địa phương cũng đã làm nhiều cách, thậm chí, thành lập “Ủy ban vận động chống học sinh bỏ học giữa chừng” gồm đầy đủ các ban ngành của địa phương kết hợp với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, ủy viên ban chấp hành đoàn trường, nhưng hiếm hoi lắm mới thuyết phục được 1-2 em.

Ông Bạch Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn cho hay: “Nếu các em bỏ học vì gia cảnh nghèo khó thì chính quyền xã sẽ có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ. Nhưng việc bỏ học này chủ yếu do bạn bè rủ rê hoặc do người thân trong họ hàng từ Lào về đưa đi. Thế nên, việc vận động các em quay lại lớp học không phải ngày một, ngày hai có thể làm được mà phải cả một quá trình, cả một hệ thống chính trị vào cuộc”.

Huế Thu

Advertisement

1 bình luận về “Huế: Trẻ bỏ học sang Lào mưu sinh

  1. “Làm ăn ở Lào góp phần làm đổi thay nhanh chóng đời sống của người dân nơi đây. Lượng kiều hối đáng kể được đưa về quê hàng năm giúp người dân địa phương xây hàng loạt ngôi nhà cao tầng khang trang với tiện nghi.”

    Nếu vậy thì cứ khuyến khích mọi người, kể cả các em, qua Lào làm ăn ? Nghỉ học mà đi làm có tiền xây nhà thì cũng nên nghỉ. Học mà đói thì cũng không cần học. Học trường đời được rồi.

    Đã thích bởi 2 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: