Dân ca dân nhạc VN – Dân ca Quảng Nam

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Tiếp theo bài “Vè Ba Miền”, hôm nay mình giới thiệu đến các bạn “Dân ca Quảng Nam”.

Địa phận Quảng Nam nằm ở miền Trung của Việt Nam, cách Hà Nội 860 km về phía Bắc, cách Sài Gòn 865 km về phía Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng; phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, phía tây giáp tỉnh Sekong (Lào), phía Đông giáp biển Đông.

Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là “mở rộng về phương Nam”. Quảng Nam nằm ở chính trung điểm Việt Nam theo trục Bắc – Nam, là nơi giao hòa của những sắc thái văn hóa giữa hai miền và giao lưu văn hóa với bên ngoài, điều này góp phần làm cho Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa.

Trong truyền thống dân ca của Quảng Nam, có 3 thể loại thường được người dân ưa chuộng thể hiện nhất là: Hát Bài Chòi, Hò Khoan, và Hát Bả Trạo/Hát Bá Trạo.

Hát Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, về sau đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch.

Phạm vi nghệ thuật Bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không bao gồm các tỉnh Tây nguyên) Các tỉnh theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là:
Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

quangnam19

Cách thức trình diễn

Hát Bài Chòi thường được tổ chức thành một lễ hội.

Hội này thường được tổ chức ở làng quê vào dịp Tết Nguyên Đán. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3m, rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.

Bộ bài để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển thành nôm na như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v.. vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau.

quangnam15

Bộ bài gồm 3 pho, đó là:

Pho văn: ông Ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín cu, chín gối.

Pho vạn: bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều.

Pho sách: ông Tử, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bưởng, bảy thưa, tám dây, cửu điều.

Mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.

quangnam13

Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. Khi đó, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.

Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi “tới”.

Các câu thai:

Đi đâu cọ xiểng đi hài
Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không. (Thằng Trò)

Ai làm thượng hạ bất thông
Bàng quang bể thủng sớm trông tối ngày. (Thằng Bí)

Nửa đêm gà gáy le te
Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm.(Ông Ầm)

Lưng choàng áo đỏ
Đầu đội khăn đen
Chân đi lèng quèng
Là ông chân gãy.(Tử Cẳng)

Lội suối trèo non
Tìm con chim nhỏ
Về treo trước ngõ
Nó gáy cúc cu. (Chín Cu)

Chầu rày đã có trăng non
Để anh lên xuống có con em bồng. (Bát Bồng)

Đi đàng phải bịt khăn đen
Ở nhà vợ sắn vóc sen nhuộm điều. (Cửu Điều)

Dưới đây mình có các bài:

– Bài chòi – nét văn hóa độc đáo của người xứ Quảng
– Hò Khoan xứ Quảng, sắc xuân dân gian độc đáo
– Nghệ thuật diễn xướng Bả trạo Quảng Nam
– Sự Giao Thoa Trong Hát Bả Trạo Xứ Quảng
– Làn điệu hát Nam trong Bả Trạo xứ Quảng

Cùng với 3 clips tổng thể Hát Bả Trạo, Hò Khoan, Hát Bài Chòi, do các nghệ nhân ưu tú xứ Quảng trình diễn để các bạn tiện việc tham khảo cùng thưởng thức.

Mời các bạn.

Túy Phượng

(Theo Wikipedia)

oOo

quangnam5
 

Bài chòi – nét văn hóa độc đáo của người xứ Quảng

Theo các nhà nghiên cứu và nhiều cụ ông, cụ bà ở Quảng Nam, trò chơi bài chòi và hát dân ca bài chòi đã ra đời rất sớm ở tỉnh miền Trung này, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, giao thoa văn hóa và sự sáng tạo nghệ thuật của người dân.

Và chúng đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu được của nhiều tầng lớp người dân trong tỉnh, thu hút cả người già và lớp trẻ ở mọi vùng miền, không những trong dịp tết mà còn ở các lễ hội của địa phương.

Trò chơi bài chòi được tiến hành với 32 tấm thẻ bài, trong không gian là 9 chiếc chòi làm bằng tre lợp tranh hay rạ. Thường được tổ chức vào ngày mồng 1 Tết, nhưng hiện nay, hội bài chòi không chỉ diễn ra trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng, hay trong các dịp lễ hội truyền thống khác.

Hội bài chòi thường được tổ chức ở những nơi công cộng rộng rãi, thoáng mát như ở ngã ba đầu làng, sân chợ, sân đình…

Từ những ngày giáp Tết, mọi người Quảng Nam đã bắt đầu tất bật với công việc đẵn tre, bện tranh làm chòi. Người ta dựng 9 chòi bằng tre, gồm 8 chòi cho người chơi và một chòi cho anh Hiệu – người cầm chịch cuộc chơi, ở những nơi đã xác định. Mái chòi tre được trang trí rất đẹp, trên nóc cắm cờ hội.

quangnam14

Hội bài chòi được khai mạc từ tờ mờ sáng mồng 1 Tết. Những cụ già có vai vế trong làng làm lễ cúng thần linh, thổ địa, thành hoàng… cầu cho một năm mới gặp nhiều điều an lành, mùa màng bội thu, làng xóm trù phú.

Trong khi đó, tiếng trống hội liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc dân làng đến chơi và nghe hô hát bài chòi. Nhân dân làng trên, xóm dưới trong những bộ trang phục đẹp nhất nô nức đến chơi bài chòi đầu năm tìm sự may mắn.

Người chơi lần lượt tìm cho mình một chỗ ngồi thật thoải mái trong các chòi, những người còn lại đứng ngồi xung quanh 9 chòi để xem anh Hiệu vừa diễn trò vừa hát. Những người giúp việc cải trang thành những anh lính lệ chạy đi chạy lại bán các thẻ bài và “cờ ngân” cho người chơi.

Vật chơi là bộ bài có 32 thẻ bài, chia đều cho 10 người, mỗi người 3 quân, 2 quân để lại. Người cầm chịch cuộc chơi cũng có một bộ thẻ bài như vậy đựng trong một ống tre trên một cây nọc cao vừa đủ để anh Hiệu không nhìn thấy các quân bài nhưng đủ để anh rút được nó.

Cuộc chơi bắt đầu khi anh Hiệu, mặc áo dài khăn đóng chỉnh tề, cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát. Sau câu hò mở đầu, anh Hiệu bắt đầu đưa tay rút một quân bài trong ống tre và hát vài câu ca dao hoặc bài vè có liên quan đến quân bài đó, sau đó xướng tên quân bài rõ to cho tất cả mọi người đều nghe.

Những người dự hội im lặng lắng nghe lời hô của anh Hiệu để suy đoán hoặc tưởng tượng quân bài gì sẽ ra. Trong số 10 người chơi, ai có quân bài trùng với tên quân bài anh Hiệu vừa xướng thì hô to “có đây”, lập tức một anh lính lệ sẽ chạy lại và trao cho người đó một lá cờ nhỏ (loại cờ xéo) và đổi lấy quân bài.

Ván chơi kết thúc khi một trong số 10 người chơi có đủ 3 lá cờ liên tục, gọi là Tới (thắng cuộc) và người thắng cuộc sẽ nhận được một món quà như một cái lồng đèn, cái phích nước, mứt, bánh kẹo, hạt dưa… Và cứ như thế ván khác lại tiếp tục chơi…

quangnam18

Cuộc chơi bài chòi có sinh động, có rôm rả hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tài hô hát của anh Hiệu. Anh Hiệu phải là người có tài “ứng khẩu thành thơ”, thuộc lòng hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng nghìn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng.

Trong câu hát của anh Hiệu, có thể bắt gặp những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động, về những sinh hoạt hằng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế… hay phê phán những thói hư, tật xấu ở đời.

Có những câu hát của anh Hiệu làm cho cả hội bài chòi cười nghiêng ngả bởi tính hài hước, vui nhộn, ý nghĩa sâu xa, rất dân dã, gần gũi đời thường. Chính vì tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi dân gian này thu hút rất nhiều người tham gia và xem.

Nếu ai từng tham gia trò chơi bài chòi và hát dân ca bài chòi ở phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới, người đó sẽ thấy cảnh tượng nơi đây thật lạ, có ca sĩ, nhạc sĩ, có diễn viên, có sân khấu hẳn hoi, nhưng khán giả chẳng hề ngồi không thưởng thức như thường thấy.

Hiện nay, vào tối thứ bảy hàng tuần, Hội An thường xuyên tổ chức đêm hội bài chòi. Đêm hội đã trở thành một sân chơi quen thuộc của du khách và người dân nơi đây. Dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được, cứ mỗi đêm hội, mọi người tụ tập về khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài (hay còn gọi là sông Bạch Đằng) để được có những giờ phút thư giãn một cách đầy hứng khởi cho kỳ nghỉ cuối tuần. Chính sân chơi này đã giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không hề mất đi vẻ đẹp yên bình rất đặc trưng của Hội An.

Các làn điệu cơ bản của dân ca bài chòi Quảng Nam gồm 4 làn điệu chính là Xuân Nữ, Cổ Bản, Xàng Xê và hò Quảng. Do nhu cầu kịch sân khấu mà 4 làn điệu cơ bản trên không đủ để diễn đạt các tình huống, tâm trạng vui buồn, hờn giận.

Vì vậy, các nghệ sỹ, nhạc sỹ… đã sáng tạo và bổ sung nhiều bài dân ca, điệu hò câu lý đậm chất dân ca truyền thống như hò Khoan, hò Chèo thuyền, vè Quảng, hát Ru con.

Nhằm bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc của trò chơi hát bài chòi, hiện nay hầu khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã thành lập các câu lạc bộ hát bài chòi sinh hoạt hết sức sôi nổi, điển hình như các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc Núi Thành, Tiên Phước, Phước Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức, Hội An, Tam Kỳ.

quangnam16

Hò Khoan xứ Quảng, sắc xuân dân gian độc đáo

(Phạm Phú Sương)

Nói đến Văn hoá Quảng Nam không thể không nhắc đến văn nghệ dân gian. Trong các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian xứ Quảng ngày xưa được ưa chuộng, nếu để chọn ra những món ăn đặc sản tinh thần không thể thiếu thì đó là diễn xướng bài chòi và Hò khoan đối đáp.

Bài chòi trước đây chỉ được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán, nó hiếm hoi như vậy là vì mỗi lần tổ chức khá tốn kém, việc chuẩn bị cũng phải tỉ mẩn : tranh, tre, nứa, lá , kèo, cột làm chòi rồi bàn, ghế, cờ xí, vật dụng, trống phách, ban bệ cần có cho một “hội” bài chòi. Nói hội ở đây không phải là một “ván cờ”, một lượt chơi, mà là một tổ chức. Nó “kép công ” như vậy nhưng sau Tết rồi nếu có chủ ý giữ gìn bảo quản để lại tái sử dụng cho năm sau cũng không thể, vì tranh tre mục nát mối mọt cả. Mà đã là năm mới thì ai lại dùng đồ hư hỏng bao giờ? Xui xẻo đầu năm lắm! còn tổ chức tại một mái chợ, ngôi trường v.v…thì chẳng ra cái Hội bài chòi. Còn Hội hò khoan thì khác hẳn.

Hò khoan là một loại hình “dân ca” sinh hoạt dân gian miền sông nước, là “lời ăn tiếng nói” của quần chúng lao động được trải nghiệm, thu nhận qua vốn sống hàng ngày mà biểu lộ ra, qua tài năng của các nghệ nhân được cải biến đi, nâng tầm lên thành vần điệu cho nghệ thuật hơn, làm phương tiện để trao đổi, bày tỏ, chuyển tải tâm tình giữa những cá thể, những tập thể với nhau trong cộng đồng. Ở Quảng Nam, gọi là hò khoan vì đây là một dạng hò “lơi”. Các nghệ nhân lợi dụng câu hố ( À ơ… ơ…ớ….Khoan…ơ… hố hợi…là hò…khoan ) như một tiểu xảo, kéo dài ra để có thời gian mà tìm ý, lời đối đáp. Hố thường đồng xướng tập thể, hoặc một người xướng, tập thể hò xô theo để tạo thêm khí thế, cho nên người xưa có câu ví von rằng:

Gốc tre khéo nấu cũng ngon
Hò khoan hát dở, hố dòn cũng hay

Ông cha ta, trong cuộc hành trình về phương Nam đi mở đất đã “gánh theo tên đất, tên làng” và mang theo cả những câu hò trong huyết quản. Do đó, Hò khoan hiện diện từ Bắc chí Nam, đặc biệt rất phát triển ở dải đất miền Trung. Bây giờ chúng ta còn được nghe Hò khoan Quảng Bình, Lệ Thuỷ, tại những hội lễ làng bên sông Kiến Giang. Tại miền Trung, hò khoan có mặt ở khắp các tỉnh, mỗi tỉnh lại có cách thể hiện khác nhau. Khi vào đến miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long thì hò đối đáp có sắc thái êm ả, phóng khoáng hơn rất nhiều như ta nghe một điệu hò Đồng Tháp, đôi câu đối đáp huê tình…

quangnam26

Ở nông thôn ta trước đây, vào những dịp nông nhàn, tấn vụ (trước khi xuống đồng vào vụ mới, nông dân làm lễ cúng Thần Nông, hoặc sau vụ thu hoạch mùa màng, lúa đầy bồ, cá tôm đầy bến …) vào những đêm trăng sáng, trai thanh, gái lịch rủ nhau ra sân đình làng hoặc bãi đất nơi bến sông rộng, thoáng để lập hội hát Hò khoan. Đó là những cuộc chơi “hoành tráng”. Còn thường ngày khi lao động trên đồng cạn, dưới đồng sâu đều có thể đối đáp cho vơi đi nhọc nhằn vất vả. Nhiều lúc cao hứng họ có thể hát đối đáp với nhau trên thuyền, giữa thuyền này với thuyền khác khi đang bồng bềnh trên sóng nước trữ tình. Một Hội Hò khoan không đòi hỏi chuẩn bị gì nhiều, tất cả vốn liếng là “ở trong ruột” , hừng tình là hát ở bất cứ đâu cho nên, hò khoan dễ tổ chức hơn.

Tại Quảng Nam, theo các bậc “cao niên trưởng thương” thì hồi ấy, ở địa phương nào cũng có Hội hò khoan, thậm chí một địa phương cũng có nhiều hội. Đó là một tổ chức tự nguyện (như Câu lạc bộ bây giờ),quy tụ những “tài năng” ứng đối giỏi, có thể “xuất khẩu thành thơ” ngay, hát được mọi chủ đề, mọi tình huống, kiến thức rộng để không bị đối phương “bắt bí”. Có khi nhiều nhóm trong một địa phương tổ chức đối đáp với nhau, lại lắm khi “con gà tức nhau tiếng gáy”, các hội cách xa nhau dưới biển trên nguồn, nghe tiếng biết tên nhau cũng tìm đến thi thố hát hò. Có vị ê chề vì thua mưu hát xạo nên biệt xứ tha phương, lại cũng lắm khi vì khích bác nhau nặng nề nên xảy ra xô xát dẫn đến thương vong.

Tôi xin nêu lên đây một vài câu hát xạo do các nghệ nhân cao tuổi kể lại để chúng ta cùng tham khảo:

Nam:
Ta muốn hôn má bậu mà chơi
Hoa kia còn phong nhuỵ Bướm lả lơi phỉ tình

Nữ:
Má đâu có sẵn mà hôn chơi
Anh ra ngoài đồi bắt chó mà hôn

Nam:
Trên sơn dưới thủy, bạn giữ kỹ làm gì
Tiền thân hậu phúc, kiếm chút ấu nhi mà bồng.

Nữ:
Trên sơn dưới thủy, ta có giữ kỹ cũng ra đám đất bằng
Mai sau bạn có chết thì ra chỗ nớ lập cái lăng mà thờ!

Qua mẩu đối thoại trên ta có thể thấy người nam từ chỗ hát ghẹo, do “tán tỉnh” thái quá, thiếu lịch lãm nên không được người nữ chấp thuận mà trả đũa thẳng thừng. Dường như chưa thoả, một nữ khác phụ hoạ thêm:

Nữ:
Nghe đồn chàng khát nước thèm nghêu
Gặp chàng đây thiếp thử trao nghêu cho chàng cầm,
Cầm về bỏ vô ảng mà ngâm
Cho nước nó ra mà uống, nghêu cầm mà chơi!

Đến nước này thì người nam chẳng thể nhịn, vội đốp chát với miếng võ “gậy ông đập lưng ông” của bên nữ.

Nam:
Bạn trao nghêu thì để ta cầm
Ta cầm về bỏ ảng ta ngâm
Nước ra đôi chén, ta cầm về cho nhạc gia
Ông uống rồi ông lại thở ra,
Khen cho thằng rể ở xa (mà) hiếu tình.

quangnam27

Đây chỉ là những câu hò chưa “nặng đô” lắm, nhiều câu còn “độc địa” hơn nhiều khiến người trong cuộc dễ “tăng huyết áp”. Nếu trong Hội có người cao tay hơn, uy tín hơn ra tay “hát can, hát rước” để giải mối bất đồng và lái câu chuyện đi về phía khác thì mới không đổ vỡ, nếu không, cao trào đỉnh điểm sẽ càng lúc càng được đẩy cao thêm.

Hò khoan hát xạo là mảnh đất để các bên bộc lộ hết “vốn liếng” tài năng ứng đáp, gây thích thú cho người đi xem hội sau mỗi câu đối-đáp đốp chát đầy bất ngờ, nhưng dễ dẫn đến hát tục, hát ngạo…là một ngón đòn “độc”, dễ gây mất hoà khí nên sau này bị dư luận phản đối, các hội hò khoan cũng ít ưa dùng, dần dần dẫn đến thất truyền.

Trong Hò khoan đối đáp có nhiều công đoạn thể hiện như những tiểu đoạn, và một buổi hát đối đáp phải đi qua các công đoạn đó. Thường thì khi mới vào cuộc, hai bên chào hỏi giao đãi, mời mọc xã giao, đến khi “bén tiếng, quen hơi” thì bắt đầu “bắt chạn” để hát cùng, gọi là hát “kết”, kết bạn, kết nghĩa, kết duyên…nhiều đôi trai gái phải lòng nhau qua ý lời trao gởi và nên nghĩa vợ chồng. Trong cuộc hát , lại có nhiều nội dung xen lẫn như hát đố, hát xạo, hát ghẹo, hát huê tình, nhân ngãi, sinh tử, hát ống, hát nhắn, hát trách, hát chờ…đến khi sắp tàn cuộc thì hát hẹn, hát xa để chia tay, giã bạn và hẹn nhau vào dịp khác. Sau đây là một số câu hát tiêu biểu:

Hát chào:

Gặp nhau một chút nên duyên
Xin mời bên đó cất lên giọng hò
Ở ngoài xa tôi nghe tiếng bạn hò
Cách sông tôi cũng lội, cách đò tôi cũng sang
Tới đây, tôi chào hết bạn vàng
Chào người thục nữ, chào nàng thuyền quyên

Nam:
Gặp anh sao chẳng hỏi, chẳng chào
Hay là em đã có chốn sang giàu hơn anh ? (hát trách)

Nữ:
Tối tăm em còn biết nút mà gài
Chừ đây biết quen hay lạ, biết ai mà chào?

Hát kết:

Tới đây anh lạ, em cũng lạ
Em bận áo hò cụt, anh bận áo đen dài
Anh nói với em huỷ huỷ hoài hoài
Biểu em đừng kết nghĩa với ai
Để còn kết nghĩa lâu dài với anh
Ai trắng như bông lòng tôi không chuộng
Thấy em đen dòn làm ruộng tôi thương
Biết rằng dạ có vấn vương
Để tôi cậy mối tìm đường sang thăm
Bướm đeo dưới bụng cây bần
Anh muốn vô kết nghĩa đá vàng được không ?
Em còn bán tín, bán nghi
Chưa đem vô dạ, chưa ghi vào lòng

Hát ghẹo:

Trứng vịt đổ lộn trứng gà
Thấy em má đỏ anh đà muốn hun (hôn)

Muốn hun về nói với mẹ cha,
Tiền cheo, heo cưới tới nhà mà hun.

Nực cười con Kiến kiện con Rồng
Bạn xít ra cho khỏi kẻo chồng ta ghen

Cọp nằm kẽ đá mài răng
Mấy thằng chồng ghen vặt ông ăn cho rồi

Ai về nhắn với ông câu
Con cá ăn không giựt, để lâu mất mồi

Mất mồi này ta câu mồi khác
Cá biển nhiều xao xác thiếu chi ?

Hát nhân ngãi:

Cọp mà vật mấy ông thầy địa
Yêu mà nhai mấy thầy bói chọn ngày
Trớ trêu họ khéo đặt bày
Mình cứ thương cho hết dạ thì cao dày cũng phải nghe

Vợ chồng là nghĩa phu thê
Tay ấp má kề, sinh tử có nhau
Chẳng tham của sẵn anh đâu
Tham vì nhân nghĩa năm đầu ngón tay
Bao giờ cho đặng sum vầy?
Giao ca đôi mặt dạ này mới vui

Hát sinh tử:

“…Ngó vô trong cảnh gia đàng
Nhơn sầu cảnh dị, hoa tàn nhuỵ khô
Một mình quày quả ra vô
Bải nước trầu còn đố mẹ con đi mô không thấy về
Hay là em ly biệt phu thê
Em hẹn hò non nước, bỏ bê chốn dương trần…”

quangnam17

Hát đố:

Trong Hò khoan đối đáp lắm khi các bên đưa ra một vế đối ít ai ngờ tới, nội dung câu đố thường không cao siêu nhưng mưu trí, gọi là “đố mẹo”, hát đố cũng gây sự thích thú khi nội dung câu đố đã được “giải mã” hợp lý hợp tình.

Đối:
Bánh dẫu nhiều sao gọi là bánh ít (một loại bánh thường có ở Hội An)
Chuối con non sao gọi chuối già? (tên cây chuối hột)
Nếu anh mà đối dặng mới thiệt là đáng khen

Đáp:
Sao canh chua loét cũng kêu canh ngọt (rau bồ ngót và lấy từ ý câu “cơm lành, canh ngọt”)
Cau cao nghệu sao gọi cau lùn? (tên loại cau)
Thuyền quyên mà có hỏi nữa, anh hùng chẳng chịu thua!

Đố lái:

Đây là đặc thù của xứ Quảng. Bên cạnh cái sự “cãi”, nói lái cũng được người Quảng ưa dùng, không những thế, họ còn vận dụng đưa vào lời hát hết sức tài tình. Chỉnh vế, chính cả ý tứ. (chủ yếu là lái âm, lái ý nhưng cũng đôi khi rất chỉnh từ). Nếu bảo rằng đây là một “nghệ thuật” cũng không ngoa.

Đối:
Con Cua, con Rồng xuôi ngược mấy con?
Em mô mà đối được, anh mua chăn cho nằm

Đáp:
Con cua, con rồng xuôi ngược có 4 con
Cua, Rồng nói ngược là con Công, con Rùa
Đáp được, đó chịu thua chưa ?
Lựa chăn mô đắp cho vừa thì mua.

Không chịu, người con trai lại trổ mòi lái xạo bắt từ ý câu đáp của nữ:

Anh hỏi lại em rằng sao người ta bảo là con Công gù?
Em mô đáp đặng anh đem võng dù anh đón đưa

Tại thành phố Hội An vào định kỳ đêm 14 âm lịch hàng tháng Tái hiện Đêm Phố cổ và vào những dịp lễ hội, trong các chương trình Phố đêm, hát Hò khoan là nội dung thường xuyên được thực hiện trên thuyền nơi bến Sông Hoài do các nghệ nhân Đội Hò khoan ứng đáp đảm trách. Thành phố cũng đã phát động Liên hoan Hát Hò khoan toàn thành hằng năm để phát hiện và nuôi dưỡng phong trào. Thật thú vị khi nghe lớp trẻ thể hiện Hát Hò khoan.

Các nghệ nhân nói rằng: “Nghề hát hò khoan nó cũng có con ma”. Nhiều khi mãi mê đối đáp đến khi trời hừng đông mới chịu tan hội. Và như còn dùng dằng luyến tiếc, họ bùi ngùi chia tay và hẹn ngày tái ngộ.

Hát xa, hát hẹn:

Nát lòng đôi ngã phân ly
Bạn về xứ bạn, thiếp quy xứ mình
Chừ đây bóng nọ xa hình
Hội ni sơ ngộ, ta hẹn mình ngày sau
Biển trời non nước gặp nhau
Với điệu hò khoan lưu luyến biết bao nghĩa tình

Kiểng xa hồ, hồ khô kiểng héo
Lựu xa Đào, Lựu ngã, Đào nghiêng
Gặp nhau chưa đặng một phiên
Chừ đây cách mặt biết ai phiền hơn ai
Cứ trông rồi mốt, rồi mai
Thuyền kia, bến nọ láng lai tâm tình…

quangnam28

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, so với Bài chòi thì Hò khoan còn hoạt động rất nhiều nơi tại các miền quê nhưng những nghệ nhân giỏi giang ngày một vắng bóng mà không có lớp kế thừa xứng đáng là điều đáng để cho các nhà hoạch định chiến lược Văn hoá văn nghệ dân gian trăn trở. Một trong những lý do đó, theo một số nghệ nhân cao tuổi thì khả năng nhạy bén trong ứng đáp (kiến tại, bắt quờ…) của lớp hậu sinh kém dần, tính ganh đua cần có để thể hiện, chứng tỏ bản lĩnh không cao.

Hơn nữa, lớp trẻ hiện nay có quá nhiều thú vui mới hiện đại hơn nên không còn thiết tha với hát hò khoan. Mặt khác, thiếu yếu tố hát xạo cũng làm cho tính hấp dẫn bị triệt tiêu. Bác Nguyễn Mại ở Điện Bàn (đã mất) và Bà Nguyễn thị Huệ ở Thanh Hà Hội An, những nghệ nhân từng tham gia thường xuyên tại Đội Hò khoan ứng đáp ở Hội An lý giải: “Nếu bảo hát xạo là phi văn hoá, không nên duy trì thì tại sao thơ bà Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương lại được ca tụng ? Và nếu nó thô tục thì tại sao những câu hát xạo Quảng Nam lại “sống” và đã in trong sách phổ biến để làm gì?”. Cũng là một câu hỏi chưa có câu trả lời xác đáng.

Ngày Xuân, trong không khí trời đất giao hoà, lòng người cũng rộn rã với Xuân Quê hương, đất nước. Dù không rộn ràng mở hội vào xuân như các hội Bài chòi, nhưng Hò khoan có một bản sắc riêng, một hương sắc xuân bốn mùa lan toả, một sức sống xuân qua những câu hò dân dã nhưng đầy chất trí tuệ, hóm hĩnh, vui tươi. Xứng đáng có chỗ đứng trang trọng và bền chặt trong lòng công chúng, trong văn hoá dân gian Quảng Nam và trong kho tàng tinh hoa của dân tộc.

quangnam2

Nghệ thuật diễn xướng bả trạo Quảng Nam

(Mai Hồng Lâm)

Hát bả trạo (hò bả trạo) là hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian, tổng hợp các yếu tố múa và hát với đạo cụ là mái chèo, gắn với tục thờ cúng cá ông của ngư dân duyên hải miền Trung. Theo cách lý giải của những người am hiểu và ngư dân cao tuổi thì bả có nghĩa là bạn;trạo có nghĩa là chèo; bả trạo có nghĩa là bạn chèo.

Cũng có một cách lý giải khác, bả tức làcầm chắc, còn trạo có nghĩa là mái chèo; bả trạo có nghĩa là cầm chắc mái chèo để giong buồm ra khơi… Nhưng cho dù cách gọi như thế nào thì nghệ thuật diễn xướng bả trạo vẫn là hình thức sân khấu hoá, trong đó âm nhạc sử dụng các làn điệu, các kiểu “hát – nói – kể…” kết hợp động tác “chèo thuyền” rập ràng, đều đặn theo tiết nhịp âm nhạc do tập thể các con Trạo thể hiện và vũ điệu (nghệ thuật tuồng truyền thống) của các ông Tổng nhằm mục đích chuyển tải nội dung nghệ thuật đến với công chúng.

quangnam3_ Diễn xướng Hát bả trạo trong lễ cầu ngư tại xã Tam Hải - Núi Thành

“… Mùa đến rồi anh em ơi
Ta xuống thuyền cùng nhau ra khơi
Trời thanh thanh, biển bao la
Nước xanh xanh ô hô hô, sóng nhấp nhô
Thuyền trông khơi lướt nhanh, ô hô hô …”

Ở Quảng Nam, hát bả trạo chỉ được diễn xướng, tái hiện trong lễ hội cầu ngư. Đây là một trong những lễ hội lớn của ngư dân Quảng Nam, hàm chứa niềm khát khao, mộc mạc, chân thành của những người làm nghề sông nước đối với biển nói chung và với cá ông nói riêng. Chủ thể văn hóa diễn xướng bả trạo trong các lễ hội cầu ngư là cộng đồng dân cư các xã, phường ven biển Quảng Nam.

Lễ hội cầu ngư ở Quảng Nam về quy mô và thời gian tổ chức (lấy theo ngày âm lịch) tùy thuộc từng địa phương. Ở Cẩm An (Hội An), lễ hội cầu ngư được tổ chức hai lần trong năm vào các ngày 16/2 và 16/8; ở Duy Vinh (Duy Xuyên) vào các ngày 20/2 và 20/7; ở Bình Hải (Thăng Bình) vào các ngày 15/3 và 20/12.

Bắt đầu lễ cầu ngư, vị chủ xướng tuyên bố khởi lễ. Sau phần giới thiệu là bài văn tế kể về quá trình hình thành vùng đất quê hương và ý nghĩa của tục lệ cầu ngư. Mọi người dự lễ đều thành kính dâng trọn niềm tin và biết ơn đối với biển. Phần tiếp theo là lễ cúng, dâng lên bàn thờ mâm lễ vật gồm hoa quả và một số món chay (tuyệt nhiên không bao giờ có bất kỳ loại hải sản nào). Khi vị chủ lễ lên chủ trì phần cúng thì có một vị đọc bài văn cúng gồm ba phần: mở đầu là cúng Ông Nam Hải (cá ông), tiếp theo là lễ cúng tiền hiền, hậu hiền, những bậc tiền nhân có công lập nên làng xã và cuối cùng là cúng cô bác (cô hồn, âm hồn). Lễ chánh tế tiếp theo sau đó, mọi người trong ban tế lễ đều vào lạy. Lễ cúng kéo dài gần một giờ, sau đó là phần hội cầu ngư.

Nếu phần lễ diễn ra long trọng, trang nghiêm thì phần hội lại vui vẻ, náo nhiệt và lôi cuốn. Phần hội cuốn hút nhất là màn diễn xướng bả trạo. Hát bả trạo ở Quảng Nam là hình thức diễn xướng tập thể trên cạn. Trên sàn diễn dựng ngay tại bãi biển là mô hình một chiếc thuyền rồng được trang trí rực rỡ bởi cờ hội và cờ đuôi nheo. Màn múa hát bả trạo được trình diễn và khởi xướng bởi ba người được chọn lựa rất kĩ, đó là ba ông tổng: Tổng Mũi (Tổng Tiền), Tổng Khoang (Tổng Thương) và Tổng Lái (người chỉ huy con thuyền). Tổng Lái thông thường mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen. Tổng Mũi cũng ăn mặc như Tổng Lái nhưng có khi mặc bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh điều khiển. Còn Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Những người tham gia còn lại gọi là bạn chèo lập thành đội chèo. Tuỳ từng địa phương, mỗi đội chèo có từ 12 đến 16 người, cũng có khi lên đến 18 hoặc tối đa là 20 người và đặc biệt là số người tham gia đội chèo bao giờ cũng là số chẵn để cho cân xứng và trình diễn dễ dàng hơn. Các bạn chèo đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu.

quangnam20

Dẫn đầu đoàn chèo hát bả trạo trên chiếc thuyền rồng là Tổng Mũi, tiếp đến là Tổng Khoang và Tổng Lái sau cùng, bạn chèo sắp hai hàng ngăn nắp phía sau Tổng Mũi. Sau khi hàng ngũ chỉnh tề, vị chủ xướng ra lệnh bắt đầu thì tiếng trống tiếng chiêng vang lên rộn rã báo hiệu cuộc diễn xướng bắt đầu. Lúc này, Tổng Mũi hô to:

“Bớ bả trạo”

lập tức các bạn chèo đồng thanh hô vang:

“Dạ”

và Tổng Mũi mở đầu phần hát bả trạo:

“Hôm nay là ngày Lễ ông cuối vụ
Con cháu ta tụ họp về đây
Chỉnh đốn xiêm y trang phục đủ đầy
Để tưởng niệm và tôn kính thần linh Nam Hải… đó nghe.”

Hòa theo lời hát của Tổng Mũi, các Tổng Khoang và Tổng Lái nhún nhảy theo nhịp trống phách, làm điệu bộ cổ vũ cho các bạn chèo nhanh nhanh tay chèo cho thuyền vượt sóng. Các bạn chèo làm động tác khua mái chèo, lúc thì chồm về phía trước, lúc thì ngả người ra sau như thể họ đang cật lực, căng sức để đưa con thuyền tiến về phía trước. Tất cả động tác diễn ra nhịp nhàng, sống động và đẹp mắt:

“… neo đồm kia đã lên ngọn thì chèo nọ ta gay,
anh em ta hợp sức đều tay, thấy sóng cả chớ ngã tay chèo đó nghe…”

Người xem phía dưới cũng nhiệt tình tán thưởng và hưởng ứng mỗi khi đến đoạn đồng thanh như:

“dạ”, “ô hô hô”, “ri hố rị…”

Cả một vùng bãi biển rộn ràng, khí thế với những tiếng đồng thanh vang như sóng dội.

Những cuộc diễn xướng, hát múa bả trạo ở Quảng Nam đều xoay quanh việc ca ngợi và bày tỏ niềm tiếc thương đối với cá ông. Lòng thành kính đối với cá ông được thể hiện rõ nét trên khuôn mặt của những người tham gia diễn xướng (các Tổng và bạn chèo). Tất cả họ đều nghiêm trang, nhịp nhàng chèo chiếc thuyền linh thiêng, đưa cá ông về miền cực lạc:

“… ơn ngài như biển rộng trời cao
Chúng con ghi tâm tạc dạ
Đời nào lãng quên!”

Ngoài nghi thức dân gian đối với cá ông ra, hát bả trạo còn thể hiện những tâm tư, tình cảm mộc mạc, chân thành của những ngư dân vùng biển đối với thiên nhiên, với đại dương:

“Mây giăng mù mịt
Giông chớp sáng loà
Từ ải Vân cho đến Sơn Chà
Trông bốn phía ngàn trùng sóng nước…”

Cũng như cầu mong cho trời yên, bể lặng, sóng nước hiền hoà, những chuyến ra khơi thật sự thanh bình, cá tôm đầy ắp:

“Thuyền trôi một chiếc giữa trời
Gió trăng bãng lãng nước trời mênh mông…”

Hát múa bả trạo trong lễ hội cầu ngư ở Quảng Nam là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo và đặc sắc, thể hiện ước vọng an lành, may mắn trong những chuyến giong buồm ra khơi đi tìm “lộc biển”; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ trong lao động và sản xuất của những ngư dân sông nước đêm ngày đương đầu với sóng gió đại dương.

Hát múa bả trạo không những đáp ứng nhu cầu tâm linh của ngư dân mà còn chuyển tải, trao truyền những giá trị văn hoá truyền thống qua phương thức diễn xướng dân gian.

quangnam22

Sự Giao Thoa Trong Hát Bả Trạo Xứ Quảng

(Xa Văn Hùng)

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân vạn chài xứ Quảng vẫn luôn bám làng, bám biển và truyền lại “tài sản tinh thần” quý giá nhất cho thế hệ mai sau. Hát Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng văn hóa tục thờ cá Ông – vị thần của biển cả đã được các vua nhà Nguyễn sắc phong là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần”. Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội thiêng liêng thể hiện vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người dân xứ Quảng.

Tục thờ cá Ông là tín ngưỡng cổ truyền của người Chăm, dường như chỉ xuất hiện từ phía Nam đèo Ngang trở vào tỉnh Kiên Giang, được cư dân Việt tiếp nhận, tiếp biến trong quá trình giao thoa văn hóa. Lễ hội Cầu ngư có quan niệm từ dịch lý “tam tài” của Nho gia “Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người” với chủ đích cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, địa phương, lễ hội Cầu ngư luôn có sự biến thể về mặt nội dung, cách tân và cải biến về mặt hình thức nhưng nhìn chung vẫn mang đậm sắc thái thuần Việt. Đồng thời lễ hội không chỉ mang ý nghĩa là đề cao tính nghề nghiệp mà còn tạo sự vui chơi giải trí cho người dân vạn chài, tạo kết nối để họ xích lại gần nhau hơn, hiểu và thông cảm cùng nhau hơn cả trên biển khơi mênh mông và trong cuộc sống xã hội thường ngày.

Sự chuyển hóa tâm thức tâm linh trong lễ hội Cầu ngư luôn được gắn kết với thiên nhiên, với tự nhiên và thực thi trong việc thờ cúng tiền hiền, hậu hiền: “Hữu tâm cầu tất ứng, chi đức sa tất cứu” (có tâm thờ cúng thì sẽ được giúp, chăm việc thiện thì chẳng sợ ai thù hận)… cho nên tùy theo phong tục tập quán, tín ngưỡng của từng vùng miền, từng địa phương theo tục lệ “Xuân kỳ, Thu tế” mà tổ chức lễ hội (mặc dù hiện tại có nhiều hạn chế do việc nhận thức, định hướng, kinh phí,… đã ảnh hưởng đến công việc tổ chức lễ hội). Nhưng dù sao đi nữa, cái cốt lõi của lễ hội này vẫn luôn mang đậm tố chất tâm linh và thiêng liêng của “chất biển” đã có tự ngàn đời!

Từ đặc điểm về nghi lễ của một làng biển, cũng như xét trên phương diện cấu trúc của lễ hội này ở địa phương Quảng Nam cũng như một số nơi khác, cách thức tổ chức lễ hội luôn có sự tương đồng nhau, gồm hai phần: một là các nghi lễ cúng tế (nghinh rước, cúng kỳ yên, tiên sư, cúng tiền vãng…; hai là các trò chơi dân gian, hát (chèo) Bả trạo.

Hát “Bả trạo” có nguồn gốc từ chữ Hán – Nôm: Bả 把: cầm chắc, trạo 掉: mái chèo, có nghĩa là “cầm chắc tay chèo”. Nhưng cũng có một ý kiến khác thì (có lẽ do phương ngữ ?), Bả trạo là cách đọc chệch âm của động từ “Bá Trạo” (百 Bá: theo chữ Hán có nghĩa là trăm) thì thuật ngữ này cũng có nghĩa là trăm tay chèo, trăm bạn chèo. Đây là vấn đề đang còn nhiều bàn cãi của các nhà ngôn ngữ học; nhưng ở đây, tạm hiểu động từ này dưới góc độ âm nhạc học theo một cách ngắn gọn: “hát Bả trạo” hay “hát Bá trạo”… cũng đều có nghĩa là “hát chèo thuyền”.

Hát Bả trạo trong lễ hội Cầu ngư Quảng Nam là một loại hình nghệ thật diễn xướng nghi lễ, có tính khúc thức, sự vận dụng, giao thoa, kế thừa, cách tân và phát triển một cách thông minh đầy sáng tạo của các nghệ nhân, của dân vạn chài. Các lối hát mà loại hình nghệ thuật này vận dụng luôn có sự khác biệt đáng kể từ kết cấu nội dung kịch bản hoàn chỉnh đến sự phối kết hợp nhuần nhuyễn về nghệ thuật, âm nhạc dân gian truyền thống, từ đó tạo nên tính đặc hữu của nghệ thuật diễn xướng dân gian miền biển độc đáo này.

Hát Bả trạo là phần hội được cấu thành đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu được trong lễ hội Cầu ngư. Một hình thức diễn xướng tập thể trên cạn, khác với múa hát chèo thuyền trên sông tái hiện cảnh thủy binh chống giặc dưới nước ở Bắc Bộ. Hình thức diễn xướng dân gian này được ngư dân làm nghề biển truyền bá, duy trì trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của họ cho đến ngày nay.

Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm các yếu tố cầu khấn tâm linh, các lối Nói – Hát có nguồn gốc trong nghệ thuật sân khấu Tuồng, trong âm nhạc Phật giáo, các thể loại và làn điệu dân ca Quảng Nam,… cùng các phương thức nghi lễ truyền thống trong văn hóa Việt, múa dân gian. Nếu như các địa phương ven biển Quảng Nam gọi là “hát Bả trạo” thì ở các địa phương, các vùng, miền khác loại hình nghệ thuật này được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: ở làng Tùng (Quảng Trị) gọi là Chèo cạn; làng Cảnh Dương – Quảng Bình gọi là: hò Đức Ông; ở Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) gọi là hát Bạn chèo đưa Ông; ở Hà Thủy (Phú Yên); Thắng Tam, Phước Hải,… ở Bà Rịa – Vũng Tàu gọi là: Chèo Cầu ngư…

Hát Bả trạo trong lễ hội Cầu ngư ở các xã ven biển Quảng Nam thường được diễn ra trước lăng Ông với kịch bản “Long Thần Bả trạo ca” có vai trò chính là ca ngợi công đức cá Ông đã có công giúp đỡ ngư dân chài lưới vượt qua những cơn bão tố, tai ương trước biển cả mênh mông, tỏ lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc đến vị nhân thần “cứu hộ độ sinh” này. Đồng thời bài này cũng mang một ý nghĩa thiết thực đó là “cầu mùa”, cầu mong cho sự phù hộ của Ông Ngư để mùa màng được bội thu, cuộc sống được ấm no, hạnh phúc,…

quangnam21

Làn điệu hát Nam trong Bả trạo xứ Quảng

(Xa Văn Hùng)

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân vạn chài xứ Quảng vẫn luôn bám làng để “sống trên cát, chết vùi trong cát” và truyền lại “tài sản tinh thần” quý giá nhất cho thế hệ mai sau, đó là: hát Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng văn hóa tục thờ “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần”.

Song hành với các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, hát Bả trạo cùng có khởi nguyên từ sân khấu dân gian luôn chứa đựng tiềm ẩn nội hàm chất liệu âm nhạc dân gian, được môi trường tự nhiên nuôi dưỡng, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng phương thức cộng hưởng bằng các yếu tố: truyền miệng, vần điệu, động tác, nhạc vũ… và chính sự gắn kết trong văn hoá tâm linh đặc hữu văn hoá “biển” (văn hóa Nghinh Ông) mà tự nó đã khẳng định là một hình thức âm nhạc đích thực, độc đáo.

Nội dung hát Bả trạo được thể hiện qua những lời hát, câu hò, điệu lý trữ tình… mang tính đặc hữu vùng miền của xứ Quảng giống như một dòng sông có những đoạn chảy xíết, những đoạn chảy vừa và chảy chậm… đã tạo nên sự đa dạng về hình thức, đặc sắc về giá trị tư tưởng nghệ thuật, đậm chất nghi thức nghi lễ ngư nghiệp, thu hút cộng đồng ngư dân tham gia và gắn bó chặt chẽ với lễ hội này.

Các lối “nói – hát” được vận dụng và sử dụng trong Bả trạo bao gồm 3 loại: lối hát có nguồn gốc trong hát tuồng truyền thống; các làn điệu dân ca Quảng Nam và lối hát có nguồn gốc từ âm nhạc Phật giáo. Nếu xét về mặt cơ bản, các kiểu “hát – nói – kể” trong hát Bả trạo có lối hát giống như trong hát tuồng truyền thống, được các nghệ nhân vận dụng sáng tạo với chủ đích là sự thể hiện tâm thức tâm linh trong việc cầu xin, cúng bái thần linh, chúc tụng… Cho nên, về sắc thái âm nhạc sử dụng trong các kiểu Xướng, Thán, Tẩu mã, Ngâm, Phú (Phú Lăn, Phú Lục), Bắt Bài lệnh, hát Nam… đều có xu hướng hơi nghiêng và mang đậm chất “Thiền” của âm nhạc Phật giáo: có sắc thái buồn man mác, được thể hiện rõ trong cách rung hơi, nhấn từng âm, cách láy đuôi âm vực lên cao sau mỗi câu hát.

Tham khảo một số ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như kinh nghiệm của một số nghệ nhân hát tuồng ở Quảng Nam và TP Đà Nẵng và ý kiến của một số nghệ nhân các đội chèo Bả trạo ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP Hội An… được biết “xuống Nam” có nghĩa là nối tiếp một đoạn “nói lối” thường xuống một làn điệu Nam thật dễ chịu, hấp dẫn, độc đáo và ổn định.

quangnam25

Qua ký âm, phân tích về các “kiểu” hát Nam trong hát Bả trạo cho thấy: lối hát Nam trong hát Bả trạo không hoàn toàn giống hát Nam trong lối hát tuồng, nó mang một dáng dấp biến thể mới; không theo một khuôn khổ nhất định, luôn có sự đa dạng, sâu sắc hơn. Cụ thể như trong hát tuồng truyền thống “câu Nam” được nối và “xuống Nam” tiếp theo sau là một câu nói lối; trong hát Bả trạo được hát tách bạch từng câu thơ, theo khuôn mẫu thể thơ lục bát, song thất lục bát…

Lục bát:

Một mình vừa chống vừa chèo
Không ai tát nước đỡ nghèo một phen
Gì (vì) lòng con thảo, tôi hiền
Vàng son giữ dẹn (vẹn) như thuyền hai neo…

hoặc là:

Chính chiên (chuyên) phải khiếp oai hùng
Muôn dân ơn đợi, cửu trùng gia phong
Ngày nay chúng đẳng một lòng
Xin ngài chiếu giám hộ trăm vạn lần
Kỉnh đưa về chốn thiên đàng
Siêu thăng thoát hóa, thanh nhàn cảnh tiên…
Thể song thất lục bát:
Chốn Hà Sa, bao la thế giới
Đốt hơi trầm, phất phới mùi hương,
Giọng quyên, tiếng dế canh trường,
Nghĩ tình nhân loại, thảm thương khôn cùng.

hoặc là:

Toại âu ca mưa hòa gió thuận
Đưa thần về đất thuận trời yên
Thẳng lèo gió thổi hiu hiu
Thần linh tự tại thủy triều lượng đưa…

Làn điệu hát Nam trong Bả trạo của Lễ hội Cầu ngư là một loại hình âm nhạc mang nặng tính nghệ thuật diễn xướng dân gian kết hợp phương thức diễn (động tác “chèo”) luôn được xen kẽ với các lối hát khác:

Hát Tán

Biển trầm lĩnh lãng, sóng dợn lao xao
Người mê mang trong giấc chiêm bao
Mới tỉnh giấc, phân hào chiếu diệu.
Sống chẳng niệm Di Đà Phật hiệu
Người ở đời, như bóng phù du.

Hát Nam

Bóng phù du sớm còn, tối mất
Chưa chứng vào cõi Phật tiêu diêu.
Hồn ma, bóng quế dập dìu
Không nơi nương dựa, mai chiều thảm thương.
Và làn điệu Bắt bài:
Ái hà thiên xích lãng
Khổ hải vạn trùng ba
Duy nguyện Từ Bi lực
Giải thoát chốn Hà Sa
Giải thoát chốn ớ Hà Sa.

Hát Nam:

Chốn Hà Sa, bao la thế giới
Đốt hơi trầm, phất phới mùi hương
Giọng quyên, tiếng dế canh trường
Nghĩ tình nhân loại, thảm thương khôn cùng.
Hoặc làn điệu nói lối Vãn:
Ác vàng tên rổi,
Thỏ bạc thoi đưa
Ôm lòng đau, cốt nhục sớm trưa
Nhắm mắt lại, anh hùng đâu đó.
Lò Bửu Đảnh, mùi hương nhen tỏ rõ
Thuyền Kinh Châu, tế độ mấy tinh linh.

quangnam29

Nếu như “xuống Nam” trong hát tuồng truyền thống chủ âm được luyến xuống bằng quãng bốn đúng cộng với một quãng hai trưởng, và chữ thơ cuối cùng của chủ âm là vần “bằng”, tức ngữ âm là “dấu huyền” thì trong hát Bả trạo không phải lúc nào cũng tuân theo quy luật đó, nó hoàn toàn phụ thuộc vào ngữ điệu, dấu giọng của câu chữ sử dụng. Câu hát đôi khi không về chủ âm (theo nguyên tắc “xuống Nam” trong hát tuồng truyền thống) mà nó lại về bậc 5 (so với chủ âm). Điều này phụ thuộc vào “vần” của chữ thơ cuối cùng.

Làn điệu Kệ:

(Kệ) Bá thiên vạn kiếp năng tao ngộ
Trạo Xô Nam mô A di đà Phật
(Kệ) Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Trạo Xô Nam mô A di đà Phật
(Kệ) Nguyện gỉai Như Lai chơn thiệt nghĩa.
Trạo Xô Nam mô A di đà Phật

Hát Nam

Chơn thiệt nghĩa, nghĩa đà minh chánh
Nguyện cô hồn, mau lánh cõi mê.

Từ sự sáng tạo vận dụng của các nghệ nhân, hát Bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư có nhiều dạng, nhiều bài (bổn), và điều đặc biệt nữa là kiểu “Hát Nam” được sử dụng trong hát Bả trạo phần lớn được hát giống như một thể loại hò (dân gian thường gọi là hò đưa linh). Đặc biệt, trong hát tuồng truyền thống khi “xuống Nam” được kết thúc bằng một hồi trống chầu xổ dài thì trong hát Bả trạo khi “xuống Nam” được kết thúc bằng phần Xô của con trạo là “hò hầu Ông”, hoặc “hò hầu linh”. Tỷ như làn điệu hát Nam được sử dụng trong bài (bổn) chèo Nghinh Ông “Long thần Bả trạo ca”, phần Xô của tập thể con Trạo là “hò hầu Ông”; bài (bổn) “Âm linh Bả trạo ca” (chèo Cô hồn) và bổn chèo “Liệt sĩ”, phần Xô được đổi là “hò hầu linh”.

Phải chăng, từ những yếu tố văn hóa tâm linh đã hòa trộn, tạo kết trong màn diễn để làm nên giá trị nghệ thuật âm nhạc một cách đặc hữu như vậy? Nếu cho rằng, màu sắc âm nhạc chủ đạo xuyên suốt trong màn diễn xướng hát Bả trạo là thán, vãn, buồn man mác, nhẹ nhàng, bi ai như một lời ru buồn thì bên cạnh đó, vẫn còn những yếu tố khách quan cũng như chủ quan để hát Bả trạo trở thành một nhu cầu cần thiết và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân vạn chài.

Làn điệu hát Nam góp phần cho kịch bản Bả trạo hoàn chỉnh, đó là loại hình nghệ thật diễn xướng nghi thức, nghi lễ tín ngưỡng cổ sơ, từ mô típ dân gian quen thuộc (diễn xướng dân gian) được kế thừa, vận dụng và phát triển một cách thông minh đầy sáng tạo, có khúc thức, tiết nhịp… của các nghệ nhân.

Từ môi trường diễn xướng tâm linh này, tính dân gian được thể hiện như là chất men, chất kết dính nhằm tạo cho các làn điệu hát Nam đã vận dụng. Mặc dù có sự cách tân, song nó vẫn giữ được cái chất nguyên thể của các thể loại này. Nếu xét về văn hóa phi vật thể, đây là một loại hình nghệ thuật có vai trò to lớn thuộc lĩnh vực đời sống tâm linh mang ý nghĩa thiết thực, xứng đáng là loại hình văn hóa phi vật thể tiêu biểu của xứ Quảng.

oOo

Hát Bài Chòi Quãng Nam:

 

Liên khúc Hò Khoan và Hát Bài Chòi Quảng Nam:

 

Hát Bả Trạo – Lời cầu an trên biển – Giới thiệu:

 

Bình luận về bài viết này