Lạc vào thế giới của Bơ

Phóng sự
Hoàng Thiên Nga

         Từ nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm không ngừng của các nhà khoa học lẫn nông dân nước ta, ngày càng có nhiều giống bơ quả ngon lành, hiếm quý, lạ mắt ra đời, đem lại cho người trồng bơ những khoản lợi nhuận hấp dẫn, thị trường mua bán bơ cũng ngày càng sôi động ! Thực tế cho thấy khả năng xuất khẩu bơ thu kim ngạch hàng tỉ đô la sau gạo, cà phê, sắn sẽ thành hiện thực, nếu … 

Bơ không hạt độc đáo
Bơ không hạt độc đáo

        

Chưa có tên trên “bản đồ Bơ” thế giới !

Nhiều đoạn “chợ vỉa hè” khắp Tây Nguyên trước kia chỉ bán quả bơ theo mùa, bây giờ bơ được bày bán quanh năm. Đa số du khách đến Tây Nguyên đều hào hứng thưởng thức bơ tại chỗ, rồi mua mang về. Dân nghiện bơ Sài Gòn, Hà Nội phải mua bơ ở các siêu thị, cửa hàng với nguồn cung đứt quãng, giá đắt gấp đôi.

         Quả bơ mới du nhập vào nước ta gần một thế kỷ. Bơ là loại thực phẩm quý, giàu lipit, có công dụng tích cực ngăn ngừa các bệnh tim mạch, viêm gan C, ung thư v.v… Từ 1998, Chính phủ Việt Nam bắt đầu có những chỉ đạo nghiên cứu, phát triển diện tích trồng bơ, loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nước ta- quốc gia nằm trên các vĩ tuyến tương tự Mexico- nước sản xuất bơ đứng đầu thế giới.

Thống kê của FAO, năm 2005 đã có 63 nước trên thế giới trồng bơ với tổng diện tích 417.000 ha, sản lượng hơn 3 triệu tấn quả. Tới năm 2011, trong danh sách 21 quốc gia hàng đầu về sản lượng bơ quả do FAO điểm danh, vẫn chưa có tên Việt Nam. Nhưng chắc chắn hiện nay thực tế đã khác !

Theo ông Vương Hữu Nhi, phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đắk Lắk, riêng tỉnh này, diện tích bơ đã trồng thuần và trồng xen quy thuần tới tháng 6/2016 ước trên 20.000 ha. Trong đó hơn 8.000 ha bơ trên 5 năm tuổi đã cho thu hoạch. Mỗi ha trồng được 300 cây bơ, tính bình quân mỗi cây cho 1 tạ quả, sản lượng bơ năm 2016 của Đắk Lắk đã lên tới 300.000 tấn.

 

Viện duy nhất nghiên cứu về Bơ

Được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ nghiên cứu về bơ, hơn 2 thập kỷ qua Viện nghiên cứu Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (tên viết tắt là Wasi) đã đạt được nhiều thành công đáng kể.

Wasi đã giúp tỉnh Đắk Lắk- nơi Wasi đứng chân, chọn các giống bơ mới, xác lập cây đầu dòng, nhập những giống bơ thương mại của Mỹ, Úc về xây dựng tập đoàn giống, hướng dẫn cách bảo quản bơ tươi được hàng tháng sau thu hoạch. Từ 2011-2015 Bộ NN&PTNT giao Wasi nghiên cứu tạo thêm nhiều giống bơ đạt chuẩn chất lượng thế giới cho các tỉnh Tây Nguyên và Đồng Nai, Long Khánh.

Riêng bộ sưu tập của Wasi hiện có 83 giống bơ , gồm 43 giống thương mại nhập về từ 4 nước Mexico, Mỹ, Úc, Cu Ba; và 40 giống bơ nội. Wasi đã bảo vệ thành công 4 giống bơ đạt chuẩn quốc gia, chất lượng vượt trội, được phép nhân giống rộng rãi, là  TA 1, TA 40, Booth7 và Reed, phù hợp với những vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Đặc điểm chung của 4 giống bơ này là độ béo cao, thịt quả mịn, hạt không lắc, trái nhỏ vừa cỡ 3-4 lạng/quả, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới. Trong khi mục tiêu của ngành bơ thế giới là nâng năng suất lên 30 tấn/ha, thì nhiều vườn bơ Booth7 trên Tây Nguyên đã vượt xa ngưỡng này !

Bơ booth 7 trong vườn thực nghiệm của Viện
Bơ booth 7 trong vườn thực nghiệm của Viện

Một trong những nguồn thu dự kiến đáng kể của đại gia Đoàn Nguyên Đức, là những trang trại bơ Booth7 mênh mông sẽ cho thu hoạch trong vài năm tới. Vì riêng từ Wasi, ông Đức đã đặt mua tới vài trăm nghìn cây giống.

 

Nông dân: rộng cửa trổ tài ! 

Trong khi các nhà khoa học chú tâm tạo ra những giống bơ đáp ứng đủ các tiêu chí xuất khẩu, thì hàng trăm nông dân và chủ trang trại cũng tìm kiếm, săn lùng, tự lai ghép tạo ra vô số  giống bơ ngon, lạ, độc đáo.

Các vườn bơ ngon có tiếng trên khắp Tây Nguyên thường được thương lái săn lùng, đặt mua tận gốc, chuyển lên xe hoặc máy bay ra khỏi tỉnh, không đủ cung ứng cho thị trường nội địa. Từ đầu năm 2016, chủ một đại lý trái cây ở tận tỉnh Thanh Hóa đã nhanh tay ký hợp đồng xin được mua gom trọn năm toàn bộ bơ quả có dán tem bảo đảm chất lượng “BXM”, tức Bơ Xuân Mười, quả lớn, vỏ xanh bóng, bình quân mỗi trái nặng 7-8 lạng ở ngoại thành Buôn Ma Thuột.

Chủ các trang trại bơ Thùy Vân ở huyện Đắk Mil tỉnh Đắk Nông, và trang trại bơ Tiến Đạt ở Di Linh- Lâm Đồng đã thân chinh sang tận Mỹ, Úc để đem giống bơ Hass Kim cương vỏ sần, da chín ngả sang màu đen, là loại bơ quả đắt nhất thế giới về trồng thành công trên đất Tây Nguyên,  đến nay mới đủ để tặng bạn, biếu sếp. Trong khi loại bơ này nhập từ Mỹ, đóng hộp 2-3 trái trên các kệ trái cây sang chảnh ở TP. Hồ Chí Minh, giá tùy mùa từ 200 đến hơn 300 nghìn đồng một ký.

Bơ Hass trong vườn Thùy Vân
Bơ Hass trong vườn Thùy Vân

Nhiều bạn trẻ vừa làm quen với nghề mua bán bơ qua facebook, Zalo gần đây đã khám phá không ít nhà vườn có những giống bơ mới lạ : bơ “khủng” tới 1,8 ký/ quả, bơ thông thường thịt quả màu ngà đến xanh, bây giờ lại có bơ ruột vàng, ruột đỏ, bơ hình quả lê, bơ cong như lưỡi liềm. Rồi bơ không hạt dài như quả dưa, có giống to bằng cái cán dao, cũng có giống quả ti tí chỉ nhỉnh hơn ngón tay chút xíu, có thể lột vỏ cầm cắn từng miếng béo mềm, ngọt nhẹ như … ăn chuối.

Giống bơ xanh trái hình giọt nước
Giống bơ xanh trái hình giọt nước
Lại còn có loại bơ không hạt tí hon
Lại còn có loại bơ không hạt tí hon
Bơ không hạt có thể lột vỏ ăn ngay
Bơ không hạt có thể lột vỏ ăn ngay
Bơ không hạt độc đáo
Bơ không hạt độc đáo
Một cành bơ không hạt trĩu trái
Một cành bơ không hạt trĩu trái
Quả bơ khủng nặng 1800gr
Quả bơ khủng nặng 1800gr

Trong khi các giống bơ ngộ nghĩnh chủ yếu đáp ứng thú chơi quả lạ của người tiêu dùng, thì giống bơ mang tên Booth7 quả tròn như trái cam, vỏ dày, mấy năm trước đây ít ai để ý, bây giờ ngày càng cao giá, vì dân sành ăn đã nhận ra bơ này tuyệt hảo, và chính cái lớp vỏ dày lâu chín lại là điều kiện bảo quản trái bơ tự nhiên được khá lâu. Thịt dày, cơm chắc, độ béo cao, ngoài cách xay nhuyễn với đường sữa làm món tráng miệng, bơ Booth7 còn tiện chế biến thành nhiều món hấp dẫn khác như salat bơ, kem bơ, thạch bơ, bơ nướng trứng, bơ chiên giòn v.v…

Bơ Booth 7 rất sai quả trên đất Tây Nguyên
Bơ Booth 7 rất sai quả trên đất Tây Nguyên

Ông Phạm Quang Mười, trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Mgar trồng được 400 cây Booth7 ngoài rẫy rộng gần 3 hecta, cách nhà hơn 5 cây số. Mùa hoa năm 2015, thương lái vào tận vườn nhìn hoa trả giá đổ đồng 60.000đ/ký , rồi nhận trách nhiệm trông giữ vườn bơ luôn cho tới khi thu hái từ đầu tháng 9, tới giữa tháng 10 mới xong, được 20 tấn, cân tới đâu trả tiền tới đó, đưa ông Mười đủ một tỉ hai.

Một “đại gia bơ” khác, là ông Nguyễn Hơn, nguyên chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đạt Hiếu, ở thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Buk. Đại gia đình ông đã mua 3000 bầu cây giống chuẩn của Wasi, trồng 10 ha, chăm sóc đơn giản, chi phí ít, mà năm ngoái thu mùa đầu được hơn 30 tấn. Thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng vào mua hết, tổng thu được gần 3 tỉ. Ông nói : Năm nay bơ mất mùa vì trận mưa đá hồi tháng 2, nhưng vườn nào bơ trổ hoa muộn thì sai trái, có cây cho tới 4-5 tạ quả .

 

Rào cản vô hình

Sau 10 năm xây dựng thành công thương hiệu Dakado (ghép từ chữ Đắk Lắk và Avocado) cho trái bơ đặc sản của tỉnh, công ty TNHH Thu Nhơn tại Buôn Ma Thuột mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn một nghìn tấn bơ tươi đạt chuẩn đạt chuẩn VietGAP.

Xác định tiềm năng thị trường còn rất lớn, các nước xuất khẩu bơ hàng đầu thế giới hiện đều ở Châu Mỹ. Gần vùng bơ Đắk Lắk có nhiều nước Châu Á đang có nhu cầu lớn về nhập khẩu bơ, nên công ty Thu Nhơn – Dakado đã đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến cơm bơ nguyên chất, xây các kho lạnh tại vùng nguyên liệu để thu mua, lưu trữ bơ tươi. Ngoài các siêu thị và chợ truyền thống trong nước, công ty đã xuất khẩu bơ tươi đến Campuchia, Trung Quốc và chuẩn bị xuất khẩu bơ đến các thị trường xa hơn như Nhật Bản, Canada, Singapore… Tuy nhiên, với sản lượng bơ tươi không ngừng tăng, tình trạng được mùa mất giá có thể xảy ra, việc chế biến quả bơ ra các thành phẩm đắt giá dùng trong công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm là điều cấp thiết.

Bà Phạm Thị Thanh Trinh, Giám đốc điều hành Liên Minh Dakado, đại diện công ty Thu Nhơn cho biết trong năm 2015 công ty đã trình lên các cấp ngành liên quan dự án “Nhà máy sản xuất tinh dầu quả Bơ DAKADO” vốn đầu tư 1 triệu USD. Dự kiến mỗi năm Nhà máy sẽ tiêu thụ 10.000 tấn bơ để sản xuất tinh dầu bơ và tiêu thụ cho thị trường bơ trái, tạo thu nhập ổn định cho 1.000 hộ liên kết. Lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ, ngân hàng đã đồng ý cho vay vốn, Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia họp ngày 19/8/2016 mới đây tại Đắk Lắk cũng đánh giá cao dự án, nhưng công ty cố gắng tiếp cận mãi vẫn chưa được nhà chức trách tạo điều kiện về vị trí đất đặt nhà máy cho phù hợp, nên tới nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

Ts Hoàng Mạnh Cường giữa hàng bơ Booth
Ts Hoàng Mạnh Cường giữa hàng bơ Booth

Theo tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường- trưởng Bộ môn Lâm nghiệp và Cây ăn quả của Wasi, bơ là cây có lợi thế để phát triển, sản phẩm mới dưới dạng ăn tươi như hiện nay vẫn chưa đủ để tiêu thụ nội địa. Trong khi diện tích bơ chủ yếu trồng xen, che bóng cho cà phê bước vào thời kỳ thu hoạch ngày càng lớn, đã có quy mô hàng hóa, nếu phát triển mạnh công nghệ chế biến, bảo quản như chiết xuất dầu bơ, bột bơ, xuất khẩu bơ quả tươi… thì việc bơ được góp tên vào danh sách những loại cây trồng đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ đô la cho đất nước là điều hoàn toàn có thể.

H.T.N

 

9 bình luận về “Lạc vào thế giới của Bơ

  1. Cảm ơn chị Thiên Nga đã thực hiện phóng sự.

    Em thích ăn bơ lắm, đặc biệt là bơ Daklak. VN cần phát triển nhanh và mạnh thị trường bơ trong nước.

    Va tìm cách bảo quản xuất khẩu. Bơ ở châu Âu nhập khẩu chủ yếu ở Nam Mỹ rất đắt và ăn rất chán

    Thích

  2. Có thể từ năm tới sản lượng bơ Đắk Lắk sẽ tăng vọt thêm hàng trăm nghìn tấn, có để xuất khẩu rồi em Đào Thu Hằng, Phạm Thu Hương. Năm nay bơ chưa đủ cho thị trường trong nước 🙂

    Đã thích bởi 1 người

  3. mình hiện đang làm việc cho công ty Hàn Quốc. Công ty mình đang muốn xuất khẩu bơ sang thị trường Hàn Quốc vì ở Hq đang bán giống bơ Peru và mexico, không có bơ VN. Mình muốn đưa bơ VN sang bán tại thị trường HQ. Mong được giúp đỡ!!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s