Nơi cửa sông đã mất
TT – Chính xác hơn là cả dòng Ba Thắc (Bassac) dài rộng, “lội không tới bờ, lặn không tới đáy” như ký ức của nhiều kỳ lão ở miệt đồng bằng sông nước Cửu Long, giờ đã biến đi đâu?
![]() |
Bản đồ Sóc Trăng năm 1891 rõ ràng với cửa Ba Thắc ra Biển Đông |
Cửu Long chín cửa sông, nay đã mất một. Ba Thắc đâu rồi? Để có câu trả lời, chúng tôi tìm tới UBND xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nơi cửa sông Ba Thắc từng tồn tại trong một thời gian dài.
Cửa sông Ba Thắc: chỉ còn trong ký ức
Trải tấm bản đồ địa giới xã lên mặt bàn, chỉ vào khu vực cửa sông Cồn Tròn hiện hữu, ông Nguyễn Chí Dũng – chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam – diễn giải: “Có lẽ cửa sông Ba Thắc ngày trước là đây, nhưng khi ấy cồn Tròn, cồn Khỉ chưa nổi lên chia tách dòng chảy”.
Vậy còn cả một dòng Ba Thắc dài rộng giờ ở đâu? Chúng tôi thắc mắc.
“Hậu duệ” của sông Ba Thắc giờ là sông Cồn Tròn, nhưng ngày trước con sông này sâu và rộng hơn gấp nhiều lần. Bởi trước đây phân lưu đầu nguồn của sông trổ lên tới vàm Đại Ngãi, phía đầu Cù Lao Dung.
Do biến đổi dòng chảy, một số cồn cát hình thành khiến nguồn nước cung cấp cho sông không còn mạnh mẽ, dòng sông không đủ năng lượng để vùng vẫy đẩy phù sa ra biển, nên cửa sông bị bồi lắng nhanh và hình thành nhiều cồn bãi như hiện nay” – ông Dũng nói.
Ông Trần Hữu Phương, cán bộ xã An Thạnh Trung, người sinh ra và lớn lên ở địa phương này, góp thêm:
“Má tôi kể cách đây 60 – 70 năm hồi bà còn trẻ, chỗ chúng ta đang ngồi đây (trụ sở UBND xã An Thạnh Nam – PV) là biển. Bây giờ đất bồi xa ra hàng cây số. Có lẽ sự bồi đắp ở đuôi cù lao Dung khiến cửa sông Ba Thắc bị bít lại dần rồi người ta quên luôn sự tồn tại của nó”.
Nói vậy nhưng ông Dũng, ông Phương đều khiêm tốn bảo ở địa phương vẫn còn nhiều bậc cao niên am hiểu hơn mình và hướng dẫn chúng tôi đến gặp ông Hai Nhăm (64 tuổi), ở ấp Võ Thành Văn (xã An Thạnh Nam).
Nghe hỏi chuyện xưa, ông Hai Nhăm hồ hởi rủ thêm một người bạn đồng niên lấy ghe máy đưa chúng tôi ra thị sát cửa sông Cồn Tròn.
Suốt mấy chục năm gắn bó với vùng đất này, ông Hai Nhăm đã chứng kiến bao sự đổi thay thiên tạo. Từng vạt rừng, từng bãi bồi, từng phân lưu của sông Ba Thắc xưa – sông Cồn Tròn nay dài rộng ra sao, hình thành từ lúc nào ông Hai Nhăm đều biết tận tường.
“Nơi cửa Ba Thắc ngày trước, từ những năm đầu thập niên 1960 cồn Nổi bắt đầu nhô lên, dân ở đây quen gọi là đảo Khỉ (vì không có người sinh sống, chỉ mênh mông là bần xanh ngắt, khỉ về ở rất nhiều).
Cồn nổi ngày càng rộng ra, giờ đã thành rừng bần phòng hộ, mỗi năm người ta trồng thêm hàng ngàn cây bần để giữ đất, lấn biển làm mất dấu luôn cửa Ba Thắc” – ông Hai Nhăm kể.
Ông cũng nhớ rành rọt con sông Cồn Tròn ngày trước rộng tới vài trăm thước, giờ chỉ còn chừng năm bảy chục thước.
Cầu Cồn Tròn xây cách đây mới hơn bảy năm, vậy mà giờ trở nên dài ngoẵng, ngỡ như người ta xây cầu trên bờ bởi tốc độ bồi lắng, thu hẹp lòng sông diễn ra quá nhanh, ghe tàu không rành luồng lạch thường mắc cạn.
“Có lẽ không bao lâu nữa sông Cồn Tròn cũng sẽ biến mất luôn” – ông Hai tiên đoán.
![]() |
Nay cái tên Ba Thắc đã biến mất trên bản đồ – Ảnh: Cao Thành Long sưu tầm |
Đẩy lùi biển mặn
Ngược thời gian khi chưa có bờ bao ngăn nước mặn, ở cuối Cù Lao Dung dân cư vẫn còn thưa thớt lắm.
Ông Tư Lâm, một trong số ít người đã đưa vợ con về đây lập nghiệp, kể rằng hồi đó muốn trồng lúa phải vượt sông Trần Đề qua xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề) mướn đất gieo mạ, tới tháng 7 âm lịch mới nhổ đem về ruộng mình cấy.
“Lúa là lúa mùa sáu tháng, làm chỉ được 7 – 8 giạ (mỗi giạ khoảng 20kg)/công (1.000m2), đủ ăn qua mùa là may. Bí bầu, rau quả cũng tự trồng trong mùa mưa, cá cua thì nhiều chứ thịt heo hiếm lắm vì mỗi lần đi chợ phải ngồi đò dọc lên tuốt chợ huyện Trà Cú của tỉnh Trà Vinh, đi về mất cả ngày.
Ngán nhất là việc nấu cơm, vì nấu bằng nước mặn nên ăn cơm có “ba tầng”: tầng sống, tầng chín, tầng khét, trước khi ăn phải nhai cục muối để làm quen với cái mặn” – ông Tư Lâm nhớ lại thời gian khó chưa xa.
Khi huyện Cù Lao Dung thành lập (năm 2002) đã đẩy mạnh việc trồng rừng lấn biển, đắp đập be bờ, rồi làm cống để ngăn mặn, dẫn ngọt, cuộc sống người dân ở cuối đất cù lao phất lên nhanh.
Lúa sạ trực tiếp mà không cần gieo mạ từ nơi khác mang về cấy, năng suất tăng gấp năm, bảy lần. Đất cũ đãi người mới. Năm 2010 đường lộ qua các ấp, các xã được trải bêtông, đi lại thuận lợi, xe máy chạy vù vù từ đầu tới cuối cù lao.
Cuộc sống đi lên vui gì bằng, nhưng ông Hai Nhăm nói điều ông tự hào nhất là tình làng nghĩa xóm vẫn giữ trọn như thủa ban đầu đi khai hoang.
“Tuy cách trở đò giang, nhưng những ai có dịp đến đất Cù Lao Dung rồi mới hay hiếm có xứ nào hiền lành và mến khách như ở đây” – ông Hai Nhăm nói.
Mà thật vậy, ở xứ cù lao này mỗi khi có việc hiếu hỉ, tang ma, cất sửa nhà nhà ở…, gia chủ chưa kịp “hô” đã có bà con chòm xóm tới phụ mỗi người một tay. Nuôi con gà, con chó chẳng bao giờ mất, thậm chí vắng nhà cả buổi cũng không cần phải đóng cửa vì chẳng ai trộm của ai thứ gì.
Rồi những khi có bà con ở quê lên chơi vài ba bữa, không đủ bàn ghế, chén đũa để tiếp đãi, liền chạy ù qua hàng xóm mượn tạm; tới đêm mấy đứa con gái, con trai mới lớn trong nhà lại sang bên cô ba, chú bảy trong xóm “ngủ ké” với đám bạn trang lứa, nhường chỗ ngủ ở nhà mình cho khách!
Có lẽ sống giữa bốn bề sông nước nên tính cách con người nơi cù lao cũng chơn chất, hào sảng đến vậy. Tình cờ gặp ông Út Tùng (40 tuổi), nhà ở Kênh Ba (huyện Trần Đề) qua đây mướn đất trồng mía gần chục năm nay.
Mới hỏi thăm vài câu, ông đã nhiệt tình mời về căn nhà tạm ở mé sông ăn bữa cơm canh chua cá ngát nấu với trái bần.
“Nơi này thưa thớt nhà cửa, nhiều lúc cũng thấy buồn, nhưng bù lại 6 công đất mướn mỗi năm làm một vụ mía, trừ hết chi phí lời 12 – 15 triệu đồng, cũng đủ sống và lo cho mẹ cha.
Sống đâu quen đó, tui cũng không muốn dời đổi đi đâu, bởi chỗ này yên bình, khỏe người ra. Ít tiền nhưng sống vui, sống khỏe là được” – ông Út Tùng tâm sự.
Khắp Cù Lao Dung hầu như nơi nào cũng thấy mía. Người dân nơi này sống chủ yếu nhờ cây mía. Mía được trồng từ tháng 4 năm này tới tháng giêng, tháng 2 năm sau thì thu hoạch, năng suất độ chừng 150 tấn/ha, trừ chi phí, nông dân kiếm lời 25 – 30 triệu đồng/ha.
Trước đây lời nhiều hơn do giá mía cao, tuy nhiên vụ mía vừa rồi có lúc sụt xuống chỉ còn 500 – 700 đồng/kg, chặt tại vườn, thấp bằng nửa những năm trước nên có nhà không muốn bán, nhưng ngại bỏ công chăm sóc nên thoạt nhìn tưởng như rẫy mía bỏ hoang.
Dọc dài cù lao đã có người cắn răng đoạn tình với mía, loại cây mật ngọt đã nuôi sống gia đình bấy lâu nay để chuyển sang đào vuông nuôi tôm sú, tôm thẻ.
Đêm Cù Lao Dung đến sớm bởi huyện lỵ chỉ gói gọn trong mấy đoạn đường, đi một chút là hết. Quán xá cũng chỉ vài chỗ cà phê, bún phở, 9g tối nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ. Nhưng cuộc sống nhờ vậy mà thanh thản, yên bình.
__________
Kỳ tới: Ba Lai – chia hai mặn ngọt
VẬT ĐỔI SAO DỜI NƠI CỬA SÔNG – KỲ 2:
Ba Lai – chia hai mặn ngọt
TT – Sông Ba Lai chảy qua bốn huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre), tổng chiều dài khoảng 55km.
![]() |
Những con rạch phía ngoài cống đập Ba Lai thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri thường xuyên cạn kiệt do bồi lắng nhanh – Ảnh: Ngọc Tài |
>> Kỳ 1: Nơi cửa sông đã mất
Hơn mười năm trước, người ta đã xây cống đập Ba Lai chắn ngang dòng sông. Từ đấy cuộc sống của người dân bắt đầu thay đổi…
Đổi khác một vùng rừng ngập mặn
Những năm đầu thập niên 1970, hạ nguồn sông Ba Lai là ranh giới của hai huyện, hữu ngạn là huyện Bình Đại, tả ngạn là huyện Ba Tri. Tuy chỉ ngăn cách một con sông nhưng thổ nhưỡng lại hoàn toàn khác.
Phía bờ huyện Ba Tri là những cánh đồng trù phú, mênh mông một dãy. Người dân chủ yếu tận dụng nguồn nước biển làm muối. Phía bên kia sông thuộc huyện Bình Đại lại là những vạt rừng ngập mặn xanh ngắt.
Nhà báo Hàn Vĩnh Nguyên (Bến Tre) từng có hai năm “nằm vùng” tại rừng ngập mặn thuộc bốn xã Bình Đại, Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức (huyện Bình Đại) kể trước đây vùng đất này trời ban tôm cá “nhiều như nước sông”.
Chỉ cần ra các con tắc (kênh rạch nhỏ) chờ nước rút lội xuống mò một chút là cá, cua đủ cho cả xóm ăn! “Có lần đi công tác với anh Thanh Liêm khi ấy là chánh văn phòng Huyện ủy Bình Đại, thấy nước cạn anh em rủ nhau giăng lưới.
Mới thả một tay lưới chừng hơn chục thước, quay lại gỡ cá mỏi tay vẫn chưa hết. Thế là cả cơ quan có một bữa cá đuối no nê” – ông Nguyên nhớ lại.
Bây giờ những vạt rừng trong ký ức của nhà báo Vĩnh Nguyên đã thành những vườn dừa, vuông tôm thẳng tắp. Cuộc khai khẩn bắt đầu mạnh mẽ từ sau khi đập Ba Lai hình thành (năm 2002).
Công trình nằm sừng sững, uy nghiêm hiện hữu đã hơn một thập niên qua chứng kiến bao đổi khác của mảnh đất cù lao An Hóa và cù lao Bảo.
Dòng nước cuộn tròn phù sa hay những lượt ghe tàu chở sản phẩm nhà vườn tấp nập nối đuôi nhau vào ra cửa Ba Lai ngày nào giờ chỉ còn là ký ức của nhiều người dân sinh sống hai bên bờ sông này. Thay vào đó, sông Ba Lai giờ trôi yên ả, hiền hòa như chính con người nơi đây.
Ông Hà Văn Vĩ (Hai Vĩ, 82 tuổi), ngụ xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại) chìa đôi bàn tay sần sùi và đôi bàn chân vàng ngoét cả 10 ngón, miên man kể về sự đổi khác của một vùng quê:
“Cảnh vật bây giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi. Hồi trước cây mắm mọc khắp nơi. Bước chân ra khỏi nhà là phải đùm cơm và muối hột theo để khi nào đói thì ăn chớ quay về coi như mất nửa buổi. Ngày đi khai hoang tối về dụm lửa nấu cơm, gian khó kể sao cho hết” – ông Hai Vĩ nhớ lại.
Rồi cũng như bao nông dân khác trong vùng, ông Hai Vĩ đào ao, lên liếp để sáu tháng mùa khô nước mặn theo cửa Ba Lai lấn sâu vô ông nuôi cua biển, thả tôm thiên nhiên.
Sáu tháng mùa mưa, nước ngọt từ thượng nguồn sông Ba Lai về nhiều, đẩy lùi nước mặn thì ông trồng bầu, bí, rau màu các loại. Chịu khó chuyển đổi thời vụ nuôi trồng theo tự nhiên gia đình ông cũng đủ ăn, đủ xài. Cho tới ngày con đập Ba Lai hình thành…
“Người dân chúng tôi thật sự được giải cơn khát ngọt! Từ sáu tháng mặn giờ chỉ còn 1-2 tháng (vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, khi nước mặn men theo kênh nhánh từ sông Hàm Luông thông qua), nên không còn phải nặng lo cảnh thiếu nước sinh hoạt. Việc trồng trọt có thể diễn ra liên tục, sướng bụng lắm” – ông Hai Vĩ khoe.
Chưa hết, nước ngọt về nhiều, vườn dừa của ông trở nên sung mãn đến lạ. Rồi như để chứng minh, ông Hai Vĩ dẫn chúng tôi ra sau vườn, gọi người cháu dùng móc “giật” mấy quả xuống đãi khách.
“Dừa khô lên giá, chủ vườn lên đời. Nhờ trúng mùa, trúng giá mà không ít gia đình đã có nhà cửa tươm tất, lo cho con cái học hành đàng hoàng” – ông Hai Vĩ khoe.
![]() |
Cống đập Ba Lai – Ảnh: Ngọc Tài |
Cơn khát mặn – ngọt
Dù đập Ba Lai đã và đang mang lại lợi ích cho số đông người dân, nhưng nó cũng sinh ra một cơn “khát mặn” âm ỉ trong nhiều năm qua.
Dạo giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tăng theo chiều thẳng đứng, có khi năm sau cao gấp đôi năm trước, nhiều nông dân như “ngồi trên đống lửa”, chỉ muốn phá hết vườn tược, đào ao nuôi tôm.
Thực tế cho thấy chỉ một vài năm trước đây thôi, bất chấp “lệnh cấm” nuôi thủy hải sản nước mặn trong vùng ngọt hóa, người dân vẫn đào hàng ngàn ao với tổng diện tích hơn 1.000ha để nuôi tôm.
Đi liền theo đó, người ta cũng âm thầm khoan trái phép hàng ngàn cây nước để lấy nguồn nước mặn phục vụ nuôi trồng. Rồi cơ quan chức năng siết việc nuôi trồng theo quy hoạch.
Khắp các làng quê của ba huyện về Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm (Bến Tre), đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán, lo lắng vì thời hạn Nhà nước cấm nuôi tôm đang đến gần trong khi lợi nhuận từ con tôm vẫn như một giấc mơ đổi đời với nhiều nhà vườn.
Có người còn ví von rằng ba đời trồng dừa không bằng một vụ tôm trúng giá.
Thế rồi do phát triển “nóng” quá, không riêng gì người dân nuôi tôm ở Bến Tre đã phải nếm trái đắng vì giá tôm lên xuống thất thường, dịch bệnh phát sinh ngoài tầm kiểm soát.
Từ chỗ phất lên làm giàu như diều căng gió, nhiều chủ vuông thở dài thườn thượt: Nuôi tiếp không được mà lấp ao cũng chẳng xong, vì hễ dấn vô nuôi thì sợ lỗ, sợ phạt mà lấp ao thì không đủ tiền.
Việc chuyển đổi kinh tế từ mặn sang ngọt xem ra trở thành bài toán khó giải. Ông Lê Văn Em, đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre, tặc lưỡi chia sẻ:
“Giờ mười người nuôi chỉ có hai người lời, ba huề và năm người lỗ đứt đường. Hồi trước chính quyền các cấp ra sức cản ngăn nhưng người dân bất chấp, giờ họ mới hiểu”.
Chưa hết, do hiện tượng bồi lắng nhanh làm cản dòng chảy nên tình trạng thiếu nước ngọt đang có dấu hiệu tái phát, nhất là khu vực phía dưới đập Ba Lai. Hơn 20.000 đồng/m3 nước ngọt là số tiền mà hàng trăm hộ dân của xã Tân Xuân và Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) nhiều khi phải gồng gánh giờ tiếp diễn trở lại.
“Từng gáo nước ngọt đều được tính bằng tiền nên định kỳ mỗi tháng hai bận (giữa và cuối tháng), đập Ba Lai xả nước ngọt là người dân khát ngọt phía hạ nguồn vui như tết vì được tắm gội thoải mái” – ông Ba Độ, ngụ xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, cho biết.
Rồi ông Độ đưa chúng tôi ra sau nhà, chỉ vào một đoạn kênh gần đập Ba Lai, nói:
“Từ ngày đập Ba Lai hình thành, con kênh này cũng thường kiệt nước hơn vì tốc độ bồi lắng rất dữ. Nhớ lúc chưa có đập, chỉ cần lội ra chừng chục thước là nước lút đầu. Bây giờ cũng lút đầu nhưng không phải nước mà là sình nhão”.
Thời thế là vậy nhưng ông Ba Độ tỏ ra an nhiên: “Tùy cơ ứng biến thôi, đất bồi thì người ta nuôi sò. Ngó vậy mà tiền không đó…”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều hạng mục khác vẫn chưa hoàn thiện, có thời điểm nước mặn vẫn theo một số kênh nhánh thông với sông Mỹ Tho và sông Hàm Luông đi vào sông Ba Lai, rồi ngược ra phía biển nên Ba Lai bị nhiễm mặn. |
__________
Kỳ tới: Đổi đời ở cửa Trần Đề
VẬT ĐỔI SAO DỜI NƠI CỬA SÔNG – KỲ 3:
Đổi đời ở cửa Trần Đề
TT – Khi chưa có cảng, Trần Đề là xóm ngụ cư của những gia đình làm nghề đóng đáy và nghề lưới, phần đông là hộ nghèo nhưng bậy giờ thì đã đổi khác,
![]() |
Một góc khu thị tứ bên cảng cá Trần Đề – Ảnh: Tấn Đức |
Ông Trần Văn Niên, cựu trưởng ban nhân dân tự quản ấp Cảng (thị trấn Trần Đề), nhớ lại: “Hồi trước, khi chưa có cảng, nơi đây là xóm ngụ cư của những gia đình làm nghề đóng đáy và nghề lưới, phần đông là hộ nghèo, làm ăn nhỏ lẻ, chưa có phương tiện công suất lớn để ra khơi xa.
Nhưng bây giờ thì đã đổi khác, nhiều ngư dân trong tay có cả chục chiếc tàu, làm ăn khấm khá, cất được nhà lầu ba, bốn tầng”.
Đó là những gì đang diễn ra ở cảng cá Trần Đề, một điểm sáng nghề biển ở bờ nam cửa sông Trần Đề (huyện Trần Đề, Sóc Trăng).
Từ cửa Trần Đề đến cảng Trần Đề
8g sáng, chợ Kinh Ba hiện ra không khác gì một thị tứ sầm uất miệt biển, với những căn nhà rộng, dài, cao ba, bốn tầng. Dãy ghe thuyền, ken chật khúc sông từ cầu Kinh Ba (đường Nam Sông Hậu) ra tới cửa sông Trần Đề từ tối hôm trước, đã nổ máy ra khơi tự lúc nào.
Khu vực quanh cảng cá chỉ còn khoảng ba, bốn chục chiếc ghe neo đậu cách xa nhau, có cả ghe đánh bắt cá cơm, giàn đèn công suất lớn của ngư dân Bình Thuận cùng những chiếc thuyền thúng úp sụp hai bên.
Vài phụ nữ đội nón lá cắm cúi trở bề cá khô trên giàn, vài người nữa mời khách qua đường mua mấy món hàng khô của họ bày bán gần đó. Cuộc sống êm trôi, nhường lại nhọc nhằn bão tố cho những người đàn ông đang lu bù với lưới với ghe ngoài biển xa.
Theo dòng hồi tưởng của ông Ba Thành – chủ đội tàu đánh bắt xa bờ ở ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, hơn chục năm trước nhà cửa ở đây còn thưa lắm. Để gầy dựng khu thị tứ này, Nhà nước đã tiến hành cấp đất cho ngư dân.
Các chủ ghe, tàu đi biển được cấp mé trước, ven bờ Kinh Ba để tiện cho việc vận chuyển sản phẩm. Phần đất liền kề theo phía sau được cấp cho ngư phủ, chuyên làm công ăn chia sản phẩm với chủ ghe.
Vậy là khu dân cư miệt biển của ngư dân tứ xứ đổ về bám biển mưu sinh nhanh chóng định hình.
Rồi nghiệp đoàn đánh bắt hải sản – tổ chức nghề nghiệp của ngư dân – cũng ra đời. “Tiếng nói” của người đi biển không còn đơn lẻ nữa. Con cá, con tôm không lo bị ép giá. Dân mới đi ghe chưa có mối mang, đã có nghiệp đoàn hỗ trợ. Những ngư phủ bán sức lao động trên những ghe tàu có nơi tập trung để dễ bề thuê mướn…
“Trước đây người dân đi đánh bắt về nhà nào đậu ở phía sau nhà đó, vậy nên chuyện mua bán cũng tự bắt mối, tự định giá, “tự xử”. Còn bây giờ ghe vô chưa tới bờ đã gọi điện khắp nơi, giá cả, mối mang đã có sẵn hết trơn, thuận mua vừa bán. Khỏe ru” – một chủ ghe vừa tấp vào cảng để lên hàng phấn khởi cho hay.
Đổi thay trong cung cách mua bán là bước khởi đầu cho những cuộc làm ăn lớn. Tại ấp Cảng, có những chủ tàu đã dám đầu tư hàng chục tỉ đồng để đóng mới đội tàu 20 – 30 chiếc, toàn công suất lớn để ra xa bờ hơn.
Kèm theo đó là các dịch vụ hậu cần: thu mua sản phẩm, cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm tận ngư trường để giảm chi phí đi lại, kéo dài thời gian khai thác trên biển cho ngư dân.
Lớp chủ tàu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba cũng khó mà đếm xuể. Như gia đình anh Nguyễn Văn Na đi biển cha truyền con nối, đến nay anh đã sắm sửa được hai ghe đánh bắt xa bờ trị giá hơn 4 tỉ đồng, bỏ lại sau lưng cái thời đi ghe lưới quàng, đánh bắt ven bờ, năng suất chẳng bao nhiêu. “Nếu có tiền, tui sẽ tiếp tục đầu tư một cào đôi, cho bạn đi ăn chia” – anh Na cho hay.
![]() |
Từ ngư phủ, ông Nguyễn Văn Thơ đã vươn lên làm chủ hai chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ – Ảnh: Tấn Đức |
Ước mơ đời ngư phủ
Ông Năm Thơ (59 tuổi), ở ấp Cảng, nhớ lại buổi đầu khởi nghiệp cách đây hơn 30 năm, bằng việc đi bạn cho tàu cá của người bác ruột.
“Thời đó ra biển không có máy định vị, cũng không có máy tầm ngư hay điện thoại di động như bây giờ, mà chủ yếu nhờ vào kinh nghiệm, có khi đi thì khí thế, về được một nhúm cá” – ông Năm Thơ kể.
Mấy ngày đầu ông bị sóng quật tả tơi, nhưng vẫn quyết bám trụ, chứ không thì vợ con ở nhà bị đói. Thấy ông say sóng, người bác đâm lo, định trả ông về đất liền, nhưng ông kiên quyết: “Say sóng không chết được đâu, bác đừng lo, cứ cho cháu theo học nghề”.
Dần dà ông trở thành ngư phủ, rồi tài công, thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. Mỗi chuyến đi biển 2 – 3 tuần ông được chia bảy, tám trăm ngàn, có khi cả triệu đồng. Đó là số tiền rất lớn, vì lúc ấy tuy thiếu phương tiện nhưng nghề biển thường trúng đậm, cá bán cũng được giá hơn bây giờ.
Nhờ vậy, sau mười mấy năm đi bạn, ông Thơ đã tích lũy được hơn 30 lượng vàng, tách ra đóng cho riêng mình một chiếc ghe nhỏ. Rồi từ ghe chuyển lên tàu, trang thiết bị hiện đại hơn để vươn ra xa bờ.
Tích cóp dần, đến giờ trong tay ông đã có hai chiếc tàu lớn, mỗi chiếc trị giá hàng tỉ đồng, trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại, một chiếc giao cho con trai, chiếc còn lại thuê tài công, bạn lưới, ông ngồi nhà điều khiển công việc từ xa qua điện thoại di động. Khi chúng tôi đang ngồi chuyện trò, người con trai của ông từ ngoài biển gọi về thông báo tình hình.
Nghe xong ông khoe: “Nó nói ở ngoải êm lắm, trúng luồng cá, sắp đầy ghe rồi, ít bữa nữa vô”. Câu chuyện từ ngư phủ trở thành chủ tàu của ông Năm Thơ được nhiều ngư dân ở cảng Trần Đề nhắc tới với lòng ngưỡng mộ.
“Dân làm nghề biển kiêng kỵ nhất là chuyện ngay trước lúc xuất hành, ai đó vui miệng chúc chuyến đi bình an, thuyền đầy ắp cá.
Nhưng trong thâm tâm chúng tôi luôn cầu mong cho “bà cậu” độ đi mau về mau, trúng đậm vài chuyến đặng còn sắm sửa ghe tàu để được đổi đời như ông Năm Thơ” – ông Út Hồng, một ngư phủ quê ở Chợ Gạo (Tiền Giang), nói.
Đó cũng là ước ao của nhiều ngư phủ đang ngồi trên sạp tàu trong khu neo đậu, chờ chia tiền sau chuyến ra khơi.
Họ là dân tứ xứ, từ Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau tới Quảng Ngãi, Bình Định… phần lớn tuổi đời còn khá trẻ, nhưng nhiều người đã có cả chục năm gắn bó với nghề.
Theo nhiều ngư phủ, bình quân mỗi chuyến đi biển chừng 20 ngày, trừ tiền dầu, tiền ăn, tiền nước đá ướp cá, mỗi người được chủ ghe chia khoảng 7 – 8 triệu đồng.
Nếu gặp luồng cá, thời gian đi biển rút ngắn còn phân nửa, trong khi thu nhập tăng gấp đôi, gấp ba. Bởi vậy, nghề đi bạn với những niềm vui bất ngờ, đôi khi lại có hấp lực thu hút cả ngàn lao động tìm về nơi cảng cá thuộc loại lớn nhất miệt Tây Nam bộ!
Chiều muộn, chuyến đò ngang từ cù lao Dung băng qua cửa biển Trần Đề, cặp bến sát bên cảng cá, khiến thị tứ nơi cửa biển càng trở nên rộn rịp hơn.
Vùng đất một thời mang tên Kinh Ba – Bãi Giá (nơi mọc nhiều cây giá), gợi tưởng sự xa xôi, cách trở đang đổi thay từng ngày kể từ khi có cảng cá Trần Đề, có quốc lộ 91C (đường Nam Sông Hậu) thênh thang chạy qua.
Thị trấn Trần Đề hiện có gần 400 tàu khai thác hải sản, tập trung ở ấp Cảng, trong đó 263 chiếc đánh bắt xa bờ (công suất 250 CV trở lên), mỗi năm thu về khoảng 30.000 tấn sản phẩm.
“Đa số hộ gia đình sống bằng nghề biển ở đây kinh tế khá ổn định, nhưng việc đánh bắt xem ra ngày càng đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn, bởi đánh bắt theo kinh nghiệm dân gian, đánh bắt gần bờ không còn trúng như trước đây” – ông Trần Văn Niên cho hay. |
______________
Kỳ tới: Sống nơi miệng rồng
TẤN ĐỨC – YẾN TRINH
VẬT ĐỔI SAO DỜI NƠI CỬA SÔNG – KỲ CUỐI:
Biển lở nơi miệng rồng
TT – Nhiều người cho rằng Hàm Luông có tên gốc là Hàm Long. Thời nhà Nguyễn do “kỵ húy” để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua) nên gọi chệch là Luông, lâu dần thành quen.
![]() |
Những người nông dân ở bên cửa sông Hàm Luông luôn lo lắng trước nguy cơ sạt lở đất – Ảnh: Tấn Đức |
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức miêu tả vùng cửa sông này như sau:
“Sông rộng như là vực rồng, hang giao, thường có cá to, sấu lớn trồi lên hụp xuống. Nước sông thường trong, ngọt, sóng gió dập dình, có cái hứng nhìn một cái trông rõ mênh mông vạn khoảnh”. Nhưng bây giờ…
Biển lở
Bên rẫy dưa hấu vừa trồng hơn tuần, ông Đào Văn Khỏe (Út Khỏe, 43 tuổi), ấp Thạnh Thới B, nói trong âu lo: “Đang lúc nước ròng, biển lùi ra xa hàng mấy trăm thước vậy đó, nhưng khi thủy triều lên sóng biển tràn vô tuốt trong này.
Để bảo vệ 6 công đất (6.000m2) còn lại, mấy năm trước tui đã tốn cả trăm triệu đồng mướn Kobe (xe ủi đất) làm bờ bao rồi kêu xáng thổi giồng cho đất cao lên để làm rẫy.
Không biết con đê này có chịu nổi qua mùa gió chướng năm nay (thường bắt đầu vào tháng 9, kết thúc vào tháng 11 âm lịch) không nữa”.
Ông Út Khỏe cho biết đây không phải lần đầu tiên ông làm bờ bao chắn sóng. Hồi mới lấy vợ, ông Út được cha mẹ chia cho hơn 2ha đất bên cửa sông Hàm Luông.
Vài năm gần đây có khi qua một mùa gió chướng, cơ quan chức năng địa phương xuống đo đạc lại để điều chỉnh diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông thấy mất tới hơn 2 công đất.
Tiếc của, vợ chồng Út Khỏe vắt sức đào đắp bờ bao rồi trải cao su mặt ngoài để ngăn sạt lở, nhưng vẫn không kìm được nước chân “hà bá”.
Không chỉ mất đất, năm ngoái ruộng dưa của ông Út Khỏe còn chừng nửa tháng là tới ngày thu hoạch, nhưng chỉ qua một đêm dông sóng vỗ tràn bờ đánh tan tác khiến ông thiệt hại hơn 40 triệu đồng đã đầu tư.
“Chỉ mong 6 công đất rẫy còn lại sẽ trụ được thêm 3 – 4 năm nữa để tui có thể lo cho con trai đang học ở Đại học Đồng Tháp” – ông Út Khỏe buồn hiu nói.
Cạnh rẫy dưa của ông Út Khỏe, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ô cũng đang đứng ngồi không yên vì sóng biển đã vỗ về mí chân đê. “Trồng đại vậy chứ không biết có kịp ăn không nữa” – ông Ô bày tỏ âu lo khi chúng tôi hỏi rẫy đậu phộng của ông bao giờ thì nhổ.
Trong khoảng chục năm nay, ông Ô đã mất gần 1ha đất do sạt lở. Cách đây tám năm, vợ chồng ông cất nhà sâu trong bờ nhưng bây giờ biển đã lở vô gần tới.
“Nhiều đêm nằm nghe sóng vỗ ì ầm sát bên nhà ngủ không được, lại xách đèn pin ra bờ đê kiểm tra lỗ mọi. Nếu mình không phát hiện kịp thời để trám lại, sẽ bị sóng đánh rộng ra kể như mất trắng cả rẫy lẫn nhà” – ông Ô than.
Để đảm bảo an toàn, vợ chồng ông đã gửi hai đứa con nhỏ, đứa lên 7, đứa lên 9, đến nhà ngoại ở xã Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú) trạm trú. Hằng ngày một mình ông ở lại bám trụ để canh mấy công rẫy nuôi vợ con.
Đó cũng là tình trạng chung của nhiều chủ đất đang sinh sống trên cung đường ven cửa sông Hàm Luông như ông Ba Tuất, ông Bảy Thạo, ông Hai Lẹo, bà Tư Tròn, ông Út Minh… Với giá đất hiện tại khoảng 40 triệu đồng/công, tính sơ tài sản thiệt hại của mỗi gia đình đã lên tới nửa tỉ đồng.
“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ nhanh trên đoạn hơn 3km bờ biển, có nơi ăn sâu vào bờ hàng trăm mét khiến nhiều hộ dân không chỉ mất đất sản xuất mà còn mất luôn chỗ ở. Thiệt hại do thiên nhiên gây ra đã vượt ngoài khả năng đối phó của địa phương” – ông Hà Văn Doi, chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, bày tỏ lo lắng.
![]() |
Cửa Hàm Luông nhìn từ cồn Bửng – Ảnh: Tấn Đức |
Mưu sinh ở cồn Bửng
Cồn Bửng nằm kề bên ấp Thạnh Thới B, một trong những địa bàn xa xôi nhất của cù lao Minh. Mấy năm trước chưa có cầu, từ trung tâm huyện Thạnh Phú muốn đến xứ “cồn trên cồn này” phải qua phà Cầu Ván, sau đó đi đò ngang qua cồn Tra, rồi thêm một chuyến đò nữa mới ra tới cồn Bửng.
Nằm ở mé ngoài cửa sông Hàm Luông, hướng ra Biển Đông, những năm qua tình trạng sạt lở ở đây cũng không kém phần “ác liệt” nhưng nhiều gia đình vẫn kiên trì bám biển mưu sinh.
Chúng tôi đi tìm ông Hồ Văn Na (Năm Na, 61 tuổi), một trong những người đã sinh sống lâu nhất ở cồn Bửng. Đó là một người đàn ông khá đặc biệt: không biết chữ, không biết đi xe máy, và đặc biệt rất hiếm khi ra khỏi địa phương, vì như ông nói “hễ xa cồn, xa biển là tui bịnh liền”!
Hồi đó nhà ông Năm Na ở đầu cồn Bửng. Từ sau cơn bão Linda (1997), cồn Bửng bắt đầu lở mạnh. Biển đã nuốt cả một đoạn cồn dài hơn cây số, đuổi hàng chục gia đình chạy trối chết, trong đó có ông.
Sau năm lần dời nhà chạy lở trên thửa đất khai hoang, Năm Na được địa phương cấp mấy công đất phía đuôi cồn để sinh sống.
Nhận đất, vợ chồng ông cùng tám người con (được đặt tên theo từng cặp đôi cho dễ nhớ: Được – Việc, Phượng – Thắm, Nam – Quốc, Chiến – Trận) đã mất nhiều công sức bồi đắp, tôn cao con đê xung quanh không cho nước biển tràn vô, rồi ngày qua ngày bới cát nhặt hơn 100 giạ ốc viết, vỏ sò đổ đi mới trồng cây xuống được.
Ngoài thời gian chăm sóc mấy công rẫy, hễ rảnh tay cả nhà lại vác xiệp ra biển đẩy ruốc. Bắt được bao nhiêu mang ra phơi ngay trên bãi cát.
Tới mùa ruốc hội lại kéo nhau đi đẩy xiệp, rồi phơi ngay trên bãi cát ven biển. Mỗi ngày cũng kiếm được vài giạ ruốc khô, thu nhập chừng 300.000 đồng. Hết mùa rẫy, mùa ruốc, lại xoay qua nghề đóng đáy sáo.
“Đây là nghề hơi đặc biệt” – ông Năm Na cho biết. Về hình thức cũng giống như đáy hàng khơi, nhưng đáy sáo không tập trung thành hàng, thành dãy mà phân tán mỗi nơi chừng vài ba miệng.
Người chủ đáy sáo mỗi tháng chỉ thả hai đợt vào thời điểm trăng sáng nhất và tối nhất, mỗi đợt kéo dài 3-5 ngày. Đây là lúc nước rong (triều cường) dòng chảy mạnh, dễ trúng cá tôm.
Ngoài thời gian này chủ tháo miệng đáy đem về nhà cất, chỉ để lại mấy hàng cọc cho những bạn đáy “vãng lai” mượn đóng tạm. Không cam kết, hứa hẹn gì nhưng đã thành thông lệ: hễ ai thấy cọc đáy bỏ không thì cứ mang miệng đáy ra đóng, không cần hỏi han gì hết.
Tới chừng nước rong, “chính chủ” mang miệng đáy ra thả thì bạn đáy vãng lai tự động dỡ đi. Cứ vậy mà khai thác, chưa thấy xảy ra “tranh chấp chủ quyền” bao giờ.
Bởi nói như Năm Na: “Mình có hàng (đặt đáy trúng) thì phải chia sớt cho bạn đáy nghèo để họ còn có tiền mua gạo. Vậy làm nghề mới bền lâu được”.
Chiều muộn chúng tôi gặp lại gia đình ông Chín Tiền, bà Hai Giả, bà Năm Liên và nhiều ngư dân lấm lem đất cát đang trên đường về nhà sau một ngày lao động.
Người thì hớn hở với mấy con cá to đùng giăng được, người khác lại nghiêng thùng khoe mớ cua ốc nhặt trong các vũng nước đọng lại trên bãi biển.
Vài năm gần đây khi con đường ra cồn Bửng được khai thông, vào mùa khô khách du lịch các nơi rục rịch đổ về cồn Bửng để tắm biển và tham quan bãi ốc viết.
Nhà nghỉ, quán ăn đã dựng lên. Nhưng bên cạnh không gian náo nhiệt do khách phương xa tạo ra đó, nhiều ngư dân cồn Bửng vẫn lặng lẽ mưu sinh như bao năm dài vẫn vậy.
|
Xem các kỳ trước:
>> Kỳ 1: Nơi cửa sông đã mất
>> Kỳ 2: Ba Lai – chia hai mặn ngọt
>> Kỳ 3: Đổi đời ở cửa Trần Đề
>> Kỳ 4: Cửa Tiểu không còn như xưa
TẤN ĐỨC