11/08/2015 05:18
TN – Chủ trương tạo điều kiện cho người khuyết tật học hòa nhập với người không khuyết tật là mang tính nhân văn, nhưng việc nắm bắt và thực hiện chủ trương này vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập khiến không ít người học chịu áp lực và thiệt thòi.
Chuyên gia Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TP.HCM tham gia đánh giá, chẩn đoán học sinh học hòa nhập – Ảnh: Như Lịch
|
“Nếu tôi không can đảm…”
Theo Quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật của Bộ GD-ĐT, tất cả các trường đều phải có trách nhiệm tiếp nhận người khuyết tật trên địa bàn và hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Theo đó, một trong những nhiệm vụ của các trường là “sắp xếp người khuyết tật vào các lớp học phù hợp và giáo dục học sinh lòng yêu thương, giúp đỡ người khuyết tật”…
Thế nhưng trên thực tế, không phải cơ sở giáo dục nào cũng tạo điều kiện ngay từ đầu và thực hiện theo đúng tinh thần quy định trên.
Ông H. (ngụ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có đứa con bị rối loạn ngôn ngữ và hành vi, năm nay chuẩn bị lên lớp 3. Ông H. tự hào khoe: “Con tôi bây giờ học toán rất giỏi và có sự tiến bộ, được nhiều thầy cô khen ngợi”. Có điều, ông ngậm ngùi thổ lộ: “Nếu bản thân tôi không can đảm, kiên trì, chịu khó và nhất là có niềm tin mãnh liệt vào khả năng của con mình, thì nay không biết con tôi sẽ đi về đâu”.
Cách đây 2 năm, ông đăng ký cho con học trường hòa nhập gần nhà. Thế nhưng, một số người làm trong ngành giáo dục đã “tư vấn” cho ông rằng: “Cháu nó bị bệnh vậy, anh nên cho cháu học trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật”. Ông H. cho biết đã cho con học trường chuyên biệt gần 3 năm đồng thời đưa ra giấy chứng nhận của nhà trường về khả năng hòa nhập của đứa trẻ nhưng họ vẫn không mấy tin tưởng…
“Do ngôi trường tôi định xin cho con vào học là trường điểm nên lúc đầu người ta cũng ngại những đứa trẻ này có thể làm ảnh hưởng đến kết quả chung. Chính vì vậy, tôi phải làm tờ đơn chứng minh con mình có năng lực hòa nhập cộng đồng và cam kết con học được”, ông H. kể. Ngay sau đó, ông nỗ lực hết sức để kèm cặp con và cho con học thêm cấp tốc 2 tháng hè trước khi đứa trẻ vào lớp 1. Gia đình ông dự định, nếu cháu không đáp ứng được yêu cầu của nhà trường thì đành phải đưa trở lại trường chuyên biệt. Cũng may, cháu bé dần dần bắt nhịp được chương trình học…
Săn… trường cho con
Chị Tr. (ngụ ở Q.1, TP.HCM) có con trai bị tự kỷ đang chuẩn bị vào lớp 1. Suốt 3 năm qua, các thành viên trong gia đình chị đã bắt đầu tìm trường hòa nhập bậc tiểu học cho con. Chị đã đến liên hệ trực tiếp hoặc tìm hiểu thông tin khoảng 15 trường. Đầu năm nay, tuy được một trường ở Q.1 hứa sẽ tiếp nhận con chị theo đúng tuyến, nhưng chị Tr. cảm thấy không an tâm. Sau một thời gian chạy vạy và nhờ vả đủ cách, cuối cùng con chị cũng được “nhét” vào một trường trái tuyến. Chị Tr. bộc bạch: “Nghe người này người kia truyền tai nhau trường nào đã dạy trẻ hòa nhập lâu năm, có nhiều kinh nghiệm là chúng tôi tìm tới. Quan trọng nhất là tìm được môi trường phù hợp cho con. Với một trường không có tiếng tăm gì trước đó, tôi lo con mình vô trong đó sẽ bị bỏ bê”.
Lòng tin và sự cảm nhận của phụ huynh là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nơi ít ỏi hoặc không có, nơi thì quá tải số học sinh hòa nhập. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), chỉ tính riêng tại TP.HCM, trong năm học 2014 – 2015 đã có gần 5.000 trẻ khuyết tật học hòa nhập trong 500 trường từ bậc mầm non cho đến THPT.
Ông Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5, TP.HCM), một trong những trường có số học sinh học hòa nhập đông nhất tại TP.HCM, cho biết tổng số học sinh của trường năm học 2015 – 2016 là khoảng 920 em. Trong đó, số trẻ học hòa nhập đã lên đến 180 em. Riêng số trẻ hòa nhập mới đăng ký vào lớp 1 năm nay là 15 em, tăng 5 em so với năm học trước. Ông Minh Hầu chia sẻ: “Mọi năm, nhà trường tiếp nhận những trẻ hòa nhập ở một số quận huyện tại TP.HCM và tỉnh, thành khác. Nhưng năm nay, trường chỉ nhận những em có hộ khẩu hoặc tạm trú tại Q.5 thôi. Do số lượng quá đông nên chúng tôi không thể nhận đại trà được”. Theo ông Minh Hầu, có những phụ huynh sau khi tìm hiểu và nhận thấy một số nơi không có sự quan tâm và chăm sóc thực sự đối với trẻ, nên đã xin cho con em mình học ở trường này.
(Còn tiếp)
|
Như Lịch
*****
Gập ghềnh đường học hòa nhập – Kỳ 2: Người lớn không nắm luật, học sinh chịu thiệt
12/08/2015 06:47
TN – Trên thực tế, có những trường hợp người khuyết tật học hòa nhập bị thiệt thòi, chịu áp lực bởi nhà trường lẫn phụ huynh không nắm rõ hoặc không đôn đốc thực hiện theo quy định.
Khốn khổ vì 0,2 điểm !
|
Báo Thanh Niên nhận được phản ánh về việc một phụ huynh tên K. (ngụ tại TP.HCM) bức xúc khi đứa con chậm phát triển trí tuệ của bà bị nhà trường cho ở lại lớp 6. Lý do trường đưa ra là học sinh này rất yếu môn văn, thi lại vẫn thiếu ít nhất 0,2 điểm nên không thể xét cho lên lớp 7.
Qua sự kết nối của PV Thanh Niên, mẹ con bà K. đã gặp ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM). Sau khi tìm hiểu câu chuyện, ông Tâm đã phổ biến cho bà K. biết những quy định liên quan đến người khuyết tật. Trong đó, việc đánh giá kết quả giáo dục của người khuyết tật được thực hiện theo nguyên tắc: động viên, khuyến khích và ghi nhận sự tiến bộ của người học. Từ cuộc làm việc này, bà K. có cơ sở để trao đổi lại với nhà trường.
“Hiện nay có rất nhiều hiệu trưởng, giáo viên chưa nắm được văn bản luật và dưới luật về việc thực thi luật Người khuyết tật. Mặt khác, có những phụ huynh vì sĩ diện nên không chấp nhận thực tế bệnh tật của con em mình. Chính những điều đó đã gây thiệt thòi và làm gia tăng áp lực lên học sinh học hòa nhập”, ông Tâm thẳng thắn nhận xét.
Ông Tâm còn cho hay, năm ngoái một phụ huynh đã khóc với ông khi phản ánh rằng họ muốn xin cho con mình học hòa nhập thêm 1 năm nữa ở trường mầm non, nhưng hiệu trưởng kiên quyết không chấp nhận vì cho rằng trẻ 7 tuổi còn học mầm non là không đúng quy định pháp luật. Ông Tâm phân tích: “Đứa trẻ đó tuy 7 tuổi nhưng tuổi trí tuệ của em chỉ ở mức 3 tuổi thôi. Vì vậy, không thể lấy quy định đối với một đứa trẻ phát triển bình thường áp dụng cứng nhắc lên trẻ khuyết tật. Trường hợp này, không cho trẻ học tiếp mới là sai quy định!”. Theo quy định, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định điều chỉnh, miễn, giảm, thay thế một số nội dung môn học hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp với học sinh khuyết tật. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi…
Quan trọng là tình yêu thương
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (Q.3, TP.HCM) có con trai là H.T.A bị tự kỷ sắp lên lớp 7 chương trình hòa nhập. Ông nhớ lại: “Những ngày đầu đi học, cháu cứ nằm lăn ra hành lang. Đến khi vào lớp, cháu buộc giáo viên cho mình phát biểu và nói một bài quảng cáo về… điều trị yếu sinh lý. Thế là những học sinh khác chọc T.A bị bệnh thần kinh, rồi xa lánh cháu”. Trải qua một chặng đường dài gian truân, nhiều lần suýt “gãy gánh giữa chừng”, ông Mẫm đúc kết kinh nghiệm về việc học của con: “May mà giáo viên thương và thông cảm cho cháu. Hằng ngày các cô ghi ra sổ liên lạc để phụ huynh biết được những việc cháu cần làm. Song song đó, chúng tôi thuê gia sư hỗ trợ, kèm cặp cho cháu”. Đặc biệt, vị bác sĩ này lưu ý: “Ngay từ đầu, phụ huynh cần phải nói thật với nhà trường về bệnh trạng của con em mình, để hai bên có sự hợp tác. Càng né tránh, giấu giếm thì con em mình càng thiệt thòi”.
Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TP.HCM Nguyễn Thanh Tâm, một trong những khó khăn, bất cập chính trong công tác giáo dục hòa nhập là nhân sự được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt rất khan hiếm. Hằng năm, đa phần giáo viên dạy các lớp hòa nhập chỉ được bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giáo dục hòa nhập trong mấy ngày, nên không thể đi sâu vào chuyên môn.
Dù vậy, một số trường có những cách làm linh hoạt. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3, TP.HCM cho biết trường có lập lớp hội nhập riêng dành cho những em mới hòa nhập. Lớp này giúp trẻ tập làm vệ sinh, quen dần với nền nếp trong lớp học để không ảnh hưởng đến những em khác. Khi nào trẻ có kỹ năng học đường và sự tiến bộ, nhà trường sẽ chuyển trẻ sang học các lớp bình thường. Ông Lê Thái Minh Hầu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5, TP.HCM), khẳng định: “Điều quan trọng nhất để dạy được trẻ hòa nhập là tình thương yêu trẻ. Còn nếu nhận để mà đối phó, nhận cho có, nhận vì áp lực bắt dạy thì không thể nào dạy được trẻ!”.
Như Lịch