- Cuộc đấu tranh công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam trong tình hình mới Bài 1: Hành trình gian khó nhưng không nản
- Cuộc đấu tranh công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam trong tình hình mới – Bài 2: Phương hướng đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC trong giai đoạn mới
***
Cuộc đấu tranh công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam trong tình hình mới Bài 1: Hành trình gian khó nhưng không nản
Với tư cách là một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã đoàn kết, tập hợp nạn nhân và đại diện cho nạn nhân CĐDC Việt Nam trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân, buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do họ gây ra ở Việt Nam.
1. Đấu tranh công lý cho nạn nhân CĐDC từ khi Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) mới được thành lập (2004) và những năm tiếp theo, chủ yếu là tập trung ở việc kiện đòi bồi thường cho nạn nhân đối với các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất, cung ứng chất độc hoá học cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội, được quy định trong Điều lệ Hội – cơ sở chính trị pháp lý quan trọng để tiến hành nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền giao cho Hội.
Việc tiến hành vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ theo từng thời gian và có những thay đổi về cách thức, phương pháp cho phù hợp; từ hoàn toàn tự nguyện ban đầu sau chuyển sang phương thức thông qua sự giúp đỡ trên cơ sở thoả thuận có điều kiện với các luật sư Mỹ nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của cả hai bên. Trong đó chủ yếu xác định đối tượng và xây dựng nội dung đơn kiện; xác định phương thức, bước đi, mục tiêu cũng như thống nhất thời điểm cho việc nộp đơn khởi kiện ra Toà án Mỹ xét xử.
a) Vụ kiện thứ nhất: Ngày 30/1/2004, VAVA và một số nguyên đơn gửi đơn kiện 37 công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hoá học cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đơn kiện được gửi tới Toà án sơ thẩm Liên bang quận Brooklyn, bang New York, Hoa Kỳ.
Đây là vụ kiện có đông nguyên đơn (thay mặt cho 3,1 triệu nạn nhân), tiến hành tại Mỹ, theo luật pháp Mỹ và do tòa án Mỹ xét xử – một sự kiện chưa hề có tiền lệ trong lịch sử ngành Tư pháp nước Mỹ.
Vụ kiện kéo dài hơn 5 năm, qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, cho đến ngày 2/3/2009, Toà án Tối cao Liên bang Hoa Kỳ tuyên bố không thụ lý đơn kiện của các nguyên đơn. Việc từ chối thụ lý đơn kiện là bất công, bất chấp thực tế khách quan, làm cho dư luận Mỹ và dư luận thế giới rất bất bình; vì vậy không làm chấm dứt cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam tại Mỹ; thời hiệu khởi kiện không bị triệt tiêu; tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam đã được Toà án Mỹ thừa nhận; lý do khởi kiện không bị bác bỏ; những tiền lệ tư pháp này sẽ giúp các nguyên đơn Việt Nam có thể tiến hành đấu tranh pháp lý đến cùng tại Mỹ để đòi công lý.
b) Vụ kiện thứ hai: Kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam, VAVA được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế tiếp tục phối hợp cùng các luật sư Mỹ chuẩn bị vụ kiện trên tinh thần thỏa thuận hợp tác và phí thuê luật sư có điều kiện được ký kết giữa một bên là VAVA và một bên là Hãng luật Cartee & Morris LLC vào ngày 12/6/2014. Việc trao đổi nội dung các công việc được diễn ra đều đặn từ trước đó, tuy nhiên, sau khi ký kết một thời gian dài, phía luật sư Mỹ có Thư trao đổi và nêu lý do, việc khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ lúc này có thể ví như con đường trong hầm tối không tìm ra ánh sáng. Phía VAVA vẫn giữ vững quan điểm, đã gửi thư trao đổi, chia sẻ các khó khăn, động viên và cảm ơn các luật sư đã làm những điều tốt đẹp cho nạn nhân da cam Việt Nam, đồng thời vẫn khẳng định việc kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân; đề nghị các bạn luật sư Mỹ vững tâm và cùng tiếp tục phối hợp, khi có điều kiện thuận lợi thì nộp đơn khởi kiện ra Tòa. Bên cạnh đó, VAVA cũng trao đổi với các luật sư Mỹ mở rộng hình thức đấu tranh đòi công lý sang các hướng khác, không chỉ ở việc tiến hành vụ kiện.
Thường trực VAVA đã củng cố lại phương thức đấu tranh công lý, mở rộng nhiều hướng và hình thức khác cho phù hợp với giai đoạn mới khi mà quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã có bước phát triển cả về chiều rộng, cả về chiều sâu.
2. Bên cạnh việc đấu tranh bằng vụ kiện, VAVA còn tích cực hoạt động phối hợp khác để đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân như: Thông qua Hội Luật gia Dân chủ quốc tế và trực tiếp tại các hội nghị quốc tế mà VAVA tham dự, phát biểu, kêu gọi các cá nhân, tổ chức quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam. Những hình thức ngoại giao nhân dân đó đã tạo nên làn sóng tích cực, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về tác hại và hậu quả của CĐDC do Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam; từ đó có nhiều hành động thiết thực ủng hộ cho nạn nhân da cam Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
3. Ủng hộ các hoạt động đấu tranh đòi công lý khác, trọng tâm là vụ kiện của bà Trần Tố Nga tại Pháp.
Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 ở Nam bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc; năm 1965 vào hoạt động ở miền Nam, làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng ở các mặt trận Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn – Gia Định. Năm 1993, bà sang Pháp sống, sau đó trở thành công dân Pháp. Bà là nạn nhân trực tiếp bị phơi nhiễm CĐDC. Tháng 5/2009, bà ra làm nhân chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, đồng thời đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ, để cho thế giới thấy rõ chất độc hóa học đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe nhân dân Việt Nam. Vì lẽ đó, VAVA đã ủng hộ và hỗ trợ vụ kiện của bà.
Bà Trần Tố Nga (phải) trả lời phỏng vấn báo chí Pháp. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Đồng ý cùng đứng đơn kiện để biện hộ cho bà, ngày 14/5/2014 Văn phòng Luật sư Bourdon & Forestier, đại diện cho bà Trần Tố Nga nộp đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ lên Tòa Đại hình Evry của Pháp. Đây là một vụ kiện dân sự, do một công dân Pháp thực hiện, tại một tòa án của Pháp. Có 19/26 công ty bị kiện đã thuê luật sư bào chữa. Luật sư Bên bị đơn đã cố tình kéo dài vụ kiện với lý do: Hồ sơ của bà Trần Tố Nga trình Tòa chưa đầy đủ và yêu cầu phải có thêm các chứng cứ khác nhằm làm cho các luật sư biện hộ cho bà Trần Tố Nga và bản thân bà Nga cảm thấy mệt mỏi, đồng thời làm tăng các loại lệ phí.
Bà Trần Tố Nga cùng các luật sư của bà vẫn khẳng định quyết tâm đi đến cùng vụ kiện. Trong hành trình đó, VAVA đã luôn phối hợp cùng Văn phòng Luật sư Bourdont trong việc trao đổi, hỗ trợ cho vụ kiện. VAVA đã tổ chức họp báo ra Tuyên bố, viết Thư ngỏ vào các đợt thay đổi quan trọng ở các mốc tố tụng; gửi văn bản tới các tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài phát động ủng hộ vụ kiện. Đã có hàng vạn chữ ký và nhiều tỉnh, thành hội, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ được hơn 100.000 ê-rô cho vụ kiện.
4. Vụ kiện Monsanto tại Tòa án San Francisco, Hoa Kỳ: Án lệ mở ra con đường đấu tranh pháp lý cho hàng nghìn vụ kiện tương tự khác, đặc biệt là sẽ có nhiều thuận lợi cho vụ kiện của nạn nhân CĐDC Việt Nam.
Ngày 10/8/2018 – trùng với Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Tòa thượng thẩm bang California tại San Francisco Hoa kỳ đã xác nhận tác hại của “chất diệt cỏ” có khả năng gây ung thư và công ty Monsanto phải chịu trách nhiệm về sản phẩm gây hại này cho con người, đồng thời tuyên phạt 289 triệu USD do Monsato không có cảnh báo phù hợp về nguy cơ loại chất diệt cỏ (Roundup/Glyphosate) của Hãng này có thể gây ung thư cho người. Đây là một phán quyết được xem xét kỹ lưỡng sau nhiều năm, với nhiều các phiên điều trần khách quan, nghiêm túc, có luận cứ khoa học và dựa trên các kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Phán quyết đã bác lại luận điểm của Tòa án tối cao Mỹ trước đây cho rằng “chất diệt cỏ” mà công ty Monsanto và các công ty hóa chất khác của Mỹ đã cung cấp là không có hại cho con người.
Chính bởi vậy, Monsanto và các công ty hóa chất khác của Mỹ từng cung cấp chất diệt cỏ cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm về thảm họa do nó gây ra cho môi trường và con người ở Việt Nam.
Có thể nói, đây là một án lệ, một công cụ sắc bén của các nạn nhân CĐDC Việt Nam trên con đường đấu tranh đòi công lý phù hợp với pháp lý, đạo lý và xu thế hiện nay.
(Còn tiếp…)
Đại tá Quách Thành Vinh
***
Cuộc đấu tranh công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam trong tình hình mới – Bài 2: Phương hướng đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC trong giai đoạn mới
Thuận lợi: Việc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân CĐDC Việt Nam tuy chưa giành thắng lợi về mặt pháp lý nhưng đã có tác dụng rất to lớn, là tiền đề cho cuộc đấu tranh đòi công lý. Bởi: Vụ kiện đã làm cho đông đảo nhân dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân bất hạnh của nạn nhân CĐDC. Sự ủng hộ về vật chất, sự thông cảm về mặt tinh thần đối với nạn nhân ngày càng nhiều hơn và sâu sắc hơn. Nhà nước đã có những sửa đổi, bổ sung và đang hoàn thiện về chính sách, chế độ đối với những người có công cũng như đối với nạn nhân CĐDC là dân thường, kể cả những người không tham gia kháng chiến. Tổ chức Hội các cấp được Nhà nước cho phép thành lập, hoạt động ngày một nền nếp; vai trò, vị thế ngày càng được khẳng định.
Vụ kiện của nạn nhân CĐDC Việt Nam đã phơi bày ra trước công luận thế giới những tội ác mà Mỹ cố bưng bít trong nhiều thập kỷ qua. Mỹ phải có trách nhiệm đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam như đã quy định tại điều 21 Hiệp định Paris năm 1973, nhưng Mỹ luôn lảng tránh việc đối thoại và công khai từ chối trách nhiệm. Vụ kiện góp phần tạo ra áp lực với chính phủ một số nước đồng minh của Mỹ tham chiến ở Việt Nam buộc phải xem xét đến việc bồi thường cho các CCB, nạn nhân CĐDC của nước họ; đồng thời tạo nên những tiền lệ pháp lý có lợi cho nạn nhân CĐDC người nước ngoài tiến hành vụ kiện tại Mỹ để đòi bồi thường thiệt hại.
Vụ kiện phù hợp với mục tiêu đấu tranh mang tính thời đại của nhân loại. Đó là cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường và sinh thái trên phạm vi toàn cầu đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân và chính giới nhiều nước, tiếp sức mạnh mẽ cho nạn nhân CĐDC Việt Nam trong cuộc hành trình đấu tranh đòi công lý.
Vì những lý do chính trị, pháp lý, xã hội, kinh tế, chính phủ và các công ty hoá chất Mỹ không dám công khai thừa nhận trách nhiệm pháp lý của họ. Song, trên thực tế Mỹ đã và đang có những động thái tích cực, biểu hiện rõ nhất là việc họ chấp nhận phối hợp thanh khiết tẩy độc tại các điểm nóng về dioxin như sân bay Đà Nẵng và sắp tới là sân bay Biên Hoà.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quan hệ đa phương cũng như song phương trong đó có quan hệ Việt- Mỹ đã có nhiều bước phát triển mới, do vậy, phương hướng, nhiệm vụ đấu tranh công lý của VAVA trong điều kiện mới, có những điều chỉnh với chủ trương: “Tiếp tục vận động, đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” (Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam).
Với tinh thần đó, VAVA sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối ngoại, kiên trì mục tiêu đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước ta trong tình hình mới.
Khó khăn:
Những năm tới, với việc sử dụng nhiều hình thức đấu tranh kết hợp, đa dạng sẽ mở ra nhiều khả năng tiến tới mục tiêu hơn, nhưng cần thấy rõ những khó khăn không dễ khắc phục như:
– Vụ kiện phải nhờ vào sự giúp đỡ và trực tiếp thực hiện của luật sư Mỹ thông qua một thỏa thuận hợp tác. Việc am hiểu luật pháp Mỹ cũng như khó khăn về ngôn ngữ là điều nạn nhân da cam Việt Nam khó có thể khắc phục.
– Các luật sư Mỹ với nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do thuộc về sự an toàn của cá nhân và gia đình, hiện không còn đứng ra để giúp VAVA trực tiếp thực hiện vụ kiện nữa. Đây là yếu tố quyết định mà VAVA chưa thể khắc phục được.
– Vụ kiện đòi hỏi chứng cứ khoa học, các xét nghiệm chứng minh tốn kém, vượt khả năng của Nguyên đơn. Vụ kiện kéo dài chưa thể xác định thời gian, do đó, kinh phí hết sức tốn kém và các nhân chứng cũng ngày một hao hụt do mất hoặc bệnh tật làm giảm sút, không còn điều kiện sức khỏe.
– Nhiều công ty hóa chất Mỹ tham gia vào sản xuất, cung cấp chất da cam cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam hiện đã giải thể hoặc sáp nhập với các công ty khác, nên việc xác định danh tính Bị đơn cũng như cơ chế về xác định trách nhiệm bồi thường sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
– Quan hệ giữa hai nước ngày càng được mở rộng theo hướng toàn diện là yếu tố tích cực cho sự phát triển của mỗi nước, nhất là cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; tuy nhiên, cũng là yếu tố tác động sâu sắc đến hướng đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân phải chuyển sang tìm tòi những phương thức và cách đi mới cho phù hợp.
Phương hướng:
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay và đòi hỏi từ sự phát triển của Việt Nam trong tiến trình hội nhập, việc đấu tranh công lý cho nạn nhân CĐDC trong thời gian tới cần có những điều chỉnh cả về chủ trương, nội dung, giải pháp cụ thể cho phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước theo các định hướng là:
– Chống các âm mưu của phía Mỹ làm chìm hoặc làm chệch mục tiêu đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC; Kiên trì đến cùng trong đấu tranh đòi phía Mỹ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân;
– Xác định việc đấu tranh đòi công lý là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của VAVA mang tính lâu dài, bền bỉ, không nôn nóng và có sự điều hành, chỉ đạo linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn.
– VAVA vẫn chuẩn bị tiếp cho vụ kiện thứ hai; tìm đối tác phối hợp, giúp đỡ để có thể kiện vào thời điểm thích hợp. Đối tượng của vụ kiện sẽ là một vài công ty hóa chất lớn của Mỹ đã tham gia sản xuất và cung ứng chất độc hóa học cho Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
– Đa dạng hóa hình thức đấu tranh đòi công lý. Kết hợp cả đấu tranh pháp lý và đấu tranh đạo lý; bằng cả con đường ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Tăng cường vận động và đấu tranh với Chính phủ, Quốc hội và chính giới Mỹ về thảm hoạ chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, qua đó yêu cầu họ có trách nhiệm cao hơn trong việc giải quyết hậu quả do họ gây ra.
– Đẩy mạnh việc vận động các nghị sỹ Mỹ, các nhà hoạt động chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học ủng hộ việc đấu tranh công lý của nạn nhân da cam, đề nghị họ xây dựng và trình ra Quốc hội Mỹ những dự án luật về hỗ trợ cho nạn nhân da cam Việt Nam. Phát triển các hình thức ngoại giao nhân dân, mở rộng, vận động các cá nhân, tổ chức, các nước có thiện chí ủng hộ Việt Nam đấu tranh đòi các công ty hóa chất Mỹ có trách nhiệm khắc phục hậu quả chất độc da cam đối với nạn nhân và môi trường bị nhiễm.
– Tích cực ủng hộ và sát cánh với vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của bà Trần Tố Nga và các vụ kiện liên quan đến CĐDC khác.
– Nghiên cứu hướng có thể kiện một số công ty hóa chất Mỹ đang có quan hệ đầu tư tại Việt Nam như Monsanto, Dow Chemical tại Tòa án Việt Nam, bằng pháp luật của Việt Nam.
– Tăng cường công tác vận động tuyên truyền, nhất là vận động quốc tế về thảm họa da cam; tạo sự ủng hộ mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân da cam Việt Nam.
Cuộc đấu tranh công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam có thể còn lâu dài mới đi tới mục tiêu. Mặc dù vậy, VAVA sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu, yêu cầu của của cuộc đấu tranh cho tới khi các công ty hóa chất Mỹ thừa nhận và có trách nhiệm thực tế bồi thường cho nạn nhân CĐDC và cùng với Chính phủ Việt Nam tẩy độc môi trường.
Đại tá Quách Thành Vinh