Sự thật ‘đau lòng’ về ‘Đô thành Sài Gòn’ xưa – 2 kỳ

***

Sự thật ‘đau lòng’ về ‘Đô thành Sài Gòn’ xưa (kỳ 1)

datviet – Thứ Sáu, 01/04/2011

Sau khi loại Bảo Đại khỏi vũ đài chính trị Nam Việt Nam, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 143-NV ngày 22/10/1956 đổi “đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn” thành “Đô thành Sài Gòn”. Diệm tiếp tục ra sắc lệnh số 74-TTP ngày 23-3-1959 ấn định quy chế quản trị Sài Gòn: Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm Đô trưởng và các quận trưởng trong đô thành. Bốn ngày sau, Diệm lại ra nghị định số 110-NV chia lại các quận. Từ sáu quận, Sài Gòn được chia thành tám quận: các quận 1, 2, 3 giữ như cũ, song quận 4 (cũ) chia đôi thành quận 5 và quận 8; quận 5 (cũ) chia thành quận 6 và quận 7; quận 6 (cũ) đổi tên thành quận 4. Toàn đô thành có 41 phường..

Kết quả hình ảnh cho Chợ Bến Thành xưa. Ảnh tư liệuChợ Bến Thành xưa. Ảnh tư liệu

Lối sống Mỹ “đàn áp”

Trong những năm đầu sau Hiệp định Genève, từ 1955 đến 1960, Mỹ viện trợ cho Diệm gần 2 tỷ USD. Dưới tác động của viện trợ Mỹ, kinh tế của Sài Gòn phát triển khá nhanh theo chiều hướng kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Đồng thời, Mỹ cũng buộc ngụy quyền Sài Gòn phải mua hàng của Mỹ rồi bán hàng đó mà lấy tiền trả lương cho công chức, binh lính… khiến hàng sản xuất trong nước không cân sức với hàng ngoại nhập.

Được Mỹ cố vấn và tài trợ, chính quyền Diệm đáp lại những nguyện vọng của nhân dân bằng đàn áp, khủng bố. Diệm đề ra “quốc sách tố Cộng” (11-4-1955), dụ số 6 (11-1-1956) thành lập các trại tập trung để an trí những người bị xem là “nguy hại cho quốc phòng và an ninh”, luật 10/59(6-5-1959) lập các tòa án quân sự đặc biệt chỉ xử hai mức án: tử hình và khổ sai chung thân.

Tài liệu mật của Lầu Năm Góc ghi: “Trong cái gọi là chiến dịch tố Cộng bắt đầu từ mùa hè 1955, có từ 5 đến 10 vạn người bị bắt vào các trại giam”. Đó là những người yêu nước, trước đây đã kháng chiến giành độc lập tự do, nay tiếp tục đấu tranh cho hòa bình thống nhất. Đặc biệt, nhiều cán bộ lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định lần lượt bị Mỹ – Diệm bắt giết như Trần Quốc Thảo, Nguyễn Trọng Tuyển, Đoàn Văn Bơ…

Để thực hiện ý đồ xâm lược, Mỹ không tìm đâu ra đất trống giữa đô thành đông dân để lập doanh trại, một mặt Mỹ thuê một số khách sạn ở những khu vực “an ninh” (thường là ở các quận trung tâm của Sài Gòn), mặt khác chi tiền cho các nhà thầu xây dựng mới một số cao ốc.

Quân Mỹ đổ vào Sài Gòn càng đông thì các cao ốc xây cho Mỹ thuê mọc lên càng nhiều. Chỉ riêng đường Trần Hưng Đạo đã có khoảng mười cao ốc từ 5 đến 10 tầng mọc lên bên cạnh những ngôi nhà trệt hay hai, ba tầng xây dựng từ trước. “Nhiều biệt thự, cao ốc giữa Sài Gòn biến thành nơi ăn ở và làm việc cho đủ loại cố vấn và nhân viên Mỹ, tất cả đều được canh phòng cẩn mật, người dân Sài Gòn không được phép lại gần”. (Sách Lịch sử Việt Nam)

Để thu hút thanh niên Mỹ tham gia vào cuộc hiến tranh xâm lược Việt Nam, Chính phủ Mỹ dành cho họ nhiều ưu đãi về vật chất. Lương tháng của một binh nhất Mỹ là 90 đôla (sau tăng lên 95 đôla), nghĩa là bằng thu nhập bình quân của một người Sài Gòn trong một năm. Chưa hết, nhờ mua đi bán lại hàng PX (hàng được Chính phủ Mỹ trợ giá), thu nhập của lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam tăng lên gấp nhiều lần lương chính thức. Do đó, họ mặc sức tiêu pha gây đảo lộn trong sinh hoạt kinh tế – xã hội của thành phố.

Giữa lúc đại đa số nhân dân lao động, trí thức… vật lộn hết sức khó khăn với đời sống hằng ngày do vật giá không ngừng leo thang, thì một bộ phận trong dân cư thành phố trở nên giàu có nhanh chóng. Đó là những người sống bằng những nghề phục vụ cho các nhu cầu ăn ở, đi lại, chơi bời… của lính viễn chinh, từ những chủ thầu cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho lính Mỹ, những người làm sở Mỹ… đến bọn ma cô, gái điếm, gái nhảy, gái tắm hơi, gái bán “bar”… Sự phân hóa về kinh tế đó dẫn tới sự đảo lộn các bậc thang giá trị truyền thống trong xã hội: “thứ nhất là sở Mỹ, thứ nhì là gái đĩ, thứ ba bọn ma cô, thứ tư tướng tá ngụy”.

‘Mỹ đã biến Sài Gòn thành một ổ điếm’

Để “giúp vui” cho đạo quân viễn chinh, Mỹ – Thiệu cho phép mở cửa hàng loạt snack bars, phòng tắm hơi, hộp đêm, tiệm nhảy và nhất là nhà chứa, nhan nhản khắp Sài Gòn, đặc biệt là xung quanh các cư xá Mỹ. Thị trường mại dâm, gọi một cách nôm na là “chợ heo”, được Mỹ – Thiệu công khai hóa và hợp pháp hóa.

Năm 1966, từ Sài Gòn về, Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright nhận xét: “Mỹ đã biến Sài Gòn thành một ổ điếm”. Câu nói đó tuy có xúc phạm đến thể diện và danh tiếng của thành phố, song đã phản ánh một thực tế đau lòng.

Một tạp chí xuất bản ở Sài Gòn mô tả: “Tại chợ heo đó, hằng ngày có hai ba trăm người con gái Việt Nam đứng sắp hàng… cho lính Mỹ đến chọn dắt đi. Với một nắm đôla trong tay, lính Mỹ thật là nhiều tự do: tự do phá hoại văn hóa Việt Nam”.

Lối sống dâm ô trụy lạc, không chỉ là hậu quả tất nhiên của sự có mặt của hàng ngàn, hàng vạn lính viễn chinh đú đởn và lắm tiền, nó còn nằm trong chủ trương thâm độc của Mỹ – Thiệu muốn sa đọa hóa thanh niên Việt Nam hòng làm cho giới trẻ quên đi hoàn cảnh đất nước đang bị xâm lược, quay lưng lại với nghĩa vụ đối với dân tộc. Từ chủ trương đó xuất hiện ở Sài Gòn một dòng văn học khiêu dâm trong đó các tác giả chuyên khai thác thị hiếu thấp kém của người đọc, đề cao bản năng thú tính, công khai cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, xem việc thỏa mãn tính dục là mục đích tối thượng của cuộc đời.

Bên cạnh những phim “con heo”, báo chuyên in hình phụ nữ khỏa thân (như Play-boy, Penthouse, Nude…) bày bán công khai trên vỉa hè các đường Lê Lợi, Công Lý… ở ngay trung tâm thành phố, là những tiểu thuyết Yêu, Sống, Loạn… của Chu Tử, Cậu chó, Chú Tư Cầu, Đêm không cùng… của Lê Xuyên và những truyện ngắn, truyện dài khiêu dâm của các tác giả khác như Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Thụy Vũ, Túy Hồng…

Sự có mặt của quân Mỹ cũng như chủ trương nói trên của Mỹ – Thiệu gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống văn hóa – tinh thần của thành phố. “Sự sa đọa, sự trụy lạc trong xã hội… đã gây ra biết bao thảm cảnh gia đình, bao nhiêu đổ vỡ hạnh phúc, bao nhiêu chuyện bi đát thương tâm. Qua các báo hằng ngày, không ngày nào là không có những vụ án mạng vì tình, những vụ tự tử, đâm chém, bắn giết lẫn nhau vì giành nhau một người đẹp…”.

***

Sự thật ‘đau lòng’ về ‘Đô thành Sài Gòn’ xưa (kỳ 2)

datviet – Thứ Hai, 04/04/2011

Tài liệu mật Lầu Năm Góc ghi: “Không có sự giúp đỡ của Mỹ, gần như chắc chắn là Diệm không thể củng cố được chỗ đứng của mình ở miền Nam trong thời gian 1955 và 1956 (…) Không có viện trợ của Mỹ trong những năm sau đó, chắc chắn là chế độ Diệm (…) không thể sống sót được”. Trên thực tế, khi Mỹ “quay lưng”, ngụy quyền đã sụp đổ.

700 tỉ USD mong thu phục miền Nam Việt Nam

Theo số liệu do Mỹ công bố, chi phí trực tiếp mà Washington đổ vào toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1960 đến 1973 là 141 tỉ USD, nếu tính cả những chi phí gián tiếp là 700 tỉ USD. So với chiến tranh thế giới lần thứ hai, chi phí trực tiếp của Mỹ là 341 tỉ USD và vừa trực tiếp vừa gián tiếp là 900 tỉ USD, thì con số dốc cho Việt Nam thật “khủng”.

Với số tiền đó, Mỹ đã dùng trang bị và củng cố ngụy quân, ngụy quyền; đồng thời tiến hành các chương trình bình định nông thôn. Trong năm 1966, những hàng hóa viện trợ trị giá 445 triệu USD đã được chở tới Việt Nam thuộc chương trình nhập cảng thương mại của cơ quan USAID, chương trình chống phiên cộng, viện trợ phát triển và chương trình thực phẩm phụng sự hòa bình. Con số này gấp đôi số viện trợ trong năm 1965″.

Kết quả hình ảnh cho Dinh Độc lập năm xưa. Ảnh tư liệu
Dinh Độc lập năm xưa. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, tính toán cho thấy, có khoảng 5- 6% đã thất thoát, rơi vào túi riêng của bọn tay sai hoặc chạy ra thị trường để tạo nên khu vực dịch vụ to lớn, mà mục đích cuối cùng vẫn là quay trở về phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Leo thang chiến tranh khiến lạm phát phi mã

Chiến tranh càng leo thang, nạn lạm phát càng nghiêm trọng, cụ thể: năm 1969 là 140 tỷ, năm 1970 là 162 tỷ, năm 1971 là 187,4 tỷ. Tỷ lệ gia tăng bình quân hằng năm là 15%.

Để đối phó, Thiệu – Kỳ không còn biện pháp nào khác hơn là phá giá đồng bạc và tăng thuế. Ngày 17/6/1966, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương, Nguyễn Cao Kỳ ký hai sắc lệnh 001/66 và 002/66 quy định 1 USD ăn 118 đồng (trước đó 1 USD tương đương 60 đồng). Trên chợ đen, giá 1 USD lên tới 270 đồng và không ngừng tăng đến 360 đồng (1969), 414 đồng (1971), 640 đồng (1974), 700 đồng (1975).

Hậu quả tức thời của biện pháp phá giá đồng bạc là cả mọi hàng hóa đều tăng vọt. Theo thống kê của Ngân hàng quốc gia ngụy, giá một số thực phẩm vào cuối năm 1965 và cuối năm 1967 như sau: 1 kg thịt gà tăng từ 96 đồng lên 309 đồng (gấp 3,2 lần); 1 kg thịt vịt tăng từ 63 đồng lên 203 đồng (gấp 3,2 lần); 1 kg tôm tươi tăng từ 62 đồng lên 216 đồng (gần 3,5 lần). Người dân lao động Sài Gòn không dám động đến các món hàng “cao cấp” nói trên, nhưng họ không thể không ăn cơm với rau trong bữa ăn hàng ngày. Thế nhưng, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã tăng không dưới 3 lần, cụ thể: 1 kg gạo sóc nâu từ 9,03 đồng lên 27,83 đồng (hơn 3 lần); 1 kg rau muống từ 7 đồng đến 21 đồng (gấp 3 lần).

Ngoài ra, do nhu cầu ngân sách gồm những chi phí cực nặng trên lĩnh vực quốc phòng…, người dân đã phải hứng chịu gánh nặng thuê khóa bằng tất cả mọi tàn lực. Chính quyền Thiệu không ngừng tăng thuế cũ và đặt thêm thuế mới: thuế nhà hàng (31/3/1966), thuế lương bổng (3/9/1966), thuế lợi tức (3/9/1966)… để ngày càng vơ vét tài lực của dân: từ 77 tỷ (1969), 97 tỷ (1970) lên 126 tỷ (1973), 240 tỷ (1974).

Người dân chịu đựng tính dâm dật, tàn bạo của lính Mỹ

Lính Mỹ có mặt ở khắp nơi, không phải chỉ ở mặt biển, ở nông thôn, rừng núi để giết hại tàn phá, mà còn tràn ngập các đường phố, len lỏi cả vào những xóm lao động chen chúc nữa. Ở đâu chúng cũng có những hành vi thô bạo, kỳ quái.

Ở các căn cứ quân sự của chúng, chúng hay giở trò sàm sỡ với những phụ nữ đi làm thuê và khi không được thỏa mãn, chúng đã sẵn sàng đuổi họ để trả thù. Ở những xóm lao động, nơi chúng thuê nhà ở, để ngỏ “cửa tồng ngồng”, mặc quần lót đú đởn với các “me Mỹ”.

Chúng nham nhở bất cứ lúc nào có thể nham nhở, ban ngày, ban đêm, trong giờ làm việc, ngoài giờ làm việc, trong sở làm, ngoài phố, bất cứ với hạng người nào, dù xấu hay đẹp, dù với những đứa con gái đáng tuổi con chúng hay với những người đáng tuổi chị, tuổi mẹ chúng.

Trên các đường phố, từng đoàn xe cam nhông của chúng phóng như gió, chèn các xe nhỏ vào lề, xuống ruộng; nếu cán phải người, chúng bỏ chạy. Ngồi trên xe thì chúng với tay giật nón, nắn bóp vào da thịt những phụ nữ đi xe đạp, đi xe gắn máy hoặc ném rác, ném lon bia vào đầu và cổ của những người đi đường, rồi hí hố cười trơ trẽn.

Ngay trên đường phố Sài Gòn, chúng say rượu ngả nghiêng, gặp bất cứ phụ nữ nào cũng đưa tay trả giá, hoặc giở những trò tồi tệ khác: năm 1966, một phụ nữ ở Khánh Hội đã bị binh lính Mỹ bắt cóc giữa ban ngày bằng xe Jeep.

Còn khi đi hành quân lục soát, chúng cũng không quên những trò khả ố với phụ nữ: xét các ghe máy từ Cam Ranh sang Ba Ngòi, chúng đã “công khai rờ rẫm những nữ hành khách” cởi áo lót các thiếu nữ trẻ tuổi rồi “vừa hò hét vừa cười với nhau hô hố”.

Chúng cũng đột nhập chùa chiền, xông vào nhà dân chúng, như trường hợp cuộc càn bố của lính Mỹ ở Cam Ranh năm 1968. Không một hành vi tàn bạo, man rợ nào mà quân viễn chinh Mỹ không làm, từ việc bắn giết, đốt phá, cướp bóc đến xẻo tai người để đếm xác, hãm hiếp tập thể, đặt chất nổ vào âm hộ đàn bà rồi cho nổ banh xác.

Chúng giết người lúc đầu là một bài học, nhưng dần dần là một nhu cầu sinh lý. Trong sự kiện Calley ở Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968, một đại đội lính Mỹ thuộc Sư đoàn Bộ binh 20, đã chia thành ba nhóm, mở màn một cuộc giết người cực kỳ tàn nhẫn. Chúng đâm người bằng lưỡi lê, ném xuống giếng, tập hợp những đám đông rồi bắn súng máy, ném lựu đạn cho đến khi thấy không còn một ai sống sót nữa mới thôi (những người còn sống là những người may mắn bị các thây ma vùi lấp). Kết cuộc sau ba giờ tàn sát, đại đội này đã giết chết 567 người Việt Nam: tất cả đều là những người không vũ trang, là những người đàn bà những trẻ con, những ông già trong đó có cả nhà sư nữa.

Trước tình cảnh bị đàn áp nghiêm trọng, công nhân và nhân dân lao động thành phố lập các tổ chức như Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, Ủy ban đấu tranh chống sa thải công nhân, Ủy ban cải thiện đời sống công nhân, v.v… để đòi chính quyền Thiệu và giới chủ phải tăng lương, hạ giá sinh hoạt, chống đuổi thợ dưới bất kỳ hình thức nào và nhất là đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút quân về nước vì đó là những nguyên nhân của mọi khổ đau về vật chất và tinh thần của người dân.

1 bình luận về “Sự thật ‘đau lòng’ về ‘Đô thành Sài Gòn’ xưa – 2 kỳ

  1. Có lẽ đây là một trong những Di sản Chiến tranh (Legacy of the War) – Di sản Mua bán dâm, cùng với Di sản Chất độc màu da cam và Di sản Bom mìn chưa nổ.

    ***

    Năm 1966, từ Sài Gòn về, Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright nhận xét: “Mỹ đã biến Sài Gòn thành một ổ điếm”. Câu nói đó tuy có xúc phạm đến thể diện và danh tiếng của thành phố, song đã phản ánh một thực tế đau lòng.

    Một tạp chí xuất bản ở Sài Gòn mô tả: “Tại chợ heo đó, hằng ngày có hai ba trăm người con gái Việt Nam đứng sắp hàng… cho lính Mỹ đến chọn dắt đi. Với một nắm đôla trong tay, lính Mỹ thật là nhiều tự do: tự do phá hoại văn hóa Việt Nam”.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s