Tây Nguyên: Đầy nỗi lo vào mùa cà phê chín !

Những cánh đồng cà phê bát ngát trên Tây Nguyên những ngày này đã bắt đầu chín rộ, trái chín đỏ rực trên cành. Năm nay giá cà phê tăng rất cao so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, niềm vui được giá lại không trọn vẹn, vì năng suất bình quân cà phê nhiều nơi giảm hẳn, và nạn trộm cà phê lại tái diễn…

Cà phê chín vào thời điểm giá cao nhưng năng suất bình quân lại thấp
Cà phê chín vào thời điểm giá cao nhưng năng suất bình quân lại thấp

Tiền tươi, cà thật !

Ông Nguyễn Văn Vĩnh và anh Bùi Văn Hải, chủ vườn cà phê ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk vui vẻ kể : Mấy năm trước, thu hoạch xong chúng tôi bán hết với giá hơn 30 nghìn đồng/kg chỉ đủ tiền trả cho công nhân, còn tiền phân, tiền thuê người làm cỏ, bẻ chồi, công chăm sóc đành chịu lỗ. Thường vào mùa là thời điểm giá thấp, nhưng năm nay cà phê vừa chín, giá cà đã lên đến 45.000/kg nhân khô, bà con thu hoạch đến đâu bán ngay đến đó, tránh tình trạng rớt giá về sau, trừ chi phí cũng lãi được kha khá.

Anh Phạm Tấn Thọ, chủ đại lý thu mua cà phê (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Hơn 10 ngày nay, rất nhiều nông dân đến bán cà phê. Để tiết kiệm thời gian, công sức, nhiều người còn liên hệ đại lý đến tận vườn thu mua, hái đến đâu cân bán đến đó. Trung bình mỗi ngày, tôi mua được 5 – 7 tấn cà phê tươi.

Một số công ty cà phê quốc doanh còn trụ vững, như Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar), không khí được mùa cũng đang hào hứng. Từ sáng sớm, loa phóng thanh đã tưng bừng điểm tin thu hoạch của tổ đội hôm qua, biểu dương các công nhân có vườn cây cho năng suất cao. Lãnh đạo và cán bộ các phòng, ban đều xuống cơ sở, các đội sản xuất theo dõi, chỉ đạo đôn đốc thu hái, hàng ngàn công nhân vui vẻ vào lô.

Công nhân hái cà phê chín đều tại Cty cà phê 15
Công nhân hái cà phê chín đều tại Cty cà phê 15

Đại tá Phạm Xuân Thảnh – Giám đốc công ty Cà phê 15 cho biết : Niên vụ này toàn công ty có hơn 753 ha cà phê cho thu hoạch, tổng sản lượng dự kiến đạt hơn 9.700 tấn quả tươi. Công ty đã chuẩn bị gần 10 ha sân phơi, sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền chế biến đồng thời bố trí lực lượng bảo vệ sản phẩm, tránh thất thoát, bảo đảm cho sự sinh trưởng của vườn cây vụ sau…

Nỗi buồn vùng đại hạn

 Cơn hạn hán kéo dài vừa qua đã khiến hàng trăm nghìn ha cà phê trên Tây Nguyên bị mất trắng hoặc giảm hẳn sản lượng. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 56.138 ha cà phê bị khô hạn; Đắk Nông có 22.000 ha bị thiếu nước tưới; Gia Lai có 399 ha mất trắng; Lâm Đồng có khoảng 161 ha …

Bà Trần Thị B ở tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar buồn bã nói : Vụ cà phê năm trước, 5 sào cà phê của tôi thu được gần 2 tấn nhân, năm nay ước chỉ được khoảng 7 tạ. Từ đầu mùa khô, gia đình tôi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng, cộng với tiền dành giụm vài chục triệu để đầu tư phân bón, nước tưới. Mất mùa do nắng hạn kéo dài nên cà phê rất ít trái và hạt nhỏ, nhiều cành khô mục, lá xác xơ. Sắp đến kỳ đáo hạn ngân hàng, tôi chưa biết lấy tiền đâu để trả !

Vườn bà B cà phê mùa này rất ít quả
Vườn bà B cà phê mùa này rất ít quả

Cách vườn bà B vài trăm mét, vợ chồng ông Nguyễn Văn Vĩnh liên tục xay cà phê khô. Vẻ rầu rầu, ông Vĩnh cho biết: Gia đình tôi đã hái nhanh gần hết 8 sào cà phê, phơi khô tới đâu xay lấy hạt bán tới đó, được 44 ngàn đồng/1kg là mức giá cao nhất trong mấy năm gần đây. Vụ năm ngoái vườn nhà tôi đạt 3,5 tấn, năm nay chỉ được hơn 2 tấn, giảm 1/3 sản lượng, không đủ tiền xây nhà như dự định rồi.

Ông Vĩnh xay tách vỏ cà phê quả khô
Ông Vĩnh xay tách vỏ cà phê quả khô

Một chủ đại lý thu mua cà phê lớn tại trung tâm huyện Cư M’gar, bà Nguyễn Thị Long băn khoăn : Vụ cà phê năm ngoái bình quân mỗi tháng tôi thu mua được trên 300 tấn. Năm nay bà con hầu hết mất mùa, sản lượng tôi thu mua được giảm chỉ còn một nửa. Số vốn tôi đầu tư cho bà con ứng trước chăm sóc cà, e họ không trả nổi !

Sợ trộm, nhiều nơi phải hái cà xanh

Hiện số lao động từ các tỉnh thành khác đổ lên Tây Nguyên hái cà phê thuê tăng đột biến, công an các huyện phải tăng cường kiểm tra tình hình đăng ký tạm trú. Từ đầu tháng 11 tới nay, đã có hàng trăm vụ kẻ gian đột nhập trộm cà phê tại nhiều xã trên khắp tỉnh Lâm Đồng.

Một chủ rẫy sợ bị trộm nên đã hái toàn cà phê quả xanh
Một chủ rẫy sợ bị trộm nên đã hái toàn cà phê quả xanh

Theo UBND huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), tình trạng trộm cà phê đã xảy ra ở nhiều xã. Riêng xã Đinh Trang Hòa, tệ nạn này đã gây thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Ông K’Tim ở thôn 6 than thở : Lợi dụng đêm tối, kẻ gian đã đột nhập tuốt sạch 60 cây cà phê, ước hơn 5 tạ quả trong vườn nhà. Cán bộ nông nghiệp huyện Di Linh lo lắng khi kẻ trộm không chỉ hái quả mà còn cắt cành mang đi nơi khác để tuốt. Cây bị cắt cành, phải mất vài năm mới có thể phục hồi và ra hoa, kết trái trở lại.

Không chỉ Di Linh mà ở những huyện trồng nhiều cà phê như Đức Trọng, Lâm Hà và Bảo Lâm, người trồng cà phê cũng bất an. Tại huyện Lâm Hà, kẻ trộm còn táo tợn mò vào tận nhà. Gia đình bà Nguyễn Thị Lành ở thôn Đan Hà (xã Tân Hà, Lâm Hà) vừa bị kẻ gian đột nhập, vác trộm 3 bao tải cà phê khô trong sân.

Để tự cứu, một số xã đã thành lập các tổ tự quản tuần tra vào ban đêm, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dân cử, có bồi dưỡng công lao động. Khi phát hiện bị trộm, người dân hô hoán để tổ tự quản chốt chặn các ngả đường bắt kẻ gian. Nhiều hộ còn tăng cường nuôi chó cảnh giác trộm, gắn đèn chiếu sáng sân phơi cà phê, các thành viên trong gia đình luân phiên vác gậy đi tuần tra suốt đêm để canh giữ vườn. Nhiều gia đình phải làm chòi giữa vườn trắng đêm canh giữ. Một số hộ neo người đành hái cà phê xanh, dẫu phải bán với giá rẻ và bị hụt sản lượng, thậm chí biết điều này tác động tiêu cực đến giá trị cà phê xuất khẩu của toàn vùng.

Huyện Lâm Hà đã vận động các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê trên địa bàn không mua cà phê quá xanh. Nếu phát hiện người bán quả cà phê có biểu hiện không bình thường thì báo ngay hoc ơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.

Cây cà phê mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân và có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước là tỉnh Đắk Lắk, với tổng diện tích 203.357 ha cà phê, chiếm trên 33% diện tích cà phê toàn quốc, 36% diện tích cà phê toàn vùng Tây Nguyên; Trong 203.357 ha này, 192.534 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 23,62 tạ/ha, tổng sản lượng niên vụ 2015-2016 đạt 454.810 tấn cà phê nhân khô.

Nga-Anh-Hà-Hải

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s