- Kỳ 1: Trại heo triệu đô ở biên giới
- Kỳ 2: Trại bò công nghệ cao
- Kỳ 3: Nguyên liệu cà phê chuẩn quốc tế
- Kỳ 4: Trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á
- Kỳ 5: Làm gạo hữu cơ
- Kỳ 6: Nuôi tôm trong nhà
- Kỳ 7: Làng rau ‘thần kỳ’ kiểu Nhật
***
Siêu dự án nông nghiệp: Trại heo triệu đô ở biên giới
09/03/2015 05:11
![]() Hệ thống tự động trong trang trại heo hiện đại nhất VN – Ảnh: Q.T |
Chúng tôi di chuyển bằng đường bộ từ TP.HCM đến biên giới Campuchia, địa phận H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, theo tuyến QL14. Đi hết quãng đường gập ghềnh mịt mù bụi và những ổ gà, ổ voi, rẽ vào một con đường rải sỏi chạy hun hút trong khu rừng cao su bạt ngàn để đến trang trại Lộc Phát.
Vào trại phải 3 lần “tắm”
Tất cả những người trong đoàn đều phải xuống xe, đi bộ qua cánh cổng riêng để phun thuốc sát trùng. Vào bên trong, không khí mát mẻ lập tức ùa đến với hàng cây xanh chạy dài ven lối đi trải bê tông sạch sẽ, bao quanh là hồ nước.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Lộc Phát, cho biết chỉ riêng chi phí để mua cây xanh tạo cảnh quan cho trang trại đã ngốn hết gần 4 tỉ đồng. “Ở đây các thiết bị đều được lập trình sẵn, khách vào phải vệ sinh, tắm đủ thời gian quy định thì cánh cửa tiếp theo mới mở ra. Qua 2 lần cửa thì đến phòng thay đồ. Đây là quy trình bắt buộc để đảm bảo trang trại hoàn toàn vô trùng và sạch bệnh”, ông Hiếu hướng dẫn.
Làm xong hết các thủ tục “tiệt trùng” mất hết gần 30 phút, chúng tôi mới bắt đầu chuyến tham quan trang trại bằng chiếc xe chạy điện. Ông Hiếu cho biết quy mô trại chăn nuôi lên đến 54 ha, với 2.400 heo nái, 10.000 heo hậu bị. Toàn bộ trại heo giống được vận hành tự động và khép kín. “Khi thời tiết nóng, bên trong trại tự động điều chỉnh nhiệt độ. Hệ thống cung cấp thức ăn cho heo, vệ sinh chuồng trại đều tự động. Liều lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng được máy móc trộn sẵn, định kỳ cung cấp cho đàn heo”, ông Hiếu thuyết minh và thông tin thêm: Ở đây, mọi thứ đều được vận hành tuần hoàn, không có khái niệm bỏ đi. Chất thải của heo được đưa vào hệ thống biogas để tạo gas cung cấp cho máy phát điện phục vụ lại cho trại (đáp ứng 30% nguồn điện của trại). Nước thải được đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn ha cao su trong vùng để tạo nguồn thu và tăng năng suất cho vườn cao su hơn 30%. Nhau thai từ heo được làm thức ăn cho 3.600 con cá sấu nuôi tại trại. Tại đây còn có nhiều ao nuôi cá với sản lượng lớn.
Hướng đến hiện đại nhất thế giới
Ông Hiếu kể, ông đã qua Thái Lan để tìm hiểu mô hình trại của người Thái và nhận ra “trình độ của họ hơn mình, nhưng người Việt chưa làm chứ không phải là không làm được”. Với suy nghĩ đó, toàn bộ vốn liếng tích cóp được, thêm vốn vay từ ngân hàng, ông quyết tâm xây cho được mô hình trang trại này để chứng minh người Việt không hề thua kém. Tổng số vốn ông Hiếu đầu tư vào trại chăn nuôi này đã xấp xỉ 6 triệu USD.
Từ ngày hoàn thiện xong trại heo, ông Hiếu ở luôn trên trại, đến cuối tuần mới về thành phố. Hiện trại heo giống Lộc Phát là mô hình hiện đại, nhiều đoàn nông dân trong nước đã đến tham quan học tập. Thậm chí đoàn doanh nghiệp, nông dân Thái Lan cũng đã lặn lội sang tận đây để mục sở thị trại heo hiện đại này.
“Mô hình trại heo giống này chỉ sau 4 năm rưỡi – 5 năm là thu hồi được vốn đầu tư (hiện đã hoạt động 4 năm)”, ông Hiếu tự tin và cho biết doanh nghiệp của ông hiện đóng thuế đứng thứ hai ở H.Lộc Ninh, đồng thời hé lộ “sẽ còn tiếp tục đầu tư để hoàn thiện trại heo này tốt hơn, hiện đại nhất không chỉ trong khu vực mà trên cả thế giới”.
Quang Thuần
***
Siêu dự án nông nghiệp – Kỳ 2: Trại bò công nghệ cao
Sau gần 6 tháng kể từ khi ra mắt liên minh hợp tác giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Vissan và Công ty NutiFood, tháng 2 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai và các đối tác đã giới thiệu sản phẩm thịt bò tơ Úc, từ nhà máy hiện đại với công nghệ ngang tầm thế giới.
![]() Trang trại bò của HAGL đạt tiêu chuẩn của Úc – Ảnh: HAGL |
Đến trang trại của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Pleiku, 1 trong 5 trang trại của HAGL tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi tận mắt chứng kiến hơn 12.000 con bò đang được chăn nuôi trong một trang trại hiện đại với các quy trình đều tự động và khép kín.
Tiêu chuẩn Úc
Với hơn 700 ha, hầu hết diện tích của trang trại được dành trồng cỏ, bắp để làm thức ăn cho bò. Toàn bộ quy trình chăn nuôi bò đều được cơ giới hóa. Loại cỏ voi mà HAGL trồng là giống cỏ từ Thái Lan với năng suất cao cũng như hàm lượng protein hơn nhiều so với giống cỏ voi VA-06 đang trồng tại VN. Và ngay trong khâu trồng cỏ cũng được HAGL áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, giúp cỏ phát triển quanh năm, năng suất cao và giá thành giảm bởi cỏ có thể trồng một lần và thu hoạch trong 8 năm.
Cỏ sau khi thu hoạch bằng máy sẽ được cắt nhỏ và chuyển đến trạm trộn thức ăn. Tại đây cỏ được máy xúc lật đưa vào bồn trộn để trộn chung với các nguyên liệu khác. Khâu pha trộn thức ăn cũng được lập trình sẵn theo công thức và thời gian cho ăn theo quy định, dựa trên tiêu chí đảm bảo sự tăng trọng và giá thành hợp lý. Bằng quy trình cơ giới hóa, một nhân công điều khiển một chiếc xe trộn có thể chăm sóc cho 1.000 con bò trong một ngày với tất cả các công đoạn từ việc lái xe xúc lật để pha trộn thức ăn đến việc rải thức ăn cho các chuồng bò và dọn dẹp chuồng trại.
Với một hệ thống khép kín từ việc đầu tư vùng nguyên liệu đến chuồng trại, đàn bò của HAGL luôn đạt mục tiêu tăng trưởng 1,5 kg/ngày và sẽ được kiểm tra tăng trọng qua hệ thống cân thủy lực được điều khiển bởi các công nhân lành nghề. Hệ thống cân này còn có nhiệm vụ quét mã chip gắn trên tai trái của mỗi con bò để phục vụ cho việc báo cáo cho các nhà nhập khẩu và đối tác theo quy định, đảm bảo mỗi con bò khi được xuất ra đều đảm bảo cân nặng và chất lượng thịt đồng nhất.
Ông Peter Suton, chuyên gia chăn nuôi của Úc, nhận xét: “Trang trại mà HAGL đầu tư tại đây áp dụng theo đúng tiêu chuẩn của các trang trại tại Úc”. Những con bò sau khi đạt trọng lượng trung bình 500 kg sẽ được chuyển về trạm trung chuyển của HAGL ở Củ Chi để đưa về nhà máy giết mổ của Vissan và phân phối ra thị trường.
Bài toán lợi nhuận
Theo ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhu cầu tiêu thụ cả nước bình quân 3.000 con bò/ngày, trong đó riêng tại TP.HCM là 600 con/ngày. Nhiều năm, nguồn thịt bò cả nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên 70 – 80% phải nhập khẩu từ Thái Lan, Lào, Campuchia và gần đây thay thế bằng nguồn cung cấp từ Úc. Việc đầu tư vào chăn nuôi của HAGL góp phần bình ổn thị trường thực phẩm từ bò, giảm đáng kể việc nhập bò ngoại…
“HAGL đã hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực nhưng chưa có ngành nghề nào có lợi nhuận cao bằng nuôi bò. Vì vậy, chúng tôi sẽ dồn lực để phát triển các dự án nuôi bò sữa lẫn bò thịt. Người dân trong nước sẽ sớm được thưởng thức thịt bò Úc nuôi ngay tại VN. Kế hoạch năm 2016, chúng tôi sẽ nhập con giống từ Úc về nuôi và cho sinh sản tại VN, đến 2017 sẽ có bò tơ VN giống Úc. Ngoài ra, sẽ có thêm bò nhập từ Mỹ”, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, chia sẻ. Theo ông Đức, lợi nhuận từ nuôi bò hơn hẳn các ngành còn lại như: thủy điện, mía đường, bắp, cao su, cọ dầu. Ngay cả dự án khu phức hợp cao cấp Hoàng Anh Myanmar sắp mang về cho tập đoàn khoản thu hàng nghìn tỉ đồng cũng được ông Đức cho là không sánh bằng lợi nhuận từ nuôi bò.
Quang Thuần
***
Siêu dự án nông nghiệp – Kỳ 3: Nguyên liệu cà phê chuẩn quốc tế
03:00 AM – 11/03/2015 TN

Hệ thống tưới trực tiếp đến từng gốc cây cà phê – Ảnh: Trung Nguyên cung cấpỨng dụng kỹ thuật IsraelXã Ea Tul, H.Cư Mgar, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 5.600 ha với 2.038 hộ sống ở 12 thôn, buôn; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 98% với nghề chính là trồng cà phê, cao su, điều, hồ tiêu. Năm 2014, xã đã có 80 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo giảm chỉ còn 6,1%. Thành quả này có sự đóng góp đáng kể của Công ty cà phê Trung Nguyên với dự án “Mô hình nông thôn mới kiểu mẫu” tại Ea Tul. Đây là một trong những hoạt động chiến lược của Công ty Trung Nguyên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm cà phê đặc biệt.
Năm 2012, Trung Nguyên bắt đầu hỗ trợ 100% chi phí để triển khai chuyển giao công nghệ kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel cùng công nghệ phân bón Yara cho nhiều hộ nông dân trong vùng. Hệ thống này phân phối nước trực tiếp đến từng cây cà phê và kết hợp bón phân qua hệ thống tưới bằng các van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng giúp tiết kiệm được 60% lượng nước. Với kỹ thuật này, cà phê vẫn phát triển tốt trong mùa khô. Kết quả, niên vụ vừa qua chi phí đầu tư mỗi héc ta cà phê giảm từ 4 – 5 triệu đồng, trong khi chất lượng vườn cây, năng suất, sản lượng và sản phẩm cà phê nhân đều đạt mức cao. Trung Nguyên cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê nhân với giá thu mua cao hơn 400 đồng/kg so với giá thị trường.
Từ sự liên kết này, thu nhập của người dân nhờ vậy cũng được tăng lên đáng kể. Nếu năm 2011 thu nhập bình quân ở xã Ea Tul chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã đạt 24,5 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ dân có mức kinh tế khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình ông Y Wưl Ayun ở buôn Sah A, sản xuất 7 ha cà phê, 20 ha cao su, tổng thu nhập hơn 3 tỉ đồng/năm và tạo việc làm cho 28 lao động; hay như hộ Y Đhjai Ktla ở buôn Sah B và hộ Ama Len ở buôn Yao, mỗi năm thu nhập 300 – 400 triệu đồng từ trang trại cà phê… Với việc áp dụng công nghệ cao một cách đồng bộ và hiệu quả, vùng trồng cà phê hiện đại Ea Tul đã được một số công ty du lịch đưa vào danh sách những điểm tham quan ấn tượng dành cho du khách.
Nâng giá trị hạt cà phê
Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê trong nước khốn đốn và chỉ có thể gia công, thu mua nguyên liệu bán lại cho nước ngoài thì nỗ lực đầu tư của Trung Nguyên được xem là sự chống chọi khá kiên cường trước xu thế lấn lướt của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Tính chung từ năm 2010 đến nay, Trung Nguyên đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ cho 2.081 ha cà phê và 1.485 hộ nông dân; kết hợp xây thành công 6 mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel và mô hình phân bón Yara mang lại năng suất và chất lượng cao cho cà phê VN, đưa năng lực sản xuất hằng năm là 14.000 tấn nguyên liệu được sử dụng trực tiếp để chế biến 20 loại mặt hàng cung ứng cho toàn cầu, giúp tăng năng suất cà phê trên 30% so với trước đây; chuyển giao thành công công nghệ như làm phân vi sinh từ vỏ cà phê, mô hình trồng xen thảo dược.
Nhờ chủ động được vùng nguyên liệu và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, thị trường tiêu thụ của cà phê Trung Nguyên không ngừng được mở rộng. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như tại Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản… Thương hiệu cà phê Trung Nguyên là thương hiệu đầu tiên của VN được chuyển nhượng ra nước ngoài. Trung Nguyên đã chuyển nhượng thương hiệu tại một số nước như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…
Quang Thuần
***
Siêu dự án nông nghiệp – Kỳ 4: Trại bò sữa hiện đại nhất Đông Nam Á
Trong chưa đầy 10 năm, Công ty CP sữa VN (Vinamilk) đã đầu tư 1.600 tỉ đồng vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, hình thành một hệ thống chuồng trại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Trại bò đạt chứng nhận toàn cầu Global GAP của Vinamilk – Ảnh: Q.T
Đạt chứng nhận toàn cầu
Năm 2014, trang trại chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An của Vinamilk đã được Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P. ConTrolUnion trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP). Toàn bộ đàn bò ở trang trại này là giống bò thuần chủng HF (Holstein Friesian) 100% được nhập từ Úc và New Zealand.
Ngoài giống bò, để có nguồn sữa tươi thuần khiết, khẩu phần ăn cho bò cũng được trộn với tỷ lệ dinh dưỡng tối ưu với thành phần cỏ dinh dưỡng nhập trực tiếp từ Mỹ. Đây là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global GAP chứng nhận và là một trong 3 trang trại tại châu Á đạt tiêu chuẩn quốc tế này.
|
Không dễ để được kết quả đó bởi những điều kiện của Global GAP hết sức gắt gao. Cụ thể như chỉ được thu cắt thức ăn thô xanh khi đã qua thời gian thải trừ và nếu có sử dụng thuốc thì bắt buộc phải là thuốc có trong danh mục được cho phép. Đối với thức ăn tinh không được chứa các nguồn nguyên liệu từ bột cá; thức ăn hỗn hợp phải có xuất xứ; phải có hệ thống xử lý nước thải và rác phải phân loại… Global GAP còn yêu cầu tất cả chuồng trại, lối đi và vách bao quanh không có vật nhọn sắc, góc quẹo, góc chết, góc khuất, nền sàn quá trơn hoặc các máy móc thiết bị gây tổn thương đến vật nuôi…
Cuối năm 2014, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng đã trao danh hiệu “Trang trại bò sữa xuất sắc nhất VN” cho trang trại hiện đại này.
Vươn tầm quốc tế
Vinamilk đang đầu tư xây dựng thêm 4 trang trại quy mô lớn gồm 2 trang trại Thống Nhất và Như Thanh (Thanh Hóa), trang trại ở Hà Tĩnh và Tây Ninh. Hiện tại, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và của nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 80.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 550 tấn sữa tươi nguyên liệu.
Sau khi hoàn thành đầu tư các các trang trại mới, công ty sẽ nâng tổng số đàn bò từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và khoảng 120.000 – 140.000 con vào năm 2020, sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, đạt 1.000 – 1.200 tấn/ngày, đảm bảo nguồn nguyên liệu sữa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, từ năm 2013, Vinamilk còn đầu tư xây dựng hai “siêu” nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng, với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm, giai đoạn 2 (dự kiến triển khai vào 2017) là 800 triệu lít.
Vào tháng 5.2014, Vinamilk đã động thổ xây dựng nhà máy tại Campuchia. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk có tỷ lệ nắm giữ sở hữu 51%. Năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động doanh thu năm đầu tiên ước tính đạt khoảng 35 triệu USD và tăng dần qua các năm sau.
Vinamilk cũng vừa nhận giấy phép đầu tư vào Ba Lan, với quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này sẽ đóng vai trò cung cấp nông sản và gia súc để hỗ trợ sản xuất cốt lõi của Vinamilk các sản phẩm sữa, đồ uống và thực phẩm. Đồng thời, dự án còn là cửa ngõ cho Vinamilk tiếp cận và mở rộng ở thị trường châu Âu.
Ngoài những dự án đã thực hiện, Vinamilk cũng đang xem xét khả năng đầu tư vào Myanmar và một số nước khác.
Quang Thuần
***
Siêu dự án nông nghiệp – Kỳ 5: Làm gạo hữu cơ
09:01 AM – 13/03/2015 TN
Trăn trở trước thực trạng một quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạonhưng chưa có một thương hiệu gạo được thế giới biết đến; trong nước thì người nông dân vẫn nghèo, người dân vẫn phải ăn gạo kém chất lượng, ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viễn Phú, đã nghiên cứu đầu tư làm gạo hữu cơ lấy thương hiệu Hoa Sữa (HoaSuaFood).
Canh tác trên cánh đồng lúa hữu cơ – Ảnh: N.N
Tham vọng thay đổi gạo VN
“Khi bắt đầu phát triển vùng nguyên liệu, điều khó nhất của tôi là những vùng đất vốn được coi là vựa lúa phía nam như Long An, Tiền Giang đều bị nhiễm độc từ phân bón hóa học và hóa chất diệt sâu rầy. Đất như vậy không thể trồng lúa hữu cơ”, ông Khải cho biết. Một số bạn bè sau khi nghe ông trình bày nhu cầu tìm đất còn “sơ khai” để trồng lúa sạch, họ bảo ông về vùng đất ven rừng U Minh ở tỉnh Cà Mau, nhưng cũng cảnh báo ở đó đất không màu mỡ, nhiễm phèn và cần đầu tư canh tác rất nhiều. “Đất chết của người khác là đất sống của mình”, ông Khải tự nhủ và khăn gói về Cà Mau trong bối cảnh vùng đất chưa có đường, điện, nước sạch. “Chỉ có lau sậy, rắn rết và rất nhiều muỗi. Nhưng tôi quyết định mua và cùng nhà nông canh tác 320 ha đất ở đây để thực hiện giấc mơ làm gạo sạch 100% đúng nghĩa”, ông Khải nhớ lại.
Phải mất đến 3 năm, đầu tư hết vốn liếng để làm thủy lợi, nghiên cứu giống, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói, kho… để làm gạo. “Nghiên cứu của chúng tôi là làm thế nào để thay đổi cấu trúc bên trong của hạt gạo, tăng một số đặc tính sinh học như chất chống ô xy hóa cao, chỉ số đường huyết thấp, chất xơ tăng lên nhiều lần…”, ông Khải cho biết.
Không những tạo giống lúa mới đáp ứng nhu cầu trên, Công ty Viễn Phú nghiên cứu thay đổi phương pháp canh tác, tăng dược tính sinh học nhằm có sản phẩm gạo phòng và chữa một số bệnh về tim mạch, ung thư, gan…
Để làm được những hạt gạo sạch đúng nghĩa “bio”, khi chưa có những chất hữu cơ diệt sâu rầy, ông thuê người nhổ cỏ bằng tay, đêm đốt đèn bẫy sâu rầy, nuôi cá và thả vịt vào ăn sâu rầy… Đến nay, Viễn Phú đã sở hữu 6 giống gạo hữu cơ gồm: gạo trắng sữa, gạo màu, gạo tím, gạo đỏ, gạo đen và gạo Gaba.
Theo ông Khải, tuy có các thành phần dinh dưỡng khác nhau song đặc tính chung của các loại gạo này là phòng và trị một số bệnh mãn tính, giảm rối loạn tiền đình, ổn định đường huyết và giảm béo… Năm 2014, Hoa Sữa được tổ chức giám định ControlUnion của Hà Lan trao chứng nhận là nhãn hiệu gạo hữu cơ Bio Organic, đạt chuẩn cao nhất của Mỹ USDA và EU. Đây cũng là thương hiệu gạo VN duy nhất nhận chứng nhận này, ông Khải cho biết.
Cung mới chỉ đạt 1%
Ông Khải cho biết: “Nhu cầu thị trường thế giới đối với gạo hữu cơ hiện là 100, nhưng khả năng cung cấp của công ty chỉ mới được 1. Nhu cầu thế giới đang cực kỳ cao và chúng tôi chưa bao giờ gặp khó khăn tìm đầu ra. Khách hàng tự tìm đến chúng tôi đặt hàng, nhưng sản phẩm làm ra luôn trong tình trạng cung không đủ cầu”.
Với 320 ha lúa hữu cơ sở hữu, ông Khải đã đầu tư hơn 3 triệu USD tính đến thời điểm này. Theo tính toán của ông Khải, trong dự án nói trên, tiền làm hạ tầng và vốn lưu động để làm giống trồng lúa hữu cơ trên vùng đất mới như kế hoạch trước đây khoảng 2.000 – 2.500 USD/ha đất. “10.000 ha đất cần 20 triệu USD. Con số đó không lớn so với tiềm lực của nhiều nhà đầu tư, so với tham vọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo phương pháp công nghệ cao. Song tôi gõ cửa nào cũng thấy im ỉm đóng, nản quá. Nay tôi quyết định ngưng và bằng lòng với những gì đang làm được”, ông Khải cho biết và nói thêm: “Những nhà tiên phong đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao không tham vọng được nhà nước hỗ trợ hơn người khác, chỉ muốn có một cơ chế rõ ràng, minh bạch và công bằng hơn”.
Nguyên Nga
***
Siêu dự án nông nghiệp – Kỳ 6: Nuôi tôm trong nhà
Dự án nuôi tôm trong nhà do Công ty CP chăn nuôi C.P VN đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên-Huế được xem là mô hình đầu tiên triển khai tại VN với quy mô lớn nhất trên thế giới.
Siêu thâm canh
Hiện Công ty C.P đang có 3 trang trại nuôi tôm trong nhà ở Thừa Thiên-Huế với diện tích lên đến 215 ha theo hình thức siêu thâm canh. Ông Yuttana Thongphur – Phó tổng giám đốc cấp cao C.P – cho biết ở miền Nam môi trường thuận lợi có thể nuôi tôm được quanh năm, trong khi đó ở miền Trung và miền Bắc thời tiết khắc nghiệt hơn rất nhiều, do đó muốn phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp ở vùng này chỉ có cách xây nhà cho tôm. Thực chất mô hình này ra đời từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo công nghệ Raceway. Vì để có thể thực hiện bắt buộc phải xây dựng nhà kín để kiểm soát hết tất cả các yếu tố về môi trường như: nhiệt độ, mầm bệnh trong tự nhiên, các tiêu chuẩn an toàn sinh học… Hiện đây là mô hình rất có triển vọng được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả.
C.P đã đầu tư 32 triệu USD xây dựng các trang trại nuôi tôm trong nhà tại xã Điền Hương, Điền Môn và Điền Lộc, H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) trên diện tích lên đến 215 ha.
Theo quy trình, tôm giống được chăm sóc trong ao ương khoảng 25 ngày với môi trường đảm bảo tôm sạch bệnh, tỷ lệ sống cao. Thức ăn cho tôm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn, không chứa các chất cấm sử dụng theo quy định. Sử dụng hệ thống an toàn sinh học trong trại nuôi như hệ thống xử lý ao, lưới ngăn dịch hại, hệ thống khử trùng tay chân người lao động trước khi vào ao nuôi… Với việc áp dụng triệt để 4 yếu tố con giống, thức ăn, chương trình quản lý ao nuôi và hệ thống bảo vệ chống sự lây lan từ bên ngoài, chất lượng tôm ở đây rất đảm bảo, có thể đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính.
Hiện Công ty C.P có 151 ao nuôi tôm khép kín, ước tổng sản lượng tôm thương phẩm khoảng 38.000 tấn/năm. Đặc biệt một năm có thể nuôi được 4 vụ tôm thương phẩm và đạt sản lượng khoảng 45 tấn/ha. Năm 2012, Công ty C.P cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn trên diện tích 17 ha (diện tích dự án, diện tích sử dụng 8 ha) với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Nhà máy có công suất lên đến 9.000 tấn thành phẩm/năm, sử dụng 12.000 lao động. Đây là mô hình hoạt động khép kín duy nhất ở tỉnh Thừa Thiên-Huế (đến thời điểm này) đối với con tôm.
Ông Chingchai Lohawatanakul – Chủ tịch Ban điều hành Tập đoàn C.P Thái Lan – cho biết đến nay tập đoàn đã có 5 dự án đầu tư tại Thừa Thiên-Huế, tập trung các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi tôm, chăn nuôi với tổng giá trị đầu tư gần 65 triệu USD. Tập đoàn cũng đã đưa vào vận hành nhà máy đông lạnh có diện tích 15 ha, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Nhà máy có công suất từ 10.000 – 12.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Mục tiêu là trực tiếp cung cấp nguyên liệu, sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ người nuôi tôm.
Chuyển giao công nghệ sạch
Lãnh đạo Công ty C.P VN cho biết chiến lược phát triển trong những năm tới là mở rộng diện tích nuôi tôm thương phẩm trên vùng cát ở H.Phong Điền, xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống để phục vụ việc nuôi tôm tại chỗ và cung cấp giống tôm cho người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và các vùng lân cận. Từng bước C.P VN sẽ chuyển giao công nghệ và việc điều hành, quản lý các cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến cho người VN.
Ông Yuttana Thongphur cho biết: “Năm 2015, C.P tiếp tục hướng dẫn và chuyển giao công nghệ nuôi tôm sạch, năng suất cao cho người dân. Ở vùng ĐBSCL, cũng là mô hình nuôi “indoor” nhưng chúng tôi có vài cải tiến nhỏ nhằm hợp lý hóa. Chúng tôi khuyến khích bà con nuôi tôm làm hệ thống an toàn sinh học, phải có ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng… Những năm tới, chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành liên quan, Bộ chủ quản quan tâm chú trọng nhiều hơn đến phổ biến rộng rãi các kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến hiện nay cho bà con nông dân, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất giống để có nguồn giống tốt, có biện pháp kiểm soát được tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, chế phẩm sinh học…”.
Quang Thuần
***
Siêu dự án nông nghiệp – Kỳ 7: Làng rau ‘thần kỳ’ kiểu Nhật
03:00 AM – 15/03/2015 TN
Dự án hợp tác trồng rau theo mô hình “làng thần kỳ” Nhật Bản sau 1 năm hoạt động đang mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng.
Thu hoạch xà lách khi mặt trời chưa mọc ở “làng thần kỳ” Đạ Nghịt – Ảnh: Lâm Viên
|
Làng Kawakami, huyện Minamisaku, tỉnh Nagano Nhật Bản, vốn là vùng đất cằn cỗi, nhưng nhờ trồng rau xà lách mà trở nên giàu có và nổi tiếng khắp nước Nhật, được người Nhật gọi là “làng thần kỳ”. Tháng 11.2013, qua kết nối của Quỹ đầu tư HT Capital tại VN, hai nông dân Nhật là Masahito (34 tuổi) và Takaya Hanaoka (35 tuổi) thuộc Công ty Lacue “làng thần kỳ” Nhật Bản tới Đà Lạt tìm hiểu khí hậu, thổ nhưỡng, tìm đất để tổ chức sản xuất rau sạch theo kiểu Nhật. Sau đó, họ tìm được đối tác là Công ty An Phú Đà Lạt, thành lập liên doanh Công ty An Phu Lacue để trồng xà lách tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương (Lâm Đồng). Ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Công ty An Phú Đà Lạt, cho biết: “Liên doanh này kéo dài trong 20 năm, An Phú Đà Lạt góp 25% vốn và đất canh tác, phía Nhật góp 75% vốn và công nghệ”.
Từ tháng 2.2014, An Phú Lacue gieo trồng thử nghiệm 13 loại giống rau để chọn 4-5 giống phù hợp nhất canh tác lâu dài, trong đó có 0,5 ha xà lách Mỹ đầu tiên được trồng. Trước khi trồng, đất được xử lý kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và bổ sung dinh dưỡng hữu cơ; còn công nghệ canh tác dựa theo mô hình của “làng thần kỳ”. Những chuyên gia nông dân Nhật Bản lập trình hẳn một phần mềm để quản lý đồng ruộng cho trang trại An Phu Lacue. Loại giống rau nào, trồng trên lô đất nào, có bao nhiêu luống, bao nhiêu cây, lượng phân cho từng loại bón vào thời kỳ nào được chi tiết hóa…
Sau 70 ngày gieo trồng, vụ xà lách Mỹ đầu tiên cho thu hoạch. Anh Takaya Hanaoka cho biết rau được thu hoạch khi mặt trời chưa mọc để bảo đảm độ tươi ngon trong quá trình bảo quản và phân phối đến người tiêu dùng. Xà lách từ trang trại được vận chuyển bằng xe lạnh chuyên dùng về điểm sơ chế, đóng bao, làm lạnh bằng phương pháp hút chân không và đưa vào kho lạnh bảo quản ở nhiệt độ thấp cho tới khi phân phối đến người tiêu dùng.
Hiện nay, xà lách của “làng thần kỳ Đạ Nghịt” được tiêu thụ tại các siêu thị ở TP.HCM và các nhà hàng phục vụ khách nước ngoài ở nhiều tỉnh thành trong nước, cung cấp cho siêu thị Nhật Bản ở Phnom Penh (Campuchia). Ông Nguyễn Văn Thành cho biết giá rau xuất xưởng từ 32.000 – 35.000 đồng/búp, hoặc 40.000 đồng/kg, hiện cung không đủ cầu.
Xà lách trồng tại Đạ Nghịt nhưng vật tư, phân bón đều được đưa từ Nhật Bản qua, giống rau nhập từ Mỹ, nên chất lượng rau tương đương trồng tại làng Kawakami. Hiện An Phu Lacue đang nâng dần diện tích canh tác từ 4 ha ban đầu lên 8 ha, trồng các loại xà lách, rô men, lơ xanh… giống nhập từ Nhật, Mỹ.
Ông Hironori Tsuchiya, Giám đốc Quỹ đầu tư HT Capital tại VN, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Phu Lacue, cho biết đây là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp cho nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng), trước mắt phía Nhật Bản mang công nghệ, đưa chuyên gia sang hướng dẫn trực tiếp, trong tương lai sẽ đưa một số nông dân trẻ VN qua “làng thần kỳ” học tập và thực hành trực tiếp. Còn theo ông Thành, cuối tháng 3.2015, nếu việc ký kết xuất khẩu xà lách với phía Đài Loan thành công thì mỗi tuần An Phu Lacue phải cung ứng từ 30 đến 40 tấn xà lách. “Để có đủ lượng hàng, An Phu Lacue sẽ liên kết với các hộ nông dân để chuyển giao kỹ thuật canh tác và tăng diện tích lên trên 20 ha”, ông Thành nói.
Lâm Viên