Chợt Nhìn Thấy Trên Đường Phố…

Tản văn, Phạm Nga

1.

Vào giờ tan sở chiều, đường Nguyễn Thái Sơn thường đông nghẹt xe cộ đổ về hướng chợ Gò Vấp. Vậy mà ở gần một cây xăng, nhiều lúc lại thấy một cậu thanh niên ăn mặc rách rưới, cứ quì dưới lòng đường, ú ớ mời thiên hạ mua vé số, mặc cho những chiếc xe hai bánh phải lách tránh hay lướt sát bên cạnh cậu ta. Thỉnh thoảng cũng có người dừng xe lại bên anh chàng đang làm trò nguy hiểm này để mua nhanh một, hai tấm.

Chợt nhận ra một điều hơi khác thường là cậu thanh niên để cho hai ống quần dài thậm thượt phủ kín đôi chân của mình, tôi thoáng nghĩ chỉ vì tội nghiệp mà có vài người bỏ công dừng xe lại để mua giúp vé số cho cậu, chứ họ đã không hơi đâu mà chú tâm xem cho kỹ cặp giò đang ẩn dấu trong hai ống quần kia có đúng là tật nguyền, què quặt không.

Tôi chợt nhớ đến một chị phụ nữ, có vẻ khật khùng, mà tôi thường gặp ở đường Lê Duẩn, quận 1. Cứ đến giấc gần gần 4 giờ chiều – hạn cuối cùng để những người bán vé số dạo có thể đem trả lại số vé không bán được cho các đại lý –  là chị cũng xuống quì dưới lòng đường, ràn rụa nước mắt, van nài mọi người mua dùm mấy tấm vé số mà chị cam đoan là “Dạ con chỉ còn mấy vé này thôi!“. Lại cũng có người – trong số đó có tôi – động lòng trắc ẩn, đồng ý “giải quyết” dùm chị mấy-vé-cuối-cùng, mà không biết rằng mình mới vừa rồ xe chạy đi là lập tức chị ta lấy trong túi áo ra thêm mấy vé nữa bán tiếp…

Sau khi mua vé số, tức tham dự vào hoạt cảnh khá gây ấn tượng của cậu thanh niên và chị phụ nữ nói trên, chắc hẳn người ta không còn gì để bận tâm. Dù cho có ai đó vạch ra chuyện hai người bán vé số kia chỉ làm bộ tật nguyền hay tỏ vẻ đang bị rơi vào hoàn cảnh bức bách, để lợi dụng tâm lý muốn “làm phước” của mọi người đi nữa thì cũng không sao cả. Mua vé số còn là chuyện cầu may mắn cho chính người mua, dù là mua của một em bé, một cụ già hay một “diễn viên” đường phố cũng vậy thôi. Vậy có gì đâu phải áy náy, nghĩ suy? Người ta còn có thể bật cười khi biết được thực chất cách tiếp thị, chào mời ma mãnh của người bán vé số nói trên.

2.

Cũng trên đường phố, đôi khi chợt có những hình ảnh khác, không sống động bằng hoạt cảnh người quì bán vé số nhưng lại có gì đó, buộc chúng ta suy nghĩ. Như một lần, tôi đang chạy xe sát bên một chiếc xích lô thì ở chiều ngược lại, một chiếc xe tang xuất hiện. Rõ ràng là anh xích lô đang vất vả nhấn bàn đạp – có thể do còn mối quen đang chờ anh hay người khách ngồi trên xe đang vội… – nhưng anh vẫn kịp giở chiếc nón đang đội trên đầu xuống ấp vào ngực khi xe tang đến gần. Còn vị khách thì vẫn thản nhiên, chễm chệ ngồi yên trên xe, mắt nhìn bâng quơ…

Tôi chợt nhận ra mình vừa đánh mất một thói quen tốt mà mình đã được dạy dỗ từ tấm bé. Không có gì trọng đại, lớn lao nhưng cách giáo dục rất bình thường của nhà trường cũng như của gia đình thời trước đã dạy trẻ con chúng tôi thời ấy rằng, khi gặp một đám tang ngoài đường là phải giở nón, cúi đầu. Đó là hành vi của một con người có-giáo-dục nhằm tôn kính người quá cố, bất kể người chết là ai, giàu nghèo thế nào, có quan hệ quen biết với mình hay không. Vậy mà vừa rồi, tôi chỉ trơ mắt ra nhìn!

Tôi càng cảm thấy xấu hỗ hơn khi nhớ ra cử chỉ lấy nón ấp vào ngực của anh xích lô đã được vẽ đi vẽ lại nhiều lần trong bộ sách hình Lucky Luke. Vâng, tuy đơn thuần chỉ là bộ truyện giải trí hài hước, chuyên ‘dụ’ bọn con nít như tôi một thời nhưng đáng khen là những cuốn sách hình này cũng còn biết đưa ra hình ảnh tốt đẹp, gián tiếp mang tính giáo dục nhân cách đạo đức của trẻ em, đó là những anh chàng cao bồi kính cẩn giở nón, nhắm mắt, cúi đầu trước cái xe ngựa đen ngòm của ông đạo tì chở xác một anh cao bồi nào đó vừa bị hạ gục trong màn thách đấu “bắn chậm thì chết”… Không lẽ ngày giờ này, vì lý do (hay nhân danh?) cuộc sống chất chồng khó khăn mà tôi, cùng nhiều người khác, đã không còn nhớ, không còn biết làm một cử chỉ có-giáo-dục rất đơn giản như anh xích lô nghèo mạt kia? Hay do thầm lặng chịu ảnh hưởng từ một mảnh vụn tiềm thức mong muốn hòa đồng với đám đông, muốn “hợp thời trang” trong cư xử buổi ấy, tôi đã sợ mình “không giống ai” mà tự kềm chế, không cho mình lộ ra một cử chỉ có thể bị liệt vào “bản chất tiểu tư sản”, “tư tưởng còn tiêu cực” như theo kiểu đánh giá rất tả khuynh của ai đó một thời…

3.

Một lần khác, cũng là một cảnh tượng thoáng thấy ngoài phố, còn đè nặng dai dẳng hơn trong cảm nghĩ của tôi.

Vào giữa những năm 80, ở chỗ tôi làm việc, một cơ quan hành chánh sự nghiệp thuộc ngành văn hóa – thông tin một quận nội thành, lương căn bản rất ít ỏi nên ai nấy chỉ trông chờ vào phần hỗ trợ quí báu từ các các công ty kinh doanh, sản xuất cùng thống thuộc UBND quận, hay từ hoạt động “ba lợi ích” tại cơ quan, như việc giữ xe, mở căn-tin, cho thuê mặt bằng còn trống.v.v… Phần ngoại bỗng này được sung vào quĩ khen thưởng, hằng tháng sẽ trích ra dưới hình thức ‘tiền khen thưởng tháng’, là dựa vào kết quả bình chọn thi đua công tác trong tháng của tập thể công nhân viên, gọi tắt là “tiền ABC”. Ai công tác tốt – theo nghĩa chỉ cần hoàn thành  phần hành được giao và không có lỗi, vi phạm nào đáng kể – sẽ được bầu là hạng A. Công tác cũng bình thường như thế nhưng có sai phạm nhỏ (như không có mặt dự 1 buổi đọc báo mở đầu cho tầm làm việc buổi sáng hay đến trễ quá 5 phút trong 3 buổi đọc báo kiểu này) thì hạng B. Còn sai phạm nhiều (như bỏ từ 2 buổi đọc báo trở lên, đến trễ trong 5 buổi đọc báo trở lên, nghỉ không xin phép, bỏ trực đêm… ) thì xuống hạng C. Và xuống một hạng thi đua có nghĩa là mất cả trăm ngàn đồng so với bậc hạng hàng trên.

Ví dụ tháng này, kèm theo lương căn bản khoảng 600,000 đồng, tôi được tập thể anh chị em cùng phòng bình chọn hạng A nên được lãnh thêm “tiền ABC” là 300,000 đồng. Còn tháng sau đó, vì đến trễ trong 3 buổi đọc báo, tôi bị xuống hạng B, chỉ còn lãnh thêm có 200,000 đồng.

Nghiệt ngã cho cái trò toàn thể công nhân viên phải răng rắc có mặt trong 10 phút đọc báo sáng, bắt đầu vào đúng 7 giờ 30! Rất khó chứng minh là cá nhân mình bị kẹt xe hay bị hư xe dọc đường vì rất dễ hiểu về cái tâm lý thầm lặng của tập thể là chỉ mong cho có thật nhiều đồng nghiệp bị xuống hạng dưới để số tiền của bậc hạng của mình càng được đôn lên.

Do đó, sáng nào tôi cũng phải dắt xe ra đường thật sớm, vội vội vàng vàng bỏ con gái tôi ở nhà trẻ rồi còn lại thì tôi được chừng mươi phút để ghé một hàng cà phê cóc lề đường. Trong điều kiện thời gian co cứng như thế, tôi lại không thể nào bỏ qua ly cà phê sáng nên thường là gói xôi hay ổ bánh mì sẽ được lôi ra khỏi túi đi làm vào một lúc nào đó trong giờ làm việc.

Vậy mà một sáng nọ, khi bị ngừng đèn đỏ ở ngã tư Phú Nhuận nhưng vẫn an tâm là mình sẽ đến kịp giờ đọc báo, tôi chợt nhìn thấy một bé gái, bé nhỏ lắm, chắc học cỡ lớp 3 hay lớp 4. Bước chậm chạp trên vỉa hè, bé gái vừa khóc thút thít vừa cắm cúi nhìn xuống đất, kiếm tìm một vật gì đó. Có lẽ cháu đã sơ ý đánh rơi một cây bút, một cục tẩy, một cái huy hiệu… hay một vật nhỏ bé, rẻ tiền, chẳng có ý nghĩa gì đối với ai khác nhưng nhất định là rất quan trọng đối với cháu nên những nỗi lo lắng, sợ hãi đang làm tối ám cả cái khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương.

Và Trời ạ, dù có tìm lại được hay không thể tìm được vật đánh rơi, cháu bé còn sợ chuyện bị trễ giờ học nữa! Nghĩa là giữa cái cuộc sống đã ô nhiễm bởi đủ thứ như bụi bậm, khói xe, nước thải, tiếng động…, ngày ngày mọi người lại còn bị tấn công bởi một thứ ô nhiễm về tinh thần, tâm lý nữa – đó là tình trạng stress vì thường xuyên sợ trễ nải chuyện này, chậm mất việc kia. Vừa bị mất mát một món đồ cần thiết nào đó, lại vừa sợ trễ giờ học do đi tìm vật đó, chưa lúc nào mà tâm hồn tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng của bé gái kia bị vùi dập, bị gây tổn thương quá sức nặng nề như thế!

Ngồi bất động trên xe đạp của mình trong trùng vây của nhiều chiếc xe 2 bánh khác, tôi cảm thấy mình bất lực, không thể giúp gì cho bé gái. Bất lực một cách hèn mọn vì chính tôi, không phải chỉ vào lúc này mà đã từ lâu rồi, luôn luôn sợ hãi, lo nghĩ về việc bị trễ giờ đọc báo sáng. Cứ sáng ra là nỗi ám ảnh chó má ấy cứ ngạo nghễ chiếm lấy đầu óc tôi. Hiện giờ nó càng ngạo mạn, làm nhục tôi hơn nữa  – bởi tháng trước, cũng bởi một lý do bất khả kháng là hư xe dọc đường mà đi làm muộn, bỏ đọc báo, tôi lại bị xuống hạng thi đua, mất đứt 100,000 đồng trong khi vợ chồng tôi thì lúc nào cũng túng bấn. Đó là chưa nói đến vấn đề có thể bị đánh giá thấp về năng lực và đạo đức công chức một khi anh cứ è ạch mãi ở hạng B, hạng C hằng tháng, dù chỉ vì… anh thường đến trễ giờ đọc báo sáng chứ không phải do anh tham nhũng, bón xén của công đem về nhà, hay hủ hóa (tức quan hệ nam nữ thiếu trong sáng), quấy rối tình dục đồng nghiệp nữ hay kém cỏi năng lực nghiệp vụ…

Đúng là khi chợt chứng kiến thảm cảnh của bé gái, tôi gần như chết cứng, vô tích sự vì, làm sao tôi có thể thuyết phục được quí ông quí bà đồng nghiệp ở cơ quan, để họ tán thành việc giúp đỡ một đứa bé chẳng quen biết ngoài đường là lý do chính đáng cho lần bỏ tôi đọc báo sáng ấy?

Cũng giờ giấc căng thẳng ấy, cả một đám đông người ngợm, xe cộ ồn ào, náo nhiệt xung quanh tôi thật ra cũng đang ù lì, bất động, theo nghĩa thiên hạ cứ dửng dưng khi nhìn thấy một em bé khóc lóc, cuống quýt tìm kiếm một vật đánh rơi mà không ai thèm bỏ ít phút hỏi thăm hay cùng đi tìm giúp cháu bé.

Lâu nay, đối với nhiều người trong chúng ta, thái độ dửng dưng, phớt tỉnh trước cảnh tượng người bị tai nạn giao thông, người già yếu, tật nguyền xin ăn rất tội nghiệp ngoài đường phố, đã được họ ngầm mặc nhận là thái độ bình thường ‘ai cũng vậy’, có khi còn được xem là khôn ngoan, thận trọng…, không để bọn giả dạng già, tật lừa xin tiền. Nhưng nếu tình cờ, việc giúp đỡ nhỏ nhoi –  hiếm khi cần đến nhưng phải làm, nên làm – đối với một đứa bé ngoài đường hẳn là chuyện “ruồi bu”, “rách việc”. Vậy phải chờ đến một tình huống hết sức bức bối nào khác, hệ trọng đến nổi có mặt cả nhà báo hay camera đài truyền hình – thì người lớn chúng ta mới chìa bàn tay ra cho em bé? Hay ai nấy cũng đều đang quẫn bách, bận bịu và… sợ hãi một cách hèn mọn như tôi nên giờ này, đã không hề thấy một ai chịu khó dắt xe lên lề – tách khỏi đám đông vô cảm – để giúp đỡ đứa bé, dù chỉ là một lời hỏi han, an ủi.

Nỗi ray rức, tự trách trong tôi lại dấy lên trong một lần tôi xem tivi. Đó là Adamo, một danh ca người Pháp với bản La Nuit bất hủ trong thập niên 70, và trong chương trình ca nhạc EuroVision đêm đó, mái tóc Adamo đã bạc trắng bởi thời gian, ông lại hát một bài hát khác, cũng ngậm ngùi, thiết tha như ngày nào. Bài hát mà tôi không nghe kịp cái tựa nhưng đã làm tôi quặn đau tâm tưởng, cảm xúc đến lặng người. Adamo già nua đã tâm sự trước khi hát, rằng bài hát này ông dành riêng cho bất cứ em bé nào trên cõi đời này, đã khóc mà không có ai đến hỏi han, dỗ dành, an ủi…

Chẳng bao lâu sau, tôi lẳng lặng nghỉ việc, rời bỏ cái cơ quan có tổ chức đọc báo buổi sáng để rồi thẳng tay trừ tiền “cho thêm” hằng tháng đối với đứa nhân viên nào bỏ nghe đọc báo hoặc đến trễ, dù cho phần tiền cho thêm ấy chẳng qua là tiền miễn cưỡng hỗ trợ từ những công ty, doanh nghiệp chỉ tập trung làm ăn, sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, chứ không hơi đâu tổ chức đọc báo sáng.

 

Vài năm sau, nhờ Trời thương, nghề buôn chuyến hàng tạp hóa linh tinh của vợ chổng tôi cũng khấm khá. Mỗi buổi sáng, trước khi đi lấy hàng hay gởi hàng, tôi thường có rộng rãi thì giờ để dong xe honda ra đường, ghé một cái quán vừa ý, nhâm nhi tách cà phê, tán gẫu với bạn bè. Và nếu thích, tôi có thể thong thả mà liếc sơ qua tờ báo mới ra ngày hôm đó, chứ không còn ai có quyền bắt tôi phải hối hả chạy đến chỗ làm, dự nghe 10 phút đọc báo sáng, rồi thẳng tay “cướp cơm chim”, trừ đi thu nhập ít ỏi của tôi nếu tôi vi phạm qui định phải dự đọc báo. Tôi không còn nợ nần gì đối với cái cơ chế sinh hoạt công chức chỉ nặng hình thức vô bổ như trên vì bên trong cái trò công nhân viên phải tụ họp nghe đọc báo ấy, thật nhục nhã là ai nấy chỉ mong mỏi bạn đồng nghiệp mắc lỗi này lỗi khác, để chúng nó bị hạ bậc thì mình mới được tăng tiền ‘ABC tháng’…

Nhưng có lẽ trong suốt phần đời còn lại, tôi vẫn luôn luôn nặng mang một vấn nạn lương tâm, một thiếu sót nặng nề ở vai trò người lớn, đối với một em bé mà tôi – cùng cả nhiều người lớn khác – tình cờ gặp trên phố, trong hoàn cảnh cháu khổ sở và lo lắng, rất cần được giúp đỡ khi lỡ đánh rơi một món vật rất quan trọng đối với cháu. Không biết ai khác trong cái đám đông vô cảm vào buổi sáng hôm ấy đã cảm, đã nghĩ gì, riêng tôi thì nghĩ mình đã mắc một món nợ cuộc đời – món nợ nặng nề do không dính đến vật chất, tiền bạc mà lại dính đến tình người, cách cư xử giữa người với người.

 

PHẠM NGA

4 bình luận về “Chợt Nhìn Thấy Trên Đường Phố…

  1. Bi kịch một thời,
    Và bây giờ thì có những bi kịch khác.

    Nhưng không phải chỉ có bi kịch,
    Còn có những người như anh xích lô, như anh.
    Và rất rất nhiều người đồng cảm khác.

    Cảm ơn anh!

    Thích

Bình luận về bài viết này