UN – Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) đối phó với những thách thức phát triển ở mọi nơi trên thế giới – và chính bản thân người đứng đầu tổ chức – Richard Dictus đã chứng kiến nhiều vấn đề phát triển.
Trong suốt hơn 25 năm trong sự nghiệp của mình, ông Richard Dictus đã làm việc trong các cơ quan khác nhau của Liên Hợp Quốc. Ông từng làm việc tại Malawi, Yemen, Sudan, Lesotho, Bangladesh, Pakistan, Fiji và tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Trang tin Devex trò chuyện với Dictus để tìm hiểu lý do tại sao Dictus tin rằng tình nguyện viên có thể đi tiên phong trong những thay đổi cần thiết nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Dưới đây là một đoạn trích từ cuộc đối thoại đó.
Mục tiêu SDG đầu tiên được đề xuất là “chấm dứt đói nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi”. Vậy những tình nguyện viên có thể tác động ra sao đến việc giảm nghèo?
Việc giảm nghèo sẽ không thể xảy ra nếu chỉ dựa vào các chính sách của chính phủ, đầu tư công và đầu tư tư nhân. Cái nghèo không chỉ đơn thuần là nghèo về thu nhập. Nghèo đa chiều bao gồm cả những vấn đề về giáo dục, y tế và các cơ hội.
Khi tham gia vào hoạt động tình nguyện, sẽ có nhiều cơ hội mở ra giúp tiếp thu các kỹ năng và quan điểm mới mẻ. Khi bản thân các tình nguyện viên đảm nhận nhiều công tác nhờ các kỹ năng và quan điểm mới trên, qua đó mọi người sẽ nhận ra nhiều cơ hội, khả năng mới. Đồng thời, vẫn thiếu hiểu biết đầy đủ về tác động từ lợi ích của hoạt động tình nguyện tới tình trạng nghèo.
Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng nếu chỉ với mức thu nhập cao hơn không đồng nghĩa với mức sống và sự thịnh vượng sẽ tăng lên. Cần có những cá nhân đóng vai trò truyền dẫn, thúc đẩy cộng đồng thay đổi hành vi.
Tầm quan trọng của các tình nguyện viên trong việc thúc đẩy phát triển bền vững?
Hơn 2.500 tình nguyện viên thanh niên đã được huy động ở Guinea trong 30 ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng Ebola nhằm truyền đạt tầm quan trọng của vệ sinh cá nhân và những biện pháp khác người dân có thể làm để tự bảo vệ mình. Mỗi năm có 5.000 thanh niên ở Togo đã tự nguyện đóng góp các kỹ năng và kiến thức của mình thông qua một chương trình do chính phủ tài trợ để thúc đẩy các dịch vụ xã hội ở khu vực nông thôn. Trên đây là hai ví dụ về cách tình nguyện viên đã giải quyết một số vấn đề phức tạp.
Các tình nguyện viên cũng có thể giúp đưa tiếng nói của người dân vào các cuộc tranh luận. Cuộc khảo sát Thế giới của tôi (My World) đã mang lại tiếng nói của 7.000.000 người dân từ các vùng xa xôi nhất của thế giới. Các tình nguyện viên đã đóng góp trong việc dịch bản điều tra sang ngôn ngữ của các bộ tộc khác nhau, và đưa bản điều tra này đến với cộng đồng nông thôn để đảm bảo rằng ngay cả những người ở những vùng xa xôi nhất và đôi khi cũng là những người bị thiệt thòi nhất có thể cất tiếng nói của chính họ trong các cuộc tranh luận toàn cầu.
Tương tự như vậy, trong quá trình áp dụng các mục tiêu SDGs vào từng khu vực, tiếng nói của người dân có vai trò vô cùng quan trọng. Sự có mặt của các tình nguyện viên nhằm đảm bảo người dân được lắng nghe ngay cả khi trong các tình huống cực kỳ phức tạp, khó khăn hoặc ở nơi khó có thể tiếp cận với người dân.
Việc để các tình nguyện viên cũng như những người khác có nhận thức về SDGs quan trọng như thế nào?
Nhiều mục tiêu trong số các mục tiêu SDGs kêu gọi mọi người hành xử một cách khác biệt. Nếu bạn nhìn vào các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), có một lời kêu gọi đằng sau mục tiêu về HIV để mọi người thay đổi ứng xử của họ đối với các hành vi và giới tính của con người. Điều đó đòi hỏi thay đổi trong chính đời sống và ứng xử của những người tình nguyện. Và những tình nguyện viên cũng rất sẵn sàng tự thách thức chính mình để hiểu rõ, đồng thời giải thích được cho người khác tầm quan trọng của việc thay đổi cách ứng xử, tại sao lại cần phải làm xét nghiệm, tại sao lại cần sử dụng bao cao su…
Các mục tiêu SDGs đang đòi hỏi những thay đổi trong cách thức con người sử dụng những gì sẵn có để tất cả chúng ta có thể chung sống lành mạnh trên hành tinh này. Những thay đổi đó không thể xảy ra chừng nào các tình nguyện viên thay đổi chính bản thân họ, và bước ra ngoài kia để – không chỉ kêu gọi mọi người mà còn giúp đỡ mọi người tạo ra những thay đổi.
Nếu chúng ta chỉ dựa vào chính sách của chính phủ, đầu tư của chính phủ và đầu tư công để thực hiện mọi việc, chúng ta có thể sẽ không có đủ nguồn lực để tác động tới tất cả mọi người. Một nguyên tắc rất quan trọng của SDGs là để lại không chừa lại một ai. Bạn không thể làm điều đó mà không có các tình nguyện viên.
Để tính toán đo lường sự thay đổi có khó khăn không?
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà thông tin ở khắp mọi nơi. Những phương thức truyền thống để nắm bắt thông tin, thông qua các cơ quan thống kê hoặc tương tự như vậy, đang được thực hiện rất tốt nhưng cũng tương đối chậm. Nếu chúng ta muốn nhìn thấy những sự thay đổi đang diễn ra, chúng ta cần phải làm quen với việc thu thập thông tin ở khắp nơi, và chuyển nó thành một tập hợp những thông tin hữu ích có thể thúc đẩy sự thay đổi và làm những người có chức trách chịu trách nhiệm về những thay đổi cần thiết.
Chúng tôi đang hướng đến một cuộc cách mạng dữ liệu. Công nghệ thông tin là một công cụ rất hữu ích. Bên cạnh đó có rất nhiều tình nguyện viên đang sẵn sàng để thu thập thông tin và cung cấp dẫn chứng cho những thay đổi cần được thực hiện. Đây cũng có thể là một cách để một quốc gia lập kế hoạch và đánh giá sự tiến bộ của chính quốc gia đó.
Điều ông muốn nhấn mạnh nhất về các mục tiêu SDGs là gì?
Đó là “không bỏ sót một ai”. Điều này không chỉ là về bao gồm các vấn đề như đô thị hóa, biến đổi khí hậu, môi trường và các vấn đề trên hành tinh. Nó còn bao gồm việc bảo đảm mọi người chúng ta đều được tính đến, rằng phụ nữ không còn bị bỏ lại phía sau, rằng những vấn đề là kết quả của nhiều thế kỷ, có lẽ là hàng thiên niên kỷ bị bỏ qua sẽ được tính đến.
Những người trẻ cũng như vậy, họ thường xuyên không được tính đến trong các quyết định chính sách, và cũng thường bị gạt sang một bên trong các tiến trình kinh tế. Họ phải chịu nhiều thiếu thốn từ các dịch vụ xã hội, và thiếu tiếp cận với các cơ hội việc làm hơn so với các phân khúc lao động khác trong xã hội. Nếu đất nước của bạn có hơn 50% thanh niên đang thất nghiệp, hẳn bạn đã gặp phải một vấn đề gắn kết xã hội vô cùng lớn. Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta bắt đầu có sự tham gia của những người trẻ vào việc quyết định, thực hiện các quyết định và phát triển kinh tế.
Đã có những cộng đồng bộ tộc bị bỏ qua. Đã có những người khuyết tật bị bỏ qua. Các mục tiêu phát triển bền vững sẽ chỉ được coi là thành công nếu tất cả những nhóm người này được tham gia đầy đủ và có tiếng nói trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tác giả: Matthew Pace
Nguồn: Devex/ https://www.devex.com/news/volunteers-are-key-to-achieving-the-sdgs-86637
Ảnh: Ông Richard Dictus (bên tay phải), Giám đốc điều hành của UNV tại Goma, Cộng hòa Dân chủ Công-gô trong ngày Quốc tế Người tình nguyện. MONUSCO/Văn phòng hỗ trợ UNV/CC BY-SA