Bài I- Báo động trang thiết bị y tế chắp vá
Hoàng Thiên Nga
Việc mua sắm trang thiết bị y tế kiểu “đầu ngô mình sở” những năm qua đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành, bệnh viện trên cả nước, tới nỗi thanh tra chỗ nào cũng lộ dấu hiệu cố ý làm trái, nhưng cách xử lý nhiều nơi chỉ “giơ cao đánh khẽ”. Thực trạng này trên Tây Nguyên đã rất đáng báo động, vì vừa gây lãng phí ngân sách nghiêm trọng, vừa ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe toàn dân.

Đắk Lắk: Mua máy để … bỏ kho !
Ngày 15/9/2015, Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk công bố Kết luận Thanh tra số 38 về việc mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Sở bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác. Số TTBYT hư hỏng, không đồng bộ trị giá tới nhiều chục tỉ đồng, nhưng các cá nhân sai phạm chỉ phải “họp và kiểm điểm”, khiến dư luận xã hội bất bình sâu sắc.
Chọn hàng kiểu “đầu Âu đuôi Á” !
Sở Y tế Đắk Lắk có 48 đơn vị trực thuộc, gồm 1 trường trung cấp y, 2 chi cục, 20 bệnh viện, 25 trung tâm. Trên cơ sở hồ sơ tài liệu do các đơn vị cung cấp, với thời hạn 45 ngày, Thanh tra tỉnh chỉ làm việc với 33/48 đơn vị đã chi trên 147,88 tỉ đồng mua TTBYT trong 3 năm 2012 – 2014, để rà soát về trình tự, thủ tục mua sắm, kiểm tra thực tế nhãn mác và hiện trạng việc quản lý, sử dụng TTBYT.
Dù chưa kiểm tra tới chi tiết cấu hình bên trong TTBYT, nội dung Kết luận thanh tra cũng đã cho thấy có quá nhiều dấu hiệu làm trái trong các vụ mua sắm này.
Khi mua TTBYT theo kiểu chỉ định thầu, nhiều đơn vị chỉ nộp các bản báo giá chiếu lệ “cho có”, vì bản báo giá được chọn thì có chữ ký của chủ doanh nghiệp, còn các bản báo giá khác thì không. Nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa không ghi rõ quy cách, kích thước và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Với hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi, một số đơn vị đã không cung cấp được tờ khai hải quan, hoặc nộp các tờ khai hải quan bị tẩy xóa phần giá trị tính thuế và phần thuế nhập khẩu. Nhiều loại TTBYT có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sai với hợp đồng đã ký kết.
Bệnh viện đa khoa khu vực 333, ngày 19/11/2014 ký hợp đồng mua 2 máy đo điện tim giá 120 triệu đồng của Cty TNHH TM TTBYT Tây Nguyên, thời gian thực hiện hợp đồng là 60 ngày. Nhưng tới giữa tháng 5/2015 khi đoàn thanh tra đến, máy vẫn chưa dùng được do “bên bán chưa cài đặt xong phần mềm đọc kết quả điện tim”.
Bệnh viện đa khoa huyện Ea HLeo năm 2012 đấu thầu lắp đặt hệ thống khí y tế, hợp đồng ghi nhãn hiệu SMYTH của Mỹ giá 234 triệu đồng, thực tế kiểm tra cho thấy máy không có nhãn mác. Năm 2014 trang bị tiếp máy hút ẩm công nghiệp theo hợp đồng là “công nghệ Nhật Bản chính hãng”, kiểm tra thực tế thấy dán nhãn hiệu Trung Quốc.
Bệnh viện đa khoa huyện Lắk năm 2013 trang bị máy giúp thở kèm máy khí nén khí, giá 558,6 triệu đồng, hợp đồng ghi hãng sản xuất Heyer – Đức. Kiểm tra chỉ thấy màn hình sản xuất tại Đức, còn cục nén khí sản xuất tại Trung Quốc, bộ phận làm ẩm khí sản xuất tại New Zealand.
Bệnh viện Tâm thần tỉnh có máy hút dịch điện Đài Loan, ghi hợp đồng sản xuất năm 2012, nhưng trên nhãn thể hiện máy sản xuất tháng 9/2010.
Trung tâm y tế huyện Ea Súp năm 2012 ký hợp đồng mua TTBYT hơn 651 triệu đồng, không ghi model, hãng sản xuất và xuất xứ TTBYT. Khi giao hàng, đối tác là Cty CP đầu tư và công nghệ Bắc Hà đã thay máy siêu âm kỹ thuật số của Ý bằng máy siêu âm xuất từ Mỹ, thay máy đo bụi của Nhật bằng máy Trung Quốc v.v…
Nơi quá thiếu, nơi mua rồi… bỏ không!
Phóng viên thâm nhập thực tế, nhiều lần nghe các bác sĩ cả 2 khoa Nhi BV ĐK tỉnh Đắk Lắk cho biết thiếu rất nhiều loại máy cần thiết cấp cứu, điều trị cho trẻ em, như máy thở, máy truyền dịch, monitor v.v…Trong khi đó, rất nhiều loại TTBYT trên toàn tỉnh đã bàn giao từ lâu, tới nay vẫn chưa sử dụng, đã hỏng, hoặc thiếu đồng bộ không dùng được. BV huyện Ea Hleo có hệ thống ô xy đã lắp khi dùng khi không, 3 máy châm cứu mua rồi … để đó. Trung tâm Huyết học & Truyền máu có máy miễn dịch hồng cầu dùng ít lâu rồi … thôi, bảo do lỗi phần mềm. Bệnh viện đa khoa huyện Cư Mgar máy soi cổ tử cung giá 90 triệu đồng không sử dụng do “chưa có bác sỹ chuyên khoa sản” ở khoa khám; Bàn mổ phẫu thuật chỉnh hình mua giá 382 triệu đồng không dùng được vì …thiếu kinh phí mua máy C.Arm đồng bộ.


Trung tâm y tế huyện Ea Súp năm 2012 được trang bị nhiều loại máy trị giá hơn 870 triệu đồng, tới nay các máy siêu âm xách tay 2 đầu dò, máy đo bụi môi trường cá nhân, máy điện tim vẫn chưa sử dụng. Còn máy phân tích huyết học và máy sinh hoá bán tự động giá 170 triệu đồng đã “trùm mền” từ tháng 9/2014 tới nay.
Bệnh viện đa khoa huyện M Đrắk năm 2014 được trang bị một nồi hấp tiệt trùng 120 lít do Trung Quốc sản xuất giá 65 triệu đồng, tới nay vẫn … đậy vung để đó “do công suất trên điện áp nguồn lớn”. Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ có máy đo điện tim mua năm 2012, năm 2013 bị hỏng, đem đi sửa chữa đến nay vẫn …chưa đưa về ! Máy khí dung, nồi hấp tiệt trùng, bộ dụng cụ cắt Amidan mua từ năm 2012-2014 tới nay vẫn còn bỏ trong kho.
Bệnh viện đa khoa Krông Năng có nhiều loại TTBYT mua đã lâu không sử dụng được vì thiếu đồng bộ, từ loại “thường thường” như máy cạo vôi siêu âm của Mỹ giá 15 triệu, đèn tiểu phẫu treo tường của Pháp giá 198,5 triệu, tới loại đắt đỏ như dao mổ điện cao tần của Ý giá 210 triệu đồng, bàn mổ đa năng của Đài Loan giá 335 triệu, máy gây mê kèm thở của Đức giá 900 triệu v.v… Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắk từ cuối năm 2012 đã được trang bị hệ thống mổ nội soi của Đức, giá tới 1 tỉ 548 triệu đồng, chưa xài tới. Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2014 đặt tủ ấm CO2 giá 250 triệu, tới nay vẫn… không có bệnh nhân.
Tỉ lệ “trùm mền” đối với khối lượng TTBYT được cấp từ các nguồn dự án của chính phủ do Sở Y tế là cơ quan đầu mối lại càng lớn. Thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra 6/21 trạm y tế xã phường trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột đã phát hiện rất nhiều máy móc chưa sử dụng hoặc chất trong kho, trong đó có nhiều TTBYT có giá trị cao như máy xét nghiệm sinh hóa, máy đo điện tim, máy siêu âm trắng đen…Kiểm tra tại 5 trạm y tế xã ở huyện Cư M’gar phát hiện nhiều TTBYT cất trong kho như máy đo điện tim, bộ hàn sâu răng, bộ kềm nhổ răng người lớn, bộ kềm nhổ răng trẻ em, các thiết bị phục vụ đông y… Bệnh viện đa khoa huyện Cư Kuin thì báo cáo nhiều loại TTBYT tổng giá trị 1,9 tỷ đồng mà dự án cấp như máy đo điện giải điện cực chọn lọc, máy đo độ đông máu cầm tay, máy sinh hóa tự động, máy thở, máy phá rung tim, máy X quang di động, bộ nội soi trực tràng không sử dụng được vì thiếu hóa chất, hư hỏng, thiếu thiết bị bảo vệ v…v…
Giải trình với Thanh tra tỉnh, các đơn vị còn giải thích lý do “trùm mền” TTBYT là do đơn vị chưa có người sử dụng đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định, một số danh mục kỹ thuật y tế mà Trạm y tế có thể thực hiện được thì không được thanh toán bảo hiểm y tế. Một số TTBYT được dự án AP cấp nhưng Trung tâm không có nguồn kinh phí để mua hóa chất, đa số các trạm y tế rất ít bệnh nhân đến khám và điều trị.
Gần 3 tỉ máy tính bỏ kho nhà thầu xây dựng !
Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (BV TN) được tỉnh quyết định xây dựng từ tháng 4/2009 với quy mô 800 giường bệnh, tổng mức đầu tư trên 1.098 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu chính phủ, giao Sở Y tế làm chủ đầu tư. Quá trình xây dựng vấp phải một số thay đổi cơ chế chính sách, nên tháng 7/2015 tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh một số nội dung của dự án. Theo đó, tỉnh giữ nguyên tổng mức đầu tư dù đã cắt giảm nhiều hạng mục xây lắp và dự phòng, đồng thời cho phép Sở Y tế tách riêng chi phí mua sắm TTBYT, đề xuất thêm một dự án nữa cần tới 777 tỉ đồng để mua sắm TTBYT.
Có vẻ những khoản tiền khủng này đã được gõ ra khá dễ dãi, trong khi đến hết kế hoạch năm 2015 nguồn vốn mới bố trí cho Dự án được gần 751,5 tỷ đồng, và thực tế công trình BV TN dang dở có khả năng tới năm 2017 mới đi vào hoạt động, dù con đường nối từ quốc lộ vào BV TN tới nay nhiều đoạn vẫn hoang vắng lầy lội như … lối về buôn làng vùng sâu, chưa rõ bao giờ mới mở rộng nâng cấp cho phù hợp đường vào bệnh viện nghìn tỉ !
Chính vì cách quản lý công sản quá lỏng lẻo dễ dãi, nên từ năm 2010, Sở Y tế mới tự quyết việc dùng tiền gói thầu số 10 của dự án xây BV TN vốn không có nội dung mua sắm máy vi tính thiết bị văn phòng, để mua 111 máy tính để bàn tổng trị giá trên 2,8 tỉ đồng, với giá 23.084.444 đồng/máy, từ Công ty cổ phần Chương Dương (TP HCM)- đơn vị trúng gói thầu này với tổng giá trị 150.999 triệu đồng cho cả 2 phần việc xây dựng và lắp đặt thiết bị, dù họ không có ngành nghề lắp đặt thiết bị và kinh doanh máy vi tính. Theo hợp đồng, công trình phải hoàn thành trước 27/2/2012. Dù gói thầu này tới nay vẫn chưa được nghiệm thu bàn giao, nhưng Sở Y tế đã thanh toán cho nhà thầu trên 128,7 tỉ đồng, đạt 85,3% giá hợp đồng, trong đó đã trả tiền mua máy vi tính trên 2,25 tỉ đồng, dù đống máy này hiện vẫn còn chất trong kho của Cty CP Chương Dương .
Phóng viên hỏi Bs Doãn Hữu Long- giám đốc Sở nhậm chức cuối năm 2013, rằng Sở có ý kiến gì về việc 110 máy vi tính mua từ năm 2010 tới nay còn nằm trong kho? Và về Kết luận Thanh tra số 38 ? Bs Long cho biết Sở đã có Báo cáo số 234 về vấn đề này với UBND tỉnh, rằng nguyên nhân vì các lý do khách quan. Ngày 12/10/2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 7513 đồng ý với đề xuất cho Sở tiếp tục bảo quản cẩn thận số máy vi tính này để lắp đặt đưa vào sử dụng khi công trình hoàn thành dự kiến quý III/2016. Và quan điểm của Sở đối với cả chuyện vi tính lẫn kết quả Thanh tra, là đều sẽ “họp, rút kinh nghiệm”
Điều gây sửng sốt hơn cả về bản Kết luận Thanh tra số 31, là sự lãng phí cực lớn, cố ý làm trái trong việc mua sắm các loại TTBYT chắp vá, hư hỏng, chưa sử dụng tới này lại vẫn được xem là “khuyết điểm“, “sai sót“, và Chánh Thanh tra khi kiến nghị xử lý chỉ yêu cầu “họp, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan” để báo cáo kết quả về Thanh tra tỉnh trước ngày 15/11/2015 ! Việc mua 111 dàn máy vi tính trị giá hơn 2,8 tỉ đồng từ năm 2010 tới nay vẫn chưa lấy về, Sở Y tế cũng chỉ xin “rút kinh nghiệm”.
H.T.N
***
Điều tra “Lãng phí mua sắm trang thiết bị y tế”
Bài 2: Hậu quả giao hàng trăm tỉ thiếu giám sát
Hoàng Thiên Nga
Những cán bộ y tế vừa thiếu chuyên môn nghiệp vụ về quản lý và kinh tế, vừa thiếu đức liêm khiết, được nhà nước giao quyền chủ đầu tư để sử dụng những nguồn tiền hàng trăm tỉ đồng mà không được giám sát cặn kẽ nghiêm khắc, thì xảy ra sai trái là chuyện đương nhiên. Thực tế tại Đắk Nông và Gia Lai minh chứng rõ thêm điều này !
Đắk Nông : Bệnh viện chi trăm tỉ đụng đâu hỏng đó !
Dự án bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông (BV ĐN) được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 10/2004, quy mô đầu tư 500 giường bệnh, đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc thanh quyết toán.

Tháng 12/2011, Kiểm toán nhà nước khu vực VIII có báo cáo cho biết đã cắt giảm giá trị các gói thầu được hơn 3,57 tỉ đồng và kiến nghị xử lý tài chính toàn bộ số tiền này, bằng cách thu hồi nộp ngân sách và giảm trừ thanh toán.
Tổng mức đầu tư BV ĐN sau 2 lần điều chỉnh, được tỉnh trình liên bộ Tài chính- Kế hoạch & Đầu tư vào tháng 7/2013, là trên 243,6 tỉ đồng. Từ đầu năm 2014, Thanh tra tỉnh Đắk Nông bắt đầu vào cuộc thanh tra dự án. Chỉ riêng mảng thiết bị, và trang thiết bị y tế (TTBYT) mà Thanh tra kết luận, đã thấy nhiều chỗ sai to. Hệ thống khí y tế đã thanh toán hết cho nhà thầu gần 8,2 tỉ không cần giữ lại 5% chờ được duyệt quyết toán, dùng chẳng bao lâu bộ phận Oxygene Generator cô đặc ô xy từ khí trời đã hỏng phải sửa mất hơn 92 triệu đồng, tới tháng 10/2013 thì “đứng” luôn không xài được nữa. Hệ thống điều hòa không khí trung tâm đã thanh toán hết hơn 7,6 tỉ cũng liên tục báo hỏng. Mảng thiết bị văn phòng gồm máy móc và phần mềm quản lý bệnh viện đã thanh toán trên 4,8 tỉ, mới biết hỏng không dùng được.
Máy phát điện dự phòng và 5 thang máy giá trúng thầu hơn 6,9 tỉ, được chủ đầu tư nhanh nhảu thanh toán hết cho nhà thầu. Khi Thanh tra đến phát hiện có tới 4/5 chiếc thang máy không còn hoạt động, và bệnh viện từng lập dự toán xin gần 529 triệu đồng chỉ để sửa thang máy hỏng.
Về TTBYT, bệnh viện Đắk Nông đã mua sắm 1.309 món, trong đó có 10 món trị giá trên 5 tỉ đồng đang bỏ kho, 30 món trị giá 3,1 tỉ đồng Sở Y tế điều chuyển cho đơn vị khác, 27 món trên 158 triệu đồng kém chất lượng không sử dụng được, 13 món hơn 316 triệu thì để … thất lạc và bị kẻ trộm lấy mất !
Giữa tháng 1/2015, bản Kết luận thanh tra số 09 được công bố, cho thấy chủ đầu tư là bệnh viện đa khoa tỉnh- mà đứng đầu là bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường giám đốc bệnh viện đã “có những sai phạm với tính chất khá nghiêm trọng “. Tuy nhiên, do Bs Cường đã về hưu, lại cáo ốm, nên Thanh tra tỉnh phải kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì thành lập hội đồng giám định tình trạng sức khỏe của Bs Cường, để “xin ý kiến thường trực tỉnh ủy về quan điểm xử lý cán bộ”. Thân cận giám đốc Cường, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán Nguyễn Đình Nga với các sai phạm liên đới trong thanh toán vốn đầu tư khó thu hồi, cũng đã an toàn về hưu.
Y tế Gia Lai : Thu hồi hơn 11 tỉ đồng bệnh viện tỉnh tự chi !
Vụ tiêu cực trong đấu thầu thuốc gây thiệt hại về tài chính hơn 8,5 tỷ đồng (theo kết luận điều tra) xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai khiến 9 cán bộ đảng viên của Sở này bị khởi tố, truy tố, xét xử nhiều lượt sơ thẩm, phúc thẩm kéo dài từ năm 2011 tới nay chưa có bản án cuối cùng, là bài học đau xót khó quên đối với toàn tỉnh Gia Lai. Chính vì vậy, từ năm 2014 tới nay lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra, rà soát hoạt động tài chính của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc, qua đó tiếp tục phát hiện nhiều sai trái để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, răn đe.

Tháng 12/2014 đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai có bản báo cáo bổ sung số 170 về kết quả kiểm tra việc mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT tại 3 bệnh viện đa khoa An Khê, Ayunpa, BV ĐK tỉnh Gia Lai ( BV GL) . Theo đó, riêng tại BV GL, từ 2005 đến 2013, lãnh đạo BV đã mua sắm, tiếp nhận nhiều trang thiết bị trị giá tổng cộng gần 111 tỉ đồng, thì có tới hơn 11,9 tỉ đồng trang thiết bị đã hư hỏng, gây lãng phí tiền của ngân sách nhà nước. Năm 2013, khi chưa có tiền trả cho nhà cung cấp, BV ĐK tỉnh vẫn tự ý mua sắm trang thiết bị 19 lượt, tổng trị giá trên 1,4 tỉ đồng, vi phạm Thông tư 68 của Bộ Tài chính và Luật Ngân sách nhà nước.
Tháng 3/2015 UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định thành lập đoàn thanh tra, để thanh tra việc sử dụng các nguồn kinh phí của BV ĐK tỉnh giai đoạn 2012-2014, thời hạn thanh tra trong 15 ngày. Sau khi Thanh tra tỉnh nộp Báo cáo số 47, thấy còn nhiều điều chưa được làm rõ, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tiến hành thanh tra bổ sung. Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 15/5/2015 bà Lý Kim Thoa-Chánh thanh tra tỉnh Gia Lai ký văn bản số 130 báo cáo kết quả thanh tra bổ sung. Theo đó, lãnh đạo BV ĐK tỉnh Gia Lai đã để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính và chi thu.

Trong năm 2013 BV GL có dấu hiệu lách luật khi chia nhỏ các gói thầu dưới 100 triệu đồng/lần mua sắm để khỏi đấu thầu với tổng số tiền là 3,688 tỷ đồng, đồng thời duyệt chi mua TTBYT trên 1,4 tỷ đồng, chuyển sang năm 2014 thanh toán. Có những trường hợp trong một ngày BV GL mua thiết bị giá trị trên 100 triệu đồng, đều không đấu thầu mà chi nhiều lần. Việc mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị cũng hết sức tùy tiện. Lãnh đạo BV GL tự ký các hợp đồng lao động vượt mức chỉ tiêu biên chế, rồi tự chi các khoản phụ cấp trái quy định tới hơn 11 tỉ đồng, chỉ sửa chữa các hạng mục bệnh viện trong 3 năm vượt mức dự toán thu chi tới 5,53 tỉ đồng v…v…
Chánh Thanh tra tỉnh kết luận BV GL đã chi sai tổng cộng tới 11.181.312.000 tỷ đồng trong nhiều hạng mục, tự nhận trọng trách thu hồi số tiền này lại cho ngân sách, đề nghị “kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc và chấn chỉnh kịp thời các hành vi sai phạm”. UBND tỉnh Gia Lai đã nhất trí với các kiến nghị do Chánh Thanh tra tỉnh đề xuất.
Thực tế lãng phí về trang thiết bị y tế và và ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành y tế cho thấy, đã đến lúc mọi hành vi sai trái của các cá nhân được giao quyền mua sắm, quản lý công sản đều cần phải được nhà chức trách điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, tới nơi tới chốn. Không thể để kẻ sai trái cứ “xin được kiểm điểm rút kinh nghiệm”, rồi lại tiếp tục làm giàu bất chính trên sinh mệnh và sức khỏe toàn dân.
Từ đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế. Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đăng tải công khai trên trang tin cổng thông tin đấu thầu quốc gia kết quả đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đồng thời phải công khai việc cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, danh sách các đơn vị vi phạm trong kinh doanh và sử dụng trang thiết bị y tế, kết quả thanh kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nay đã gần cuối năm, nhiệm vụ này vẫn chưa được các bên liên quan nghiêm túc chấp hành !
H.T.N.
***
Phó Thủ tướng và Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm về Y tế báo Tiền Phong đã nêu
Chiều ngày 26/10/2015 ông Phạm Ngọc Nghị Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk làm việc với trưởng Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, khẳng định tỉnh sẽ xử lý nghiêm các vấn đề báo Tiền Phong đã nêu về những dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế. Xin lược trích cuộc đối thoại này.
– Thưa Chủ tịch tỉnh, quan điểm của ông như thế nào sau khi đọc các bài báo Tiền Phong đã đăng gần đây, về các dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong công tác đấu thầu thuốc, và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk ?
-Tôi đã đọc kỹ tất cả các bài báo này, trân trọng đánh giá cao, ủng hộ báo chí đóng góp đắc lực vào công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực. Sáng nay 26/11 thường trực UBND tỉnh đã họp bàn, thống nhất và chỉ đạo các bộ phận liên quan tiến hành những phần việc cần thiết, làm rõ các vấn đề báo đã đăng, để có thể xử lý đúng người đúng việc, nghiêm minh. Lãnh đạo tỉnh sẽ không dung túng, bao che, nương nhẹ các cá nhân tập thể sai phạm, nếu kiểm tra thấy các vấn đề báo nêu là đúng.
– Ông nghĩ gì về bản Kết luận Thanh tra số 38, ngày 15/9/2015 về việc mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại Sở Y tế và các đơn vị thuộc Sở, với cách liệt kê cho thấy đã xảy ra rất nhiều sai sót nghiêm trọng khó khắc phục, nhưng phần kiến nghị về xử lý cán bộ lại chỉ yêu cầu ” Tổ chức họp, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan” ?
– Thời gian qua bận nhiều việc, tôi chưa kịp đọc bản Kết luận này. Tôi sẽ đọc. Nếu đúng như báo phản ánh, tôi không đồng ý kiến nghị kiểu “giơ cao đánh khẽ cho tồn tại”, và sẽ tiến hành các giải pháp bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Không thể chấp nhận cách cố ý làm trái rồi xin hứa rút kinh nghiệm là xong! Y tế là một mảng hoạt động quan trọng phục vụ toàn dân, việc báo chí phát hiện sai phạm, cung cấp thông tin cho công chúng và chính quyền hiểu rõ, góp phần quét sạch tiêu cực tham nhũng, giúp ngành y tế phát triển trong sạch vững mạnh là điều không chỉ lãnh đạo tỉnh, mà Chính phủ cũng rất quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cung cấp cho phóng viên văn bản cho thấy sự quan tâm rất cụ thể từ Chính phủ về vấn đề này. Ngày 14/10/2015 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ đã ký công văn số 8374, cho biết Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo xác minh, làm rõ các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng về việc đấu thầu mua thuốc và trang thiết bị y tế tại tỉnh Đắk Lắk và xử lý theo quy định của pháp luật, cáo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2015.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cũng cho biết: Không riêng vì các vấn đề trong lĩnh vực Y tế, mà những vấn đề khác nữa báo Tiền Phong đã đăng, lãnh đạo tỉnh cũng đều đã cho họp các sở ngành liên quan chỉ đạo làm rõ, xử nghiêm. Vụ ” Phân bón giả- Nỗi khổ của nhà nông” tỉnh đã chỉ đạo Ban 389 của tỉnh hợp tác tích cực với Ban 389 quốc gia. Vụ ” Công dân đòi tiền Ban Nội chính tỉnh ủy” đích thân đồng chí Bí thư tỉnh ủy Niê Thuật khi chưa chuyển sang cương vị mới bên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sau Đại hội Tỉnh Đảng bộ mới rồi, cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan khẩn trương làm rõ, trả lời cho báo chí và công dân cùng được biết.
-Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch tỉnh.
Hoàng Thiên Nga thực hiện
Cám ơn Thiên Nga điều tra và hy vọng giúp làm sạch đống rác Thiết Bị Y Tế này.
ThíchThích
Em cảm ơn chị Thiên Nga về bài viết vô cùng chi tiết và bổ ích này.
ThíchThích